Đánh Giá Chung Về Giáo Dục Kĩ Năng Tự Bảo Vệ Bản Thân Và Quản Lí Giáo Dục Kĩ Năng Tự Bảo Vệ Bản Thân Cho Học Sinh Tiểu Học Ở Huyện Lục Nam,

Nhìn vào bảng thống kê kết quả điều tra, chúng ta có thể nhận thấy yếu tố được đánh giá gây ảnh hưởng nhiều nhất đến công tác quản lí hoạt động giáo dục KNTBVBT ở các trường tiểu học huyện Lục Nam chính là “Điều kiện văn hóa, xã hội của địa phương cũng có tác động không nhỏ tới các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân”, với số ĐTB là 2,89. Điều này cũng thấy rất đúng và sát với thực tế, bởi vì văn hoá xã hội địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến gia đình trong việc giáo dục HS, hình thành lên lối sống, thói quen hằng ngày của các em trong việc tự bảo vệ bản thân.

Các yếu tố “Hiệu quả công tác kiểm tra đánh giá các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân” và “Điều kiện kinh tế của các gia đình, địa phương có ảnh hưởng sâu sắc, trực tiếp tới việc tổ chức phối kết hợp giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho HS” cũng rất được quan tâm, với mức đánh giá ảnh hưởng khá cao. Tuy nhiên, yếu tố “Cơ chế quản lí các hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân” lại được CBQL và GV đánh giá thấp nhất với số ĐTB là 2.68. Chứng tỏ nhà trường chưa thật sự quan tâm đến giáo dục KNTBVBT của học sinh, trong khi đó với đặc thù của các trường tiểu học huyện Lục Nam là khu vực miền núi vì vậy, giáo dục, định hướng cho các em tự biết điều khiển bản thân để thích ứng với môi trường là vô cùng quan trọng giúp các em an toàn và phát triển toàn diện hơn.

2.5. Đánh giá chung về giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân và quản lí giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh tiểu học ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang

2.5.1. Ưu điểm và hạn chế

2.5.1.1. Ưu điểm

Nhìn chung CBQL và GV nhà trường đã thấy được tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác quản lí giáo dục KNTBVBT cho HS trong quá trình giáo dục toàn diện, nên đã kịp thời xây dựng kế hoạch hoạt động và triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có chủ trương phối hợp với gia đình và xã hội để giáo dục KNTBVBT cho HS nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

- Một số trường đã thực hiện theo sự hướng dẫn của các văn bản mang tính pháp lí.

- Một số nhà trường cũng đã xây dựng và bố trí lực lượng giáo dục thực hiện giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

- Các nhà trường có tiến hành xây dựng kế hoạch cụ thể, và tiến hành thực hiện theo kế hoạch đề ra.

- Một số ít nhà trường có các biện pháp để tổ chức, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện giáo dục KNTBVBT cho HS ở tiểu học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

- Một số trường đã xây dựng được cơ chế quản lí và phối hợp quản lí việc giáo dục KNTBVBT cho HS giữa các lực lượng giáo dục.

- Các nhà trường làm rất tốt công tác xã hội hóa hoạt động giáo dục KNTBVBT và phần nào đáp ứng được một số điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục KNTBVBT.

Quản lí hoạt động giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh ở các trường tiểu học huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang - 10

2.5.1.2. Hạn chế

- Việc chỉ đạo tổ chức thực hiện còn hời hợt, chưa cụ thể, rõ ràng; thiếu các văn bản hướng dẫn chuyên sâu về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục KNTBVBT cho học sinh tiểu học. thiếu sự đầu tư về chất lượng.

- Quy trình thiết lập bộ máy và bố trí nhân sự ở các nhà trường chưa được thực hiện một cách bài bản, thiếu sự đầu tư cho công tác nhân sự tổ chức thực hiện giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

- Các lực lượng giáo dục chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân đối với việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh dẫn đến việc các nhà trường chưa chú trọng giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

- Công tác giáo dục KNTBVBT mới chỉ được triển khai trong kế hoạch để đối phó với cơ quan quản lí cấp trên mà chưa tổ chức thực hiện một cách có hệ thống và bài bản.

- Giáo viên thiếu kiến thức, kĩ năng tổ chức các hoạt động giáo dục KNTBVBT, công tác bồi dưỡng kiến thức cho các lực lượng quản lí và giáo viên chưa được chú trọng.

- Chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục KNTBVBT.

- Chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá công tác quản lí cũng như thực hiện giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

- Công tác quản lí hoạt động giáo dục KNTBVBT còn lỏng lẻo.

- Chưa xây dựng được cơ chế phối hợp các lực lượng trong việc giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

2.5.2. Nguyên nhân của những yếu kém

- Mặc dù một bộ phận lực lượng giáo dục nhận thức được tầm quan trong của việc giáo dục KNTBVBT, song hầu hết các nhà trường vẫn coi trọng việc truyền thụ kiến thức cho học sinh hơn là rèn cho các em có kĩ năng, kĩ xảo để vận dụng các kiến thức và thực tiễn cuộc sống. Chưa gắn được lí thuyết với thực hành, chưa thực hiện được yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục phổ thông.

- Quy trình thiết lập bộ máy và bố trí nhân sự ở các nhà trường chưa đúng thành phần, cơ cấu, chưa phát huy được vai trò của cán bộ nòng cốt, thiếu sự đầu tư cho công tác nhân sự tổ chức thực hiện giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

- Bản thân các giáo viên còn mơ hồ về việc thực hiện giáo dục KNTBVBT cho học sinh. Vì nhận thức chưa sâu sắc về tầm quan trọng của giáo dục KNTBVBT, thiếu kiến thức, kĩ năng giáo dục; chưa được tập huấn cụ thể về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục KNTBVBT nên giáo viên còn lung túng trong quá trình dạy học, giáo dục.

- Các nhà trường mặc dù đã có kế hoạch và tổ chức thực hiện, song chưa có các giải pháp quản lí hoạt động giáo dục KNTBVBT đồng bộ, khoa học từ khâu giáo dục đến khâu kiểm tra đánh giáo kết quả vậy nên hiệu quả giáo dục KNTBVBT chưa cao.

Kết luận chương 2


Kết quả nghiên cứu thực trạng giáo dục KNTBVBT và quản lí giáo dục KNTBVBT cũng cho thấy: Nhà trường đã chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục KNTBVBT cho học sinh theo các đợt thi đua chủ điểm (cả năm học, từng học kỳ, từng tháng), theo hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, kế hoạch mới chỉ ra các việc làm cần thực hiện, thời gian hoàn thành, chứ chưa thực sự thể hiện như một chương trình hành động cụ thể, thiết thực bao gồm tất cả các yếu tố cần thiết của một kế hoạch, chương trình hành động. Đến nay mới chỉ có một bộ phận CBQL và GV trong trường được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức giáo dục KNS cho học sinh, các cán bộ quản lí cũng mới bước đầu thực hiện hoạt động quản lí công tác này nên còn khá bỡ ngỡ, bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác quản lí giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

Nhà trường mới chỉ quan tâm chú trọng đến yếu tố giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội, chưa thật sự quan tâm đến yếu tố tự giáo dục của bản thân học sinh. Một bộ phận CBQL, GV chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác giáo dục KNTBVBT gắn với kết quả quá trình dạy học và hoạt động giáo dục toàn diện. Một số GV bộ môn chưa chú trọng việc thông qua “dạy chữ” để “dạy người”, nhiều lúc còn coi việc giáo dục KNTBVBT cho HS chỉ là việc của GV chủ nhiệm, của Ban giám hiệu nhà trường, của Tổng phụ trách Đội. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục KNTBVBT còn cứng nhắc, hình thức tổ chức chưa phong phú, đa dạng, có chiều sâu để cuốn hút học sinh tham gia. Sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục chưa đồng bộ, nhất là cha mẹ học sinh còn thiếu kiến thức về giáo dục và chăm sóc con cái…, để phối hợp cùng nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong giáo dục KNTBVBT cho HS.

Chương 3

BIỆN PHÁP QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG

GIÁO DỤC KỸ NĂNG TỰ BẢO VỆ BẢN THÂN CHO HỌC SINH TIỂU HỌC Ở HUYỆN LỤC NAM, TỈNH BẮC GIANG

3.1. Nguyên tắc đề xuất biện pháp

Hoạt động giáo dục KNTBVBT bao gồm các yếu tố có liên quan với nhau như: Mục tiêu, nội dung, phương pháp, điều kiện thực hiện và đánh giá kết quả. Các yếu tố này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, cái nọ làm tiền đề cho cái kia và ngược lại, kết quả của yếu tố này là điều kiện cho sự phát triển của yếu tố kia. Trong quá trình tổ chức hoạt động, cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng yếu tố tác động đến tiến trình giáo dục, cũng như biết đặt hoạt động trong những điều kiện xã hội cụ thể. Vậy nên, để đề xuất được các giải pháp quản lí hoạt động giáo dục KNTBVBT tác giả luận văn dựa trên cơ sở và các nguyên tắc cơ bản sau:

3.1.1. Nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất giữa dạy học và giáo dục

- HĐGD và hoạt động dạy học phải gắn bó hữu cơ tác động qua lại với nhau và đều hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục cấp học.

- Thống nhất giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động để tạo thành một chỉnh thể thống nhất.

- Luôn biết tạo động lực cho HS, luôn nhìn nhận và đánh giá được bản chất và xu hướng phát triển của đối tượng giáo dục.

- Dạy học và giáo dục phải thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương pháp mới tạo được sức mạnh tổng hợp cho việc hình thành kĩ năng sống và hình thành con người có nhân cách tốt.

3.1.2. Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn của các biện pháp

- Nguyên tắc này đòi hỏi những biện pháp đề xuất phải được được tổng kết từ thực tiễn và đòi hỏi khách quan từ cuộc sống, đổi mới tư duy, nhanh nhạy phát hiện các vấn đề nảy sinh của thực tiễn quản lí từ đó đúc kết thành các biện pháp có tính thực tiễn.

- Các biện pháp phải được cụ thể hóa đường lối, phương châm giáo dục của Đảng và nhà nước, phải phù hợp với chế định giáo dục của ngành trong quá trình quản lí. Muốn vậy phải xác định, định hướng giáo dục theo chiến lược phát triển giáo dục hiện nay. Các biện pháp đề xuất phải phù hợp và phải giúp cho các nhà quản lí triển khai có hiệu quả trong thực tiễn quản lí của mình.

3.1.3. Nguyên tắc đảm bảo tính phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng giáo dục

- Một trong những yêu cầu đổi mới giáo dục của chúng ta hiện nay là phát huy được tính tích cực của học sinh, học sinh là chủ thể của nhận thức, chủ thể giáo dục trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, trong việc tổ chức hoạt động giáo dục KNTBVBT cho học sinh có sự tham gia của nhiều lực lượng: Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên, PHHS, các lực lượng khác trong và ngoài nhà trường.

- Nguyên tắc này yêu cầu nhà trường, gia đình và xã hội có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, thống nhất.

- Các lực lượng giáo dục như cán bộ, nhân viên, GVCN, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn- Đội, PHHS, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, các cơ quan chức năng phải có sự thống nhất cả về mục đích, nội dung, hình thức hoạt động có thế mới huy động sức mạnh cả về vật chất và tinh thần trong quá trình giáo dục KNTBVBT cho HS.

3.1.4. Nguyên tắc đảm bảo tính khả thi của các biện pháp

Khi xây dựng các biện pháp phải đảm bảo tính khoa học trong quy trình quản lí với các bước tiến hành cụ thể, chính xác. Các biện pháp phải được kiểm chứng, khảo nghiệm một cách có căn cứ, khách quan và có khả năng thực hiện cao. Các biện pháp có thể áp dụng một cách rộng rãi và được điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện.

Yêu cầu này đòi hỏi các biện pháp đề xuất có khả năng áp dụng vào thực tiễn hoạt động quản lí của ban giám hiệu các nhà trường một cách thuận lợi, trở thành hiện thực và đem lai hiệu quả cao trong việc thực hiện các chức năng của người quản lí. Để đạt được điều này khi xây dựng biện pháp phải đảm bảo tính khoa học, chính xác với các bước tiến hành cụ thể, dễ làm, dễ hiểu, dễ vận dụng vào thực tiễn và có tính khả thi.

3.2. Biện pháp quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh tiểu học

3.2.1. Biện pháp 1: Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, phụ huynh học sinh về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho học sinh Tiểu học trong bối cảnh hiện nay

3.2.1.1. Mục tiêu của biện pháp

- Giúp cho các lực lượng giáo dục như giáo viên, cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội trên địa bàn và cả học sinh nhận thức rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng, sự cần thiết phải giáo dục KNTBVBT cho học sinh tiểu học trong bối cảnh hiện nay.

- Giúp nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục KNTBVBT cho học sinh để các cán bộ quản lí giáo viên chủ nhiệm mới có trách nhiệm thực hiện nội dung giáo dục này một cách hiệu quả.

- Làm cho học sinh nhận thức được tầm quan trọng của KNTBVBT đối với việc học tập, rèn luyện ở nhà trường và chuẩn bị hành trang để đi vào cuộc sống, thực hiện nguyện vọng ước mơ của mình, từ đó ra sức rèn luyện để đạt được những kĩ năng cần thiết.

3.2.1.2. Nội dung của biện pháp

Tổ chức tuyên truyền, vận động hoặc qua các buổi tọa đàm giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, với chính các em học sinh và các lực lương giáo dục để làm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giáo dục KNTBVBT cho học sinh đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Muốn vậy cần bồi dưỡng cho họ về:

- Chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, ngành giáo dục địa phương về công tác giáo dục KNS trong đó có KNTBVBT cho học sinh.

- Ảnh hưởng của nhân cách người cán bộ quản lí, giáo viên… nhất là sự gương mẫu của họ trong giao tiếp, ứng xử… có ảnh hưởng đến việc rèn luyện KNTBVBT của học sinh.

- Trách nhiệm của từng giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Ban giám hiệu trong công tác giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

3.2.1.3. Cách thức tiến hành

- Tổ chức học tập một cách nghiêm túc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục KNS cho học sinh; lồng ghép chỉ rõ tầm quan trọng, nội dung của giáo dục KNTBVBT; trách nhiệm của cán bộ quản lí, giáo viên trong công tác giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

- Tổ chức các buổi trao đổi, các buổi sinh hoạt chuyên đề về văn hoá, đạo đức, pháp luật về giáo dục KNTBVBT và quản lí công tác giáo dục KNTBVBT cho cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh.

- Giới thiệu tài liệu để CBQL, giáo viên, Tổng phụ trách Đội tự nghiên cứu.

- Tổ chức phong trào thi đua nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình của CB, GV trong việc QL GD KNS cho HS.

- Tổ chức giao lưu với các trường tiểu học khác và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang để trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả quản lí giáo dục KNTBVBT cho học sinh.

- Ban giám hiệu nắm được tình hình về KNTBVBT và giáo dục KNTBVBT cho HS một cách kịp thời, từ đó có sự điều chỉnh cần thiết.

3.2.1.4. Điều kiện thực hiện biện pháp

Nhà trường phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức xã hội về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu giáo dục KNTBVBT cho học sinh tiểu học.

Hiệu trưởng nhà trường phải dành thời gian và kinh phí cho hoạt động này một cách thỏa đáng. Các giáo viên chủ nhiệm, Hội cha mẹ học sinh phải thực hiện tốt các chủ trương, các quy định của nhà trường về công tác tuyên truyền giáo dục hiểu biết và ý nghĩa của giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

Bản thân giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh phải ủng hộ các chủ trương, yêu cầu của nhà trường về giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Họ phải là những tấm gương về cách sống và làm việc cho học sinh noi theo.

3.2.2. Biện pháp 2: Đầu tư cơ sở vật chất và tạo nguồn kinh phí phục vụ giáo dục KNTBVBT cho học sinh

3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp

Đảm bảo có đủ kinh phí và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động giáo dục KNTBVBT cho các em học sinh. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động giáo dục KNTBVBT đạt kết quả tốt nhất.

Xem tất cả 115 trang.

Ngày đăng: 16/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí