Chính sách an ninh quốc phòng của Triều Nguyễn đối với vùng biên giới phía Bắc 1802 - 1858 - 2

trên các tạp chí chuyên ngành như tạp chí Nghiên cứu lịch sử, tạp chí Lịch sử quân sự, Tạp chí Dân tộc học… như: Mấy vấn đề về các cuộc khởi nghĩa nông dân dưới triều Nguyễncủa Chu Thiên (Nghiên cứu lịch sử, số 19 năm 1960), Khởi nghĩa Nông Văn Vân ở Cao Lạng (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4 năm 1981), Khởi nghĩa Nông Văn Vân ở Hà Tuyên (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3 năm 1983) của tác giả Nguyễn Phan Quang, Chính sách đối với dân tộc thiểu số của triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX của tác giả Nguyễn Minh Tường (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 năm 1993), Quân đội nhà Nguyễn của tác giả Đỗ Văn Ninh (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 năm 1993), Những bất ổn trong chính sách quốc phòng của triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX của Trần Kim Nhung (Tạp chí Xưa & Nay, 2007), Khoa học quân sự triều Minh Mệnh trước sự ảnh hưởng của phương Tây của tác giả Phạm Ái Phương (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 năm 1998), Chính sách giáo dục đối với các dân tộc ít người dưới triều Minh Mạng (1820 - 1840) của tác giả Phạm Ái Phương (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 5 năm 2000)…

Như vậy, trong các công trình viết về lịch sử Việt Nam nói chung hay lịch sử Việt Nam thời Nguyễn đã đề cập đến những chủ trương, biện pháp khác nhau của triều Nguyễn để giữ gìn an ninh trật tự xã hội và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu trực tiếp về chính sách an ninh quốc phòng của triều Nguyễn đối với vùng biên giới phía Bắc. Việc nghiên cứu vấn đề này một cách trực tiếp, cụ thể và tỉ mỉ hơn đang được đặt ra cho các nhà nghiên cứu. Tất cả những công trình của các thế hệ đi trước đã gợi mở và tạo cơ sở lý luận cũng như thực tiễn để chúng tôi có thể đi sâu nghiên cứu về chính sách an ninh quốc phòng của triều Nguyễn đối với vùng biên giới phía Bắc.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi thời gian: Triều Nguyễn tồn tại trong lịch sử Việt Nam có thể chia ra thành hai giai đoạn: giai đoạn độc lập tự chủ, được tính từ năm 1802 đến năm 1858, giai đoạn tiếp theo, từ năm 1858 đến 1884 là thời gian phụ thuộc vào thực dân Pháp. Vì vậy, để có thể tìm hiểu rò hơn những chính sách của nhà nước nói chung và chính sách an ninh quốc phòng của triều Nguyễn nói riêng chúng tôi chọn mốc thời gian từ 1802 đến 1858, khi triều Nguyễn còn tồn tại như một vương triều độc lập, bao gồm các đời vua: Gia Long (1802 - 1820), Minh Mệnh (1820 - 1840), Thiệu Trị (1841 - 1847), và

kéo dài đến năm Tự Đức thứ 11 (1858). Đây là thời kỳ tồn tại độc lập của vương triều Nguyễn, những chính sách về hành chính, dân cư, và văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng được thể hiện rò nét, có tính tự chủ và chưa bị chi phối bởi các thế lực bên ngoài.

- Phạm vi không gian: Chúng tôi lựa chọn phạm vi nghiên cứu là vùng biên giới phía Bắc. Vùng này được hiểu là các tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Trước cải cách Minh Mệnh vùng này bao gồm 6 ngoại trấn trong số 11 trấn của Bắc Thành. Sau cải cách hành chính của Minh Mệnh (1831) được đổi thành 6 tỉnh là: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Quảng Yên. Đây là vùng thượng du, giáp với biên giới Trung Quốc, địa hình hiểm trở, thành phần dân tộc phức tạp, lại xa chính quyền trung ương nên để quản lý tốt vùng này là việc không dễ dàng đối với nhà Nguyễn. Từ khi trung tâm được chuyển từ Thăng Long vào Phú Xuân - Huế, mọi tiềm lực về kinh tế, quân sự đều được ưu tiên cho Kinh đô và Nhà nước cũng chú trọng đến việc củng cố và mở rộng lãnh thổ ở phía Nam. Bên cạnh việc củng cố vùng đất mới, vùng biên giới phía Bắc cũng được Nhà nước chú trọng ở mức độ nhất định.

4. Nguồn tư liệu chính

Để luận văn đạt được mục đích nghiên cứu, bên cạnh những bộ chính sử được biên soạn dưới triều Nguyễn, chúng tôi còn sử dụng các tài liệu được biên soạn trong các giai đoạn sau. Trong đó có các bộ biên niên, các giáo trình, những luận văn trên các tạp chí chuyên ngành… Mỗi loại tài liệu có những đặc trưng nhất định, có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giúp cho việc thể hiện nội dung của luận văn thêm sâu sắc.

- Những bộ chính sử được biên soạn dưới triều Nguyễn: Những bộ chính sử được biên soạn công phu dưới triều Nguyễn là nguồn tư liệu quan trọng, phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam thời kỳ này. Tiêu biểu là: Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện… Các bộ sách trên đều đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, vì vậy giúp các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam thời Nguyễn có thể tham khảo một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Bộ Đại Nam thực lục là bộ sử lớn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong một thời gian dài (từ 1821 đến 1909). Bộ sách này được viết theo thể biên niên gồm 2 phần Tiền biên và Chính biên. Trong đó, phần Tiền biên ghi chép toàn bộ những sự kiện về thời kỳ các chúa Nguyễn (từ 1558 đến 1777). Phần Chính biên ghi chép toàn bộ lịch sử từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi chúa ở Gia định đến đời Đồng Khánh (1887). Bộ sách này đã được dịch ra chữ Quốc ngữ và xuất bản lần đầu tiên năm 1962 đến năm 1978 (38 tập) và được tái bản năm 2004 - 2007 (10 tập). Đây được coi là nguồn tài liệu gốc, quan trọng nhất phục vụ cho luận văn. Các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của các triều đại được ghi chép cụ thể, kỹ càng theo thứ tự thời gian. Qua đó, chúng ta có thể hình dung được sự vận hành của bộ máy nhà nước, những vấn đề đặt ra trong bối cảnh đương thời và mức độ quan tâm của Nhà

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

nước đối với các vấn đề đó. Vấn đề cương vực lãnh thổ và an ninh vùng biên giới được nhà nước quan tâm bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là một công trình đồ sộ, gồm 262 quyển do Nội các triều Nguyễn biên soạn theo thể tài Hội điển. Trong đó ghi chép tất cả các điều lệ, hiến chương, điển chế của Nhà nước đề ra và thi hành ở thời Nguyễn từ năm Gia Long thứ 1 (1802) đến năm Tự Đức thứ 4 (1851). Đây là bộ sách chứa đựng một khối lượng đồ sộ những kiến thức, sử liệu chân xác, đặc biệt là thể chế, hoạt động của bộ máy nhà nước Việt Nam dưới triều Nguyễn. Bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên chi chép các điển chương, chế độ của triều Nguyễn từ năm 1852 đến 1889. Do vậy, để nghiên cứu toàn diện xã hội Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1851), bên cạnh các bộ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, thì Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên và tục biên) cung cấp cho chúng ta những sử liệu gốc, độ chân xác cao. Bên cạnh đó, bộ Đại Nam nhất thống chí là công trình được biên soạn dưới triều Nguyễn, ghi chép kĩ càng về tên đất và các vùng địa lý trong nước dưới thời Nguyễn cũng là nguồn tư liệu quan trọng đối với việc thể hiện nội dung của luận văn.

Chính sách an ninh quốc phòng của Triều Nguyễn đối với vùng biên giới phía Bắc 1802 - 1858 - 2

- Tài liệu châu bản: Các châu bản triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Các tài liệu châu bản là tập hợp nguồn tài liệu chính thống, phong phú, cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về những sự kiện đang diễn ra trong giai đoạn đó và thái độ của Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề đang nảy sinh trong xã hội. Một số vấn đề về an ninh khu vực biên giới phía Bắc cũng được đề cập đến trong nguồn tài liệu này.

Các bộ Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực (1808 - 1852) và Quốc triều chính biên toát yếu của Cao Xuân Dục (1842 - 1923) là hai bộ sử giúp chúng ta bổ sung những sự kiện mà chính sử triều Nguyễn chép thiếu hoặc không chép.

Một số ấn phẩm được xuất bản trong giai đoạn sau cũng là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng phục vụ cho luận văn này như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Lịch sử Việt Nam của Đào Duy Anh, Lịch sử chế độ phong kiến (tập 3) của Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Việt sử tân biên của Phạm Văn Sơn, Lịch sử cận đại Việt Nam của Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Đại cương lịch sử Việt Nam tập 1 do Trương Hữu Quýnh chủ biên, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến 1858 do Nguyễn Phan Quang chủ biên, Tiến trình lịch sử Việt Nam do Nguyễn Quang Ngọc chủ biên…

- Luận án, luận văn khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành: Từ rất sớm, trên các tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Tạp chí Lịch sử quân sự và một số tạp chí khác đã xuất hiện những bài viết về lịch sử Việt Nam dưới triều Nguyễn với các nội dung phong phú, là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để nhận thức rò hơn về bức tranh của Việt Nam thời Nguyễn.

Một số tài liệu nghiên cứu về các địa phương như Lịch sử tỉnh Cao Bằng, các tài liệu địa chí của các tỉnh (phần lịch sử) như Địa chí Thái Nguyên, Địa chí Lạng Sơn… cũng là nguồn tài liệu quan trọng giúp chúng ta hiểu rò hơn những chính sách nhà nước thực thi và sự tác động của nó đối với các địa phương này.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong Luận văn này, phương pháp chính chúng tôi sử dụng là phương pháp lịch sử cụ thể. Đồng thời, để luận văn có tính khoa học, có những chứng cứ xác thực và cụ thể hơn, chúng tôi còn sử dụng phương pháp liên ngành, thống kê định lượng, so sánh đối chiếu. Từ đó đưa ra những nhận xét về mức độ quan tâm của triều Nguyễn đối với an ninh vùng biên giới, chỉ ra những kết quả đạt được những mặt còn hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách này.

6. Mục đích nghiên cứu và đóng góp của Luận văn

Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu về triều Nguyễn nói chung và những công trình nghiên cứu về lịch sử vùng biên giới phía Bắc, tác giả sẽ hệ thống lại, mô tả và làm rò những chính sách điển hình được Nhà nước thực hiện ở vùng này. Dựa vào những cứ liệu lịch sử, tác giả sẽ phân tích, tìm ra những điểm tích cực và hạn chế trong chính sách triều Nguyễn đưa ra nhằm đảm bảo an ninh biên giới quốc gia. Qua đây, tác giả cũng hy vọng có thể rút ra bài học lịch sử phục vụ cho chiến lược an ninh quốc phòng của nhà nước ta hiện nay.

7. Bố cục của Luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và phụ lục, Luận văn được chia làm 3 chương:

Chương 1. Vùng biên giới phía Bắc trong bối cảnh Việt Nam thời Nguyễn: Trong chương này tác giả tập trung giới thiệu những biến đổi của tình hình thế giới và khu vực ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX và những tác động đến Việt Nam. Trong giai đoạn đầu mới thành lập, triều Nguyễn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Hoạt động đối nội và đối ngoại của chính quyền trung ương có vai trò đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ những nhà cầm quyền đối với vận mệnh của dân tộc. Đồng thời chương 1 cũng nêu lên vị trí quan trọng của vùng biên giới phía Bắc trong lịch sử cũng như dưới thời Nguyễn.

Chương 2. Củng cố bộ máy hành chính, dẹp phản loạn: Chương 2 của Luận văn chủ yếu trình bày những quan điểm, chủ trương biện pháp bảo vệ an ninh của nhà nước đối với vùng biên giới phía Bắc. Đó là việc tăng cường bộ máy quản lí hành chính đến tận cấp châu, huyện miền núi. Đỉnh cao là cuộc cải cách hành chính thực thi dưới triều Minh Mệnh. Mục đích của chính quyền trung ương là nhất thể hóa bộ máy hành chính giữa trung ương

và địa phương. Tuy nhiên, hiệu quả của những chính sách này chỉ đạt được ở mức độ nhất định, ngược lại còn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng xảy ra các cuộc nổi dậy diễn ra triền miên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nhân dân và khiến cho triều đình trung ương phải lo lắng đối phó. Biện pháp được nhà nước thực hiện vẫn là kết hợp các biện pháp mềm dẻo và cứng rắn. Chủ trương ban đầu của triều đình là phủ dụ thay cho trấn áp. Khi những biện pháp mềm dẻo không mang lại hiệu quả thì bắt buộc nhà nước phải dùng đến biện pháp cứng rắn hơn. Đó là tăng cường lực lượng quân đội đàn áp, trừng trị triệt để những cá nhân cầm đầu và tham gia các cuộc nổi dậy, trừng trị nghiêm minh những quan lại không làm tròn chức trách của mình.‌

Chương 3: Tăng cường củng cố quốc phòng, bảo vệ biên cương: Nội dung chính của chương 3 là các chủ trương và biện pháp của nhà nước nhằm xây dựng nền quốc phòng vững mạnh với các nội dung quan trọng là Xây dựng lực lượng quân đội, hệ thống thành trì và trang bị vũ khí, sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới. Đồng thời, sự giải quyết vấn đề biên giới thông qua quan hệ ngoại giao cũng là một nội dung quan trọng được đề cập đến trong chương này.

Trong quá trình thực hiện luận văn, ngoài sự cố gắng của bản thân, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Ban Lãnh đạo và các cán bộ Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Thư viện Viện Sử học, Phòng Tư liệu Khoa Lịch Sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn…. Đặc biệt, để hoàn thành bản luận văn này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của thầy giáo hướng dẫn - Phó Giáo sư. Tiến sĩ Vũ Văn Quân trong suốt quá trình thực hiện đề tài.

Nhân dịp này, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc nhất tới thầy giáo hướng dẫn, gia đình, bạn bè và những người đã giúp đỡ, động viên tôi hoàn thành luận văn này.


Chương 1

VÙNG BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM THỜI NGUYỄN


1.1. Tình hình Việt Nam thời Nguyễn

Năm 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, làm chủ lãnh thổ rộng lớn cả Đàng Trong và Đàng Ngoài, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long lập nên triều Nguyễn. Triều Nguyễn ra đời trên cơ sở kế thừa nhiều thành tựu quan trọng của thời Tây Sơn, đặc biệt là nền móng tư tưởng về một quốc gia thống nhất. Tuy nhiên, những chuyển biến của cục diện thế giới và những vấn đề nảy sinh trong nước lại đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho triều đại mới.

Bối cảnh chung của thế giới những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là giai đoạn phát triển cực thịnh của Chủ nghĩa tư bản ở các nước phương Tây. Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước này càng làm tăng nhu cầu về thuộc địa để cung cấp nguyên liệu và nhân công cho nền công nghiệp ở chính quốc, tạo ra thị trường để tiêu thụ hàng hoá và cả nhu cầu về vốn tư bản. Các cuộc xâm chiếm và tranh giành thuộc địa diễn ra ở khắp các châu lục, trong đó vùng châu Á rộng lớn đầy tiềm năng trở thành mục tiêu lớn của các nước đế quốc. Song song với các hoạt động thương mại, các giáo sĩ phương Tây cũng tích cực hoạt động truyền giáo và tuyên truyền các luồng tư tưởng và lối sống của phương Tây vào các xã hội phương Đông [111, tr. 31].

Trước nguy cơ bị xâm lược bởi thực dân phương Tây, nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho các dân tộc châu Á là bằng mọi cách phải bảo vệ cho được độc lập dân tộc. Đã có những nước sớm nhận thức được cục diện thế giới và xây dựng được chiến lược để bảo vệ thành công lãnh thổ quốc gia như Thái Lan và

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 23/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí