can thiệp này, cần làm sao để mỗi khi một hoạt động nhóm kết thúc học sinh có được những kỹ năng mới hữu ích. Điều quan trọng là các kỹ năng hợp tác phải thường xuyên được sử dụng hoặc thực hành trong môi trường lớp học, nhà trường và ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, giáo viên không nên can thiệp một cách độc đoán và vượt quá mức cần thiết, cần lựa chọn những biện pháp can thiệp thích hợp. Nên gợi ý để học sinh tự giải quyết vấn đề của mình.
Những kỹ năng cơ bản: Căn cứ vào quá trình phát triển nhân cách, các yếu tố cơ bản của quá trình dạy và đặc điểm tâm lý của học sinh THCS, chúng tôi đề xuất những kỹ năng HTHT cơ bản sau:
- Kỹ năng tạo lập nhóm: Di chuyển nhanh vào nhóm, không gây ồn ào.Tham gia hoạt động ngay sau khi ngồi vào nhóm. Ngồi cùng với nhóm trong suốt quá trình hoạt động.Giao tiếp vừa đủ không làm ảnh hưởng nhóm khác. Thực hiện các công việc của nhóm theo từng bước.
- Nhóm các kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp là bước khởi đầu trong sự hợp tác. Muốn hợp tác diễn ra tốt, mỗi học sinh cần có kỹ năng truyền đạt thông tin trực tiếp để thể hiện những ý tưởng chính kiến, tình cảm, thái độ,… Những kỹ năng này, gọi là kỹ năng truyền đạt. Ngược lại, mỗi học sinh cũng phải có khả năng tiếp nhận thông tin một cách chính xác, sao cho bản thân có thể hiểu được các ý tưởng, niềm tin, cảm xúc, thái độ… của người khác. Các kỹ năng tiếp nhận bao gồm việc đưa ra những phản hồi liên quan đến việc thu nhận thông tin của người khác. Sự phản hồi này, sẽ làm sáng tỏ nội dung thông tin để tiếp tục duy trì, phát triển giao tiếp, trao đổi ý kiến với nhau. Mục đích chính của việc đưa ra phản hồi, là nhằm thể hiện mong muốn của người tiếp nhận, muốn hiểu đầy đủ ý nghĩ và cảm nhận của người truyền đạt. Khi tiếp nhận ý kiến của người khác, cần chú ý không nên dựa vào kinh nghiệm vốn có của mình thể hiện bộc phát những phán xét, đánh giá, tán thành, hoặc phản đối thông tin tiếp nhận, trước khi hiểu cặn kẽ những thông tin đó. Những đánh giá như thế của người tiếp nhận sẽ làm cho người truyền đạt không hài lòng, bị ức chế về mặt tâm lý, làm giảm đi sự cởi mở trong giao tiếp. Vì vậy, điều quan trọng là người nghe phải thể hiện rằng mình muốn hiểu người nói và sẽ không đánh giá về thông tin của người đó trước khi hiểu đầy đủ thông tin. Các kỹ năng tiếp nhận đặc trưng là diễn giải, kiểm tra lại sự tiếp nhận của mình và trao đổi về ý nghĩa thông tin. Các kỹ năng cơ bản trong giao tiếp cần hình thành cho học sinh như sau:
+ Nhóm kỹ năng truyền đạt thông tin: Truyền đạt rõ ý, làm sáng tỏ thông tin. Mỗi thông tin truyền đạt cần lựa chọn và được truyền đạt rõ ràng, đơn nghĩa. Giao tiếp phù hợp, mọi sự giao tiếp bao gồm cả thông tin ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Những thông tin phù hợp với nhau như mỉm cười thân thiện, là biểu lộ sự đồng cảm, ủng hộ, quý mến…
Biết hợp tác, chia sẻ giải quyết những nhiệm vụ của nhóm. Kiểm tra thông tin của mình, học sinh cần biết người tiếp nhận, giải thích và xử lý với thông tin của mình như thế nào.
+ Nhóm các kỹ năng tiếp nhận thông tin: Có thái độ chân tình, ân cần, cởi mở khi tiếp nhận, lắng nghe thông tin do người khác truyền đạt. Kỹ năng lắng nghe, nhắc lại được những điều mà người khác nói theo cách của mình, để được người truyền đạt chấp nhận. Không dựa vào kinh nghiệm bản thân để bột phát phản đối ý kiến người khác, khi chưa thấu hiểu cặn kẻ thông tin tiếp nhận. Mô tả lại đầy đủ, chính xác thông tin từ những cảm nhận của người truyền đạt.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Nguyên Tắc Xây Dựng Biện Pháp Phát Triển Kỹ Năng Dhht Cho Gv Thcs
- Phát triển kỹ năng dạy học hợp tác cho giáo viên trung học cơ sở - 8
- Nhóm Biện Pháp 2: Hướng Dẫn Thực Hiện Kỹ Năng Dhht Và Ứng Dụng Thực Hành, Rèn Luyện Kỹ Năng Dhht Tại Trường Thcs
- Lựa Chọn Gv Dạy Các Lớp Thực Nghiệm Và Đối Chứng
- Kết Quả Thống Kê Tổng Hợp Môn Văn 7 Ở Cả 3 Trường
- Quan Sát, Đánh Giá Sự Phát Triển Kỹ Năng Dhht Của Gv
Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.
- Nhóm các kỹ năng xây dựng và duy trì bầu không khí tin tưởng lẫn nhau:
Sự tin tưởng là điều kiện cần thiết cho hợp tác bền vững và giao tiếp có hiệu quả. Càng có sự tin tưởng lẫn nhau, sự hợp tác càng bền vững. Khi thực sự tin tưởng nhau, học sinh sẽ bộc lộ cởi mở hơn những suy nghĩ, cảm nhận, phản ứng, ý kiến, thông tin và tư tưởng của mình. Học sinh sẽ lảng tránh, không trung thực và không tập trung khi sự tin tưởng lẫn nhau giảm bớt. Ngược lại, khi được mọi người tin cậy, học sinh sẽ bày tỏ ý muốn hợp tác của mình một cách thường xuyên, trung thực và nỗ lực hợp tác hơn.
Sự hợp tác dựa trên sự chia sẻ nguồn lực, phân công công việc, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu chung. Những hành vi như thế sẽ xuất hiện khi có sự tin tưởng rằng tất cả mọi người đang đóng góp cho sự tiến bộ của nhóm chứ không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân.
Khi thực hiện hoạt động giải quyết nhiệm vụ được giao, sự hợp tác giữa học sinh với nhau đòi hỏi phải cởi mở và chia sẻ. Điều này được biểu hiện ở sự chấp nhận, ủng hộ, muốn hợp tác, sẵn sàng chia sẻ các thông tin, ý tưởng, suy nghĩ, cảm nhận, phản ứng về các vấn đề nhóm đang giải quyết. Sự chia sẻ biểu hiện rõ nét ở chỗ người này dành cho người kia sự giúp đỡ về tài liệu, nguồn lực để cùng hướng vào việc hoàn thành tốt mục tiêu của nhóm.
Để xây dựng và duy trì bầu không khí tin tưởng lẫn nhau, cần hình thành cho họ sinh những kỹ năng cơ bản sau: Yêu cầu sự giúp đỡ hay giải thích khi cần. Giúp giải thích, làm rõ. Chia sẻ thông tin, ý tưởng về vấn đề nhóm đang giải quyết. Trân trọng thành quả của nhóm.Tiếp sức, khuyến khích nhóm.
Để hình thành cho HS kỹ năng học tập hợp tác nhóm,, giáo viên cần tiến hành thực hiện theo trình tự sau:
Trong quá trình HTHT, GV cần hướng dẫn HS thực hiện và rèn luyện những kỹ năng hợp tác, làm việc cùng với người khác; điều cần chú ý là phân biệt được những kỹ năng nhận thức, kỹ năng học tập, kỹ năng thực hiện các hành vi tổ chức, kỷ luật, kỹ năng
thực hành bài học… với kỹ năng xã hội. Cần lựa chọn kỹ năng phù hợp để nhấn mạnh nó trong từng bài học. Việc dạy và hướng dẫn những kỹ năng hợp tác trong các nhóm HTHT nói chung trải qua những bước sau:
- Giúp học sinh thấy được ý nghĩa, vai trò của những kỹ năng trong HTHT. Để học một kỹ năng, học sinh cần hiểu được vai trò, ý nghĩa của kỹ năng đối với bản thân mình. Ý thức được như vậy, học sinh phải tự đưa ra các yêu cầu kỹ năng cần học. Nếu học sinh không tự nêu ra được thì giáo viên phải giải thích cho học sinh hiểu được những điều cần thiết đó. Việc này, có thể tiến hành theo cách hỏi học sinh những kỹ năng đó cần thiết như thế nào? Nếu thiếu những kỹ năng này, học sinh sẽ gặp những khó khăn gì…? Để học sinh có những thông tin này, giáo viên cần tiến hành giúp đỡ bằng cách thức phù hợp với năng lực, sở trường nhận thức và tiếp nhận giao tiếp.
- HS cần hiểu rõ những biểu hiện của kỹ năng hợp tác, có thể yêu cầu HS lập những danh mục gồm nhiều kỹ năng mà họ cảm thấy giống như vậy qua việc nghe và nhìn thấy hằng ngày.
- Cho HS thực hành kỹ năng hợp tác một cách riêng biệt với nội dung học tập bình thường, chẳng hạn thông qua việc dạy các kiến thức của bài học có liên hệ với thực tế các hoạt động trình diễn, lễ hội, tổ chức tham quan, chơi sắm vai và những trò chơi khác, trong đó biểu thị cả những thí dụ tích cực lẫn những thí dụ tiêu cực về kỹ năng hợp tác.
- Cần tích hợp kỹ năng vào các hoạt động theo nội dung học tập. Ví dụ, nếu nhóm làm việc với nhau để nghiên cứu dự án, thì HS phải sử dụng kỹ năng khuyến khích những người khác tham gia các phần việc khác nhau. Có thể giao nhiệm vụ luân phiên để thay nhau đóng vai trò nhất định. Ví dụ, mỗi người trong nhóm phải lần lượt làm báo cáo viên sau các giờ học thảo luận. Vai trò luân phiên này cần được lựa chọn, nó đòi hỏi nhân vật thực hiện vai trò phải sử dụng những kỹ năng hợp tác mới hoàn thành được nhiệm vụ. Có thể tổ chức các hành động có tính chất “dây chuyền” để dạy kỹ năng hợp tác. Ví dụ: người thứ nhất xử lý và trình bày số liệu quan sát các biểu, người thứ hai trao đổi và nghiên cứu các biểu đồ để làm báo cáo, người thứ ba xem xét những tài liệu này để đề xuất các giải pháp, người thứ tư tổng hợp tất cả để soạn thảo một chương trình hội thảo và cả nhóm thảo luận để quyết định về nội dung cụ thể để đạt được mục tiêu học tập.
- Giúp học sinh nắm bắt tri thức về kỹ năng và những thao tác thể hiện kỹ năng. Học sinh phải hiểu biết về kỹ năng và biết cách thể hiện ra những thao tác tương ứng về kỹ năng cần đạt. Trước tiên, phải chỉ ra các thao tác và sắp xếp chúng theo một trình tự
hợp lý. Cần trình diễn những kỹ năng muốn hình thành cho học sinh, mô tả tỉ mỉ theo từng bước lặp đi lặp lại. Giáo viên cần có khả năng mô tả, thực hiện và làm mẫu được các kỹ năng đó. Đồng thời, cần chỉ ra những học sinh thực hiện tốt kỹ năng mẫu cho học sinh khác học theo.
- Thông qua các tình huống để học sinh thực hành các kỹ năng hợp tác. Sau khi học sinh hiểu đúng về một kỹ năng, cần tạo ra các tình huống để HS được thực hành cho đến khi thành thạo.
- Tạo cơ hội để học sinh trải nghiệm sự thành công trong việc phát triển các kỹ năng. Điều này sẽ khiến học sinh cảm thấy mức độ thành thạo kỹ năng của mình được tăng lên và đó là động lực thôi thúc HS nỗ lực học các kỹ năng phức tạp.
- Giúp học sinh tự đánh giá việc thể hiện kỹ năng. Học sinh cần nhận được phản hồi về sự thể hiện các kỹ năng của mình. Điều đó sẽ giúp học sinh điều chỉnh và sửa những sai lệch, phát hiện ra các vấn đề trong việc học kỹ năng, nhận xét được mức tiến bộ trong sử dụng kỹ năng. Học sinh cần biết so sánh sự thể hiện kỹ năng trong thực tế với chuẩn mong muốn. Sự phản hồi có thể là nhân tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến việc lĩnh hội các kỹ năng. Càng có nhiều sự phản hồi tức thời, cụ thể, nhưng không mang tính phán xét, càng giúp cho việc phát triển và hoàn thiện các kỹ năng tốt hơn.
* Biện pháp 3. Hướng dẫn GV kỹ năng thiết kế qui trình DHHT nhóm
Để GV có được kỹ năng thiết kế qui trinh DHHT nhóm, cần giúp cho GV nắm bắt các vấn đề cốt lõi sau:
* Hoạt động của GV
Giáo viên giữ vai trò hướng dẫn, tổ chức điều khiển hoạt động học, khởi xướng các mối quan hệ hợp tác GV- HS, HS - HS, làm cho chúng vận động và tác động qua lại lẫn nhau trong một hoạt động chung. Đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định hiệu quả của hoạt động DHHT. Để thực hiện nhiệm vụ này, GV phải bằng những hình thức và chiến lược tổ chức hoạt động linh hoạt, khơi dậy tiềm năng sáng tạo và tích cực hợp tác của mỗi học sinh, đồng thời tạo ra trong lớp học một môi trường học tập năng động của tinh thần lao động hữu nghị và hợp tác. Trong giai đoạn này, hoạt động của GV tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Thành lập nhóm HTHT và giao nhiệm vụ cho nhóm
Trong quá trình tổ chức học tập hợp tác nhóm của học sinh, nhóm có hai chức năng:
- Là môi trường tâm lý - xã hội, nơi diễn ra các quan hệ hợp tác, trao đổi và tranh luận trực tiếp giữa GV - HS, HS - HS.
- Là một chủ thể tích cực, chủ động của hoạt động học tập. Hai chức năng này song song tồn tại, chúng thường xuyên tương tác với nhau, xâm nhập vào nhau, có thể gọi đây là chức năng kép. Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ các chức năng này, nhóm phải là một cộng đồng năng động và liên kết. Nó cần có mục tiêu rõ ràng, có sự phân công trách nhiệm và xác định vai trò cụ thể cho từng thành viên, đặc biệt là phải có sự tương tác hai chiều. Đây là nhiệm vụ của GV, người hướng dẫn và tổ chức hoạt động của nhóm học tập. Ở bước này hoạt động của GV được tiến hành theo trình tự sau:
- Tổ chức các nhóm HTHT: Khi thành lập GV cần xác định rõ kiểu nhóm (đồng nhất hay hỗn hợp), số lượng các thành viên trong một nhóm; phân công vị trí của các nhóm trong không gian lớp học; yêu cầu cử nhóm trưởng để điều hành hoạt động và thư ký ghi chép lại các ý kiến phát biểu.
- Giao nhiệm vụ cho nhóm, khi giao nhiệm vụ cho nhóm, GV cần lưu ý: Sát với trình độ của từng nhóm; giải thích rõ ràng, ngắn gọn các vấn đề nhóm cần giải quyết và các mục tiêu cần đạt được, bố trí thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ; đưa ra một số câu hỏi xem nhóm đã thông hiểu nhiệm vụ chưa.
- Hướng dẫn nhóm giải quyết nhiệm vụ: Cung cấp các phương tiện, tài liệu học tập và hướng dẫn cách sử dụng; gợi ý những giải pháp và phương hướng giải quyết vấn đề; các kiến thức và kỹ năng cần huy động và sử dụng.
- Giúp đỡ nhóm phân công nhiệm vụ cho từng thành viên: Hướng dẫn cách chia nhỏ nhiệm vụ chung thành các nhiệm vụ bộ phận; định hướng cho nhóm phân công nhiệm vụ thành phần phù hợp với trình độ cụ thể của từng học sinh.
Kết thúc bước 1, học sinh có nhiệm vụ và vai trò cụ thể của mình trong nhóm.
Bước 2: Hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu
Trong quá trình DHHT, với vai trò của người hướng dẫn, GV phải hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để học sinh phát huy tính tích cực, chủ động và tự lực chiếm lĩnh tri thức thông qua việc tự xử lý và giải quyết các tình huống học tập. Vai trò của GV là tổ chức các tình huống học tập. Với việc tổ chức các tình huống, gợi ý các giải pháp và phương hướng giải quyết, GV kích thích tiềm năng tư duy sáng tạo của học sinh. Trong điều kiện đó, học sinh nỗ lực suy nghĩ tìm tòi cách giải quyết, xử lý tình huống, để chiếm lĩnh tri thức mới, cách thức hoạt động mới.
Tuy nhiên, chiếm lĩnh tri thức là quá trình khó khăn, đôi khi bế tắc, căng thẳng và mệt mỏi. Lúc đó, GV phải sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ học sinh bằng cách đưa ra những câu hỏi gợi ý các tình huống phụ, khích lệ, động viên, giúp đỡ học sinh vượt qua chính bản thân mình. Vì vậy, ở bước này, GV cần tiến hành hoạt động theo trình tự sau:
- Xác định và cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng học sinh: Nêu nội dung của tình huống mà học sinh phải giải quyết; xác định nhiệm vụ cụ thể học sinh cần thực hiện.
- Gợi ý cách giải quyết tình huống: Định hướng nội dung kiến thức cần xác lập; gợi ý các phương hướng và những giải pháp giải quyết.
- Hỗ trợ và giúp đỡ học sinh: Nêu tình huống phụ hoặc các câu hỏi gợi ý khi học sinh gặp khó khăn; động viên, khích lệ học sinh.
- Hướng dẫn học sinh ghi lại một cách cô đọng và khái quát: cách xử lý tình huống; các kết quả nghiên cứu cá nhân của mình.
Kết thúc bước 2, học sinh đã có được những kết quả nghiên cứu ban đầu của cá nhân.
Bước 3: Tổ chức trao đổi thảo luận
Trong DHHT nhóm, kết quả nghiên cứu của cá nhân có sự hỗ trợ và đóng góp rất lớn của bạn bè. Vì vậy, nó là sản phẩm của sự hợp tác, của trí tuệ tập thể. Tuy nhiên, để cho thảo luận không dừng lại ở những tranh cãi bình thường, mà phải vượt lên trên tầm tổng thể của những đóng góp cá nhân, vai trò hướng dẫn, tổ chức và điều khiển hoạt động nhóm của GV có một ý nghĩa rất lớn. Để đảm trách các nhiệm vụ này, GV cần tiến hành hoạt động của mình theo trình tự sau:
- Định hướng hoạt động của nhóm:
+ Xác định mục tiêu và nội dung trao đổi của nhóm; xác định những nhiệm vụ, những vấn đề chính cần làm sáng tỏ;
+ Chỉ dẫn cho nhóm những biện pháp tăng cường sự hợp tác và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong quá trình học tập thảo luận; qui định quỹ thời gian cho từng nhiệm vụ, từng vấn đề; yêu cầu học sinh chuẩn bị ý kiến phát biểu một cách ngắn gọn, cô đọng.
- Điều khiển hoạt động của nhóm HTHT:
+ Kích thích hoạt động của nhóm HTHT: Đưa ra những câu hỏi đủ để kích thích tư duy của học sinh; khuyến khích sự tham gia tích cực của mọi thành viên, động viên những học sinh rụt rè, khéo léo ngăn chặn những học sinh nói dài dòng không cần thiết, sao cho trong quá trình trao đổi tất cả học sinh đều có quyền lợi và có nghĩa vụ đóng góp vào bài học; khuyến khích học sinh đưa ra nhiều giải pháp và cách giải quyết cho cùng một vấn đề.
+ Khai thác triệt để nội dung của bài học, tình huống vấn đề đặt ra: chú ý nội dung của các ý kiến phát biểu, nếu cần yêu cầu học sinh giải thích rõ; phát hiện và khai thác sự khác biệt, các mâu thuẫn trong các phát biểu của học sinh để học sinh
đứng về hai phía tranh luận; hướng dẫn học sinh tóm tắt và nối kết các ý kiến rời rạc thành hệ thống.
+ Điều chỉnh hoạt động của nhóm HTHT: Hướng hoạt động của nhóm HTHT vào đúng trọng tâm vấn đề cần thảo luận; nêu câu hỏi gợi ý, hoặc các tình huống phụ khi hoạt động của nhóm bị bế tắc.
+ Thúc đẩy hoạt động của nhóm HTHT đi tới mục tiêu: theo dõi và thông báo thời gian; sau mỗi vấn đề yêu cầu nhóm trưởng tóm tắt và khẩn trương chuyển sang vấn đề khác; tóm tắt ý chính của nội dung bài học, đề nghị nhóm biểu quyết.
Kết thúc bước 3.
Bước 4: Tổ chức trao đổi thảo luận lớp
Việc trao đổi, hợp tác giữa các học sinh trong cùng một nhóm là rất cần thiết. Tuy nhiên, để cho kiến thức mà học sinh đã tìm ra được bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện hơn, GV cần để cho các nhóm trong lớp trao đổi và tranh luận với nhau. Ở bước này, hoạt động của GV được tiến hành theo trình tự sau:
- Xem xét và tổng kết báo cáo của từng nhóm để: phát hiện những khác biệt, những mâu thuẫn giữa các nhóm; phát hiện những khía cạnh mà nhóm bỏ quên hoặc bỏ qua khi thảo luận.
- Yêu cầu các nhóm cử đại diện hoặc chỉ định một học sinh bất kỳ trong nhóm trình bày: những kết quả nghiên cứu và cách xử lý tình huống của nhóm mình; những vấn đề mà nhóm chưa giải quyết được, nguyên nhân của nó.
- Yêu cầu các nhóm khác bổ sung và hoàn thiện về: cách giải quyết, xử lý tình huống; kết quả xử lý tình huống.
- Nhấn mạnh những khác biệt, những mâu thuẫn giữa các nhóm để các nhóm tranh luận, yêu cầu học sinh lập luận và chứng minh: bảo vệ cách giải quyết vấn đề và các kết quả nghiên cứu của nhóm mình; phản bác lại những ý kiến của các nhóm khác.
Bước 5: Kết luận, kiểm tra và đánh giá
Trong quá trình học tập, trao đổi, thường xảy ra tình thế cả nhóm, lớp đứng trước những vấn đề nan giải, khó phân biệt đúng sai, lúc đó xuất hiện vai trò không thể thay thế được của GV - vai trò trọng tài khoa học. GV phải đưa ra những kết luận khoa học về cách xử lý tình huống. Các kết luận của GV sẽ là mực thước để học sinh so sánh, đối chiếu về cách giải quyết và kết quả tự tìm được của mình để từ đó học sinh tự điều chỉnh thành một sản phẩm khách quan, khoa học. Hoạt động của GV trong bước này được tiến
hành như sau: tóm tắt từng vấn đề trong tình huống; bổ sung, chính thức hóa về bản chầt của tri thức mới; đưa ra một số câu hỏi đề đánh giá xem học sinh đã hiểu các vấn đề trong tình huống chưa; nhận xét, đánh giá về hoạt động của từng nhóm và từng học sinh.
Kết thúc bước 5, hoạt động của GV phải quay về trở lại bước 1, cứ như vậy cho tới khi hết các tình huống của bài học.
* Hoạt động của học sinh
Với vai trò của một chủ thể tích cực, tự giác và tự lực, HS không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực chủ yếu của quá trình dạy học. Họ phải tự lực chiếm lĩnh tri thức bằng chính các hành động của mình, bằng sự hợp tác với các bạn cùng học, với giáo viên. Hoạt động học tập của HS trong giờ học hợp tác nhóm, về thực chất, là hoạt động tự học, tự chiếm lĩnh tri thức thông qua quá trình cá nhân hóa và xã hội hóa. Ở giai đoạn này, hoạt động của HS được tiến hành theo 5 bước chức năng sau:
Bước 1: Gia nhập nhóm và tiếp nhận nhiệm vụ học tập
Trong giờ HTHT nhóm, mỗi học sinh bao giờ cũng tồn tại trong một nhóm cụ thể và phải đảm trách một vai trò, một nhiệm vụ nhất định mà nhóm giao cho. Vì vậy, ở bước này, hoạt động của học sinh cần tiến hành theo trình tự sau: Tìm về nhóm của mình theo sự phân công; tiếp nhận vai trò, trách nhiệm của mình trong nhóm; tiếp nhận nhiệm vụ của cá nhân.
Kết thúc bước 1.
Bước 2: Tự nghiên cứu cá nhân
Dưới sự hướng dẫn của GV, học sinh tự đặt vào vị trí của người nghiên cứu, tự giác và tự lực tìm tòi, khám phá những cách thức xử lý và cách giải quyết tình huống mà GV đã đặt ra cho mình theo trình tự sau:
- Tìm hiểu vấn đề và đề xuất nhiệm vụ: phân tích các dữ kiện của tình huống; xác
định nhiệm vụ chủ yếu cần giải quyết.
- Đặt vấn đề: thu thập và xử lý những thông tin có liên quan; tái hiện lại các khái niệm, công thức và cách thức giải quyết vấn đề; lựa chọn các phương án, các giải pháp xử lý tình huống, lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu nhất.
- Giải quyết vấn đề: dựa vào vốn tri thức đã có để lý giải, chứng minh tính đúng đắn của phương án, giải pháp đã chọn; đánh giá việc thực hiện.
- Tổng kết, đánh giá về kết quả đáp án: kiểm tra lại kết quả thực hiện; đánh giá và thử nghiệm các kết quả, giải pháp; ghi lại kết quả và cách nghiên cứu.