HĐTN là phương tiện giáo dục và phát triển tình cảm đạo đức, quan hệ xã hội cho trẻ. Một trong những lợi ích lớn nhất của HĐTN nói chung, vui chơi, khám phá ngoài trời đó là giúp trẻ phát triển các năng lực xã hội. Trẻ có thể thiết lập các mối quan hệ, học cách giải quyết mâu thuẫn, đàm phán và điều chỉnh hành vi. Trong hoạt động, trẻ được gia tăng cảm giác thành công và lạc quan khi hành động với khả năng của mình và lựa chọn của mình. Trò chơi cũng là một cách giảm căng thẳng; rèn luyện phẩm chất cởi mở; lạc quan; bền bỉ; tập trung; sáng tạo. Thông qua hoạt động vui chơi ngoài trời, một số phẩm chất đạo đức cần thiết của con người trong hoạt động tập thể cũng được hình thành: thông cảm, chia sẻ, hòa nhập, đoàn kết, nhân ái, dũng cảm, vượt khó, đối mặt với thất bại và chấp nhận sự thất bại...
HĐTN là phương tiện giáo dục và phát triển thẩm mỹ cho trẻ: Tạo điều kiện để trẻ cảm nhận cái đẹp trong tự nhiên, nghệ thuật và cuộc sống. Trong nội dung HĐTN theo ý thích, trẻ có điều kiện để đến với cái đẹp, thể hiện năng lực sáng tạo cái đẹp bằng các kĩ năng tạo hình với các nguyên vật liệu mở.
HĐTN là phương tiện giáo dục và phát triển lao động cho trẻ: Hình thành cho trẻ một số kĩ năng lao động giản đơn như kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng vệ sinh môi trường, kĩ năng trực nhật...
Các giá trị trẻ có được sau hoạt động: Niềm vui; Trí tưởng tượng; Nhu cầu khám phá; Giải quyết các vấn đề; Thử nghiệm các nguyên tắc; Thực hành các ngôn ngữ; Phát triển ý tưởng và biết cách chia sẻ chúng; Hiểu được nguyên tắc lần lượt; Giải quyết các mâu thuẫn; sáng tạo; Học cách để thành công.
1.3.1.4. Nội dung hoạt động trải nghiệm của trẻ
*. Trải nghiệm với môi trường tự nhiên, thiên nhiên
Nội dung trải nghiệm thích hợp nhất là dựa trên hứng thú của trẻ, sau đó giới thiệu những ý tưởng mới hoặc làm sâu sắc thêm những khám phá của trẻ. Để làm được điều này đòi hỏi sự nhạy cảm và quan tâm thực sự của giáo viên với trẻ chứ không phải chỉ vì mục tiêu được lập sẵn.
Trẻ rất hứng thú và kiến thức, kĩ năng sẽ hình thành một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Do vậy, cần tổ chức cho trẻ tham gia HĐTN thông qua hoạt động ngoài trời, các hoạt động khám phá khoa học với nhiều nội dung đa dạng. Cụ thể:
+ Trải nghiệm với hiện tượng tự nhiên và thiên nhiên vô sinh, gồm: Đi dạo, vui chơi, khám phá thời tiết, các hiện tượng tự nhiên - khí hậu tập trung vào một chủ đề cụ thể như ánh sáng, nắng, nhiệt độ, mây, mưa, gió, sấm, chớp, bão; dấu hiệu của mùa xuân…, làm các thí nghiệm đơn giản với nước, ánh sáng, nhiệt độ,… Đi dạo tập trung vào thu nhận và xử lí thông tin mới, ví dụ tên của những sự vật trẻ phát hiện ra, sự thay đổi trong tự nhiên/mùa được quan sát trên con đường mà trẻ đang đi.
+ Trải nghiệm với đối tượng là thế giới thực vật, gồm: Đi dạo, vui chơi, khám phá sự sống, sự phát triển của các loài thực vật: Cây hoa, cây bóng mát, rau, củ, quả… gắn với chủ đề thực vật, các dự án/thí nghiệm cụ thể về từng đối tượng (Ví dụ: Thí nghiệm “Cây cần gì để sống?”; “Sự nảy mầm của hạt”; hoạt động chăm sóc cây xanh, vườn rau và hoa…); làm vườn,
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho giáo viên các trường mầm non thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - 2
- Hoạt Động Trải Nghiệm Của Trẻ Mầm Non
- Kỹ Năng Tổ Chức Hoạt Động Trải Nghiệm Cho Trẻ Của Giáo Viên Mầm Non
- Con Đường Phát Triển Kĩ Năng Tổ Chức Hđtn Cho Giáo Viên Các Trường Mầm Non
- Chỉ Đạo Thực Hiện Phát Triển Kỹ Năng Tổ Chức Hoạt Động Trải Nghiệm Cho Giáo Viên
- Khái Quát Về Giáo Dục Mầm Non Thành Phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
+ Trải nghiệm với đối tượng là thế giới động vật, gồm: Đi dạo, vui chơi, khám phá sự sống, sự phát triển của các loài động vật: Tên gọi, đặc điểm, ích lợi, đặc tính sinh sản... của các loài động vật, các con vật sống trong những môi trường khác nhau… gắn với chủ đề động vật, các dự án/thí nghiệm cụ thể về từng đối tượng động vật (Ví dụ: Thí nghiệm “Cá cần có môi trường nước để sống”, “Vòng đời của con tằm”; hoạt động chăm sóc các con vật nuôi trong gia đình, vườn thú…), Đi dạo để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống tập trung vào việc tìm kiếm sự sống trong không khí, dưới mặt đất…..Tìm kiếm những bằng chứng về sự sống khác nhau như tổ, dấu tích của động vật, hốc cây, hốc đất….
+ Trải nghiệm với thế giới đồ vật do con người sáng tạo ra, gồm: Thực hiện các thí nghiệm và hoạt động lắp ghép xây dựng về thế giới đồ vật và không gian hình khối; khám phá những viên gạch; thực hiện các trò chơi phát triển vận động; sử dụng nguyên vật liệu mở để làm đồ dùng, đồ chơi…
*. Trải nghiệm với môi trường xã hội
Tham quan, quan sát sự kiện, sự việc thay đổi trong môi trường lớp học, trường, khu vực trong những dịp có ngày hội, lễ…; Tham quan và trải nghiệm làng nghề truyền thống; đóng vai các nghệ nhân chế biến các món ăn, cắm hoa trang trí; Lao động trong thiên nhiên; Tham quan di tích văn hoá lịch sử, danh lam thắng cảnh…; Thực hiện các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng… Đi dạo để làm vệ sinh môi trường tập trung vào việc dọn dẹp tự nhiên: Mang một chiếc túi đựng rác, găng tay ni lông cho mỗi trẻ. Gợi ý để trẻ phát hiện những thứ thu nhặt được là thuộc thiên nhiên hay nhân tạo….
1.3.1.5. Hình thức và quy trình tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ
Tổ chức HĐTN cho trẻ mầm non đòi hỏi giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu giáo dục, đặc điểm của trẻ và nội dung giáo dục của hoạt động để lập kế hoạch, tổ chức thực hiện.
*. Về hình thức tổ chức HĐTN: Có nhiều hình thức, giáo viên có thể sử dụng một trong các hình thức: Tham quan, đi dạo, tổ chức thí nghiệm, vui chơi với đồ dùng, thiết bị ngoài trời và các nguyên vật liệu mở, lao động chăm sóc thiên nhiên và các con vật; vệ sinh sân trường…
* Về quy trình tổ chức HĐTN: Đề tài tiếp cận lô gic của tổ chức hoạt động nói chung, quy trình tổ chức bao gồm 3 bước:
Bước 1. Xây dựng kế hoạch tổ chức
- Xây dựng kế hoạch tổ chức HĐTN cho cả năm và cho từng chủ đề giáo dục, chủ đề phát sinh và dự án giáo dục cụ thể, cho từng tuần. Giáo viên phải nghiên cứu, hiểu nội dung, mối liên hệ giữa các chủ đề để đảm bảo tính liên tục, phát triển, tính thống nhất của các hoạt động theo chủ đề giáo dục.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể cho mỗi hoạt động (giáo án) tức là soạn thảo phương án cụ thể để tổ chức HĐTN cho trẻ. Để xây dựng tiến trình của hoạt động, giáo viên phải chuẩn bị về nội dung, phương pháp và biện pháp tổ chức sư phạm cho quá trình hoạt động của trẻ và chuẩn bị về tài liệu, đồ dùng dạy học và những điều kiện khác. Những công việc chuẩn bị này được trình bày trong bản kế hoạch hoạt động.
Để xây dựng kế hoạch, giáo viên cần xác định đúng tên của hoạt động, mục tiêu giáo dục, yêu cầu của độ tuổi; xác định được nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động; thời gian và địa điểm cũng như các nguồn lực để tổ chức được hoạt động; dự kiến phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động trong mối quan hệ tương tác giữa mình và trẻ; các tình huống có thể xảy ra, cách giải quyết và tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động...
Bước 2. Tổ chức quá trình
Thực hiện linh hoạt kế hoạch đã xây dựng, đảm bảo đạt mục tiêu giáo dục của hoạt động. Đối với HĐTN tổ chức trong khuôn viên ngoài lớp học trong phạm vi nhà trường, có thể thực hiện theo các hoạt động: (1) Ổn định lớp, tạo hứng thú cho trẻ (tiến hành công việc chuẩn bị cho hoạt động; sắp xếp đội hình tổ chức, ổn định tổ chức, kiểm tra tình hình chuẩn bị, tập trung sự chú ý của trẻ vào hoạt động); (2). Tiến hành: Đây là phần chính nhằm giải quyết các nhiệm vụ đề ra: Giáo viên sử dụng các phương pháp, biện pháp tổ chức cho trẻ hoạt động (quan sát, thực hành, giao nhiệm vụ, đặt và trả lời câu hỏi; trò chơi, hoạt động nhóm trẻ hoặc hoạt động cá nhân, thí nghiệm,…) qua đó phát huy được tính tích cực của từng trẻ và của cả lớp trong thực hiện hoạt động; (3). Kết thúc, đánh giá (Tổ chức cho trẻ nhận xét, đánh giá; Giáo viên nhận xét, đánh giá).
Bước 3. Đánh giá và rút kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của GV
Mục tiêu của bước này là GV tự đánh giá hoặc qua các hoạt động đánh giá của đồng nghiệp giúp giáo viên rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch và đề xuất, sử dụng các biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại.
1.3.1.6. Mối quan hệ giữa vai trò của giáo viên và trẻ trong tổ chức hoạt động trải nghiệm
Trong tổ chức HĐTN cho trẻ, giáo viên có vai trò quyết định chất lượng của hoạt động; có vai trò chủ đạo đối với trẻ và các hoạt động giúp cho trẻ nắm được nội dung, ý nghĩa, tác dụng của HĐTN, tạo cho trẻ có cơ hội để bày tỏ những hiểu biết của mình với chính nội dung mà trẻ được tham gia trải nghiệm. Giáo viên là người chỉ đạo, là trọng tài đánh giá kết quả HĐTN, uốn nắn những
sai lệch, động viên, khích lệ những sáng tạo và hình thành ở trẻ nhu cầu khám phá, yêu thích tham gia hoạt động, thực hiện chủ động hoạt động. Giáo viên là người phối hợp các lực lượng giữa nhà trường, cha mẹ của trẻ và các lực lượng xã hội để tổ chức hoạt đông trải nghiệm cho trẻ trường mầm non.
Để quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ đạt kết quả mong đợi thì trẻ phải là chủ thể của hoạt động, là nhân tố quyết định trực tiếp kết quả tổ chức HĐTN; dưới vai trò chủ đạo của GV, trẻ là người tự tổ chức, tự điều khiển, tự điều chỉnh trong quá trình hoạt động, tự kiểm tra - đánh giá kết quả hoạt động.
Tính chất quan hệ giữa giáo viên và trẻ là quan hệ giáo dục và thống nhất biện chứng.
1.3.2. Một số vấn đề lý luận về kĩ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ của giáo viên mầm non
1.3.2.1. Hệ thống kĩ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ của giáo viên Trong cấu trúc năng lực sư phạm của giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, giáo viên mầm non cần hình thành và phát triển các năng lực sau: Lập kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ; Kỹ năng tổ chức thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho trẻ; Kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ; Kỹ năng quản lý lớp học; Kỹ năng giao tiếp, ứng xử với trẻ, đồng nghiệp, phụ
huynh và cộng đồng.
Xuất phát từ mục đích nghiên cứu của đề tài về năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm của giáo viên là một năng lực cơ bản trong các năng lực giáo dục nhằm hình thành, phát triển nhân cách cho trẻ. Do vậy, các kĩ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ của giáo viên được tập trung vào các nhóm kỹ năng sau đây
*. Nhóm kỹ năng thiết kế hoạt động trải nghiệm
Ở nhóm kỹ năng này chúng tôi xác định đây là nhóm kỹ năng chính mà đề tài đề cập đến về mặt lý luận làm cơ sở để nghiên cứu thực tiễn và đề xuất biện pháp phát triển kỹ năng cho giáo viên mầm non. Nhóm kĩ năng thiết kế
gồm các kĩ năng thành phần: Kỹ năng đặt tên hoạt động; Kỹ năng xác định mục tiêu giáo dục của hoạt động; Kỹ năng xác định nội dung hoạt động; Kỹ năng lựa chọn phương pháp và phương tiện tổ chức; Kỹ năng xác định hình thức tổ chức hoạt động; Kỹ năng xác định thời gian - địa điểm tổ chức hoạt động; Kỹ năng xác định các lực lượng tham gia và phối hợp thực hiện; Kỹ năng trình bày bản thiết kế hoạt động giáo dục. Kết quả đạt được của nhóm kỹ năng này chính là mô hình HĐTN dưới dạng phổ biến là văn bản viết có thể ở dạng chi tiết hoặc khái quát song với cấu trúc cơ bản như sau:
- Chủ đề giáo dục
- Tên hoạt động
- Thời gian và địa điểm tổ chức hoạt động
- Thành phần thực hiện và phối hợp tổ chức hoạt động
- Mục tiêu giáo dục (kiến thức, thái độ, kỹ năng)
- Công tác chuẩn bị (của giáo viên, trẻ, các lực lượng khác..)
- Nội dung tiến trình
- Phương pháp và phương tiện tổ chức
- Hình thức tổ chức
- Điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí...
- Dự kiến đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm tổ chức hoạt động
Kỹ năng trình bày bản thiết kế hoạt động thể hiện một cách khái quát khả năng lập kế hoạch tổ chức HĐTN của nhà sư phạm.
*. Nhóm kỹ năng tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm
Đây là nhóm kỹ năng cần thiết giúp GV tích cực hóa hoạt động của trẻ, làm cho bản thiết kế HĐTN được hiện thực hóa, chuyển hóa mục tiêu, yêu cầu và nội dung giáo dục của hoạt động thành nhân cách của trẻ. Nhóm kĩ năng tổ chức thực hiện gồm các kĩ năng thành phần: Kỹ năng giao nhiệm vụ; Kỹ năng hướng dẫn; Kỹ năng ủy quyền; Kỹ năng quản lý theo quá trình; Kỹ năng thúc đẩy (hay kỹ năng thúc đẩy sự cùng tham gia); Kỹ năng điều phối.
Trong quá trình thực hiện cần tôn trọng tính chủ động, sáng tạo của mọi thành viên, tuân thủ theo kế hoạch đã đề ra từ đầu nhưng trong trường
hợp và hoàn cảnh cụ thể cần có sự điều chỉnh, xử lý những vấn đề phát sinh, kiểm tra giám sát chặt chẽ, từ khâu thực hiện đến khâu tổng kết đánh giá kết quả.
*. Nhóm kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm
Kỹ năng đánh giá có ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của hoạt động. Trong các kỹ năng đánh giá HĐTN, chúng tôi xác định bao gồm các kỹ năng sau: Kỹ năng xác định mục tiêu và nội dung đánh giá; Kỹ năng xây dựng thang đánh giá và tiêu chí đánh giá; Kỹ năng xác định phương pháp đánh giá; Kỹ năng đối chiếu kết quả định lượng của hoạt động với tiêu chí đo; Kỹ năng nhận xét và ra quyết định.
Trên cơ sở các thông tin phân tích và tổng hợp trong quá trình theo dõi và quan sát, giáo viên đưa ra các phản hồi và khuyến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công việc cũng như xác định những điều chỉnh trung hạn, dài hạn cần tiến hành trong quá trình tổ chức HĐTN cho trẻ. Kỹ năng này bao gồm cả các thao tác công bố kết quả theo dõi, đánh giá và thực thi các khuyến nghị, điều chỉnh hệ thống theo dõi, đánh giá theo những phản hồi phù hợp từ phía trẻ, nhà trường và yêu cầu của thực tiễn tổ chức hoạt động cho trẻ.
*. Nhóm kỹ năng bổ trợ
Ngoài các kĩ năng cơ bản thuộc ba nhóm kĩ năng trên, trong tổ chức HĐTN cho trẻ, giáo viên cần hình thành và sử dụng tốt các kĩ năng bổ trợ như: Kỹ năng hiểu tâm lý của trẻ; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng phối hợp các lực lượng trong tổ chức HĐTN.
1.3.2.2. Các giai đoạn và trình độ phát triển kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm
Quá trình phát triển kỹ năng là quá trình tác động của chủ thể đến đối tượng làm cho đối tượng tác động nắm vững một hệ thống phức tạp các thao tác, làm sáng tỏ và biến đổi những thông tin chứa đựng trong hoạt động, trong nhiệm vụ và đối chiếu chúng với những hành động cụ thể để vận dụng giải quyết các nhiệm vụ của hoạt động. Sự hình thành, phát triển kỹ năng bắt đầu từ sự nhận
thức và cuối cùng phải biểu hiện ở hành động cụ thể. Sự chuyển hóa quá trình ấy rất phức tạp, song có thể phân chia một cách tương đối qua các giai đoạn, theo chúng tôi có 5 giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 1: Giai đoạn bắt chước
Giai đoạn này các kỹ năng được hình thành ở mức độ đơn giản, sơ bộ, chủ yếu ở phương diện nhận thức ban đầu về kĩ năng. Khi tri giác các thao tác, hành động cấu thành kỹ năng, chủ thể nhận thức được và bắt chước làm theo song về cơ bản chỉ mang tính rập khuôn, máy móc, nếu có thay đổi hoàn cảnh, chủ đề hoạt động thì chủ thể không thực hiện đạt kết quả.
Giai đoạn 2: Giai đoạn làm được
Kỹ năng ở giai đoạn này đã hình thành và đạt được mức độ nhất định. Khi quan sát mẫu, chủ thể đã biết cách làm nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu, còn mắc lỗi. Giai đoạn này, kỹ năng hình thành đã có sự phối hợp giữa cơ bắp và hệ thần kinh.
Giai đoạn 3: Giai đoạn chính xác
Ở giai đoạn này nhận thức về thực hiện hành động thống nhất với các thao tác, chủ thể có khả năng thực hiện hành động chuẩn xác, tự thực hiện được kỹ năng và đạt được yêu cầu về kết quả, không có thao tác lỗi.
Giai đoạn 4: Giai đoạn phối hợp
Kỹ năng ở giai đoạn này thể hiện sự liên kết thành thạo giữa các hành động với tri thức; có sự liên hệ vận dụng phối hợp giữa những kĩ năng chung đã có và kĩ năng chuyên biệt của hoạt động. Trong quá trình thực hiện kỹ năng, chủ thể vận dụng được một cách sáng tạo những tri thức và kĩ xảo cần thiết để thực hiện tốt hoạt động, đạt mục đích.
Giai đoạn 5: Giai đoạn thuần thục
Ở giai đoạn này kỹ năng đạt đến mức độ tự động hóa, chủ thể thực hiện công việc chính xác với tốc độ cao; sáng tạo và linh hoạt các kĩ năng khác nhau, tiết kiệm thời gian đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động. Đây là giai đoạn phát triển cao nhất của kĩ năng, ở giai đoạn này, con người dễ dàng thực hiện được các hoạt động.