So Sánh Chợ Bán Lẻ Điện Tử Và Thị Trường Điện Tử B2B


Chương 2

THỊ TRƯỜNG VÀ PHỐI THỨC BÁN LẺ ĐIỆN TỬ


Mục đích nghiên cứu:

Sau khi nghiên cứu Chương 2, người học có thể hiểu được:

- Khái niệm thị trường bán lẻ điện tử, phân loại thị trường bán lẻ điện tử, các thành phần của thị trường bán lẻ điện tử.

- Đặc điểm của hàng hóa trong bán lẻ điện tử, các loại hàng hóa, dịch vụ trong bán lẻ điện tử.

- Kế hoạch mặt hàng trong bán lẻ điện tử.

- Khách hàng của bán lẻ điện tử: khái niệm, đặc điểm, phân loại khách hàng của bán lẻ điện tử, quy trình mua trực tuyến của khách hàng cá nhân.

- Phối thức bán lẻ điện tử: 4P và 4C.


2.1. Tổng quan về thị trường bán lẻ điện tử

2.1.1. Khái niệm về thị trường bán lẻ điện tử

Hoạt động mua bán hàng hóa giữa người tiêu dùng và nhà bán lẻ điện tử diễn ra trên các thị trường điện tử - chợ bán lẻ điện tử. Các chợ bán lẻ điện tử cũng giống như các chợ bán lẻ truyền thống, là nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hoá, sản phẩm. Theo nghĩa hẹp, chợ bán lẻ điện tử là địa điểm cụ thể trên không gian mạng, còn theo nghĩa rộng, nó còn bao hàm cả địa điểm vậy lý nơi các hoạt động mua bán lẻ hàng hóa diễn ra. Giống như các chợ bán lẻ truyền thống, chức năng chính của chợ bán lẻ điện tử là kết nối các người bán


với người mua. Tuy nhiên, khác với các chợ bán lẻ truyền thống, chợ bán lẻ điện tử là không gian mạng, do đó người mua và người bán không cần gặp gỡ nhau trực tiếp. Nhờ sử dụng các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại di động có kết nối Internet và các phần mềm chuyên dụng, các bên có thể thực hiện các giao dịch mua bán từ xa.

Các chợ bán lẻ điện tử được mở cho mọi khách hàng, những người có nhu cầu tìm kiếm, giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, vì thế các chợ bán lẻ điện tử còn được gọi là thị trường điện tử công cộng. Những khách hàng của chợ bán lẻ điện tử có cơ hội ngang bằng nhau trong tham gia thị trường. Tuy nhiên, chợ bán lẻ điện tử khác với chợ bán buôn điện tử - thị trường điện tử giữa những doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) ở một số điểm như chủ thể tham gia, loại hàng hóa và dịch vụ, phương tiện điện tử được sử dụng, cơ chế vận hành (xem Bảng 2.1).


Bảng 2.1. So sánh chợ bán lẻ điện tử và thị trường điện tử B2B


Tiêu chí

Thị trường - chợ bán lẻ điện tử

Thị trường điện tử B2B

Chủ thể giao dịch

Nhà bán lẻ điện tử, người tiêu dùng, trung gian.

Nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán buôn, nhà bán lẻ, trung gian.

Hàng hóa, dịch vụ

Sản phẩm hoàn chỉnh, hàng hóa tiêu dùng.

Nguyên liệu, nhiên liệu, vật phẩm, sản phẩm dở dang, sản phẩm hoàn chỉnh.

Phương tiện giao dịch

Chủ yếu qua Internet.

EDI, ebXML, Internet, các mạng WAN.

Cơ chế vận hành

Thị trường điện tử công cộng là chủ yếu.

Thị trường điện tử riêng và thị trường điện tử công cộng.

Giá trị giao dịch

Nhỏ

Lớn

Số lượng giao dịch

Lớn

Nhỏ

Phương thức thanh toán

Tiền mặt khi giao hàng, thẻ thanh toán, ví tiền điện tử

Chuyển khoản, thẻ mua sắm

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.


Các chợ bán lẻ điện tử đã tăng trưởng nhanh chóng cả về loại hình (loại chợ), số lượng các mặt hàng, dịch vụ được bán, các công nghệ sử dụng, sự tham gia của khách hàng, các chủ thể có liên quan... Ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia vào chợ bán lẻ điện tử. Ngày nay, hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ đều được bán tại các chợ điện tử. Các công nghệ mới cũng được ứng dụng trong hầu hết quy trình bán lẻ điện tử đem lại các tiện ích cho cả nhà bán lẻ điện tử và người tiêu dùng.

2.1.2. Phân loại thị trường bán lẻ điện tử

Tham gia vào các thị trường bán lẻ điện tử hoặc các chợ bán lẻ điện tử, nhà bán lẻ có thể lựa chọn một hoặc sử dụng kết hợp các chợ bán lẻ điện tử với nhau. Các nhà bán lẻ điện tử có thể xây dựng và vận hành website bán lẻ điện tử riêng, như Amazon có website Amazon.com, hoặc mở gian hàng điện tử trên phố bán lẻ điện tử (sàn giao dịch điện tử), hoặc mở gian hàng trên mạng xã hội... Người mua cũng có thể lựa chọn một hoặc nhiều chợ bán lẻ điện tử để mua sắm. Một số loại hình chợ bán lẻ điện tử điển hình được các nhà bán lẻ điện tử sử dụng là:

2.1.2.1. Website bán lẻ điện tử

Website bán lẻ điện tử (webstore hay webshop) là website thương mại điện tử của doanh nghiệp, nhà bán lẻ sử dụng cho hoạt động bán lẻ điện tử. Nó còn được gọi là các cửa hàng trực tuyến, gian hàng trực tuyến hoặc chợ điện tử để các doanh nghiệp, nhà bán lẻ bán hàng trực tuyến. Chú ý là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (chẳng hạn như bảo hiểm) có thể coi các cổng thông tin của họ như các website bán lẻ điện tử. Các website bán lẻ điện tử thường có tên miền riêng, thường có nhiều trang web (hàng nghìn hoặc hơn), có đầy đủ các tính năng và công cụ cần thiết để người mua hoàn tất giao dịch mua bán hàng hóa trực tuyến.

2.1.2.2. Phố bán lẻ điện tử

Phố bán lẻ điện tử (e-malls) cũng giống như các trung tâm mua sắm trong thế giới thực, là một địa điểm mua sắm trực tuyến nơi nhiều cửa hàng trình bày danh mục hàng hóa của họ. Các người bán hàng nhỏ


không muốn (đôi khi là không thể xây dựng và vận hành website bán lẻ điện tử riêng) có thể mở các gian hàng điện tử trên các phố bán lẻ trực tuyến. Nhờ việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ và các công cụ hỗ trợ bán lẻ trực tuyến, phố bán lẻ điện tử thu hút nhiều người bán và nhiều người mua. Các loại phố bán lẻ điện tử được trình bày mục 1.2.3.4.

2.1.2.3. Cổng thông tin

Cổng thông tin là website hoặc trang web - điểm truy cập hoặc đường link tới website khác. Cổng thông tin được sử dụng trong chợ điện tử, cửa hàng trực tuyến và các loại website thương mại điện tử khác (ví dụ: trong cộng tác điện tử, kinh doanh nội bộ và học tập điện tử). Cổng thông tin là một điểm truy cập, thông qua trình duyệt web, thông tin kinh doanh quan trọng nằm bên trong và bên ngoài tổ chức. Thông tin này được tổng hợp và được truy cập và trình bày một cách nhất quán. Nhiều cổng thông tin web cung cấp tính cá nhân hóa cho người dùng. Cổng thông tin điện tử cung cấp một số các dịch vụ chung như điện tử, tin tức, chứng khoán giá cả, giải trí, khả năng mua sắm...

Những cổng thông tin phổ biến cung cấp nội dung cho bất kỳ ai. Mặc dù chúng có thể được tùy chỉnh bởi người dùng, họ vẫn dành cho khán giả và cung cấp nội dung khá thông thường, một số nội dung trong thời gian thực (ví dụ: chứng khoán và bản tin). Ví dụ về các cổng thông tin là yahoo.com, google.com và msn.com.

2.1.2.4. Mạng xã hội

Mạng xã hội được sử dụng bởi doanh nghiệp và nhà bán lẻ điện tử, người mua sắm trực tuyến. Mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng và cung cấp nhiều ứng dụng như giải trí, truyền thông, quảng cáo và bán hàng.

Mạng xã hội là một thực thể xã hội bao gồm của các nút (thường là các cá nhân, nhóm hoặc tổ chức) được kết nối bởi các liên kết như sở thích, tình bạn hoặc nghề nghiệp. Các cấu trúc thường rất phức tạp. Ở dạng đơn giản nhất, mạng xã hội có thể được mô tả bằng hình ảnh của các nút và liên kết.


2.1.3. Các yếu tố của thị trường bán lẻ điện tử

Có nhiều yếu tố của thị trường bán lẻ điện tử như nhà bán lẻ, khách hàng, hàng hóa, cơ sở hạ tầng, cơ chế vận hành, các dịch vụ hỗ trợ... Hình 2.1 phác thảo một số yếu tố của thị trường bán lẻ điện tử.

Nhà bán lẻ điện tử: Nhà bán lẻ điện tử là người bán hàng hóa qua kênh Internet và các phương tiện điện tử. Nhà bán lẻ điện tử có thể là nhà bán lẻ điện tử thuần túy hoặc nhà bán lẻ điện tử hỗn hợp. Này nay có hàng triệu cửa hàng bán lẻ điện tử, hàng triệu website thương mại điện tử tiến hành quảng cáo và cung cấp các mặt hàng đa dạng. Những cửa hàng này thuộc sở hữu của các doanh nghiệp hoặc cá nhân. Mỗi ngày, có thêm nhiều tổ chức, cá nhân mới gia nhập thị trường nhà bán lẻ điện tử và cung có không ít doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Nhà bán lẻ điện tử có thể sử dụng website bán lẻ điện tử, mở gian hàng trên sàn giao dịch điện tử, sử dụng các ứng dụng App qua điện thoại thông minh, hoặc các trang mạng xã hội... để bán hàng. Nhà bán lẻ điện tử có thể chỉ bán qua Internet, hoặc vừa bán qua Internet, vừa bán tại cửa hàng.


Hình 2 1 Sơ đồ các yếu tố cấu thành thị trường bán lẻ điện tử Người 1


Hình 2.1. Sơ đồ các yếu tố cấu thành thị trường bán lẻ điện tử


Người tiêu dùng: Khách hàng của thị trường bán lẻ điện tử là cá nhân, hộ gia đình, những người mua hàng cho mục đích tiêu dùng. Về nguyên tắc, mọi cá nhân, khách hàng truyền thống đều có thể trở thành khách hàng hoặc người tiêu dùng điện tử. Tuy nhiên, chỉ những người sử dụng Internet mới có cơ hội mua lẻ điện tử và trở thành khách hàng điện tử. Ngày nay, khi số người dùng Internet trên thế giới ngày càng tăng và nhận thức về lợi ích của mua hàng hóa trực tuyến ngày càng rõ, số người mua hàng truyền thống đã chuyển sang mua trực tuyến ngày càng cao. Phân định một cá nhân, khách hàng nào đó là khách hàng điện tử hay truyền thống là không cần thiết. Đối với họ, mua trực tuyến hay mua truyền thống, hoặc kết hợp các giai đoạn khác nhau của quá trình mua hàng để hoàn thành giao dịch với sự tiện lợi và chi phí thấp mới là điều quan trọng.

Các trung gian: Là các bên thứ ba kết nối hoạt động giữa người bán và người mua. Các trung gian thuộc nhiều loại cung cấp dịch vụ qua website hoặc được tích hợp trên website của nhà bán lẻ. Một số hoạt động của trung gian được thực hiện thủ công, một số được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Ví dụ các trung gian trực tuyến tạo và quản lý thị trường trực tuyến, họ giúp kết nối người mua và người bán, cung cấp dịch vụ ký quỹ và giúp khách hàng và/hoặc người bán hoàn thành giao dịch, dịch vụ thanh toán, dịch vụ an ninh, an toàn...

Hàng hóa và dịch vụ: Hàng hóa là thành quả của lao động, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi hay mua bán. Hàng hóa trong bán lẻ điện tử có thể là sản phẩm hữu hình hoặc dịch vụ, sản phẩm số. Khác với hàng hóa và dịch vụ trong mua bán truyền thống, trong bán lẻ điện tử có sự xuất hiện các hàng hóa số và dịch vụ điện tử. Hàng hóa số là sản phẩm hữu hình hoặc dịch vụ được chuyển đổi dưới hình thức số và được phân phối qua Internet. Ví dụ, sách điện tử là một hàng hóa số. Dịch vụ điện tử được hiểu là một loại dịch vụ nhưng được phân phối và sử dụng trên Internet hoặc mạng truyền thông. Ví dụ, giảng dạy và học tập trực tuyến là một dịch vụ điện tử trong lĩnh vực giáo dục.


Một trong những khác biệt chính giữa thị trường truyền thống và thị trường điện tử là khả năng số hóa các sản phẩm và dịch vụ. Trong thị trường điện tử, người mua có thể mua các sản phẩm số hóa trực tuyến, bất cứ lúc nào và từ bất kỳ nơi nào trong một vài giây và nhận được hàng hóa đã mua ngay lập tức. Các sản phẩm kỹ thuật số có đường cong chi phí khác so với các sản phẩm vật lý. Trong số hóa, hầu hết các chi phí đều cố định hóa và chi phí biến đổi rất thấp. Do đó, lợi nhuận sẽ tăng nhanh khi khối lượng tăng vì chi phí đã trả.

Cơ sở hạ tầng công nghệ và kĩ thuật: Theo nghĩa rộng, cơ sở hạ tầng cho thị trường bán lẻ điện bao gồm hạ tầng vật lý như nhà máy, phân xưởng, kho, cửa hàng, phương tiện vận tải, thiết bị bảo quản hàng hóa, thiết bị trưng bày hàng hóa... và các phương tiện điện tử, các thiết bị công nghệ như máy chủ, máy tính, đường truyền Internet, website thương mại điện tử...

Trong bán lẻ truyền thống, nhà bán lẻ cần có kho, cửa hàng trưng bày hàng hóa, quầy thanh toán, máy đếm tiền..., những yếu tố này để người mua hàng thuận tiện trong chọn hàng, thanh toán và nhận hàng.

Trong bán lẻ điện tử, tùy thuộc mô hình nhà bán lẻ điện tử triển khai, có thể bán lẻ qua website và kho hàng mà không duy trì cửa hàng, hoặc bán qua website và kết hợp với cửa hàng. Nhà bán lẻ sử dụng website bán lẻ điện tử để đăng tải thông tin hàng hóa, danh mục điện tử để trưng bày hàng hóa, phần mềm giỏ mua hàng điện tử giúp người mua chọn hàng, công cụ tìm kiếm giúp người mua tìm kiếm sản phẩm... Một nền tảng thương mại điện tử với cửa hàng bán lẻ điện tử và các công cụ danh mục điện tử, giỏ mua hàng điện tử, cổng thanh toán, AppMobile… luôn cần thiết cho các nhà bán lẻ điện tử. Tất cả các yếu tố hạ tầng công nghệ và kĩ thuật trên giúp người mua người bán thực hiện giao dịch mua bán trực tuyến còn gọi là các tiền diện.

Khi người mua truy cập vào một cửa hàng điện tử hoặc tiền diện, người mua thực hiện các giao dịch với người bán như tìm kiếm sản phẩm, đặt hàng, thanh toán... Nhà bán lẻ điện tử cũng phải xây dựng kho


hàng dự trữ hàng hóa, sử dụng các hệ thống quản lý kho hàng, xử lí các đơn hàng và giao hàng cho người mua. Các hoạt động phía bên trong (tại kho hàng, xử lý đơn hàng, đóng gói...) mà nhà bán lẻ điện tử phải thực hiện nhằm hoàn tất các đơn đặt hàng của người mua được gọi là các hậu diện. Hậu diện bao gồm cả các yếu tố vật lý, các quy trình, con người, các giải pháp… Nó được ví như “nhà bếp” của một nhà hàng. Hậu diện và tiền diện được kết nối với nhau thông qua các hoạt động của con người, các hệ thống thông tin, giải pháp công nghệ, các quy trình như hệ thống thông tin logistics, phần mềm xử lý đơn đặt hàng, phần mềm quản trị kho, cổng thanh toán, phần mềm theo dõi vận chuyển hàng, phần mềm quản lý quan hệ khách hàng...

Cơ chế vận hành: Các chủ thể tham gia thị trường bán lẻ điện tử qua Internet. Các thị trường bán lẻ điện tử là thị trường công cộng. Hầu hết các thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả hàng hóa được cung cấp công khai trên các chợ bán lẻ điện tử. Các người mua được đối xử như nhau về hầu hết các thương quyền, phục vụ và cả các dịch vụ sau mua bán hoàn tất.

Ngoài các cửa hàng điện tử sử dụng chính sách giá cố định, một số cửa hàng điện tử có thể sử dụng chính sách giá biến đổi, ví dụ các cửa hàng đấu giá trực tuyến, các cửa hàng ưu đãi trong ngày. Giá cả do các người mua cạnh tranh quyết định trong trường hợp đấu giá trực tuyến, hoặc giá cả giảm mạnh trong một khoảng thời gian nhất định.

Ngay cả với sản phẩm được bán trên các chợ điện tử cũng có khác nhau. Các cửa hàng điện tử do nhà sản xuất bán hàng trực tiếp cho khách hàng tự thiết kế sản phẩm theo nhu cầu, giá cả sản phẩm cũng có thể khác nhau.

Trong quá trình giao dịch, nhiều công cụ được nhà bán lẻ điện tử và người mua sử dụng. Những công cụ này có thể được tích hợp tại các cửa hàng điện tử. Ví dụ, công cụ so sánh giá, so sánh tính năng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến quyết định mua của khách hàng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/02/2024