Các yếu tố khác: Về cơ bản, các yếu tố trên đã đầy đủ cho các nhà bán lẻ triển khai hoạt động bán lẻ điện tử. Tuy nhiên, để bán lẻ điện tử thành công, cần nhiều yếu tố hơn, như có chiến lược kinh doanh đúng, tư duy kinh doanh mạch lạc, bộ máy lãnh đạo biết nhìn xa trông rộng, phân tích cạnh tranh và phân tích tài chính thấu suốt. Các yếu tố như đảm bảo cơ sở hạ tầng phù hợp, trong đó cơ sở hạ tầng công nghệ ổn định, có thể mở rộng, có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề trực tuyến và phi trực tuyến của các hoạt động giao dịch điện tử. Một số năng lực cần thiết (ví dụ năng lực logistics và phân phối) có thể đạt được thông qua các liên kết hợp tác với bên ngoài. Việc cung ứng hàng hóa có chất lượng với giá hợp lý và dịch vụ tốt, phối hợp và tích hợp chéo các kênh, trong đó khách hàng hầu như có thể hoạt động liên tục giữa môi trường trực tuyến và môi trường vật lý của doanh nghiệp cũng là các yếu tố quan trọng trong thành công của bán lẻ điện tử. Với nghĩa đó, kênh bán trực tuyến và kênh truyền thống không khác nhau xa. Tuy nhiên, nhà bán lẻ điện tử có thể cung cấp thêm các dịch vụ mở rộng mà nhà bán lẻ truyền thống không thể cung cấp được.
2.2. Hàng hóa và kế hoạch mặt hàng trong bán lẻ điện tử
2.2.1. Đặc điểm hàng hóa trong bán lẻ điện tử
Về nguyên tắc, những gì bán được ở các cửa hàng truyền thống thì có thể bán được qua các kênh trực tuyến. Tuy nhiên, phụ thuộc vào nhiều điều kiện, như hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, hạ tầng sản xuất, phân phối, vận tải… mức độ phù hợp của các loại hàng hóa đối với bán lẻ điện tử không phải như nhau. Quá trình phát triển của bán lẻ điện tử cho thấy, thời gian đầu, các nhà bán lẻ điện tử bán chủ yếu các sản phẩm thuộc các nhóm hàng như: sách, nhạc và phim DVD, tạp phẩm, trò chơi và phần mềm, thiết bị điện tử và máy tính, du lịch, quần áo. Về sau, nhà bán lẻ điện tử mở rộng các mặt hàng, nhóm hàng và các dịch vụ khác. Những mặt hàng, nhóm mặt hàng có các đặc điểm sau có khả năng bán tốt trực tuyến:
- Hàng hóa có thương hiệu được thừa nhận rộng rãi, hàng hóa được bảo hành bởi những người bán hàng được tin cậy cao hoặc nổi tiếng.
- Sản phẩm số (nội dung số, phần mềm, nhạc, video, vé điện tử...).
- Hàng hóa giá trị không cao (đồ dùng văn phòng, đồ tiện ích,…).
- Hàng hóa có các đặc trưng chuẩn (sách, đĩa CD, vé điện tử...) mà việc kiểm tra vật lý là không quan trọng.
- Hàng hóa thường mua (tạp phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng,...).
- Hàng hóa được bao gói phổ biến mà kể cả khi mua trong cửa hàng truyền thống cũng không cần mở bao bì (thực phẩm đóng gói, sô cô la, thực phẩm chức năng, vitamin,…).
2.2.2. Phân loại hàng hóa trong bán lẻ điện tử
2.2.2.1. Hàng hóa
Hàng hóa trong bán lẻ điện tử rất đa dạng về chủng loại và nhu cầu, từ sản phẩm có tiêu chuẩn kĩ thuật cụ thể đến những sản phẩm thông thường.
- Phần cứng và phần mềm máy tính: Đây là một trong những loại sản phẩm được đánh giá là bán nhiều nhất tại Mỹ trước đây. Dell và Gateway là các nhà bán lẻ trực tuyến đi đầu với việc bán các sản phẩm phần cứng và phần mềm máy tính. Hiện nay có rất nhiều hãng bán sản phẩm phần mềm do mình tự sản xuất qua website như Microsoft với doanh thu đạt 32,5 tỷ $ trong quý 4/2018. Tại Việt Nam có rất nhiều hãng cung ứng phần mềm như BKAV bán phần mềm diệt virus cho máy tính.
- Hàng điện tử dân dụng: Theo Hiệp hội điện tử dân dụng Mỹ, khoảng 10-15% tổng số sản phẩm điện tử dân dụng được bán trực tuyến. Các máy quay phim, máy in, máy quét và các thiết bị không dây, bao gồm các thiết bị trợ giúp cầm tay - PDA và điện thoại di động là một trong số những sản phẩm điện tử dân dụng được mua bán trực tuyến phổ biến.
- Thiết bị văn phòng phẩm: Bao gồm những thiết bị phục vụ cho hoạt động văn phòng. Doanh số sản phẩm trang bị văn phòng, cả doanh
số thương mại điện tử B2B đối với nhóm hàng này đều tăng nhanh chóng trên khắp thế giới.
- Hàng thể thao: Bao gồm thiết bị dụng cụ thể thao, trang phục thể thao. Hàng thể thao bán rất tốt trên Internet. Tuy nhiên, rất khó đo đạc được chính xác doanh thu, vì rất ít nhà bán lẻ điện tử chỉ bán các sản phẩm này trực tuyến.
- Sách và âm nhạc: Đây là những sản phẩm có thể được coi là chuẩn hóa, không cần phải kiểm tra quá kỹ khi mua, mặt hàng phong phú, có nhiều lựa chọn và giá tương đối thấp, mặt khác các sản phẩm này có đặc điểm là dễ vận chuyển vì thế được mua bán thường xuyên khắp nơi trên thế giới. Amazon.com là website tiên phong trong việc bán sách trực tuyến. Ở Việt Nam hiện nay cũng có rất nhiều website bán sách trực tuyến nổi tiếng: Tiki.vn, Vinabook.com.
- Đồ chơi: Hai doanh nghiệp Toys”R”Us (toysrus.com) và Amazon.com dẫn đầu thị trường đồ chơi tại Mỹ. Người tiêu dùng cũng ưa thích mua trực tuyến đồ chơi ở các cửa hàng có chiết khấu cao như Target (target.com), Wal-Mart (walmart.com), các quầy hàng hoặc trực tiếp từ các nhà sản xuất. Tại Việt Nam hiện nay nhu cầu ngày càng tăng cao, có rất nhiều website bán lẻ đồ chơi cho bé, với đa chủng loại và mẫu mã, như vuongquocdochoi.vn, babycuatoi.vn,…
- Sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp: Đây là nhóm sản phẩm có cơ cấu mặt hàng rất phong phú, bao gồm từ các vitamin, hàng mỹ phẩm cho đến đồ nữ trang, được nhiều nhà bán lẻ điện tử lớn và các cửa hàng trực tuyến kinh doanh trên mạng.
- Sản phẩm giải trí: Đây là một khu vực, bao gồm rất nhiều loại sản phẩm, từ vé tham dự sự kiện, đến các trò chơi trực tuyến trả tiền, thu hút hàng chục triệu người dùng mạng Internet.
- Trang phục và quần áo: Đây là nhóm hàng hóa rất khó mua qua mạng, do tính phù hợp khác nhau với từng người. Tuy nhiên hiện nay đây là một trong những nhóm sản phẩm bán khá chạy trên mạng cả trong nước và thế giới. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, rất nhiều website cho phép tích hợp những tính năng cho phép tối ưu hóa sản
phẩm: may đo những chiếc áo sơ mi, quần âu và ngay cả giày dép qua mạng, kinh doanh trực tuyến nhóm hàng này đã và đang có xu hướng tăng lên.
- Đồ trang sức: Tiếp theo thành công của việc bán hàng qua các kênh truyền hình, một số sản phẩm hiện hay triển khai các kênh bán hàng qua Internet, với các hãng hàng đầu là Blue Nil.Inc. (bluenile.com), Icetrends.com, tiếp theo là Amazon.com và eBay.com. Tại Việt Nam hiện nay cũng có nhiều website bán mặt hàng này như pnj.com.vn, trang sức Doji (trangsuc.doji.vn).
- Xe hơi: Xe hơi được bán qua mạng ngày càng nhiều. Một thị trường lớn trị giá hàng tỷ $, bao gồm cả ô tô mới và cũ, ô tô chở thuê và ô tô cho thuê, phụ tùng ô tô… Thị trường bán đấu giá ô tô cũ cũng tăng trưởng. Các dịch vụ đi kèm được thực hiện trực tuyến như dịch vụ tài chính, bảo hành, bảo hiểm cũng phát triển.
- Các sản phẩm khác: như bán thuốc chữa bệnh theo đơn, dịch vụ spa, dịch vụ làm đẹp. Rất nhiều sản phẩm chuyên môn hóa hoặc phục vụ thị trường hẹp (niche products).
Bảng 2.2 là thống kê sản phẩm được người dùng ưa chuộng mua trực tuyến năm 2018 tại Việt Nam.
Bảng 2.2. Các loại hàng hóa thường được mua qua mạng tại Việt Nam
Tỉ lệ % người mua | |
Quần áo, giày dép, mỹ phẩm | 59% |
Đồ công nghệ và điện tử | 47% |
Đồ dùng gia đình | 47% |
Sách, văn phòng phẩm | 31% |
Vé máy bay, tàu hỏa | 30% |
Thực phẩm | 27% |
Có thể bạn quan tâm!
- Sơ Lược Lịch Sử Phát Triển Bán Lẻ Điện Tử Trên Thế Giới
- Đối Tượng, Nội Dung Và Phương Pháp Nghiên Cứu Học Phần
- So Sánh Chợ Bán Lẻ Điện Tử Và Thị Trường Điện Tử B2B
- Kế Hoạch Mặt Hàng Trong Bán Lẻ Điện Tử
- Theo Dõi Tình Trạng Sẵn Có Của Sản Phẩm
- Xây Dựng Kế Hoạch Mua Hàng Và Triển Khai Mua Hàng
Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.
Nguồn: Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2018
2.2.2.2. Sản phẩm số
Những sản phẩm có thể được chuyển đổi sang định dạng số hóa và phân phối qua Internet được gọi là các sản phẩm số. Một số hàng hóa, như phần mềm, âm nhạc, sách truyện có thể phân phối ở hình thức vật lý (các bản sao cứng, CD-ROM, DVD, sách in), hoặc chúng có thể được số hóa và phân phối qua Internet. Ví dụ, người tiêu dùng có thể mua các CD-ROM chứa phần mềm đóng gói, (cùng với hướng dẫn sử dụng và phiếu bảo hành), hoặc trả tiền mua phần mềm và tải trực tiếp từ website về máy tính của mình. Bảng 2.3 liệt kê các sản phẩm có thể phân phối hoặc ở dạng vật thể, hoặc ở dạng số hóa.
Bảng 2.3. So sánh phân phối các sản phẩm số với các sản phẩm vật thể
Phân phối vật thể | Phân phối số hóa | |
Phần mềm | Đóng gói, bao trong hộp | FTP, tải trực tiếp, email |
Báo, tạp chí | Đem tới nhà, qua bưu điện | Hiện trên màn hình, “e-zines” |
Thiệp chúc mứng | Quầy bán lẻ | Email, liên kết (link) URL tới người nhận |
Hình ảnh, đồ họa | CD-ROM, tạp chí | Hiện trên website, tải về |
Phim | DVD, VHS, NTHB, PAL | MPEG3, streaming video, Realnetwork, AVI, Quicktime, v.v. |
Âm nhạc | CD, băng cassette | MP3, WAV, tải từ RealAudio, các thiết bị không dây, iTunes |
Mỗi phương pháp phân phối đều có lợi thế và bất lợi thế đối với người bán cũng như người mua. Ví dụ, khách hàng có thể thích các định dạng qua phân phối vật lý hơn. Họ cảm nhận giá trị qua việc giữ CD- ROM hoặc CD nhạc, chứ không phải là các file nhạc tải về. Hơn nữa, bao bì, bao gói nhiều khi có ý nghĩa lớn, đem lại sự thỏa mãn nhất định cho khách hàng. Các tài liệu hướng dẫn đi kèm phần mềm được in trên giấy cũng có giá trị nhất định và được ưa chuộng hơn so với nội dung
trực tuyến. Tuy nhiên, để nhận được các sản phẩm vật lý, khách hàng có thể phải chờ đợi một số ngày nhất định.
Đối với người bán, các chi phí liên quan đến sản xuất, bảo quản và phân phối các sản phẩm vật lý (DVD, CD-ROM, tạp chí in giấy, v.v...) có thể là rất lớn. Quản lý hàng tồn kho là một vấn đề chi phí quan trọng, cũng như chuyển hàng và phân phối. Nhu cầu đối với các trung gian bán lẻ đòi hỏi phải tạo lập mối quan hệ với các bạn hàng kênh và các kế hoạch chia sẻ thu nhập. Bán trực tiếp các sản phẩm nội dung thông qua tải nội dung số cho phép người sản xuất bỏ qua kênh bán lẻ truyền thống, do vậy giảm được tổng chi phí và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ thường có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập nhu cầu đối với sản phẩm thông qua trưng bày hàng hóa tại quầy, quảng cáo và các nỗ lực của lực lượng bán hàng, tất cả những thế mạnh đó sẽ mất đi khi người sản xuất phi trung gian hóa kênh bán hàng truyền thống.
2.2.2.3. Dịch vụ
Bán lẻ điện tử các dịch vụ ngày càng phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm.
i) Dịch vụ khách sạn, du lịch trực tuyến
Các doanh nghiệp du lịch trực tuyến cung cấp hầu hết tất cả dịch vụ giống như du lịch thông thường, ngoài ra các doanh nghiệp này còn cung cấp các dịch vụ mà phần lớn các hãng du lịch truyền thống thường không cung cấp: các lời khuyên về du lịch do những người đã trải nghiệm các tình huống du lịch nhất định cung cấp (ví dụ: vấn đề xin visa); các tạp chí du lịch điện tử; so sánh giá vé, tài liệu hướng dẫn du lịch; tính toán chuyển đổi tiền tệ; theo dõi phí (cho phép nhận thư khi có phí ưu đãi và những điểm đến ưa thích); hệ thống định vị toàn thế giới về doanh nghiệp và địa điểm; đại lý chuyên cung cấp các thiết bị và sách du lịch, quan điểm của các chuyên gia, tin tức quốc tế và du lịch, bản đồ hướng dẫn chi tiết lái xe.
Các mô hình doanh thu của các dịch vụ du lịch trực tuyến bao gồm các khoản thu trực tiếp (hoa hồng), doanh thu từ quảng cáo, phí tư vấn, đăng ký hoặc hội phí, lệ phí chia sẻ thu nhập,... Môi trường cạnh tranh của các dịch vụ du lịch trực tuyến là khốc liệt, với sự chênh lệch ít giữa giá thành và giá bán, độ trung thành của khách hàng thấp và tính phổ biến của các hàng hóa dịch vụ ngày càng tăng.
Lợi ích của các dịch vụ du lịch trực tuyến là rất lớn. Lượng thông tin miễn phí vô tận, có thể truy cập bất cứ lúc nào từ bất cứ nơi nào, giảm giá đáng kể cho khách hàng, đặc biệt cho những ai có thời gian và kiên nhẫn tìm kiếm. Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng được hưởng lợi từ hãng hàng không, khách sạn và các phương tiện vận chuyển, khi bán được không gian trống. Ngoài ra, trực tiếp bán hàng giúp tiết kiệm tiền hoa hồng và quy trình xử lý của nhà cung cấp.
ii) Ngân hàng trực tuyến
Ngân hàng điện tử (hay trực tuyến), bao gồm các hoạt động ngân hàng khác nhau được tiến hành thông qua Internet từ nhà, từ doanh nghiệp, hoặc thậm chí ngay trên đường đi thay vì tại ngân hàng vật lý. Các dịch vụ của ngân hàng điện tử khá phong phú, hiện nay người tiêu dùng có thể sử dụng ngân hàng điện tử để kiểm tra tài khoản, chuyển tiền điện tử, thanh toán hóa đơn trực tuyến, tiết kiệm và rất nhiều những tiện ích khác. Nhiều ngân hàng truyền thống hiện nay cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến và sử dụng thương mại điện tử như là một chiến lược cạnh tranh chủ yếu. Ngân hàng trực tuyến không chỉ được triển khai tại các nước phát triển, mà hiện nay nó cũng được ứng dụng ở nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh mô hình ngân hàng “cú nhấp chuột và gạch”, các ngân hàng ảo cũng xuất hiện, chúng không có bất cứ một trụ sở vật lý nào mà chỉ tiến hành các giao dịch trực tuyến trên Internet. Ngân hàng Security First Network Bank (SFNB) là ngân hàng đầu tiên đã đưa ra các giao dịch trực tuyến an toàn trên website. Các ngân hàng ảo tồn tại ở nhiều quốc gia khác nhau. Hơn 97% trong số hàng trăm ngân hàng ảo thuần túy
đã thất bại vào năm 2003 do thiếu minh bạch về tài chính. Nhiều ngân hàng ảo đã thất bại vào các năm 2007-2008. Các ngân hàng thành công nhất dường như là những ngân hàng sử dụng mô hình “cú nhấp chuột và gạch”.
iii) Dịch vụ việc làm trực tuyến
Thị trường việc làm rất biến động, cung và cầu thường xuyên không cân đối. Trong truyền thống, doanh nghiệp tìm kiếm ứng viên theo một số cách thức: quảng cáo trên các báo, thông báo tuyển dụng nhân viên ở các doanh nghiệp, thông qua các nhà môi giới việc làm, các doanh nghiệp “săn tìm” nhà quản trị cao cấp. Hiện nay, dịch vụ việc làm có xu hướng chuyển dịch sang trực tuyến. Thị trường việc làm trực tuyến kết nối các cá nhân với các công việc khác nhau, giúp cho quá trình tìm kiếm ứng viên của những người tuyển dụng lao động trở nên dễ dàng hơn.
Internet cung cấp một môi trường phong phú cho những người tìm việc và các doanh nghiệp tìm kiếm nhân công có kỹ năng đặc biệt. Gần như tất cả 500 doanh nghiệp lớn nhất theo phân loại của Fortune hiện nay sử dụng Internet phục vụ cho đa số hoạt động tuyển dụng của họ. Các nghiên cứu cho thấy rằng tìm kiếm trên mạng là một cách thức phổ biến để các doanh nghiệp tìm được những nhân công với yêu cầu chuyên môn cao. Dịch vụ việc làm trực tuyến có lợi ích cho các bên, cụ thể:
- Người tìm việc làm: Người tìm việc có thể trả lời các quảng cáo việc làm, chủ động hoàn thiện sơ yếu lý lịch trên website của mình hoặc trên website của trung gian, của nhà tuyển dụng, gửi thư hoặc tương tác từ xa với doanh nghiệp tuyển dụng.
- Doanh nghiệp, tổ chức cần tìm ứng viên: Nhiều tổ chức, bao gồm cả các tổ chức công, quảng cáo các cơ hội việc làm trên các website của họ, trên các cổng thông tin công cộng, các tờ báo trực tuyến, các bản tin, và với các doanh nghiệp tuyển dụng. Người sử dụng lao động có thể tiến hành phỏng vấn và tương tác, kiểm tra kỹ năng và các bài tâm lý qua website.