đặc điểm trên, có thể khẳng định: Bản chất của hoạt động quản lý là cách thức tác động hợp quy luật của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý trong một tổ chức nhằm làm cho tổ chức vận hành đạt hiệu quả mong muốn và đạt mục tiêu đề ra.
Cũng có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm quản lý, sau đây là một số quan điểm chính.
- Theo sự phân tích của K.Mác thì “Bất cứ nơi nào có lao động, nơi đó có quản lý”. Trong tác phẩm: “Những vấn đề cốt yếu của quản lý” tác giả Harold Kontz viết “Quản lý là một hoạt động thiết yếu, nó đảm bảo phối hợp những nỗ lực cá nhân nhằm đạt được các mục đích của nhóm về thời gian, tiền bạc và sự bất mãn cá nhân ít nhất” [ 6, tr. 112 ].
- Theo tác giả Trần Kiểm: “Quản lý là những tác động của chủ thể quản lý trong việc huy động phát huy, kết hợp, sử dụng, điều chỉnh, điều phối các nguồn lực ( Nhân lực, vật lực, tài lực ) trong và ngoài nước ( Chủ yếu là nội lực ) một cách tối ưu nhằm đạt mục đích của tổ chức với hiệu quả cao nhất” [ 7, tr. 127]
- Tác giả khoa Sư phạm-Đại học Quốc gia Hà Nội là Nguyễn Quốc Chí, Nguyễn Thị Mỹ Lộc đưa ra quan niệm: “Quản lý là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức” [ 8, tr. 26 ].
Tuy những quan niệm trên có khác nhau, song có thể khái quát: Quản lý là sự tác động gây ảnh hưởng của chủ thể quản lý bằng những công cụ, phương pháp mang tính đặc thù trong việc thực hiện các chức năng quản lý để đạt được mục tiêu chung của hệ thống.
* Quản lý giáo dục: Quản lý giáo dục là sự vận dụng một cách cụ thể các nguyên lý của quản lý nói chung vào lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, cần làm rõ nội hàm khái niệm, để từ cơ sở lý thuyết đó giúp xác định nội dung và các biện pháp quản lý giáo dục đạo đức trong công tác quản lý nhà trường.
Theo tác giả Đặng Quốc Bảo, QLGD theo nghĩa tổng quát là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý trong hệ thống giáo dục, là sự điều hành hệ thống giáo dục quốc dân, điều hành các cơ sở giáo dục
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đáp ứng đổi mới giáo dục - 1
- Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đáp ứng đổi mới giáo dục - 2
- Kiểm Tra Đánh Giá Hoạt Động Bồi Dưỡng Giáo Viên
- Thời Gian Khảo Sát. Chúng Tôi Tiến Hành Khảo Sát Các Đối Tượng Từ Ngày 01/6/2021 Đến Ngày 01/8/2021
- Quy Mô Và Chất Lượng Giáo Dục Của Học Sinh Trung Học Cơ Sở.( Xem Phục Lục Bảng 2.4, 2.5)
Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.
nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công tác giáo dục theo yêu cầu phát triển của xã hội ( Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài ) [9, tr. 28].
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang: Khái niệm về QLGD:“Là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý tới khách thể nhằm đưa hoạt động sư phạm của hệ thống giáo dục đạt tới kết quả mong muốn bằng cách hiệu quả nhất” [10, tr. 56].
Theo tác giả Trần Kiểm, khái niệm quản lý giáo dục đối với cấp vĩ mô:
“Quản lý giáo dục được hiểu là hệ thống những tác động tự giác, có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật của chủ quản lý đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường” [ 11, tr. 37 ].
Theo Phạm Minh Hạc: “Quản lý giáo dục là quản lý trường học, thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục, để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và từng học sinh” [ 12, tr. 48 ]
Như vậy có thể khái quát: Quản lý giáo dục là hệ thống tác động có mục đích, có kế hoạch, hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm tổ chức, điều khiển hoạt động của khách thể quản lý làm cho hệ thống giáo dục được quản lý, vận hành theo đúng đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng nhằm thực hiện được các mục tiêu giáo dục đề ra.
Dựa vào phạm vi quản lý, người ta chia ra hai loại quản lý giáo dục:
+ Quản lý hệ thống giáo dục: Quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô, phạm vi toàn quốc.
+ Quản lý nhà trường: Quản lý nhà trường ở tầm vi mô, trong phạm vi một cơ sở Giáo dục và Đào tao.
* Quản lý nhà trường: Nhà trường (Cơ sở Giáo dục- Đào tạo) là một cơ cấu tổ chức, cũng là một bộ phận cấu thành của một hệ thống giáo dục.
Quản lý nhà trường chính là hoạt động quản lí giáo dục (QLGD) của một cơ cấu, tổ chức giáo dục, đồng thời cũng là tác động quản lí trực tiếp tới các hoạt động giáo dục- học tập trong phạm vi nhà trường. Hoạt động của nhà trường rất đa dạng,
phong phú và phức tạp, nên việc quản lí, lãnh đạo một cách khoa học sẽ đảm bảo đoàn kết, thống nhất được mọi lực lượng, tạo nên sức mạnh đồng bộ nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục đích giáo dục.
Quản lý nhà trường (QLNT) là thực hiện đường lối giáo dục của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là đưa nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới đạt mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh.
“Quản lý nhà trường là hoạt động của cơ quan quản lý nhằm tập hợp và tổ chức các hoạt động của giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục khác, cũng như huy động tối đa các nguồn lực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nhà trường”. Quản lý nhà trường chính là sự tác động quản lý có chủ đích của hiệu trưởng tới tất cả yếu tố, các mối quan hệ chức năng, các nguồn lực nhằm đưa mọi hoạt động của nhà trường đạt đến mức phát triển cao nhất.
Có nhiều cấp quản lý trường học: Cấp cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo
,nơi quản lý nhà trường bằng các biện pháp quản lý hành chính vĩ mô. Có hai cấp trung gian quản lý nhà trường là Sở Giáo dục và Đào tạo ở tỉnh, thành phố và các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở quận, huyện. Cấp quản lý trực tiếp chính là sự tác động của hiệu trưởng quản lý của hoạt động giáo dục, hoạt động tối đa các nguồn lực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.
Mục đính của quản lý nhà trường là đưa nhà trường từ trạng thái hiện có tiến lên một trạng thái phát triển mới bằng các biện pháp quản lý và phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường.
1.1.4. Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở
Quản lý hoạt động bồi dưỡng là cách thức chủ thể quản lý tiến hành sử dụng các công cụ quản lý tác động vào việc thực hiện từng khâu của chức năng quản lý trong quá trình làm cho tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn của bản thân để đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp.
Quản lý hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên là cách làm, cách giải quyết của mọi người quản lý thông qua các chức năng quản lý (Lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra) về các hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra (Về nâng cao năng lực chuyên môn). Tức là, Hiệu trưởng thực hiện các chức năng quản lý trong quá trình tổ chức hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên, từ chức năng lập kế hoạch, tổ chức, điều khiển đến khâu kiểm tra đánh giá để công tác bồi dưỡng đạt được mục tiêu và hiệu quả. Là quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc cập nhật kiến thức, củng cố, mở mang và trang bị một cách có hệ thống những tri thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh.
Ở đây biện pháp là cách làm, cách thức tiến hành, cách giải quyết một vấn đề cụ thể. Theo đó, biện pháp quản lý là cách thức chủ thể quản lý tiến hành sử dụng các công cụ quản lý tác động vào việc thực hiện từng khâu của chức năng quản lý trong mỗi quá trình quản lý nhằm tạo nên sức mạnh, tạo ra năng lực thực hiện mục tiêu quản lý.
Biện pháp quản lý hoạt động bồi dưỡng là cách thức chủ thể quản lý (Hiệu trưởng) tiến hành sử dụng các công cụ quản lý tác động vào việc thực hiện từng khâu của chức năng quản lý trong quá trình làm cho tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho giáo viên và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn của bản thân để đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp sư phạm.
1.2. Hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở trường trung học cơ sở
1.2.1. Vai trò của hoạt động bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở
Những năm qua, giáo dục đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nước ta đang bước vào thế kỷ XXI với một nền giáo dục THCS đã được phổ cập. Nhà trường đang từng bước đổi mới để đáp ứng nhu cầu trước mắt phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vừa chuẩn bị những điều kiện cho một nhà trường hoàn thiện hơn, vươn tới ngang tầm với các nước trong khu vực và quốc tế trong một tương lai không xa.
Các thành tựu mà giáo dục đạt được có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu là sự trưởng thành của đội ngũ giáo viên. Đây là nhân tố nội sinh đã và đang sẽ tạo nên những kết quả chất lượng của nền giáo dục. Nền giáo dục nước ta đang bước vào giai đoạn hết sức quan trọng và mang tính quyết định, giai đoạn đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Vấn đề đặt ra là: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cần có những nhà giáo như thế nào? Nói cách khác, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên như thế nào để đảm bảo cho đổi mới giáo dục thành công? Với vai trò to lớn như vậy, công tác bồi dưỡng cho giáo viên hiện nay là hết sức quan trọng.
Việc bồi dưỡng giáo viên nhằm để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa về chất lượng một cách đồng bộ theo các mục tiêu và định hướng của ngành. Nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của giáo viên đáp ứng các yêu cầu về trình độ tiêu chuẩn của chức danh theo cấp học.
1.2.2. Nội dung bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở
Mục đích của việc bồi dưỡng giáo viên THCS là để đáp ứng và thích nghi với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay thì nội dung bồi dưỡng phải bám vào chuẩn. Như vậy, dựa vào chuẩn nghề nghiệp thì nội dung bồi dưỡng giáo viên THCS cần phải đảm bảo các nội dung sau:
Nội dung 1: Bồi dưỡng phẩm chất nhà giáo
Tư tưởng chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, trong đó có các quan điểm chỉ đạo, đường lối giáo dục; chủ trương chính sách của ngành. Ý thức và lương tâm nghề nghiệp, xây dựng một tập thể sư phạm thân ái, đoàn kết, có trách nhiệm và có nề nếp chuyên môn tốt.
Nội dung 2: Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ
Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Phẩm chất, năng lực sư phạm, năng lực giáo dục, trong đó cần chú trọng sử
dụng phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng đồ dùng dạy học để tăng hiệu quả giảng dạy. Bồi dưỡng chuyên môn về phương pháp bộ môn, hội giảng thường xuyên nhằm rút kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức hướng dẫn giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục, đúc kết kinh nghiệm giáo dục. Bồi dưỡng giáo viên mới ra trường, giáo viên yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ bằng các hình thức kèm cặp, giúp đỡ tăng cường trao đổi, sinh hoạt chuyên môn và dự giờ thăm lớp. Tiếp tục bồi dưỡng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tư vấn và hỗ trợ học sinh.
Nội dung 3: Xây dựng môi trường giáo dục
Xây dựng văn hóa nhà trường, trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường. Các nội dung giáo dục mang tính xã hội như phòng chống ma túy, môi trường, dân số, giới tính…, các kiến thức về tâm lý lứa tuổi học sinh THCS hiện nay cũng phải được đưa vào chương trình bồi dưỡng giáo viên.
Nội dung 4: Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
Bồi dưỡng kỹ năng phối hợp với cha mẹ HS, cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội để tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục, lối sống cho HS
Nội dung 5: Sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.
Cần chú ý bồi dưỡng cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình dạy học- giáo dục, kỹ năng thực hành, thí nghiệm, kỹ năng thiết kế hồ sơ bài dạy theo hướng đổi mới và phương pháp nghiên cứu khoa học. Các kỹ năng giao tiếp ứng xử sư phạm, tham vấn học đường, giáo dục kỹ năng sống cho HS cũng phải chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên. Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên cách sử dụng các trang thiết bị dạy học hiện đại, cách thức nghiên cứu để làm đồ dùng dạy học.
1.2.3. Hình thức, phương pháp hoạt động bồi dưỡng giáo viên
Tạo điều kiện để sử dụng các loại hình bồi dưỡng, tuy nhiên tập trung chủ yếu các hình thức bồi dưỡng sau:
- Bồi dưỡng thông qua các lớp tập huấn.
- Bồi dưỡng thông qua sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn.
- Bồi dưỡng từ xa qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức bổ trợ của băng hình, băng tiếng.
- Bồi dưỡng thông qua việc tự học của cán bộ giáo viên, tự nghiên cứu tài liệu. Đây là hình thức bồi dưỡng chính và kết hợp với các hình thức học tập khác trên cơ sở tài liệu và sự hỗ trợ của hướng dẫn viên, các cá nhân, nhóm đồng nghiệp.
Đổi mới các hình thức quản lý, chỉ đạo học tập bồi dưỡng theo hướng tích cực tương tác, thiết thực, hiệu quả. Coi trọng tự học, tự bồi dưỡng kết hợp với trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc trên cơ sở mỗi người đều có tài liệu học tập, kết hợp bồi dưỡng về nội dung và phương pháp dạy học, sử dụng thiết bị dạy học.
Phương pháp bồi dưỡng là cách thức mà người truyền đạt nội dung để tác động đến người lĩnh hội thông tin, phải phù hợp với nội dung, có kết hợp các hình thức nghe giảng, thảo luận và thực hành. Người dạy cần dành nhiều thời gian cho việc trao đổi nhóm, soạn bài tập, thảo luận, sử dụng thiết bị, thiết kế kiểm tra theo hướng đổi mới.
Phương pháp bồi dưỡng cần đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả. Ngoài việc tổ chức nghe giảng, cần phát triển các hình thức; hội thảo, đối thoại, thực hành thao giảng, tham quan thực tế, thực hành soạn bài, . .
Quản lý, chỉ đạo học tập bồi dưỡng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Chú trọng hơn tới hình thức học tập theo tổ, nhóm chuyên môn.Tổ chức quản lý tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên theo đơn vị nhà trường.
1.2.4. Quy trình hoạt động bồi dưỡng giáo viên
Trong bối cảnh hiện nay việc bồi dưỡng giáo viên được thiết kế cụ thể để đáp ứng nhu cầu, xác định và tập trung theo các bước sau:
+ Xác định nhu cầu bồi dưỡng, loại hình bồi dưỡng.
+ Sử dụng đội ngũ giáo viên đã qua bồi dưỡng giàu kinh nghiệm để xác lập kế hoạch và triển khai kế hoạch bồi dưỡng.
+ Đánh giá mức độ về công tác bồi dưỡng nhằm đảm bảo đội ngũ. Việc bồi dưỡng giáo viên có kế hoạch mang tính thực tiễn cao hơn.
+ Xác định những nhu cầu cần thiết của việc học tập, kiểm tra kiến thức, kỹ năng, phương pháp nào cần được bổ túc, bồi dưỡng.
+ Xác định mục tiêu bồi dưỡng của từng năm học, cấp học, bậc học và khối học, môn học. Mục tiêu phải cụ thể mang tính hoạch định và tính khả thi, có thước đo đánh giá được. Mục tiêu phải phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội và phát triển giáo dục. Mục tiêu bồi dưỡng cần chỉ đến đích cuối cùng là người học sẽ vận dụng được những gì sau quá trình học tập và tu dưỡng.
+ Phương châm bồi dưỡng: Thuận lợi nhất là kết hợp bồi dưỡng nội dung với phương pháp dạy học và sử dụng thiết bị dạy học. Kết hợp bồi dưỡng trong hè và tự bồi dưỡng, đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng.
+ Phương pháp bồi dưỡng: Phù hợp với nội dung, kết hợp các hình thức nghe giảng, thảo luận và thực hành. Dành nhiều thời gian cho việc trao đổi theo nhóm, soạn bài tập giảng, sử dụng thiết bị, thiết kế kiểm tra theo hướng đổi mới.
+ Phương thức bồi dưỡng: Tổ chức biên soạn các tài liệu bồi dưỡng, xây dựng băng hình các tiết dạy minh họa sử dụng chung đảm bảo thống nhất về chương trình, nội dung và phương pháp.
+ Hình thức bồi dưỡng: Bồi dưỡng thông qua các lớp tập huấn; thông qua sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn; thông qua cách tự học. Tự học, tự nghiên cứu là cách thức bồi dưỡng tốt nhất được kết hợp với các hình thức bồi dưỡng khác. Bồi dưỡng từ xa bằng phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức hỗ trợ khác
+ Đánh giá thực hiện kế hoạch bồi dưỡng: Hiệu quả việc bồi dưỡng được đánh giá qua việc theo dõi giám sát trong tất cả chương trình học tập. Kết quả của công tác bồi dưỡng cũng cần được sử dụng trong quá trình đánh giá giáo viên thì hiệu quả của công tác bồi dưỡng mới đích thực có giá trị.