1.2.2. Nghiên cứu các khía cạnh cụ thể của phát triển du lịch bền vững, các kinh nghiệm và giải pháp thực tế phát triển du lịch bền vững
1.2.2.1. Nghiên cứu mối quan hệ giữa tài nguyên du lịch và phát triển du lịch bền vững
- Cuốn sách “Tài nguyên du lịch Việt Nam” của Thế Đạt [33]. Với mục đích hệ thống nguồn tài nguyên du lịch phong phú của Việt Nam phục vụ cho phát triển du lịch, công trình đã tổng hợp các thông tin liên quan đến nhiều tài nguyên du lịch trên đất nước Việt Nam (như địa danh có tài nguyên, nguồn gốc của tài nguyên phi vật thể, ý nghĩa, giá trị của tài nguyên…) theo từng nhóm loại: Tài nguyên du lịch của hệ sinh thái đồng bằng; tài nguyên của hệ sinh thái núi - rừng, biển đảo; tài nguyên lễ hội, các thể loại ca nhạc tiêu biểu, các nhạc cụ truyền thống của một số dân tộc; tài nguyên của loại hình du lịch cộng đồng. Tuy chưa đầy đủ, còn nhiều tài nguyên du lịch nhất là các tài nguyên du lịch nhân văn chưa được thống kê, nhưng tài liệu có ý nghĩa tham khảo thiết thực cho việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình du lịch, liên kết trong phát triển du lịch để tăng tính hấp dẫn, đa dạng của sản phẩm du lịch các vùng miền; đồng thời góp phần vào việc hệ thống hóa tài nguyên và xây dựng các biện pháp bảo vệ tài nguyên cho phát triển du lịch bền vững.
- “Phát triển du lịch sinh thái bền vững ở Tây Bắc Việt Nam trên phương diện đánh giá điều kiện tự nhiên” của Đỗ Trọng Dũng [23]. Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của du lịch sinh thái bền vững cho khu vực Tây Bắc của đất nước, công trình đi sâu vào một số nội dung nghiên cứu chính: hệ thống các khái niệm cơ bản về phát triển du lịch sinh thái, vị trí của du lịch sinh thái trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; đánh giá điều kiện tự nhiên, phân tích mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên và các tài nguyên du lịch tự nhiên đối với du lịch sinh thái bền vững, vai trò của các điều kiện tự nhiên và nhân văn trong phát triển du lịch sinh thái; phân tích hiện trạng phát triển và các mô hình quản lý hoạt động du lịch sinh thái ở tiểu vùng du lịch miền núi Tây Bắc. Nội dung công trình cũng đề xuất những giải pháp cho sự phát triển du lịch sinh thái trong khu vực nghiên cứu. Tuy nhiên, do chỉ tập trung nghiên cứu các yếu tố tự nhiên ở một khu vực địa lý cụ thể gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững nên các nội dung lý luận về phát triển du lịch bền vững nói chung mới chỉ được đề cập ở mức độ rất hạn hẹp. Ý nghĩa của công trình
nghiên cứu đối với đề tài thể hiện ở những thông tin cụ thể về điều kiện tự nhiên của các địa phương khu vực miền núi Tây Bắc; vềmột số giải pháp có giá trị tham khảo nhất định nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tự nhiên trong mối liên kết giữa các địa phương ở khu vực trong đó có tỉnh Phú Thọ cho phát triển du lịch bền vững.
- Bài viết “Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên cho phát triển du lịch bền vững” của Nguyễn Minh Tuệ, Phạm Lê Thảo [102]. Bài viết hệ thống các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung phân tích ý nghĩa và yêu cầu của nguyên tắc khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch. Theo các tác giả, sử dụng hợp lý tài nguyên bao gồm cả phát huy hiệu quả sử dụng trong hiện tại trên cơ sở kiểm kê đánh giá, quy hoạch phù hợp để sử dụng cho các mục tiêu cụ thể; đồng thời sử dụng sao cho các nguồn tài nguyên này còn có thể được lưu lại cho các thế hệ tương lai. Do đó, trong kế hoạch phát triển du lịch bền vững cần có sự tính toán hợp lý giữa phần sử dụng trước mắt với việc để dành lại một phần cho bảo tồn và tái tạo tài nguyên tự nhiên để ngăn chặn sự xuống cấp của tài nguyên và môi trường.
- Bài viết “Bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững” của Nguyễn Thế Đồng [35]. Tác giả phân tích, làm rõ vai trò của môi trường, vai trò, ý nghĩa của việc đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ đối với sự phát triển du lịch bền vững. Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới, theo tác giả, cần quan tâm một số giải pháp như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó quy định những nội dung mới như du lịch có trách nhiệm, chi trả dịch vụ môi trường hệ sinh thái; chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu du lịch đảm bảo tính khoa học; tăng cường năng lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, trong đó cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các chủ thể quản lý nhà nước với các công ty du lịch và cộng đồng dân cư địa phương; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội; phát triển sinh kế cho người dân góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch tại địa phương, hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa phương thức hợp tác trong phát triển du lịch bền vững.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ - 1
- Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ - 2
- Nghiên Cứu Các Khía Cạnh Cụ Thể Của Phát Triển Du Lịch Bền Vững, Các Kinh Nghiệm Và Giải Pháp Thực Tế Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Nhận Xét Chung Về Tình Hình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Đề Tài Và Những Vấn Đề Đặt Ra Cần Tiếp Tục Nghiên Cứu
- Đặc Điểm Và Vai Trò Của Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Nội Dung Và Tiêu Chí Đánh Giá Phát Triển Du Lịch Bền Vững
Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.
- Bài viết “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Võ Quế [60]. Từ những đánh giá, phân tích về kết quả tích cực cũng như những vấn đề còn hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản của quốc gia - trong đó có các di sản văn hóa của vùng đất Tổ Phú Thọ - trong hoạt động du lịch, tác giả đề xuất một số giải pháp trọng tâm cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch bền vững, đó là: Hoàn chỉnh hệ thống chính sách về di sản, nhất là những chính sách xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích; giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; thực hiện nghiêm chỉnh 6 nguyên tắc của Công ước quốc tế về du lịch văn hóa (tạo cơ hội quản lý tốt và có trách nhiệm cho các chủ thể tham gia du lịch; quản lý bền vững mối quan hệ giữa các địa điểm di sản và du lịch; lên kế hoạch bảo vệ và du lịch cho các địa điểm di sản; các cộng đồng chủ nhà và dân chúng bản địa phải được tham gia vào việc lập kế hoạch bảo vệ và du lịch; hoạt động du lịch và bảo vệ phải có lợi cho cộng đồng chủ nhà; các chương trình xúc tiến du lịch phải bảo vệ và phát huy các đặc trưng của di sản).
- Cuốn “Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch” của Dương Văn Sáu [66]. Tác giả đã nghiên cứu tổng quan về lễ hội Việt Nam với ý nghĩa là một loại tài nguyên nhân văn cho phát triển du lịch, cụ thể những đặc điểm, tính chất, các hoạt động diễn ra và tác động của lễ hội đến du lịch, nêu những giải pháp bảo tồn lễ hội và phát huy giá trị của các lễ hội cho phát triển du lịch, phân tích khía cạnh tích cực của du lịch trong việc thúc đẩy các hoạt động thực hành lễ hội theo hướng duy trì bản sắc và nét đẹp truyền thống, từ đó có ý nghĩa góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội.
1.2.2.2. Nghiên cứu về một số hình thức, hướng phát triển du lịch có yếu tố bền vững
- Cuốn “Du lịch sinh thái - Những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam” của Phạm Trung Lương [55]. Tác giả hệ thống, làm rõ một số nội dung lý luận về du lịch sinh thái, như quan niệm, định nghĩa về du lịch sinh thái; các đặc trưng, nguyên tắc, yêu cầu cơ bản của hoạt động du lịch sinh thái; phân tích mối
quan hệ giữa du lịch sinh thái và phát triển. Du lịch sinh thái, như những kiến giải của tác giả, có vai trò quan trọng đối với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển cộng đồng, phát triển bền vững, do đó, hoạt động du lịch sinh thái mang tính bền vững. Tác giả cũng phân tích những tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam; đề xuất định hướng và một số giải pháp cơ bản phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam.
- “Bộ công cụ du lịch có trách nhiệm”, do ESRT Việt Nam xây dựng [37]. Bộ công cụ này được ESRT xác định là một trong các mục tiêu xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong ngành du lịch Việt Nam để đạt được các lợi ích tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội (trong khi vẫn bảo tồn được các nguồn lực về tự nhiên và văn hóa từ du lịch). Tài liệu tổng hợp, phân tích một số vấn đề chung về du lịch và du lịch có trách nhiệm (một hướng phát triển du lịch mà theo ESRT là lấy những nguyên tắc của du lịch bền vững làm cốt lõi) như: định nghĩa về du lịch, tác động của du lịch đến môi trường, kinh tế và xã hội, các nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm, phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm, marketing và truyền thông có trách nhiệm trong du lịch, sử dụng lao động có trách nhiệm, xây dựng năng lực trách nhiệm của một tổ chức, chuỗi cung ứng du lịch có trách nhiệm, giám sát tác động của du lịch có trách nhiệm, hoạch định và quản lý du lịch có trách nhiệm, trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh một số loại dịch vụ gắn liền với du lịch, vấn đề kiểm soát sử dụng nguồn nước, năng lượng và rác thải trong kinh doanh du lịch, chính sách và quy hoạch du lịch có trách nhiệm. Tài liệu cũng đề cập vai trò, trách nhiệm của ba nhóm đối tượng trong phát triển du lịch có trách nhiệm: Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cộng đồng dân cư tại điểm đến có tham gia vào du lịch. Tài liệu không thể hiện nhiều về quan điểm nghiên cứu đối với các vấn đề mang tính học thuật mà chủ yếu dưới dạng hệ thống hóa thông tin, tư liệu có gắn với ví dụ và phân tích thực tế. Tuy nhiên, tài liệu có ý nghĩa tham khảo khá thiết thực nhất là trong quản lý du lịch và thực hành các hoạt động du lịch theo hướng bền vững đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở kinh doanh du lịch và với cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch.
- “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” do Bộ VH, TT&DL phối hợp với UNWTO tổ chức [7]. Cuốn Kỷ yếu tập hợp một số bài nghiên cứu của các học
giả quốc tế và trong nước về các nội dung liên quan đến chủ đề về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững. Trong nội dung các bài viết, các tác giả đề cập một số vấn đề chung về phát triển bền vững và du lịch bền vững, các quan niệm về du lịch tâm linh, đặc điểm, xu hướng phát triển; nghiên cứu mối quan hệ giữa các yếu tố tâm linh, đạo đức và du lịch bền vững, giữa di sản văn hóa với du lịch tâm linh và phát triển bền vững. Các tác giả cũng đều khẳng định ý nghĩa, vai trò, tác động mạnh mẽ và tích cực của du lịch tâm linh trong xã hội, đối với các nền kinh tế nếu du lịch đó được định hướng bởi các nguyên tắc phát triển bền vững và có trách nhiệm, với quan niệm rằng mục tiêu lợi nhuận không nên là ưu tiên tuyệt đối của phát triển du lịch; đề xuất các giải pháp kết nối văn hóa, truyền thống và tâm linh với du lịch trong quá trình phát triển theo hướng đảm bảo tôn trọng các trụ cột của phát triển bền vững, nhằm tăng cường ý nghĩa, vai trò, tác động tích cực nói trên của du lịch tâm linh. Do chỉ tập trung vào chủ đề hội thảo nên trong các bài viết của Kỷ yếu, nội dung lý thuyết về du lịch bền vững không mở rộng nhiều. Tuy nhiên, đây là một tài liệu có ý nghĩa tham khảo trực tiếp đối với đề tài, đặc biệt là trong việc nghiên cứu các giải pháp phát triển du lịch tâm linh bền vững ở tỉnh Phú Thọ, một địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đặc thù gắn với truyền thống văn hóa thời kỳ các Vua Hùng dựng nước, với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và có lợi thế cho phát triển du lịch tâm linh - hành hương về cội nguồn dân tộc.
- Cuốn “Du lịch cộng đồng” của Bùi Thị Hải Yến [121]. Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống lý luận và thực tiễn phát triển du lịch cộng đồng trên thế giới cũng như trong nước, các tác giả đưa ra quan niệm về du lịch cộng đồng như một phương thức phát triển du lịch bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch; phân tích các nguyên tắc, đặc điểm của du lịch cộng đồng, vai trò của du lịch cộng đồng trong phát triển cộng đồng, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch và phát triển du lịch theo hướng bền vững. Cuốn sách cũng đề xuất một quy trình xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, các nội dung của quy hoạch, khuyến nghị những giải pháp cần thiết để tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng có kết quả, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
- Bài viết “Du lịch tâm linh ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển” của Nguyễn Văn Tuấn [101]. Từ những tổng kết thực tế phát triển du lịch tâm linh, tác giả khẳng định vai trò và những đóng góp tích cực của loại hình du lịch này cho phát triển bền vững, thể hiện qua việc cộng đồng địa phương được tham gia, tạo việc làm từ hoạt động du lịch, đặc thù của về tâm thế của đối tượng khách du lịch khiến du lịch tâm linh đạt tới sự phát triển cân bằng về các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. Nói cách khác, hoạt động du lịch tâm linh tích cực luôn chứa đựng các yếu tố bền vững, hướng đến sự phát triển bền vững. Tác giả cũng phân tích các tiềm năng, xu hướng phát triển và kiến nghị những giải pháp phát triển hoạt động du lịch tâm linh thời gian tới.
1.2.2.3. Nghiên cứu các kinh nghiệm, giải pháp cụ thể phát triển du lịch bền vững
- Các bài nghiên cứu, bài viết trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững khu vực duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam” [24]. Ngoài các nội dung nghiên cứu, hệ thống lý luận chung về phát triển du lịch bền vững, các bài nghiên cứu, bài viết của các nhà khoa học trong nước và quốc tế tập trung vào hai chủ đề chính: Những kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch bền vững và thực trạng quản lý phát triển du lịch bền vững tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; chính sách và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở duyên hải Nam Trung Bộ. Trong các bài viết, các tác giả đã phân tích các kinh nghiệm thành công từ nhiều quốc gia (như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…) trong phát triển du lịch bền vững; đánh giá năng lực cạnh tranh của điểm đến trong bối cảnh toàn cầu hóa; đánh giá vai trò quản lý của các cấp chính quyền và đề xuất các chính sách tăng cường quản lý, xây dựng thương hiệu, định hướng liên kết, phát triển du lịch bền vững các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ dưới tác động của cộng đồng ASEAN và các Hiệp định mà Việt Nam tham gia... Các nội dung được đề cập, trao đổi, phân tích trong Kỷ yếu khá phong phú, phần lớn gắn với các vấn đề thực tế trong phát triển du lịch. Kỷ yếu có ý nghĩa tham khảo quan trọng trong việc xây dựng các giải pháp phát triển và quản lý phát triển du lịch bền vững đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh.
- Bài viết “Định vị thương hiệu du lịch, nâng cao hình ảnh và vị thế của du lịch Việt Nam” của Đỗ Cẩm Thơ [83]. Tác giả phân tích sự cần thiết phải định vị thương hiệu du lịch Việt Nam và ý nghĩa của việc định vị thương hiệu đối với sự phát triển du lịch bền vững; đánh giá những thuận lợi, khó khăn cho việc định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Từ đó, tác giả đề xuất những giải pháp để định vị hiệu quả thương hiệu du lịch Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm việc xác định rõ giá trị thương hiệu, xây dựng và thực hiện tốt các chiến lược định vị thương hiệu, chiến lược thị trường với các giải pháp cụ thể phù hợp. Mỗi thương hiệu du lịch khi định vị được tích cực trong thị trường sẽ giúp du lịch Việt Nam từng bước khẳng định rõ giá trị trong thị trường, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế chung của cả quốc gia.
- Bài viết “Định hướng đầu tư xây dựng thị trường - sản phẩm du lịch các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai” của Hà Văn Siêu [68]. Trong bài viết, tác giả đánh giá cụ thể thực trạng thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước đến với ba tỉnh nằm trong mối liên kết tour du lịch về cội nguồn (Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai); nêu quan điểm về định hướng và đầu tư phát triển một số nhóm thị trường và sản phẩm du lịch chủ yếu cho các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Về định hướng đầu tư phát triển các thị trường du lịch trọng điểm, tác giả cho rằng cần ưu tiên phát triển và thu hút các nhóm thị trường chất lượng cao; ưu tiên khai thác và phát triển các nhóm thị trường với mục đích tham quan du lịch thuần túy; tập trung khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng về nghỉ dưỡng núi và hồ; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để khai thác các thị trường du lịch theo các chuyên đề. Về định hướng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, tác giả đề nghị tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc; sản phẩm du lịch đảm bảo tính bền vững lâu dài, mang tính đặc thù, mang thương hiệu và hình ảnh riêng có của mỗi địa phương, có chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường. Tác giả cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể cho việc xây dựng thị trường, sản phẩm du lịch ở các địa phương này, như đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao; đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng hình ảnh, thương hiệu và xúc tiến quảng bá; phối hợp và hợp tác liên kết giữa các ngành trong tỉnh, giữa các tỉnh
trong khu vực, giữa các vùng phụ cận và hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch. Bài viết có giá trị tham khảo trực tiếp cho việc xây dựng định hướng phát triển thị trường du lịch của tỉnh Phú Thọ.
- Bài viết “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc” của Đỗ Cẩm Thơ [84]. Từ những phân tích, đánh giá tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch của các tỉnh vùng núi phía Bắc, tác giả đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với việc liên kết các điểm tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn cụ thể trong các cung đường du lịch vùng núi phía Bắc, trong đó các sản phẩm đặc thù có thể được tạo nên từ các tài nguyên du lịch nổi tiếng bao gồm: Nhóm sản phẩm du lịch chinh phục thiên nhiên và thể thao mạo hiểm; nhóm sản phẩm tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số; nhóm sản phẩm du lịch về nguồn; nhóm sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp. Theo tác giả, các sản phẩm du lịch đặc thù được xác định đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có và được đầu tư hợp lý chính là yếu tố cần thiết để phát triển du lịch bền vững; đồng thời trong quá trình đầu tư sản phẩm, cần coi trọng các giá trị làm nên tính đặc thù này để có định hướng phát triển phù hợp.
- Cuốn “Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam” do ITDR và JICA phối hợp xây dựng [46]. Cuốn sách tóm tắt một số nhận thức lý luận cơ bản về du lịch nông thôn, trong đó nhấn mạnh khía cạnh bền vững về mặt văn hóa xã hội, môi trường của du lịch nông thôn, thể hiện qua vai trò của các hoạt động du lịch nông thôn trong việc bảo vệ di sản văn hóa, xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã, phục vụ lợi ích lâu dài của cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường. Sách cũng phân tích phương pháp và quy trình phát triển du lịch nông thôn; đánh giá và rút ra kinh nghiệm từ một số điển hình thực tế phát triển du lịch nông thôn dựa trên các mô hình đã thực hiện; hệ thống các địa danh, khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam; đề cập vai trò của các cơ quan liên quan, đề xuất các chính sách liên quan để có thể vận dụng cẩm nang cho phát triển du lịch nông thôn Việt Nam.
- Bài viết “Phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” của Nguyễn Văn Mạnh [58]. Tác giả đã trình bày quan điểm chung về phát triển du lịch bền vững, phân tích ba trụ cột của phát triển du lịch bền vững