dòng chảy, khắc phục hỏng hóc, khắc phục ô nhiễm, gây nên thiệt hại cho nền kinh tế.
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.2.1. Thực trạng phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên thế giới
Thụy Điển có nền sản xuất nông nghiệp chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu nên lượng nước dùng cho tưới tiêu cũng thay đổi trong tương lai. Tổng lượng mưa hàng năm được dự đoán sẽ tăng lên ở Bắc Âu nhưng Thụy Điển vẫn có thể đối mặt với lượng nước giảm như mùa hè khô hạn năm 2018 (Youen Grusson, 2021). Để đáp ứng sự thay đổi lượng nước tưới đến năm 2050, Thụy Điển đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống thủy lợi sẵn có, xây dựng các khu tưới tiết kiệm nước, thay đổi cơ cấu cây trồng có nhu cầu tưới thấp. Bối cảnh của Thụy Điển trong nghiên cứu này rất giống bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng hiện nay. Theo các kịch bản tính toán thì biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi lượng mưa và giảm sản lượng trồng trọt xuống khoảng từ 2 đến 15% trước năm 2080 (Cline, 2007). Các giải pháp Thụy Điển đang thực hiện cũng là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp và thủy lợi tại Việt Nam hướng đến trong tương lai.
Trong nghiên cứu điển hình hệ thống thủy lợi Tamil Nadu ở Ấn Độ, chính phủ đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hoàn thiện để đáp ứng cho 49.544 ha đất nông nghiệp (Pundarikanthan, 1995). Ấn Độ coi phát triển cơ sở vật chất và cơ sở dữ liệu là vấn đề quan trọng nhất trong việc phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh xây dựng mới các công trình trên hệ thống thủy lợi, các trạm khí tượng trên các vị trí đại diện trong các lệnh hệ thống, thiết bị đo độ ẩm, thiết bị đo dọc theo mạng kênh, mạng phân phối có thể kiểm soát và các phương tiện truyền thông cũng được đầu tư xây dựng đầy đủ. Bối cảnh của Ấn độ giai đoạn này tương đồng với Việt Nam, các chính sách về phát triển hệ thống công trình thủy lợi là giải pháp công trình đáp ứng sự thay đổi cơ cấu cây trồng và nhu cầu tưới ngày càng tăng. Một hệ thống cơ sở dữ liệu tốt sẽ cải thiện hoạt động vận hành quản lý khai thác hệ thống thủy lợi. Trong ngành thủy lợi Việt Nam hiện nay, vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý vận hành hệ thống thủy lợi (thiết bị đo mưa, lưu lượng dòng chảy, quan trắc công trình, đo độ mặn, cảnh báo và dự báo lũ,...) đang được các địa phương rất quan tâm.
Bồ Đào Nha có nền sản xuất nông nghiệp phát triển, mặc dù khu vực khí hậu Địa Trung Hải dự kiến sẽ làm tăng nhiệt độ, giảm lượng mưa và thay đổi mô hình lượng mưa theo mùa nhưng Bồ Đào Nha vẫn đảm bảo nhu cầu tưới tiêu nhờ hai hồ chứa đa năng ở miền Nam (João Rocha, 2020). Các chiến lược thích ứng được đưa ra chẳng hạn như thực hiện công nghệ cao cấp (ví dụ: độ ẩm của đất và đầu dò căng thẳng nước của cây trồng, hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái để đánh giá căng thẳng nước - NDVI) cũng như đổi mới mạng lưới tưới tiêu và lựa chọn cây trồng thích hợp có thể giúp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước ở khu vực này. Hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật của Bồ Đào Nha là một gợi ý cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.
Tại Ý, việc sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm trong các hệ thống thủy lợi có tầm quan trọng cực kỳ quan trọng đối với phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế (Ceola, 2019). Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh gia tăng dân số toàn cầu, khí hậu thay đổi và nhu cầu cạnh tranh về nước từ các ngành kinh tế khác. Vì vậy, tưới tiêu chính xác là cơ hội thích hợp để cải thiện hệ thống tưới tiêu nhằm mục đích tối đa hóa sản xuất cây trồng trong khi vẫn đảm bảo sử dụng nước hợp lý và tối ưu. Điều này rất tương đồng với bối cảnh tại Việt Nam, đặc biệt là tại đồng bằng sông Hồng khi mà hệ thống thủy lợi cơ bản được hoàn thiện trong thời gian dài, nhưng đang đương đầu với những khó khăn trong đảm bảo duy trì đủ lượng nước và chất lượng dịch vụ. Ý đã vạch ra ba giải pháp chính đó là (i) đổi mới chính sách để quản lý nguồn nước, quản lý hạn hán và nông nghiệp, (ii) cung cấp dịch vụ dành cho các nhà quản lý nước và nông dân nhằm tối đa hóa hiệu quả của mạng lưới tưới tiêu bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật để xử lý thông tin nhằm đưa ra các cách thức tưới tiết kiệm nước, đồng thời bảo tồn tính chất và hành vi của sản xuất nông nghiệp (iii) giải quyết vấn đề chuyển giao kiến thức cho nông dân và các bên liên quan, cung cấp cho một loại cây trồng cụ thể tùy thuộc vào loại đất, vị trí địa lý, đặc điểm thủy lợi, dữ liệu khí tượng, dữ liệu nước ngầm và dữ liệu từ hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái. Các giải pháp này đã thay đổi hệ thống tưới tiêu theo hướng quản lý tài nguyên nước bền vững và hiệu quả hơn, đây là một sự đổi mới quan trọng trên toàn Châu Âu và là kinh nghiệm cho các nước như Việt Nam học hỏi.
Jacob (2017) qua nghiên cứu ở Thái Lan, Indonesia và Philippines đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ quan quản lý địa phương trong việc quản lý vận hành hệ thống thủy lợi tại ba quốc gia trên. Các vấn đề liên quan đến chính sách thủy
lợi, đặc biệt là những chính sách nhằm cải thiện việc cung cấp dịch vụ tưới tiêu và sự tham gia của nông dân, được đúc rút thành ba bài học chính cho các nhà cải cách liên quan đến việc thực hiện chính sách nâng cao chất lượng dịch vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, ngành thủy lợi đang cố gắng chuyển việc cung cấp nước tưới, tiêu thành “dịch vụ” tưới tiêu, bằng việc ký kết hợp đồng giữa người sử dụng dịch vụ với các Hợp tác xã hoặc công ty thủy nông địa phương.
Youjun (2007) đã chỉ ra rằng Trung Quốc là nước đứng thứ 6 thế giới về tổng lượng nước cung cấp. Nhu cầu sử dụng nước rất lớn tuy nhiên lượng nước bình quân đầu người vẫn còn thấp – đứng thứ 121 trong bảng xếp hạng thế giới. Trung Quốc được liệt kê là một trong 13 quốc gia có nguồn nước đang thiếu hụt, sự phân bố tài nguyên nước ở Trung Quốc là rất không đồng đều theo khu vực địa lý và theo cả nhu cầu sử dụng nước. Nông nghiệp chiếm hơn 40% khối lượng nước sử dụng nhưng nhu cầu này đang tăng lên do dân số đang bùng nổ đòi hỏi yêu cầu cao hơn về an ninh lương thực. Trung Quốc đã xây dựng đề án tổng hợp để giải quyết bài toán thiếu nước, thực hiện điển hình ở tỉnh Sơn Tây. Xây dựng cơ sở hạ tầng dọc theo sông Hutuohe, đặc biệt là các hồ chứa Pingshang, Xishuixing, Longhuahe và hồ chứa Dabao. Hồ chứa Bình Sơn sẽ là dự án trọng điểm đáp ứng nhu cầu nước nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp và đời sống đô thị. Trung Quốc đã thành lập trung tâm thủy lợi Beizhao thực hiện nhiệm vụ bơm nước từ sông để tưới tiêu nông nghiệp và phòng chống cạn kiệt nước ngầm. Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy thủy điện Cao Hà, Weitan, Dongjiaohe, cùng với Hồ chứa Trương Phong để cung cấp nước cho các nhà máy công nghiệp sản xuất nông nghiệp và đời sống đô thị tại thành phố Kim Thành. Những kế hoạch phát triển hệ thống thủy lợi này có thể làm tăng nguồn cung cấp nước mặt hàng năm từ 1 đến 1,5 tỷ m3 và cung cấp lượng nước ngầm từ 0,2 đến 0,3 tỷ m3, điều này sẽ tạo ra dung tích lưu trữ (nước mặt) lên đến 3,5 tỷ m3 phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trong toàn tỉnh. Bối cảnh phát triển nông nghiệp, sử dụng nguồn nước đa mục tiêu và nhu cầu sử dụng nước của tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) giai đoạn này giống với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của tỉnh Nam Định.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định - 3
- Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp
- Triển Khai Quy Hoạch Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi
- Phương Pháp Tiếp Cận Và Khung Phân Tích
- Dân Số Khu Vực Nông Thôn Phân Theo Địa Phương Năm 2019
- Quy Mô Mẫu Sử Dụng Trong Thu Thập Thông Tin Sơ Cấp
Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.
2.2.2. Thực trạng phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam
Tỉnh Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6km. Các tuyến đê trong tỉnh có 118 kè hộ bờ với trên 150km
kè lát mái và trên 50 kè mỏ; dưới đê có 204 cống lớn nhỏ; 1.433 trạm bơm; có 2.820km sông trục dẫn, 1.953 cống đập nội đồng và hơn 7.712km kênh mương các cấp. Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được chia thành hai hệ thống Bắc và Nam. Trong đó, HTTL Bắc phục vụ tưới 54.628ha, diện tích thực tưới đạt 65% so với thiết kế; HTTL Nam phục vụ tưới 38.163ha, diện tích thực tưới đạt 65% so với thiết kế. Năm 2014, tỉnh thực hiện đề án nâng cấp hệ thống thủy lợi với mục tiêu nâng cao hiệu quả phục vụ của HTTL với kinh phí dự kiến thực hiện đề án 14.455 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, cải tạo các công trình nhằm mục đích cải thiện chất lượng hệ thống công trình thủy lợi sẵn có, nâng cao hiệu quả đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và thích ứng với biến đổi khí hậu (Chi cục Thủy lợi Thái Bình, 2016). Thái Bình và Nam Định là hai tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, đều là trung tâm sản xuất nông nghiệp của miền Bắc Việt Nam, kinh nghiệm của Thái Bình cho thấy khi các cấp chính quyền chú trọng đến an ninh lương thực và an toàn nguồn nước thì hệ thống thủy lợi sẽ được quan tâm phát triển, đây sẽ là đặc điểm để Nam Định học tập kinh nghiệm.
Thái Nguyên đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ cấp thoát nước cho nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh và chống lũ. Thái Nguyên có 47,4 km đê, 1214 công trình thủy lợi lớn nhỏ, đáp ứng tưới tiêu nông nghiệp cho 26.305 ha lúa vụ đông xuân và 33.526 ha lúa vụ mùa. Mặc dù số lượng công trình thủy lợi được xây dựng để phục vụ sản xuất và đời sống xã hội khá nhiều nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do công trình xuống cấp, nhu cầu nước đang thay đổi vì thay đổi cơ cấu cây trồng, công nghiệp hóa đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên thực hiện đề án rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 – 2020 để thích ứng với tình hình mới, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác hệ thống thủy lợi và đảm bảo nhu cầu dùng nước cho các mục đích sử dụng (Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, 2017). Kinh nghiệm của Thái Nguyên cho thấy để một hệ thống thủy lợi phát triển cần rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi kịp thời và liên tục, thích ứng với điều kiện sản xuất mới và biến đổi khí hậu. Nam Định và Thái Nguyên cũng đều có hệ thống thủy lợi được đầu tư qua nhiều năm, cơ bản đã được quy hoạch đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu sản xuất khác. Việc hiện đại hóa hệ thống thủy lợi của Thái Nguyên sẽ giúp Nam Định có thêm kinh nghiệm trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý vận hành hệ thống thủy lợi của mình.
Trên địa bàn tỉnh có 2 hệ thống thuỷ nông lớn (hệ thống thuỷ nông Bắc và
hệ thống thuỷ nông Nam) với hơn 625 hồ chứa, 427 đập dâng cùng hàng trăm trạm bơm điện, cống tưới, tiêu lớn nhỏ. Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN&PTNT Nghệ An và các địa phương mới tiến hành sửa chữa nâng cấp trên 150 hồ, hiện vẫn còn khoảng 500 hồ chưa có kinh phí để triển khai. Tình trạng an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh rất đáng lo ngại với phần lớn các cống lấy nước dưới đập đều gặp sự cố. Nhiều công trình hồ, đập bằng đất xây dựng đã lâu (những năm 1970 – 1980) nên chất lượng không đảm bảo, rất nguy hiểm cho người dân mỗi khi mùa mưa bão về. Để nâng cao hiệu quả công tác vận hành khai thác và tăng khả năng ứng phó với bất lợi của thời tiết, năm 2014 tỉnh đã có quyết định phê duyệt ''Đề án Xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thuộc lĩnh vực thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu'', trong đó xác định các mục tiêu cụ thể về cấp nước tưới và sinh hoạt, tiêu úng, phòng chống lũ. Đề án này tập trung vào xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối (trạm bơm điện, kênh chính, hồ chứa nước) trên địa bàn tỉnh, ưu tiên xây dựng tại những địa phương có nhu cầu cao về sử dụng tài nguyên nước. Nghệ An đã nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thủy lợi sẵn có theo hướng hiện đại hóa và đồng bộ từ đầu mối đến mặt ruộng (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, 2018). Kinh nghiệm của Nghệ An cho thấy hệ thống công trình xuống cấp sẽ gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm giảm sản lượng sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội, cho nên cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thủy lợi sẵn có để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương. Nam Định và Nghệ An đều chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, lượng nước mưa và nguồn nước mặt thay đổi nhanh chóng. Do đó, kinh nghiệm về việc đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, trong đó ưu tiên các công trình trọng điểm, nâng cấp đồng bộ hệ thống từ đầu mối đến mặt ruộng sẽ giúp Nam Định định hướng trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thủy lợi của mình.
Hải Dương có hệ thống tưới tiêu động lực với 1.245 trạm bơm, điểm bơm gồm 2.357 máy bơm các loại với tổng công suất lắp đặt 3.696.017 m3/h; trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý 276 trạm bơm với 1.140 máy bơm các loại. Cùng với hệ thống tưới tiêu động lực, toàn tỉnh có hệ thống kênh dẫn cấp nước tưới, rút nước tiêu với tổng chiều dài trên 3.500 km. Tổng diện tích tưới tiêu trong tỉnh do công ty và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phục vụ trong năm 2019 đạt xấp xỉ 185.000 ha. Việc rà soát tổng hợp nhu cầu đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi trong tỉnh giai đoạn
2020 – 2025 cho thấy có khoảng 536 hạng mục cần đầu tư với kinh phí dự kiến trên 2.360 tỷ đồng. Cùng với trạm bơm Cầu Ghẽ, những năm gần đây, nhiều công trình thủy lợi ở Hải Dương đã được tu bổ, sửa chữa kịp thời và đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn của tỉnh và Trung ương. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã thẩm định, duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng đối với 111 hạng mục công trình, tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Trong đó, các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý gồm “Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo các hệ thống thủy nông” và “Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải”. Ngoài ra, các dự án do tỉnh quản lý như “Xây dựng cải tạo, nâng cấp kênh và công trình trên kênh trung thủy nông Bá Nha - Thuần, huyện Thanh Hà”; “Tu bổ bờ kênh trục Bắc Hưng Hải”; “Xây dựng, cải tạo hệ thống kênh trung thủy nông Cẩm Đông - Phí Xá, huyện Cẩm Giàng” sẽ thay đổi đáng kể thực trạng hệ thống thủy lợi tại tỉnh và giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, 2019). Hải Dương là tỉnh quản lý phần lớn hạng mục công trình thủy lợi trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải – hệ thống thủy lợi liên tỉnh. Kinh nghiệm của Hải Dương trong quản lý, vận hành và khai thác hệ thống thủy lợi sẽ giúp Nam Định thực hiện tốt hơn việc phối hợp và vận hành hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà và hệ thống thủy lợi do UBND tỉnh quản lý.
2.2.3. Bài học kinh nghiệm cho phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định
Dựa trên nội dung đã tổng hợp và phân tích các kinh nghiệm về phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam, tác giả đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Nam Định như sau:
Bài học thứ nhất, hệ thống công trình xuống cấp gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm giảm sản lượng sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.
Bài học thứ hai, cần thống nhất việc phân cấp quản lý hệ thống thủy lợi phù hợp với điều kiện của địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nhằm khắc phục khó khăn trong công tác quản lý vận hành khai thác và cần làm rò vai trò của người dân trong việc xây dựng, vận hành và quản lý công trình thủy nông.
Bài học thứ ba, trước bối cảnh biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất, cần rà soát lại công tác quy hoạch hệ thống thủy
lợi để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại địa phương. Bổ sung hệ thống thủy lợi cho tiêu thoát nước nhằm đảm bảo nhiệm vụ tiêu thoát nước đô thị, dân sinh.
Bài học thứ tư, cần xây dựng cơ chế tài chính hợp lý để các cơ quan quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi có đủ kinh phí để duy trì các hoạt động. Nguồn kinh phí được dùng cho chi trả các chi phí thường xuyên và phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng công trình. Hệ thống thủy lợi sẽ ổn định, sử dụng được lâu dài hơn nếu có đủ nguồn kinh phí duy trì hoạt động.
Bài học thứ năm, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thủy lợi sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành. Nâng cao năng lực quản lý, hạn chế sai sót và hỏng hóc trong quá trình vận hành khai thác, phục vụ cung cấp dịch vụ tưới tiêu chính xác hơn theo nhu cầu thực tế.
2.2.4. Tổng quan một số công trình nghiên cứu liên quan và khoảng trống nghiên cứu
a. Các công trình nghiên cứu ngoài nước
William (2007) đã đề cập đến nhiệm vụ, vai trò vô cùng quan trọng của tổ chức thủy lợi cơ sở trong quá trình vận hành thủy lợi nội đồng tại Nhật Bản. Trong đó nghiên cứu nhấn mạnh mối quan hệ giữa tổ chức thủy lợi cơ sở và cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn cho thành viên thuộc tổ chức thủy lợi cơ sở để sử dụng có hiệu quả hệ thống thủy lợi nội đồng. Các yếu tố liên quan đến xã hội như nhận thức, trình độ dân trí, công tác tuyên truyền của cơ quan nhà nước về bảo vệ, vận hành công trình thủy lợi sẽ tác động đến hiệu quả vận hành công trình, mức độ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
James (2010) phân tích về cơ chế chính sách liên quan đến nguồn kinh phí để xây dựng và vận hành hệ thống thủy lợi. Nghiên cứu đã chỉ ra nông dân Nhật Bản trả chi phí vận hành - bảo trì và một phần chi phí đầu tư là 500 USD/ha và thêm 8% doanh thu, cộng với đóng góp lao động bắt buộc khác. Giá nước tưới dựa trên từng khu vực khác nhau, phân biệt giữa hệ thống tưới trọng lực hay động lực. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản không hỗ trợ chi phí vận hành và sửa chữa. Còn tại Hàn Quốc, hơn 60% diện tích đất nông nghiệp dưới sự quản lý của Tổ chức cộng đồng nông thôn Hàn Quốc đã được miễn phí nước tưới bắt đầu từ 2000. Các khu vực còn lại thì thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương thì vẫn chịu mức giá để bù đắp vốn, duy trì vận hành khai thác. Bài học kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu này là: Nhật Bản đã đơn giản hóa cách tính giá dịch vụ thủy lợi trên toàn hệ thống thủy lợi để cải thiện tính minh bạch và làm cho nó có thể
ước tính dễ dàng hơn. Hàn Quốc nâng cao hiệu quả công tác vận hành và tu bổ sửa chữa để giảm dần chi phí cấp cho các hệ thống thủy lợi. Các tác giả khuyến nghị việc tính giá dịch vụ thủy lợi nên xem xét tới những người hưởng lợi gián tiếp khác thuộc khu vực công nghiệp, sinh hoạt, du lịch.
Somkiat (2018) đã phân tích về cách thức quản lý hệ thống thủy lợi ở Thái Lan và đưa ra 4 giải pháp tổng hợp nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, nâng cao hoạt động hệ thống thủy lợi và gia tăng thu nhập cho nông dân: (1) đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề cần nước khác; (2) xây dựng quy trình dự báo và quản lý lũ lụt hiệu quả; (3) tăng cường sự tham gia của người hưởng lợi từ lúc xây dựng quy hoạch đến khi vận hành công trình; (4) xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá và bảo trì công trình theo mức độ ưu tiên khác nhau.
Việc hỗ trợ kinh phí của Nhà nước tại khu vực EU là một phương pháp nâng cao hoạt động của hệ thống thủy lợi (Rossi, 2019). Chương trình hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho các cá nhân dùng nước sản xuất nông nghiệp có mục đích thúc đẩy và hỗ trợ sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Trọng tâm của chương trình này xoay quanh 3 nhóm chính sách chính: hỗ trợ người dân, phân tích thị trường và phát triển nông thôn. Các chính sách này sẽ tập trung vào việc xây dựng các quy tắc chéo thiết lập mối quan hệ giữa sản xuất nông nghiệp, vận hành hệ thống thủy lợi và đảm bảo môi trường theo 13 yêu cầu của Nhà nước. Việc các hộ nông dân quản lý hệ thống thủy lợi đảm bảo theo yêu cầu của Nhà nước sẽ được hưởng hỗ trợ kinh phí. Đây là một biện pháp nhằm thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hạn chế lãng phí nước, thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hiện đại hơn.
Qua các công trình nghiên cứu này, nhận thấy rằng để phát triển hệ thống thủy lợi thì cần tập trung giải quyết các vấn đề: (i) Giải quyết vấn đề tài chính cho hoạt động đầu tư, vận hành, bảo dưỡng hệ thống công trình thủy lợi để sử dụng có hiệu quả hệ thống sẵn có, nâng cao tuổi thọ công trình và nâng cao chất lượng công tác cung cấp dịch vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp; (ii) Nâng cao ý thức của cộng đồng, tổ chức dùng nước, hộ sử dụng nước tưới vì đây là những người trực tiếp hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ. Đẩy mạnh sự tham gia của người sử dụng dịch vụ trong quá trình quy hoạch, xây dựng công trình thông qua việc tham vấn lấy ý kiến cho đến việc phản hồi về chất lượng dịch vụ khi vận hành hệ thống thủy lợi; (iii) Thực hiện hiện đại hóa hệ thống thủy lợi đáp ứng sự thay đổi của sự phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.