Hợp Tác Của Cha/mẹ Học Sinh Với Giáo Viên Chủ Nhiệm Lớp Ở Trường Trung Học Cơ Sở

Bên cạnh đó, Johnson D.W. và Johnson R.T (1991) [148], Nguyễn Thanh Bình (1998) [6] cũng đã đề cập đến các định nghĩa khác nhau về hợp tác. Tuy nhiên, theo quan niệm của một số nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng: Hợp tác là cùng chung sức hành động giữa cá nhân (hoặc nhóm) để thực hiện một công việc chung. Theo quan điểm này, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến sự hợp lực, chung sức lại với nhau để thực hiện một công việc chung.

Gần đây, Phạm Thành Nghị (2013) trong cuốn giáo trình Tâm lý học giáo dục cho rằng: Sự hợp tác chỉ hiện diện khi mọi người làm việc cùng nhau cho một mục đích chung. Sự hợp tác đòi hỏi sự thừa nhận giá trị về đóng góp của mỗi người và thái độ thiện chí. Sự hợp tác được diễn ra theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau [92, tr.242]. Theo khái niệm này, tác giả đã đề cập đến hoạt động chung mục đích, thừa nhận giá trị, đóng góp của mỗi cá nhân đối với người khác trong quá trình hợp tác, thể hiện sự thiện chí và tôn trọng, thừa nhận lẫn nhau.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng: Hợp tác là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể nhằm thực hiện các hoạt động để đạt được mục đích chung.

- Hợp tác là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các chủ thể để tiến hành những công việc mà mỗi cá nhân hoặc cộng đồng đơn lẻ khó có thể tự hoàn thành. Sự hợp tác đòi hỏi sự thừa nhận giá trị về sự đóng góp của mỗi người và có thái độ thiện chí. (Phạm Thành Nghị, 2013);

- Các chủ thể có thể tiến hành hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kinh tế, chính trị, y tế, giáo dục…. Để tiến hành hợp tác thành công, đôi bên cần có sự hiểu biết giá trị, lợi ích của sự hợp tác mang lại, tin tưởng, thông cảm, chia sẻ nguồn lực, thông tin và tự nguyện hoạt động;

- Mọi thành viên đều dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi, trách nhiệm, có chung mục đích, đảm bảo sự thống nhất về nhận thức, xúc cảm cũng như cách thức tiến hành hợp tác;

- Mọi công việc được phân công phù hợp với năng lực, sở trường của từng người; cùng chung sức, giúp đỡ, hỗ trợ, khích lệ tinh thần cá nhân và tập thể, bổ sung cho nhau để đạt được mục đích chung.

2.1.2. Hợp tác của cha/mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường trung học cơ sở

- Hợp tác của cha/mẹ học sinh với GVCN lớp ở trường THCS là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cha/mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm lớp nhằm thực hiện các hoạt động giáo dục góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục học sinh.

- Hợp tác của CMHS với GVCN lớp ở trường THCS là một trong những nguyên lý cơ bản của quá trình giáo dục, nhằm tạo ra sự thống nhất mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục; đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như trong hành động giữa các lực lượng giáo dục; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp, đồng bộ giữa gia đình và nhà trường, góp phần định hướng, kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của học sinh, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường xâm nhập vào học đường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 237 trang tài liệu này.

- Sự phát triển tâm lý của trẻ diễn ra ở nhiều môi trường và chịu sự tác động của nhiều yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với học sinh THCS, sự hợp tác giữa CMHS và GVCN lớp trong hoạt động giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng. Về lý luận, xuất phát từ nguyên lý phát triển tâm lý, đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh THCS là thời kỳ quá độ, chuyển tiếp từ tuổi thơ lên tuổi tưởng thành, có nhiều khó khăn, biến động mà các nhà tâm lý học cảnh báo đây là thời kỳ “khủng hoảng”, trong đó xuất hiện nhiều biến đổi bất ngờ, khó lường trước. Giai đoạn này, mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội của các em cũng được mở rộng rất có thể làm giảm bớt sự say mê đối với học tập ở nhà trường. Về thực tiễn, xuất hiện những ước mơ, hoài bão về viễn cảnh của cuộc sống, dự định nghề nghiệp trong tương lai,….chi phối rất nhiều đến hoạt động học tập của các em. Chính vì vậy, CMHS, thầy cô giáo chủ nhiệm cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hợp tác, thống nhất mục tiêu, phương pháp, cách thức tổ chức giáo dục, nắm bắt kịp thời những diễn biến đời sống tâm lý, tình cảm của các em, quan tâm chia sẻ, có những biện pháp giáo dục phù hợp.

- Sự hợp tác giữa CMHS và GVCN lớp ở trường THCS trong hoạt động giáo dục rất phong phú, đa dạng, với mục tiêu hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Trong phạm vi luận án, chúng tôi tập trung nghiên cứu TĐ của cha/mẹ học sinh đối với sự hợp tác với GVCN lớp, trong các lĩnh vực: Hoạt động học tập của học sinh; Hoạt động giáo dục đạo đức; Hoạt động đóng góp vật chất, tinh thần phục vụ công tác giáo dục của nhà trường: Hoạt động hướng tới sự phát triển của nhà trường.

Thái độ hợp tác của cha mẹ với giáo viên chủ nhiệm trường trung học cơ sở - 6

2.2. Thái độ hợp tác của cha/mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường Trung học cơ sở.

2.2.1. Thái độ

2.2.1.1. Khái niệm thái độ

Có thể nói “thái độ” là khái niệm tương đối phức tạp và cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất giữa các nhà nghiên cứu.

Về thuật ngữ, trong “Từ điển Anh - Việt”, thái độ là “Attitude”, nghĩa là

“Cách cư xử, quan điểm của một cá nhân” [106, tr. 760].

Nguyễn Khắc Viện (1991), trong cuốn “Từ điển tâm lý học”, có đưa ra khái niệm: “Thái độ là những phản ứng tức thì, tiếp nhận dễ dàng hay khó khăn, đồng tình hay chống đối, như đã có sẵn những cơ cấu tâm lý tạo ra định hướng cho việc ứng phó” [121, tr. 356]. Qua khái niệm này, thái độ được ông xem là một cấu trúc tâm lý bên trong có sẵn của cá nhân nhằm phản ứng trực tiếp có tính định hướng đối với sự vật hiện tượng nào đó, thể hiện quan điểm thích hay không thích, đồng tình hay phản đối.

Đến năm 2001, cũng trong “Từ điển Tiếng Việt”, Hoàng Phê đã đưa ra khái niệm về thái độ một cách đầy đủ, trọn vẹn hơn. Theo ông:“Thái độ là cách nghĩ, cách nhìn và cách hành động theo một hướng nào đó trước một vấn đề hay một tình huống cụ thể. Đó là tổng thể nói chung những biểu hiện của ý nghĩ, tình cảm được thể hiện ra bên ngoài qua nét mặt, cử chỉ, lời nói, hành động trước một đối tượng, một sự việc nào đó” [105, tr. 1128]. Quan niệm của ông về thái độ là đề cập tới nhận thức và hành động theo một hướng nào đó trong tình huống cụ thể và

được biểu hiện thông qua nét mặt, cử chỉ, lời nói. Hay nói cách khác, ông đã nhấn mạnh đến tính định hướng lựa chọn của thái độ trước một vấn đề hay một đối tượng nào đó.

Vũ Dũng (2008), trong cuốn “Từ điển tâm lý học”, thái độ được hiểu là: “Một thiên hướng tương đối ổn định để phản ứng theo một cách cụ thể đối với một khách thể có liên quan. Thái độ là một sản phẩm phức tạp của các quá trình học tập, lĩnh hội, trải nghiệm, cảm xúc bao gồm cả những hứng thú, ác cảm, thành kiến, mê tín, quan điểm khoa học và tôn giáo cũng như chính trị” [31, tr. 790]. Theo định nghĩa này, tác giả đã nhấn mạnh thái độ như là một phức hợp tâm lí, nhấn mạnh đến tính định hướng, thiên hướng của cá nhân đối với hoạt động, tương đối ổn định, có chọn lọc, được biểu hiện qua nhận thức, xúc cảm và hành

vi. Bên cạnh đó tác giả cũng đã chú trọng đến khía cạnh xã hội của thái độ khi cho rằng, thái độ là một sản phẩm của quá trình học tập, lĩnh hội trải nghiệm.

Như vậy, về thuật ngữ, thái độ được hiểu như là cách cư xử, ứng xử, định hướng có chọn lọc của cá nhân trước một tình huống hay vấn đề hay đối tượng nào đó của thái độ được biểu hiện trong nhận thức, xúc cảm và được bộc lộ ra bên ngoài qua nét mặt, cử chỉ, lời nói hay hành động của chủ thể.

Trong nghiên cứu tâm lí học, người đầu tiên sử dụng khái niệm “thái độ” như một đặc tính quan trọng của cá nhân là hai nhà tâm lý học người Mỹ là W.I.Thomas và F.Znaniecki (1918). Trong những công trình nghiên cứu của mình, hai ông cho rằng: “Thái độ là định hướng chủ quan của cá nhân như là thành viên của cộng đồng đối với giá trị này hay giá trị khác, làm cho cá nhân có phương pháp hành động hay không hành động khác mà được xã hội chấp nhận” [51, tr.279]. Theo hai nhà khoa học: “Thái độ là trạng thái tinh thần của cá nhân đối với một giá trị”. Như vậy, W.I.Thomas và F.Znaniecki đã đồng nhất thái độ với định hướng giá trị của cá nhân. Thái độ ở đây bao gồm phản ứng tích cực hay tiêu cực đối với một điều gì đó. Con người thường không có sự đánh giá trung lập về thế giới xung quanh mình.

Trong các công trình nghiên cứu của mình, một số nhà tâm lý học đã nhấn mạnh đến các yếu tố tâm lý và xem xét thái độ như một sự sẵn sàng phản ứng có chọn lọc, có định hướng của chủ thể đối với đối tượng nào đó.

Uznatze, D.N. (1901), đã dùng thuật ngữ “tâm thế” để giải thích thái độ của con người. Ông quan niệm tâm thế là: "Sự mô phỏng trọn vẹn của chủ thể, sự sẵn sàng tri giác các sự kiện và sự xác định hoàn thiện hướng của hành vi" [dẫn theo 51, tr. 267]. Theo quan điểm của ông, thái độ không phải là một nội dung cục bộ của ý thức, không phải là nội dung tâm lý bị tách rời, đối lập lại với các trạng thái tâm lý khác của ý thức và ở trong mối quan hệ qua lại với nó, mà nó là một trạng thái toàn vẹn, xác định của chủ thể. Thái độ mang trong mình ý thức tự giác, tính năng động của một hiện tượng tâm lý thuộc cấp độ ý thức - điều khiển, điều chỉnh hành vi con người.

G.W. Allport trong tác phẩm “A Handbook of Social Psychology" (1935), đã tổng kết 17 định nghĩa khác nhau về thái độ. Qua đó ông đã kết luận: “Thái độ là trạng thái sẵn sàng về mặt tinh thần và thần kinh, được tổ chức thông qua kinh nghiệm, điều chỉnh hoặc ảnh hưởng năng động đến các phản ứng của cá nhân với tất cả khách thể và tình huống mà nó quan hệ. Thái độ là xu hướng phản ứng của một người theo cách có lợi hoặc bất lợi với các đối tượng và tình huống mà người đó gặp phải” [130, tr.810]. Từ quan niệm của ông chúng ta có thể thấy, thái độ bao hàm cả nghĩa là trạng thái sẵn sàng tâm lý, hệ thần kinh, được xem như là tâm thế, tính tích cực dưới dạng tiềm năng, để thức đẩy cá nhân hoạt động. Thái độ định hướng cho cá nhân có sự chọn lọc đối với một hoạt động nào đó liên quan đến hệ giá trị của cá nhân và thái độ có chức năng điều chỉnh hành vi của con người theo hướng có lợi, tránh bất lợi. Định nghĩa này được nhiều nhà tâm lý học thừa nhận vì nó trả lời khá rõ các câu hỏi cơ bản như: Thái độ là gì? Nguồn gốc của thái độ? Vai trò và chức năng của thái độ? Tuy nhiên, tác giả lại chưa đề cập đến vai trò của môi trường xã hội, nhu cầu, động cơ trong quá trình hình thành thái độ.

T.M. Newcomb (1958), nhà tâm lý học người Mỹ trong những công trình nghiên cứu về thái độ đã đưa ra cách hiểu khác, theo ông: “Thái độ của cá nhân đối với một khách thể nào đó là thiên hướng của hành động nhận thức, tư duy, cảm nhận của chủ thể với khách thể liên quan” [dẫn theo 130, tr.319]. Đó là sự sẵn sàng phản ứng đối với những gì mà chúng ta tin là đúng và có một thái độ nhất định về một khách thể hay một nhóm nào đó sẽ đóng vai trò hiển nhiên trong sự quy định sẵn sàng phản ứng, theo một cách thức nhất định của chúng ta. Tuy nhiên, định nghĩa này chưa bao hàm một thực tế rằng trong nhiều trường hợp, quá trình này diễn ra phức tạp hơn nhiều, không đơn giản chỉ là nhận thức, tư duy hay cảm nhận về đối tượng.

Bên cạnh đó, Fillmore, H. (1965) quan niệm thái độ là sự sẵn sàng phản ứng và định nghĩa: “Thái độ là sự sẵn sàng phản ứng tích cực hay tiêu cực với đối tượng hay các ký hiệu (biểu tượng) trong môi trường…..thái độ là sự định hướng của cá nhân đến các khía cạnh khác nhau của môi trường, và là cấu trúc có tính động cơ” [140, tr.86].

Năm 1982, Triadis, H.C, nhà tâm lý học người Mỹ đã đưa ra một định nghĩa khác về thái độ, theo ông: “Thái độ là những tư tưởng được tạo nên bởi các xúc cảm, tình cảm. Nó gây tác động đến hành vi nhất định, ở một giai cấp nhất định, trong những tình huống xã hội nhất định” [152, tr.18]. Theo ông, thái độ của con người bao gồm cả những điều người ta suy nghĩ và cảm thấy về đối tượng cũng như thái độ xử sự của họ đối với nó.

Hiebsch, H.và Vorwerg, M. (1992) đã đề cập đến điểm xuất phát chung khi nghiên cứu thái độ trong cuốn “Nhập môn tâm lý học xã hội Mác xít”. Theo hai tác giả: “Thái độ là sự sẵn sàng phản ứng, bị quy định và có tính chất bắt buộc nào đó, nảy sinh trong những nhóm nhất định và trong những tình huống cụ thể. Về mức độ cũng như nội dung, sự sẵn sàng này phụ thuộc không những vào khách thể hữu quan mà trước hết - là một hiện tượng tâm lý xã hội - là một khuynh hướng của cá nhân phụ thuộc vào chuẩn mực của nhóm” [144, tr.127]. Theo tư tưởng nêu trên, một mặt tác giả cho rằng thái độ phụ thuộc vào đối tượng, coi thái

độ như một sự sẵn sàng phản ứng đối với một sự vật hiện tượng nào đó. Tính sẵn sàng thể hiện khuynh hướng chọn lọc liên quan đến hệ giá trị của cá nhân, yếu tố tiềm năng, tích cực thúc đẩy hành động của cá nhận. Mặt khác thái độ của cá nhân phụ thuộc vào nhóm cụ thể, hay nói cách khác, khi nghiên cứu thái độ không chỉ chú ý đến mặt cá nhân mà còn phải chú ý đến cả khía cạnh xã hội.

Võ Thị Minh Chí (2004) nghiên cứu thái độ cũng nhấn mạnh: “Thái độ là phản ứng, ứng xử mang tính chủ thể với hiện thực khách quan, được hình thành trên cơ sở các mối quan hệ xã hội mà chủ thể tham gia vào đó thông qua hoạt động và giao tiếp của mình” [51, tr.281]

Bên cạnh đó, trong các nghiên cứu của mình một số nhà tâm lý xem xét thái độ phản ánh giá trị đối với cá nhân. Đây là sự phản ánh nhận thức, xúc cảm và hành vi của cá nhân đặt trong hệ quy chiếu đối với các giá trị này hay giá trị khác, đại diện có các tác giả:

Nhà tâm lý học Miaxisev,V.N. (1973) là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu thái độ trên cơ sở các quan hệ xã hội. Ông viết: "Thái độ, dưới dạng chung nhất, là hệ thống trọn vẹn các mối liên hệ cá nhân, có chọn lọc, có ý thức của nhân cách với các khía cạnh khác nhau của hiện thực khách quan. Hệ thống này xuất phát từ toàn bộ lịch sử phát triển của con người, nó thể hiện kinh nghiệm cá nhân và quy định hành động và thể hiện các thể nghiệm của cá nhận từ bên trong" [dẫn theo 79, tr. 258]. Như vậy, thái độ được xác định như là khía cạnh của các mối quan hệ, liên hệ mang tính chủ thể bên trong có chọn lọc của cá nhân với hiện thực khác quan. Thái độ có các tính chất cơ bản đó là tính có ý thức, tính chọn lọc, tính trọn vẹn và tính hệ thống. Hệ thống này diễn ra trong toàn bộ lịch sử phát triển của con người, thể hiện tiềm năng của quá trình tâm lý, liên quan đến tính tích cực chủ quan, có chọn lọc, có ý thức của nhân cách về đối tượng nào đó.

Lomov, B.Ph. (2000) khi nói đến thái độ đã sử dụng khái niệm "Thái độ chủ quan” và định nghĩa: "Thái độ là một dạng tâm thế được xem như yếu tố hình thành hành vi xã hội của nhân cách, xuất hiện dưới dạng các quan hệ của nhân cách với các điều kiện hoạt động của nó với người khác” [85, tr.278].

Platonov, K.K. thì cho rằng: "Thái độ là một cấu thành tích cực của ý thức cá nhân và là các mối liên hệ ngược của chủ thể với thế giới, được phản ánh và được khách thể hóa trong tâm vận động” [51, tr.279]. Theo tư tưởng của ông thì phản ánh được hiểu không chỉ là kết quả tác động của môi trường lên con người mà là biểu hiện của sự tác động qua lại giữa chúng; chính xác hơn, bản thân phản ánh là sự tác động qua lại được thực hiện bằng phương cách thái độ có ý thức.

Một số tác giả khi nghiên cứu thái độ đã nhấn mạnh đến cấu trúc 3 thành phần: nhận thức - xúc cảm, tình cảm - hành vi như M. Smith (1942), sau này Krech, Crutchfield & Ballachey (1962) đưa ra và được đông đảo các nhà tâm lý học thừa nhận. Trong tâm lý học xã hội Mỹ, khi nghiên cứu về thái độ, nhóm một số nhà nghiên cứu như: Aronson, E. Willson, T.D. Akert (1998) cũng cho rằng: “Thái độ là sự đánh giá có tính bền vững của một cá nhân đối với con người, đồ vật hay một tư tưởng, mọi thái độ đều có ba thành phần: Nhận thức, xúc cảm và hành vi và thái độ có thể dựa trên thành phần này nhiều hơn thành phần khác [131, tr.274]. Trong đó, nhận thức, thể hiện sự hiểu biết, quan điểm, niềm tin và sự đánh giá của cá nhân về đối tượng; Xúc cảm, bao gồm những phản ứng cảm xúc của chủ thể với khách thể của thái độ; Hành vi, gồm những hành động hoặc hành động có thể nhận biết đối với khách thể của thái độ. Tùy theo từng điều kiện và hoàn cảnh khác nhau mà thái độ dựa vào thành phần này nhiều hơn thành phần khác. Cấu trúc ba thành phần này là cơ sở để xây dựng thang đo của thái độ.

Knud S. Larsen & Lê Văn Hảo (2010) nghiên cứu thái độ cũng đã chỉ ra rằng, bất kỳ thái độ nào cũng được tạo nên bởi ba thành phần đó là nhận thức, xúc cảm, hành vi và luôn hướng tới một đối tượng nhất định, hai ông đã đưa ra định nghĩa: “Thái độ là một phản ứng mang tính chất đánh giá tích cực hay tiêu cực đối với một đối tượng nào đó (người, sự vật, hiện tượng, ý tưởng….) thể hiện qua suy nghĩ, xúc cảm hay hành vi dự đinh” [77, tr. 137].

Như vậy, có thể thấy rằng, xuất phát từ khía cạnh nghiên cứu của mình, các tác giả đã đưa ra những khái niệm khác nhau về thái độ. Tuy nhiên, các tác giả cũng có những quan điểm chung khi nghiên cứu về thái độ ở một số tiêu chí sau đây:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/01/2023