Nhận thức được những tiềm năng, lợi thế về du lịch và lợi ích do du lịch đem lại, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế quan trọng này và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều năm qua, lượng khách du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, doanh thu, giá trị tăng thêm cũng đạt mức tăng trưởng cao; cơ sở vật chất phát triển; vốn đầu tư cho du lịch tăng đều qua các năm và theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá khá rõ nét…
Tuy nhiên, so với tiềm năng, sự phát triển của du lịch Phú Thọ chưa đạt được mức tương xứng và còn nhiều hạn chế đáng kể trên các mặt: Chất lượng và tính đa dạng của sản phẩm du lịch, chất lượng và tính đồng bộ của hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, công tác quản lý hoạt động du lịch, mối quan hệ liên kết, tính cạnh tranh trên thị trường…Đặc biệt, từ góc độ phát triển bền vững, hoạt động du lịch tỉnh Phú Thọ đang bộc lộ những vấn đề đáng quan tâm: Tăng trưởng của ngành du lịch chưa vững chắc; tốc độ và mức độ ổn định của tăng trưởng du lịch, đóng góp của du lịch cho GRDP của tỉnh đều thấp kém hơn so với mặt bằng chung cả nước; du lịch Phú Thọ chưa đón bắt và tranh thủ tốt được những cơ hội từ hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của Việt Nam với kinh tế thế giới; hoạt động du lịch gây không ít tác động tiêu cực tới tài nguyên du lịch, tới môi trường tự nhiên, xã hội, tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể; một số ngoại ứng tiêu cực từ du lịch tới cộng đồng…Những hạn chế, yếu kém trên ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ cả trước mắt cũng như về lâu dài. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tế thiết thực.
Xuất phát từ lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài nghiên cứu: “Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ” làm đề tài luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Trên cơ sở làm rõ lý luận về phát triển du lịch bền vững ở địa phương cấp tỉnh để đánh giá thực trạng hoạt động du lịch và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu trên, luận án thực hiện các nhiệm vụ sau:
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ - 1
- Nghiên Cứu Các Khía Cạnh Cụ Thể Của Phát Triển Du Lịch Bền Vững, Các Kinh Nghiệm Và Giải Pháp Thực Tế Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Nghiên Cứu Mối Quan Hệ Giữa Tài Nguyên Du Lịch Và Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Nhận Xét Chung Về Tình Hình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Đề Tài Và Những Vấn Đề Đặt Ra Cần Tiếp Tục Nghiên Cứu
Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.
- Hệ thống hóa và góp phần làm rõ thêm cơ sở lý thuyết về phát triển du lịch bền vững ở địa phương cấp tỉnh.
- Nghiên cứu kinh nghiệm từ một số mô hình phát triển du lịch bền vững và không bền vững ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ và một số địa phương trong nước để rút ra bài học cho phát triển du lịch ở địa phương cấp tỉnh.
- Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch ở Phú Thọ từ năm 2006 đến nay trên cơ sở lý thuyết về phát triển du lịch bền vững.
- Đề xuất định hướng và các giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững, thực tiễn và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở địa phương cấp tỉnh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung:
+ Nghiên cứu khái niệm, đặc điểm, vai trò, nội dung, tiêu chí và các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững cấp tỉnh dựa trên ba trụ cột chính là tăng trưởng kinh tế bền vững; tăng trưởng kinh tế đồng thời thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái;
+ Nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và quốc tế về một số mô hình phát triển du lịch bền vững để rút ra bài học kinh nghiệm cho địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch bền vững;
+ Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ;
+ Đề xuất mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
- Về không gian: Nghiên cứu phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
- Về thời gian: Nghiên cứu thực trạng hoạt động du lịch từ năm 2006 đến nay; xây dựng mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Cơ sở lý luận của luận án là Chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta; dựa trên các lý thuyết về kinh tế học phát triển, kinh tế du lịch, phát triển bền vững, quản lý kinh tế, kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô… đồng thời kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu về các vấn đề thuộc nội dung liên quan đến luận án trong các công trình khoa học đã được công bố.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu và thực hiện những nhiệm vụ của đề tài đặt ra, tác giả sẽ sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lênin: Là phương pháp luận chung cho các phương pháp nghiên cứu của luận án, được sử dụng xuyên suốt quá trình nghiên cứu, xây dựng đề tài luận án.
- Phương pháp hệ thống hóa: Sử dụng để hệ thống hóa những vấn đề lý luận về phát triển du lịch bền vững, trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu lý luận của các công trình đã được công bố.
- Phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp, so sánh: Sử dụng để khảo cứu kinh nghiệm mô hình phát triển du lịch bền vững ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ, các địa phương trong nước. Trên cơ sở đó tổng hợp, phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh Phú Thọ. Phương pháp này cũng sẽ được sử dụng để phân tích, đánh giá thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ trong thời kỳ nghiên cứu.
- Phương pháp dự báo: Sử dụng phương pháp này để dự báo các yếu tố tác động đến phát triển du lịch bền vững trong tương lai như dự báo tình hình và những biến động quốc tế, trong nước, nhu cầu thị trường, xu hướng chuyển dịch nguồn khách du lịch, tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ trong và ngoài nước đến phát triển du lịch bền vững của tỉnh trong ngắn hạn và dài hạn...
- Phương pháp phỏng vấn, điều tra, khảo sát: Sử dụng để khảo sát thực tế về phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh; phỏng vấn, điều tra các tác động của phát triển du lịch đến cộng đồng, đến các yếu tố văn hóa, xã hội...
Các phương pháp trên được sử dụng linh hoạt, đan xen, kết hợp để phát huy hiệu quả tổng hợp hướng đến hoàn thành mục tiêu nghiên cứu.
5. Đóng góp mới của luận án
- Góp phần hệ thống, bổ sung thêm lý thuyết về phát triển du lịch bền vững ở địa phương cấp tỉnh;
- Rút ra bài học từ kinh nghiệm về phát triển du lịch bền vững của các nước, vùng lãnh thổ và các địa phương cho tỉnh Phú Thọ trong phát triển du lịch bền vững;
- Làm rõ thực trạng phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ theo các nội dung và tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững;
- Đề xuất các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
Luận án có thể là tài liệu tham khảo hữu ích cho tỉnh Phú Thọ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án phát triển du lịch của địa phương; đồng thời có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững.
6. Kết cấu và nội dung của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình của tác giả đã công bố liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 4 chương, 12 tiết.
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch luôn là ngành, lĩnh vực được quan tâm đầu tư phát triển bởi những lợi ích to lớn mà nó đem lại cho nền kinh tế. Song, phát triển du lịch với mục đích thuần kinh tế tuy đem đến nhiều lợi ích trước mắt, nhưng ngày càng bộc lộ những hạn chế, bất cập về lâu dài, nguy cơ làm suy kiệt tài nguyên du lịch, giảm tính đa dạng và đe dọa hủy hoại môi trường sinh thái, tác động xấu đến các nền văn hóa bản địa, đến cộng đồng địa phương, hậu quả của những tác động này sẽ ảnh hưởng tiêu cực trở lại đến chính sự phát triển du lịch trong dài hạn. Từ thực tế này, đã xuất hiện nhu cầu nghiên cứu về các loại hình du lịch mới, những cách thức phát triển du lịch mới, quan tâm hơn đến việc bảo vệ tài nguyên du lịch, đến môi trường sinh thái, đến trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, cân đối hơn giữa các yếu tố trước mắt và lâu dài trong quá trình phát triển. Lý thuyết về phát triển du lịch bền vững dần được hình thành và bổ sung, hoàn chỉnh qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu đó.
Cho đến nay, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững. Chỉ tính đến năm 1999, theo thống kê của UNWTO, đã có trên 350 cuốn sách và bài báo (công bố quốc tế) nói về du lịch bền vững [trích theo 103, tr.3]. Theo thời gian, những nghiên cứu về vấn đề này tiếp tục ngày càng phong phú và đa dạng hơn nhiều, khó có thể tóm lược trong phạm vi một luận án nhỏ. Ở Việt Nam, các nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững bắt đầu được đề cập từ những năm 90 của thế kỷ 20 trên cơ sở tiếp cận, tiếp thu những kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn của quốc tế về phát triển bền vững nói chung, phát triển du lịch bền vững nói riêng, đồng thời gắn với yêu cầu phát triển thực tế của đất nước. Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng phát triển, các công trình nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững cũng ngày một phong phú hơn. Dưới đây là tóm lược một số công trình và hướng nghiên cứu cụ thể trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề của luận án.
1.1. NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở NƯỚC NGOÀI
1.1.1. Nghiên cứu lý luận chung về phát triển du lịch bền vững
- Cuốn “The handbook on sustainable tourism development” (Cẩm nang về phát triển du lịch bền vững) do UNWTO và UNEP ấn hành [97]: Sách được xây dựng dựa trên một công trình nghiên cứu được thực hiện hơn 10 năm bởi các chuyên gia của UNWTO và UNEP, vừa mang tính khái lược, hệ thống một số nội dung lý thuyết về du lịch và phát triển bền vững đã từng được công bố trong các công trình, ấn bản chính thức của UNWTO và UNEP trước đó, vừa là sự tổng kết thực tiễn qua các cuộc khảo sát và nghiên cứu được tiến hành tại nhiều quốc gia thành viên của UNWTO. Nhằm mục đích cung cấp các chỉ dẫn cho các chính phủ và giới thiệu một khung khổ để xây dựng các chính sách hướng tới tăng cường bền vững du lịch, cuốn sách đưa ra khái niệm về phát triển bền vững trong du lịch; nêu quan điểm về những nguyên tắc chỉ đạo và phương pháp tiếp cận hiệu quả để xây dựng các định hướng, chiến lược và chính sách nhằm tăng cường bền vững du lịch; đánh giá những tác động về mặt chính sách của chương trình du lịch bền vững; phân tích vai trò của Chính phủ, của doanh nghiệp, du khách, cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ, sự tác động của thị trường và các yếu tố văn hóa, xã hội, môi trường liên quan đến phát triển du lịch bền vững. Cuốn sách cũng đề xuất một bộ công cụ khá chi tiết với các nhóm công cụ đo lường bao gồm các chỉ số bền vững, giám sát bền vững và xác định giới hạn; công cụ chỉ đạo và kiểm soát bao gồm pháp luật, quy định, quy hoạch; công cụ kinh tế bao gồm thuế, phí, các chính sách khuyến khích và thỏa thuận tài chính, các công cụ hỗ trợ khác…, để thực thi chiến lược và chính sách, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Có thể nói rằng, đây là một trong những công trình công phu và có giá trị nghiên cứu cao về lý thuyết cũng như giá trị tham khảo thiết thực trong thực hành phát triển du lịch bền vững tính cho đến thời điểm sách được ấn hành và cả trong các năm về sau.
- Cuốn “Managing Sustainable Tourism: A legacy for the future” (Quản lý du lịch bền vững: Một di sản cho tương lai) của David L.Edgell [125]: Thông qua nghiên cứu các hoạt động du lịch cụ thể, phân tích chính sách và thực tiễn quản lý du lịch cả thành công và thất bại, tác giả chỉ ra những ảnh hưởng có thể có của du lịch như tác động tiêu cực đến môi trường, nguy cơ làm suy thoái văn hóa, phá vỡ
cấu trúc xã hội của cộng đồng bản địa và rút ra nhận định: Sự thành công hay không của phát triển du lịch phụ thuộc vào việc duy trì một sự cân bằng tinh tế giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn văn hóa, tôn trọng cộng đồng và bảo vệ môi trường. Tác giả cũng nhấn mạnh và cập nhật những xu hướng tác động, các cơ hội và thách thức toàn cầu đến du lịch; đề cao triết lý bảo vệ thiên nhiên, môi trường, văn hóa trong khi vẫn đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và có trật tự trong quá trình phát triển du lịch; cung cấp cách tiếp cận đa diện cho việc nghiên cứu và thực hành quản lý du lịch bền vững; cung cấp câu trả lời cho việc khắc phục những khó khăn mà du lịch phải đối mặt, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập, củng cố các mối quan hệ hài hòa giữa chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và cộng đồng dân cư. Công trình này thảo luận sâu những hướng dẫn hợp lý để bảo vệ môi trường, di sản và văn hóa địa phương trong khi phát triển các mục tiêu du lịch thực tế cho tăng trưởng kinh tế tương thích. Du lịch bền vững, như chia sẻ của tác giả, là một di sản cho tương lai và một động lực tiềm năng đối với phát triển kinh tế, bảo tồn môi trường tự nhiên, và góp phần bảo vệ hòa bình toàn cầu.
- Bộ tài liệu “Sustainable Tourism for Development Guidebook” (Sách hướng dẫn du lịch bền vững cho sự phát triển) do UNWTO ấn hành [147]. Tài liệu nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ của dự án EU "Tăng cường năng lực du lịch bền vững cho phát triển ở các nước đang phát triển". Mục đích là nâng cao sự hiểu biết chung và cam kết của EU về phát triển du lịch bền vững; đồng thời khuyến nghị các giải pháp vận dụng để du lịch thực sự là một phương tiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về xã hội, văn hóa và môi trường.
Với mục đích đó, nội dung tài liệu khái quát, hệ thống các vấn đề lý luận chung về phát triển du lịch bền vững như quan niệm, định nghĩa, nguyên tắc chung liên quan đến du lịch bền vững; cung cấp một khung khổ có tính chất phương pháp luận cho việc đánh giá về sự phát triển của du lịch ở các quốc gia và mức độ hiệu quả mà du lịch đó cần đạt được với ý nghĩa như một công cụ để phát triển bền vững, với năm nhóm nội dung đánh giá: Chính sách du lịch và quản trị; trách nhiệm kinh tế, sự đầu tư và năng lực cạnh tranh; việc làm và nguồn lực con người; giảm nghèo và hội nhập xã hội; tính bền vững của môi trường tự nhiên và văn hóa. Trên cơ sở khung khổ này và các thông tin, số liệu về du lịch và phát triển được cung cấp từ
các quốc gia thuộc dự án, tài liệu cũng đã phân tích thực trạng phát triển du lịch bền vững trên thế giới; đưa ra các nhận định, kết luận và khuyến nghị liên quan. Các nội dung của bộ sách hướng dẫn đã được thử nghiệm tại sáu quốc gia đang phát triển (Botswana, Ấn Độ, Kenya, Việt Nam, Senegal và Timor-Leste) và hướng tới hai nhóm đối tượng chính là EU và các cơ quan hỗ trợ phát triển khác, để giúp họ hiểu và xác định các cơ hội hỗ trợ ngành du lịch trong phát triển bền vững.
- Công trình “Principles and practice of sustainable tourism planning” (Nguyên tắc và thực hành kế hoạch du lịch bền vững) của Daniela Drumbrăveanu [124]: Tài liệu làm rõ một số nội dung lý thuyết chung về phát triển du lịch bền vững trong đó tập trung phân tích các quan điểm về phát triển du lịch bền vững, các khía cạnh cần có để du lịch được gọi là bền vững, phân biệt giữa du lịch bền vững và du lịch đại chúng; hệ thống và đề xuất 6 nhóm nguyên tắc của du lịch bền vững, bao gồm: (1) giảm thiểu tác động đến môi trường để đảm bảo sự bền vững về sinh thái;
(2) giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương để bảo đảm tính bền vững về xã hội; (3) giảm thiểu tác động tiêu cực đến văn hóa, truyền thống của các địa phương để bảo đảm sự bền vững về văn hóa; (4) tối đa hóa lợi ích kinh tế của các địa phương để có được sự bền vững về kinh tế; (5) thông tin, giáo dục nhận thức đến doanh nghiệp, du khách, chính quyền và người dân địa phương để cải thiện thái độ của các chủ thể đối với môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực từ hành vi của chủ thể đến môi trường, xã hội; (6) phát huy vai trò tham gia, kiểm soát của cộng đồng địa phương đối với các hoạt động du lịch ở điểm đến.
- Tài liệu Hội thảo quốc tế “International forum on sustainable tourism development and innovation” (Diễn đàn quốc tế về phát triển du lịch bền vững và đổi mới) [127]: Tài liệu đã tập hợp các nghiên cứu lý thuyết và kinh nghiệm về phát triển du lịch bền vững, phân tích nhiều nội dung lý luận chung về phát triển du lịch bền vững như khái niệm, các nguyên tắc, mục tiêu hướng đến của phát triển du lịch bền vững. Tài liệu cũng hệ thống và khái lược một số khuyến nghị thể chế cho các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách đã được nêu tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn về du lịch để hướng đến sự phát triển du lịch bền vững hơn như: Hiến chương thế giới cho du lịch bền vững của Lanzarote (1995); Chương trình nghị sự 21 cho ngành công nghiệp du lịch & du lịch (1996); Hiến chương châu Âu về du lịch bền