bản thân và cơ quan. Do đó, ở giai đoạn thương lượng, công chức đó nhất trí với mọi thỏa thuận từ phía người bị thiệt hại đưa ra. Chính việc làm này đã khiến người bị thiệt hại không yêu cầu CQNN tiếp tục bồi thường theo trình tự, thủ tục được quy định trong Luật TNBTCNN. Mặc dù việc làm này pháp luật không cấm nhưng có thể kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực, đặc biệt là việc người bị thiệt hại vẫn có quyền yêu cầu cơ quan hành chính bồi thường trong thời hiệu mà pháp luật quy định trong trường hợp họ không hài lòng với số tiền bồi thường nhận được do người thi hành công vụ tự bỏ tiền của mình ra để bồi thường.
Hai là, việc người bị thiệt hại không hợp tác, thiện chí tham gia lương lượng bởi tại giai đoạn xác minh thiệt hại đã thể hiện sự chênh lệch quá lớn giữa mức tiền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại với kết quả xác minh thiệt hại của cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Do đó, khi được mời đến để thỏa thuận, người bị thiệt hại đã cố tình không đến. Phần vì ức chế. Phần vì không hiểu quy định của Luật TNBTCNN về khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết bồi thường. Để được Tòa án thụ lý giải quyết, người bị thiệt hại phải có quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường, mà để ra được quyết định đó, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải căn cứ vào kết quả thương lượng có chữ ký của các bên theo quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật. Tình trạng này dẫn đến hai hệ quả, là người dân vẫn không được giải quyết bồi thường, còn cơ quan có TNBT thì không đủ cơ sở để ra quyết định giải quyết bồi thường, chấm dứt thủ tục giải quyết tại cơ quan gây ra thiệt hại.
Ví dụ điển hình như vụ việc của ông N.N.A yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận bồi thường thiệt hại do việc ban hành và tổ chức cưỡng chế nhà, đất sai đối tượng, dẫn đến thiệt hại và lợi tức trên đất và nhiều năm ròng rã đi khiếu kiện, được UBND tỉnh Ninh Thuận giải quyết khiếu nại bằng Quyết
định giải quyết khiếu nại 07/QĐ-UBND ngày 02/01/2014. Theo đó, khẳng định việc khiếu nại hành vi của thành viên UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký ban hành các quyết định về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại và cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cục Công nghiệp Tháp Chàm trái pháp luật là có cơ sở. Trong vụ việc này, ông A được Nhà nước bồi thường thiệt hại trên đất do hành vi trái pháp luật gây ra theo Luật TNBTCNN và đền bù đất theo Luật Đất đai 2008. Để bồi thường Nhà nước cho ông, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Tư pháp giải quyết, bồi thường cho ông. Tuy nhiên, khi mời ông đến thương lượng, lần thứ nhất ông A đến và bỏ về, không ký vào biên bản thương lượng; lần thứ hai, ông không đến thỏa thuận với lý do không nhất trí với mức bồi thường nhà nước và yêu cầu bồi thường cả thiệt hại và tiền đất kết hợp là 39 tỉ. Việc này gây khó khăn cho UBND tỉnh Ninh Thuận trong việc ra quyết định giải quyết bồi thường vì chưa có kết quả thương lượng.
2.2.2.6. Thực trạng thiệt hại được bồi thường
Việc xác định loại thiệt hại được bồi thường nhằm mục đích bù đắp những tổn thất không chỉ về vật chất mà cả về tinh phần cho người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN chưa sát với thiệt hại thực tế mà người bị thiệt hại và gia đình phải gánh chịu. Hơn nữa, theo quy định tại Hiến pháp 2013 thì rất nhiều quyền của công dân được ghi nhận, do đó, việc quy định các loại thiệt hại được Nhà nước bồi thường như hiện nay là chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, chưa bảo vệ hết các quyền con người, quyền công dân mà bản Hiến pháp mới đang hướng tới, thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc. Ví dụ cụ thể như trường hợp thiệt hại thực tế đối với ông N.K.C như đã nêu ở ví dụ trên khi có khó khăn trong việc xác định cơ quan có TNBT cho ông. Đối với ông C sau 4 năm học đại học
nhưng do việc khởi tố oan dẫn đến việc ông không được thi tốt nghiệp và không thể đi làm. Do đó, thiệt hại ông phải gánh chịu không chỉ là thiệt hại đối với việc chưa được tốt nghiệp đại học mà còn cả thiệt hại do việc không có công việc do chưa có bằng tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, pháp luật về BTNN mới chỉ quy định những thiệt hại chung chung về tinh thần và vật chất mà chưa quy định mở rộng sang mọi loại thiệt hại cũng cần phải được bồi thường.
Bên cạnh đó, thiệt hại thực tế còn rất lớn khi có những trường hợp người thăm nuôi, kêu oan cho người bị thiệt hại cũng bị thiệt hại thì có được xem xét để bù đắp phần nào thiệt hại không? Ví dụ vụ án oan của ông C, tỉnh Bắc Giang nêu trên. Vợ ông đã 10 năm đi tìm kẻ giết người thực sự để minh oan cho chồng, bệnh tật, kiệt quệ về kinh tế, xã hội dè bỉu khiến bà phát bệnh tâm thần. Hai con trai của ông C thì bỏ học, không công ăn việc làm. Gia đình ông tan nát. Như vậy, ngoài việc Nhà nước phải bồi thường với những thiệt hại gây ra cho bản thân ông, thì, gia đình ông cũng phải được Nhà nước bồi thường phần nào những đau thương, mất mát không đong đếm được đó. Tuy nhiên, pháp luật về BTNN chưa quy định đối với loại thiệt hại này. Nếu có, mà quy định về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại đó như việc yêu cầu chứng minh mình bị ngồi tù oan sai thì vẫn không đáp ứng được về những thiệt hại được bồi thường trên thực tế. Ngoài ra, Luật TNBTCNN quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi đã có văn bản của CQNN có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, chi phí mà người bị thiệt hại phải bỏ ra để có được văn bản đó như chi phí đi khiếu nại, khởi kiện, tố cáo, thuê luật sư bào chữa, chi phí tàu xe, ăn ở trong quá trình khiếu kiện… lại chưa được Luật quy định là một loại thiệt hại được bồi thường. Các thiệt hại này đương nhiên được coi là thiệt hại thực tế.
Bên cạnh việc bồi thường các loại thiệt hại được liệt kê trong Luật TNBTCNN, các quy định về việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại
chưa ổn khi chỉ xin lỗi ở nơi ở hoặc ở cơ quan là chưa đáp ứng được yêu cầu khôi phục danh dự của người bị thiệt hại. Đối với thiệt hại do tổn hại về tinh thần thì việc quy định trong pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa bù đắp được thiệt hại do việc người oan, sai có người thân bị thiệt hại mà bị thiệt hại về tinh thần, tâm tư, tình cảm. Vậy người thân của người bị thiệt hại cũng cần phải được pháp luật về BTNN bảo vệ quyền được khôi phục danh dự của họ.
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Điểm Mới Của Luật Tnbtcnn So Với Các Văn Bản Quy Định Trước Đây
- Thực Tiễn Áp Dụng Luật Tnbtcnn Và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành
- Hạn Chế Về Trình Tự, Thủ Tục Giải Quyết Bồi Thường
- Nhận Diện Một Số Sai Phạm Của Người Thi Hành Công Vụ Dẫn Đến Thiệt Hại Giúp Người Dân Nhận Thức Và Tự Bảo Vệ Quyền
- Mục Đích Ban Đầu Khi Ban Hành Đao Luật Riêng Về Bồi Thường Nhà Nước Không Đạt Được
- Mở Rộng Các Loại Thiệt Hại Được Bồi Thường
Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.
2.2.2.7. Thực trạng việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường
Trên thực tế, có thể do tâm lý e ngại hoặc định kiến với cơ quan gây ra thiệt hại cho mình nên có một số trường hợp người bị thiệt hại đã khởi kiện thẳng ra Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường mà không thực hiện theo trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường tại cơ quan có TNBT. Thêm vào đó, do chưa có quy định cụ thể về việc Tòa án chỉ thụ lý vụ án giải quyết bồi thường khi vụ việc đó đã được giải quyết tại cơ quan có TNBT nên khi nhận được đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường, một số Tòa án đã thụ lý, giải quyết bồi thường và tuyên luôn mức bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định, đồng thời, bên gây ra thiệt hại phải chi trả tiền bồi thường như một nghĩa vụ của bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên. Chính tình trạng này đã khiến cho một số Tòa án khi thụ lý yêu cầu bồi thường của người dân đã có sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật để giải quyết bồi thường. Cụ thể là, thay vì bác đơn yêu cầu bồi thường đối với những vụ việc chưa được giải quyết bồi thường thông qua thương lượng bắt buộc giữa người bị thiệt hại và cơ quan có TNBT, thì một số Tòa án đã thụ lý và giải quyết vụ án ngay và cơ sở pháp lý để áp dụng lại là Bộ luật dân sự chứ không phải là Luật TNBTCNN. Hệ quả của việc nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật đó là những vụ việc giải quyết bồi thường theo quy định của BLDS sẽ không được sử dụng kinh phí bồi thường Nhà nước theo quy định.
2.2.2.8. Việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại còn nhiều bất cập
Thực tiễn giải quyết bồi thường cho thấy, việc cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường chưa được thực hiện kịp thời. Trên thực tế, việc chi trả tiền bồi thường kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường là một khoảng thời gian rất dài và mệt mỏi, thường kéo dài từ 4 tháng đến 1 năm, cá biệt có những vụ việc kéo dài đến gần hai năm. Còn có thực trạng cơ quan có TNBT khi được cấp kinh phí bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại lại không thực hiện chi trả ngay, theo đúng phương thức thanh toán nêu trong quyết định giải quyết bồi thường. Vấn đề đặt ra rằng có hay không cơ quan có TNBT khuất tất trong việc sử dụng tiền chi trả bồi thường để sử dụng cho việc cá nhân.
2.2.2.9. Chưa đủ tính răn đe trong việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của công chức gây ra thiệt hại
Trong năm 2013, mặc dù số tiền bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật lên tới 38.467.392 nghìn đồng, nhưng số tiền hoàn trả lại đạt tỷ lệ rất thấp, cụ thể, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đã thực hiện đối với 08 vụ việc (trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự), với tổng số tiền là 233.756.000 đồng. Cụ thể, trong hoạt động quản lý hành chính có 01 vụ việc với số tiền hoàn trả là 25.000.000 đồng; trong lĩnh vực thi hành án dân sự có 07 vụ việc với số tiền hoàn trả là 208.756.000 đồng. Kết quả này cho thấy, so với các vụ việc Nhà nước đã chi trả tiền bồi thường, việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả đạt tỷ lệ thấp (8 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả trong tổng số 25 đã giải quyết bồi thường xong trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án,
đạt tỷ lệ 32%). Trong lĩnh vực tố tụng, đến nay chưa có vụ việc nào phải hoàn trả, tuy nhiên, do Luật TNBTCNN đã quy định trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động tố tụng hình sự chỉ đặt ra trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý, trong khi thực tế, các vụ việc đã giải quyết bồi thường xong trong hoạt động tố tụng hình sự chủ yếu được xác định là do lỗi vô ý của người thi hành công vụ nên không phát sinh trách nhiệm hoàn trả [18, tr.24].
Có thể thấy trên thực tế việc xem xét TNHT của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại chưa được thực hiện nghiêm khắc và nhanh chóng, chưa bảo đảm tính giáo dục, răn đe đối với công chức Nhà nước. Đối tượng là công chức gây ra thiệt hại có trách nhiệm hoàn trả đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc tại CQNN, hiện nay, đang là một vấn đề nhức nhối trong việc yêu cầu đối tượng này tự giác thực hiện trách nhiệm hoàn trả của mình. Có trường hợp khi người có trách nhiệm hoàn trả nghỉ hưu được cơ quan có TNBT thông báo đến lần thứ 3 về việc hoàn trả mà vẫn cố ý không thực hiện thì cơ quan có TNBT phối hợp với bảo hiểm xã hội để trừ dần vào lương hưu hàng tháng. Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho người này không hợp tác. Do đó, chỉ còn một phương án duy nhất là khởi kiện ra tòa theo thủ tục TTDS, mà điều này thì không cơ quan Nhà nước nào muốn thực hiện.
2.2.2.10. Một số hạn chế khác
Theo quy định của Luật TNBTCNN thì nguyên tắc chung về xác định cơ quan có TNBT, theo đó, pháp luật Việt Nam xác định mô hình cơ quan thực hiện TNBTCNN là mô hình phân tán. Trên thực tế đã cho thấy mô hình giải quyết bồi thường này có nhiều bất cập, khuyết điểm, cụ thể là người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp sẽ gặp khó khăn trong việc xác định cơ quan nào là cơ quan có TNBT. Bên cạnh đó, TNBT không phải là một công việc có tính chất thường xuyên nên khó bảo đảm tính chuyên nghiệp, do đó, cơ quan
có TNBT sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng và khó bảo đảm thời hạn giải quyết bồi thường luật định vì những cơ quan có TNBT không phải là cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, vấn đề xác định lỗi nên là trách nhiệm của Nhà nước thay vì của người bị thiệt hại. Trên thực tế, khi người dân bị gây ra thiệt hại, người dân lại phải tự đi làm bằng mọi cách để có văn bản xác định lỗi của người thi hành công vụ. Việc buộc người dân phải chứng minh lỗi của người thi hành công vụ là chưa phù hợp bởi lẽ Nhà nước đã gây thiệt hại cho người dân thì đó là vấn đề nhà nước cần phải chứng minh mình có lỗi và phải bồi thường chứ không phải là việc người bị thiệt hại phải chứng minh ngược lại lỗi đó của Nhà nước. Rõ ràng Nhà nước là bên gây thiệt hại, Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện mọi biện pháp để khắc phục hậu quả do công chức của mình gây ra, ngay cả việc tự xác định lỗi của bản thân.
Nhận thức của cơ quan có TNBT và người bị thiệt hại còn hạn chế thể hiện ở việc nhiều cơ quan do chưa thực sự hiểu đúng tinh thần các quy định của Luật TNBTCNN nên đã dẫn tới tình trạng né tránh việc thực hiện TNBT hoặc không thực hiện đúng thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật. Sau 4 năm thi hành Luật, thực tế cho thấy hiện nay vẫn tồn tại tình trạng một số cơ quan áp dụng chưa đúng, chưa thống nhất quy định của pháp luật về TNBTCNN như việc một số Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án về BTNN trong khi vụ việc chưa được giải quyết thông qua thủ tục thương lượng tại cơ quan có TNBT, dẫn đến việc không áp dụng được thủ tục cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN, gây khó khăn cho cơ quan có TNBT và gây bức xúc cho người bị thiệt hại. Bên cạnh đó, có một số cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết khiếu nại lần 2 đối với quyết định, hành vi của cơ quan có TNBT cấp dưới lại xác định luôn pháp luật áp dụng để giải quyết bồi thường trong quyết định
giải quyết khiếu nại của mình. Điều này đã khiến cơ quan có TNBT gặp khó khăn trong việc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết bồi thường bởi không phải trường hợp nào cơ quan cấp trên cũng xác định đúng pháp luật áp dụng. Trường hợp cơ quan cấp trên khi giải quyết khiếu nại lại xác định không đúng pháp luật áp dụng để giải quyết bồi thường sẽ kéo theo hệ quả là cơ quan có TNBT gặp lúng túng bởi một bên là chỉ đạo của cơ quan cấp trên và một bên là quy định của pháp luật cần áp dụng đúng.
Bên cạnh việc hạn chế trong nhận thức của chính các CQNN khi thực hiện TNBT thì thực tiễn đã cho thấy, nhận thức pháp luật về TNBTCNN của một bộ phận người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí nhiều người dân còn chưa biết đến có Luật TNBTCNN. Có thể nói đến nguyên nhân sâu xa hơn của tình trạng này là chính bởi hoạt động tuyên truyền, phổ biến chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Đến nay, hoạt động tuyền truyền, phổ biến Luật TNBTCNN mới chủ yếu được thực hiện đến đối tượng là cán bộ, công chức mà còn thực hiện rất hạn chế đến đối tượng là người dân. Thậm chí tại một số địa phương, do hiểu chưa đúng đắn về các quy định của Luật TNBTCNN cũng như chưa thực sự nắm bắt được những tinh thần đổi mới của Luật so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đó nên phát sinh tâm lý e ngại và cho rằng nếu tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN đến người dân thì sẽ làm phát sinh nhiều khiếu kiện yêu cầu bồi thường. Hệ quả của tình trạng này là đến nay, vẫn còn một bộ phận lớn người dân không biết đến Luật TNBTCNN để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, hoặc đến khi biết đến Luật và thực hiện quyền của mình thì lại đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường mà Luật quy định. Cũng vì chưa hiểu biết về Luật nên về phía người bị thiệt hại, trong một số vụ việc mặc dù cơ quan có TNBT đã thiện chí, chủ động giải quyết nhưng lại gặp phải sự thiếu hợp tác của người bị thiệt hại, dẫn đến việc giải quyết bồi thường bị chậm trễ.