Một Số Vấn Đề Cơ Bản Về Hoạt Động Giáo Dục Kỹ Năng Sống Cho Học Sinh Ở Trường Tiểu Học

1.3. Một số vấn đề cơ bản về hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường tiểu học

1.3.1. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh TH và mục tiêu giáo dục TH

1.3.1.1. Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học

Trẻ em có nhu cầu lớn trong hoạt động và giao tiếp, song việc hoạt động ngoài giờ lên lớp, sự tiếp xúc hằng ngày của trẻ với môi trường xung quanh, giao tiếp mọi người chỉ là ngẫu nhiên, bộc phát, hoàn toàn không chủ động. Tổ chức cho trẻ được hoạt động cả về trí tuệ lẫn thể chất, tạo môi trường cho các em tiếp xúc, giao tiếp bạn bè, thầy cô một cách tự nhiên, có nội dung, có phương pháp, có kế hoạch phục vụ mục đích giáo dục đề ra. Muốn nâng cao hoạt động giáo dục cần nắm vững đặc điểm phát triển của học sinh.

Có rất nhiều công trình nghiên cứu về đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học. Ở đây chúng tôi chỉ nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lý có thể ảnh hưởng đến quá trình GDKNS cho các em.

(1) Tính hay tò mò, thích khám phá, giàu trí tưởng tượng.

Đó là một đặc điểm tâm lí nổi trội của trẻ, luôn thích thú tìm hiểu, khám phá trước những hiện tượng mới lạ trong thế giới tự nhiên và xã hội. Với những hiểu biết chưa đầy đủ, chưa sâu, các em chưa thể giải thích được và luôn đặt câu hỏi "vì sao?": "Vì sao hình này gọi là hình vuông, hình kia là hình chữ nhật", "vì sao thế này mà không thế kia?"... Tất cả những sự kiện, hiện tượng gì trong thời điểm này cũng đều để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các em. Đặc điểm trên của trẻ vừa có mặt tích cực vừa thể hiện sự hạn chế về mặt tâm lí. Cần khai khác những đặc điểm này của trẻ trong quá trình dạy học cũng như quá trình tổ chức các hoạt động GDKNS nhằm phát triển trí tuệ, óc suy nghĩ, khả năng sáng tạo cho trẻ.

(2) Tính dễ hưng phấn nhưng cũng dễ chán nản, thiếu kiên trì, bền bỉ. Khi tham gia hoạt động hoặc làm việc gì đó nếu có sự khích lệ từ bạn bè,

giáo viên, cha mẹ, dù là nhỏ nhưng sẽ dễ dàng kích thích sự nhiệt tình, lòng say mê của các em. Tuy nhiên, khi gặp thất bại, rủi ro các em lại rất dễ chán nản,

thậm chí là bi quan, dỗi hờn, bỏ cuộc ngay. Chính vì vậy, trong quá trình tổ chức các hoạt động GDKNS cho các em cần chú ý đặc điểm này của trẻ để có sự động viên khích lệ kịp thời, tạo ra hứng thú hoạt động cho trẻ ngay lúc đầu, chú ý thay đổi các hình thức hoạt động phù hợp với lứa tuổi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

(3) Năng lực hoạt động của trẻ

Về mặt tâm lí, lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi có những biểu hiện thất thường nhất, do sự chưa hoàn thiện của não bộ, cơ thể đang trên đà phát triển, hiểu biết về thực tế cuộc sống còn hạn chế nên các em chưa kiểm soát được hành động của mình. Ở tuổi này trẻ thường hiếu động, vụng về trong hoạt động; vui chơi giải trí, hoạt động tay chân nhu cầu cần thiết đối với các em. Do đó, khi tổ chức các hoạt động GDKNS cho các em cần tổ chức những hoạt động vừa mang tính trí tuệ vừa tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động và những hoạt động này cần phải hướng cho trẻ tính kỉ luật, cẩn thận, khéo léo và bền bỉ, kiên trì, đồng thời tạo ra môi trường tốt cho những nhân tố tích cực có điều kiện phát triển đúng hướng và trở nên bền vững theo quy luật của quá trình phát triển nhân cách.

Quản lý hoạt động phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học tại các trường tiểu học thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh - 4

1.3.1.2. Mục tiêu giáo dục tiểu học

Theo khoản 2 Điều 27 Luật giáo dục 2005: Mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở [25].

Do vậy, có thể thấy bậc tiểu học tạo ra những cơ sở ban đầu rất cơ bản và bền vững cho trẻ em tiếp tục học lên bậc học trên, hình thành những cơ sở ban đầu, đường nét ban đầu của nhân cách. Những gì thuộc về tri thức, kỹ năng về hành vi và lòng nhân ái được hình thành và định hình ở học sinh tiểu học sẽ theo suốt cuộc đời mỗi em. Nếu ở tiểu học đặt nền móng vững chắc và đúng hướng thì lớp sau chỉ là củng cố và phát triển các tố chất ở trẻ. Chính vì lẽ đó mà ở bất cứ nước nào cũng coi trọng giáo dục tiểu học và đòi hỏi ở mỗi chuẩn

mực chứa đựng những yếu tố khoa học, tính phổ cập, tính nhân văn, tính thời đại và tính dân tộc. Dạy học ở bậc tiểu học là không chỉ nắm vững con đường cách thức của sự hình thành trí tuệ và nhân cách mà còn phải biết “Dạy chữ” trong mục tiêu “Dạy người”.

1.3.2. Mục tiêu, nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh TH

1.3.2.1. Mục tiêu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh TH

- Trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong các mối quan hệ, các tình huống và hoạt động hàng ngày.

- Tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.

1.3.2.2. Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh TH

Trang bị cho học sinh những tri thức cần thiết về kỹ năng sống, tầm quan trọng của kỹ năng sống và ý nghĩa của việc thực hiện kỹ năng sống đối với bản thân và xã hội. Đồng thời giúp học sinh nắm vững quy trình tập luyện, rèn luyện kỹ năng sống và quá trình thực hành kỹ năng sống trong các tình huống khác nhau.

Hình thành ở học sinh thái độ tích cực đối với việc thực hiện hành vi, kỹ năng sống, có niềm tin trong quá trình tập luyện, rèn luyện.

Tổ chức quá trình tập luyện, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua hoạt động dạy học và thực hiện các nhiệm vụ dạy học đề ra.

Một số kỹ năng sống cần giáo dục cho học sinh ở trường TH bao gồm những nội dung sau:

- Kỹ năng giao tiếp.

- Kỹ năng xử lý tình huống.

- Kỹ năng nhận thức.

- Kỹ năng hợp tác.

- Kỹ năng thuyết trình.

- Kỹ năng làm việc nhóm.

- Kỹ năng chống lạm dụng tình dục ở học sinh nữ.

- Kỹ năng thích ứng.

1.3.3. Các phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh TH

1.3.3.1. Phương pháp thảo luận nhóm

Thực chất của phương pháp này là để học sinh tham gia trao đổi về một vấn đề nào đó theo nhóm. Thảo luận nhóm nhỏ được sử dụng rộng rãi nhằm giúp cho người học tham gia một cách chủ động vào quá trình học tập, nhằm tạo cơ hội cho người học tham gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, ý kiến để giải quyết một vấn đề nào đó. Cách tiến hành như sau:

- Tổ chức: phân chia nhóm, mỗi nhóm 5 đến 6 người, giao nhiệm vụ cho nhóm.

- Các nhóm thảo luận: các thành viên nhóm trao đổi để đi đến thống nhất cách làm.

- Giáo viên tổng kết các ý kiến trên.

Một số yêu cầu khi thực hiện phương pháp thảo luận là:

- Quy mô nhóm có thể lớn hoặc nhỏ, không nên để nhóm quá đông hoặc quá ít.

- Nội dung thảo luận ở các nhóm có thể giống hoặc khác nhau.

- Các nhóm phải cử người làm thư ký.

- Cần quy định thời gian thảo luận và trình bày ý kiến.

- Giáo viên bao quát toàn bộ nhóm.

1.3.3.2. Phương pháp đóng vai

Đây là phương pháp tổ chức cho người học làm thử “đóng vai” để giải quyết chủ đề đã đưa ra. Quan trọng của phương pháp này là cách thức, là ứng xử, là đối thoại của nhân vật. Cách tiến hành như sau:

- Chọn chủ đề.

- Chia lớp thành nhóm, mỗi nhóm 5 - 7 người.

- Lần lượt các vai thể hiện.

- Người ngồi dưới ghi nhận xét.

- Mỗi nhóm cử đại diện thể hiện.

- Ý kiến của đại diện các nhóm khác.

- Giáo viên nhận xét và kết luận.

Yêu cầu khi thực hiện phương pháp đóng vai là:

- Chọn chủ đề phù hợp (do giáo viên gợi ý hoặc nhóm đề xuất).

- Mỗi nhóm tìm ra phương án chung nhất, hiệu quả nhất của nhóm mình trình bày.

- Yêu cầu cả về nội dung và hình thức thể hiện.

1.3.3.3. Phương pháp động não

Động não là phương pháp giáo dục để cho người học trong một thời gian ngắn nảy sinh được nhiều ý tưởng, nhiều giả định về một vấn đề nào đó. Đây là một phương pháp để “lôi ra” một danh sách thông tin và ý tưởng. Cách tiến hành thường như sau:

- Giáo viên nêu câu hỏi hoặc vấn đề cho cả lớp hoặc nhóm suy nghĩ và trả lời.

- Khích lệ người học phát biểu ý kiến và đóng góp càng nhiều ý kiến càng tốt.

- Ghi các ý kiến lên bảng hoặc giấy.

- Phân loại các ý kiến.

- Làm rõ những ý kiến chưa rõ ràng.

- Tổng hợp các ý kiến.

Một số yêu cầu khi thực hiện phương pháp động não là:

- Tất cả ý kiến đều được giáo viên hoan nghênh mà không phê phán, nhận định đúng sai.

- Cuối giờ thảo luận giáo viên nên nhấn mạnh kết luận này là sản phẩm chung của cả lớp, nhóm.

- Yêu cầu người tham gia đưa ra ý kiến ngắn gọn và chính xác, tránh dài dòng, chung chung.

1.3.3.4. Phương pháp nghiên cứu tình huống

Nghiên cứu tình huống thường xuất phát từ một câu chuyện được viết ra nhằm tạo ra tình huống “thật” để minh chứng cho một hoặc một loạt vấn đề. Đôi khi có thể nghiên cứu tình huống trên một đoạn video, hay một băng cát xét, hoặc dưới dạng hình vẽ. Cách tiến hành như sau:

- Chọn tình huống (có thể một hoặc nhiều tình huống).

- Chia nhóm (mỗi nhóm 1 tình huống càng tốt).

- Đọc (xem, nghe) tình huống.

- Suy nghĩ về tình huống đó (đưa ra một vài câu hỏi).

- Cả nhóm thảo luận và thống nhất ý kiến.

- Trình bày ý kiến của nhóm.

- Ý kiến của các nhóm về những vấn đề đặt ra.

- Giáo viên kết luận.

Một số yêu cầu khi thực hiện phương pháp tình huống là:

- Yêu cầu lựa chọn tình huống.

- Tìm ra được phương án tối ưu cho mỗi tình huống.

- Động viên người học tham gia phát biểu ý kiến.

1.3.3.5. Các phương pháp khác: phương pháp trò chơi, phương pháp dạy học định hướng hành động, dạy học khám phá, dạy học nghiên cứu trường hợp, dạy học dự án, phương pháp thuyết trình, phương pháp diễn kịch…

1.3.4. Hình thức tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học

Xác định kỹ năng sống có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của mỗi học sinh, những năm qua ngành GD&ĐT đã chỉ đạo, lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục này vào các hoạt động, chương trình giảng dạy ở các nhà trường dưới các hình thức:

- Tích hợp nội dung giáo dục KNS thông qua dạy học các môn học như: Giáo dục đạo đức, Tiếng Việt, các môn khoa học xã hội, tự nhiên,…

- Tích hợp GDKNS thông qua các hoạt động ngoại khóa gắn liền với nội dung chương trình ngoại khóa của các môn học.

- Tích hợp giáo dục kỹ năng sống thông qua dạy học các môn học bằng việc vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học tích cực nhằm tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Phương pháp công não, đóng vai, phương pháp thảo luận nhóm, dạy học hợp tác, dạy học trải nghiệm sáng tạo, dạy học bằng tình huống, dạy học định hướng hành động, dạy học thực hành, thí nghiệm…

- Tổ chức thực hiện các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật, hoặc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống ở tiết sinh hoạt tập thể; vào giờ chào cờ đầu tuần, Vào tiết sinh hoạt tập thể lớp buổi học cuối tuần, nhằm bổ trợ cho hoạt động rèn luyện kĩ năng sống thông qua hoạt động dạy học đạt hiệu quả…

1.4. Chức năng quản lý của hiệu trưởng trường tiểu học về hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

1.4.1. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường và các lực lượng giáo dục trong GDKNS cho học sinh

Khi xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh, người Hiệu trưởng cần dựa trên những nguyên tắc sau:

- Kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh cho học sinh phải phù hợp với kế hoạch dạy học và không cản trở việc thực hiện kế hoạch dạy học.

- Phân tích thực trạng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh trong năm học trước. Thực trạng này thể hiện rõ trong bảng tổng kết năm học. Qua đó thấy được ưu và nhược điểm của công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh, những vấn đề gì còn tồn tại, từ đó xếp ưu tiên từng vấn đề cần giải quyết.

- Phân tích kế hoạch chung của ngành, trường, từ đó xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh. Kế hoạch này là kế hoạch cụ thể về một mặt giáo dục quan trọng của nhà trường, trong đó thể hiện sự thống nhất GDKNS với các mặt giáo dục khác phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.

- Tìm hiểu đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Vì quá trình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh thống nhất biện chứng với quá trình xã hội, với môi trường sống.

- Tìm hiểu các chuẩn mực, giá trị đạo đức trong xã hội của chúng ta hiện nay và xu thế giá trị đạo đức trên thế giới để xây dựng nội dung phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh.

- Xác định điều kiện giáo dục như: cơ sở vật chất, tài chính, quỹ thời gian, sự phối hợp với lực lượng giáo dục trong trường và ngoài trường.

Những yêu cầu khi xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDKNS cho học sinh:

- Kế hoạch phải thể hiện được tính khoa học, kế thừa, toàn diện, cụ thể và trọng tâm trong từng môn học, chương, bài học, hoạt động ngoại khóa.

- Kế hoạch phải phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt yếu kém, củng cố ưu điểm, vạch ra được chiều hướng phát triển trong việc hình thành KNS ở học sinh.

- Kế hoạch phản ánh được mối quan hệ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, thời gian, hình thức tổ chức, biện pháp, kiểm tra, đánh giá kết quả phối hợp với việc thực hiện mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, thời gian, hình thức tổ chức, biện pháp, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục KNS cho học sinh TH.

- Kế hoạch thể hiện được sự phân cấp quản lý của Hiệu trưởng với các tổ chức đoàn thể, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và cụ thể.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/05/2022