tiểu học đưa ra quan điểm, suy nghĩ và cách xử lí tình huống thực tế gặp phải trong bất kì nội dung nào của cuộc sống, chẳng hạn đóng vai tham gia giao thông, bác sỹ, công an,… Thông qua sân khấu tương tác, sự tham gia của học sinh tiểu học được tăng cường và thúc đẩy, tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện những kĩ năng như: kĩ năng phát hiện vấn đề, kĩ năng phân tích vấn đề, kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo khi giải quyết tình huống và khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống,…
e) Tham quan, dã ngoại
Tham quan, dã ngoại là một hình thức tổ chức học tập thực tế hấp dẫn đối với học sinh. Mục đích của tham quan, dã ngoại là để các em học sinh tiểu học được đi thăm, tìm hiểu và học hỏi kiến thức, tiếp xúc với các di tích lịch sử, văn hóa, công trình, nhà máy… ở xa nơi các em đang sống, học tập, giúp các em có được những kinh nghiệm thực tế, từ đó có thể áp dụng vào cuộc sống của chính các em.
Nội dung tham quan, dã ngoại có tính giáo dục tổng hợp đối với học sinh như: giáo dục lòng yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử, truyền thống của Đảng, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực tham quan, dã ngoại có thể được tổ chức ở nhà trường là: Tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa; Tham quan các công trình công cộng, nhà máy, xí nghiệp; Tham quan các cơ sở sản xuất, làng nghề; Tham quan các Viện bảo tàng; Dã ngoại theo các chủ đề học tập; Dã ngoại theo các hoạt động nhân đạo…
f) Hội thi / cuộc thi
Hội thi/cuộc thi là một trong những hình thức tổ chức hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn học sinh và đạt hiệu quả cao trong việc tập hợp, giáo dục, rèn luyện và định hướng giá trị cho tuổi trẻ. Hội thi mang tính chất thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể luôn hoạt động tích cực để vươn lên đạt được mục tiêu mong muốn thông qua việc tìm ra người/đội thắng cuộc. Chính vì vậy, tổ chức
hội thi cho học sinh là một yêu cầu quan trọng, cần thiết của nhà trường, của giáo viên trong quá trình tổ chức HĐTN.
Mục đích tổ chức hội thi/cuộc thi nhằm lôi cuốn học sinh tham gia một cách chủ động, tích cực vào các hoạt động giáo dục của nhà trường; đáp ứng nhu cầu về vui chơi giải trí cho học sinh; thu hút tài năng và sự sáng tạo của học sinh; phát triển khả năng hoạt động tích cực và tương tác của học sinh, góp phần bồi dưỡng cho các em động cơ học tập tích cực, kích thích hứng thú trong quá trình nhận thức. Hội thi/cuộc thi có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thi vẽ, thi viết, thi tìm hiểu, thi đố vui, thi giải ô chữ, thi tiểu phẩm, thi kể chuyện, thi kể chuyện theo tranh, hội thi học tập, hội thi thời trang,… có nội dung giáo dục về một chủ đề nào đó. Nội dung của hội thi rất phong phú, bất cứ nội dung giáo dục nào cũng có thể được tổ chức dưới hình thức hội thi/cuộc thi. Điều quan trọng khi tổ chức hội thi là phải linh hoạt, sáng tạo khi tổ chức thực hiện, tránh máy móc thì cuộc thi mới hấp dẫn.
h) Hoạt động nhân đạo
Hoạt động nhân đạo là hoạt động tác động đến trái tim, tình cảm, sự đồng cảm của học sinh trước những con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động nhân đạo, học sinh biết thêm những hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, người nhiễm chất độc da cam, trẻ em mồ côi, người tàn tật, khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,… để kịp thời giúp đỡ, giúp họ từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Hoạt động nhân đạo giúp các em học sinh được chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm và giá trị vật chất của mình với những thành viên trong cộng đồng, giúp các em biết quan tâm hơn đến những người xung quanh từ đó giáo dục các giá trị cho học sinh như: tiết kiệm, tôn trọng, chia sẻ, cảm thông, yêu thương, trách nhiệm, hạnh phúc,… Hoạt động nhân đạo trong trường tiểu học được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Xây dựng quỹ ủng hộ các bạn thuộc gia đình nghèo,
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý hoạt động trải nghiệm cho học sinh các trường tiểu học thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - 2
- Quản Lý Hoạt Động Trải Nghiệm Của Học Sinh Ở Trường Tiểu Học
- Lý Luận Về Hoạt Động Trải Nghiệm Cho Học Sinh Ở Trường Tiểu Học
- Chỉ Đạo Triển Khai Các Hoạt Động Trải Nghiệm Cho Học Sinh Ở Trường Tiểu Học
- Tình Hình Kinh Tế - Xã Hội Của Thành Phố Hạ Long
- Thực Trạng Nội Dung Hoạt Động Trải Nghiệm Cho Học Sinh Ở Các Trường Tiểu Học Thành Phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
có hoàn cảnh khó khăn; Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam; Phòng trào “hũ gạo tình thường”; Quyên góp đồ dùng học tập cho các bạn học sinh vùng cao…
1.3.6. Đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm
Theo chương trình PT giáo dục phổ thông 26/12/2018, thực hiện đánh giá hoạt động trải nghiệm như sau:
a.Mục đích đánh giá
Hoạt động trải nghiệm là đánh giá mức độ đạt được của học sinh so với các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đặt ra cho mỗi giai đoạn học tập, nhằm xác định vị trí và ghi nhận sự tiến bộ của mỗi học sinh trong quá trình phát triển của bản thân, khuyến khích và định hướng cho học sinh tiếp tục rèn luyện để hoàn thiện. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lí giáo dục và giáo viên điều chỉnh chương trình và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
b. Nội dung đánh giá
Nội dung đánh giá kết quả giáo dục trong Hoạt động trải nghiệm bao gồm:
– Đánh giá mức độ nhận thức về các vấn đề đã được đề cập trong các chủ đề hoạt động.
– Đánh giá về động cơ, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực,... của học sinh khi tham gia hoạt động.
– Đánh giá về các kĩ năng của học sinh trong việc thực hiện các hoạt động.
– Đánh giá về đóng góp của học sinh vào thành tích chung của tập thể và việc thực hiện có kết quả hoạt động chung của tập thể.
– Đánh giá về số giờ tham gia các hoạt động.
c. Phương pháp đánh giá
* Cứ liệu đánh giá
Đánh giá kết quả giáo dục cần dựa trên cả hai loại thông tin định tính và định lượng.
Thông tin định tính là những thông tin thu thập được từ quan sát của giáo viên và từ các nguồn khác (ý kiến tự đánh giá của học sinh, đánh giá đồng đẳng của các học sinh trong lớp, ý kiến nhận xét của phụ huynh học sinh và cộng đồng).
Thông tin định lượng là những thông tin về số giờ (số lần) tham gia hoạt động trải nghiệm (hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm thường xuyên, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp, hoạt động lao động,...); số lượng các sản phẩm hoàn thành và được lưu trong hồ sơ hoạt động.
* Các hình thức đánh giá
- Tự đánh giá: Tự đánh giá là hoạt động đánh giá bản thân do mỗi học sinh thực hiện. Tự đánh giá tạo cơ hội để mỗi học sinh tự xem xét và điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình, đồng thời cung cấp thông tin phản hồi có ý nghĩa cho giáo viên về quan niệm giá trị, nhu cầu rèn luyện và cách thức rèn luyện mong muốn của học sinh. Khi học sinh trở thành người tự giám sát độc lập, giáo viên cần đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ bình đẳng, hợp tác với học sinh để vừa có thể đồng hành cùng các em vừa có định hướng đánh giá sâu sắc hơn.
Đánh giá đồng đẳng: Đánh giá đồng đẳng là hoạt động đánh giá giữa các học sinh nhằm cung cấp thông tin phản hồi để cùng học hỏi và hỗ trợ nhau. Đánh giá đồng đẳng tạo cơ hội cho học sinh phát triển tinh thần hợp tác, tư duy phản biện và khả năng thuyết phục người khác. Từ đánh giá đồng đẳng, giáo viên cũng thu nhận được thông tin về quan niệm giá trị, nhu cầu rèn luyện và cách thức rèn luyện mong muốn của học sinh.
Đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng: Đánh giá của cha mẹ học sinh và cộng đồng là ý kiến nhận xét của cha mẹ học sinh và của những người có mối quan hệ nhất định với học sinh (thôn bản, tổ dân phố, nơi học sinh tham gia các hoạt động,...) về ý thức, thái độ của học sinh trong cuộc sống hằng ngày và trong việc tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đánh giá của cha mẹ học
sinh và cộng đồng giúp học sinh và giáo viên có thông tin đầy đủ, toàn diện hơn về sự phát triển của học sinh trong quá trình rèn luyện. Giáo viên chủ động lập kế hoạch lấy ý kiến cha mẹ học sinh và cộng đồng bằng hình thức phù hợp (lấy ý kiến thường xuyên hoặc định kì; qua trao đổi trực tiếp hoặc qua phiếu nhận xét). Khi lấy ý kiến đánh giá của phụ huynh học sinh và cộng đồng, cần tập trung vào mục tiêu giáo dục, làm rõ những gì học sinh đã thực hiện tốt, những gì cần cải thiện và phản hồi, gợi ý cho học sinh về hướng tiếp tục rèn luyện để đáp ứng mục tiêu giáo dục.
Đánh giá của giáo viên: Đánh giá của giáo viên là sự thu thập, xử lí các thông tin về quá trình học sinh thực hiện các nhiệm vụ của hoạt động (qua bài kiểm tra vấn đáp hoặc tự luận, bài tập thực hành, bài tiểu luận, bài thuyết trình, bài tập nghiên cứu, dự án nghiên cứu,...) và về thái độ, hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt và giao tiếp hằng ngày. Giáo viên chủ nhiệm cần trao đổi với các giáo viên khác có liên quan đến học sinh để thống nhất đánh giá về học sinh.
d.Tổng hợp kết quả đánh giá
Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá từ những đánh giá của giáo viên, tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng. Đối với cấp tiểu học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Kết quả đánh giá sau mỗi học kì và cuối năm đối với từng học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá thường xuyên định kì về phẩm chất và năng lực theo 3 mức:
+ Tốt: đáp ứng tốt yêu cầu của giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên
+ Đạt: đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên.
+ Cần cố gắng: chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ [2].
1.4. Quản lý hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở trường tiểu học
1.4.1. Lập kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở tiểu học
Lập kế hoạch là một chức năng cơ bản của quản lý, trong đó cần xác định những vấn đề chẳng hạn: nhận định và phân tích tình hình, bối cảnh; dự báo khả năng; lựa chọn, xác định các mục tiêu, mục đích và hoạch định con đường, cách thức biện pháp để đạt được mục tiêu, mục đích của quá trình. Trong mỗi kế hoạch thường bao gồm các nội dung như: xác định hình thành mục tiêu, xác định và đảm bảo về các điều kiện, nguồn lực của tổ chức để đạt được mục tiêu và cuối cùng là quyết định xem hoạt động nào là cần thiết để đạt được mục tiêu đặt ra. Lập kế hoạch quản lý hoạt động TN cho học sinh, người cán bộ quản lý trường học cần thực hiện các nội dung sau:
Xây dựng kế hoạch chung, trong đó nhà QL phải tiến hành những công việc cơ bản sau:
- Đánh giá thực trạng của nhà trường liên quan đến hoạt động trải nghiệm, làm rõ điều kiện nguồn lực đáp ứng cho hoạt động trải nghiệm.
- Xác định các mục tiêu có tính khả thi.
- Lựa chọn được những hoạt động trải nghiệm tiến hành theo chủ đề của tuần, tháng, kỳ, năm học của từng bộ môn, cách thức tiến hành, quan tâm đến nội dung của hoạt động trải nghiệm sáng tạo về: trải nghiệm nhận thức, trải nghiệm xã hội, trải nghiệm tình cảm, trải nghiệm mô phỏng thông qua trò chơi,…
+ Trải nghiệm nhận thức được thiết kế theo chủ đề môn học hay liên môn.
+ Trải nghiệm xã hội được thiết kế theo các chủ đề liên quan đến giải quyết vấn đề xã hội như: dân số, môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, hòa nhập, bản sắc văn hóa dân tộc, đói nghèo,…
+ Trải nghiệm tình cảm được thiết kế theo các chủ đề về văn hóa, nghệ thuật đòi hỏi học sinh phải thể hiện xúc cảm, tình cảm của mình trước các vấn đề nêu ra.
- Sắp xếp công việc theo tiến độ hợp lý, đáp ứng nguồn lực và các biện pháp để thực hiện có hiệu quả cho hoạt động trải nghiệm.
* Yêu cầu khi xây dựng kế hoạch họat động trải nghiệm:
Căn cứ vào nhiệm vụ năm học và chương trình học tập các môn học, Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch hoạt động TN cho từng khối lớp hoặc toàn trường và chỉ đạo giáo viên tổ chức thực hiện.
- Phải rõ ràng, cụ thể, chi tiết, thể hiện:
+ Tên, nội dung kế hoạch
+ Mục tiêu của hoạt động: rõ ràng, phù hợp với mục tiêu của giáo dục, kiến thức, nhận thức, khả năng, năng lực của học sinh tiểu học,...
+ Nội dung của hoạt động trải nghiệm: cần phù hợp và có mối quan hệ với hoạt động dạy học, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh tiểu học.
+ Đối tượng tham gia: CBGV, học sinh trong trường có thể mời thêm các chuyên gia, cha mẹ học sinh, địa phương, các tổ chức có liên quan.
+ Nguồn lực hỗ trợ: Nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính cần sử dụng, sự phối kết hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường.
+ Thời gian thực hiện: Ngày, tuần, tháng, học kỳ.
+ Kết quả cần đạt được: Sự mở rộng về nhận thức, sự phát triển về kỹ năng hành vi ở học sinh.
+ Các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm.
- Phải đảm bảo tính khả thi: kế hoạch xây dựng cần gắn với nguồn lực thực hiện và tổ chức được HĐTN cho học sinh tiểu học.
- Phải đảm bảo tính mới: Chương trình HĐTN thể hiện được sự khác biệt, mới lạ so với các chương trình trải nghiệm cũ, đã thực hiện trước đó nhưng đảm bảo theo yêu cầu chương trình PT giáo dục PT hiện hành.
1.4.2. Tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm cho học sinh ở trường tiểu học
Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch gồm:
Hiệu trưởng thành lập Ban chỉ đạo tổ chức HĐTN do Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng ban, và đại diện của các tổ chức đoàn
thể (Đoàn thanh niên; Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) và đại diện giáo viên ở các khối lớp, các tổ chức trong và ngoài nhà trường có liên quan.
- Giải thích mục tiêu, yêu cầu, của kế hoạch HĐTN. Thảo luận biện pháp thực hiện kế hoạch.
- Sắp xếp bố trí nhân sự, phân công trách nhiệm quản lý, huy động cơ sở vật chất, tài chính phục vụ cho thực hiện kế hoạch. Khi sắp xếp bố trí nhân sự, Hiệu trưởng phải biết được phẩm chất và năng lực của từng người, điểm mạnh, điểm yếu, nếu cần có thể phân công theo từng “ê kíp” để công việc được tiến hành một cách thuận lợi và có hiệu quả.
- Nhiệm vụ tổ chức thực hiện các HĐTN trong trường tiểu học là trách nhiệm của mỗi giáo viên, nhân viên trong nhà trường, song đặc biệt là đội ngũ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ phụ trách Đội.
Đội ngũ cán bộ phụ trách Đội chính là giáo viên Tổng phụ trách của nhà trường sẽ là người trực tiếp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chuyên về văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí cho học sinh thông qua các chuyên đề về Đội.
Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các HĐTN cho học sinh thông qua các môn học do mình phụ trách giảng dạy.
Trong việc tổ chức thực hiện, Hiệu trưởng cần tạo điều kiện cho người tham gia phát huy tinh thần tự giác, tích cực, phối hợp cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Bồi dưỡng năng lực tổ chức HĐTN cho giáo viên nếu thấy cần thiết, huy động và phân phối các nguồn lực để tiến hành HĐTN cho học sinh. Việc huy động các nguồn tài chính để tổ chức HĐTN cho học sinh bằng nhiều nguồn tài chính khác nhau như: ngân sách nhà nước, cha mẹ học sinh đóng góp, các cá nhân, đơn vị ngoài trường tài trợ,...