Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000 - 1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


TRỊNH THỊ HẰNG


Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam 1975 - 2000


LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC 5.04.33


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Người hướng dẫn: GS.TS. Lê Văn Lân


Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000 - 1

Hà nội - 2006


MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU 4

PHẦN NỘI DUNG 13

CHƯƠNG1 TÌNH HÌNH XÃ HỘI VÀ SỰ ĐỔI MỚI THƠ VIỆT NAM 131975-2000 13

1.1.Đời sống xã hội và đời sống thơ ca 13

1.1.1.Những chuyển biến của đời sống xã hội mười năm sau chiến tranh và một giai đoạn thơ ca 14

1.1.2. Đời sống xã hội những năm sau đổi mới( Đại hội Đảng VI. 1986) và sự tồn tại của hai xu hướng thơ ca: Xu hướng quay về thế sự đời tư và xu hướng hiện đại chủ nghĩa. 18

1.2. Đổi mới còn là nhu cầu nội tại của bản thân văn học27

1.2.1. Quan niệm về hiện thực và vai trò của chủ thể sáng tạo 27

1.2.2. Quan niệm chức năng văn học và sự hình thành của lớp độc giả kiểu mới 31

1.2.3. Lực lượng sáng tác 33

CHƯƠNG 2 CẢM HỨNG THẾ SỰ ĐỜI TƯ TRONG THƠ VIỆT NAM 1975-2000. 36

2.1. Cảm hứng thế sự trong thơ Việt Nam 1975-2000. 36

2.1.1 Sự lật trở các giá trị hiện thực, con người, xã hội 36

2.1.2. Sự mở rộng phản ánh các trạng thái xã hội trên bình diện đạo đức 41

2.1.3. Trở về với các giá trị truyền thống 48

2.2. Cảm hứng đời tư trong thơ Việt Nam 1975-2000. 53

2.2.1. Hành trình đi tìm bản ngã. 53

2.2.2. Tình yêu là chủ đề chính. 63

CHƯƠNG 3 HÌNH THỨC THỂ HIỆN THƠ VIỆT NAM 1975-2000 72

3.1. Ngôn ngữ. 73

3.1.1. Ngôn ngữ đời thường suồng sã. 74

3.1.2 Ngôn ngữ trong sáng, giản dị 78

3.1.3. Ngôn ngữ hàm ẩn, giàu sức gợi 81

3.2. Hình ảnh 83

3.2.1. Nhiều vấn đề của cuộc sống được nhận thức lại dẫn đến sự thay đổi ý nghĩa của một số biểu trưng trong thơ 83

3.2.2. Sự xuất hiện của một số biểu trưng mới 86

3.2.3. Các biểu trưng mang dáng dấp dân gian. 87

3.3. Thể loại 88

3.3.1. Giới thuyết về khái niệm 88

3.3.2 Một số thể thơ, truyền thống và cách tân 89

PHẦN KẾT LUẬN 101

TÀI LIỆU THAM KHẢO 103

PHẦN MỞ ĐẦU


1, Lý do chọn đề tài.

1.1 Một thời kỳ thơ ca đang lưu chuyển.

Thơ ca Việt Nam sau chiến tranh, tính từ thời điểm 1975 đến nay đã diễn ra hơn 1/4 thế kỷ và vẫn đang trong giai đoạn định hình. Nhận diện một giai đoạn thơ ca đang lưu chuyển là công việc không dễ dàng. Những năm trở lại đây vấn đề nhìn nhận văn học sau chiến tranh đang gây nên nhiều cuộc tranh cãi trong giới phê bình và sáng tác với nhiều ý kiến phân tán, không trùng khớp và thậm chí đối nghịch nhau.

Một trong những khó khăn của việc đánh giá đó là chúng ta chưa có một khoảng cách cần thiết để nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện văn học trong những tương quan nhiều mặt: thời đại, lịch sử, dân tộc và sự phát triển của con người Việt Nam.

Mặt khác, văn học nói chung và thơ ca nói riêng đang chịu sự tác động sâu sắc của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh thuận lợi là chúng ta có thể tự do sáng tác( ai có khả năng đều có cơ hội viết hết mình, và viết bằng chính suy nghĩ, cảm xúc của mình chứ không phải bằng bất cứ dạng đặt hàng ép uổng nào (nói cách khác, cái gọi là “cá tính sáng tạo” hay “chủ thể sáng tạo”đã được coi trọng); hạn chế của kinh tế thị trường đối với văn học là nhiều người sẽ lợi dụng vào cái gọi là “tự do sáng tạo” để phát ngôn bừa bãi, phục vụ lợi ích cá nhân hay thị hiếu của một thiểu số độc giả thiển cận nào đó. Ngay trong lĩnh vực phê bình, khái niệm “Tự do” cũng có nhiều vấn đề phải bàn cãi. Có nhiều đánh giá, nhiều nhận định, nhiều cách tiếp cận nghiêm túc nhưng cũng không thiếu thái độ phá phách, lăng xê hoặc hạ bệ thái quá vì những lý do ngoài văn chương, đôi khi đánh mất định hướng đối với những người sáng tác vẫn trong giai đoạn tìm đường.

Yêu cầu đưa ra một cách nhìn khách quan, khoa học để phán xét phân minh đối với nền thơ ca đang lưu chuyển và còn nhiều phức tạp là vấn đề cấp thiết.

1.2.Vai trò chủ đạo của cảm hứng thế sự đời tư.

Đánh giá một cách hệ thống và toàn diện thơ Việt Nam 1975-2000, có thể thấy rằng cảm hứng thế sự đời tư đóng vai trò chủ đạo thu hút phần lớn nỗ lực tìm kiếm sáng tạo của giới sáng tác về nội dung cũng như hình thức. Điều này tạo nên những thay đổi căn bản của thơ sau chiến tranh so với các giai đoạn trước. Sau chiến tranh, thơ quay về với những vấn đề nhân sinh, thế sự và đời sống cá nhân. Tinh thần dân chủ, cảm hứng sự thật và những định hướng thơ ca sau thời kỳ đổi mới đã đem đến cho thơ giai đoạn này nhiều sắc thái mới lạ. Tìm kiếm các giá trị cũng như những hạn chế về nội dung- hình thức của một thời kỳ thơ ca, nguyên nhân hình thành và xu hưóng phát triển của nó cũng là vấn đề quan trọng góp phần vào công cuộc xây dựng một nền văn học mang giá trị nhân văn sâu sắc.

2. Lịch sử vấn đề.

2.1.Tình hình nghiên cứu chung về thơ sau 1975.

Thơ Việt Nam từ 1975 đến nay mới đi được trên một phần tư thế kỷ. Vì thế, những công trình nghiên cứu thực sự có bề dày về thơ ca giai đoạn này còn rất ít ỏi. Nhưng với đặc điểm của một nền thơ ca đang lưu chuyển, thêm vào đó là tác động mạnh mẽ của tinh thần dân chủ trong sáng tác cũng như phê bình và những biến đổi nội tại của nó…thơ ca giai đoạn này lại có khả năng tạo nên những cuộc tranh luận sôi nổi( đặc biệt cuộc tranh luận kéo dài tới nửa năm trên báo Văn Nghệ). Vấn đề nhận định giá trị văn học thời kỳ này trong tương quan so sánh với thành tựu thơ ca dân tộc, thêm vào đó là cách đặt vấn đề định hướng sáng tác, về đổi mới - sáng tạo vì thị hiếu hay vì những giá trị đích thực của văn chương…là những vấn đề mang tính thời sự của thơ 1975-2000. Có thể

nói, lý luận phê bình về thơ sau chiến tranh vẫn còn đang ở dạng phân tán và chưa ngã ngũ.

Cuộc tranh luận tốn nhiều giấy mực nhất và theo chúng tôi cũng là vấn đề thời sự nhất của thơ Việt Nam sau chiến tranh là sự ra đời của chủ nghĩa hiện đại. Chúng tôi hệ thống thành ba quan điểm:

Quan điểm cổ vũ và giới thuyết cho thơ hiện đại. Đó là quan điểm của các nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều và các nhà nghiên cứu văn học như Đỗ Đức Hiểu, Phạm Xuân Nguyên…Họ cho rằng sau 60 năm, cuộc cách mạng thơ ca lần thứ nhất đang kết thúc. Lịch sử văn học đang chờ đợi một cuộc cách mạng thi ca mới và lần này hướng đi của nó là tượng trưng siêu thực. Những người theo quan điểm này tích cực giới thiệu các tập thơ Người đi tìm mặt(Hoàng Hưng), Ô mai, Bến lạ(Đặng Đình Hưng), Bóng chữ(Lê Đạt)…và cho rằng các tập thơ này là thơ hiện đại đang đến cả về quan niệm lẫn thi pháp.

Quan điểm thứ hai phủ nhận triệt để thơ hiện đại hôm nay , cho đó là thứ thơ quái dị do chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu chủ nghĩa hiện đại suy đồi ở Phương Tây đã từ lâu trở thành đồ phế thải. Tiêu biểu cho quan điểm này là Trần Mạnh Hảo với tập phê bình Thơ phản thơ. Giữ một giọng điệu châm biếm trong hàng loạt bài viết: Thơ hiện đại và hiện đại thơ, Thơ- phản thơ, Đổi mới hay đổi gác, Nhân đọc “ bóng chữ” , bàn về chữ và nghĩa trong thơ… Trần Mạnh Hảo quyết liệt đến mức cực đoan trong đánh giá các tác giả thơ hiện đại. Thậm chí, Trần Mạnh Hảo còn đặt tên cho thơ hiện đại là Thơ hác hác, Thơ mít đặc, Thơ đồi mông, Thơ thoát y …

Quan điểm thứ ba mà đại diện là các nhà phê bình Mã Giang Lân, Mai Hương, Lê Lưu Oanh, Vũ Tuấn Anh… cho rằng tuy chưa có những đóng góp thực sự mới mẻ và không ít hạn chế, thơ chủ nghĩa hiện đại đáng được quan tâm phân tích và tìm hiểu như một trong những bước mở của thơ Việt Nam đương đại.

Bên cạnh cuộc tranh luận về chủ nghĩa hiện đại, vấn đề hướng nội hay hướng ngoại trong thơ cũng được chú đặc biệt và có nhiều ý kiến trái ngựơc. Nhà thơ Tố Hữu, một cây bút có nhiều đóng góp cho thơ ca Cách mạng nhận định: “Chúng tôi không thích thơ bây giờ. Nó vụn vặt, nó rơi vào những tình cảm riêng tư nhiều quá. Trong khi cuộc đời có bao nhiêu chuyện đau khổ, chuyện liên quan đến cả sinh mệnh loài người, của cả dân tộc mà không đụng gì cả”.

Trong cuốn Thơ và tư duy thơ Việt Nam hiện đại, tác giả Nguyễn Bá Thành cũng nhận xét: “Hướng nội là đặc điểm lớn của toàn bộ nền thơ. Tư duy thơ hiện đại thiên về hướng nội sau một thời gian say sưa hướng ngoại. Hướng nội mà vẫn có thể quan tâm sâu sấc đến đời sống chính trị xã hội, trong nước và quốc tế, đến nhân tình thế thái bao la. Đó chính là đi tìm sự hài hoà. Ở thời điểm hiện nay thơ chúng ta chưa làm đựơc điều đó.

(70 - tr302)

Trong khi đó nhận định của hội đồng tuyển chọn Tuyển tập thơ Việt Nam 1975-2000 lại toát lên sự lạc quan: “Kể từ 1945 đây là giai đoạn thơ nước ta có bước phát triển mở rộng nhất. Việc mở rộng các chủ đề và đa dạng hoá phương pháp sáng tác tạo nên một bức tranh thơ rực rỡ sắc màu và còn đang biến đổi” (Tập1- tr5).

Chúng tôi điểm qua các vấn đề đang được tranh luận trong thơ Việt Nam 1975-2000 với mong muón phản ánh đời sống văn học sau chiến tranh. Đó là một giai đoạn thơ ca đầy phức tạp và đang đòi hỏi được nghiên cứu một cách đầy đủ và hệ thống để trả lời câu hỏi thơ Việt Nam đang đứng ở đâu. Tất nhiên điều này không xa mục đích đề tài: tìm kiếm sự ổn định của cảm hứng thế sự đời tư trong tính bất ổn của thơ đương đại.

2. 2. Những vấn đề liên quan đến đề tài.

Nhận diện một giai đoạn văn học, nhất là giai đoạn văn học đang lưu chuyển luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu. Hầu hết trong các công trình nghiên cứu văn học có bề dày các tác giả đều cố gắng hệ thống các đặc điểm của thơ ca Việt Nam sau chiến tranh.

Cảm hứng thế sự đời tư đựơc xem là một đặc điểm của thơ ca thời kỳ này. Tác giả Vũ Tuấn Anh trong chuyên luận: Nửa thế kỷ thơ Việt Năm 1945-1975 dành cả chương ba để trình bày về các kiểu cái tôi trữ tình trong thơ sau 1975. Tác giả hệ thống thành các nội dung: “Cái tôi tiếp tục khuynh hướng sử thi và đối thoại với sử thi”, “Cái tôi gắn với những vấn đề nhân sinh thế sự”, “Cái tôi trở về với những giá trị truyền thống và nhân bản”, “Cái tôi sáng tạo có tính chất cực đoan” (tr189). Tác giả cũng đã bàn đến hình thức của thơ Việt Nam đương đại trên bình diện cấu trúc, ngôn ngữ, hình tượng.

Trong chuyên luận Thơ trữ tình Việt Nam 1975-1990 tác giả Lê Lưu Oanh cũng tập trung khảo sát cái tôi trữ tình trong thơ sau 1975. Tác giả nhận diện ba kiểu loại cái tôi: Cái tôi sử thi, cái tôi thế sự và đời tư, cái tôi mang xu hướng hiện đại chủ nghĩa.

Tác giả Phạm Quốc Ca trong chuyên luận Mấy vấn đề thơ Việt Nam 1975-2000 cho rằng việc chỉ ra những đặc điểm của thơ Việt Nam là vấn đề tiếp tục phải giải quyết”(8- tr 10). Tác giả đã tập trung nghiên cứu thơ ca giai đoạn này trong tính toàn diện của nó; những tác động của đời sống xã hội, nội dung và hình thức, bao gồm 5 chương chuyên luận: “Cơ sở hiện thức xã hội và ý thức thẩm mỹ của thơ Việt Nam 1975-2000”, “Một giai đoạn tiếp nối thơ cách mạng với những đổi mới theo hướng sử thi và thế sự hoá”, “Một giai đoạn thơ trở về với trữ tình cá nhân”, “Một giai đoạn thơ trăn trở hiện đại hoá”, “Mấy đặc điểm về phương diện thi pháp”( 8-tr 11).

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 03/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí