Quản lý rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại Việt Nam - 2

DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ


Trang


Sơ đồ 2.1: Hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam 81


Sơ đồ 2.2: Mô hình tổ chức điển hình của các NHTM cổ phần Việt Nam 82


Sơ đồ 2.3: Mô hình tổ chức quản lý rủi ro thị trường và đạo đức 100


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 229 trang tài liệu này.

Sơ đồ 2.4: Cơ cấu tổ chức QLRR tại một số NHTM 101


Quản lý rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại Việt Nam - 2

MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Ngân hàng thương mại là tổ chức tài chính cung cấp vốn chủ yếu và đa dạng các dịch vụ tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội. Với những đặc tính riêng có trong hoạt động, Ngân hàng thương mại thường gặp phải nhiều rủi ro nhất trong hệ thống các tổ chức tài chính. Bởi vậy mà, Ngân hàng thương mại cũng là tổ chức tài chính được các cơ quan chức năng nhà nước quản lý, giám sát chặt chẽ nhất trong hệ thống các tổ chức tài chính.

Rủi ro đạo đức là một trong những rủi ro cần được quan tâm đặc biệt trong điều kiện ngày nay. Hoạt động của Ngân hàng thương mại mang lại lợi nhuận luôn đi cùng rủi ro.Trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng thương mại không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro và thay vào đó là kiểm soát, quản lý và hạn chế rủi ro. Vì vậy Ngân hàng thương mại cần chấp nhận rủi ro trong một mức độ nhất định cho mục tiêu lợi nhuận. Rủi ro đạo đức là một trong rất nhiều rủi ro mà Ngân hàng thương mại có thể gặp phải. Rủi ro đạo đức xảy ra trong mọi hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại, tác động đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Trong những năm qua, đóng góp của hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam vào quá trình đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá là rất lớn. Các Ngân hàng thương mại không chỉ tiếp tục khẳng định là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, mà còn góp phần ổn định sức mua đồng tiền.

Cùng với quá trình cải cách và đổi mới, số lượng các Ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng nhanh, đã và đang từng bước chuyển dần hướng tới một hệ thống tương thích của các nền kinh tế đang nổi và mới phát triển. Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt, nhạy cảm, gắn chặt với tiền, và luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Trong các vấn đề rủi ro, dường như rủi ro đạo đức đang là nguy cơ ngày càng lớn đối với ngân hàng.

Trong hoạt động của mình, các ngân hàng đều gặp vấn đề về quản trị và vấn đề quan trọng nhất và khó kiểm soát nhất là chuyên môn và đạo đức của người làm


ngân hàng. Tại Việt Nam, đến thời điểm này có chuyên gia đã nhận định rằng: “Sự an toàn của hệ thống hiện nay nằm ở phạm trù đạo đức nhiều hơn là chuyên môn”. Một chuyên gia từ Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã nói: “Vấn đề rủi ro đạo đức của khối ngân hàng đã đến mức cảnh báo”.

Ngân hàng hoạt động kinh doanh bằng đồng tiền của người khác, hoạt động của ngân hàng liên quan trực tiếp đến tiền cho nên đạo đức của người làm ngân hàng là phải có trách nhiệm bảo vệ đồng tiền của người dân gửi tại ngân hàng và coi sự an toàn của đồng tiền đó trên cả mục tiêu lợi nhuận, tuyệt đối không được sử dụng tiền đó một cách vô trách nhiệm. Mặc dù, rủi ro đạo đức “dễ hiểu” hơn là rủi ro chuyên môn, nhưng các nhà quản trị ngân hàng đều nhận định trong các loại rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt thì rủi ro đạo đức là khó quản trị nhất.

Những năm gần đây, trong hoạt động kinh doanh các Ngân hàng thương mại Việt Nam luôn đối mặt với các rủi ro về tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro tác nghiệp - rủi ro chịu nhiều tác động của đạo đức con người… Trong đó, rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng là loại rủi ro khó nhận biết, khó đo lường, nhưng lại để lại hậu quả nặng nề.

Không như những loại rủi ro khác, rủi ro đạo đức không chỉ cá biệt xảy ra ở một ngân hàng mà nó còn tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh của các NHTM, càng có cơ hội phát triển đồng loạt tại nhiều NHTM và các định chế tài chính cùng một lúc khi có điều kiện phát sinh như có sự nới lỏng trong việc quản lý, sự xuất hiện của các bong bóng thị trường tạo cơ hội dễ dàng cho hoạt động đầu tư rủi ro... Do đó, hậu quả của rủi ro đạo đức gây ra sẽ không dừng lại ở mức độ hoạt động của một NHTM mà có tính lan truyền rộng khắp. Nếu rủi ro đạo đức không được kiểm soát phù hợp, thì người đại lý (là các NHTM hoặc người sử dụng vốn của NHTM) sẽ thực hiện đầu tư mạo hiểm với hậu quả do người ủy thác gánh vác. Và do tính lây lan mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng, việc mất khả năng thanh toán của một hệ thống ngân hàng sẽ liên quan tới những khoản chi phí khổng lồ mà các ngân hàng, khách hàng và chính phủ đều phải chịu tổn thất. Sự thất bại của ngân hàng có thể dẫn tới việc phá hủy những mối quan hệ kinh tế đã được thiết lập lâu dài giữa ngân hàng và khách hàng. Sự đổ vỡ trong hoạt động tín dụng của ngân hàng và của hệ thống thanh toán này cũng có thể làm giảm các hoạt động đầu tư và các hoạt


động kinh tế khác. Hơn nữa, người gửi tiền sẽ bị tổn thất tài chính lớn hơn từ sự sụp đổ của các NHTM. Và chính phủ sẽ phải chịu những khoản chi phí khổng lồ nhằm cứu giúp cho hệ thống tài chính ngân hàng thoát khỏi sự sụp đổ hoặc phục hồi hệ thống tài chính ngân hàng. Các khoản chi phí này của chính phủ không chỉ phải chi ra trong những năm của cuộc khủng hoảng mà còn kéo dài nhiều năm sau đó vì chi phí tổn thất của những cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng là rất lớn. Đơn cử là trong cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay tại Mỹ (S&L), người gửi tiền và người trả thuế bị tổn thất 150 tỷ đô la và chính phủ phải bỏ ra khoảng 350 tỷ đô la trong vòng 30 năm nhằm khắc phục hậu quả. Vấn đề là trong các cuộc khủng hoảng rộng khắp như vậy, nguồn tiền của các chính phủ bỏ ra lại chủ yếu là nguồn từ thu thuế của những người trả thuế, nhằm phục vụ cho những thất bại thị trường do rủi ro đạo đức gây ra.

Như vậy, nhằm bảo đảm cho một hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động ổn định, bền vững, đồng thời với việc giảm thiểu nguy cơ sụp đổ hệ thống này và giảm thiểu tổn thất tài chính nếu sự sụp đổ cuối cùng vẫn xảy ra, cần phải xây dựng một mạng lưới an toàn tài chính nhằm đưa rủi ro đạo đức vào trong tầm kiểm soát. Mạng lưới này bao gồm kết hợp sự quản lý của các cấp quản lý vĩ mô và quản lý của từng định chế tài chính tham gia vào thị trường này. Các biện pháp từ cấp quản lý vĩ mô bao gồm thiết lập hệ thống giám sát, các quy định của chính phủ một cách chặt chẽ và nghiêm túc, một cơ chế bảo hiểm tiền gửi lành mạnh, một sự can thiệp phù hợp và đúng lúc của ngân hàng trung ương như người cho vay cuối cùng... Kết hợp với các biện pháp này là các biện pháp quản lý tại mỗi NHTM như điều kiện cấp tín dụng và thực hiện đầu tư, yêu cầu về bảo đảm tiền vay, quy định về thẩm định xét duyệt cho vay và giám sát vốn vay, các yêu cầu quản lý thông tin.

Xuất phát từ nhận thức quan trọng về lý luận và thực tiễn đó, tôi quyết định chọn đề tài “Quản lý rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại Việt Nam” cho luận án tiến sỹ kinh tế, với mong muốn hoàn thiện lý luận chuyên môn của bản thân, tiếp cận nghiên cứu thực trạng quản lý rủi ro đạo đức và đề xuất một số giải pháp nhằm quản lý rủi ro đạo đức tại các Ngân hàng


thương mại Việt Nam, góp phần đẩy mạnh sự phát triển hoạt động kinh doanh trong điều kiện hội nhập.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án

2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài

Các công trình nghiên cứu nước ngoài có liên quan đến rủi ro đạo đức, quản lý rủi ro đạo đức ở nước ngoài về nhận diện quản lý rủi ro đạo đức, khung quản lý rủi ro, công cụ đo lường, cảnh báo rủi ro, các biện pháp xử lý rủi ro, mối quan hệ giữa rủi ro đạo đức với các loại rủi ro khác như:

(1) Bliss, Robert R. and Flannery, Mark J. (2002): [75] “Market Discipline in the Governance of U.S. Bank Holding Companies: Monitoring versus Infuence” Eropean Finance Review, đề cập đến những kỷ luật thị trường trong quản trị Ngân hàng Hoa Kỳ Holding

(2) Blum, Jurg (2002): [76] “The Limits of Market Discipline in Reducing Bank’s Risk Taking”, forthcoming Journal of Banking and Finance, đã nghiên cứu về các hạn chế của kỷ luật thị trường trong việc giảm rủi ro trong đó có rủi ro đạo đức của Ngân hàng thương mại

(3) Thomas F. Hellmann, Kevin C. Murdock and Joseph E.Stiglitz (2002): [97]“Liberalization, Moral Hazard in Banking, and Prudential Regulation: Are Capital Requirements Enough?”, American Economic Review đề cập đến tự do hóa, nguy cơ rủi ro trong ngành ngân hàng và quy định thận trọng: Đủ yêu cầu về vốn?

(4) Beim&Calomiris, 2002 - David Beim and Charles Calomiris (2002) [73] Emerging Financial Markets, McGraw Hill Custom Publishing. Đề cập đến những vấn đề liên quan đến “Thị trường tài chính mới nổi, McGraw Hill Custom Publishing” trong đó có những nghiên cứu về đạo đức, rủi ro, rủi ro đạo đức và những cảnh báo về rủi ro đạo đức khi thị trường tài chính phát triển, đặc biệt với những thị trường mới nổi.

(5) Dembe, Allard E. and Boden, Leslie I. (2000). “Moral Hazard: A Question of Moraliity?” New Solutions, Vol. 10 [80]. Trong tài liệu này, tác giả Dembe, Allard E. và Boden, Leslie I. (2000). “Moral Hazard: đã đề cập đến nội dung “Một câu hỏi về đạo đức và các giải pháp mới? tác giả đề cập đến những rủi


ro tiềm ẩn, trong đó nhấn mạnh yếu tố đạo đức và rủi ro đạo đức của con người trong kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

(6) ErlendNier and Ursel Baumann 1, (2003), “Market discipline, disclosure and moral hazard in banking” Cordella, Tito and Eduardo Levy Yeyati, (1998): “Public Disclosure and Bank Failures”, CEPR Discussion Paper No. 1886 [82] Trong tài liệu “Kỷ luật thị trường, tiết lộ và nguy hiểm về mặt đạo đức trong ngân hàng” của tác giả ErlendNier và Ursel Baumann 1, (2003) và tài liệu “Tiết lộ công khai và thất bại ngân hàng” của tác giả Cordella, Tito và Eduardo Levy Yeyati, (1998) đã nghiên cứu về hoạt động của các Ngân hàng thương mại, những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại, những nguy cơ và tổn thất khi rủi ro đạo đức xảy ra đối với các Ngân hàng thương mại.

(7) J.P.Niinimaki (2007), “Does collateral fuel moral hazard in banking?” Discussion Paper, No 181, Helsinki center of economic research, August 2007, ISSn 1795-0562. [91] Bài thảo luận, số 181 tại trung tâm nghiên cứu kinh tế Helsinki, tháng 8 năm 2007, ISSN tác giả J.P.Niinimaki (2007) với bài viết “Tài sản thế chấp có gây nguy hiểm về mặt đạo đức trong ngân hàng không?” đã đề cập đến những quy định về tài sản bảo đảm, những rủi ro xảy ra đối với các Ngân hàng thương mại khi bảo đảm tiền vay bằng hình thức thế chấp tài sản, tác giả phân tích sâu yếu tố đạo đức và những nguy hiểm, những tổn thất đối với các Ngân hàng thương mại và những khuyến nghị nhằm phòng ngừa rủi ro đạo đức.

(8) Lewis, Holden (18 April 2007). “Moral hazard’ helps shape mortagemortages/ 20070418_subprime_mortage_morality_a1.Asp?caret=3c).Bankrate.com. [94] Tác giả Lewis, Holden (18 tháng 4 năm 2007) với bài viết “Nguy hiểm về đạo đức” giúp định hình mortagemortages / 2007 đã đề cập đến rủi ro đạo đức và những tổn thất khôn lường khi xảy ra rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng.

2.2. Tình hình nghiên cứu ở trong nước

Tại Việt Nam có một số công trình khoa học nghiên cứu cả về mặt thực tiễn và lý luận về quản lý rủi ro, quản trị rủi ro, rủi ro đạo đức... Các đề tài có liên quan tới đo lường và phương pháp quản trị rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại có thể kể đến như:


(9) ThS Lê Nam Thắng (2011), Vấn đề rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng Việt Nam, thực trạng và giải pháp quản lý [64]. Đề tài cấp ngành Ngân hàng Nhà nước 2011. Đề tài này nhóm tác giả đã nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về rủi ro đạo đức, thực tiễn rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đến năm 2011.

(10) PGS.TS Hà Minh Sơn (2014), Rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng - Thực trạng và khuyến nghị [56]. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện Tài chính, nhóm nghiên cứu đã phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại, những rủi ro xảy ra trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại, rủi ro đạo đức và thực trạng rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam giai đoạn 2010 đến 2014, từ đó đã đề xuất một số khuyến nghị về chính sách đối với Ngân hàng nhà nước và các cấp quản trị của các Ngân hàng thương mại nhằm phòng ngừa rủi ro đạo đức và hạn chế những tổn thất trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại Việt Nam.

(11) TS Nghiêm Văn Bảy (2017), Tổng hợp những bài học quản trị rủi ro trong hoạt động Ngân hàng thương mại qua một số vụ án hình sự đã được xét xử [4]. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện Tài chính, Hà Nội. Đề tài đã nghiên cứu về 50 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng đã được xét xử trong giai đoạn 2010 - 2015. Trong đề tài này nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ những rủi ro đạo đức xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, những thủ đoạn, những kẽ hở và bài học rút ra cho các nhà quản trị ngân hàng.

(12) Xuân Anh (2015), Cảnh báo rủi ro đạo đức cán bộ ngân hàng, Báo Sài Gòn đầu tư, ngày 09/07/2015 [3], trong bài báo này tác giả nghiên cứu về những hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại, những rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại, các nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa

(13) Vân Giang (2016), Rủi ro đạo đức: dễ mắc, khó gỡ, Báo Việt ngày 11/11/2016 [14], trong bài viết này tác giả nghiên cứu khá chi tiết về rủi ro đạo đức và những tổn thất do rủi ro đạo đức gây ra đối với các Ngân hàng thương mại, từ


việc phân tích những nguyên nhân, tác giả nhận định những nguy cơ xảy ra rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

(14) ThS Vũ Thị Thanh Hà (2012), Mối quan hệ giữa rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng và tự do hóa tài chính, Tạp chí ngân hàng số 12 tháng 6/2012 [16]. Từ những nghiên cứu về tự do hóa tài chính, những nguyên nhân dấn đến rủi ro đạo đức trong bối cảnh tự do hóa tài chính và những hệ lụy của rủi ro đạo đức gây ra.

(15) Các giáo trình sử dụng trong giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng như: PGS. TS. Đinh Xuân Hạng, ThS Nguyễn Văn Lộc (chủ biên) (2012), “Giáo trình Quản trị tín dụng Ngân hàng thương mại”, Nhà xuất bản Tài chính. 2012 [17]; Phan Thị Thu Hà (2009). Quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội [15]; Peter Rose, Giáo trình quản trị Ngân hàng thương mại, NXB Tài Chính, năm 2004 [51]; PGS.TS Nguyễn Đăng Đờn (2009), Quản trị NHTM hiện đại, Nhà xuất bản Phương đông [12]; TS Nguyễn Minh Kiều, Giáo trình nghiệp vụ Ngân hàng thương mại, NXB Thống Kê, năm 2006 [23]; Tiền tệ - Ngân hàng và Thị trường Tài chính (1993) của Frederic S.Mishkin (NXB Khoa học và kỹ thuật)… đều đề cập tới quy trình và phương pháp quản trị rủi ro trong hoạt động hệ thống ngân hàng.

Tóm lại, các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng đã được đề cập tới trong các công trình nghiên cứu về hoạt động của ngân hàng trong và ngoài nước, tuy nhiên chưa thực sự đi sâu vào nghiên cứu về cả cơ sở lý luận, thực tiễn quy trình và phương pháp quản lý rủi ro đạo đức.

2.3. Khoảng trống nghiên cứu

Các nghiên cứu ở trên đã góp phần quan trọng đưa ra những lí luận cơ bản về quản lý rủi ro đạo đức trong thời gian qua. Song vẫn còn những “khoảng trống” trong nghiên cứu về quản lý rủi ro đạo đức mà điển hình là quản lý rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2017.

Các “khoảng trống” trong nghiên cứu lí luận về rủi ro đạo đức, quản lý rủi ro đạo đức và thực trạng rủi ro đạo đức, quản lý rủi ro đạo đức tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam:

Xem tất cả 229 trang.

Ngày đăng: 02/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí