Chương 3. THỰC TRẠNG PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI THÁI TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở CON CUÔNG
3.1. Nhìn từ các di sản văn hóa
3.1.1. Nhìn từ các di sản văn hóa vật thể
3.1.1.1. Danh lam thắng cảnh
Trong hệ thống danh lam thắng cảnh thuộc huyện Con Cuông, sông Giăng, thác Khe Kèm, VQG Pù Mát, suối Nước Mọc là những di sản đã được khai thác phục vụ khách tham quan và được kết hợp với những điểm tham quan khác để hình thành những tuyến du lịch khác nhau. Với chương trình du lịch sinh thái cộng đồng 1 ngày, các hoạt động tham quan, trải nghiệm được tiến hành như sau: buổi sáng tham quan VQG Pù Mát, thác Khe Kèm với các hoạt động như thả bộ trong khu vườn nguyên sinh, vườn hoa, vườn thú,… thăm bảo tàng Gene - nơi trưng bày, lưu giữ tiêu bản và gen của nhiều loại động thực vậy quý hiếm, tắm thác, ngâm chân cho cá rỉa chân, khách du lịch có thể dùng cơm trưa tại các homestay hoặc tại Khu Du lịch Sinh thái Pha Lài. Buổi chiều, khách du lịch sẽ du thuyền, ngắm cảnh sông Giăng trên những chiếc thuyền kayak hoặc xuồng máy với các hoạt động tham quan, tắm suối. Với chương trình du lịch sinh thái cộng đồng 2 ngày trở lên, chương trình trải nghiệm VQG Pù Mát, thác Kèm, sông Giăng sẽ được kết hợp với các điểm tham quan khác như gian hàng thổ cẩm, suối Nước Mọc, đạp xe ngắm bản làng, giao lưu văn nghệ cộng đồng.
Có thể nói, sự phát triển của các dịch vụ du lịch đã phát huy tốt hơn giá trị các di sản văn hóa vật thể trong du lịch cộng đồng. Năm 2017, Dự án Khu du lịch sinh thái Pha Lài được triển khai với các khu công trình chính là nhà trung tâm, nhà kiểm soát, bãi đỗ xe, khu lưu trú và dịch vụ tổ hợp với các hạng mục xây dựng gồm: nhà điều hành, nhà đón tiếp, nhà thuyền, bể bơi nổi trên sông, nhà hàng, khu lưu trú, trung tâm bảo tồn văn hóa, tổ hợp lều cắm trại, chòi câu cá, quán gió… với tổng số
vốn đầu tư 18 tỷ đã tạo ra một bước phát triển mới cho du lịch Con Cuông8. Khu Du lịch sinh thái Pha Lài bắt đầu xây dựng và khai thác dịch vụ từ cuối tháng 4/2018 Với diện tích rộng lớn gần 10 ha nằm dọc trên dòng sông Giăng thuộc xã Môn Sơn đang được xây dựng và hoàn thiện các dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, nghỉ ngơi như chèo thuyền Kayak xuôi dòng sông Giăng hoặc ngược dòng sông Giăng bằng xuồng máy, cùng trải nghiệm đường trượt Zipline đôi để khách trải nghiệm cảm giác mạnh, tăng thêm sức hấp dẫn cho tour tham quan.
Như vậy, các di sản văn hóa là những danh lam thắng cảnh tại huyện Con Cuông đã ngày một phát huy giá trị của mình, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Con Cuông bằng các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng với các hoạt động nổi bật là thăm cảnh quan VQG Pù Mát, tắm, thả chân cho cá rỉa chân tại thác Khe Kèm, du thuyền Sông Giăng, trượt ziplai, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ tại Khu du lịch sinh thái Pha Lài, tắm mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông tại suối nước Mọc.
3.1.1.2. Di tích lịch sử, văn hóa
Có thể bạn quan tâm!
- Các Loại Hình Nghệ Thuật Và Chữ Viết
- Văn Hóa Ẩm Thực, Kiến Trúc Nhà Sàn Và Trang Phục Truyền Thống
- Phát huy giá trị di sản văn hóa của người Thái trong phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Nghệ An - 13
- Văn Hóa Ẩm Thực, Kiến Trúc Nhà Sàn Và Trang Phục Truyền Thống
- Nhìn Từ Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
- Tỷ Lệ Du Khách Muốn Được Trải Nghiệm Và Đã Trải Nghiệm Các Hình Thức Du Lịch Cộng Đồng Ở Con Cuông
Xem toàn bộ 253 trang tài liệu này.
Di tích nhà cụ Vi Văn Khang là một di tích được xếp hạng cấp quốc gia nhưng cho đến nay mức độ khai thác phát triển du lịch còn rất thấp. Di tích này có những thuận lợi để khai thác du lịch như: vị trí dễ dàng tiếp cận, di tích đang được bảo tồn nguyên vẹn. Nhưng cho đến nay, di tích nhà cụ Vi Văn Khang chưa phát huy được giá trị vốn có trong phát triển du lịch cộng đồng. Những hình thức như tham quan kiến trúc nhà sàn và nghe thuyết minh về thân thế cụ Vi Văn Khang cũng như truyền thống cách mạng của đồng bào người Thái ở Con Cuông chưa được triển khai trong thực tiễn do lượt khách đến thưa thớt. Các giá trị vật chất và tinh thần của di tích chưa được truyền tải đến khách du lịch. Hiện nay các di tích nhà cụ Vi Văn Khang mới chỉ được đưa vào các chương trình du lịch và bản đồ du lịch huyện Con Cuông nhưng trên thực tế chưa có các đoàn khách tham quan.
Bia Ma Nhai là một di tích được xếp hạng cấp quốc gia nhưng chưa phát huy được giá trị trong phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng. Lối vào
8 UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 4273 QĐ - UBND, ngày 19 tháng 9 năm 2017, Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Phà Lài.
bia Ma Nhai cỏ mọc um tùm, cổng di tích thường xuyên đóng. Khu vực di tích nhiều rác thải không được dọn dẹp. Đặc biệt là tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích làm hư hại di tích còn diễn ra. Hiện nay chỉ có một số ít những du khách đến tham quan di tích. Tại đây không có các dịch vụ hướng dẫn, thuyết minh tham quan.
Hang Nàng Màn là một di tích cấp tỉnh nhưng hiện nay chưa có các hoạt động tham quan của du khách. Hiện nay, UBND huyện Con Cuông đã chỉ đạo xậy dựng điểm dừng chân cho khách du lịch ngay cạnh di tích để tạo điểm nhấn, phát huy giá trị của di tích, danh thắng. Tuy nhiên đường vào hang rất khó khăn để di chuyển, hệ thống đèn chiếu sáng chưa được lắp đặt nên du khách chưa thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hang Nàng Màn và điểm dừng chân cũng chưa có cơ hội đón tiếp khách du lịch.
Tại di tích cây đa cồn chùa, hiện nay cây đa cổ thụ đã không còn, chỉ có đây đa nhỏ được trồng thay thế cùng với bia dẫn tích để cung cấp thông tin cho du khách nên lượt khách tham quan, chụp hình chưa nhiều. Thời gian gần đây, chợ phiên Mường Quạ được chính quyền địa phương tổ chức bên cạnh khu vực di tích cây đa Cồn Chùa với mục đích giới thiệu các đặc sản địa phương, sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực của từng xã đã thu hút một lượng khách tham gia đã khiến cho lượt khách tham quan cây đa Cồn Chùa cũng nhờ vậy mà tăng lên.
Đền Khe Sặt đã được phục dựng đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu cũng như nhu cầu tâm linh của du khách. Tại di tích này chưa có hoạt động tham quan du lịch, thi thoảng chỉ có một số khách đến tham quan với mục đích nghiên cứu là chính. Tại đền Khe Sặt hiện chưa có dịch vụ hướng dẫn tham quan, thuyết minh cho khách du lịch, khách du lịch đến phải tự tham quan tìm hiểu. Do vậy, những giá trị vật chất và tinh thần của đền Khe Sặt hầu như chưa được khai thác.
Thành Trà Lân được giới thiệu như một điểm đến không thể bỏ qua khi khách du lịch đến Con Cuông, đó cũng là chủ đề du lịch của huyện với khẩu hiệu “Về miền Trà Lân” tuy nhiên giá trị của di sản mới chỉ được truyền tải qua du khách khi nghe giới thiệu chung về huyện Con Cuông chứ tại đây chưa có các hình thức du lịch tham quan trải nghiệm. Trải qua hơn 600 năm bị mưa nắng, bão lũ và
cả con người tàn phá, hịên nay Thành Trà Lân chỉ còn dấu tích, gạch vụn và đang có nguy cơ bị vùi lấp, những dãy tre xưa nay chỉ còn 5 bụi cũng đang bị chặt phá, những dãy gạch xây thành, có nơi bị lở trôi vì không có ai bảo vệ. Vùng đất nghĩa quân Lam Sơn năm xưa làm nơi luyện quân, luyện voi đánh giặc giờ chỉ còn lại là bãi đất trống. Là một di tích lịch sử oai hùng của dân tộc nhưng thành Trà Lân đang bị cây rừng và đất đá phủ lấp, có nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn.
Theo kết quả điều tra bảng hỏi, có 100% du khách được hỏi cho biết họ muốn được tìm hiểu, khám phá các di tích lịch sử văn hóa ở Con Cuông, 90% du khách cho biết họ muốn được trải nghiệm hình thức du lịch di sản, tuy nhiên mới chỉ có 22% du khách đã tìm hiểu, khám phá các di tích lịch sử. Khi được yêu cầu đánh giá về mức độ hấp dẫn của các di tích lịch sử, chỉ có 36,3% du khách đánh giá hấp dẫn và có đến 45,5% du khách đánh giá kém hấp dẫn9. Những con số này phản
ánh rằng mặc dù khách du lịch khi đến Con Cuông rất mong muốn được tìm hiểu, khám phá các di tích lịch sử văn hóa nhưng mới chỉ một bộ phận nhỏ có cơ hội. Điều này cho thấy hình thức du lịch di sản tại Con Cuông chưa phát triển, chưa làm hài lòng khách du lịch đồng nghĩa với mức độ phát huy giá trị của các di tích lịch sử trên địa bàn huyện trong phát triển du lịch cộng đồng là rất thấp.
3.1.2. Nhìn từ các di sản văn hóa phi vật thể
3.1.2.1. Phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ tết
Cưới hỏi là phong tục đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái thể hiện rõ nét nhất đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, tuy nhiên hiện phong tục này chưa được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Một số bản làm du lịch sẵn sàng tạo điều kiện cho du khách tham gia khi trong vùng có các nghi lễ diễn ra, song sự tham quan này hạn chế vì chỉ thi thoảng trong bản mới có một đám cưới. Ngoài cưới hỏi, người Thái có một số phong tục đặc sắc, có thể sân khấu hóa thành những trích đoạn ngắn nhưng cho đến nay chưa có phong tục nào được sân khấu hóa để khách du lịch thưởng lãm.
9 Số liệu điều tra của tác giả, năm 2018
Về tín ngưỡng và lễ tết, du khách khi tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng ở Con Cuông khó có thể tham gia các nghi lễ tín ngưỡng của người Thái nhưng họ đã được quan sát các khâu tiến hành của một số nghi lễ. Nghi lễ đầu tiên được khai thác trong du lịch cộng đồng, đó là nghi lễ cúng vía. Mặc dù, ban đầu đồng bào Thái không sẵn sàng để khai thác nghi lễ này trong du lịch, nhưng qua quá trình tập huấn du lịch cũng như chỉ đạo của chính quyền, từ năm 2018, đầu tiên là cộng đồng bản Khe Rạn đã đưa vào khai thác phục vụ du khách. Đến nay tại các bản có hoạt động Du lịch cộng đồng như bản Nưa, bản Xiềng đều đã tổ chức nghi lễ cúng vía cho các đoàn khách du lịch [Phỏng vấn sâu, nam, 45 tuổi, thị trấn Con Cuông, 2019]. Mâm cúng vía thường được bà con chuẩn bị sẵn theo nhu cầu của du khách, có giá dao động từ 4 trăm đến 5 trăm ngàn đồng. Nghi lễ cúng vía được tổ chức trước khi đoàn dùng bữa tối, thầy mo của bản sẽ mời những vị khách đại diện lên để làm lễ và sau đó buộc chỉ cổ Tày màu đỏ cho khách với ý nghĩa cầu sức khỏe và may mắn. Để phù hợp với thời gian cũng như tâm lý của khách, lời cúng của thầy mo thường được rút ngắn lại so với bình thường, thầy mo luôn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho đoàn khách được làm lễ. Lễ buộc chỉ cổ Tày cho khách du lịch đã thể hiện lòng mến khách của người Thái đối với bạn bè, khách quý. Tuy nhiên, do chưa có người dẫn chương trình hay thuyết minh viên nên khách du lịch chưa được giới thiệu cụ thể về nghi lễ này.
Trong tín ngưỡng thờ cúng hệ thống ma của người Thái thì tín ngưỡng thờ ma tổ sư nghề đã phần nào được khai thác vào hoạt động du lịch. Một trong những lễ cúng quan trọng nhất để tạ ơn vị tổ nghề là Lễ Xăng khan đã được tái hiện qua các tiết mục văn nghệ để biểu diễn phục vụ du khách. Trong những tiết mục văn nghệ được các đội văn nghệ dàn dựng biểu diễn hiện nay không thể thiếu bài múa mừng lễ hội Xăng Khan và điệu múa ống giỗ. Những tiết mục này được dàn dựng khá cầu kỳ, sân khấu hóa bắt mắt và thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc Thái, hấp dẫn du khách.
Ngoài ra, trong các nghi lễ được người Thái Con Cuông tổ chức, thường có phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: đi cà kheo, ném còn, đấu vật,... Hiện nay những trò chơi này đã được lồng ghép một phần trong các chương trình giao lưu văn nghệ. Riêng điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn đã đưa trò chơi đi cà kheo
vào biểu diễn trong chương trình biểu diễn văn nghệ. Tuy nhiên, các trò chơi này mới chỉ dừng lại ở việc dàn dựng đơn sơ chứ chưa đạt đến nghệ thuật trình diễn. Ở bản Khe Rạn, khu vực sân bóng của bản cũng là không gian để khách có thể chơi các trò chơi dân gian khác nhưng mới chỉ có dụng cụ chơi được dựng lên nên không thực sự phát huy được giá trị của các trò chơi dân gian.
3.1.2.2. Các loại hình nghệ thuật và chữ viết
Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của du khách, các câu lạc bộ dân ca đã thành lập các đội văn nghệ thường xuyên tập luyện và biểu diễn. “Đội văn nghệ bản Nưa có 17 người thường xuyên biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống phục vụ khách du lịch. Vào mùa đông khách, mỗi tuần, đội văn nghệ bản Nưa biểu diễn 1 đến 2 lần, đặc biệt là dịp 30/4, ngày nào họ cũng biểu diễn văn nghệ ” [Phỏng vấn sâu, nữ 45 tuổi, Câu lạc bộ dân ca bản Nưa, xã Yên Khê, 2019]. Đội văn nghệ bản Khe Rạn tuy được thành lập sau nhưng đã phát triển rất mạnh. “Vào mùa du lịch, đội văn nghệ bản Khe Rạn hầu như ngày nào cũng được yêu cầu biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống . Không những biểu diễn phục vụ khách du lịch cộng đồng tại bản, họ thường xuyên tham gia các hội thi văn nghệ được tổ chức trong và ngoài huyện để giao lưu, học hỏi. Nhờ vậy, việc biểu diễn văn nghệ đã mang lại nguồn thu nhập cho các thành viên, cùng với việc phục vụ ẩm thực, mỗi thành viên có mức thu nhập 6 đến 7 triệu đồng” [Phỏng vấn sâu, nữ 28 tuổi, Bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, 2019].
Tại xã Môn Sơn, từ năm 2018, các câu lạc bộ dân ca bản Xiềng và Làng Cằng đã tham gia biểu diễn văn nghệ truyền thống phục vụ du khách. Cường độ biểu diễn tùy theo mùa du lịch, “thường là vào mùa hè, lượt khách đông hơn nên các đội văn nghệ cũng biểu diễn thường xuyên hơn. Để nâng cao chất lượng biểu diễn, bắt đầu từ tháng 3 năm 2019, đội văn nghệ bản Xiềng và đội văn nghệ bản Làng Cằng đã hợp nhất để chọn ra một đội văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách” [Phỏng vấn sâu, nam 63 tuổi, bản Xiềng, xã Môn Sơn, 2019].
Một chương trình văn nghệ biểu diễn thường có nhiều nội dung như: Cúng vía cho khách, tiết mục đơn ca, sau đó khách dùng bữa tối xong sẽ xem biểu diễn
các tiết mục múa truyền thống. Mỗi chương trình biểu diễn thường kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, chi phí mà khách phải trả dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
Thông thường, các tiết mục được dàn dựng là hát múa, múa, độc tấu, hoà tấu các loại nhạc cụ dân tộc như: Cồng chiêng, khắc luống, khèn bè, pí, xi xa lo, tập tinh... thể hiện không gian diễn xướng của các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Xăng Khan, mừng nhà mới, hội cầu mưa, hội cầu mùa... Trước đây, các điệu múa Xăng Khan chỉ được biểu diễn vào những dịp có lễ hội. Ngày nay những điệu múa này đã biểu diễn thường xuyên để phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách. Điệu múa Giỗ ống (tằng bụ) với ý nghĩa cầu phúc, cầu sức khỏe cho dân bản và cầu mùa màng bội thu đã được các đội văn nghệ dàn dựng biểu diễn. Về dân vũ, múa trống chiêng, nhảy sạp, múa lăm vông cũng đã được đưa vào biểu diễn phục vụ du khách. Những thể loại dân ca như khắp, nhuôn đã được đưa vào phục vụ biểu diễn cùng với hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Hiện nay, trong các buổi biểu diễn hát múa dân ca, người Thái Con Cuông đã biết kết hợp, lồng ghép khéo léo các bài diễn xướng ca dao để tăng sức hấp dẫn khách du lịch. Múa nhảy sạp và vũ hội rượu cần là những tiết mục cuối cùng của một chương trình văn nghệ. Khách du lịch thường được đội văn nghệ mời tham gia biểu diễn cùng đồng bào trong những tiết mục này. Tùy theo nhu cầu, đặc điểm của từng đoàn khách, các đội văn nghệ sẽ lựa chọn những tiết mục phù hợp để biểu diễn.
Từ giữa năm 2018, người Thái Con Cuông đã dàn dựng các tiết mục văn nghệ công phu hơn, chất lượng biểu diễn được nâng lên rõ rệt vì các thành viên đều rất nhiệt tình luyện tập và học hỏi trao đổi. Các tiết mục được dàn dựng ngày càng đề cao yếu tố nghệ thuật truyền thống từ thể loại, hình thức biểu diễn, nhạc cụ đến trang phục biểu diễn. Ngoài việc tập luyện những tiết mục mới, đội văn nghệ chú trọng công tác đào tạo trẻ, nhờ vậy thời gian vừa qua thanh, thiếu niên cũng đã được tiếp cận, trau dồi kiến thức văn hóa văn nghệ truyền thống.
Khách du lịch đến đây rất thích thú với kho tàng dân ca hết sức phong phú, đa dạng, đặc sắc làm say đắm lòng người như các làn điệu dân ca xuôi, khắp, nhuôn với nhiều thể thức diễn xướng liên quan đến tình yêu, lao động và ca ngợi
cảnh đẹp quê hương. Do vậy, văn nghệ truyền thống đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, phát triển ở Con Cuông. Hiện nay các doanh nghiệp lữ hành đã chú trọng các tour du lịch ngắn ngày về Con Cuông để du khách vừa có thể khám phá thiên nhiên, thưởng thức ẩm thực và văn nghệ truyền thống. Nhờ những nổ lực như trên, 78% du khách đến Con Cuông cho biết đã được tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa này và có gần 80% du khách đã trải nghiệm đánh giá các loại hình
văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Thái ở Con Cuông là rất hấp dẫn10.
Về chữ viết, mặc dù trong những năm gần đây được chính quyền địa phương chú trọng lưu giữ, phục hồi và đạt được những thành tựu nhất định trong công tác bảo tồn nhưng chưa phát huy được giá trị trong du lịch cộng đồng. Chữ Thái chưa xuất hiện trên những sản phẩm lưu niệm và du khách chưa biết đến những bộ chữ Thái vốn có.
3.1.2.3. Nghề và làng nghề thủ công truyền thống
Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch đã phối hợp với Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn để lồng ghép các chương trình tham quan gian hàng thổ cẩm vào các chương trình du lịch. Nhờ vậy đã có những đoàn khách ghé thăm và mua sắm tại gian hàng trưng bày thổ cẩm. Ngoài ra, sản phẩm dệt thổ cẩm còn được bày bán tại quầy lưu niệm của những cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn như khách sạn Mường Thanh, Khu du lịch sinh thái Pha Lài và được bán tại các hội chợ trong nước. “Sản phẩm dệt của người Thái có sức hút với khách du lịch quốc tế hơn so với khách du lịch nội địa. Tổng thu đạt được đối với mỗi đoàn khách nội địa dao động từ 500 ngàn - 1 triệu đồng, đối với khách quốc tế là từ 1 triệu - 5 triệu đồng” [Phỏng vấn sâu, nữ 35 tuổi, thị trấn Con Cuông, 2019]. Tuy nhiên cho đến nay chưa có nhiều đoàn khách du lịch ghé vào gian hàng thổ cẩm của Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn. Mặc dù là di sản có độ hấp dẫn du lịch khá cao, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 46% khách du lịch cộng đồng đến Con Cuông tham gia tìm hiểu, khám phá di
10 11 Kết quả điều tra của tác giả, năm 2018