nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch về quy mô và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch sự kiện, chuyên đề, mua sắm, nghỉ dưỡng, leo núi, lặn biển,... theo hướng khác biệt đã thực sự mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh... [48].
Kinh nghiệm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch: Đất nước Trung Quốc rộng lớn, vô số cảnh đẹp và các công trình kiến trúc đồ sộ, trong đó phải kể đến các điểm du lịch được khai thác tài nguyên hiệu quả: Bắc Kinh có Vạn Lý Trường Thành; Quảng Trường Thiên An Môn; Tử Cấm Thành; Di Hoà Viên; Thiên Đàn; Thập Tam Lăng… Thượng Hải có: Tháp Truyền Hình Đông Phương Minh Châu; Bến Thượng Hải; Khu miếu Thành Hoàng; Chùa Ngọc Phật… Hàng Châu có: Tây Hồ; Phi Lai Phong; Miếu Nhạc Phi; Chùa Linh Ẩn; Vườn Trà Long Tĩnh; Phim trường Tống Thành… Tô Châu có: Chùa Hàn Sơn; Sư Tử Lâm; sông Đại Vận Hà… Quảng Châu có: Công viên Việt Tú; Núi Bạch Vân; Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn … Thẩm Quyến có: Quần thể các kỳ quan thế giới thu nhỏ; Trung Hoa Cẩm Tú, Bảo tàng cổ vật, công viên Liên Hoa Sơn, tòa tháp Địa Vương… Tây An có: Binh Mã Dũng; Tháp Chuông cao 45 m, Tháp Đại Nhạn cao 64m… Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang có: Vườn đá Thạch Lâm, động Cửu Hương, A Lư Cổ, thành Đại Lý, Tam Tháp, thành Lệ Gian… [26].
Kinh nghiệm khai thác du lịch bảo tồn di tích cổ: Phát triển du lịch tại các làng cổ, trong đó điển hình là làng cổ Tùng Phan, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, chẳng những giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Tạng được nguyên vẹn, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những nhà cổ, nghề truyền thống sản xuất đồ trang sức bằng bạc, nghề thuốc đông y... tạo nên những yếu tố hấp dẫn để các công ty du lịch hợp tác với chính quyền địa phương trong việc đưa du khách đến tham quan, mua sắm. nhờ sự phát triển du lịch mà hàng trăm hộ dân người dân tộc thiểu số và hàng ngàn hộ dân lân cận đã trở lên khá giả lên bởi Làng cổ Tùng Phan.
Chính quyền các tỉnh quy hoạch phát triển kinh tế du lịch cho các di tích cổ, nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân đồng thuận để cải tạo những cung điện cổ, nhà cổ thành điểm du lịch hấp dẫn. Cổ trấn thuộc thị trấn Châu Trang, tỉnh Giang Tô, cách Thượng Hải 700 km, được xây dựng từ năm 700 trước công nguyên và
những ngôi làng có những ngôi nhà cổ tồn tại gần 1.700 năm đã hấp dẫn hàng triệu du khách nước ngoài đến tham quan. Người dân địa phương vừa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc vừa phát triển kinh tế [11].
Kinh nghiệm về phân tích đối tượng để phát triển bền vững du lịch: Những người trẻ Trung Quốc đang trở thành động lực chính của sự tăng trưởng của ngành du lịch Trung Quốc và toàn cầu. Theo Brian Egger và Huang, chuyên gia phân tích cho biết, những du khách trẻ tuổi từ 18 - 34 chiếm tới 60%; tuổi từ 35 - 44 chiếm 30%; tuổi trên 45 chỉ chiếm khoảng 10%; Người trẻ đã trở thành yếu tố quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch toàn cầu. Trong đó thị trường du lịch Trung Quốc cất cánh một phần quan trọng dựa vào 400 triệu người trẻ Trung Quốc, xuất phát từ khả năng tài chính và nhu cầu cao về du lịch. Các nhà phân tích cho thấy nguồn thu chính của các hãng bay, khách sạn, công viên giải trí, sòng bạc và du lịch biển do các khách du lịch trẻ mang lại. Các nhà phân tích còn cho biết trong năm 2015, người Trung Quốc đã thực hiện 128 triệu chuyến du lịch nước ngoài, đồng thời số liệu thống kê của chính phủ cũng cho thấy những người thuộc nhóm tuổi từ 18-34 chiếm tới 60% tổng số các chuyến đi này [53].
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Luận Về Phát Triển Bền Vững Du Lịch
- Nội Dung Phát Triển Bền Vững Du Lịch Tại Địa Phương
- Cơ Sở Thực Tiễn Về Phát Triển Bền Vững Du Lịch
- Bài Học Vận Dụng Cho Phát Triển Bền Vững Du Lịch Tỉnh Bắc Ninh
- Mô Hình Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Tới Phát Triển Du Lịch Tại Tỉnh Bắc Ninh
- Khung Phân Tích Nghiên Cứu Phát Triển Bền Vững Du Lịch Tỉnh Bắc Ninh
Xem toàn bộ 240 trang tài liệu này.
2.2.1.4. Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Hàn Quốc, là một quốc gia thuộc Đông Á, nằm ở nửa phía nam của bán đảo Triều Tiên, diện tích 100.032 km vuông, dân số trên 50 triệu người, có khí hậu ôn đới và địa hình chủ yếu là đồi núi [29].
Hàn Quốc phát triển du lịch mạnh mẽ, hàng năm lượng du khách đến không ngừng tăng lên, Từ năm 2010 chỉ có 8,5 triệu người du lịch quốc tế thì đến năm 2015 là 13 triệu lượt người mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ khổng lồ, phát triển đất nước.
Để khai thác và phát triển, các tài nguyên du lịch Hàn Quốc được phân bố theo 5 vùng lớn và 24 á vùng. Các vùng lớn chính là Vùng Trung - Tỉnh Kangwon, Vùng Chungchung - Tỉnh Chung chung, Vùng Tây Nam - Tỉnh Cholla, Vùng Nam - Tỉnh Kyongsang, Vùng Cheju - Tỉnh Cheju [10].
Hàn Quốc có các chiến lược chú trọng phát triển ngành du lịch một cách bài bản và có kế hoạt rõ ràng, bao gồm đào tạo nhân lực, xây dựng các khu du lịch, quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch tầm cỡ quốc tế, xây dựng hệ thống
thông tin và truyền bá ra thế giới. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc hiện có 31 văn phòng đặt tại 19 quốc gia trên thế giới thực hiện hoạt động quảng bá cho du lịch một cách đa dạng với mục tiêu nâng cao sự hiểu biết của người dân sở tại về đất nước Hàn Quốc như là một điểm đến hấp dẫn, từ đó lan tỏa.
Hàn Quốc có nhiều cách quảng bá du lịch vô cùng sáng tạo, có lộ trình cụ thể và đồng bộ. Đó là dùng điện ảnh, truyền hình, chương trình âm nhạc để truyền bá văn hóa, đất nước và con người Hàn Quốc, khiến du khách háo hức đến với đất nước này. Một khảo sát về số lượng khách du lịch đến Hàn Quốc gần đây cho thấy, hơn nửa số khách Châu Á đặt chân tới Hàn Quốc đều cảm thấy tò mò, muốn tìm hiểu khi xem những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc. Tất nhiên hành trình tham quan của du khách tại Hàn Quốc không thể thiếu các điểm đến như đảo Jeju, đảo Nami, Công viên Lotte World, bến phà Abai những địa danh từng xuất hiện trong các bộ phim.
Phát triển cơ sở hạ tầng: Hàn Quốc cũng có hệ thống giao thông rất đa dạng, hiện đại và thuận tiện như tàu điện ngầm, xe bus, taxi, tàu hỏa… Tại các điểm du lịch, từ thủ đô Seoul đến các tỉnh còn hoang sơ ở phía nam bán đảo Triều Tiên như Jeollanam-do đều có xe đẩy dành cho trẻ em và xe lăn dành cho người già.
Hàn Quốc cũng chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để phục vụ khách du lịch. Tại nhà trưng bày giới thiệu đất nước Hàn Quốc ở Seoul, vào đến cửa, du khách đã được thấy hình ảnh đương kim tổng thống Hàn Quốc kèm theo lời chào thân thiện. Tại đây, du khách có thể chụp ảnh cùng hình ảnh tổng thống và sau khi ghi lại địa chỉ email của mình trên một máy tính gần đó, sẽ được gửi ngay tấm hình lưu niệm cùng Tổng thống Hàn Quốc.
Không chỉ chính quyền Hàn Quốc làm du lịch mà ngay cả người dân cũng sáng tạo ra những ý tưởng độc đáo phục vụ khác du lịch. Có thể thấy điều này ở khu Petite France, tại thị tứ Pyongyang, giáp biên giới Bắc Triều Tiên. Ông chủ của Petite France vốn là người chuyên kinh doanh đồ tái chế, ông đã táo bạo biến khu đất của mình thành một nước Pháp thu nhỏ xinh đẹp trên xứ sở Kim chi. Mỗi dịp cuối tuần có tới 8.000 du khách đổ về đây để cảm nhận không gian văn hóa Tây Âu tại Hàn Quốc.
Một chiến lược du lịch bài bản, xuyên suốt, đồng bộ, sáng tạo cộng với việc chú ý tới từng chi tiết nhỏ làm hài lòng du khách chính là bí quyết thu hút khách du lịch đến với Hàn Quốc [138].
Có rất nhiều lí giải cho thành công này, một trong số đó chính là do sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh rầm rộ trên khắp thế giới. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc tập trung vào việc sử dụng hình ảnh các nhóm nhạc, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng để quảng bá văn hóa, cảnh đẹp, cũng như giới thiệu về con người Hàn Quốc. Chiến lược này đã mang lại những kết quả thật sự ấn tượng, đưa Hàn Quốc đến với nhiều người hơn. Để có thể mời được những ngôi sao hàng đầu tại châu Á như vậy thì ắt hẳn các nhà đầu tư cũng đã bỏ ra một con số không nhỏ nhưng đó vẫn chưa phải là những cái e ngại đối với họ, bởi mục đích sâu sa hơn nữa đó chính là lợi thế cho nước nhà. Cũng như các nhà quản lí tại Hàn Quốc, các nghệ sĩ có cơ hội được tham gia trong đoạn quảng cáo mang tầm vóc quốc tế như vậy thì cũng không thể từ chối cơ hội đẩy mạnh tên tuổi của mình vang xa hơn nữa. Có thể nói đó là “lợi cả đôi đường”, thêm một câu trả lời nữa vì sao những thước phim để giới thiệu về đất nước Hàn Quốc lại có thể long lanh và thơ mộng đến như thế.
Các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc cũng đã khéo léo đưa vào những bộ phim của mình những địa danh nổi tiếng của Hàn Quốc. Chính thiên nhiên thơ mộng, và nét độc đáo trong văn hóa Hàn Quốc mà các diễn viên thể hiện trong phim đã lôi cuốn khách du lịch đến với quốc gia này. Nhiều trường quay của những bộ phim nổi tiếng như Boys over Flower, Bản Tình ca mùa đông, Full-house, sau khi phim đóng máy, đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút hàng chục nghìn người đến thăm quan. Đây thực sự là một chiến lược vừa phát triển nền công nghiệp điện ảnh, vừa mở rộng thì trường du lịch cho khách tham quan quốc tế một cách hiệu quả của Hàn Quốc, dịch vụ Du lịch Hàn Quốc giá rẻ cũng đang nở rộ [113].
* Kinh nghiệm thu hút khách du lịch của Hàn Quốc
- Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp: Khi đời sống ngày càng được nâng cao, bên cạnh nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch hay mua sắm, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cũng là một nhu cầu thiết yếu. Hàn Quốc - đất nước có nền y tế
phát triển với trình độ kỹ thuật và đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao - đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả trong số đó là ngành công nghiệp chăm sóc sắc đẹp. Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu châu Á về phẫu thuật thẩm mỹ với trình độ kỹ thuật không thua kém các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp… lại có chi phí rẻ hơn. Điều này cùng với sức hấp dẫn từ du lịch đã tạo nên xu hướng mới: kết hợp du lịch với chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp khi đến Hàn Quốc [115].
- Không chỉ tham gia các sự kiện để quảng bá, giới thiệu du lịch, Hàn Quốc còn thu hút khách du lịch từ các bộ phim có giá trị bởi văn hóa, các diễn viên và phong cảnh đẹp. Bộ phim “Hậu duệ mặt trời”, phát sóng từ tháng 2/2016, ngay lập tức đã tạo nên cơn sốt không chỉ trong nước mà cả các quốc gia châu Á. Tranh thủ sức hút từ bộ phim, ngành du lịch Hàn Quốc đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch tương thích nhằm thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Theo Korea Times, nhiều cảnh đẹp thuộc Taebaek và Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon thu hút khán giả trong bộ phim sẽ được ngành du lịch Hàn Quốc khai thác để thu hút du khách đến thưởng ngoạn và trải nghiệm văn hóa từ truyền thống tới hiện đại [92].
2.2.2. Kinh nghiệm phát triển bền vững du lịch của một số địa phương ở Việt Nam
2.2.2.1. Kinh nghiệm của Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, vǎn hoá, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Với lợi thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ở vị trí hàng đầu cả nước. Hà Nội còn là trung tâm tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các vùng du lịch trên lãnh thổ Việt Nam cũng như tới các nước trong khu vực. Với gần 5.000 di tích, trong đó 803 di tích đã được xếp hạng, đứng đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử, hội đủ điều kiện để phát triển du lịch văn hóa, di tích lịch sử, tâm linh... Khách quốc tế đến Hà Nội ngày càng tăng, lượng khách hàng năm tăng trung bình từ 18-20%. Năm 2008, Hà Nội đón 1,3 triệu lượt; năm 2010 với sự kiện Đại lễ kỷ niệm 1000 nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và Năm Du lịch Quốc gia, lương khách đến Hà Nội tăng mạnh, tổng số trên 1,7 triệu lượt; năm 2012, Hà Nội đón trên 2 triệu lượt.
Thị trường khách du lịch nội địa đến Hà Nội cũng chiếm tỷ trọng lớn hàng đầu cả nước, với lượng khách trung bình hàng năm chiếm trên 20 % tổng lượng khách
du lịch nội địa của Việt Nam. Năm 2009 đã đón được 9,2 triệu lượt, năm 2010 đã đón được 10,6 triệu lượt, năm 2012 đạt trên 12 triệu lượt khách [20].
* Kinh nghiệm xúc tiến du lịch ở Hà Nội
Hà Nội đã huy động các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện chương trình giới thiệu du lịch Thủ đô, tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng dân cư giữ gìn phong tục truyền thống của người Hà Nội. Xây dựng các phóng sự chuyên đề Du lịch, thường xuyên cập nhập thông tin, phát hành sách Hướng dẫn Du lịch Du lịch Hà Nội, Bản đồ Du lịch Hà Nội, chương trình triển lãm giới thiệu Du lịch Hà Nội.
Tổ chức các trung tâm thông tin du lịch, điểm du lịch quan trọng như sân bay quốc tế Nội Bài, khu vực Hồ Hoàn Kiếm, tuyến đi bộ tại khu phố cổ, quầy Lê Thạch, Vườn hoa Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thiết lập quan hệ và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, tham gia các diễn đàn và chương trình hợp tác tiểu vùng, khu vực, vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội như: Phối hợp với các thành phố thành viên trong mạng lưới các thành phố Châu Á thế kỷ 21 (ANMC21) và CPTA hỗ trợ Hà Nội trong việc xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch Hà Nội; Phối hợp về du lịch với cơ quan quản lý Nhà nước về Du lịch của 7 quốc gia (Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Cu Ba, Lào, Campuchia, Myanmar), 28 đại sứ quán và 4 tỉnh, thành phố nước ngoài (Tokyo, Kuala Lumpur, Bang Kok và Quảng Tây), đại diện lãnh đạo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Châu Á-TBD (PATA) và đại diện Hội đồng Xúc tiến Du lịch Châu Á (CPTA); Phối hợp liên kết phát triển du lịch Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) Luông-phra-băng (Lào), Tây Ban Nha, Nhật, Hàn Quốc, Pháp...
Tổ chức thành công nhiều sự kiện như: Hội nghị lần thứ 7 của Hội đồng xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA) trong khuôn khổ mạng lưới các Thành phố lớn Châu Á Thế kỷ 21 (ANMC21) do Hà Nội đăng cai là nước chủ nhà vào tháng 10/2008; Tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2009) và Hội chợ du lịch Travex tại Hà Nội từ ngày 10 -12/01/2009; Tổ chức thành công năm Du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội với 2 sự kiện lớn là: Liên hoan Du lịch Quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010 và
Liên hoan ẩm thực Hà Thành - đã quy tụ được nét đặc sắc của văn hoá - ẩm thực ở 14 địa phương đại diện cho các vùng miền trong cả nước như: Hà Nội, Sơn La, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận; Tiền Giang... trình diễn 500 món ăn của Việt Nam và quốc tế (trong đó Hà Nội có hơn 300 món đặc trưng); Tổ chức thành công lễ khai hội chùa Hương vào ngày 15/2 (mùng 6 tết), đây là sự kiện mở đầu của ngành du lịch Hà Nội tham gia trong Chương trình Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013; Tổ chức thành công Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng diễn ra từ ngày 8/10 - 12/10/2013 tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa Hà Nội…
- Công tác xúc tiến du lịch Hà Nội ra quốc tế: Tổ chức chương trình xúc tiến du lịch tại Hội chợ Văn hoá - Du lịch tại thành phố Côn Minh - Trung Quốc từ ngày 28/4 đến 04/5/2012; Tổ chức đăng cai thành công hội nghị lần thứ XI của Hội đồng XTDL châu Á (CPTA) từ ngày 10/10 - 13/10/2012 với sự tham gia của 06 nước thành viên và đã tổ chức triển lãm du lịch với 25 gian hàng du lịch của các nước tham gia và gian hàng các làng nghề, doanh nghiệp du lịch của Hà Nội; Tổ chức thành công Hội thảo Du lịch Quốc tế với chủ đề “Phát huy giá trị các di sản văn hóa và làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch” đã thu hút sự tham gia của các học giả, chuyên gia đầu ngành về du lịch, các đại biểu khách quốc tế đặc biệt là Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Tổng cục Du lịch, Sở VH,TT&DL Hà Nội và một số hãng lữ hành trong nước và quốc tế đã nêu bật được các giá trị văn hóa - lịch sử rất giàu có, phong phú, đa dạng của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến cũng như đề xuất các giải pháp nhằm khai thác để phát triển du lịch một cách bền vững… [34].
* Kinh nghiệm tạo đột phá trong phát triển du lịch
Hà Nội đã quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các đề án, dự án du lịch, với định hướng phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, thành phố coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… với tinh thần “Tất cả vì du khách", tạo chuyển biến đột
phá trong phát triển du lịch, xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”. Tổ chức điều tra thông qua khách du lịch phục vụ công tác thống kê, phân tích thị trường.
Ngành du lịch Hà Nội tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cấp trang website ra mắt Niên giám Khách sạn Hà Nội bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc [12].
* Kinh nghiệm phát triển du lịch phố cổ ở Hà Nội
Khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm Nằm ở trung tâm Hà Nội, là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, từ lâu đã là lựa chọn của nhiều du khách khi tới thăm Thủ đô. Thống kê cho thấy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có tới 188 di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử cách mạng; hơn 300 khách sạn từ 1 đến 5 sao, gần 200 công ty lữ hành nội địa và quốc tế, các nhà hàng, công ty cung cấp dịch vụ, vận chuyển khách du lịch và rất nhiều cơ sở mua sắm, cửa hàng lưu niệm… Rất nhiều trong số kể trên nằm trên địa bàn phố cổ, nơi vốn dĩ đã rất đặc biệt với những công trình kiến trúc có tuổi hàng trăm năm và những tập tục, nền nếp góp phần tạo nên tinh hoa Thăng Long - Hà Nội.
Để hình ảnh phố cổ Hà Nội đẹp hơn, hấp dẫn hơn trong lòng du khách, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai đề án "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ" với 5 tiêu chí: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân bằng cách có ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội; giao tiếp, ứng xử có văn hóa thông qua việc giữ nền nếp, gia phong, kính trên nhường dưới, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường; trang phục phải gọn gàng, lịch sự; kinh doanh phải đúng pháp luật…
Thực tế đã chứng minh, nhiều khách du lịch quốc tế sau khi tham quan đình thờ tổ nghề ở 44 Hàng Bạc đã tìm đến 4 làng nghề làm bạc, kim hoàn ở ngoại thành Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Bình để tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc nghề này. Tại di tích 87 Mã Mây, 38 Hàng Đường, 28 Hàng Buồm… khi cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền tổ chức các hoạt động trưng bày gắn với làng nghề, phố nghề cũng thu hút đông khách tham quan hơn.
Trong con mắt của hầu hết du khách, phố cổ Hà Nội là di sản hiếm có, là một thực thể sống còn sót lại qua thử thách của thời gian, thăng trầm lịch sử [55].