sản này11. Nguyên nhân được lý giải là “do không gian trưng bày chưa đẹp, sản phẩm còn ít về chủng loại, giá cả tương đối cao. Các công ty du lịch gần đây không khai thác điểm du lịch làng nghề thổ cẩm do phản hồi của khách là chưa hài lòng” [Phỏng vấn sâu, nam 32 tuổi, thành phố Vinh, 2019].
Về các công đoạn khách du lịch có thể tham gia thì cho đến nay tại bản Xiềng, bản Nưa, du khách có thể quan sát khung dệt, ngồi dệt thử, quay sợi, bật bông và nghe thuyết minh về nghề dệt còn những công đoạn nhuộm chàm, trồng bông, nuôi tằm, du khách chưa có cơ hội trải nghiệm.
Để lan tỏa nghề dệt thổ cẩm đến du khách, khung dệt được đặt tại các homestay và Khu Du lịch sinh thái Pha Lài nhưng chưa có sản phẩm bày bán và chưa có những hoạt động đi kèm. Các gian hàng thổ cẩm khi mở cửa khi không, có nhiều khi có khách nhưng không có người bán, có khi người bán không biết tư vấn hoặc giới thiệu với khách du lịch về sản phẩm được bày bán.
Các giá trị của nghề truyền thống chưa được truyền tải đến khách tham quan do chưa có hướng dẫn viên tại điểm cũng như chưa có mô hình tham quan, trải nghiệm. Các giá trị vật chất như nguyên liệu là sợi bông và sợi tơ tằm không được khai thác vì các sản phẩm dệt hiện nay đều được làm từ sợi công nghiệp được nhập về. Những nội dung như quy trình dệt, cách thức dệt, sự sáng tạo trong nghề dệt truyền thống hay sản phẩm dệt thổ cẩm chưa được khai thác. Trước đây, bà Lương Thị Thu, cộng tác viên của Hợp tác xã Thủ Công Mỹ Nghệ Môn Sơn là người giới thiệu, thuyết minh cho khách du lịch về nghề dệt thổ cẩm nhưng hiện nay đã chuyển công tác nên Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn đang đào tạo nhân viên thay thế. Những hình thức khai thác tham quan, mua sắm mới chỉ được triển khai ở bản Xiềng. Các hình thức khác như thuê những bộ trang phục và phụ kiện để chụp hình lưu niệm chưa được triển khai. Tại bản Khe Rạn, bản Nưa khi được yêu cầu, sản phẩm thổ cẩm mới được trưng bày để phục vụ khách. Khi khách có nhu cầu lớn về sản phẩm thổ cẩm, các chủ hộ homestay sẽ liên hệ đến các bản khác để lấy hàng hóa đến phục vụ khách du lịch. Do những hạn chế kể trên, phần lớn du khách đã tìm hiểu, khám phá đánh giá nghề dệt của người Thái
ở Con Cuông là không hoặc kém hấp dẫn, chỉ có hớn 20% du khách đánh giá mức hấp dẫn cho những trải nghiệm nghề truyền thống của họ12.
3.1.2.4. Văn hóa ẩm thực, kiến trúc nhà sàn và trang phục truyền thống
a. Văn hóa ẩm thực
Những nét văn hóa ẩm thực phong phú và đăc sắc cuả người Thái ở huyện
Con Cuông đã góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch. Ở Con Cuông các món đặc sản được khai thác đưa vào phục vụ du khách bao gồm ẩm thực Thái kết hợp đặc sản địa phương như gà đồi, lợn đen, cá Lăng, cá Mát, chạch, nhái, tôm sông, các loại rau rừng, măng nứa là những món thường được đưa vào thực đơn phục vụ du khách. Khi du lịch đến Con Cuông, du khách có cơ hội được thưởng thức kho tàng văn hoá ẩm thực đặc sắc của cộng đồng dân tộc Thái với những nguyên liệu được khai thác từ tự nhiên và được chế biến bằng những cách thức độc đáo.
Nướng và luộc là 2 cách thức chế biến món ăn được các tổ ẩm thực ở bản Nưa, bản Khe Rạn và bản Xiềng sử dụng thường xuyên để phục vụ du khách. Trong thực đơn phục vụ khách du lịch của cộng đồng người Thái thường không thể thiếu những món ăn đặc sản như thịt lợn xiên nướng lá chanh, gà bóp sả, tiêu rừng nướng nguyên con. Người Thái dùng muối đồ rang khô, giã cùng với ớt, tiêu rừng tạo nên một thức chấm rất thơm. Món thứ ba không thể thiếu trong “tứ chúa” mâm cơm mà du khách được thưởng thức là cá hấp. Nguyên liệu là những loài cá sông, cá khe được gói bởi lá dong rồi hấp chín để giữ vị tươi ngon của cá tươi. Cá Mát chiên hoặc nướng nguyên con chính là món ăn mà du khách chỉ có thể thưởng thức khi đến miền Tây Nghệ An. Món này thường có vị vừa đắng vừa ngọt lại hơi cay là một trong bốn món chính mà các tổ ẩm thực dùng để phục vụ nhu cầu khám phá ẩm thực của khách du lịch cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm!
- Văn Hóa Ẩm Thực, Kiến Trúc Nhà Sàn Và Trang Phục Truyền Thống
- Phát huy giá trị di sản văn hóa của người Thái trong phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Nghệ An - 13
- Thực Trạng Phát Huy Giá Trị Di Sản Văn Hóa Của Người Thái Trong Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Ở Con Cuông
- Nhìn Từ Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
- Tỷ Lệ Du Khách Muốn Được Trải Nghiệm Và Đã Trải Nghiệm Các Hình Thức Du Lịch Cộng Đồng Ở Con Cuông
- Lượt Khách Du Lịch Và Lượt Khách Du Lịch Cộng Đồng Đến Con Cuông Trong Thời Gian Qua
Xem toàn bộ 253 trang tài liệu này.
Các món ăn truyền thống của người Thái như: moọc, cơm lam, chịn xồm, canh ột, pắc chụp, chẻo, măng đắng,… mỗi loại lại mang một hương vị riêng đã được phát huy trong phát triển du lịch cộng đồng. Món moọc được chế biến bằng
12 Kết quả điều tra của tác giả, năm 2018
cách giã nấm, thịt, gạo tấm cùng gia vị được gói trong lá chuối và sau đó được hông lên. Canh ột được chế biến rất cầu kỳ. Các tổ ẩm thực đã chọn những hạt gạo tấm từ một loại gạo ngon, rang thơm lên sau đó mang ra giã nhỏ. Gạo tấm sẽ được nấu cùng với thịt ngan băm nhỏ và lá giang để tạo nên món canh vừa bổ dưỡng vừa có vị thanh chua rất dễ ăn. Thức chấm chẽo, măng luộc góp phần tạo nên sự hài hòa trong mâm cơm mà khách du lịch thưởng thức.
Ngoài ra, trong mâm ẩm thực Thái phục vụ du khách thường được bổ sung xôi nhuộm màu và cơm lam. Các thành viên của các tổ ẩm thực vẫn giữ nguyên cách chế biến, các dụng cụ chế biến và dùng ép để đựng. Trong đó, xôi tím là món được sử dụng phổ biến nhất. Xôi tím được hông bằng nếp cẩm rất dẻo, thơm lại đẹp mắt. Nếp nương, nếp đen là hai giống nếp thơm ngon, nổi tiếng nhất vùng mường Quạ (xã Môn Sơn) nhưng sản lượng không đủ để cung cấp cho các bản phục vụ khách du lịch cộng đồng, các nhóm ẩm thực phải mua nếp từ vùng Kỳ Sơn hoặc từ Lào để đồ xôi và làm cơm lam phục vụ du khách. Thưởng thức cùng món xôi là một loại thức chấm được chế biến từ ớt xanh, lá hẹ nướng lên và được giã cùng muối hạt rang. Đây là một thức chấm được khách du lịch rất yêu thích.
Ngoài những món ăn truyền thống có trong thực đơn thì các tổ ẩm thực linh động để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách du lịch. Trong những trường hợp khách du lịch có thêm yêu cầu hoặc điều chỉnh gì về các món ăn thì họ sẵn sàng đáp ứng. Hiện nay các điểm phục vụ ẩm thực tại Con Cuông bao gồm bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn) và Khu du lịch Pha Lài. Ngoài ra còn phải kể tới hệ thống nhà hàng tại suối Nước Mọc, thác Khe kèm và khe Phứa. Ngoài kinh nghiệm đã có, các thành viên tổ ẩm thực tại các bản đã được tham gia những lớp học về chế biến ẩm thực. Do vậy, bên cạnh việc khai thác tối đa hương vị truyền thống của người Thái thì họ còn biết trưng bày, trang trí món ăn rất đẹp mắt.
Về đồ uống, rượu cần đã được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Sau khi khách thưởng thức các tiết mục văn nghệ, nhảy sạp giao lưu cùng người dân bản địa, khách sẽ được thưởng thức rượu cần. Tập quán uống rượu cần được tái hiện để
khách du lịch khám phá nhưng chưa đầy đủ. Các đoàn khách du lịch sau khi được chứng kiến thầy mo hoặc chủ nhà cúng mời tổ tiên cùng các vị thần linh thì vừa múa hát vòng tròn vừa thưởng thức rượu cần. Tuy nhiên văn hóa uống rượu cần của đồng bào Thái chưa được truyền tải một cách đầy đủ vì không có các công đoạn uống thăm, uống thi, hoặc khách du lịch chưa nắm được các quy tắc liên quan đến uống rượu cần.
Rượu men lá cũng được sử dụng như một thức uống trong các bữa ăn dành cho du khách. Đồng bào Thái Con Cuông ngày nay vẫn tự ủ men lá, nấu rượu, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mà không cần nhập từ bên ngoài về. Trên địa bàn huyện có những cơ sở nấu rượu cần và rượu men lá nổi tiếng trong vùng, là những cơ sở chuyên cung cấp rượu cho các nhà hàng và các tổ ẩm thực tại các bản có hoạt động du lịch cộng đồng. Rượu men lá được uống theo cách rất dân dã, chén uống rượu được cắt từ những ống nứa, được bày lên mâm rất hài hòa với các món ẩm thực khác.
Không chỉ phục vụ khách du lịch , ẩm thực Thái còn được đưa vào khai thác trong các lễ hội truyền thống của người Thái để du khách thưởng thức, trong các hội chợ quảng bá du lịch, trong các cuộc thi ẩm thực vừa là sân chơi bổ ích cho đồng bào vừa thu hút sự chú ý của du khách. Vừa qua, trong khuôn khổ dự án Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp tại tỉnh Nghệ An các
chuyên gia đào tạo ẩm thực từ Nhật Bản đã được mời tập huấn kỹ năng và cách thức tổ chức dịch vụ ẩm thực phục vụ khách du lịch cho các hộ dân kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản Nưa (xã Yên Khê).
Ẩm thực là di sản văn hóa được chính quyền các cấp cũng như người dân sớm đưa vào khai thác phục vụ du khách. Hiện nay, ẩm thực của người Thái Con Cuông đã được quảng trên các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh, báo hình, báo nói, mạng internet. Các hộ kinh doanh homestay ở bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) đã được tham gia các lớp học nấu ăn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp phụ trách mảng ẩm thực phục vụ du khách đã được thành lập tại bản Nưa, bản Khe Rạn, bản Xiềng (xã Môn Sơn). Mỗi bản đều
có các tổ ẩm thực là những thành viên của hội phụ nữ, họ là những người có sức khỏe tốt, ngoại hình ưa nhìn, có Tày nghề. Thực đơn phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch đa dạng, phong phú tùy theo nhu cầu của du khách, giá cả dao động từ 500 - 900 ngàn đồng/ mâm ẩm thực dành cho 6 người. Nhờ những nổ lực như vậy, 100% khách du lịch cộng đồng đến Con Cuông đã sử dụng dịch vụ thưởng thức ẩm thực Thái tại các điểm du lịch và có đến 96% du khách đã đánh giá mức rất hấp dẫn sau khi có cơ hội khám phá ẩm thực của người Thái Con Cuông.
b. Kiến trúc nhà sàn
Với lối kiến trúc truyền thống độc đáo, nhà sàn chính là một trong những di sản văn hóa nổi bật nhất đã được khai thác, ứng dụng nhằm phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở người Thái Con Cuông.
Ngày 01 tháng 6 năm 2011, VQG Pù Mát đã ký Thỏa thuận đối tác thực hiện giữa UNESCO Việt Nam và Ban quản lý VQG về vai trò và nhiệm vụ của đối tác thực hiện đề xuất “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê - Yên Khê
- Lục Dạ - Môn Sơn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An” nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương, góp phần giảm áp lực của người dân vào tài nguyên rừng, đây chính là mốc phát triển chính thức của loại hình du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông. Nhà ở kết hợp với cảnh quan làng bản là sản phẩm cơ bản đầu tiên mà mô hình du lịch cộng đồng này xây dựng. Thông qua dự án này, mô hình homestay được triển khai xây dựng tại 4 bản: bản Xiềng, bản Yên Thành, bản Khe Rạn và bản Nưa. Dự án đã tiến hành, khảo sát để lựa chọn ra những hộ gia đình có thể kinh doanh homestay để phục vụ nhu cầu lưu trú tại bản của khách du lịch.
Tại bản Yên Thành ban đầu có hai nhà sàn được chọn làm thí điểm phát triển dịch vụ lưu trú tại gia và từ đó các hộ gia đình khác trong bản cũng học tập làm theo. “Năm 2013, trong bản có tất cả 15 hộ gia đình có điều kiện đón khách, với sức chứa tối đa là 10 khách/hộ gia đình. Chi phí lưu trú của mỗi khách du lịch là 100 nghìn đồng cho một ngày đêm. Khách lưu trú chủ yếu là khách quốc tế đến từ các nước Anh, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Úc” [Phỏng vấn sâu, nữ 52 tuổi, bản Xiềng, xã
112
Môn Sơn, 2017]. Tuy nhiên khi dự án kết thúc, nguồn khách thưa dần, hoạt động du lịch cộng đồng tại bản Yên Thành không được duy trì. Trong những năm gần đây, tại bản Yên Thành, đã không còn hoạt động lưu trú của khách du lịch nữa.
Bản Xiềng với đặc điểm kiến trúc nhà sàn được giữ gìn khá tốt, khoảng 80% hộ dân trong bản đang bảo tồn được nhà sàn truyền thống. Du khách có thể đi bộ theo các đường mòn trong bản để chiêm ngưỡng cuộc sống của người dân trong sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, nhà sàn truyền thống cùng với các đồi cọ tạo nên cảnh quan làng bản đẹp, yên bình hấp dẫn du khách. Nhờ vậy bản Xiềng đã được lựa chọn để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn. Tuy nhiên, trước đó, từ năm 2009, bản Xiềng đã đón và phục vụ khách du lịch mặc dù số lượng còn rất ít. Năm 2011, một số hộ dân trong bản có nhà sàn đẹp, có nhân lực và có nguyện vọng tham gia công tác đón tiếp phục vụ khách du lịch như: hộ gia đình Lô Văn Thạch, Hà Văn Dần, Ngân Thanh Mãi, Hà Văn Nội, Ngân Văn Yên, Vy Văn Kỷ, Vy Đình Diện và Lô Văn Thưởng. Tuy nhiên mới chỉ một số hộ đáp ứng các yêu cầu về bếp nấu ăn, công trình vệ sinh để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Hoạt động kinh doanh homestay tại bản Xiềng bị gián đoạn từ năm 2013 và đến 2018 mới hoạt động trở lại. Hiện nay, trong bản có 2 hộ kinh doanh homestay là hộ gia đình bà Vi Thị Thỏa và ông Lô Văn Nguyệt, hai hộ này đã bước đầu kinh doanh có hiệu quả, duy trì được lượt khách đến sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống và tham quan.
Khe Rạn với lợi thế giáp với thị trấn lại có cảnh quan đẹp. Từ bản đi theo hướng bắc bằng đường mòn lên núi Bà Hoàng, tại vị trí đỉnh núi sẽ chiêm ngưỡng được toàn bộ thị trấn Con Cuông bên dòng sông Lam. Phía Nam của sông Lam là sự sầm uất của thị trấn và phía Bắc là cảnh sắc tuyệt đẹp với nhà sàn và những cánh đồng ngô, lúa trải rộng dọc bờ sông, lên cao hơn nữa là rừng tái sinh và rừng trồng. Tuy nhiên hiện nay bản Khe Rạn chưa khai thác được hết những nét đặc sắc trong văn hóa ở để phục vụ du lịch cộng đồng do yếu tố vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Trong bản vẫn còn tình trạng nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà gây ô nhiễm. Hiện nay ngoài kinh doanh dịch vụ ăn uống, bản Khe Rạn bắt đầu kinh doanh dịch vụ lưu trú tuy nhiên số lượt khách lưu trú tại bản còn rất ít.
113
Bản Nưa có cảnh quan thiên nhiên đẹp, là bản lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân tộc Thái và là một điểm đến du lịch cộng đồng đang phát triển, là bản thường được du khách lựa chọn để lưu trú trong những năm gần đây. Ban đầu hoạt động phục vụ khách lưu trú ở đây đã diễn ra một cách ngẫu nhiên, tự phát. Bà Lô Thị Hoa, một trong những gia đình được chọn là điểm dừng chân lưu trú của du khách tham quan cho biết, tháng 7 năm 2011 khi một đoàn khách du lịch về tham quan tại bản Nưa, nhiều du khách muốn tìm một gia đình để thuê nhà ngủ, để thưởng thức các món ăn của địa phương và tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái. Với tinh thần hiếu khách, thân thiện vốn có của người Thái, gia đình bà đã đồng ý cho đoàn khách đó nghỉ tại nhà mình. Từ năm 2011 đến 2015, gia đình bà Lô Thị Hoa cùng với gia đình anh Lô Đình Nhượng là hai điểm lưu trú đã tiếp đón trên 30 đoàn du khách trong nước và quốc tế. “Có những đoàn với số lượt khách khá đông, khoảng 40 - 50 người. Chi phí lưu trú trung bình là 50.000 đồng/người. Khách lưu trú tại bản Nưa tỏ ra thích thú với việc ngủ trên nhà sàn bằng đệm bông lau, sống cuộc sống của người dân bản địa ở một miền quê hoang sơ đúng nghĩa với an ninh trật tự trong các thôn bản được đảm bảo” [Phỏng vấn sâu, nữ 47 tuổi, bản Nưa, xã Yên Khê, 2016]. Số lượng nhà dân làm du lịch cộng đồng trong bản chưa nhiều. Hiện nay, trong bản tuy có khoảng 10 nhà đã sửa sang chuẩn bị cho việc đón khách lưu trú nhưng chỉ có ba hộ đảm bảo đủ điều kiện sinh hoạt cho du khách, đó chính là những hộ đã được dự án JICA lựa chọn đầu tư. Có thể nói chính dự án JICA đã làm thay đổi diện mạo du lịch cộng đồng tại bản Nưa, khiến bản Nưa trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho khách du lịch muốn trải nghiệm homestay ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Để phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương và người dân Con Cuông đã rất chú trọng việc gìn giữ kiến trúc nhà sàn truyền thống. Kiến trúc nhà sàn được giữ nguyên, hệ thống công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh được xây dựng thêm trong tầng 1 để đáp ứng tốt hơn nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Trước đây, dưới gầm sàn thường là nơi để nhốt trâu, bò, lợn; là nơi để các loại công cụ sản xuất, củi đun, cối giã gạo. Để phát triển du lịch, người dân đã làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm riêng ra một khu vực trong vườn, nhưng người ta vẫn giữ tập quán
114
dùng gầm sàn để chất củi đun, cối giã và các công cụ sản xuất khác. Về cơ bản các nhà sàn còn lưu giữ được nếp nhà truyền thống đúng với bản sắc văn hóa của cộng đồng. Người dân vẫn giữ nguyên nề nếp sinh hoạt của mình còn khách lưu trú được phát mỗi người một bộ gồm đệm, chiếu, màn, chăn và được bố trí chỗ ngủ riêng.
c. Trang phục truyền thống
Đến nay hầu hết người Thái Con Cuông đã chuyển sang cách ăn mặc kiểu người Kinh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển, khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa nên trong thời gian gần đây, trang phục của người Thái đặc biệt là y phục và đồ trang sức nữ giới đã được khai thác vào hoạt động du lịch ở huyện Con Cuông. Trang phục Thái được sử dụng trong biểu diễn văn nghệ, đón tiếp, phục vụ ẩm thực và hướng dẫn du lịch.
Trong sinh hoạt hàng ngày, phụ nữ Thái thường mặc âu phục hoặc những chiếc váy đơn giản, đã bạc màu nhưng khi tham gia biểu diễn văn nghệ, phụ nữ Thái ở huyện Con Cuông thường mặc áo được may bằng vải lụa đen hoặc vải màu in hoa, kiểu dáng thắt eo lưng, cài cổ phối cùng những bộ váy truyền thống vừa gọn gàng, vừa làm nổi bật đường nét thân hình của họ với màu sắc hoa văn trang nhã. Những người tham gia biểu diễn văn nghệ thường đội khăn, đeo trang sức là vòng bạc để có diện mạo thật xinh đẹp của một người phụ nữ Thái. “Do trang phục cổ truyền nay không còn nữa, để trở nên lộng lẫy hơn, các thành viên nữ trong đội văn nghệ thường mặc áo cách tân, áo mua sẵn trên thị trường. Nhưng chân váy thì vẫn là váy thổ cẩm do bà con người Thái Con Cuông tự dệt” [Phỏng vấn sâu, nữ 28 tuổi, bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, 2019].
Người Thái Con Cuông ngày càng chú trọng phát huy giá trị di sản văn hóa mặc vào hoạt động du lịch cộng đồng. Trước đây vẫn là những trang phục mua sẵn trên thị trường nhưng họ chỉ chú trọng về màu sắc, kiểu dáng sao cho bắt mắt. Nhưng khi nhận thức về du lịch được nâng cao, để biểu diễn văn nghệ, người Thái vẫn ưu tiên chọn những bộ trang phục có tính thẩm mỹ cao nhưng phải cân nhắc để đảm bảo được tính thuần Thái. Họ thường chọn những chiếc áo ngắn hoặc áo cánh dài, màu đen, cài khuy vải hoặc cúc, chiếc váy đen cổ truyền nhuộm chàm được thêu với các hoa văn màu sắc sặc sỡ. Áo được may bằng nhiều loại vải với nhiều