đánh mất đi hai chi tiết đặc trưng tiêu biểu của ngôi nhà sàn Thái là kiểu kiến trúc mái hồi “Vòm khum mai rùa” và khau cút đặt ở hai đầu dốc.
Về bố trí mặt bằng sinh hoạt cũng có nhiều biến đổi. Ngôi nhà sàn Thái ở Con Cuông thường có 3 đến 5 gian, chỉ những nhà giàu có mới làm từ 5 đến 7 gian. Mỗi gian có tên gọi và chức năng khác nhau. Gian đầu tiên (hỏong cơi) nơi có cầu thang và cửa chính vào nhà. Đây là nơi ngồi chơi, nghỉ ngơi hoặc có thế tiếp khách vào mùa hè. Xung quanh gian này thường được bao bọc bởi hàng bao lơn. Gian thứ hai là gian thờ tổ tiên, gian này được xem là gian chính và quan trọng nhất trong ngôi nhà, là nơi thờ cúng và tiến hành các nghi lễ cúng bái. Đặc biệt là góc thờ cúng là nơi tôn nghiêm, nên ngày thường phụ nữ, nhất là con dâu không được ngủ hay ngồi chơi tại đây, thậm chí khi ra quét dọn họ cũng phải mặc váy chứ không được mặc quần. Gian tiếp theo là buồng ngủ của vợ chồng chủ nhà và các thành viên trong gia đình. Gian thứ tư là nơi đăt bếp lửa. Gian thứ 5 thường gọi là gian trong. Gian cuối cùng là gian mở rộng thêm, là nơi sinh hoạt của phụ nữ, nơi để ống nước, chạn bát và các vật dụng khác. Cuối cùng là sàn phơi. Trước đây dưới gầm sàn, phần phía trong thường là nơi để nhốt trâu, bò, lợn, gà, phần phía ngoài là nơi để các công cụ sản xuất, củi đun, cối giã gạo. Ngày nay, phần đông bà con người Thái đã làm chuồng chăn nuôi gia cầm, gia súc riêng ra ngoài. Họ thường dùng gầm sàn để chất củi, để xe máy, công cụ sản xuất, một số hộ để bàn ghế ngồi uống nước. Một số hộ gia đình đã xây bao quanh gầm sàn, lát gạch nền và gầm sàn trở thành không gian sinh hoạt chính của gia đình, thậm chí họ ít khi lên trên nhà sàn. Ngày nay bếp nấu cũng được chuyển ra thành một gian riêng, ngoài bếp củi, hầu như hộ nào cũng có thêm bếp ga. Các hộ gia đình cũng đã xây dựng thêm khu công trình phụ, nó được xây ở gần gầm sàn hoặc được xây liền kề gian trong tạo thành hệ thống khép kín.
c) Trang phục truyền thống
Về trang phục truyền thống, trang phục nữ của người Thái Con Cuông gọn, đẹp, hoa văn trang nhã. Tuy mỗi nhóm Thái có những đặc trưng riêng về cách ăn mặc nhưng nhìn chung trang phục của họ đều tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ. Qua những cái áo, cái váy của phụ nữ Thái du khách không những được chiêm
92
ngưỡng vẻ đẹp trang phục mà nó còn còn thể hiện sự khéo léo, tinh tế và tính thẩm mỹ cao của mỗi người phụ nữ Thái. Trang phục là thành tố quan trọng tạo nên giá trị văn hóa của người Thái Con Cuông. Nhất là những bộ trang phục có tính thẩm mỹ cao như chiếc áo ngắn hoặc áo cánh dài, màu đen, cài khuy vải hoặc cúc, chiếc váy đen cổ truyền nhuộm chàm được thêu các hoa văn màu sắc sặc sỡ. Áo được may bằng nhiều loại vải với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, xanh, hồng bó sát thân với hàng khuy trắng bạc. Váy kết hợp với áo tạo nên nét duyên dáng, uyển chuyển cho bộ trang phục. Váy của người Thái dài chấm gót, màu đen quấn suông hoặc được thêu hoa văn màu sắc với nhiều hình thù ở gấu váy. Thắt lưng làm bằng sợi bông giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng. Chiếc khăn xéo quấn trên đầu làm nên vẻ đẹp duyên dáng cho bộ trang phục của dân tộc Thái. Đồ trang sức của phụ nữ Thái chủ yếu được làm bằng bạc. Trang phục mang giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa tộc người đồng thời thể hiện triết lý sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh của người Thái. Trang phục có thể được xem là tiềm năng du lịch chính là ở sự độc đáo và tính chất thủ công của nó. Du khách đến bản người Thái ở Con Cuông vẫn mong được chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống rực rỡ, độc đáo của các cô gái ẩn hiện như những đóa hoa tô điểm cho cảnh núi non trùng điệp hoặc muốn có những sản phẩm thổ cẩm đặc chất liệu tự nhiên, hoa văn thêu cầu kì, tinh xảo, những hình trang trí mang nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Trang phục truyền thống có thể được cộng đồng địa phương mặc khi tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng: phục vụ ẩm thực, hướng dẫn viên tại điểm, trình diễn làng nghề, văn nghệ góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Thái. Ngoài ra, để tăng thêm sức hấp dẫn của điểm đến, làm đa dạng sản phẩm du lịch và tăng thu nhập, cộng đồng địa phương có thể phát triển các dịch vụ như: bày bán và cho thuê trang phục Thái chụp ảnh, bán các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách.
2.2.4.2. Đánh giá
Ẩm thực, kiến trúc nhà sàn và trang phục truyền thống là những di sản văn hóa có độ hấp dẫn du lịch cao, là những tài nguyên du lịch quan trọng hàng đầu để khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Có100% du khách có nhu cầu tìm hiểu về những di sản văn hóa này, 100% du khách bị hấp dẫn bởi ẩm thực của người Thái ở
Có thể bạn quan tâm!
- Nhận Diện Và Đánh Giá Khả Năng Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Của Các Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể
- Các Loại Hình Nghệ Thuật Và Chữ Viết
- Văn Hóa Ẩm Thực, Kiến Trúc Nhà Sàn Và Trang Phục Truyền Thống
- Thực Trạng Phát Huy Giá Trị Di Sản Văn Hóa Của Người Thái Trong Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Ở Con Cuông
- Văn Hóa Ẩm Thực, Kiến Trúc Nhà Sàn Và Trang Phục Truyền Thống
- Nhìn Từ Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
Xem toàn bộ 253 trang tài liệu này.
93
Con Cuông, có 94% du khách cho biết kiến trúc nhà sàn hấp dẫn họ và có 70% du khách cho biết trang phục truyền thống là một trong những di sản văn hóa có sức hấp dẫn.
Về thời gian khai thác, cơ bản các di sản ẩm thực, nhà sàn và trang phục truyền thống được khai thác quanh năm. Tuy nhiên với mỗi di sản có một số khác biệt. Đối với di sản ẩm thực truyền thống, các món ăn, đồ uống cơ bản đều phục vụ được quanh năm. Nhưng tùy từng món ăn sẽ có tính mùa vụ. Du khách muốn thưởng thức các loại rau rừng phải phụ thuộc vào mùa phát triển của loại rau đó, muốn thưởng thức đặc sản núi rừng, côn trùng cũng phải phụ thuộc vào mùa vụ. Do vậy di sản ẩm thực là dạng tài nguyên không khai thác trọn vẹn quanh năm. Việc tham quan, chiêm ngưỡng, mua sắm trang phục truyền thống Con Cuông diễn ra quanh năm. Kiến trúc nhà sàn cũng có thể phục vụ lưu trú, tham quan quanh năm nhưng lại gặp bất lợi do yếu tố khí hậu. Về mùa hè, khí hậu ở Con Cuông rất nóng nực kết hợp với gió Lào khiến cho việc tổ chức dịch vụ lưu trú gặp nhiều khó khăn.
Sức chứa của loại hình tài nguyên này khá tốt. Bản làng của người Thái Con Cuông là những không gian rộng rãi, nhà sàn cao, thoáng, rộng nên không có trở ngại về mặt sức chứa, thuận lợi cho việc phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch cộng đồng.
Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là yếu tố không thực sự thuận lợi. Hạ tầng giao thông chưa phát triển, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, không có bãi đậu xe du lịch… là những hạn chế cản trở phát triển du lịch. Về cơ sở vật chất kỹ thuật, dụng cụ chế biến thực phẩm còn thiếu, các hộ gia đình chưa đáp ứng được nhu cầu của khách lưu trú về khu vệ sinh, chăn, ga, gối, đệm. Các dụng cụ làm mát như quạt điện, điều hòa nhiệt độ còn thiếu trong các hộ kinh doanh lưu trú tại gia. Các bản làng của người Thái ở Con Cuông chưa có các gian hang trưng bày, bán và cho thuê trang phục. Đó là những hạn chế cần khắc phục để phát triển du lịch cộng đồng.
Về mức độ bền vững, ẩm thực truyền thống, kiến trúc nhà sàn và trang phục đang nằm trong trạng thái cảnh báo về sự mai một.
Bản của người Thái xưa là đơn vị cơ sở của mường. Mỗi bản thường có ranh giới riêng, có mốc xác định. Bản có khu vực đất rừng núi và đất trồng trọt chung, có bến nước, bãi tha ma, bãi chăn thả chung. Tuy nhiên ngày nay thực hiện chính sách giao đất giao rừng nên phần đất rừng núi và trồng trọt đã được chia cho từng hộ theo số khẩu trong mỗi hộ. Ngày nay, tại nhiều bản vẫn duy trì bãi tha ma và bãi chăn thả chung tuy nhiên bến nước đã không còn. Trong số các bản đang làm du lịch hiện nay thì chỉ có bản Khe Rạn (xã Chi Khê) là vẫn duy trì bến nước, cây đa...
Tuy nhiên từ những năm 50 trở lại đây, do việc sắp xếp quy hoạch lại dân cư mà các bản Thái ở Con Cuông nói chung đã được cấu trúc theo kiểu đường phố (nhà cửa dựng theo từng dãy). Nếu như trước đây, người Thái chỉ cư trú ở những nơi gần nguồn nước và thung lũng thì nay việc lựa chọn địa hình cư trú cũng đã khác trước. Người dân đã chấp nhận nhiều địa hình cư trú khác nhau miễn sao có đất làm nhà và sản xuất. Do vậy, việc bố trí làng bản cũng đã có nhiều thay đổi, thay vì các ngôi nhà thường quay ra ruộng, sông suối hay dựa vào lưng núi như trước đây, hiện nay đồng bào có xu hướng làm nhà mới gần trung tâm xã, gần chợ, gần đường giao thông, gần các công trình công cộng. Những nhà gần đường thì quay ra mặt đường chứ không kể hướng nhà. Đối với những bản ở trung tâm thì xu thế thay đổi có biểu hiện rõ nét hơn. Khoảng cách các gia đình có xu hướng rút ngắn lại. Có thể nhìn thấy sự tác động rõ nét của các yếu tố kinh tế xã hội lên diện mạo làng bản của đồng bào Thái Con Cuông. Kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được xây dựng. Do đó, thay vì chủ yếu cư trú ở các thung lũng ở dưới chân núi, các gia đình Thái đã di chuyển chỗ ở đến những nơi thuận lợi hơn cho cuộc sống thường ngày. Đặc biệt họ có xu hướng mua đất ở gần đường để vừa thuận tiện đi lại vừa có thể buôn bán hoặc mở các ốt làm thêm nghề phụ tăng thu nhập cho gia đình.
Diện mạo của bản làng người Thái Con Cuông đã có nhiều thay đổi trong quá trình hiện đại hóa nông thôn. Các cổng làng được xây dựng, những con đường được bê tông hóa, những phên rào bằng tre nứa đã được dần thay thế bằng tường xây gạch, hoa được trồng nhiều ven đường. Những sự thay đổi như vậy đã khiến
bản bản làng của người Thái ở Con Cuông mang một diện mạo mới, có thể hiện đại hơn nhưng đang mất dần những nét văn hóa thuần Thái.
Điều đáng nói hơn, kiến trúc nhà sàn của người Thái Con Cuông hiện nay đã có nhiều biến đổi. Trước hết là sự biến đổi của mô hình nhà sàn dài ngày càng hiếm thấy, thay vào đó là loại nhà nhỏ và thiên về nhà trệt theo kiểu người Kinh. Sự biến đổi không chỉ khiến phong cách truyền thống bị mai một mà còn biến đổi về chất liệu, kỹ thuật. Gỗ và các loại chất liệu loại thực vật nhiệt đới như cỏ gianh, song mây, tre... được thay bằng gạch, đá, xi măng, sắt, thép, nhôm, kính. Đồ dùng trong nhà được thay thế bằng các loại kỹ thuật công nghiệp và cách bố trí mặt bằng, không gian sinh hoạt đã khác xưa rất nhiều. Vài năm trở lại đây, tại các bản làng xuất hiện những ngôi nhà đất bằng gỗ hoặc gạch. Đây thường là nhà của những cán bộ thoát ly và rõ ràng là do ảnh hưởng của ngôi nhà đất người Kinh. Có đến hơn 30
% nhà xây trong mỗi bản, phần vì bà con nghĩ nhà xây sẽ có tuổi thọ cao hơn, phần vì bây giờ người dân không khai thác được gỗ để làm nhà sàn nữa, kinh phí để mua gỗ làm nhà sàn là rất lớn. Để làm một ngôi nhà sàn truyền thống cần rất nhiều nguyên liệu như: gỗ, tre, nứa, song, mây... nhưng nguồn nguyên liệu này đang dần cạn kiệt, nếu có cũng phải mua với giá cao. Ngoài ra, trước đây khi một gia đình trong bản làm nhà thì các hộ khác trong toàn bản đến giúp công, của nhưng bây giờ chỉ số ít những nhà xung quanh và anh em trong dòng họ đến giúp. Hơn nữa, hiện nay nhân lực của các hộ cũng giảm đi, thay vì 3 – 4 thế hệ giờ đây chỉ còn 2 thế hệ, thanh niên thường đi làm ăn xa do vây họ không có nhu cầu làm nhà sàn [Phỏng vấn nam, 67 tuổi, xã Bồng Khê, 2018]. Hiện nay những ngôi nhà được người dân ưa chuộng là nhà trệt với 4 cột, lợp ngói hoăc bro xi măng, xung quanh bằng gỗ, nhà được làm 2 gian. Với họ ngôi nhà như vậy vừa phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu sử dụng của họ. Cũng theo người dân thì làm nhà trệt và nhà xây có giá trị sử dụng lâu hơn còn nhà sàn thì vài năm phải lợp lại một lần. Hơn nữa trước đây làm nhà sàn người dân có thể tận dụng không gian phía dưới sàn để chăn nuôi gia súc, gia cầm và để dụng cụ sản xuất.
Một thực tế khác đang diễn ra ở người Thái ở huyện Con Cuông đó là những người có đủ điều kiện cũng không làm nhà sàn theo kiểu truyền thống mà họ thích
những ngôi nhà sàn khang trang được làm theo kiểu dáng mới. Thực tế ở Con Cuông cho thấy, những ngôi nhà sàn truyền thống còn lại không nhiều và những ngôi nhà này hầu hết đã xuống cấp và cần phải thay mới nhưng do điều kiện kinh tế hoặc do neo người nên người ta chưa có điều kiện làm lại chứ không phải họ không muốn thay đổi. Với xu thế như vậy, không lâu nữa sẽ khó tìm thấy một nếp nhà sàn cấu trúc truyền thống văn hóa thuần Thái ở Con Cuông.
Việc lưu giữ , khôi phuc nhà saǹ truyêǹ thống được các cấp ủy Đảng, chính
quyền quan tâm, tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn nhà sàn truyền thống. Vì vậy, trong những năm qua đã hạn chế được hiện tượng người dân bán nhà sàn để làm nhà xây như thời gian trước đây. Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều làng, bản vẫn giữ được nhà sàn truyền thống, đặc biệt một số làng, bản có tỷ lệ nhà sàn cao, trong đó gần 100% số hộ là dân tộc Thái. Tiêu biểu một số bản giữ được nét nhà sàn cổ truyền thống như: Khe Rạn xã Bồng Khê, bản Chôm Lôm xã Lạng Khê, bản Nưa xã Yên Khê, Bãi Gạo xã Châu Khê, bản Đình xã Bình Chuẩn... [UBND huyện Con Cuông, 2017]. Gần đây được sự vận động của các cấp chính quyền, phần lớn hộ dân đã không còn nhốt gia súc, gia cầm dưới sàn nữa để giữ vệ sinh môi trường sống.
Trang phục cũng là di sản bị biến đổi rất mạnh. Trước những năm 40 của thế kỷ XX, trang phục của người Thái thường được làm thủ công từ vải bông và được nhuộm chàm. Sau cách mạng tháng tám năm 1945, nhiều nơi đã chuyển sang dùng vải đen mậu dịch để cắt may áo truyền thống. Sau đó, đặc biệt là từ những năm 80 thế kỷ XX trở lại đây, trào lưu chuyển sang mặc theo kiểu áo cánh của người Kinh được phổ biến sâu rộng. Đến nay hầu hết người Thái ở Con Cuông đã chuyển sang cách ăn mặc của người Kinh. Họ thường mặc âu phục, chỉ một bộ phận những người già là vẫn mặc trang phục truyền thống. Những người phụ nữ Thái thường chỉ mặc trang phục truyền thống vào những dịp đặc biệt, tuy nhiên trang phục Thái mà lớp trẻ người Thái mặc cũng đã có rất nhiều thay đổi. Thay vì dệt thủ công và tận dụng nguyên liệu từ tự nhiên, đến nay họ sử dụng sợi công nghiệp, cúc áo, thắt lưng được mua sẵn ở chợ và kiểu dáng, màu sắc đã có nhiều biến đổi.
Ẩm thực cũng thay đổi nhanh chóng, các món ăn truyền thống có nguy cơ không giữ được do nguyên liệu ngày càng khan hiếm, cách chế biến cầu kỳ. Những thế hệ người Thái sau này, nhiều người đã không biết về những món ăn truyền thống của dân tộc nữa. Những dụng cụ chế biến ẩm thực cũng bị mất đi nhiều, số lượng được giữ lại không còn đáng kể. Thay vì sử dụng các dụng cụ truyền thống, trong các gian bếp và trên mâm cơm, người dân sử dụng những dụng cụ hiện đại hoàn toàn. Những sự thay đổi như vậy khiến cho tính bền vững của di sản văn hóa bị đe dọa hơn bao giờ hết và làm phai nhạt tính độc đáo, hấp dẫn cho khai thác phát triển du lịch cộng đồng.
*Tiểu kết chương 2
Con Cuông là vùng đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di tích được xếp hạng di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhà cụ Vi Văn Khang, cây đa Cồn Chùa, di tích thành Trà Lân là những minh chứng lịch sử cho tinh thần đấu tranh cách mạng, lòng yêu nước và ý chí chiến đấu của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, Bia Ma Nhai sừng sững theo thời gian, đền Khe Sặt được phục dựng, tu bổ góp phần làm đa dạng các điểm tham quan văn hóa, lịch sử. Không chỉ là vùng đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, Con Cuông còn là vùng đất danh thắng, non nước hữu tình. Những danh lam thắng cảnh gắn liền với cuộc sống, văn hóa của người Thái như thác Khe Kèm, suối Nước Mọc, eo Vực Bồng, hang Nàng Màn, sông Giăng, VQG Pù Mát có thể phát triển những hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng với các hoạt động du lịch như tham quan, khám phá, trò chơi ngoài trời, leo núi, đạp xe,... Trong đó nổi bật nhất là VQG Pù Mát với hệ sinh thái động, thực vật hết sức phong phú.
Con Cuông là quê hương lâu đời của người Thái, nơi người Thái chiếm đại đa số với nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ. Với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, các loại hình dân ca, dân vũ, các phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng của người Thái cùng với ẩm thực Thái, nhà sàn và trang phục Thái là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa vô cùng quan trọng để phát triển các hình thức du lịch cộng đồng như du lịch di sản, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch bản làng.
Huyện Con Cuông có những thuận lợi về độ hấp dẫn du lịch, sức chứa du lịch và khả năng khai thác nhưng thời gian hoạt động du lịch không dài do sự bất lợi của yếu tố khí hậu. Trải qua thời gian dài, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, tác động của thiên tai lũ lụt, sự tàn phá của chiến tranh… phần lớn các di tích đều bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều di tích có giá trị cao bị hư hỏng, có di tích đã gần như trở thành phế tích. Bên cạnh đó, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đã và đang bị mai một hoàn toàn. Tình trạng này ảnh hưởng đến mức độ bền vững trong khai thác phát triển du lịch cộng đồng. Đây là những trở ngại lớn đối với việc phát huy giá trị của các di sản văn hóa của người Thái trong phát triển du lịch cộng đồng.