b. Các công trình nghiên cứu trong nước
Phân tích và xây dựng mô hình quản lý các công trình thuỷ lợi liên xã phù hợp với điều kiện của Việt Nam được nghiên cứu bởi Trần Chí Trung & Nguyễn Văn Sinh (2009). Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích hiệu quả quản lý tưới của 3 mô hình quản lý công trình thuỷ lợi liên xã là: (1) Mô hình Công ty KTCTTL Sông Chu quản lý kênh B15a, (2) Mô hình Hội dùng nước kênh B8a và
(3) Mô hình Ban quản lý công trình thuỷ lợi Ngòi Là. Khi so sánh 3 mô hình quản lý này, tác giả đã đánh giá hiệu quả quản lý tưới theo 4 nhóm chỉ tiêu là nhóm chỉ tiêu về năng lực hoạt động của mô hình quản lý; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả phân phối nước; nhóm chỉ tiêu về hiệu quả duy tu bảo dưỡng và nhóm chỉ tiêu về hiệu quả quản lý tài chính. Kết luận tác giả đưa ra là Hội dùng nước và Ban quản lý là những mô hình quản lý công trình thuỷ lợi liên xã hiệu quả và bền vững hợn so với Công ty KTCTTL. Trong nghiên cứu của mình, tác giả đề xuất 2 giải pháp chủ yếu để xây dựng các mô hình quản lý CTTL liên xã gồm (1) hoàn thiện hệ thống chính sách và (2) đề xuất mô hình quản lý công trình thuỷ lợi liên xã phù hợp với các địa phương.
Trần Chí Trung (2010) đã phân tích thực trạng quản lý và mô hình tổ chức hợp tác dùng nước phù hợp cho hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn. Thông qua việc phân tích thực trạng quản lý và mô hình tổ chức hợp tác dùng nước phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý đối với hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Tác giả đã chỉ ra rằng tại hệ thống thủy nông Nam Thạch Hãn hiện nay có 2 loại hình tổ chức thủy nông cơ sở là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXNN) và các tổ chức sản xuất, trong đó chủ yếu là các HTXNN. Các HTXNN có diện tích tưới là khá nhỏ, đây là một đặc điểm tạo nên sự phức tạp trong quản lý, gây khó khăn cho công tác điều hành phân phối nước. Tác giả Trần Chí Trung cũng chỉ ra 3 tồn tại trong mô hình quản lý vận hành khai thác hiện nay ở hệ thống Nam Thạch Hãn là sự bất hợp lý khi các HTXNN cuối kênh phải trả chi phí cho công tác vận hành phân phối nước cao hơn các HTXNN ở đầu kênh, trong khi lại thường xuyên bị thiếu nước tưới; các HTXNN chủ yếu là quy mô thôn nên 1 xã có nhiều HTXNN sinh ra nhiều bộ máy quản lý dẫn đến chi phí cho quản lý lớn; ý thức tham gia quản lý công trình thủy lợi của người dân chưa cao. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, tác giả đề xuất 2 mô hình quản lý mới là Hợp tác xã dùng nước và Ban quản lý công trình thủy lợi. Mô hình Hợp tác xã dùng nước (HTXDN) được thành lập quy mô toàn xã, kết hợp giữa ranh giới hành chính xã và ranh giới thủy lực để quản lý các tuyến kênh cấp 2 liên
thôn. Ban quản lý công trình thủy lợi là dạng tổ chức “mềm”, nhiệm vụ chính là phối hợp điều hành quản lý các kênh cấp 2 liên thôn, liên xã.
Phạm Ngọc Lưu (2011) đã nghiên cứu và đề xuất quy trình lấy nước của hệ thống thủy lợi ảnh hưởng thủy triều để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Nghiên cứu đã tổng quan được quy trình lấy lước của hệ thống thủy lợi chịu ảnh hưởng triều ngoài nước. Bao gồm khái niệm và các đặc trưng cơ bản của thủy triều, vùng sông ảnh hưởng triều, dòng triều. Các nghiên cứu quản lý, sử dụng và phát triển nguồn nước vùng cửa sông, ven biển trên thế giới. Các nghiên cứu về sử dụng cải tạo và bảo tồn vùng đất có vấn đề ven biển. Nghiên cứu cũng đã xác định được nhu cầu nước của hệ thống, phân tích được khả năng lấy nước của cống lấy nước của hệ thống thủy nông Hải Hậu. đề xuất được quy trình lấy nước đảm bảo chất lượng và hiệu quả của hệ thống thủy nông Hải Hậu: xây dựng được tổ hợp tương quan giữa mực nước - độ mặn – thời gian triều cho cống Thốp là cống đặc trưng nhất trong các cống lấy nước vùng ảnh hưởng triều trong hệ thống thủy nông Hải Hậu, đề xuất quy trình vận hành hệ thống. Nghiên cứu cũng xác định được nhu cầu nước của hệ thống, phân tích được khả năng lấy nước của cống lấy nước thuộc hệ thống thủy lợi Hải Hậu.
Giải pháp nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn mới vùng ven biển đồng bằng sông Hồng được nghiên cứu bởi Nguyễn Tuấn Anh (2013). Nghiên cứu đã đề cập đến việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí làm việc cũng như nâng cao năng suất sản lượng cây trồng, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong kết quả nghiên cứu của mình, tác giả đã trình bày một giải pháp nâng cấp hệ thống thủy lợi theo tiêu chuẩn thiết kế nông thôn mới cho hệ thống nội đồng cũng như sử dụng vật liệu mới cho hệ thống đầu mối đề xuất áp dụng tại xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ngoài ra, trong nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra giải pháp xây dựng khu ruộng kiểu mẫu với hệ thống kênh mương nội đồng được thiết kế khoa học và đề xuất giải pháp phân cấp quản lý công trình thủy lợi đầu mối và nội đồng. Với kết quả đưa ra, tác giả đã giúp nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn mới, cung cấp nước tưới tiêu cho vùng tạo cảnh quan đẹp cho khu vực Giao Lạc. Tuy nhiên, vấn đề tác giả nghiên cứu mới dừng lại ở các biện pháp kỹ thuật trong xây dựng hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng ven biển, chưa đề cập đến việc quản lý vận hành khai thác hệ thống thủy lợi từ đầu mối đến mặt ruộng.
Đặng Ngọc Hạnh (2014) đã nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Học giả đưa ra khẳng định dù nhà nước đã đầu tư rất nhiều xây dựng công trình thủy lợi nhưng vấn đề quản lý vận hành khai thác vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tác giả cũng đưa ra nhận xét về mô hình tổ chức và nhân lực vận hành khai thác công trình thủy lợi hiện tại và về tài chính sử dụng trong quá trình vận hành. Từ những phân tích thực trạng đó, tác giả đã chỉ ra vấn đề tổ chức quản lý khai thác CTTL vùng ĐBSCL cần phải được quan tâm và củng cố nhằm đảm bảo nhân lực cho quản lý khai thác hiệu quả tài sản nhà nước và xã hội đã, đang và tiếp tục đầu tư trong vùng. Trong nghiên cứu của mình, tác giả đã đề xuất mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi phù hợp với điều kiện riêng của ĐBSCL đó là thành lập tổ chức quản lý dịch vụ thủy lợi theo cơ chế đặt hàng ở các tỉnh và thành lập tổ chức quản lý khai thác CTTL liên tỉnh vùng ĐBSCL để quản lý vận hành các công trình đầu mối, hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 chủ đạo có tính chiến lược trong các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh, liên vùng. Nghiên cứu này của tác giả Đặng Ngọc Hạnh đã xây dựng rất chi tiết mô hình quản lý vận hành mới, tuy nhiên chỉ phù hợp với riêng điều kiện của ĐBSCL.
Hà Lương Thuần (2015) đã nghiên cứu chi tiết về vấn đề phát triển thủy lợi nội đồng ở Việt Nam. Học giả đã chỉ ra rằng hệ thống thủy lợi nội đồng của Việt Nam tuy có những đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Thủy lợi nội đồng là một thành phần quan trọng cấu thành nên hệ thống thủy lợi và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tác giả đã chỉ ra 5 nhóm yếu tố lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống thủy lợi nội đồng đó là: quy mô thửa ruộng và cơ cấu cây trồng; điều kiện tự nhiên; cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp và thủy lợi; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và yếu tố khoa học công nghệ. Để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, tác giả đã nhấn mạnh đến cần thực hiện 2 nhóm giải pháp chính là xây dựng chính sách và nâng cao khoa học công nghệ. Về hoàn thiện chính sách cần phát triển các tổ chức dùng nước gắn liền với thủy lợi nội đồng; xây dựng chính sách hỗ trợ thủy lợi phí và hướng tới bảo đảm quyền sử dụng nước và tuân theo nguyên tắc “nước là hàng hóa”, “người dùng nước phải trả tiền” thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách xác định giá dịch vụ thủy lợi hợp lý. Về nhóm giải pháp nâng cao khoa học công nghệ trong phát triển thủy lợi nội đồng, tác giả có nêu ra một số giải pháp cụ thể như nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ, hiện đại hóa hệ thống phân phối nước, nghiên cứu mô hình tưới phù hợp với cơ chế sản
xuất nông nghiệp. Nghiên cứu này mới đề cập riêng về việc phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng, chưa đề cập đến hệ thống công trình đầu mối, công tác quản lý vận hành, vấn đề tài chính trong quá trình vận hành khai thác.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp
- Triển Khai Quy Hoạch Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi
- Thực Trạng Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Thế Giới
- Dân Số Khu Vực Nông Thôn Phân Theo Địa Phương Năm 2019
- Quy Mô Mẫu Sử Dụng Trong Thu Thập Thông Tin Sơ Cấp
- Trình Tự Tiến Hành Phương Pháp Định Giá Ngẫu Nhiên
Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.
Đặng Đức Duyến (2019) đã nghiên cứu về việc nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi ven biển tỉnh Nam Định. Bằng việc phân tích kết cấu hạ tầng hệ thống kênh mương, đê ven biển, kết hợp với các dữ liệu phân tích về địa chất, địa hình tại khu vực ven biển, nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang ven biển Nam Định, mở rộng ra vùng ven biển Bắc Bộ. Điểm mới trong nghiên cứu này là việc áp dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý vận hành khai thác hệ thống thủy lợi ven biển.
Trong lĩnh vực liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án còn có các tài liệu liên quan khác như sau:
- Các nghiên cứu khoa học khác của Đoàn Doãn Tuấn (2016) về xã hội hóa quản lý và phát triển bền vững hệ thống thủy lợi nội đồng trong điều kiện thực thi miễn thủy lợi phí, Nguyễn Tùng Phong (2018) về xây dựng tổ chức quản lý hệ thống thủy lợi nội đồng hiệu quả, bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới;
- Các Hội thảo Xây dựng và bảo dưỡng hệ thống thủy lợi nội đồng liên quan đến dồn điền đổi thửa và quy hoạch thủy lợi nội đồng (2019) của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; Hội thảo lấy ý kiến nội dung hướng dẫn tiêu chí, quy cách và chất lượng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (2020) của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam;
- Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ như: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thủy lợi kết hợp nông nghiệp để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng của Vũ Thế Hải (2014), Nghiên cứu định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và đề xuất chính sách phù hợp với các đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi của Đoàn Thế Lợi (2019), Nghiên cứu đề xuất một số chính sách thu hút khu vực tư nhân vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi để cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế của Trần Tất Đạt (2019), Nghiên cứu dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn phục vụ điều hành cấp nước và quản lý vận hành hệ thống thủy lợi lấy nước vùng hạ lưu đồng bằng sông Hồng của Nguyễn Tùng Phong (2019).
Các nghiên cứu khoa học, hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiên cứu từng khía cạnh khác nhau, riêng biệt của vấn đề vận hành hệ thống thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên các nghiên cứu này chưa đề cập tổng thể các vấn đề của một hệ thống thủy lợi từ vấn đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch,
phân cấp quản lý công trình, quản lý vận hành hệ thống thủy lợi và ý thức của cộng đồng cho một hệ thống thủy lợi cấp tỉnh, đặc biệt là tỉnh thuộc ĐBSH.
c. Khoảng trống nghiên cứu
Luận án đã tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích các công trình khoa học trong và ngoài nước về các lĩnh vực nghiên cứu có liên quan.
Kết quả nghiên cứu tổng quan các nghiên cứu và cơ sở thực tiễn có liên quan nêu trên cho thấy, các nghiên cứu về phát triển hệ thống thủy lợi đã được tiến hành tương đối đa dạng cả về nội dung và phạm vi nghiên cứu. Tuy nhiên vẫn còn các khoảng trống cần được bổ sung và hoàn thiện như:
Khoảng trống về đối tượng và phạm vi nghiên cứu: các nghiên cứu tập trung vào một đối tượng nhất định (hệ thống thủy lợi ven biển, hệ thống thủy lợi chịu tác động thủy triều). Chưa có nghiên cứu nào xem xét tổng thể hệ thống thủy lợi trên một địa bàn nhất định và dựa vào đánh giá của hộ sử dụng nước về chất lượng dịch vụ tưới tiêu để làm căn cứ đề xuất giải pháp phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi cho một hệ thống thủy lợi cấp tỉnh tại ĐBSH.
Khoảng trống về nội dung nghiên cứu: các nghiên cứu mới chỉ tập trung đánh giá riêng về một khía cạnh trong phát triển hệ thống thủy lợi như mô hình quản lý hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng ven biển, mô hình tổ chức hợp tác dùng nước, giá nước tưới trong nông nghiệp… Chưa có nghiên cứu về phát triển hệ thống thủy lợi tổng thể, từ vấn đề quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý vận hành hệ thống thủy lợi, mức sẵn lòng chi trả của người dùng nước, đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng cung cấp dịch vụ tưới,...
Từ khoảng trống của các nghiên cứu trước đây có liên quan, các vấn đề đặt ra cho nghiên cứu này là:
1) Đánh giá vấn đề quy hoạch, phân cấp quản lý, thực hiện quy hoạch hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện nay của tỉnh Nam Định.
2) Đánh giá mức độ hài lòng của hộ nông dân sử dụng nước về chất lượng dịch vụ tưới của hệ thống thủy lợi.
3) Đề xuất giải pháp phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Nam Định dựa vào phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức tại địa phương.
TÓM TẮT PHẦN 2
Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng phát triển hệ thống thủy lợi sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tập trung vào việc mở rộng quy mô hệ thống công trình. Tuy nhiên những nghiên cứu này chưa đề cập sâu đến việc phát triển đồng thời số lượng và chất lượng hệ thống công trình thủy lợi mà trong đó vấn đề về đánh giá chất lượng dịch cấp nước của các hộ sử dụng nước được phân tích một cách cặn kẽ.
Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được hiểu là nâng cao năng lực quản lý trong 3 lĩnh vực: kỹ thuật; quản lý vận hành; kinh tế nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu người sử dụng nước, hướng đến sử dụng tiết kiệm nước và phát triển bền vững. Nội dung phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được phân tích từ công tác quy hoạch hệ thống thủy lợi, công tác quân cấp quản lý công trình thủy lợi và việc thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi. Thông qua ba nội dung nghiên cứu chính này, tác giả sẽ đánh giá tổng thể sự phát triển hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định một cách khoa học, rò ràng và có cơ sở.
Tác giả cũng đã phân tích, tổng hợp những kinh nghiệm của các nước về công tác quản lý khai thác hệ thống thủy lợi và xác định giá dịch vụ thủy lợi. Các nước có mô hình quản lý khai thác tuy không giống nhau nhưng đều thể hiện tính rò ràng trong phân cấp trách nhiệm và nâng cao vai trò giám sát của người sử dụng nước.
Kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia trên thế giới và một số địa phương trong nước về hoàn thiện chính sách, nâng cao mô hình quản lý khai thác sẽ giúp Nam Định tập trung vào các giải pháp chính để phát triển hệ thống thủy lợi trong thời gian tới, tránh việc thực hiện các giải pháp giàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm.
Các kết luận về khoảng trống nghiên cứu trong phần 2 sẽ được tác giả tập trung nghiên cứu trong phần 4 thông qua việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu được trình bày ở phần 3.
PHẦN 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN VÀ KHUNG PHÂN TÍCH
3.1.1. Phương pháp tiếp cận
3.1.1.1. Tiếp cận kinh tế nông nghiệp
Luận án sử dụng tiếp cận kinh tế nông nghiệp làm cách tiếp cận xuyên suốt luận án. Tiếp cận kinh tế nông nghiệp là ứng dựng các lý thuyết kinh tế trong tối ưu hóa sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp. Cách tiếp cận này sẽ giúp nghiên cứu nhìn nhận vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp để đóng góp vào nền kinh tế chung.
Đối với hệ thống thủy lợi, tiếp cận kinh tế nông nghiệp sẽ xem xét tác động, ảnh hưởng của quá trình cung cấp nước như quy hoạch hệ thống, phân cấp quản lý công trình, quá trình quản lý vận hành của công ty thủy nông,... đến năng suất, sản lượng cây trồng.
3.1.1.2. Tiếp cận có sự tham gia
Phương pháp tiếp cận có sự tham gia được sử dụng xuyên suốt quá trình nghiên cứu của đề tài, dùng để thu thập số liệu và phân tích thông tin. Đã có rất nhiều nghiên cứu sử dụng tiếp cận có sự tham gia trong phân tích của mình như Đặng Kim Vui (2007), Nguyễn Đức Vinh (2012), Jonathan (1986) và nhiều nghiên cứu khác. Tiếp cận có sự tham gia đảm bảo cho việc nghiên cứu phù hợp với nội dung và tiếp cận được các đối tượng tham gia vào quá trình quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi. Trong nghiên cứu này, phương pháp tiếp cận có sự tham gia gồm việc khảo sát thông tin, khuyến khích người dân tham gia chia sẻ thông tin,… Tiếp cận có sự tham gia của các chủ thể nghiên cứu chính bao gồm người nông dân hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi, cán bộ có liên quan đến ngành thủy lợi như: cán bộ thôn xóm, cán bộ lãnh đạo xã, cán bộ trong các công ty TNHH MTV KTTL; cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện nằm trong địa bàn nghiên cứu.
Việc áp dụng tiếp cận có sự tham gia đòi hỏi người điều tra phải có kiến thức nhất định về hệ thống thủy lợi để có thể tiếp cận, trao đổi thông tin giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn.
Phương pháp tiếp cận có sự tham gia được tác giả sử dụng linh hoạt trong các hoạt động điều tra, thu thập số liệu, phỏng vấn sâu cán bộ thuộc Công ty
TNHH MTV KTTL Nam Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Xuân Thủy và Mỹ Thành; người sử dụng nước thuộc địa bàn lấy số liệu; cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy lợi có liên quan.
3.1.1.3. Tiếp cận theo vùng
Tiếp cận theo vùng là sự tiếp cận dựa trên sự phân chia đặc điểm địa hình, địa giới hành chính. Cách tiếp cận này sẽ lựa chọn những kiểu địa hình đại diện mang đầy đủ những đặc trưng của vùng nghiên cứu (Yeh, 1985), Dhiman (2016). Tùy theo địa bàn nghiên cứu, chia nhỏ vùng nghiên cứu thành các khu vực nhỏ hơn, mỗi khu vực đại diện cho 1 đặc điểm của vùng nghiên cứu và lựa chọn sao cho các địa bàn lấy dữ liệu phản ánh đầy đủ những đặc trưng cơ bản của vùng nghiên cứu. Dựa vào đặc điểm vận hành hệ thống thủy lợi có thể chia địa hình Nam Định thành 3 khu vực như sau:
Vùng phía Bắc tỉnh gồm huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, phần lớn Thành phố Nam Định, hoàn toàn tưới tiêu bằng động lực qua các trạm bơm điện.
Vùng trung tâm tỉnh gồm huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường phục vụ tưới tiêu bằng các hình thức động lực, trọng lực kết hợp động lực hỗ trợ và một phần ảnh hưởng thủy triều.
Vùng phía Nam tỉnh gồm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng phục vụ tưới tiêu bằng hình thức động lực, trọng lực kết hợp động lực hỗ trợ, trọng lực ảnh hưởng thủy triều.
Trong nghiên cứu này, tác giả lựa chọn huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Ý Yên, Xuân Trường để lấy số liệu nghiên cứu.
3.1.1.4. Tiếp cận hệ thống
Phương pháp tiếp cận hệ thống trong phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được đề cập, ứng dụng trong nhiều nghiên cứu như John (1993), Saravanan (2008) và nhiều tác giả khác. Các nghiên cứu này cho thấy tiếp cận hệ thống sẽ đem lại cho chúng ta cái nhìn tổng quan về vấn đề nghiên cứu, bao quát được các vấn đề có liên quan trong phân tích thực trạng, các cơ hội, thách thức gặp phải trên nhiều phương diện.
Tiếp cận hệ thống được sử dụng xuyên suốt trong quá trình đánh giá thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi, giá dịch vụ thủy lợi ở tỉnh Nam Định.