Vận Dụng Dạy Học Dự Án Để Tổ Chức Tham Quan Học Tập Tại Di Sản Văn Hóa Cố Đô Hoa Lư

Bài học tại di sản được tiến hành ngoài trời, HS cần di chuyển tới một không gian mở không bó hẹp như ở trong lớp học. Bên cạnh những lợi ích của bài học này mang lại thì còn nhiều vấn đề đặt ra khi tổ chức. Vì vậy, GV cần cân nhắc cẩn trọng trong khâu chuẩn bị cho bài học từ lựa chọn địa điểm, chuẩn bị kiến thức liên quan đến bài học, đến vấn đề thời tiết, tài chính, sự an toàn cho HS cả lớp, thông báo cho gia đình HS về kế hoạch học tập tại di sản…

Để chuẩn bị cho bài “Tìm hiểu di sản Cố đô Hoa Lư ở di tích lịch sử Đền vua Đinh - vua Lê” tại di tích Cố đô Hoa Lư trong dạy học LSĐP:

Đối với giáo viên:

+ Lập kế hoạch trình lên lãnh đạo nhà trường và phổ biến cho HS ngay từ đầu học kì I, ấn định ngày giờ cụ thể cho bài học.

+ Liên hệ với ban quản lí di tích, nêu rõ mục đích, yêu cầu đối với HS để tạo được điều kiện thuận lợi. Phối hợp giữa ban quản lí di tích và nhà trường sắp xếp bố trí trước, trong và sau bài học.

+ Để định hướng nhận thức của HS, GV chuẩn bị một số nội dung yêu cầu HS tìm hiểu trước: như tìm hiểu về các nhân vật lịch sử có liên quan đến di tích (vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Hoàn, Thái hậu Dương Vân Nga...)

+ GV chuẩn bị trò chơi lịch sử thông qua phiếu hoạt động của HS.

+ Biên soạn tài liệu và phiếu hoạt động. Việc biên soạn nội dung bài học phải dựa trên các tài liệu tham khảo chính thống (như tài liệu hướng dẫn dạy học LSĐP của Sở giáo dục và đào tạo, sách chuyên khảo của các nhà nghiên cứu địa phương, tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Hoa Lư), đây là cơ sở quan trọng cho việc định hướng nội dung, tiến trình bài học tại di sản. Nội dung này phải đảm bảo làm rõ kiến thức trọng tâm, tính chính xác và thể hiện được mục tiêu của bài học về lịch sử địa phương. Nội dung tài liệu về LSĐP tại Trung tâm khu di tích Cố đô Hoa Lư là một nguồn tư liệu khoa học và quý giá mà GV lịch sử có thể liên hệ khai thác để xây dựng nội dung phục vụ cho bài học tiến hành tại di sản.

Đối với HS, những em được phân công tìm hiểu tư liệu lịch sử phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Khi đến di tích, cần tuân thủ nội quy, mặc đồng phục, không gây ồn ào, đồng thời chú ý quan sát hiện vật, lắng nghe, ghi chép đầy đủ… Tìm hiểu

một số vấn đề cơ bản thông qua hoạt động trò chơi lịch sử. Về nhà viết bài thu hoạch sau khi học tập tại di sản theo yêu cầu của GV.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

c. Vận dụng linh hoạt khâu ổn định lớp với tạo tình huống và nêu nhiệm vụ nhận thức.

Việc ổn định HS được thực hiện không chỉ đầu giờ mà cần duy trì suốt thời gian tiến hành bài học, đặc biệt là bài học được tiến hành tại một không gian rộng mở là thực địa tại di sản.

Sử dụng di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư trong dạy học Lịch sử địa phương ở lớp 10 trung học phổ thông tỉnh Ninh Bình - 11

Sau khi di chuyển từ nhà trường đến nơi tập trung ở di tích, HS cần được tập trung để nghe nhắc lại một lần nữa về quy định của buổi học. GV và HS thực hiện lễ dâng hương tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, thể hiện sự thành kính, tri ân đối với các anh hùng của dân tộc. Đối với bài học tại di sản, GV không kiểm tra bài cũ mà thay vào đó là hoạt động tạo tình huống có vấn đề để dẫn dắt, kích thích sự tò mò của HS có tâm thế nghiêm túc bước vào bài học. Đối với bài học này, GV có thể đóng vai là hướng dẫn viên du lịch xây dựng tình huống nêu vấn đề như sau:

Ninh Bình là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời. Theo thống kê năm 2005, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 78 di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng. Trong đó nổi bất là di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư. Đến với cố đô Hoa Lư chúng ta sẽ được khám phá vùng đất bao la, hùng vĩ của núi rừng, với những thắng cảnh tuyệt đẹp làm say đắm lòng người, không chỉ vậy không gian dường như đưa ta trở lại với đất nước Việt Nam thời đầu lập quốc, qua việc khám phá kinh đô cũ với một chút hoài cổ và niềm tự hào vô bờ. Một trong những điểm đến nổi tiếng nơi đây là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành nổi bật với nét uy nghiêm, cổ kính và tồn tại như một nhân chứng lịch sử hào hùng trên vùng đất cố đô xưa”. Tiếp đó, GV giới thiệu khái quát về sự ra đời của di tích, giúp HS hiểu được quá trình xây dựng và được đầu tư tôn tạo cũng như ý nghĩa của nó. “Năm 2012, nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2014, cũng với Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa kép đảm bảo cả hai yếu tố là thiên nhiên và văn hóa. Đó là nội dung bài học hôm nay chúng ta cùng tìm

hiểu”. Sau đó, GV nêu lên tình huống và bài tập nhận thức giúp HS định hướng được nhiệm vụ, yêu cầu học tập đối với buổi học:

+ Đặc điểm kiến trúc đền vua Đinh và đền vua Lê có những nét gì nổi bật? Tại sao vua Đinh lại chọn Hoa Lư làm nơi định đô? Nhưng tại sao đến thời vua Lý Thái Tổ lại quyết định dời đô?

+ Thông qua nhận định của Lê Văn Hưu: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống (Theo Đại Việt sử ký toàn thư), em hãy đánh giá công lao của vua Đinh Tiên Hoàng đối với lịch sử dân tộc.

+ Tìm hiểu thực trạng việc bảo tồn di tích Đền vua Đinh - vua Lê hiện nay và suy nghĩ của em về việc bảo vệ và phát huy DSVH địa phương.

Bài học LSĐP được tiến hành tại di sản ngoài ý nghĩa to lớn về tính trực quan, cụ thể còn một số vấn đề cần lưu ý, đó là vì thực hiện trong một không gian rộng mở, linh thiêng nên trước khi tiến hành tiết dạy, GV khéo léo tổ chức lễ dâng hương trước đền thờ đã tạo cho HS thái độ học tập nghiêm túc và tâm thế sẵn sàng bước vào tìm hiểu nội dung bài học. Việc tạo tình huống học tập và nêu lên nhiệm vụ nhận thức của GV như trên cùng với vận dụng linh hoạt khâu ổn định lớp góp phần định hướng cả lớp tập trung vào nhiệm vụ học tập mà không bị xao nhãng bởi không khí, môi trường học ở xung quanh.

d. Tổ chức HS khai thác hiện vật, chứng tích ở di tích lịch sử để tạo biểu tượng lịch sử

Di tích lịch sử là nơi chứa đựng các phương tiện trực quan quý giá như các hiện vật, cổ vật, chứng tích, địa hình thực… từ đó hình thành nên khái niệm lịch sử một cách vững chắc. Việc quan sát trực tiếp dấu vết, hiện vật tại di sản sẽ có tác động sâu sắc đến thái độ và hành động của HS. Tuy vậy, do một số yếu tố về thời gian, điều kiện bảo quản mà một số các hiện vật bị hư hại nên nó chưa thể khôi phục đầy đủ bức tranh của quá khứ. Vì vậy, để cụ thể hóa các sự kiện lịch sử, GV

cần bổ sung thêm các đồ dùng trực quan tạo hình (tranh ảnh, hình vẽ, phim…) hoặc đồ dùng trực quan quy ước khác (bản đồ lịch sử, niên biểu, đồ thị, sơ đồ …).

Ví dụ: Long sàng trước Nghi môn ngoại và Long sàng trước Bái đường đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là một trong những bảo vật độc đáo, được công nhận là bảo vật Quốc gia cuối năm 2017. Bởi vậy, hướng dẫn HS quan sát tìm hiểu về Long sàng đá tại đền thờ vua Đinh là một trong những hoạt động học chính ở đây. GV cho HS quan sát và đặt ra các câu hỏi gợi mở: Long sàng được làm bằng chất liệu gì? Hình dáng và kích cỡ ra sao? Hãy miêu tả và rút ra nhận xét về hình họa tiết được trang trí trên mặt Long Sàng. Dưới sự hướng dẫn của GV, HS quan sát, thảo luận và rút ra câu trả lời. Sập Long Sàng bằng đá được trang trí bằng họa tiết hình rồng, đó là hình ảnh một con rồng hay còn gọi là độc long. Hai bên có hai con nghê chầu bằng đá xanh nguyên khối có niên đại 400 năm (TK XVII) được chạm khắc đơn giản, hình khối mộc mạc chắc khỏe gợi lòng sùng kính đối với vua Đinh.

Thông qua việc tổ chức khai thác, tìm hiểu hiện vật Long sàng như trên giúp HS khám phá được giá trị nghệ thuật kiến trúc của kinh đô Hoa Lư xưa và tài hoa, trí tuệ của các nghệ nhân chạm khắc đá ở tỉnh Ninh Bình trong lịch sử.

e. Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của HS:

Phát huy tính tích cực của HS là yêu cầu, mục tiêu và là điều kiện để thực hiện các hoạt động dạy học với DSVH ở bài học LSĐP. Việc học tập đạt kết quả tốt khi bản thân HS tích cực và chủ động tham gia vào quá trình dạy học. Bởi vậy, khi tổ chức dạy học tại di sản, GV cần ưu tiên kết hợp các phương pháp dạy học tích cực giúp HS phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của mình. Để thực hiện được mục tiêu này, GV có thể vận dụng kiểu dạy học nêu vấn đề kết hợp với trao đổi, thảo luận, trực quan và phối hợp các dạng tổ chức hoạt động học tập (cá nhân, toàn lớp, nhóm) một cách linh hoạt.

Khi tiến hành dạy học tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, GV sẽ dẫn dắt HS cả lớp đi qua Ngọ môn quan (cổng ngoài) nằm ở phía bắc của đền. Phía bên trên cửa có bức đại tự “Bắc môn tỏa thược” (có nghĩa là: cửa Bắc khóa chặt). GV nêu câu hỏi: cửa Bắc khóa chặt – theo các em câu này có hàm ý gì? HS: suy nghĩ trả lời theo ý hiểu của mình. GV: nhận xét và chốt lại: Cửa Bắc khóa chặt - với ý nghĩa tránh gió hướng bắc, đồng thời cũng mang hàm ý khi vua Đinh lên ngôi thì chấm dứt thời

kỳ đô hộ của phương bắc nhưng các thế lực phong kiến phương bắc vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Vì vậy, nó còn có ý nghĩa sâu xa là “Đề phòng giặc phương bắc”. Bốn chữ của các bậc tiền nhân dặn dò khắc trên cổng phía Bắc Cố đô Hoa Lư tuy ngắn gọn nhưng đầy hàm ý sâu xa nhắc nhở các thế hệ Việt Nam yêu nước sau này luôn phải đề cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu bành trướng, xâm lược của các thế lực phương bắc.

Bài học LSĐP khi tiến hành tại di sản mở ra khả năng nhận thức tương đối toàn diện với HS không chỉ do điều kiện mở rộng về không gian, thời gian, khả năng khai thác tư liệu của DSVH mà còn có thể tích hợp liên môn đem lại nhiều hiểu biết khác nhau cho các em. Vì thế, ngoài được giáo dục kiến thức về LSĐP và lịch sử dân tộc, các em còn có cơ hội thể hiện và phát huy trình độ hiểu biết của mình trong một không gian lớp học mở.

Trong bài học LSĐP tại di sản Cố đô Hoa Lư, có thể kết hợp sử dụng kiến thức liên môn với trao đổi, thảo luận của HS. GV tập trung HS trước cổng đền vua Đinh và đưa ra một số câu hỏi để HS suy nghĩ, trao đổi, thảo luận, viết kết quả.

GV chia lớp thành hai đội: Đội Cờ lau: trả lời câu hỏi “Em biết gì về Đinh Tiên Hoàng? Đánh giá công lao của ông đối với dân tộc?”; Đội Bạch Đằng: trả lời câu hỏi “Em biết gì về Lê Hoàn? Đánh giá công lao của ông đối với dân tộc?”. HS: Hai đội thảo luận nhớ lại kiến thức đã học, cử nhóm trưởng trả lời câu hỏi. GV: yêu cầu đại diện của hai đội HS để trả lời câu hỏi.

GV: kết luận, liên hệ kiến thức lịch sử dân tộc ở bài 17 (SGK lịch sử 10): Sau khi đánh bại cuộc xâm lược của quân Nam Hán, năm 939 Ngô Quyền xưng vương, bắt tay xây dựng chính quyền mới, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh- Hà Nội). Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), nhà Ngô suy vong, đất nước bị chia cắt do cục diện “loạn 12 sứ quân”. Từ vùng đất Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp yên nội loạn, thống nhất được đất nước. Năm 968, ông ngôi Hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị sát hại. Nhân cơ hội đó, giặc Tống lăm le xâm lược nước ta. Trong bối cảnh đó được sự ủng hộ của quan quân triều đình, Thái hậu Dương Vân Nga đã tôn Lê Hoàn lên làm vua lập ra nhà Tiền Lê. Lê Hoàn đã chỉ huy cuộc kháng chiến chống Tống, đánh tan quân xâm lược Tống ngay trên vùng Đông Bắc.

Tích hợp với kiến thức âm nhạc: Tổ chức cho học sinh nghe bài hát “Cờ lau tập trận” của nhạc sĩ Khánh Vinh và đưa ra câu hỏi: “Bài hát trên nói về ai?”, “Nội dung bài hát thể hiện điều gì?”. Sau đó, GV cho HS diễn lại trò chơi “Cờ lau tập trận” để HS thấy được tinh thần thượng võ của Đinh Bộ Lĩnh.

Tích hợp với môn Ngữ văn: GV giới thiệu không chỉ các nhạc sĩ mà nhiều nhà văn nhà thơ cũng đã tốn không ít giấy mực để ca ngợi về Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Dương Vân Nga. Sau đó đưa ra nhiệm vụ: “Em biết những câu chuyện, bài thơ nào ca ngợi Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn, Dương Vân Nga?”. HS: đại diện HS kể chuyện hoặc đọc thơ mà học sinh đã được giao nhiệm vụ.

Hoặc ở hoạt động sau thời gian các nhóm tự tìm hiểu khám phá, GV tập trung HS để tiếp tục bài học. Giáo viên đặt câu hỏi: “Việc nhân dân ta xây dựng, tu sửa đền thờ vua Đinh và vua Lê thể hiện điều gì?” (Tích hợp với môn Giáo dục công dân). Việc nhân dân ta xây dựng tu sửa hai ngôi đền để tưởng nhớ công lao của hai vị anh hùng dân tộc là Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn.

GV: “Vậy các em cần phải làm gì để tỏ lòng biết ơn đối với các vị anh hùng dân tộc?”. HS: Mỗi chúng ta cần phải có những hành động thiết thực để giữ gìn, bảo vệ, phát huy, truyền bá những di tích lịch sử, văn hóa của quê hương đất nước. Qua tìm hiểu đôi nét về Cố đô để giúp các em hiểu thêm về lịch sử triều đại Đinh - Tiền Lê và các nhân vật lịch sử nơi mà các em đang sinh sống và học tập, từ đó giáo dục cho các em truyền thống yêu quê hương, biết ơn và có những hành động thiết thực khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tích hợp kiến thức môi trường: Giúp các em có những kỹ năng sống tích cực, biết bảo vệ môi trường có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ tôn tạo cố đô Hoa Lư nói riêng và các di tích lịch sử nói chung. GV: “Nêu thực trạng bảo tồn giữ gìn những di tích văn hóa ở địa phương em đang sống?” HS: Thành lập các đội để giữ gìn cảnh quan cho các di tích trên địa bàn mà các em sinh sống và học tập.

Tích hợp kĩ năng sống: GV nêu tình huống: “Trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung nếu em bắt gặp những hành động thiếu tôn trọng các di sản văn hóa như vứt rác bừa bãi, bán hàng không đúng nơi quy định… thì em sẽ làm gì?” HS: suy nghĩ và trả lời theo ý kiến chủ quan của mình. GV: có thể gọi một

vài học sinh nêu lên suy nghĩ và hành động của mình sau đó giáo viên định hướng cho học sinh nhằm giúp học sinh có thái độ, hành động đúng đắn phản đối các hành động xâm phạm tới các DSVH của Ninh Bình và Việt Nam cũng như trên thế giới. Có thái độ kính trọng, biết ơn và có những hành động thiết thực đối với việc tôn tạo bảo tồn các DSVH.

g. Kết thúc bài học linh hoạt, sáng tạo

Để giúp HS nắm vững nội dung bài học, GV có thể kết hợp với hoạt động ngoại khóa: Tại khu di tích Cố đô Hoa Lư, sau khi tổ chức các hoạt động cho HS tìm hiểu một số di sản chính, GV dành thời gian cho HS tự tìm hiểu theo sở thích, có thể chia thành nhiều nhóm hoạt động theo những công việc khác nhau (Thời gian là 30 phút)

Nhóm 1: HS quan sát hình rồng trên sập Long Sàng sau đó cho học sinh vẽ lại hình rồng và kiến trúc đặc sắc của đền vua Đinh. Ghi chép, thống kê hiện vật, tư liệu liên quan đến đền vua Đinh và vua Lê.

Nhóm 2: HS trao đổi, gặp gỡ các cán bộ khu di tích để tiếp tục tìm hiểu kiến trúc đền vua Lê. Yêu cầu học sinh theo dõi, ghi chép lại để về viết bài thu hoạch.

Sau thời gian các nhóm tự tìm hiểu khám phá theo yêu cầu, GV tập trung HS để củng cố, luyện tập, kiểm tra hoạt động nhận thức, đánh giá giờ học, ra bài tập về nhà…

Như vậy, để thực hiện một bài học LSĐP tại DSVH Cố đô Hoa Lư, GV cần tuân thủ quy trình thể hiện qua các biện pháp nêu trên, trong đó nội dung các hoạt động của từng biện pháp có phát huy hiệu quả hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn và sáng tạo của GV.

2.3.1.3. Vận dụng dạy học dự án để tổ chức tham quan học tập tại di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư

Tổ chức tham quan học tập là hình thức hoạt động nội khóa có thể nhằm giải quyết hai mục tiêu, một là nhằm củng cố kiến thức đã học hoặc là chuẩn bị cho việc học bài mới. Đối với tham quan học tập nhằm chuẩn bị cho việc học kiến thức mới thì phương pháp dạy học theo dự án là một ưu điểm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và năng lực sáng tạo cho HS. Hay nói cách khác, áp dụng dạy học dự án để tổ chức bài học nội khóa tại DSVH nhằm tích cực hóa hoạt động của HS.

Đây là hình thức dạy học trong đó người học phải thực hiện một dự án, thực chất là một tình huống, một nhiệm vụ học tập dựa trên năng lực có sẵn của mình và các lý thuyết, thực hành sẵn có. “Học theo dự án là hoạt động học tập nhằm tạo cơ hội cho HS tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực học tập và áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế cuộc sống” [25; tr.125]. Trong dạy học dự án, HS chủ động tìm vấn đề, xác định mục tiêu, lập kế hoạch, đưa ra cách giải quyết vấn đề, thực hiện, tự đánh giá, điều chỉnh và tạo ra các sản phẩm để có thể báo cáo, thuyết trình. Quá trình này đòi hỏi cá nhân nỗ lực cao kết hợp với hoạt động nhóm nhằm mang lại sản phẩm mang tính hiệu quả nhất có thể của cả nhóm.

Các bước của bài học theo dự án là: Lập kế hoạch, xác định chủ đề, giao nhiệm vụ (các tiểu chủ đề) cho các nhóm trước khi tiến hành buổi tham quan học tập. HS cần nghiên cứu tài liệu về di sản trước khi bài học diễn ra. Các em cần làm việc nhóm, hình thành các tiểu dự án theo sự phân công cụ thể. Các bước tiếp theo các nhóm HS tiếp tục khai thác, tìm kiếm và xử lí thông tin tại di sản để thực hiện nhiệm vụ của mình (có thể dưới sự tổ chức của GV). GV là người định hướng, hỗ trợ, giúp HS giải đáp vướng mắc khi xảy ra các tình huống khó khăn. GV cũng là người sơ duyệt trước nội dung sản phẩm của các nhóm trước khi báo cáo và tổ chức, có thể điều hành buổi báo cáo dự án. Vận dụng dạy học dự án để tổ chức tham quan học tập tại di sản yêu cầu HS phải tự trình bày sản phẩm của mình, phải có kĩ năng phản biện, tranh luận để bảo vệ thành quả hoạt động nhóm cũng như chính kiến của mình.

Hoạt động tham quan học tập tại di sản là dịp để HS có điều kiện trực tiếp quan sát, tìm hiểu các tài liệu, hiện vật liên quan đến bài học, cụ thể hóa kiến thức và tạo những biểu tượng chân thực, chính xác. Do đó, GV cần hướng dẫn HS tập trung vào những tài liệu, hiện vật có liên quan đến nội dung đã học (hoặc sẽ học).

Như vậy, nếu sử dụng linh hoạt hình thức dạy học dự án tổ chức tham quan học tập tại di sản văn hóa này có thể phát huy được ưu điểm của cả 2 hình thức dạy học nội khóa ở trên lớp và dạy học tại di sản.

Ở đây chúng tôi vận dụng dạy học dự án để tổ chức tham quan học tập tại DSVH Cố đô Hoa Lư thông qua 3 bước chính:

Bước 1: Chuẩn bị dự án (Xây dựng ý tưởng; lựa chọn chủ đề, tiểu chủ đề; Lập kế hoạch các nhiệm vụ học tập), trong đó GV có thể sử dụng một tiết sinh hoạt lớp

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 27/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí