Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam - 2


QLNN, nhất là QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với phát triển DLCĐ…[70, 101], do vậy rất cần có các nghiên cứu tiếp theo để làm sáng tỏ hơn những vấn đề này.

Ở Việt Nam, sự phát triển du lịch đã đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển KTXH của đất nước. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 720.000 tỷ đồng; được đánh giá là một trong mười quốc gia có mức tăng trưởng về du lịch nhanh nhất trên thế giới [54, 55]. Theo Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam năm 2019, du lịch đã khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển KTXH (tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước đạt 9,2%), góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá; bảo vệ môi trường và an ninh của quốc gia. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mà thể hiện rõ nét nhất ở Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch nước ta được kỳ vọng sẽ phát triển đột phá trong giai đoạn tới [54, 55].

DLCĐ cũng đã được phát triển ở Việt Nam cách đây nhiều năm và ngày càng được chú ý [16, 61, 62]. Nhiều nội dung về PTDLCĐ đã được luật hóa, là cơ hội cho DLCĐ phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các chính sách PTDLCĐ ở nước ta đang được cụ thể hóa, thể hiện trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, đồng thời nhiều chính sách ưu đãi phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường như: du lịch xanh, DLCĐ, du lịch có trách nhiệm đã được ban hành [54] . Quy định về phát triển sản phẩm DLCĐ lần đầu được đưa ra trong Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ 1/1/2018) [19], đây là điểm mới, giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý có cơ sở pháp lý để thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển. Ngoài ra, các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến DLCĐ cũng được ban hành, sửa đổi, làm căn cứ cho hoạt động QLNN các cấp [4]. Rõ ràng, đây là những chính sách rất cụ thể, tích cực và là cơ sở để thúc đẩy DLCĐ phát triển ở Việt Nam.

Vùng Tây Bắc là một khu vực giàu tiềm năng để phát triển du lịch (PTDL), và đặc biệt là văn hoá của đồng bào dân tộc [23]. Dựa trên những TNDL tự nhiên và văn hóa độc đáo, DLCĐ đã sớm hình thành tại vùng Tây Bắc; bản Lác (huyện


Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) có thể được coi là địa điểm đầu tiên ở miền Bắc có hoạt động DLCĐ [49]. Sau đó, DLCĐ tiếp tục được phát triển ở Sa Pa (Lào Cai) và lan rộng ra nhiều địa phương khác trong vùng. Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, nhiều điểm DLCĐ đã được phát triển không chỉ ở vùng Tây Bắc mà còn ở nhiều khu vực khác trên cả nước với khoảng hàng nghìn khách du lịch đến hàng năm [3, 23]. Các tỉnh vùng Tây Bắc cũng như nhiều địa phương khác đã có nhiều chương trình khuyến khích PTDLCĐ, thể hiện ở những Nghị quyết, kế hoạch, chương trình và các dự án cụ thể về PTDL, PTDLCĐ của các tỉnh ở trong khu vực [9, 21, 31, 65].

Với những kết quả đã đạt được, với các lợi thế, tiềm năng vốn có của vùng Tây Bắc, việc phát triển loại hình DLCĐ đã và đang là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế chung của PTDL trên thế giới và nhu cầu của khách du lịch muốn tìm hiểu những nét văn hóa dân tộc đặc sắc [61]. Có thể thấy, việc PTDLCĐ ở vùng Tây Bắc những năm vừa qua đã có rất nhiều tác động tích cực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nguồn sinh kế mới và thu nhập từ phát triển DLCĐ. Việc PTDLCĐ cũng làm nảy sinh và tạo ra các ngành nghề mới, làm sống lại các nghề truyền thống, góp phần bảo tồn cảnh quan bản làng và cải thiện cơ sở hạ tầng [45, 49, 61].

Bên cạnh những thành công, việc PTDLCĐ ở vùng Tây Bắc còn bộc lộ một số hạn chế, tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nhiều nội dung phát triển thiếu bền vững và không như kỳ vọng. Chất lượng dịch vụ của nhiều điểm DLCĐ chưa cao, không ổn định; sản phẩm trùng lặp, bản sắc văn hóa nhiều nơi bị mai một, môi trường du lịch – bao gồm tự nhiên và văn hóa chưa được bảo vệ tốt, CĐDC chưa tham gia nhiều vào các hoạt động du lịch [16, 23, 49]. Ngoài ra, ở một số nơi, DLCĐ còn phát triển tự phát theo phong trào, chưa có sự giám sát, hướng dẫn đầy đủ của cơ quan QLNN nguy cơ dẫn đến hoạt động kém hiệu quả và thiếu bền vững [60, 61].

Từ thực tế nêu trên, một vấn đề đặt ra là Nhà nước phải thể hiện vai trò và sử dụng các công cụ quản lý của mình như thế nào để DLCĐ ở các tỉnh vùng Tây Bắc có thể phát triển đúng như kỳ vọng, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của các

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.


dân tộc? Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về PTDLCĐ, phát triển du lịch bền vững, quản lý nhà nước về du lịch và các vấn đề khác liên quan ở trong và ngoài nước nói chung, tại vùng Tây Bắc nói riêng, trong đó, mới chỉ có một số nghiên cứu về vai trò của Nhà nước trong PTDLCĐ, chính sách PTDLCĐ, một số đề xuất hoặc kiến nghị liên quan đến nội dung QLNN đối với PTDLCĐ. Các công trình này cũng chưa nghiên cứu đầy đủ về lý luận của QLNN đối với PTDLCĐ như chưa làm rõ nội hàm của khái niệm QLNN đối với PTDLCĐ, sự khác biệt của hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ so với QLNN trong các lĩnh vực khác liên quan đến đặc thù của DLCĐ mà trong đó, CĐDC vừa là đối tượng tạo ra và phân phối sản phẩm, vừa là đối tượng trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh DLCĐ. Nếu không làm rõ các vấn đề lý luận nêu trên, đặc biệt là làm rõ tính đặc thù của hoạt động quản lý và các đối tượng quản lý, sự định hướng và điều tiết của Nhà nước vào quá trình PTDLCĐ thông qua các công cụ chính sách, tài chính... sẽ khó đạt kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, nếu không làm rõ được những vấn đề lý luận nêu trên thì cũng không thể luận giải một cách khoa học những thành công, hạn chế của QLNN đối với PTDLCĐ cũng như đề xuất các giải pháp hợp lý, có cơ sở khoa học nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với PTDLCĐ nói chung và QLNN đối với PTDLCĐ của một số tỉnh trong vùng Tây Bắc nói riêng, trong khi việc phát triển loại hình du lịch này đã và đang bộc lộ một số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp khắc phục phù hợp.

Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam - 2

Xuất phát từ những yêu cầu trên, QLNN đối với PTDLCĐ trong thời gian tới cần phải tiếp tục được hoàn thiện cả về mặt lý luận và thực tế triển khai thực hiện. Để có cơ sở hoàn thiện các nội dung này, hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ cần phải được củng cố về mặt lý luận như: làm rõ khái niệm, mục tiêu, nội dung, tiêu chí đánh giá, các yếu tố ảnh hưởng cũng như các công cụ mà Nhà nước có thể sử dụng trong quá trình thực hiện chức năng QLNN đối với PTDLCĐ. Ngoài ra, để khắc phục các bất cập trong hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ ở vùng Tây Bắc hiện nay thì hoạt động QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLCĐ cần phải được phân tích, đánh giá một cách toàn diện, để tìm ra những hạn chế còn tồn tại cũng như nguyên nhân của các hạn chế này.


Với những lý do nêu trên, việc nghiên cứu đề tài luận án“Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam” có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

- Mục đích nghiên cứu:

Mục đích nghiên cứu của luận án là nhằm hệ thống hóa, xác lập cơ sở lý luận về quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương cấp tỉnh; luận giải vai trò, nội dung, mối quan hệ của các chủ thể và cách thức đánh giá kết quả của quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương cấp tỉnh; phân tích và đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc; đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững và góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

- Nhiệm vụ nghiên cứu:

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài luận án bao gồm:

Một là, hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về DLCĐ, QLNN đối với PTDLCĐ nói chung và QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh nói riêng; những yếu tố ảnh hưởng và các tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số địa phương trên thế giới và ở Việt Nam về QLNN đối với PTDLCĐ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

Hai là, phân tích thực trạng PTDLCĐ, QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh ở một số tỉnh ở vùng Tây Bắc. Từ đó, rút ra những thành công, hạn chế và các nguyên nhân của thành công, hạn chế đó trong hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, làm cơ sở cho những đề xuất và kiến nghị góp phần hoàn thiện QLNN đối với PTDLCĐ tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

Ba là, đề xuất một số định hướng, giải pháp và kiến nghị góp phần hoàn thiện QLNN đối với PTDLCĐ cho một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam đến năm 2030.


- Các câu hỏi nghiên cứu:

Để thực hiện mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu trên, các câu hỏi đặt ra cần nghiên cứu của luận án gồm:

1. Mục tiêu, nội dung, công cụ QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh là gì?

2. Thực trạng phát triển DLCĐ và QLNN đối với phát triển DLCĐ của địa phương cấp tỉnh ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam hiện nay như thế nào?

3. Các tiêu chí nào dùng để đánh giá và có các yếu tố nào ảnh hưởng đến QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh?

4. Những thành công, hạn chế của QLNN của địa phương cấp tỉnh đối với PTDLCĐ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc là gì và đâu là nguyên nhân của những thành công, hạn chế đó?

5. Để góp phần hoàn thiện QLNN đối với PTDLCĐ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc cần có những giải pháp, kiến nghị nào?

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn về QLNN đối với PTDLCĐ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

- Phạm vi nghiên cứu:

Phạm vi nội dung nghiên cứu:

QLNN đối với PTDLCĐ bao gồm QLNN ở cấp trung ương đối với phát triển du lịch cộng đồng của quốc gia và QLNN của chính quyền địa phương cấp tỉnh đối với PTDLCĐ của địa phương. Quản lý nhà nước cấp trung ương đối với phát triển du lịch nói chung và đối với phát triển DLCĐ nói riêng là lĩnh vực khá rộng đã được một số công trình nghiên cứu khác công bố. Luận án tập trung nghiên cứu QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam với 4 nội dung chính: 1) Tổ chức thực hiện chiến lược/quy hoạch phát triển du lịch của quốc gia; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của địa phương; 2) Ban hành theo thẩm quyền và thực hiện các chính sách, hướng dẫn, quy định về PTDLCĐ; 3) Tổ chức bộ máy QLNN về du lịch ở địa phương; 4) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, và


giám sát PTDLCĐ của địa phương.

Ngoài ra, do đặc điểm đặc thù của hoạt động du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, luận án cũng đề cập đến nội dung về xúc tiến, hợp tác và phát triển nguồn nhân lực trong QLNN đối với PTDLCĐ. Đây là cách tiếp cận phổ biến trong các nghiên cứu về hoạt động QLNN và QLNN về du lịch nói chung, QLNN đối với PTDLCĐ nói riêng.

Phạm vi không gian nghiên cứu:

Cho đến nay, có nhiều quan điểm về không gian địa lý của vùng Tây Bắc, Việt Nam. Theo Lê Bá Thảo (1998) trong cuốn sách “Việt Nam – Lãnh thổ và các vùng địa lý” thì không gian vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái (tỉnh Lai Châu trong tài liệu bao gồm cả phần đất Điện Biên). Một số tài liệu khác, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020, được phê duyệt theo quyết định định số 1064/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2013, sử dụng không gian vùng Tây Bắc gồm 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu [32, 33, 36].

Không gian vùng Tây Bắc trong luận án bao gồm 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Do DLCĐ ở Lai Châu còn mới phát triển, chưa có nhiều kết quả [3, 23, 60] đồng thời do giới hạn về thời gian và nguồn lực, luận án tập trung nghiên cứu QLNN đối với PTDLCĐ ở 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Đây cũng là 3 địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và bước đầu đã có những kết quả nhất định trong quản lý PTDLCĐ và được xác định là các địa bàn trọng điểm PTDL của vùng TDMNBB [35, 49, 50].

Phạm vi thời gian nghiên cứu:

Các dữ liệu thứ cấp được thu thập từ năm 2015 đến năm 2019, các dữ liệu sơ cấp được thu thập trong năm 2020. Do tác động của đại dịch Covid-19, các điểm DLCĐ trong vùng Tây Bắc hầu như không có khách du lịch, vì thế, để đánh giá thực chất kết quả hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, việc phân tích chủ yếu thực hiện với các số liệu từ năm 2015 đến năm 2019. Điều tra xã hội học được thực hiện trong năm 2020 nhằm thu thập bổ sung các thông


tin đánh giá về hiện trạng PTDLCĐ và QLNN đối với phát triển du lịch cộng đồng của giai đoạn đến 2019.

Các định hướng, giải pháp được đề xuất đến năm 2030.

4. Những đóng góp mới của luận án

Về lý luận

(i) Luận án đã hệ thống hóa và làm rõ được khái niệm, mục tiêu, nội dung, công cụ của QLNN đối với PTDLCĐ cũng như mối quan hệ giữa các chủ thể của QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh theo cách tiếp cận các chức năng QLNN và đặc điểm của DLCĐ.

(ii) Luận án đã nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh, bao gồm các tiêu chí: hiệu lực, hiệu quả, phù hợp và bền vững. Việc áp dụng bộ tiêu chí sẽ giúp cho việc đo lường các kết quả thực hiện QLNN đối với PTDLCĐ được sát thực, rõ ràng và cụ thể hơn, làm cơ sở cho các đánh giá, kết luận về kết quả hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ.

Về thực tiễn

(i) Luận án đã nghiên cứu và rút ra được một số bài học về QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh, có thể vận dụng cho các tỉnh vùng Tây Bắc trên cơ sở phân tích những kinh nghiệm về QLNN đối với PTDLCĐ của một số địa phương trong nước và trên thế giới.

(ii) Luận án đã đánh giá và phân tích thực trạng QLNN đối với PTDLCĐ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc giai đoạn 2015-2019, luận giải những nguyên nhân, các yếu tố dẫn đến thành công và hạn chế của QLNN đối với PTDLCĐ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc.

(iii) Luận án đã đề xuất được hệ thống các giải pháp khá đồng bộ, có tính khả thi và một số kiến nghị để góp phần hoàn thiện QLNN đối với PTDLCĐ phù hợp với các đặc điểm KTXH và văn hoá của một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của luận án cũng góp phần xác lập cơ sở khoa học và là tài liệu tham khảo cho việc hoạch định các chiến lược và chính sách PTDLCĐ trong tổng thể phát triển KTXH chung của các tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.


5. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình công bố kết quả nghiên cứu của luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được trình bày trong 4 chương:

Chương 1. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng và phương pháp nghiên cứu của luận án.

Chương 2. Một số cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương cấp tỉnh.

Chương 3. Thực trạng quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

Chương 4. Một số giải pháp, kiến nghị góp phần hoàn thiện quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2023