Nghiên Cứu Các Khía Cạnh Cụ Thể Của Phát Triển Du Lịch Bền Vững, Các Kinh Nghiệm Và Giải Pháp Thực Tế Phát Triển Du Lịch Bền Vững


vững ở khu bảo tồn (1997); Mã đạo đức toàn cầu cho du lịch (1999); Các thiết kế của Chương trình Nghị sự 21 cho du lịch ở EU.

- Cuốn “Making Tourism More Sustainable - A Guide for Policy Makers” (Để du lịch bền vững hơn - Hướng dẫn cho các nhà hoạch định) do UNEP và UNWTO biên soạn [144]: Được biên soạn nhằm đưa ra các hướng dẫn và khuyến nghị về phát triển du lịch bền vững đối với các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, trong nội dung 5 chương của cuốn sách, một số quan điểm lý luận chung về phát triển du lịch bền vững của UNEP và UNWTO đã được hệ thống và thể hiện, như các phân tích về mối quan hệ giữa du lịch và tính bền vững; giới thiệu một số nguyên tắc cơ bản và các khuyến nghị chính sách cho một chương trình phát triển du lịch bền vững; xác định cấu trúc và chiến lược để sự phát triển du lịch bền vững hơn; giới thiệu các bộ công cụ đánh giá phát triển du lịch bền vững.

- Cuốn sách “Indicators of Sustainable Development for Tourism Destinations” (Bộ chỉ số phát triển bền vững cho các điểm đến du lịch) do UNWTO ấn hành [145]: Là kết quả của một nghiên cứu sâu rộng về các sáng kiến chỉ số du lịch toàn thế giới, tài liệu được UNWTO xác định là chìa khóa cho sự phát triển du lịch và quản lý một điểm đến nhất định đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên lựa chọn thường xuyên như một công cụ cần thiết cho quá trình lập kế hoạch và quản lý hoạch định chính sách phát triển bền vững tại các điểm đến du lịch. Nội dung tài liệu phân tích về sự cần thiết xây dựng và ứng dụng chỉ số phát triển bền vững cho các điểm đến du lịch; hướng dẫn một quy trình để có thể xác định các chỉ số đáp ứng tốt nhất các vấn đề của điểm du lịch cụ thể; đề xuất một bộ 13 nhóm với trên 40 chỉ số cụ thể phát triển bền vững tại các điểm đến du lịch, bao gồm các nhóm chỉ số liên quan đến an sinh, duy trì bản sắc văn hóa, sự hài lòng và tham gia của cộng đồng bản địa trong du lịch, yếu tố sức khỏe và an toàn, khả năng nắm bắt lợi ích kinh tế từ du lịch, công tác giám sát sử dụng tài nguyên và quản lý năng lượng, việc hạn chế tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch, trình độ kiểm soát và quản lý, việc thiết kế sản phẩm và dịch vụ,tính bền vững của các hoạt động và dịch vụ du lịch ... Cuốn sách cũng hướng dẫn việc sử dụng các chỉ số cho việc lập kế hoạch, quản lý và các mục đích khác nhằm hỗ trợ


việc hình thành và thực hiện chính sách du lịch bền vững; đưa ra các ví dụ tham chiếu cụ thể về ứng dụng bộ chỉ số ở các mức độ và cấp độ khác nhau, tương ứng với đó là nhwungx kết quả phát triển bền vững điểm đến khác nhau, từ đó khuyến nghị các vấn đề cần thiết cho việc áp dụng bộ chỉ số. Sách có ý nghĩa tham khảo thiết thực cả về lý thuyết cũng như cho công tác hoạch định chính sách và thực hành phát triển bền vững du lịch của các quốc gia, khu vực, địa phương.

Nhiều công trình nghiên cứu khác cũng đề cập, phân tích, hệ thống các nội dung lý luận chung về phát triển du lịch bền vững ở các mức độ và phạm vi khác nhau như: Cuốn “Tourism and Sustainable Development: Mornitoring, Planning, Managing” (Du lịch và sự phát triển bền vững: Giám sát, Kế hoạch, Quản lý) của Butler R.W., Nelson J. G. & Wall G. [123]; bài viết “Tourism and sustainable development” (Du lịch và sự phát triển bền vững) của Murphy, P. E. [137]; Bài viết “Sustainable tourism development: a critique” (Phát triển du lịch bền vững: Một số bình luận) của Liu, Z. [133];...

1.1.2. Nghiên cứu các khía cạnh cụ thể của phát triển du lịch bền vững, các kinh nghiệm và giải pháp thực tế phát triển du lịch bền vững

1.1.2.1. Nghiên cứu mối quan hệ giữa tài nguyên du lịch và phát triển du lịch bền vững

- Tài liệu “Tourism and Natural Resource Management: A General Overview of Research and Issues” (Du lịch và quản lý tài nguyên thiên nhiên: Nghiên cứu tổng quan và các vấn đề) của Jeffrey D. Kline [131]: Tác giả phân tích tác động qua lại giữa tài nguyên thiên nhiên và phát triển du lịch, nhất là các loại hình du lịch dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và có sự tương tác cao với tài nguyên thiên nhiên như du lịch sinh thái, trong đó đánh giá ý nghĩa quan trọng của tài nguyên cho phát triển du lịch, đồng thời cũng nêu vai trò của việc phát triển các loại hình du lịch thân thiện môi trường với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tác giả cũng đề xuất một số giải pháp quản lý và các phương cách sử dụng tài nguyên có hiệu quả cho phát triển du lịch.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.

- Cuốn sách “Sustainable Tourism as driving force for cultural heritage site development” (Du lịch bền vững là động lực phát triển di sản văn hóa), biên tập và tác giả chính Engelbert Ruoss, Loredana Alfarè [126]: Các tác giả hệ thống một số


Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ - 3

nội dung lý luận về di sản văn hóa, về du lịch bền vững, các quy định pháp lý quốc tế về bảo vệ di sản; phân tích mối quan hệ tương tác hai chiều giữa du lịch và di sản văn hóa, những thuận lợi và thách thức đặt ra từ sự phát triển du lịch đối với việc bảo vệ nguyên trạng di sản văn hóa ở các điểm đến; mô tả và phân tích các trường hợp thực tế điển hình về sự thành công trong việc duy trì sự cân bằng và khai thác hiệu quả yếu tố tích cực trong quan hệ tương tác du lịch - di sản văn hóa ở hai thành phố di sản nổi tiếng thế giới là Venice (Ý) và Dubrovnik (Croatia), từ đó khuyến nghị các giải pháp chính sách và ứng dụng nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực, khai thác những mặt tích cực của mối quan hệ này để hướng đến sự phát triển bền vững của du lịch và bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Ấn phẩm có ý nghĩa tham khảo cả về lý luận và thực tiễn đối với đề tài, nhất là trong việc nghiên cứu các giải pháp phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Phú Thọ - nơi có nhiều di sản được xếp hạng, trong đó có hai di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại

- cho phát triển du lịch bền vững ở địa phương.

1.1.2.2. Nghiên cứu về một số hình thức, hướng phát triển du lịch có yếu tố bền vững

- Cuốn “Ecotourism and Sustainable Development: Who Owns Paradise?” (Du lịch sinh thái và phát triển bền vững: Ai sở hữu thiên đường?) của Martha Honey [135]: Cuốn sách là một trong số những nghiên cứu đầu tiên về đề tài này. Sau đó, trong lần tái bản vào năm 2008, một số nội dung cả về lý thuyết và thực tiễn đã được cập nhật, bổ sung thêm. Trên cơ sở những thông tin, tư liệu thực tế phong phú về hoạt động du lịch ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung nghiên cứu điển hình ở 6 quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển và một số địa phương trên đất nước Mỹ, tác giả đưa ra những nhận định tổng quan về du lịch sinh thái trên thế giới và mối quan hệ với phát triển bền vững; đánh giá sự phát triển của du lịch sinh thái trong chiến lược du lịch bền vững của mỗi quốc gia, trong mối quan hệ với hệ thống chính trị và sự thay đổi tương ứng của các chính sách kinh tế - xã hội của quốc gia đó; phân tích những tác động kinh tế và văn hóa của việc mở rộng du lịch đến quần thể bản địa cũng như trên các hệ sinh thái. Tác giả đặt ra các câu hỏi: Có thể giúp các nước đang phát triển thu được lợi ích kinh tế từ du lịch, đồng thời bảo vệ được môi trường hoang sơ, bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh? du lịch "xanh" đang được tích cực tiếp thị như một giải pháp "cùng thắng" cho thế giới thứ ba thực


sự có thể đem lại kết quả như vậy? Làm sao để có sự công bằng hơn trong việc hưởng lợi từ du lịch? Câu trả lời gắn với đề xuất về việc xây dựng và kiên trì thực hiện chiến lược du lịch bền vững như một yêu cầu và điều kiện tiên quyết trong suốt quá trình phát triển du lịch; về các giải pháp nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và hệ sinh thái; giáo dục trách nhiệm, lương tâm xã hội trong ngành công nghiệp du lịch; cộng đồng và bình đẳng lợi ích, tăng cường sự chia sẻ giữa các quốc gia nhất là giữa các nước phát triển với nước đang phát triển và nước nghèo.

- Cuốn “Ecotourism: A Sustainable Approach of Tourism in Jordan”(Du lịch sinh thái: Một cách tiếp cận bền vững của du lịch ở Jordan) của Al-mughrabi và Abeer [122]: Các tác giả cuốn sách nêu một số nội dung lý luận về du lịch sinh thái như định nghĩa, nguyên tắc, tác động của du lịch sinh thái đối với tài nguyên và môi trường, từ đó khẳng định vai trò của du lịch sinh thái như một hướng phát triển du lịch bền vững hơn. Trên cơ sở hệ thống lý luận về du lịch sinh thái, các tác giả nêu một số điển hình về kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái ở Úc và Bulgaria và đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch sinh thái ở Jordan, đưa ra một số khuyến nghị chính sách thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở Jordan. Các khuyến nghị này cũng có thể nghiên cứu để vận dụng cho các quốc gia, địa phương có những tài nguyên và điều kiện phát triển du lịch tương tự.

- Cuốn “Tourism and sustainable community development” (Du lịch và phát triển cộng đồng bền vững) của Greg Richards và Derek Hall [128]: Dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu phong phú được tiến hành ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, tác giả tìm cách trả lời câu hỏi: các cộng đồng địa phương có thể đóng góp những gì cho du lịch bền vững và ngược lại, du lịch bền vững sẽ mang lại điều gì cho các cộng đồng địa phương? Ở đây, dưới các biểu hiện cụ thể khác nhau, những tác động của du lịch đến sự phát triển và bảo tồn bản sắc của cộng đồng bản địa cũng như vai trò của các cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững trên cả ba khía cạnh kinh tế, văn hóa và môi trường được khắc họa một cách chân thực và sinh động; từ đó tác giả khẳng định và nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ tương tác giữa du lịch và cộng đồng trong phát triển bền vững, đề xuất các giải pháp nhằm tạo điều kiện để các cộng đồng được tham gia và hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động du lịch, cũng chính là cách thức để sự phát triển của du lịch có tính hài hòa, bền vững hơn.


- Bài viết “Sustainable Rural Tourism: Lessons for Rural Development” (Du lịch nông thôn bền vững: Bài học cho phát triển nông thôn) của Ruth McAreavey và John McDonagh [138]: Qua nghiên cứu một số trường hợp điển hình du lịch nông thôn ở vùng Bắc Ireland, các tác giả đề cập đến một hình thức du lịch cụ thể, với đặc thù của các hoạt động du lịch gắn với điểm đến là vùng nông thôn; đánh giá các yếu tố bền vững từ góc độ văn hóa, xã hội của hình thức du lịch này. Bốn chủ đề được phân tích trong bài viết (năng lực thể chế, tính hợp pháp của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch, sự điều hướng quan hệ lợi ích giữa các bên liên quan, du lịch nông thôn bền vững trong thực tế) nhằm trả lời cho câu hỏi: Những khả năng mà du lịch nông thôn bền vững có thể đem lại cho phát triển nông thôn? ngược lại, một khu vực nông thôn phát triển hỗ trợ gì cho phát triển du lịch bền vững ở điểm đến nông thôn đó? Từ đó làm rõ mối quan hệ giữa du lịch nông thôn bền vững và phát triển nông thôn, ý nghĩa của phát triển du lịch nông thôn bền vững đối với phát triển nông thôn, của phát triển nông thôn với du lịch nông thôn bền vững.

- Bài viết “Cultural tourism and sustainable development”(Du lịch văn hóa và phát triển bền vững) của Valeriu và Elena-Manuela [148]: Các tác giả tập trung phân tích những tác động ảnh hưởng của các loại hình du lịch văn hóa đối với sự phát triển của một vùng, miền, khu vực kinh tế, xã hội. Những tác động, ảnh hưởng đó theo hướng tích cực hay hạn chế, đóng góp ở mức độ nào cho sự phát triển bền vững của một vùng, miền, khu vực tùy thuộc vào việc loại hình du lịch văn hóa cụ thể có được tổ chức tốt và được quản lý khoa học, cân đối giữa khai thác và bảo tồn giá trị văn hóa, phát huy được yếu tố tích cực của giá trị văn hóa và huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong các hoạt động du lịch hay không. Khi các khía cạnh bền vững được thể hiện trong du lịch văn hóa thì sự đóng góp của du lịch văn hóa đó cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương mang tính bền vững.

1.1.2.3. Nghiên cứu các kinh nghiệm, giải pháp cụ thể phát triển du lịch bền vững

Nhiều công trình, tài liệu nghiên cứu của các học giả, nhóm học giả, các tổ chức trên thế giới về những kinh nghiệm, giải pháp cụ thể phát triển du lịch bền vững. Các nghiên cứu này thường vận dụng những nội dung lý thuyết chung về phát triển du lịch bền vững vào việc đánh giá, phân tích các chương trình, kế hoạch,


chính sách, thực trạng phát triển du lịch của một quốc gia, khu vực hoặc cụ thể hơn là phân tích, đánh giá một số mô hình phát triển du lịch ở các quốc gia, địa phương, từ đó rút ra những kinh nghiệm và đề xuất, khuyến nghị các giải pháp về thể chế, chính sách, chiến lược cũng như giải pháp tổ chức thực hiện cho phát triển du lịch bền vững ở một số khía cạnh nội dung, một số điểm đến hoặc địa phương, quốc gia cụ thể; đồng thời cũng qua phân tích, đánh giá thực tế để đề xuất bổ sung các nội dung lý luận về phát triển du lịch bền vững. Có thể nêu một số công trình nghiên cứu theo hướng này như: “Sustainable Ecotourism in Amazonia: Evaluation of Six Sites in Southeastern Peru” (Du lịch sinh thái bền vững ở Amazonia: Đánh giá 6 điểm đến ở Đông Nam Peru) của Tiffany M. Doan [140]; “The Kerala Tourism Model - An Indian State - on the Road to Sustainable Development” (Mô hình du lịch ở Kerala - một tiểu bang của Ấn Độ - Trên con đường tới sự phát triển bền vững) của Tatjana Thimm [139]; “Rural Tourism in Spain” (Du lịch nông thôn ở Tây Ban Nha) của Michael Barke [136]...

1.2. NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TRONG NƯỚC

1.2.1. Nghiên cứu lý luận chung về phát triển du lịch bền vững

- Tuyển tập báo cáo tại Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với Quỹ HANNS SEIDEL tổ chức [93]. Đây là tập hợp các bài nghiên cứu, bài viết của các nhà khoa học quốc tế và trong nước về các nội dung liên quan đến phát triển du lịch bền vững. Các tác giả đã đề cập, phân tích các khía cạnh của phát triển du lịch bền vững. Nhiều nghiên cứu đã tóm lược một số nội dung lý luận về phát triển du lịch như nội hàm khái niệm du lịch, quan niệm về du lịch bền vững, các dấu hiệu, yếu tố tác động, đánh giá tính bền vững trong một số loại hình hoặc hướng phát triển du lịch cụ thể (du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…); nhìn nhận, đánh giá thực tế mối quan hệ giữa sự phát triển của du lịch với duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa và phát triển cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ; phân tích trường hợp điển hình về phát triển du lịch bền vững hoặc không bền vững tại một số quốc gia, vùng du lịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam và rút ra những kinh nghiệm cụ thể. Trên cơ sở thảo luận, nghiên cứu,


phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn, các tác giả đã đưa ra khuyến nghị chính sách cho sự phát triển và quản lý phát triển du lịch Việt Nam theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, trong giới hạn các bài viết, bài nghiên cứu ngắn của một hội thảo, các nội dung lý luận về phát triển du lịch bền vững chưa được phân tích sâu; nhiều khía cạnh của du lịch bền vững chưa được đề cập cụ thể.

- “Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, tác giả Phạm Trung Lương [56]. Đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống ở cấp độ Nhà nước về phát triển du lịch bền vững. Công trình đã tiếp cận khoa học các vấn đề về phát triển du lịch bền vững; tổng quan và hệ thống hóa một số nội dung lý luận về phát triển du lịch bền vững như khái niệm, những nguyên tắc cơ bản, dấu hiệu nhận biết, mô hình lý thuyết về phát triển du lịch bền vững; phân tích một số mô hình và kinh nghiệm quốc tế; phân tích thực trạng phát triển du lịch Việt Nam với các số liệu nghiên cứu từ năm 1992 đến thời điểm thực hiện đề tài; xác định một số vấn đề cơ bản liên quan đến phát triển du lịch bền vững đối với Việt Nam; đề xuất một số giải pháp chính sách và thực tiễn cho phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.

- “Phát triển du lịch bền vững khu vực duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam”, do trường Đại học Thương mại, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng và Trường Đại học Nam Hoa (Đài Loan) đồng tổ chức [24]. Kỷ yếu gồm 59 bài nghiên cứu, bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế. Trong nội dung nhiều bài viết, các tác giả đã hệ thống những vấn đề lý luận chung về phát triển du lịch bền vững, làm rõ nội hàm khái niệm phát triển du lịch bền vững, các nguyên tắc, khía cạnh bền vững trong phát triển du lịch, sản phẩm du lịch, thương hiệu và quảng bá du lịch, liên kết phát triển du lịch bền vững.

- Bài viết “Luận bàn về quan điểm phát triển du lịch bền vững và không bền vững” của Lê Chí Công [9]. Sau khi khái lược một loạt quan điểm về phát triển du lịch bền vững, tác giả phân tích, so sánh những điểm khác nhau cơ bản giữa phát triển du lịch bền vững và không bền vững dựa trên các yếu tố đánh giá như tốc độ phát triển, mức độ kiểm soát, mục tiêu, phương pháp tiếp cận, đối tượng tham gia kiểm soát, yếu tố chiến lược, kế hoạch, quản lý, việc sử dụng nguồn lực, thái độ của du khách…; nhấn mạnh sự cần thiết phải đi đến một quan điểm toàn diện và đầy đủ


về phát triển du lịch bền vững, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và vận dụng trong thực tiễn quản lý phát triển du lịch.

- Một số Luận án Tiến sĩ Kinh tế đã được công bố có nội dung nghiên cứu lý luận về phát triển du lịch bền vững:

+ Trần Tiến Dũng “Phát triển du lịch bền vững ở Phong Nha - Kẻ Bàng” [22]. Luận án khái lược một số vấn đề lý luận chung về phát triển du lịch bền vững như các quan niệm về du lịch bền vững và phát triển du lịch bền vững, mục tiêu, nguyên tắc, các chỉ số đánh giá tính bền vững của du lịch. Luận án có ý nghĩa tham khảo nhất định cho việc nghiên cứu các giải pháp phát triển bền vững một số loại hình du lịch cụ thể. Tuy nhiên, một số nội dung lý luận của du lịch bền vững như các tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững, các yếu tố tác động đến phát triển du lịch bền vững chưa được tác giả nghiên cứu sâu.

+ Nguyễn Đức Tuy “Giải pháp phát triển du lịch bền vững Tây Nguyên” [103]. Luận án hệ thống một số nội dung lý luận về phát triển du lịch bền vững như định nghĩa, các yếu tố tác động, các tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững; các vấn đề về hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, một số vấn đề chung về du lịch bền vững như các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, vấn đề sức chứa trong du lịch để đảm bảo tính bền vững chưa được tác giả đề cập sâu.

+ Nguyễn Tư Lương “Chiến lược phát triển du lịch bền vững tỉnh Nghệ An đến năm 2020” [53]. Trong phần khái lược, hệ thống nội dung lý luận chung về phát triển du lịch bền vững, luận án đã tổng hợp, phân tích các quan điểm tiếp cận về phát triển du lịch bền vững và chiến lược phát triển du lịch bền vững, nêu vai trò và phân tích nội dung cơ bản của chiến lược phát triển du lịch bền vững đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của một địa phương. Tuy nhiên, luận án chủ yếu chỉ tiếp cận và tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển du lịch bền vững, do đó một số nội dung lý luận chung khác về phát triển du lịch bền vững như các nguyên tắc, tiêu chí đánh giá phát triển bền vững chưa được đề cập. Mặt khác, trong nội dung nghiên cứu về quy trình xây dựng chiến lược, luận án chưa đề cập sâu đến vấn đề dự báo dài hạn các yếu tố liên quan và vấn đề liên kết, phối hợp chiến lược giữa các địa phương.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/03/2023