Phát triển kinh tế du lịch Ninh Bình - 2


- “ Nghiên cứu quy định tạm thời quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” đề tài khoa học của PTS. Trịnh Quang Hảo

Tuy nhiên, những đề tài trên mới chỉ nghiên cứu một khía cạnh nào đó chứ chưa phân tích sâu thực trạng phát triển kinh tế du lịch Ninh Bình.

Do đó, đề tài được nghiên cứu với mong muốn góp một phần nhỏ bé giải quyết vấn đề khai thác tiềm năng du lịch một cách hợp lý và có hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Ninh Bình.

Việc chọn đề tài luận văn không trùng với các công trình nghiên cứu đã thực hiện trước đó.

3) Đối tượng và phạm vi nghiên cứu luận văn:

- Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu thực trạng phát triển ngành kinh tế du lịch ở tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua.

- Phạm vi nghiên cứu: Địa bàn nghiên cứu là tỉnh Ninh Bình. Thời gian nghiên cứu chủ yếu từ năm 1995 cho đến nay.

Tuy nhiên, luận văn cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số tỉnh thành trong nước để làm cơ sở, kinh nghiệm cho quá trình nghiên cứu du lịch của Tỉnh.

4) Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

- Mục đích: Từ việc nghiên cứu thực trạng phát triển kinh tế du lịch Ninh Bình tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch ở Ninh Bình góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch Ninh Bình phát triển trong những năm tới.

- Nhiệm vụ của luận văn: Từ mục đích trên, các nhiệm vụ cụ thể được xác định là:

Phát triển kinh tế du lịch Ninh Bình - 2


+ Hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản về hoạt động du lịch.

+ Phân tích và đánh giá thực trạng phát triển kinh tế du lịch Ninh Bình trong thời gian qua, từ đó chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần giải quyết nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch Ninh Bình.

+ Xác định phương hướng, mục tiêu và đề xuất một số giải pháp có khả

năng thực thi nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch Ninh Bình từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

5) Phương pháp nghiên cứu:

- Luận văn sử dụng phương pháp luận của CNDV biện chứng và duy vật lịch sử để nghiên cứu sự phát triển của một ngành kinh tế.

- Luận văn cũng đã sử dụng một cách có hệ thống các phương pháp cụ thể trong quá trình nghiên cứu như: phương pháp thống kê, phân tích, so sánh, tổng hợp và khảo sát thực tế...

6) Những đóng góp của luận văn:

- Hệ thống hoá được cơ sở lý luận về hoạt động du lịch, từ đó khẳng định được du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

- Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động du lịch ở Ninh Bình, luận văn đã chỉ ra những thành tựu đạt được và những hạn chế trong hoạt động kinh doanh du lịch ở Ninh Bình thời gian qua.

- Đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế du lịch Ninh Bình trong thời gian tới.

7) Kết cấu của luận văn:

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo luận văn gồm 3 chương:


Chương 1: Du lịch ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân- Những vấn đề lý luận và thực tiễn.

Chương 2: Thực trạng phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Ninh Bình. Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển ngành kinh tế du lịch

Ninh Bình.


CHƯƠNG 1: DU LỊCH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG TRONG NỀN KTQD- NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN‌‌

1.1 Khái quát chung về hoạt động du lịch

1.1.1 Khái niệm về du lịch và lịch sử ngành kinh doanh du lịch

Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, du lịch được ghi nhận như một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hoá của các nước. Về mặt kinh tế, du lịch đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của nhiều nước công nghiệp phát triển. Du lịch được coi là một ngành công nghiệp – “công nghiệp du lịch” và hiện nay ngành “công nghiệp” này chỉ đứng sau công nghiệp dầu khí và ô tô. Đối với các nước đang phát triển, du lịch được coi là cứu cánh để vực dậy nền kinh tế ốm yếu của quốc gia.

Du lịch là một hiện tượng kinh tế xã hội. Trong qúa trình phát triển, nội dung hoạt động của nó không ngừng mở rộng và ngày càng phong phú. Tuy nhiên, cho đến nay không chỉ ở nước ta, khái niệm “du lịch” vẫn chưa thống nhất. Do hoàn cảnh( thời gian, khu vực) khác nhau dưới mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau, mỗi người có một cách hiểu về du lịch cũng khác nhau. Đúng như giáo sư, Tiến sỹ Berneker – một chuyên gia hàng đầu về du lịch trên thế


giới đã nhận định: “ Đối với du lịch, có bao nhiêu tác giả nghiên cứu thì có bấy nhiêu định nghĩa" [9 Tr 9]. Tuy chưa có một nhận thức thống nhất về khái niệm “du lịch”, song thực tế phát triển của ngành du lịch về mặt kinh tế xã hội cũng như trong lĩnh vực đào tạo, việc nghiên cứu, thảo luận để đi đến thống nhất khái niệm “du lịch” giống như một số khái niệm cơ bản khác về du lịch là một đòi hỏi cần thiết.

Khái niệm “du lịch” đầu tiên là sự khởi hành và lưu trú tạm thời của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Từ xa xưa, loài người đã khởi hành với nhiều lý do khác nhau như: vì lòng ham hiểu biết về thế giới xung quanh, vì lòng yêu thiên nhiên, vì để học ngoại ngữ. Mầm mống đầu tiên của hoạt động kinh doanh du lịch bắt đầu xuất hiện từ cuộc phân chia lao động xã hội lần thứ hai( lúc ngành thủ công nghiệp xuất hiện) và sau đó tách ra khỏi ngành Nông nghiệp truyền thống. Biểu hiện của hoạt động kinh doanh du lịch trở nên rõ hơn khi ngành thương nghiệp xuất hiện vào thời đại chiếm hữu nô lệ, tức là vào giai đoạn có sự phân chia lao động lần thứ 3 của xã hội loài người. Vào đầu thế kỷ 17, bắt đầu diễn ra cuộc cách mạng về giao thông trên thế giới - đầu máy hơi nước được sử dụng rộng rãi, kim loại ngày càng có mặt nhiều hơn trong ngành đường sắt, đóng tàu và công nghiệp sản xuất ô tô. Chỉ sau một thời gian ngắn ở Châu Âu và Châu Mỹ mạng lưới đường sắt đã được hình thành. Nhiều tàu lớn nhỏ, hiện đại đi lại khắp các biển và vịnh trên thế giới. Giao thông trở thành nguyên nhân chính và điều kiện vật chất quan trọng giúp cho việc phát triển các cuộc khởi hành của con người. Đến thế kỷ 19 khách du lịch chủ yếu đi lại tự túc, ít gây phiền hà cho dân bản xứ. Muộn hơn, khi du lịch trở thành hiện tượng đại chúng, bắt đầu nảy sinh ra hàng loạt vấn đề về việc đảm bảo chỗ ăn, ở, chỗ ngủ cho những người tạm sống ở ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Lúc này bắt đầu xuất hiện nghề mới trong dân chúng tại các vùng du lịch như kinh doanh khách sạn, nhà hàng, môi giới,


hướng dẫn du lịch….Hàng loạt các cơ sở chuyên phục vụ du lịch như khách sạn, quán ăn, cửa hàng, tiệm giải khát… cùng các tổ chức du lịch và đội ngũ phục vụ du lịch lần lượt ra đời. Từ giữa thế kỷ 19 du lịch mới thực sự trở thành một hiện tượng đại chúng và lặp đi lặp lại đều đặn. Đó là lý do giải thích tại sao khoa học du lịch ra đời muộn hơn một số ngành khoa học khác.

Như vậy, Ngày nay du lịch đã trở thành một hiện tượng phổ biến, đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về du lịch.

Trong số những học giả đưa định nghĩa nhắn gọn nhất (tuy không phải là đơn giản nhất) phải kể đến Ausher và Nguyễn Khắc Viện. Theo Ausher thì "du lịch là nghệ thuật đi chơi của các cá nhân", còn viện sỹ Nguyễn Khắc Viện lại quan niệm rằng "du lịch là sự mở rộng không gian văn hoá của con người" [31 Tr8]. Trong các từ điển Tiếng Việt, du lịch được giải thích là đi chơi cho biết xứ người.

Trong cuốn du lịch và kinh doanh du lịch của PTS Trần Nhạn thì "du lịch là quá trình hoạt động của con người rời khỏi quê hương đến một nơi khác với mục đích chủ yếu là được thẩm nhận những giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc, độc đáo, khác lạ với quê hương, không nhằm mục đích sinh lời được tính bằng đồng tiền" [16].

Tiếp cận trên giác độ người kinh doanh du lịch thì du lịch là qúa trình tổ chức các điều kiện về sản xuất và phục vụ nhằm thoả mãn, đáp ứng các nhu cầu của người đi du lịch. Các doanh nghiệp du lịch coi du lịch như là một cơ hội để bán các sản phẩm mà họ sản xuất ra, nhằm thoả mãn các nhu cầu của khách, đồng thời qua đó đạt được mục đích số một của mình là tối đa hoá lợi nhuận.

Định nghĩa về du lịch trong từ điển Bách khoa quốc tế về du lịch do viện Hàn lâm khoa học quốc tế về du lịch xuất bản: “ Du lịch là tập hợp các hoạt


động tích cực của con người nhằm thực hiện một dạng hành trình, là một công nghiệp liên kết nhằm thoả mãn các nhu cầu của khách du lịch”.

Định nghĩa của hội nghị quốc tế và thống kê du lịch ở Otawa, Canada diễn ra vào tháng 6/1991: “ Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên, trong một khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm.” [9 Tr19]

Để có quan niệm đầy đủ cả về góc độ kinh tế và kinh doanh của du lịch, khoa du lịch và Khách sạn ( trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội ) đã đưa ra định nghĩa trên cơ sở tổng hợp những lý luận và thực tiễn của hoạt động du lịch trên thế giới và ở Việt Nam trong những thập niên gần đây: " Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hoá và dịch vụ của những doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu các nhu cầu khác của khách du lịch.”

Trong pháp lệnh Du lịch của Việt Nam, tại Điều 10 thuật ngữ “Du lịch” được hiểu như sau: “Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.”...

Như vậy, du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể hết sức phức tạp. Hoạt động du lịch có đặc điểm của ngành kinh tế, lại có đặc điểm của ngành văn hoá xã hội. Trên thực tế, hoạt động du lịch ở nhiều nước không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, mà còn cả lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội…Ở nhiều nước trên thế giới, ngành du lịch phát triển với tốc độ khá nhanh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong


nền kinh tế quốc dân, nguồn thu nhập từ ngành du lịch đã chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản phẩm xã hội.

1.1.2 Đặc thù của sản phẩm du lịch

Du lịch là một ngành đặc biệt từ sản phẩm đến phương thức kinh doanh và tính chất hoạt động. Do đó, khi tìm hiểu các khái niệm chung về du lịch chúng ta cũng phải tìm hiểu sản phẩm của du lịch và những nét đặc trưng cơ bản của nó.

Sản phẩm du lịch là các dịch vụ hàng hóa cung cấp cho du khách được tạo nên bởi sự kết hợp của viêc khai thác các yếu tố tự nhiên, xã hội với việc sử dụng các nguồn lực: cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động tại một cơ sở, một vùng hay một quốc gia nào đó.

Như vậy, Sản phẩm du lịch bao gồm:

+ Dịch vụ du lịch là một phần của lao động sống trong ngành du lịch để phục vụ khách như: hướng dẫn tham quan, lưu trú, vận chuyển, chăm lo sức khoẻ, vui chơi giải trí và các dịch vụ bổ sung khác…

+ Các hàng hoá trong du lịch: là nhưng hàng hoá thông thường, tặng phẩm, đồ lưu niệm, và các đặc sản...

+ Tiện nghi du lịch: là tổng thể các điều kiện thuận tiện phục vụ cho khách. Gồm: tiện nghi trong phòng, phương tiện thông tin liên lạc, chất lượng vận chuyển, thủ tục Hải Quan…Đó là kết hợp cộng đồng trách nhiệm của nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau.

+ Tài nguyên du lịch: là nhân tố hàng đầu có liên quan sức hấp dẫn với du khách và là điều kiện cần để có hoạt động trong du lịch, gồm: cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch.


Với cấu thành sản phẩm rất đặc biệt như vậy, sản phẩm du lịch cũng có những đặc điểm khác với các sản phẩm vật chất hay dịch vụ khác, cụ thể:

+ Sản phẩm du lịch được tạo ra bởi sự tổng hợp các nguồn kinh doanh khác nhau: khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, dịch vụ…

+ Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm du lịch được thực hiện đồng thời, tại chỗ, không mang đi trưng bày hoặc tiêu thụ ở nơi khác được.

Sản phẩm du lịch là một loại sản phẩm tiêu dùng trừu tượng, không lưu kho lưu bãi được(1 đêm ngủ, 1 chỗ ngồi…). Giống như các sản phẩm dịch vụ khác, sản phẩm du lịch không bán được thì mất giá trị chứ không để dành trong kho hoặc cất giữ được. Chính đặc điểm này làm cho tính thời vụ trong hoạt động kinh doanh du lịch càng đậm nét.

Sản phẩm du lịch thường được bán trọn gói với các loại hình, các tuyến điểm với các tiện nghi khác nhau.

+ Sản phẩm hàng hoá trên thị trường du lịch khá đa dạng và vượt khỏi khuôn khổ khái niệm hàng hoá. Đây là đặc điểm rất đặc biệt của sản phẩm hàng hoá du lịch. Ngoài đặc điểm hàng hoá thông thường, còn có cả những thành phần mà bản thân nó không có tính chất hàng hoá hay dịch vụ ( như cảnh quan thiên nhiên, bầu không khí, môi trường…); những hàng hoá này bán rồi mà vẫn còn nguyên giá trị sử dụng hoặc chỉ hao tổn ít; những hàng hoá này nếu không được tiêu dùng thì sẽ không có giá trị, tiêu dùng càng nhiều càng có giá trị.

Do vậy để tạo sự ăn khớp giữa sản xuất và tiêu dùng là rất khó khăn. Việc thu hút khách du lịch nhằm tiêu thụ sản phẩm du lịch là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các nhà kinh doanh du lịch. Việc tiêu dùng sản phẩm du lịch thường diễn ra không đều đặn, mà chỉ tập trung vào những thời gian nhất định trong ngày (đối với sản phẩm ở bộ phận nhà hàng), trong tuần, trong

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/08/2022