PHẦN 1. MỞ ĐẦU
1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
An ninh lương thực và an toàn nguồn nước là vấn đề cơ bản trong phát triển kinh tế. Trong đó, hệ thống thủy lợi đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Để phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi nhằm tăng cường sức mạnh cho sản xuất nông nghiệp, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam được cụ thể hóa trong Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001, Quyết định phê duyệt định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam năm 2009 và mới nhất là Luật Thủy lợi năm 2017. Trong suốt quá trình đó, việc cung cấp dịch vụ tưới tiêu đã chuyển từ hình thức truyền thống (quản lý nhu cầu nước) sang quản lý dịch vụ (tương tác hai chiều giữa chủ thể quản lý và người sử dụng dịch vụ). Bên cạnh đó, định hướng phát triển của ngành thủy lợi trong thời gian tới là nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nội đồng và củng cố các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở, từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành công trình và dịch vụ thủy lợi theo cơ chế thị trường, gắn lợi ích với quyền, trách nhiệm của người sử dụng nước. Do vậy cần có cách tiếp cận mới trong quản lý dịch vụ tưới tiêu để nâng cao hoạt động hệ thống thủy lợi. Ngoài ra, phát triển hệ thống thủy lợi hiện nay đang tiếp cận theo hướng hiện đại hóa, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây (như năm 2016, 2017) đã gây thiệt hại về kinh tế, làm giảm diện tích sản xuất nông nghiệp và làm tăng số lượng công trình bị hỏng hóc. Vì vậy, rất cần phải phải nghiên cứu cách thức hoạt động để nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống công trình sẵn có, tiết kiệm chi phí xây dựng của Nhà nước và sử dụng hợp lý các nguồn lực của địa phương.
Trong tình hình tái cơ cấu nông nghiệp và xu thế công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại địa phương, ngành thủy lợi tỉnh Nam Định cần thực hiện đổi mới căn bản, bền vững để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của hệ thống công trình thủy lợi sẵn có nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh (Nguyễn Hoàng Hiệp, 2020).
Nam Định là một tỉnh lớn thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, quy mô GRDP theo giá hiện hành đạt 70.625 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 39,7 triệu đồng, tương đương 1.707 USD, tăng 212 USD so với năm 2018. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 20,60% trong cơ cấu nền kinh tế (Cục Thống kê Nam Định, 2019). Nam Định cũng là tỉnh có vai trò trọng tâm trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng. Để đảm bảo nước tưới phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tính đến năm 2020 hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh gồm có 282 cống đầu mối, 609 trạm bơm điện tưới tiêu, 245 nhà quản lý công trình, 3322 cống cấp II và tổng chiều dài kênh cấp I, cấp II là 5101km (Chi cục Thủy lợi Nam Định, 2020). Mức độ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp đạt bình quân hơn 90% kế hoạch đề ra. hệ thống thủy lợi hoạt động với công suất trung bình đạt 89% so với năng lực thiết kế. Số lượng công trình thuộc hệ thống thủy lợi Nam Định do các công ty TNHH MTV KTCTTL quản lý tương đối nhiều.
Hệ thống thủy lợi tỉnh Nam Định được quy hoạch nhiều năm nên đã đảm bảo được mức độ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc phân cấp quản lý hệ thống thủy lợi từ đầu mối đến mặt ruộng tại tỉnh Nam Định đã được tỉnh thực hiện một cách rò ràng. Các hoạt động hỗ trợ cho công tác triển khai quy hoạch tại các cơ quan quản lý hệ thống thủy lợi luôn được quan tâm và thực hiện theo đúng kế hoạch như công tác quản lý vận hành khai thác, công tác tài chính, áp dụng khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế về số lượng công trình và chất lượng dịch vụ tưới tiêu. Trong giai đoạn 2013 – 2019, số lượng các loại công trình do tỉnh quản lý đã tăng 16,8%. Tuy nhiên về tình trạng sử dụng, tỷ lệ công trình xuống cấp vẫn ở mức cao (tỷ lệ trung bình là 33,2%) do kết cấu hạ tầng thủy lợi được xây dựng qua nhiều giai đoạn, trong đó có nhiều công trình thủy lợi được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Các công trình đầu mối có tỷ lệ xuống cấp khá cao, như gần 30% cống đầu mối xuống cấp, gần 40% nhà quản lý công trình không đảm bảo quá trình vận hành khai thác. Hiện công trình thủy lợi lớn, công trình liên vùng trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được tập trung đầu tư và chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho lúa, dân sinh; công trình phục vụ cấp nước cho cây trồng cạn, nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế tài chính trong phát triển hệ thống thủy lợi chưa có bước đột phá, việc phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi chủ yếu vẫn phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước. Một số hệ
thống thủy lợi chưa đồng bộ từ đầu mối đến mặt ruộng, phần lớn hệ thống kênh mương nội đồng chưa được hoàn thiện dẫn đến hiệu quả tưới tiêu chưa cao. Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Nam Định đã tạo sức ép lớn lên công tác thủy lợi, tác động làm suy giảm nguồn nước, sụt lún đất, lấn chiếm không gian cho tiêu thoát nước, gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Tiêu thoát nước dân sinh, rác thải sinh hoạt đổ trực tiếp vào hệ thống thủy lợi cũng gây tác động tiêu cực đến việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là yêu cầu cấp bách mà tỉnh Nam Định cần phải giải quyết để nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định - 1
- Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định - 2
- Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp
- Triển Khai Quy Hoạch Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi
- Thực Trạng Phát Triển Hệ Thống Thủy Lợi Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Thế Giới
Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.
Để tỉnh Nam Định phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, linh hoạt, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, cần có một nghiên cứu cụ thể để đưa ra các giải pháp nhằm làm nguồn thông tin tham khảo có cơ sở khoa học.
Nghiên cứu này sẽ xem xét tổng quát và toàn diện hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định về các mặt như quy hoạch hệ thống thủy lợi, hiện trạng về quy mô số lượng công trình thủy lợi và công tác quản lý vận hành khai thác trong điều kiện triển khai Luật Thủy lợi đi vào cuộc sống nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Nam Định.
1.2. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
(1) Phát triển hệ thống thủy lợi cấp tỉnh phục vụ sản xuất nông nghiệp bao gồm những nội dung gì?
(2) Thực trạng phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian qua như thế nào?
(3) Các yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định?
(4) Giải pháp gì được đưa ra để phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian tới?
1.3. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1.3.1. Mục tiêu chung
Trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống thủy lợi ở tỉnh Nam Định, nghiên cứu sẽ đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian tới.
1.3.2. Mục tiêu cụ thể
(1) Nghiên cứu sẽ luận giải, làm rò hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
(2) Nghiên cứu sẽ đánh giá thực trạng và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2017 – 2020.
(3) Nghiên cứu sẽ đề xuất giải pháp nhằm phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định định hướng đến năm 2030.
1.4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài tập trung vào hệ thống thủy lợi công ích phục vụ sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Nam Định bao gồm cả vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, các yếu tố ảnh hưởng sự phát triển hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Đối tượng thu thập thông tin chủ yếu của đề tài là các tổ chức hợp tác dùng nước, hộ nông dân có sản xuất nông nghiệp; các cơ quan quản lý có liên quan trên địa bàn tỉnh Nam Định như Sở NN&PTNT Nam Định, Chi cục Thủy lợi Nam Định, một số công ty TNHH MTV KTCTTL thuộc tỉnh Nam Định.
1.4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nội dung: Đề tài tập trung phân tích, đánh giá sự phát triển hệ thống thủy lợi cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đề tài thực hiện phân tích các yếu tố ảnh hưởng, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, giới hạn ở tiểu ngành trồng trọt trên địa bàn tỉnh Nam Định.
- Phạm vi không gian: Luận án được tiến hành nghiên cứu trên phạm vi tỉnh Nam Định, trong đó tập trung khai thác sâu 5 huyện đại diện là Mỹ Lộc, Ý Yên, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thủy.
- Phạm vi thời gian: Nghiên cứu thực trạng phát triển hệ thống thủy lợi tỉnh Nam Định giai đoạn 2017 – 2020. Giai đoạn này là giai đoạn Luật Thủy lợi được triển khai đi vào đời sống và tình hình vận hành hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Các dữ liệu sơ cấp
sẽ thu thập vào các năm 2018, 2019. Các định hướng và giải pháp phát triển hệ thống thủy lợi được đề xuất cho giai đoạn 2022 - 2030.
1.5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI
Đề tài đã luận giải và làm sáng tỏ thêm phương pháp luận nghiên cứu về phát triển hệ thống thủy lợi cấp tỉnh dựa trên cách tiếp cận chất lượng dịch vụ cho SXNN gồm 32 biến tác động. Đề tài cũng đóng góp khung nghiên cứu và sơ đồ phân tích cho việc đánh giá sự phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một tỉnh.
Kết quả nghiên cứu đã định lượng được các yếu tố ảnh hưởng, đo lường chất lượng dịch vụ thủy lợi đến sự phát triển HTTL phục vụ SXNN. Luận án đã sử dụng phương pháp định giá ngẫu nhiên để xác định mức phí thủy lợi nội đồng nhằm đưa ra căn cứ để áp dụng mức giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi trong việc cung cấp dịch vụ tưới tiêu. Luận án đã đề xuất được hệ thống các giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên dựa trên mức độ ảnh hưởng, từ đó có thể áp dụng cho các địa phương có điều kiện tương tự. Luận án còn cung cấp cơ sở dữ liệu, là nguồn thông tin mới giúp cho cán bộ quản lý, cán bộ chỉ đạo ngành làm căn cứ hoạch định chính sách.
Luận án đã sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá để xác định mức độ hài lòng của người sử dụng nước đối với hoạt động của hệ thống thủy lợi, trong đó đưa vào nhóm nhân tố mới là Phí thủy lợi nội đồng, đây là đóng góp mới quan trọng của luận án dựa trên cách tiếp cận quản lý dịch vụ thủy lợi. Luận án đã sử dụng phương pháp mức sẵn lòng chi trả để xác định mức thu phí thủy lợi nội đồng nhằm đưa ra căn cứ để áp dụng mức giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi trong việc cung cấp dịch vụ tưới tiêu nhằm nâng cao hoạt động hệ thống thủy lợi. Các phương pháp này có giá trị tham khảo cho nhà nghiên cứu.
1.6. Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Ý nghĩa lý luận: Đề tài đã làm rò thêm mối liên hệ giữa phát triển hệ thống thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, bổ sung các khái niệm có liên quan. Vận dụng sự đánh giá mức độ hài lòng của hộ nông dân sử dụng nước đối với hệ thống thủy lợi, luận án đưa ra các giải pháp phát triển, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đây là những kiến thức, phương pháp có ý nghĩa khoa học trong giảng dạy, nghiên cứu và hoạch định chính sách. Luận án đã định lượng được các yếu tố ảnh hưởng và
chất lượng dịch vụ thủy lợi đến sự phát triển HTTL phục vụ SXNN cấp tỉnh. Từ đó, luận án có cơ sở khoa học đề xuất giải pháp phát triển HTTL theo hướng dịch vụ công ích và thị trường.
Ý nghĩa thực tiễn: Đề tài cung cấp cơ sở dữ liệu phong phú về: Thực trạng phát triển hệ thống thủy lợi; Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ thống thủy lợi, đặc biệt là trong quản lý vận hành khai thác. Kết quả của luận án này có thể vận dụng cho nghiên cứu sự phát triển HTTL cho các tỉnh trong cả nước, đặc biệt khu vực ĐBSH. Kết quả của luận án sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ngành Kinh tế nông nghiệp, Quy hoạch và quản lý tài nguyên nước và các cơ quan nghiên cứu, quản lý Nhà nước về lĩnh vực thủy lợi, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
PHẦN 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THỦY LỢI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.1.1. Các khái niệm cơ bản
2.1.1.1. Phát triển
Dưới các góc độ khác nhau thì cũng có nhiều khái niệm về phát triển.
Khái niệm ban đầu của “Phát triển” bắt đầu được thảo luận từ thế kỷ 19 và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội (Abercrombie & cs., 1994; Cliché, 2005). Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khái niệm “Phát triển” được đưa ra để chỉ sự tiến hóa có chiều hướng tích cực của các sự vật trong tự nhiên. Trong lĩnh vực khoa học xã hội, khái niệm “Phát triển” được biến đổi phù hợp với các ngành nghiên cứu trong xã hội như “phát triển kinh tế” (Todaro, 2000), “phát triển xã hội” (Seers, 1969), “phát triển con người” (UNDP, 1990), “phát triển bền vững” (Adams, 2006).
Theo ngân hàng thế giới (WB) thì “Phát triển trước hết là sự tăng trưởng về kinh tế, nó còn bao gồm cả những thuộc tính quan trọng và liên quan khác, đặc biệt là sự bình đẳng về cơ hội, sự tự do về chính trị và các quyền tự do của con người” (World Bank, 1992). Khái niệm này của WB hiện tập trung nhấn mạnh vào sự gia tăng của cải của nền kinh tế và sự tiến bộ của con người, chưa đề cập đến sự gia tăng cụ thể về số lượng, chất lượng theo chiều hướng đi lên của cụ thể một đối tượng hay một hiện tượng kinh tế - xã hội. Các khái niệm “phát triển” theo trường phái kinh tế không xác định được ý nghĩa thực sự của sự phát triển bởi vì nó không xem xét đến từng cá thể trong cộng đồng, tập hợp.
Phát triển còn được định nghĩa là quá trình mở rộng các sự lựa chọn cho con người để sống lâu dài, khỏe mạnh và tiếp cận các nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu sống (UNDP, 1990).
Phát triển còn được định nghĩa là một sự thay đổi cấu trúc trong xã hội liên quan đến chuyển đổi lâu dài của xã hội (Thomas, 2004). Khái niệm phát triển này được đề cập đến như một quá trình thay đổi lịch sử do sự thay đổi trong một khoảng thời gian lâu dài làm chuyển đổi cấu trúc của sự vật – hiện tượng.
Theo quan điểm kinh tế - xã hội thì “Phát triển” được định nghĩa là phong trào đi lên của toàn bộ hệ thống xã hội bao gồm các yếu tố kinh tế và phi kinh tế.
Các yếu tố kinh tế bao gồm việc làm và cơ hội việc làm trong khi giáo dục, y tế, phân phối quyền lực, phân tầng xã hội và chính trị cấu thành nên các yếu tố phi kinh tế (Myrdal, 1974).
Ngoài những định nghĩa ở trên thì khái niệm “Phát triển” được đề cập bởi nhiều nhà nghiên cứu trong đó tập trung chủ yếu vào (i) sự gia tăng quy mô của hiện tượng, sự vật, sự việc; (2) sự nâng cao về chất lượng của bản thân hiện tượng, sự vật, sự việc.
Căn cứ vào các định nghĩa được phân tích ở trên, luận án đưa ra định nghĩa về phát triển trong nội dung của luận án như sau:
“Phát triển là sự vận động, biến đổi có chiều hướng tích cực của một hiện tượng kinh tế - xã hội. Phát triển bao gồm hai nội dung là gia tăng về số lượng, quy mô hiện tượng và sự tăng lên về chất lượng của hiện tượng cũng như chất lượng sản phẩm do hiện tượng đó tạo nên”.
2.1.1.2. Hệ thống thủy lợi
Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về hệ thống thủy lợi.
Quá trình cung cấp nước cho cây trồng - vật nuôi được gọi là tưới tiêu và sử dụng các công cụ như kênh, trạm bơm, hồ, đập để thực hiện được quá trình đó (Karina, 2004). Khái niệm này đã liệt kê các thành phần cấu tạo nên hệ thống thủy lợi.
Thủy lợi đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Hệ thống thủy lợi gồm các bộ phận hoạt động tự động và hoạt động thủ công (Krishnan, 2020). Khái niệm này đã nhấn mạnh đến vai trò và các phương thức vận hành các bộ phận trong hệ thống thủy lợi.
Tại Việt Nam, trong Luật Thủy lợi do Quốc hội ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2017 đã định nghĩa về thủy lợi như sau: Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước.
Trong Luật Thủy lợi cũng định nghĩa cụ thể “Công trình thuỷ lợi” là công trình thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong đó có công trình và thiết bị, gồm: Hồ chứa nước; các khu chứa, trữ nước; đập; cống; trạm bơm; giếng; công trình lọc