Địa danh Thủ Dầu Một: quá trình hình thành, ý nghĩa và các giá trị lịch sử 1900 - 1956 - 2

Thủ Dầu Một. Mặc dù là một đề tài chưa được nghiên cứu sâu nhưng trên thực tế đã có nhiều công trình tiếp cận vấn đề dưới nhiều gốc độ khác nhau mà tác giả ít nhiều đã tham khảo nội dung của những nhà nghiên cứu trước. Các công trình sưu tầm, nghiên cứu về tên gọi Thủ Dầu Một có ba dạng: thứ nhất là những công trình có đề cập hoặc ít, hoặc nhiều đến Thủ Dầu Một trong toàn bộ vùng đất Đồng Nai - Gia Định hay Nam Bộ; thứ hai là các công trình chung về tỉnh, trong đó có đề cập phần nào về tên gọi, ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng đất Thủ Dầu Một; thứ ba là những công trình nghiên cứu sâu về tên gọi Thủ Dầu Một.

Ở dạng thứ nhất, có các công trình tiêu biểu, nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến Nam Bộ, trong đó có Thủ Dầu Một (những yếu tố tác động đến văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến việc hình thành tên gọi Thủ Dầu Một trong lịch sử): Đầu tiên quyển Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726

- 1783), đây là nguồn thư tịch viết vào thời điểm đang diễn ra cuộc khai khẩn, mở rộng vùng đất phía Nam nên cung cấp nhiều sử liệu quý về vùng đất phương Nam như cảnh quan, tài nguyên, dân cư, chế độ ruộng đất, thuế khóa, binh chế… Tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết dưới thời vua Gia Long là bộ sách quý thể hiện ở nhiều phương diện như cương vực địa lý, thành trì, khí hậu và các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đặc biệt là giới thiệu nguồn gốc và lí giải một số địa danh ở Gia Định thuộc vùng đất Nam Bộ. Bộ sách Đại Nam nhất thống chí (1882) của quốc sử quán triều Nguyễn do Đào Duy Anh dịch, nội dung sách là địa chí từng tỉnh trong cả nước Việt Nam và một số lãnh thổ kề cận bấy giờ: Cao Miên (Campuchia ngày nay), Xiêm La (Thái Lan), Thủy Xá, Hỏa Xá, Miến Điện (Myanma ngày nay), Nam Chưởng. Mỗi tỉnh được trình bày theo các mục: cương giới duyên cách (sự thay đổi biên giới và bờ cõi), phân hạt (phân cấp hành chính các phủ, huyện, châu), hình thể, khí hậu, phong tục, thành trì, hộ khẩu, điền phú, sơn xuyên, cổ tích, quan trấn (cửa ải và đồn biển), thị tập (chợ), tân lương (bến đập), lăng mộ, từ miếu, nhân vật, thổ sản, giang đạo (đường sông), tân độ (bến đò)... Đây được xem là bộ địa chí phản ánh đầy đủ nhất các mặt của đời sống dân tộc Việt Nam, trong đó bộ sách có giải thích về

nguồn gốc, ý nghĩa và cách thức biến chuyển của địa danh. Trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Biên Hòa (Đồng Nai, Sông Bé, Bà Rịa, Vũng Tàu) vào năm 1994, Nguyễn Đình Đầu đã trình bày những thay đổi về địa danh hành chính của tỉnh Đồng Nai (khi ấy còn gọi là trấn Biên Hòa, rồi đến tỉnh Biên Hòa) từ năm 1808 đến năm 1994, thời kỳ này Thủ Dầu Một thuộc Bình An. Tác giả đã thống kê những địa danh làng bắt đầu bằng những chữ như: An, Bình, Chánh, Hưng, Long… và giải thích ý nghĩa của chúng. Điều khó khăn là về mặt địa lý - hành chính của vùng đất Thủ Dầu từ xưa đến nay trải qua nhiều lần thay đổi, vì thế trong quá trình nghiên cứu phải tìm hiểu rõ những đổi thay về địa danh, từ đó xác định địa bàn Thủ Dầu Một hiện nay. Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến vùng đất này cần nghiên cứu liên quan đến lịch sử của các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đồng Nai,… Trong tác phẩm: Địa chí Bình Phước của TS. Lê Hữu Phước chủ biên do nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội phát hành năm 2015. Đây là một công trình, tổng hợp một cách hệ thống và khá đầy đủ về lĩnh vực tự nhiên, địa chất, khí hậu, thủy văn, về tài nguyên, đất đai, động vật, thực vật; về cộng đồng dân cư, dân tộc; về địa lý hành chính; về lịch sử các nền văn minh cổ, thời kỳ các chúa Nguyễn, thời kỳ Pháp thuộc, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ xây dựng, bảo vệ tổ quốc và đổi mới; những sự kiện nhân vật lịch sử, hành chính của các huyện, thị. Sách cung cấp cho tác giả nguồn tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Bình Phước nói riêng và vùng đất Thủ Dầu Một nói chung.

Ở dạng thứ hai, tên gọi vùng đất Thủ Dầu Một được đề cập phần nào đó trong các công trình nghiên cứu nhiều mặt về tỉnh, tiêu biểu là các tập địa chí của tỉnh Thủ Dầu Một, địa chí tỉnh Sông Bé và các tập địa chí của tỉnh Bình Dương qua các thời kì lần lượt được xuất bản mà tác giả đã được tiếp cận như: tập địa chí tỉnh Thủ Dầu Một năm 1910, tập địa phương chí tỉnh Thủ Dầu Một năm 1956, đây là hai tập địa chí nghiên cứu rất kĩ về giai đoạn Thủ Dầu Một là một đơn vị hành chính cấp tỉnh, quan trọng hơn trong cả hai tập địa chí điều lý giải về nguồn gốc tên gọi của tỉnh Thủ Dầu Một, làm nguồn tư liệu rất đáng tin cậy trong luận văn. Tiếp theo là công trình nghiên cứu về địa chí tỉnh Bình Dương, trong

đó có: “Tỉnh Bình Dương - Địa phương chí” xuất bản năm 1967 do ty Hành Chánh với sự cộng tác của sinh viên Quốc gia Hành Chánh K-12 biên soạn. Tập Địa phương chí được biên soạn nhằm giới thiệu cho khách tứ phương tất cả những sắc thái đặc biệt của Tỉnh Bình Dương thời kỳ này. Nội dung trình bày khái quát về tất cả các phương diện của đời sông xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, hành chính, văn hóa, xã hội trong giai đoạn này. Trong tâp địa chí này, tác giả đã giới thiệu về tên gọi Thủ Dầu Một với nhiều cách hiểu khác nhau và cả phần ý nghĩa về tên gọi Bình Dương hiện nay. Sau đó là tập Địa phương chí Bình Dương năm 1975 được xuất bản, tiếp theo là công trình: Địa chí Bình Dương toàn tập của PGS.TS Phan Xuân Biên chủ biên xuất bản 2010, trình bày về lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Bình Dương qua các thời kì, phục dựng lại bức tranh kinh tế xã hội của Bình Dương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, còn có Địa chí tỉnh Sông Bé của Trần Bạch Đằng xuất bản năm 1991. Sách trình bày sáu phần chính sau: địa lý tự nhiên, địa lý lịch sử; truyền thống văn hóa; lịch sử đấu tranh cách mạng Sông Bé 1920 - 1945; Sông Bé 30 năm chiến tranh giải phóng - chín năm kháng chiến chống Pháp đơn vị vũ trang đầu tiên. Trong tập Địa chí nhóm tác giả cũng đã trích nguyên văn phần địa chí Thủ Dầu Một năm 1910, trong đó đã trình bày một phần cách lý giải về tên gọi Thủ Dầu Một vào thời kì này.

Về sau còn có các công trình nghiên cứu về lịch sử đảng bộ của địa phương, trong đó có: Lịch sử đảng bộ tỉnh Bình Dương 1930 -1945 do Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương phát hành, Lịch sử đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một, tập 1, sơ thảo 1930 - 1954 do nhà xuất bản Sông Bé ấn hành năm 1986, công trình nghiên cứu đặc điểm của thị xã Thủ Dầu Một; phong trào yêu nước chống thực dân Pháp trước khi có Đảng lãnh đạo cho đến khi Đảng bộ thị xã được thành lập và lãnh đạo kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1930-1945). Sau đó, là tác phẩm Lịch sử đảng bộ thị xã Thủ Dầu Một, tập 2, sơ thảo 1954 - 1975, tác phẩm tái hiện giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhằm góp phần tái hiện phần nào bối cảnh lịch sử trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc, đồng thời phổ biến và giáo dục những truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta,

của Đảng bộ và nhân dân Châu Thành, thị xã Thủ Dầu Một cho thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Minh Đức còn biên soạn công trình Lược sử tên đường Thị xã Thủ Dầu Một, ở đây tác giả giới thiệu lược sử các địa danh, sự kiện lịch sử, danh nhân đã được chọn đặt tên 82 tuyến đường trên địa bàn Thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương.

Ngoài ra, tác giả Nguyễn Văn Bình đã sưu tầm và viết công trình: Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Thủ Dầu Một (1945 - 2010), công trình nghiên cứu về vị trí địa lí, con người, truyền thống đấu tranh yêu nước và lực lượng vũ trang của nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) và trong thời kì xây dựng, bảo vệ tổ quốc (1975 - 2010). Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Bình Dương được công bố: Thủ Dầu Một - Bình Dương đất lành chim đậu của Sở Văn hóa Thông tin Bình Dương biên soạn 1999. Đây là tập tài liệu của nhiều tác giả viết về Bình Dương, tuy còn tản mạn nhưng đã cung cấp khá nhiều tư liệu về nhiều mặt: lịch sử, văn hóa, con người Bình Dương và là nguồn tài liệu tôi tham khảo khá nhiều. Ngoài ra, Thư viện tỉnh Bình Dương còn tập hợp tất cả các bài viết về Bình Dương đã được đăng tải trên các báo. Công trình nghiên cứu xuất bản năm 2017 của tác giả Nguyễn Đình Tư, Địa chí hành chính các tỉnh Nam kỳ thời Pháp thuộc (1859 - 1954), đây là những văn kiện ghi nhận quá trình sắp xếp, điều chỉnh lại ranh giới và tên gọi các đơn vị hành chính từ cấp làng xã đến cấp quận, tỉnh từ đầu thời Pháp thuộc để có được một hệ thống mà ngày nay đa số vẫn còn tồn tại. Số văn kiện này thuộc loại quý hiếm, sẽ giúp ích rất nhiều cho các tỉnh trong việc biên soạn tiến trình thành lập và các đơn vị hành chính qua từng giai đoạn lịch sử liên tục của tỉnh. Những văn kiện cho chúng ta biết được tiến trình phát triển dân số mỗi tỉnh ở Nam kỳ thời Pháp thuộc, qua từng năm hay từng giai đoạn… Những văn kiện bổ dụng các chức vụ đứng đầu mỗi tỉnh suốt thời gian người pháp cai trị đất Nam kỳ… Những văn kiện liên quan đến việc quy hoạch đường sá đi khắp các vùng nông thôn, trong đó, trình bày rất chi tiết về địa lý hành chính tỉnh Bình Dương qua các thời kì lịch sử.

Ở dạng thứ ba, những công trình sưu tầm nghiên cứu chuyên sâu về tên gọi địa danh Thủ Dầu Một. Trong kỷ yếu Hội thảo “300 năm phát triển Thủ Dầu Một - Bình Dương”, Trương Chi tác giả bài viết “Thủ Dầu Một - Bình Dương, tên đất tên làng” đã đưa ra nhận định của cá nhân sau khi đưa ra các luồng ý kiến về vấn đề này trước đó của các nhà nghiên cứu, ông cho rằng nguồn gốc Thủ Dầu Một là do nguyên ngữ Campuchia Tuln Phombốt có nghĩa là “đỉnh đồi cao nhất”, chỉ đỉnh đồi cao nằm ven sông Sài Gòn. Ngoài ra, trong tập thơ văn “Bình Dương hương đất tình người” nhà văn Nguyễn Yên Mô cũng đã có cách giải thích tên gọi Thủ Dầu Một hay nói cách khác đó là sự phát hiện của riêng ông. Tác giả Minh châu, với bài viết Tiếp cận địa danh thủ dầu một: nhìn từ góc độ lịch sử, từ nguyên... (quá trình hình thành và thời điểm xuất hiện), bài viết đã tổng hợp nhiều ý kiến về cách gọi và hiểu về tên gọi Thủ Dầu Một. Ngoài ra, tác giả Nguyễn Minh Giao với bài viết “Về hai tên gọi Thủ Dầu Một và Bình Dương”, lý giải tên gọi Thủ Dầu Một về mặt từ nguyên và xác định thời điểm tên gọi Thủ Dầu Một xuất hiện. Nhìn chung, công trình nghiên cứu về tên gọi Thủ Dầu Một có khá nhiều. Mỗi công trình nghiên cứu nêu trên đề cập một hoặc một số vấn đề có liên quan đến tên gọi Thủ Dầu Một. Hiện chưa có công trình nào đề cập đầy đủ và có hệ thống tổng hợp vì thế trên cơ sở kế thừa những gì các nhà nghiên cứu trước đã tìm hiểu, tác giả sẽ đào sâu nghiên cứu về tên gọi Thủ Dầu Một tâp trung về mặt dân gian và mặt pháp lý cùng các vấn đề có liên quan. Gần đây nhất là các tham luận được đăng trong tập kỷ yếu Hội thảo khoa học: Tỉnh Thủ Dầu Một - 120 năm do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp cùng Trường Đại học Thủ Dầu Một và Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương tổ chức tại Trường Đại Học Thủ Dầu Một ngày 17/12/2020, các tham luận nghiên cứu sâu về địa danh Thủ Dầu Một gồm có:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

- Lịch sử địa danh Thủ Dầu Một: những kiến giải mới của tác giả Nguyễn Văn Giác và Phan Thị Út Nhựt.

- Thủ Dầu Một, một địa danh của tác giả Võ Nguyên Phong.

Địa danh Thủ Dầu Một: quá trình hình thành, ý nghĩa và các giá trị lịch sử 1900 - 1956 - 2

- Nguồn gốc tên gọi Thủ Dầu Một về mặt dân gian và pháp lý của tác giả Nguyễn Thị Tiền (tác giả đề tài).

- Tìm hiểu địa danh Thủ Dầu Một nhân kỉ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Thủ Dầu Một của tác giả Nguyễn Văn Ngoạn và Lê Thị Kim Út.

Mặc dù, mỗi một tham luận tiếp cận vấn đề ở những gốc độ khác nhau nhưng điều là nguồn tài liệu quan trọng để tác giả tham khảo, chọn lọc, đối chiếu, so sánh, từ đó đưa ra nhận định, cách lý giải riêng về tên gọi Thủ Dầu Một.

3. Đối tương nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu luận văn là địa danh Thủ Dầu Một, quá trình hình thành, ý nghĩa và các giá trị lịch sử.

Về phạm vi nghiên cứu, luận văn chủ yếu tập trung nghiên cứu địa danh Thủ Dầu Một, quá trình hình thành, ý nghĩa và các giá trị lịch sử từ khi Thủ Dầu Một được xem là một đơn vị hành chính cho đến khi giải thể tỉnh Thủ Dầu Một tháng 10 năm 1956:

- Phạm vi về không gian: Vùng đất Thủ Dầu Một.

- Phạm vi về thời gian: từ năm 1900 đến năm 1956.

4. Mục đích nghiên cứu

Làm rõ nguồn gốc tên gọi Thủ Dầu Một, quá trình hình thành, từ đó xác định ý nghĩa tên gọi Thủ Dầu Một.

Phân tích các giá trị lịch sử của địa danh Thủ Dầu Một trong đời sống kinh tế - xã hội của cư dân trên địa bàn tỉnh, chứng minh Thủ Dầu Một là vùng đất “Hội tụ - Khát vọng - Lan tỏa”.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong thời gian nghiên cứu và viết đề tài, tác giả đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:

Một là, đề tài thuộc chuyên ngành khoa học lịch sử, do vậy, tác giả sử dụng phương pháp lịch sử làm phương pháp chủ đạo trong quá trình thực hiện luận văn. Tên gọi Thủ Dầu Một được xác định dưới góc độ lịch sử, trong bối cảnh, không gian và thời gian cụ thể. Qua đó, tác giả phác họa lại bức tranh đời sống xã hội của nhân dân Thủ Dầu Một trong khoảng thời gian nghiên cứu. Nói cách khác, người viết còn kết hợp giữa phương pháp lịch sử và phương pháp logic trong quá trình nghiên cứu luận văn để tìm mối liên hệ giữa các sự kiện lịch

sử, nhằm nêu bật nội dung cốt lõi, bản chất của sự vật, sự việc, cố gắng trình bày lịch sử như nó đã từng diễn ra.

Hai là, phương pháp thu thập và xử lý tư liệu, trong đó gồm: tư liệu lưu trữ hành chính từ trước đến nay của các tỉnh, thành phố. Bản đồ các loại về địa hình, hành chính, kinh tế, quân sự… của tỉnh Thủ Dầu Một. Các báo địa phương, sách địa phương chí về địa bàn, các bài báo viết về địa phương, một số tác phẩm văn học viết về địa phương. Các sách lý luận về địa danh học và ngôn ngữ học cũng như nguồn tư liệu từ các loại từ điển khác nhau rất cần thiết cho việc nghiên cứu địa danh. Tư liệu điền dã được người nghiên cứu quan sát, thu thập, ghi chép và chọn lọc trong quá trình đi thực tế.

Ba là, phương pháp thống kê, phân loại, miêu tả. Đây là phương pháp bắt buộc phải có khi bắt tay vào nghiên cứu địa danh và cũng là phương pháp chủ yếu được vận dụng trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Dựa vào nguồn tư liệu đã được thu thập, chúng tôi tiến hành thống kê, phân loại và miêu tả địa danh để làm rõ mục đích đề ra. Từ đó, có thể rút ra đặc điểm riêng của từng loại và đặc điểm chung của địa danh.

Bốn là, phương pháp so sánh, đối chiếu: sử dụng phương pháp so sánh đối chiếu đồng đại để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt của địa danh Thủ Dầu Một với một số địa danh lân cận, bên cạnh đó sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu lịch đại để xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh, quy luật thay đổi tên gọi trong lịch sử.

6. Đóng góp luận văn

Một là, cung cấp, bổ sung nguồn tài liệu lịch sử địa phương của vùng đất Thủ Dầu Một xưa và Bình Dương ngày nay, làm cơ sở cho việc biên soạn, giảng dạy lịch sử địa phương nhằm bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy những thành quả, truyền thống mà các thế hệ cha anh đã xây dựng.

Hai là, góp phần tổng hợp lại các tư liệu đã công bố, giúp cho các nhà nghiên cứu có tư liệu để tiếp tục tìm hiểu sâu về vùng đất Thủ Dầu Một.

7. Cấu trúc luận văn

Về cấu trúc, ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được chia thành 3 chương:

Chương 1: Đặc điểm tự nhiên - kinh tế - xã hội tỉnh Thủ Dầu Một.

Chương 2: Nguồn gốc tên gọi Thủ Dầu Một - ý nghĩa phản ánh những giá trị hiện thực.

Chương 3: Vùng đất Thủ Dầu Một qua các thời kì lịch sử.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/03/2023