Biện Pháp Sử Dụng Di Sản Văn Hóa Dân Ca Quan Họ Bắc Ninh Trong Dạy Học Lịch Sử Ở Trường Thpt Huyện Thuận Thành Tỉnh Bắc Ninh.

Chọn lọc nội dung di sản có thể sử dụng trong dạy học phù hợp với nội dung, hình thức bài học lịch sử. Tránh sử dụng di sản mang tính chất thông báo, trình bày. Chuẩn bị chu đáo, kĩ lưỡng về cả nội dung, phương tiện, thời gian sử dụng… Khi tiến hành các hoạt động với di sản cần hướng dẫn học sinh quan sát, ghi chép cụ thể nêu cảm nghĩ, nhận xét chung, cho HS viết thu hoạch về di sản… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của việc sử dụng di sản đồng thời giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, phát triển kĩ năng tư duy sáng tạo, kích thích trí tò mò tìm hiểu của HS. Học sinh hiểu sâu sắc hơn về di sản và thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ di sản.

2.3. Biện pháp sử dụng Di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong dạy học Lịch sử ở trường THPT huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

2.3.1. Sử dụng Di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong thiết kế chủ đề dạy học

Có thể hiểu, dạy học theo chủ đề là hình thức tìm tòi những khái niệm, tư tưởng, đơn vị kiến thức, nội dung bài học, chủ đề,… có sự giao thoa, tương đồng lẫn nhau, dựa trên mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập trong các môn học thành một chủ đề, nhờ đó HS được hoạt động nhiều hơn để khám phá kiến thức và vận dụng vào thực tiễn. Trong dạy học theo chủ đề, GV không chỉ sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống mà chủ yếu là hướng dẫn HS tự lực tìm kiếm thông tin, sử dụng kiến thức vào giải quyết các nhiệm vụ học tập. Các chủ đề dạy học thường có tính tổng quát, liên quan đến nhiều lĩnh vực, có nội dung tích hợp các vấn đề, gắn với thực tiễn. HS có nhiều cơ hội làm việc theo nhóm, thu thập thông tin từ các nguồn tài liệu. Một trong những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển năng lực của HS. Năng lực chỉ có thể phát triển thông qua hoạt động. Thông qua các chủ đề dạy học, GV kết nối các kiến thức nhằm hình thành, phát triển năng lực cho HS.

Dạy học theo chủ đề có ý nghĩa quan trọng đối với bộ môn Lịch sử ở trường THPT. Các chủ đề không chỉ giúp HS hiểu sâu sắc, hệ thống sự phát triển của lịch sử, mối quan hệ biện chứng giữa sự kiện, hiện tượng lịch sử mà còn mở rộng làm phong phú vốn tri thức; giúp HS biết vận dụng linh hoạt kiến thức đã

học để tiếp thu kiến thức mới và liên hệ, đánh giá thực tiễn cuộc sống. Thông qua học tập các chủ đề, HS được rèn luyện, phát triển kĩ năng tư duy, thực hành bộ môn và các năng lực cốt lõi như: tự học, phát hiện, giải quyết vấn đề; được bồi dưỡng thế giới quan khoa học, phẩm chất, nhân cách (tính chuyên cần, tự học, lòng kiên trì, ý chí vượt khó, hứng thú, đam mê bộ môn…).

2.3.1.1. Nguyên tắc

Khi tiến hành thiết kế chủ đề dạy học cần đảm bảo một số nguyên tắc sau:

Thứ nhất, GV cần lựa chọn những nội dung nổi bật nhưng đảm bảo tính vừa sức tránh đưa quá nhiều nội dung với các số liệu, sự kiện hoặc ghép nối cơ học kiến thức trong sách giáo khoa. Đối tượng và mục tiêu của hoạt động sư phạm là HS và quá trình lĩnh hội tri thức của HS. Vì vậy, GV phải căn cứ vào nội dung, chương trình, sách giáo khoa và đối tượng HS để lựa chọn nội dung chủ đề, phương pháp cho phù hợp với hoạt động nhận thức của HS, đảm bảo mặt bằng chung và chú ý đúng mức đến HS giỏi, HS yếu kém để có giải pháp phù hợp.

Thứ hai, khi thiết kế một chủ đề, GV cũng cần căn cứ vào phân phối chương trình sách giáo khoa lịch sử từ đó xây dựng ý tưởng, xác định mục tiêu, thiết kế nội dung, dự kiến phương pháp, cách thức thực hiện chủ đề phù hợp với mức độ, khả năng nhận thức của HS.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Thứ ba, cần vận dụng, kết hợp đa dạng, hợp lí hệ thống các phương pháp, phương tiện dạy học. Trong quá trình dạy học GV cần sử dụng các phương tiện, phương pháp linh hoạt, phù hợp với nội dung chủ đề với trình độ nhận thức của HS.

Thứ tư, cần đảm bảo và chú ý đúng mức tới việc phát huy tính độc lập, tự giác, chủ động của học sinh, chú ý phát triển năng lực cho các em. Qua đó sẽ thu hút sự chú ý có định hướng, phát huy cao hoạt động độc lập, sử dụng kiến thức đã học để tiếp thu kiến thức mới và vận dụng vào cuộc sống.

Sử dụng Di sản văn hóa Dân ca quan họ Bắc Ninh trong dạy học Lịch sử Việt Nam ở trường THPT huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh - 8

2.3.1.2. Các bước thực hiện

Bước 1. Lựa chọn chủ đề: Việc lựa chọn các kiến thức để ghép thành một chủ đề dạy học đòi hỏi GV cần căn cứ vào rất nhiều yếu tố: không gian, thời

gian, địa điểm tổ chức (trong lớp hay ngoài trời), điều kiện cơ sở vật chất để đạt được mục tiêu dạy học.

Bước 2. Chuẩn bị:

- Đối với GV: Lên kế hoạch dạy học, chỉ rõ các hoạt động tương tác giữa GV và HS, HS với HS hoặc HS với cộng đồng nhằm đạt được các mục tiêu dạy học theo chủ đề trong từng thời gian cụ thể.

- Đối với HS: Ở bước này, HS cần thực hiện một nhiệm vụ học tập hoặc tìm hướng giải quyết vấn đề trong thực tiễn có liên quan đến chủ đề học tập (làm việc cá nhân hoặc làm việc nhóm). Mục đích của bước này nhằm tạo tâm thế học tập cho HS, giúp các em hứng thú với chủ đề học tập. GV cần có sự giám sát, kiểm tra các khâu chuẩn bị của HS trước khi triển khai bước tiếp theo.

Bước 3. Tổ chức các hoạt động học tập cho HS:

Việc tổ chức hoạt động dạy học theo chủ đề được tiến hành cụ thể như sau:

Thứ nhất: Nêu vấn đề, thu hút sự chú ý của HS vào nội dung trọng tâm của chủ đề. Đây là việc quan trọng nhằm tạo “sự trở ngại” của tư duy để định hướng nhận thức cho HS. Mục đích của việc làm này là gây lên sự tập trung, chú ý, kích thích trí tò mò, mong muốn tìm hiểu, khám phá kiến thức của HS. Đây là khâu chuyển giao nhiệm vụ học tập (khởi động) giúp HS xác định rõ nhiệm vụ cần giải quyết khi tìm hiểu chủ đề.

Thứ hai: Cung cấp nguồn sử liệu, hướng dẫn HS tìm hiểu nội dung của chủ đề LS. Đây là khâu then chốt giúp HS khôi phục lại sự kiện, hiện tượng phản ánh nội dung kiến thức của chủ đề. Nguồn sử liệu có thể do GV cung cấp qua bài giảng hoặc HS tìm hiểu qua SGK, tư liệu tham khảo, mạng internet. Đây là cách DH giúp HS tiếp cận với phương pháp nghiên cứu khoa học, chủ động phát hiện, chiếm lĩnh nội dung kiến thức.

Thứ ba: Tổ chức, hướng dẫn HS trao đổi, thảo luận, đánh giá về các sự kiện, hiện tượng. GV cần sử dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp dạy học (trình bày miệng, đồ dùng trực quan, nêu vấn đề, dự án, trao đổi, đàm thoại…), kĩ thuật dạy học (nhóm, đóng vai, khăn trải bàn…) để giúp HS huy động các thao tác của tư duy (phân tích, so sánh, bình luận…) để nhận thức lịch sử; HS báo cáo

kết quả làm việc (nhóm, cá nhân) và thảo luận (toàn lớp) để từng bước hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Cuối cùng, củng cố, kiểm tra hoạt động nhận thức, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS.

Bước 4. Tổng kết kiến thức và hướng dẫn nhiệm vụ học tập ở nhà cho HS: Hoạt động tổng kết nhằm tổng kết các hoạt động HS đã thực hiện. Những kiến thức cơ bản cần được nhắc lại dưới dạng cô đọng, súc tích, nhất là ở các sơ đồ, mô hình, tài liệu trực quan, liên hệ kiến thức đã học với thực tiễn. GV hướng dẫn HS các nhiệm vụ học tập ở nhà, cách đọc các tài liệu tham khảo để bổ sung kiến thức; từ đó giúp các em yêu thích và say mê học tập bộ môn.

Bước 5. Lấy ý kiến phản hồi của HS và những GV tham dự (nếu có) để có sự điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả dạy học

Trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập của HS, GV cần chú ý, bao quát để có sự hỗ trợ các em khi cần thiết.

Ví dụ, khi sử dụng tư liệu DSVH Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong dạy học Lịch sử 10 ở trường THPT có thể thiết kế thành chủ đề học tập như: Văn hóa Việt Nam từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XIX (phần giáo án thực nghiệm); Nghệ thuật dân gian Việt Nam….

2.3.2. Sử dụng Di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh dạy bài nội khóa

2.3.2.1. Nguyên tắc

Đây là hình thức tổ chức dạy học được tiến hành trên lớp trong một không gian nhất định (một lớp học), một thời lượng nhất định (một tiết học), được tổ chức chung cho cả lớp học (một số lượng HS nhất định). Trong hoạt động dạy học trên lớp, GV là người tổ chức trực tiếp, điều kiển hoạt động nhận thức của cả lớp đồng thời cần chú ý đến đặc điểm riêng của từng HS.

Sử dụng DSVH Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong DHLS trên lớp tức là trong dạy học bài học lịch sử dân tộc theo chương trình quy định. Do đó, GV cần xác định chính xác những nội dung kiến thức của lịch sử dân tộc có thể sử dụng DSVH Dân ca Quan họ Bắc Ninh để minh họa, làm sáng tỏ và làm phong phú

hơn nội dung kiến thức của lịch sử dân tộc. Đảm bảo thực hiện mục tiêu môn học, bài học.

Vì bài học được tổ chức trong không gian bó hẹp của lớp học nên nhất thiết GV cần sử dụng các phương tiện thiết bị dạy học hỗ trợ như tranh ảnh, máy tính, máy chiếu, các thiết bị dạy học hiện đại khác, kết hợp với việc sử dụng hài hòa các phương pháp dạy học tích cực để tạo không khí mở, cuốn hút học sinh tích cực tham gia các hoạt động dạy học.

2.3.2.2. Các biện pháp thực hiện

Sử dụng tài liệu DSVH Dân ca Quan họ Bắc Ninh để mở đầu bài học

Trong quá trình tiến hành bài học nội khóa trên lớp, GV có thể kết hợp sử dụng DSVH Dân ca Quan họ Bắc Ninh để mở đầu bài học qua đó tạo hứng thú cho học sinh khi học bài học mới.

Trước khi dạy bài 24, lịch sử lớp 10: Tình hình văn hóa trong các thế kỉ XVI- XVIII” GV có thể cho học sinh nghe một bài Dân ca quan họ, một số hình ảnh về những thành tựu văn hóa như: Tượng phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay, Tượng La Hán chùa Tây Phương... Kết hợp với một số câu hỏi: Đoạn nhạc em vừa nghe là loại hình dân ca nào? Em biết gì về những hình ảnh trên?... Sau đó gợi mở về sự ra đời của dân ca quan họ- một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc biệt trong các thế kỉ XVI-XVIII . Cùng với đó là rất nhiều những thành tựu văn hóa đặc. Việc sử dụng những làn điệu dân ca Quan họ trên vào bài dạy như một lần nhắc nhở, khơi gợi lại cho HS biết về những làn điệu dân ca của quê hương, thêm tự hào về quê hương mình.

Sử dụng tài liệu Di sản văn hóa dân ca Quan họ Bắc Ninh để tạo biểu tượng về các sự kiện lịch sử cơ bản diễn ra trên quê hương.

Trong DHLS, tạo biểu tượng lịch sử là cơ sở đầu tiên giúp HS nắm vững kiến thức cơ bản của bài. Tài liệu về DSVH địa phương nói chung và tài liệu về DSVH Dân ca Quan họ nói riêng phản ánh những mặt cụ thể, sinh động của quá khứ ở các thời kì, nên sử dụng có hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào việc tạo biểu tượng lịch sử dân tộc. Tài liệu về DSVH địa phương càng phong phú thì càng

tạo điều kiện cho HS nhận thức lịch sử, tái tạo hình ảnh sự kiện lịch sử dân tộc một cách đúng đắn và chân thực hơn.

Đối với những sự kiện, hiện tượng ở địa phương được đề cập trong sách giáo khoa, GV sử dụng tài liệu viết về DSVH Dân ca Quan họ Bắc Ninh để cụ thể hóa những sự kiện, hiện tượng lịch sử ở địa phương trở thành sự kiện LSDT, nhằm giúp HS hiểu sâu sắc hơn về những địa danh, những nhân vật lịch sử, truyền thống văn hóa, truyền thống đấu tranh của địa phương.

Ví dụ, khi dạy bài 19, lịch sử lớp 10: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X- XV. Mục I, phần 2 Cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý, GV có thể sử dụng bài hát “Sông Cầu nước chảy lơ thơ”. Phát vấn HS: Làn điệu Dân ca Quan họ trên đã nhắc đến dòng sông nào? Em biết gì về dòng sông đó? Sự kiện lịch sử nào gắn liền với dòng sông? GV kết hợp sử dụng truyền thuyết về Thánh Tam Giang trong các làng Quan họ cổ, để học sinh hình dung rõ hơn về phòng tuyến sông Như Nguyệt, trận quyết chiến trên bờ sông Như Nguyệt. Đồng thời, HS hiểu được hơn về các địa danh ở địa phương “Đền thờ Trương Hống, Trương Hác”, “Ngã Ba Xà”, “Điếm trung quân”, “Bờ xác”…

Biện pháp sử dụng tài liệu Di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh.

Thứ nhất: Biện pháp nêu vấn đề cho học sinh khi học về lịch sử dân tộc.

Khi đề cập đến việc nghiên cứu và vận dụng phương pháp dạy học tiên tiến, không thể không đề cập đến dạy học nêu vấn đề. Đây là một biện pháp hữu hiệu để tạo hứng thú học tập, phát huy tính tích cực học tập của HS. Mục đích của dạy học nêu vấn đề không chỉ là nắm hệ thống tri thức mà còn cả con đường, cách thức chiếm lĩnh tri thức. Vì vậy dạy học nêu vấn đề được xem là phương tiện để rèn luyện năng lực học tập sáng tạo, độc lập giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình lĩnh hội tri thức. Trong dạy học nêu vấn đề, GV cần tạo các tình huống có vấn đề, điều kiển người học giải quyết các vấn đề trong học tập.

Có nhiều bước trong dạy học nêu vấn đề nhưng khâu đầu tiên trong dạy học nêu vấn đề là sử dụng nguồn tài liệu về DSVH địa phương để tạo ra tình huống có vấn đề. Việc làm này đặt HS vào tình huống có vấn đề chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái cần tìm từ đó kích thích nhu cầu giải quyết vấn đề,

hướng các em vào hoạt động tìm tòi, sáng tạo trong quá trình tiếp thu kiến thức mới, vận dụng vào cuộc sống. Ví dụ, trong chương trình LSVN lớp 10, khi dạy bài 20: Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X-XV, mục I: Tư tưởng, tôn giáo. GV có thể đưa ra một số hình ảnh về trang phục Quan họ: Khăn mỏ quạ của liền chị Quan họ, khăn vấn, ô lục soạn của liền anh Quan họ, một số lời quan họ trong các bài quan họ cổ thể hiện quan điểm chữ “Nhân” trong Nho giáo đó đặt ra vấn đề: “Nho giáo có vị trí, vai trò như thế nào trong xã hội ?” GV gợi mở, dẫn dắt học sinh giải quyết vấn đề giúp HS hiểu được rằng Nho giáo với tư tưởng trung quân được đặt lên hàng đầu vì thế nó trở thành công cụ để duy trì và bảo vệ trật tự của xã hội phong kiến, được giai cấp thống trị sử dụng để cai trị nhân dân, đến thế kỉ XV, thời Lê sơ Nho giáo được nâng lên vị trí độc tôn. Mặt khác, Nho giáo nêu lên những nguyên tắc trong mối quan hệ giương cột của xã hội: Quan hệ vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, nêu những đức lớn của người quân tử. Đây chính là căn cứ, cơ sở để thiết lập tôn ti trật tự trong xã hội phong kiến, để rèn đức, luyện tài. Do đó, Nho giáo đã trở thành nội dung trong giáo dục thi cử phong kiến.

Như vậy, thông qua các câu hỏi và cách gợi mở của GV, HS theo dõi SGK và tư liệu GV cung cấp; sau khi phát hiện vấn đề, các em tự lực giải quyết vấn đề là lựa chọn kiến thức cơ bản lý giải cho tình huống đã cho.

Thứ hai, biện pháp tổ chức cho học sinh thảo luận.

Tổ chức thảo luận là một trong những biện pháp dạy học theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm”. Bản chất của phương pháp này thể hiện ở việc GV tổ chức, điều kiển cho HS thảo luận, HS phải tập trung mọi nỗ lực tư duy để trình bày suy nghĩ của mình một cách độc lập. Điều đó có tác dụng rất tốt trong việc phát triển tư duy HS, rèn luyện khả năng ngôn ngữ, tạo cho các em sự tự tin cần thiết. Mặt khác, tổ chức thảo luận trên lớp còn thúc đẩy sự quan tâm lẫn nhau trong học tập, tạo động cơ, kích thích thái độ học tập của mỗi cá nhân và tập thể, giúp HS hiểu và tự đánh giá bản thân.

Có nhiều cách thức tổ chức HS thảo luận. Ví dụ trước khi học nội dung bài 20: Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X-XV trong chương trình lịch sử lớp 10, để tìm hiểu mục III. Nghệ thuật, khoa học kĩ thuật, GV có thể chia HS thành các nhóm khác nhau để tìm hiểu về các công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu ở địa phương như chùa Dâu, chùa Phật Tích, Tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp hay các loại hình sân khâu địa phương như Dân ca Quan họ Bắc Ninh….GV sẽ hướng dẫn các em thu thập tư liệu về các nội dung lựa chọn, sau khi HS chuẩn bị xong, GV cho HS trình bày sản phẩm trước cả lớp. Các nhóm có thể đặt câu hỏi thêm về các nội dung, nhận xét bài làm của nhau.

Thứ ba, tổ chức dạy học theo dự án.

Dạy học theo dự án là một phương pháp dạy học trong đó HS dưới sự hướng dẫn của GV tự lực giải quyết một nhiệm vụ học tập phức hợp, kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, với hình thức làm chủ yếu là theo nhóm. Các nhóm tự xác định mục tiêu, lập kế hoạch và thực hiện dự án, tham gia kiểm tra quá trình thực hiện và đánh giá kết quả. Kết quả là các sản phẩm có thể giới thiệu, trình bày. Qua quá trình thực hiện dự án, HS được tiếp cận với một lượng kiến thức đa dạng, phong phú từ nhiều nguồn khác nhau, sự dụng kiến thức của nhiều môn khác nhau để giải quyết nhiệm vụ được đặt ra. Học sinh còn được rèn luyện nhiều kĩ năng như khai thác, tìm kiếm, lựa chọn thông tin, thuyết trình, trao đổi, thảo luận, đánh giá, nhận xét… Đặc biệt, HS được rèn các kĩ năng sống như kĩ năng giao tiếp, công tác nhóm, trao đổi, chia sẻ thông tin, tự định hướng, tự điều chỉnh và xử lí thông tin… Đây chính là những kĩ năng cần thiết giúp học sinh tự tin và thành công hơn trong cuộc sống.

Để tổ chức, triển khai áp dụng dạy học theo dự án, GV có thể trải qua 5 bước: Chọn đề tài, chia nhóm; Xây dựng đề cương dự án; Thực hiện dự án; Thu thập kết quả; Đánh giá dự án, rút kinh nghiệm

Ví dụ có thể tổ chức dạy học theo dự án với một số chủ đề như: Văn hóa Việt Nam từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XIX hoặc chủ đề: Truyền thống lịch sử tỉnh Bắc Ninh, Văn hóa Bắc Ninh…

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 19/08/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí