Tình Hình Sản Xuất, Tiêu Thụ Ngô Và Xu Hướng Phát Triển Cây Ngô


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Cây ngô (Zea mays L.) là một trong những cây ngũ cốc có vai trò quan trọng trên thế giới, là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, ngô còn là nguồn nguyên liệu trong công nghiệp sản xuất dược phẩm, năng lượng sinh học. Cây ngô được trồng ở hầu hết các vùng trên thế giới nhờ khả năng thích nghi rộng và giá trị kinh tế cao, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Niên vụ 2019/2020 diện tích ngô trên toàn cầu đạt 192,55 triệu ha, năng suất trung bình đạt 5,79 tấn/ha và sản lượng đạt 1.113,5 triệu tấn. Với sản lượng đạt 360,233 triệu tấn, Mỹ là quốc gia đứng đầu trong nhóm các nước có sản lượng ngô cao nhất thế giới (USDA, 2020a; 2020b) [162], [163].

Ở Việt Nam, cây ngô ngày càng có vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân. Ước tính có khoảng 80% lượng ngô tiêu thụ phục vụ cho ngành chăn nuôi (Nguyễn Hồng Tín, 2017) [32]. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, sản lượng ngô ở Việt Nam chỉ đạt 4,56 triệu tấn (Tổng cục thống kê, 2020) [50] và Việt Nam đã nhập khẩu 12,07 triệu tấn ngô để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngô cả nước (Tổng Cục Hải quan, 2021) [49]. Dự báo nhu cầu tiêu thụ ngô ở nước ta tiếp tục tăng lên cho những năm tới trong khi diện tích trồng và sản lượng ngô ở Việt Nam hiện đang có xu hướng giảm đi.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất cả nước, vùng xuất khẩu gạo chính của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 - 2019, Việt Nam xuất khẩu trung bình 5,0 - 6,0 triệu tấn gạo (Tổng Cục Hải quan, 2021 [49]; Hiệp Hội lượng thực Việt Nam, 2020) [185]. Tuy nhiên, sản xuất lúa nước tại ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu rõ rệt dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới do hạn hán, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Hơn nữa, việc canh tác đến 3 vụ lúa một năm trên cùng một chân đất nên thời gian nghỉ giữa các vụ là quá ngắn, không đủ để cắt đứt vòng đời sâu bệnh. Vì vậy, sự cần thiết để chuyển đổi sang cây trồng cạn cần ít nước là giải pháp phát triển bền vững hiện nay. Trong


các loại cây trồng cạn hiện nay, cây ngô là một trong những cây trồng cần ít nước và có tiềm năng mở rộng diện tích tại những vùng khó khăn ở ĐBSCL. Theo thống kê, diện tích trồng ngô ở ĐBSCL hiện nay chỉ chiếm 2,92% nhưng năng suất ngô vùng này đứng hàng thứ 2 cả nước (Tổng cục thống kê, 2020) [50].

Tỉnh Đồng Tháp (đất phù sa, thành phần cơ giới nặng) và Long An (đất xám, thành phần cơ giới nhẹ, nhiễm phèn) là hai tỉnh với đặc điểm thổ nhưỡng khác biệt đặc trưng ở vùng ĐBSCL có tiềm năng phát triển cây ngô trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Số liệu thống kê từ năm 2014 – 2020 cho thấy diện tích ngô ở tỉnh Đồng Tháp biến động nhẹ nhưng có xu hướng giảm trong khi năng suất ngô tăng lên trong giai đoạn này. Năm 2020 diện tích ngô ở Đồng Tháp đạt 4,9 nghìn ha và năng suất ngô cao nhất cả nước (9,02 tấn/ha). Trong khi đó, ở tỉnh Long An diện tích trồng ngô giảm mạnh từ năm 2014 – 2020. Đến năm 2020 diện tích ngô ở Long An chỉ đạt 0,4 nghìn ha nhưng năng suất ngô đạt 6,25 tấn/ha, đứng hàng thứ 3 ở vùng ĐBSCL (Tổng cục thống kê, 2020) [50]. Điều này cho thấy rằng, tiềm năng phát triển cây ngô trên các vùng đất lúa chuyển đổi ở ĐBSCL là rất lớn nếu chọn được bộ giống và biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp.

Hiện nay, việc phát triển cây ngô lai tại vùng ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn do truyền thống canh tác lúa lâu đời của người dân gắn liền với với việc áp dụng cơ giới hóa trong hầu hết các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa trong khi canh tác ngô khá mới mẻ đối với người sản xuất. Do đó, người nông dân chưa nắm được quy trình kỹ thuật canh tác ngô, nhất là canh tác ngô trên đất lúa chuyển đổi với nhiều yếu tố bất thuận sinh học và phi sinh học như ngập úng, sâu bệnh hại so với trồng ngô trên đất cao thoát nước tốt. Ngoài ra, hạt ngô giống phụ thuộc vào các giống ngô nhập nội của các công ty đa quốc gia với giá thành hạt giống cao và chưa thật sự phù hợp với mùa vụ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa đến chi phí sản xuất cao (Lê Quý Kha và cộng sự, 2015) [25]. Hơn nữa, kỹ thuật canh tác ngô vùng ĐBSCL hiện nay phần lớn đều áp dụng vào quy trình canh tác chung cho các vùng sinh thái, chưa có quy trình cụ thể cho từng tiểu vùng sinh thái khác nhau khi canh tác ngô trên đất lúa chuyển đổi, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế không cao.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.


Theo Cục Trồng trọt, hiện nay 100% diện tích gieo trồng sử dụng giống ngô lai và các giống ngô lai đang được sử dụng trong sản xuất chủ yếu do các công ty trong và ngoài nước cung cấp (Bộ NN&PTNT, 2017) [183]. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhiều giống ngô lai được chọn tạo trong nước đáp ứng cho sản xuất với nhiều đặc điểm nổi trội về đặc điểm sinh trưởng, năng suất, chất lượng hạt, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại và điều kiện bất lợi của môi trường, đặc biệt là giá thành hạt giống thấp hơn so với giống nhập nội. Hiện tại, diện tích trồng ngô sử dụng hạt giống được sản xuất trong nước rất ít và mức độ tham gia vào thị trường hạt giống ở phía các tỉnh Nam nói chung và ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cũng rất khiêm tốn.

Chủ trương của Chính phủ năm 2012 [51] và Quyết định 3367/QĐ-BNN-TT 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2014 (Bộ NN&PTNT) [3] đã nêu rõ sự cần thiết trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở vùng khó khăn tại ĐBSCL sang trồng màu, theo đó chuyển đổi hàng trăm nghìn ha lúa vùng bất thuận sang cây trồng cạn (ngô, đỗ tương, vừng, lạc). Giai đoạn từ năm 2020 định hướng đến năm 2030 sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu (Bộ NN&PTNT, 2016) [4].

Từ những cơ sở nêu trên, việc tuyển chọn những giống ngô lai chọn tạo trong nước có các đặc điểm nông học nổi trội, đáp ứng điều kiện canh tác tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời xây dựng quy trình canh tác phù hợp trên vùng đất lúa chuyển đổi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất là rất cấp thiết hiện nay.

2. Mục tiêu của đề tài

Lựa chọn được 1 - 2 giống ngô lai trong nước phù hợp với điều kiện sinh thái trên đất lúa chuyển đổi đối với hai nhóm đất phù sa (Fluvisols) và đất xám (Acrisols) tại vùng ĐBSCL;

Xác định liều lượng phân đạm, hiệu quả nông học của phân đạm, lân và kali; mật độ trồng và kỹ thuật làm đất làm cơ sở để xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác


ngô trên đất lúa chuyển đổi cho hai nhóm đất đại diện các tiểu vùng sinh thái nêu trên ở vùng ĐBSCL.

Xác định hiệu quả kinh tế của trồng ngô trên đất lúa chuyển đổi tại các tiểu vùng sinh thái nêu trên ở ĐBSCL.

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

3.1 Ý nghĩa khoa học

Tính thích ứng, ổn định của giống ngô lai tại ĐBSCL không những phụ thuộc vào năng suất mà còn khả năng chống chịu và trạng thái bắp, thể hiện qua kết quả tuyển chọn giống dựa trên các tiêu chí sinh trưởng, phát triển, chống chịu, năng suất, kết hợp ứng dụng chỉ số chọn lọc tuyển chọn được 02 giống ngô lai trong nước phù hợp với điều kiện canh tác trên hai tiểu vùng sinh thái ở Đồng Tháp và Long An.

Kết quả nghiên cứu kỹ thuật canh tác ngô trên đất lúa chuyển đổi đã khẳng định biện pháp đào rãnh là bắt buộc ở Đồng Tháp trong vụ Xuân Hè có mưa nhiều. Ở Long An cần thiết phải đào rãnh và lên luống khi canh tác ngô ở tất cả các vụ. Cần chú trọng hạ mực nước ngầm vùng rễ ngô khi cây ngô còn non, đỉnh sinh trưởng nằm dưới mặt đất.

Cần có các bước nhảy về mật độ và liều lượng đạm đủ lớn, để có mức thấp hơn, bằng và cao hơn, khác biệt nghiệm thức đối chứng rõ rệt, khi nghiên cứu mật độ trồng và liều lượng đạm đối với ngô lai ở vùng ĐBSCL.

Đề tài đóng góp vào cơ sở lý luận về nâng cao năng suất ngô canh tác trên đất phù sa và đất xám bằng việc gia tăng mật độ trồng hợp lý và liều lượng phân bón thích hợp.

3.2 Ý nghĩa thực tiễn

Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cho thực tiễn sản xuất 2 giống ngô lai được chọn tạo trong nước là LCH9A và MN585. Trong đó, giống ngô lai MN585 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên theo Quyết định số 5097/QĐ- BNN-TT ngày 31/12/2019.


Kết quả nghiên cứu các liều lượng phân đạm, hiệu quả nông học của phân đạm, lân và kali; mật độ trồng và kỹ thuật làm đất là cơ sở quan trọng để xây dựng quy trình canh tác ngô lai phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng

Các giống ngô lai mới và các giống triển vọng được công nhận sản xuất thử so với một số giống của nước ngoài đang được sản xuất tại vùng ĐBSCL.

Biện pháp kỹ thuật: nghiên cứu ảnh hưởng của kỹ thuật làm đất, mật độ trồng và lượng phân đạm đã góp phần điều chỉnh quy trình kỹ thuật từ khuyến cáo chung thành khuyến cáo cho từng loại đất và mùa vụ khác nhau trên đất lúa ở ĐBSCL.

4.2 Phạm vi nghiên cứu

Giống ngô lai: gồm 50 giống ngô lai và các giống ngô triển vọng, trong đó 24 giống được công nhận cấp Bộ (gồm 3 giống đối chứng nước ngoài) và 26 giống khác là những giống lai triển vọng của các nhóm tác giả, công ty đã khảo sát ở các nơi khác, tham gia tuyển chọn tại ĐBSCL.

Biện pháp kỹ thuật: nghiên cứu ảnh hưởng của kỹ thuật làm đất, mật độ trồng và lượng phân đạm cho nhóm đất xám ở Long An và nhóm đất phù sa ở Đồng Tháp qua các mùa vụ khác nhau trên đất lúa ở ĐBSCL.

Địa điểm: trên nhóm đất trồng lúa tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (đất xám), xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (đất phù sa).

Thời gian: trong các vụ Đông Xuân và Xuân Hè từ năm 2014 - 2018.

5. Những đóng góp mới của luận án

Tuyển chọn được 2 giống ngô lai đơn có năng suất cao, phù hợp luân canh trên đất lúa tại các tiểu vùng sinh thái ở Đồng Tháp và Long An. Trong đó giống ngô lai MN585 được công nhận chính thức cho vùng ĐBSCL.

Kết quả nghiên cứu các liều lượng phân đạm, hiệu quả nông học của phân đạm, lân và kali; mật độ trồng và kỹ thuật làm đất là cơ sở quan trọng để xây dựng quy trình canh tác ngô lai phù hợp cho tiểu vùng sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long.


CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.1 Tình hình sản xuất, tiêu thụ ngô và xu hướng phát triển cây ngô

1.1.1 Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô trên thế giới

Theo Prasanna và cộng sự (2018) [131], sản lượng ngô chiếm khoảng 50% sản lượng cây có hạt trên toàn cầu. Báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ, niên vụ 2019/2020 diện tích ngô trên toàn cầu đạt 192,55 triệu ha, năng suất trung bình đạt 5,79 tấn/ha và sản lượng đạt 1.113,50 triệu tấn (USDA, 2020b) [163]. Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu trong nhóm các nước có sản lượng ngô cao nhất thế giới với sản lượng đạt 360,233 triệu tấn. Trung Quốc, Indonesia và Philipin ở khu vực Châu Á cũng nằm trong nhóm các quốc gia có sản lượng ngô cao nhất thế giới (Hình 1.1).

Hình 1 1 Các quốc gia có sản lượng ngô cao nhất thế giới niên vụ 2019 2020 1

Hình 1.1 Các quốc gia có sản lượng ngô cao nhất thế giới niên vụ 2019/2020

Nguồn: USDA (2020b) [163]

Thống kê cũng cho thấy các nước ở Châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan là các quốc gia nhập khẩu ngô trong niên vụ 2019/2020 (USDA, 2020a) [162]. Đặc biệt, niên vụ 2019/2020 Trung Quốc chỉ nhập khẩu 7,6 triệu tấn ngô (USDA, 2020a) [162]; đến niên vụ 2020/2021, báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ tháng 4/2021 cho thấy lượng ngô nhập khẩu tăng lên 24 triệu tấn (USDA, 2021) [164].


Dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, 2019) [188] nhu cầu ngô thế giới tiếp tục tăng lên và tiệm cận với sản lượng ngô toàn cầu. Đến năm 2028 nhu cầu tiêu thụ ngô trên thế giới đạt 1.300 triệu tấn. Nhu cầu ngô phục vụ chăn nuôi cũng tăng lên trong 10 năm tới, dự báo đạt 771,95 triệu tấn vào năm 2028 (Hình 1.2).

Hình 1 2 Dự báo nhu cầu tiêu thụ ngô toàn cầu giai đoạn 2018 2028 Nguồn OECD 2

Hình 1.2 Dự báo nhu cầu tiêu thụ ngô toàn cầu giai đoạn 2018 - 2028

Nguồn: OECD (2019) [188]


1.1.2 Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô ở Việt Nam

Số liệu thống kê từ năm 2014 đến năm 2020 cho thấy diện tích trồng ngô ở nước ta giảm liên tục giảm trong giai đoạn này. Năng suất ngô tăng từ năm 2014 đến năm 2020 trong khi sản lượng ngô giảm mạnh từ năm 2016 đến năm 2020 (Hình 1.3). Số liệu thống kê đến năm 2020 cho thấy khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có diện tích và sản lượng ngô lớn nhất cả nước (426,4 nghìn ha), năng suất đạt cao nhất ở khu vực Đông Nam Bộ (6,96 tấn/ha) (Tổng cục thống kê, 2020) [50]. Tỉnh Sơn La ở vùng trung du phía Bắc và tỉnh Đắk Lắk ở Tây Nguyên có diện tích trồng lớn nhất cũng như khối lượng sản xuất lớn nhất. Năng suất ngô các tỉnh An Giang (7,81 tấn/ha), Đồng Tháp (9,02 tấn/ha) và Long An (6,25 tấn/ha) thuộc vùng


ĐBSCL và tỉnh Đồng Nai (7,99 tấn/ha) ở khu vực Đông Nam Bộ là các tỉnh có năng suất ngô cao nhất cả nước (Tổng cục thống kê, 2020) [50].

Hình 1 3 Tình hình sản xuất ngô cả nước giai đoạn 2014 2020 Nguồn Tổng cục 3

Hình 1.3 Tình hình sản xuất ngô cả nước giai đoạn 2014 - 2020

Nguồn: Tổng cục thống kê (2020) [50]

Trong khi đó lượng ngô nhập khẩu tăng dần qua các năm, đặc biệt năm 2018 sản lượng ngô nhập khẩu tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 (Hình 1.4).

Hình 1 4 Tình hình nhập khẩu ngô ở Việt Nam giai đoạn 2014 2020 Nguồn Tổng 4

Hình 1.4 Tình hình nhập khẩu ngô ở Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020

Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Hải quan (2014 - 2020) [189]

Xem tất cả 213 trang.

Ngày đăng: 15/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí