Sức Hấp Dẫn Của Di Sản Văn Hóa Chăm Trong Du Lịch

+ Tổ chức cộng đồng: Người Chăm thường sinh sống tập trung trong paley Chăm (làng Chăm). Mỗi paley có khoảng 300 đến 400 hộ gia đình, cùng theo một tôn giáo nhất định, gồm nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Mỗi paley đều có một đơn vị hành chính của làng là: Hội đồng phong tục và Po Paley (Trưởng làng), trong đó, Po Paley là người đóng vai trò rất quan trọng trong Paley. Luật tục Chăm ghi:

“Ếch có nắp đậy hang; Làng có chủ cai quản”.

Po Paley được dân làng bầu, phải là người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, luôn vì mọi người, có lòng vị tha. Đồng thời Po Paley cũng phải là người lao động giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất, gia đình hạnh phúc, con cháu xum họp đoàn kết. Người Chăm ví Po Paley như là cây cao, bóng cả:

“Cây to lan tỏ một lòng,

Xòe ra che mát cho người dừng chân”.

Hội đồng phong tục do dân làng bầu chọn và có nhiệm vụ trông coi về vấn đề phong tục tập quán, tín ngưỡng. Thành viên của Hội đồng phong tục đều là những người có uy tín trong tôn giáo, trong các tộc họ, là người am hiểu tập quán, phong tục lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm, có quyền phân xử những thành viên trong paley vi phạm Luật tục. Trong trường hợp người vi phạm ngoan cố thì khi cha, mẹ hoặc người thân chết, Hội đồng phong tục sẽ cấm các tu sĩ, chức sắc không được cúng lễ và xem như người vi phạm đã bị loại ra khỏi cộng đồng. Người Chăm có tập quán bố trí cư trú dân cư theo bàn cờ. Mỗi dòng họ, mỗi nhóm gia đình thân thuộc hay có khi chỉ một đại gia đình ở quây quần thành một khoảnh hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong làng các khoảnh như thế ngăn cách với nhau bởi những con đường nhỏ. Phần lớn làng Chăm có dân số khoảng từ 1.000 người đến 2.000 người. Mỗi một dòng họ có một chiết Atâu, một Akauk Guăp và một vật tổ riêng. Luật tục Chăm quy định, Akauk Guăp phải là người cao tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong dòng họ, gia đình giàu có, không được có chồng chắp vợ nối.

+ Hôn nhân gia đình: Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại ở người Chăm. Đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong gia đình và gia phả.

Phong tục Chăm qui định con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần (họ nội). Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, đến khi chết đi nhà vợ có trách nhiệm thờ cúng đến hết tang, sau đó mang hài cốt về trả lại cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

+ Nhà cửa: Nhà ở của người Chăm là một quần thể nhà trong một khuôn viên (bây giờ do việc quy hoạch phân lô đất theo kiểu nhà liên kế hẹp nên việc phát triển nhà theo quần thể trong một khuôn viên dần không còn nữa). Mối quan hệ của các nhà trong quần thể này đã thể hiện quá trình tan vỡ của hình thái gia đình lớn mẫu hệ để trở thành các gia đình nhỏ.

+ Trang phục: Có những nhóm địa phương khác nhau với lối tạo dáng và trang trí riêng khó lẫn lộn với các tộc người trong nhóm ngôn ngữ hoặc khu vực.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Trang phục nam: Trang phục cổ truyền: Đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Đó là loại khăn màu trắng có dệt thêu hoa văn màu nhạt (vàng hoặc bạc), ở hai đầu khăn có các tua vải. Khăn đội theo lối chữ nhân. Những vị có chức sắc (tôn giáo), hai đầu khăn có hoa văn màu vàng, tua vải màu đỏ, quấn thả ra hai mang tai. Nam mặc áo có cánh xếp chéo và cài dây phía bên hông (thắt lưng), thường là áo màu trắng, trong là quần soạc, ngoài quấn váy xếp.

Trang phục nữ: Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn. Cách hoặc là phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23 m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng. Nữ mặc áo cổ tròn cài nút phía trước ngực xuống đến bụng, quấn váy xếp (khi àm lễ) hoặc mặc váy ống (thông thường), đầu quấn khăn không ràng buộc về màu sắc.

Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Chăm ở Khánh Hòa - 4

Nhóm Khánh Hòa và một số nơi, phụ nữ mặc quần bên trong áo dài. Có thể thấy đặc điểm trang phục là lối tạo hình áo (khá điển hình) là lối khoét cổ và can thân

và nách từ một miếng vải khổ hẹp (hoặc can với áo dài) thẳng ở giữa làm trung tâm áo cho cả áo ngắn và áo dài. Mặt khác có thể thấy ở đây duy nhất là tộc còn thấy nam giới mặc váy ở nước ta với lối mang trang phục và phong cách thẩm mỹ riêng.

+ Lễ hội

Lễ hội Tháp Bà PoNagar

Lễ hội Tháp Bà PoNagar Nha Trang diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch, tại di tích Tháp Bà PoNagar, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Các hoạt động chính diễn ra trong lễ hội:

Lễ thay y: Nghi lễ được tiến hành ngày 20 tháng 3 Âm lịch. Vị chủ tế dâng trầm hương, nhang, hoa, trái cây và khấn vái. Sau đó, các thành viên trong Ban nghi lễ thay xiêm y, mũ miện để tắm tượng. Nước dùng để tắm tượng được nấu từ rượu với nước và thả các cánh hoa có hương thơm (5 loại).

Lễ thả hoa đăng: Nghi lễ diễn ra ngày 20 tháng 3 Âm lịch. Đoàn rước từ tháp xuống xóm Bóng và đến đàn tế lễ bên dòng sông Cái. Cầu siêu xong, các thuyền trên sông đốt nến thả đăng khiến cho một khúc sông trở nên lung linh, huyền ảo.

Lễ cầu Quốc thái dân an: diễn ra sáng ngày 21 tháng 3 Âm lịch, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa chủ trì lễ cúng. Lễ hoàn kinh, cúng thí thực: Nghi lễ diễn ra trưa ngày 21 tháng 3 Âm lịch.

Dâng lễ Mẫu: Nghi lễ diễn ra giờ Tý ngày 22 tháng 3 Âm lịch để dâng hương lễ Mẫu.

Tế lễ cổ truyền, lễ Khai Diên và lễ Tôn vương: diễn ra ngày 23 tháng 3 Âm lịch, đoàn tế lễ gồm các hào lão và người dân Cù Lao (Xóm Bóng) dâng lễ theo nghi thức cổ truyền; Đoàn Tuồng biểu diễn lễ Khai Diên và Tôn vương ở sân khấu.

Múa Bóng và Hát văn: Diễn ra trong suốt các ngày lễ hội. Do diện tích trong tháp nhỏ, hẹp nên hạn chế số người vào tháp, các thành viên còn lại của đoàn đứng hầu lễ Mẫu ở sân tháp Chính. Sau đó các đoàn biểu diễn múa Bóng và hát Văn ở sân khấu trước Mandapa. Bên cạnh đó, trong những ngày diễn ra lễ hội còn có những buổi biểu diễn các tích tuồng cổ liên quan đến Thiên Y A Na Thánh Mẫu … luôn thu hút bà con nhân dân đến xem trong suốt dịp lễ hội.

Điệu múa đã được gắn với địa danh đi vào lịch sử với tên gọi xóm Bóng, cầu Xóm Bóng và đi vào thơ ca, nằm sâu trong tiềm thức nhiều người:

Ai về xóm Bóng quê nhà

Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?

Thể thường tre lụy còn măng

Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành…

Mô tả về múa Bóng, Quách Tấn đã từng viết: “Người múa toàn là con gái. Áo xiêm rực rỡ; đầu đội, người cỗ hoa tươi, kẻ đèn lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp. Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, đanh lộn nhịp nhàng dưới ánh đuốc ánh đèn hừng hẩy. Họ múa rất khéo và rất tài. Chẳng những đôi tay đôi chân luôn luôn cử động, vừa dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn luôn ngửa nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay không hề dịch, dường như có những bàn tay vô hình nâng đỡ. Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục”.

Đối với múa Bóng của người Chăm: “Trình thức này có phần múa là đặc biệt của Shiva giáo. Trong ba vị thần Tân Bàlamôn chỉ có Shiva là thần múa với điệu múa thiêng nổi tiếng và có tướng múa.

Ghi nhận những giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở di tích Tháp Bà Nha Trang, năm 2012, lễ hội Tháp Bà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Tháp Bà là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm trong lịch sử. Thông qua lễ hội, du khách trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử, về những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất Khánh Hòa.

Lễ hội Am Chúa – Diên Khánh

Theo quan niệm dân gian, tháng ba là tháng Vía Bà “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Lễ hội Am Chúa từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch hàng năm và diễn ra theo một diễn trình truyền thống: Lễ mộc dục (tắm tượng), lễ tam hiến trơn, lễ tế chính, hát văn Mẫu, tế Nữ quan, lễ cúng Hậu thường, nghi thức dâng hương và múa Bóng.

Ngày xưa, “vào các dịp cúng xuân thu nhị kỳ trong năm ở Am Chúa, quan đầu tỉnh là người có trách nhiệm tổ chức và đứng ra làm chủ lễ với các hình thức rất trang trọng theo quy định của triều đình. Điều này càng khẳng định vị trí của tín ngưỡng Thiên Y A Na đối với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương mang yếu tố văn hóa tộc người trong quá khứ cũng như hiện tại ở Khánh Hòa là rất sâu đậm”. Điều này lại càng khẳng định vai trò to lớn của Am Chúa trong hệ thống di tích và tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na.

Theo truyền thuyết của người Việt, ngày Bà giáng trần (hạ giới) tại Am Chúa là ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch, và ngày Bà thăng thiên (bay về trời) tại Tháp Bà là ngày 23 tháng 3 âm lịch. Nơi hiển Nhân và chốn hiển Thánh của Mẫu là hai di tích đặc biệt quan trọng của người Việt và người Chăm. Tuy nhiên, để phù hợp với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của mình, người Việt đã Việt hóa rất nhiều yếu tố văn hóa cũng như đối tượng thờ cúng của người Chăm, chính sự tiếp biến văn hóa này tạo nên sự đa dạng trong sắc thái văn hóa tại Tháp Bà. Còn di tích Am Chúa là do người Việt xây dựng để thờ Mẫu Thiên Y, nên các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng đối tượng thờ cúng ở đây thuần Việt. Nhưng chúng gặp nhau trong tâm thức thờ Mẹ – Mẫu Thiên Y A Na, người độ trì, che chở cho muôn dân Khánh Hòa; hoạt động thờ cúng Mẫu của người Việt và người Chăm tại hai di tích tạo nên nét văn hóa đặc sắc, sức sống mãnh liệt và bền vững.

Qua các truyền thuyết, truyện kể dân gian đến thờ phụng thể hiện sự tiếp nối liên tục về văn hóa, tín ngưỡng, Am Chúa đã mang trong mình những giá trị của hai nền văn hóa Chăm – Việt. Tuy rằng có những dấu ấn khác nhau, song phải khẳng định hình tượng Thiên Y A Na là một sáng tạo của người Việt, có cội nguồn từ hình tượng Pô Nagar của dân tộc Chăm và đều xuất phát từ hình tượng hiện thân cho người mẹ sáng tạo muôn loài.

Am Chúa là di sản văn hóa tiêu biểu, ở đó thể hiện được tâm lý, quan hệ xã hội, nhận thức thế giới tự nhiên, sự sáng tạo các giá trị về văn học, nghệ thuật dân gian. Cho đến nay, Am Chúa vẫn còn bảo lưu được những yếu tố văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Việt – Chăm. Sự hòa hợp thần linh Việt – Chăm được thể hiện rõ nét nhất ở Lễ hội Am Chúa, đó là sự hòa quyện giữa hai nền văn hóa tâm

linh hầu như đã được nhất thể hóa. Điều đó nói lên khả năng tích hợp và thái độ dung hòa, rộng mở của người Việt xưa ở Khánh Hòa trong việc tiếp thu tinh hoa của nền văn hóa khác; được lưu truyền trong dân gian “Am Chúa hiển Nhân, Tháp Bà hiển Thánh”.

Cùng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, năm 1999 Am Chúa được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.

1.1.3. Sức hấp dẫn của di sản văn hóa Chăm trong du lịch

Di sản văn hóa Chăm ở Khánh Hòa là một chứng nhân lịch sử của một thời kỳ lịch sử hưng thịnh của dân tộc Chăm, ngày nay di sản văn hóa Chăm ở Khánh Hòa còn là biểu tượng của vùng đất và con người Khánh Hòa. Những giá trị của di sản văn hóa Chăm đã và đang trở thành một sản phẩm của hoạt động du lịch đặc thù đó là đền tháp Chăm, các phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, những nếp sinh hoạt đời thường của dân tộc Chăm. Những sản phẩm do người dân Chăm làm ra không chỉ hữu ít phục vụ trong sinh hoạt đời thường mà nó có sức hấp dẫn khách du lịch có thể kể đến ,đó là: sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gốm sứ, sản phẩm từ nghề dệt truyền thống…

1.2. Tổng quan các tài liệu nghiên cứu

1.2.1. Những nghiên cứu về văn hóa Chăm ở Khánh Hòa

Văn hóa Chăm là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa Việt Nam. Ở Khánh Hòa từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm tiêu biểu có thể kể đến: “Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt ở Khánh Hòa” tác giả Nguyễn Văn Bốn đề cập tới về sự tiếp biến văn hóa Việt - Chăm qua tín ngưỡng này, đồng thời nhận diện những giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Khánh Hòa được đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương hiện nay, “Diện mạo văn hóa một vùng đất” của Chi hội Văn nghệ dân gian Khánh Hòa gồm 10 tập (4 tập đã xuất bản từ năm 1998-2004) là công trình lớn của nhiều tác giả giới thiệu về Khánh Hòa thông qua các biểu hiện văn hóa vật thể và phi vật thể, “Địa danh gốc Chăm ở Khánh Hòa” của Nguyễn Viết Trung [80] đề cập đến các địa danh có nguồn gốc của nền văn minh Chăm trên vùng đất Khánh Hòa, “Với Khánh Hòa – một cái nhìn địa văn hóa” của GS.Trần Quốc Vượng đã

nêu được mối quan hệ giữa yếu tố địa lý, đặc biệt là địa hình liên quan đến việc hình thành những nét văn hóa của vùng đất này, “Một số thành tựu văn hóa Chăm pa ở Khánh Hòa” của Nguyễn Công Bằng (2000) công trình nghiên cứu về các giá trị của công trình đền tháp Ponagar và các giá trị văn hóa Chăm trong đời sống của người dân Khánh Hòa nói chung và dân tộc Chăm nói riêng, “Tháp Bà trong lịch sử dân tộc” cùng tác giả Nguyễn Công Bằng đăng trong tạp chí Văn nghệ Dân gian Khánh Hòa – Tác giả, tác phẩm, Hội văn học Nghệ thuật Khánh Hòa.

1.2.2. Những nghiên cứu, giới thiệu về du lịch văn hóa Chăm ở Khánh Hòa

Những công trình nghiên cứu về du lịch tại Khánh Hòa có thể sơ lược một số công trình nghiên cứu tiêu biểu: Luận văn thạc sĩ “Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa biển đảo Khánh Hòa” của Phạm Thị Hà Phương tác giả đề cập đến phát triển du lịch biển đảo gắn với du lịch văn hóa, Luận văn thạc sĩ “Phát triển du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) theo hướng bền vững” của Đào Thị Bích Nguyệt trình bày về các giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững, Luận văn thạc sĩ “Bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng tỉnh Khánh Hòa trong hoạt động du lịch”của Đỗ Phương Trang đề tài tập trung giải quyết thực trạng khai thác và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng ở Khánh Hòa. Trên cơ sở đó, luận văn đã nêu vai trò của hoạt động du lịch trong bảo tồn và phát huy di tích, Luận văn thạc sĩ “Phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ở thành phố Nha Trang” của Huỳnh Ngọc Phương đề tài đi sâu vào điều tra, đánh giá thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại các làng nghề truyền thống ở Nha Trang và tác động của hoạt động du lịch đến kinh tế - xã hội môi trường.

Từ những công trình nghiên cứu của các tác giả nêu trên có thể nhận thấy cho đến nay chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu chuyên sâu về du lịch văn hóa Chăm phục vụ cho phát triển du lịch. Chính vì lẽ đó cần có một công trình nghiên cứu sâu về du lịch văn hóa Chăm, đây chính là tiền đề để tác giả chọn Đề tài “Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa Chăm ở Khánh Hòa” như một đóng góp nhỏ trong việc đưa ra những phân tích về thực trạng phát triển cũng như những giải pháp để biến du lịch văn hóa Chăm trở thành một loại hình du lịch quan trọng của du lịch Khánh Hòa.

1.3. Tổng quan lý luận nghiên cứu

1.3.1. Di sản văn hóa

Di sản văn hóa được định nghĩa theo nhiều hướng khác nhau: Căn cứ theo tính chất lưu truyền đã biến văn hóa của thế hệ trước trở thành di sản văn hóa của thế hệ sau. Vì vậy, di sản văn hoá chính là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do một cộng đồng người sáng tạo và tích luỹ trong một quá trình lịch sử lâu dài và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau.

Theo cách hiểu thông thường, di sản văn hóa được quan niệm như sau: Di sản văn hóa là tài sản quý của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta [55.tr4]. Ngoài ra, di sản văn hóa còn được giải thích mang tính luật định như sau: Di sản văn hoá bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa

Việt Nam1.

Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

1.3.2. Di tích lịch sử văn hóa

Trong hiến chương Venice – hiến chương quốc tế về Bảo tồn Trùng tu di tích và di chỉ (năm 1964), tại điều 1 có định nghĩa. Di tích lịch sử không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn cả các khu đô thị hoặc nông thôn trong đó được tìm thấy bằng chứng của một nền văn minh cụ thể, phát triển quan trọng hay một sự kiện lịch sử.




1 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật di sản văn hóa, 2013.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 18/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí