Thực Trạng Quy Định Pháp Luật Về Hình Thức Tổ Chức Giao Dịch Và Trình Tự, Thủ Tục Giao Dịch Trái Phiếu Doanh Nghiệp

147

Thứ ba, nghiên cứu sinh cho rằng nếu CTCK được thành lập và hoạt động dưới mô hình CTTNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ sở hữu thì sẽ thiếu an toàn cho khách hàng và đối tác. Tuy vậy, Luật Chứng khoán hiện hành đã có các quy định nhằm loại trừ sự thiếu an toàn đó. Theo đó, nếu CTCK được tổ chức dưới hình thức CTTNHH một thành viên thì chủ sở hữu phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại159. Như vậy, nếu CTCK được thành lập dưới dạng CTTNHH một thành viên thì chủ sở hữu của nó không những phải là tổ chức mà còn phải là các tổ chức tài chính sừng sỏ, đó là các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại.

*Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán

Theo quy định pháp luật hiện hành, CTCK được thành lập và hoạt động dưới hình thức CTTNHH hoặc CTCP. Vì vậy, thủ tục thành lập, quá trình hoạt động và giải thể, bộ máy quản trị điều hành, quyền và nghĩa vụ,… của CTCK về cơ bản phải tuân theo các quy định của Luật chung (Luật Doanh nghiệp 2020). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư 2020, ngành nghề kinh doanh của CTCK là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Công ty chứng khoán chỉ được thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp sau khi đã được UBCKNN cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Theo quy định pháp luật hiện hành, để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, CTCK phải thỏa mãn các điều kiện về vốn, về cổ đông/thành viên góp vốn, về cơ cấu cổ đông/thành viên góp vốn, về cơ sở vật chất, về nhân sự, về dự thảo Điều lệ công ty160. Với CTCK - một doanh nghiệp hành nghề trong lĩnh vực đặc biệt thì vốn và nhân sự là những điều kiện quan trọng nhất.

- Điều kiện về vốn

Theo quy định pháp luật hiện hành, để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, CTCK phải thỏa mãn điều kiện đầu tiên là điều kiện về vốn. Cụ thể, phải thỏa mãn điều kiện về hình thức tài sản góp vốn (phải bằng Đồng Việt Nam) và điều kiện về mức vốn điều lệ tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán161.

Theo quy định pháp luật hiện hành, CTCK phải bảo đảm vốn điều lệ tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, cụ thể: nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 25 tỷ đồng, nghiệp vụ tự doanh chứng khoán là 50 tỷ đồng, nghiệp vụ bảo


159Xem Điều 74 khoản 3 Điểm a Luật Chứng khoán năm 2019.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

160Xem Điều 74 Luật Chứng khoán năm 2019.

161Xem Điều 74 khoản 1 Luật Chứng khoán năm 2019.

Pháp luật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam - 20

148

lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỷ đồng, nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán là 10 tỷ đồng162.

- Điều kiện về nhân sự

Xuất phát từ tính chất đặc thù của hoạt động nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đòi hỏi nhân sự của CTCK phải là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhất định, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Theo quy định pháp luật hiện hành, CTCK phải thỏa mãn điều kiện về nhân sự, cụ thể: có Tổng giám đốc (Giám đốc), tối thiểu 03 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đề nghị cấp phép và tối thiểu 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ163. Đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, về chứng chỉ hành nghề, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự/chấp hành hình phạt tù/bị cấm hành nghề chứng khoán, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ164. Để được cấp các chứng chỉ này, ngoài các điều kiện về năng lực hành vi dân sự, không bị truy cứu TNHS/bị cấm hành nghề kinh doanh chứng khoán, có trình độ đại học trở lên,… thì cá nhân phải trải qua kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Ngoài quy định về tiêu chuẩn hành nghề, pháp luật còn yêu cầu người hành nghề chứng khoán phải có đạo đức nghề nghiệp. Quy định về đạo đức nghề nghiệp thể hiện thông qua các quy định về trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán trong quá trình hành nghề, như: người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ được hành nghề chứng khoán với tư cách đại diện cho công ty chứng khoán; người hành nghề chứng khoán không được đồng thời làm việc cho từ 02 công ty chứng khoán trở lên; không được mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán; không được thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của công ty chứng khoán;.v.v.

*Nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán

Theo quy định pháp luật hiện hành, CTCK được thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán165.

- Môi giới chứng khoán

Môi giới chứng khoán là việc CTCK làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng.


162Xem Điều 175 khoản 1 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

163Xem Điều 74 khoản 5 Luật Chứng khoán năm 2019.

164Xem Điều 74 Khoản 5 Điểm a, b, c, d Luật Chứng khoán năm 2019.

165Xem Điều 72 khoản 1 Luật Chứng khoán năm 2019.

149

Với tư cách là một thành viên tham gia TTCK, CTCK đóng vai trò là trung gian giao dịch. Đặc điểm này được thể hiện rò nhất khi thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Thị trường chứng khoán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tất cả các thành viên tham gia. Nếu người mua và người bán tự giao dịch với nhau thì có thể dẫn đến rủi ro phát sinh do thông tin bất cân xứng giữa người mua và người bán. Bởi vậy, CTCK là người đứng giữa, thực hiện các giao dịch cho khách hàng và được hưởng hoa hồng. Công ty chứng khoán đại diện cho nhà đầu tư tiến hành giao dịch tại SGDCK hoặc thị trường OTC, qua đó giúp người mua và người bán dễ dàng thực hiện giao dịch.

- Tự doanh chứng khoán

Tự doanh chứng khoán là việc CTCK mua, bán chứng khoán cho chính mình. Thực hiện nghiệp vụ tự doanh, ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cho mình,

CTCK còn góp phần bình ổn thị trường. Để thực hiện mục tiêu này, pháp luật quy định hoạt động tự doanh của CTCK dưới dạng quy định bắt buộc. Pháp luật của nhiều quốc gia quy định các CTCK phải dành một tỷ lệ phần trăm nhất định các giao dịch của mình (ở Mỹ là 60%) cho hoạt động bình ổn thị trường. Theo đó, các CTCK có nghĩa vụ mua vào khi giá chứng khoán lên nhằm giữ giá chứng khoán ổn định. Tự doanh chứng khoán còn giúp CTCK trở thành chủ thể tạo thị trường. Khi được phát hành, các chứng khoán mới chưa có thị trường giao dịch. Để tạo thị trường cho các chứng khoán này, các CTCK thực hiện tự doanh thông qua việc mua và bán chứng khoán, tạo tính thanh khoản trên thị trường giao dịch. Họ liên tục có những báo giá để mua hoặc bán chứng khoán với các nhà kinh doanh chứng khoán khác. Như vậy, họ sẽ duy trì một thị trường liên tục đối với chứng khoán mà họ kinh doanh. Lúc này CTCK trở thành những nhà tạo lập thị trường.

Điều 72 Khoản 2 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán”. Quy định này bắt nguồn từ lý do trên thực tế, trong khi thực hiện hoạt động môi giới có thể xảy ra tình trạng CTCK thực hiện không chính xác lệnh của nhà đầu tư (ví dụ mua ít hơn lệnh mua của nhà đầu tư). Vì vậy, lúc này CTCK có thể phải mua thêm chứng khoán thông qua hoạt động tự doanh để bù cho nhà đầu tư.

- Bảo lãnh phát hành chứng khoán

Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc CTCK cam kết với tổ chức phát hành nhận mua một phần hoặc toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết hoặc cố gắng tối đa để phân phối số chứng khoán cần phát hành của tổ chức phát hành.

150

Điều 72 Khoản 3 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: “Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán”. Quy định này xuất phát từ nguyên lý là khi tiến hành bảo lãnh phát hành chứng khoán có thể CTCK cam kết mua lại một phần hoặc toàn bộ lượng chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại tìm kiếm lợi nhuận hoặc do ràng buộc thỏa thuận khi không phân phối hết chứng khoán. Do đó, pháp luật yêu cầu CTCK phải xin phép đồng thời hoạt động tự doanh chứng khoán khi muốn được phép thực hiện hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán.

- Tư vấn đầu tư chứng khoán

Tư vấn đầu tư chứng khoán là việc cung cấp cho khách hàng kết quả phân tích, báo cáo phân tích và đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán.

Tác giả Vũ Văn Cương đã khẳng định: “Thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán có nhiều loại chủ thể khác nhau như CTCK, Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và một số chủ thể khác có cung ứng các dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng CTCK là một loại chủ thể kinh doanh chứng khoán chủ yếu, phổ biến và quan trọng nhất trên TTCK. Đặc điểm pháp lý để nhận biết và phân biệt CTCK với các chủ thể kinh doanh khác trên TTCK đó chính là các nghiệp vụ kinh doanh mà nó thực hiện”166. Với tầm quan trọng như vậy nên ở Việt Nam, 20 năm qua các CTCK đã có nhiều thay đổi cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng, sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư.

+ Về số lượng và quy mô của Công ty chứng khoán

Cách đây 20 năm khi TTCK Việt Nam chính thức mở cửa, số lượng CTCK là 06, bao gồm CTCK Bảo Việt, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu, Công ty cổ phần chứng khoán SSI, Công ty Chứng khoán Thăng Long (nay là MBS) và Công ty Chứng khoán Đệ Nhất (nay là Yuanta). Từ đó đến nay, số lượng CTCK trên thị trường tăng vọt, và thời điểm hiện nay lên tới con số 105 CTCK167. Quy mô của CTCK cũng tăng tỷ lệ thuận với số lượng. Thời điểm mới thành lập, các CTCK có vốn điều lệ rất nhỏ. Công ty cổ phần chứng khoán SSI khi đó chỉ có vốn điều lệ 6 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Thăng Long là 9 tỷ đồng, CTCK Bảo Việt và Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu là 43 tỷ đồng,… thì đến nay, quy mô vốn của các CTCK này đã tăng lên nhiều lần và hầu hết đều ở ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty cổ phần chứng


166Vũ Văn Cương (2006), Một số vấn đề pháp lý về công ty chứng khoán theo Luật Chứng khoán Việt Nam năm 2006, Tạp chí Luật học số 8 năm 2006, tr.10.

167http://www.ssc.gov.vn/ubck/faces/vi/vimenu/vipages_vicsdlcty/ctychungkhoan?_adf.ctrl-

state=743ly80qm_4&_afrLoop=13136860917000, truy cập 21h34 ngày 29/4/2021.

151

khoán SSI đã trở thành CTCK có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam với vốn điều lệ hiện lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Thăng Long sau khi đổi tên thành Công ty cổ phần chứng khoán MB cũng tăng vốn lên hơn 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TTCK ghi ấu ấn bởi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các CTCK ở Việt Nam. Ban đầu, 06 CTCK với 100% vốn nội thì đến nay ngành chứng khoán đã có dấu ấn sâu đậm của các CTCK vốn ngoại. Năm 2013, Công ty TNHH một thành viên chứng khoán Maybank KimEng trở thành CTCK ngoại đầu tiên tại Việt Nam có 100% vốn ngoại.

+ Về nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán

Trong giai đoạn đầu những năm 2000, nghiệp vụ hầu hết các CTCK khá đơn giản, chủ yếu xoay quanh hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch thông qua viết phiếu lệnh, đặt lệnh, tổ chức đào tạo kiến thức thì đến nay là một bước tiến vượt trội. Công việc viết phiếu, nhập lệnh gần như không còn khi mọi hoạt động đã được thực hiện trực tuyến. Các báo cáo phân tích được thực hiện chuyên nghiệp, nhiều công ty thực hiện báo cáo bằng tiếng Anh để hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, không chỉ cung cấp thuần dịch vụ môi giới, các CTCK đã có nhiều nghiệp vụ khác như tư vấn niêm yết, bảo lãnh phát hành trái phiếu, cung cấp các sản phẩm phái sinh,…Không những vậy, nhiều CTCK cũng đã áp dụng công nghệ vào hoạt động môi giới cũng như tư vấn đầu tư. Thời gian gần đây, nhiều CTCK đẩy mạnh hoạt động quản lý tài sản cho nhà đầu tư và đây được dự báo là xu hướng tương lai của nhiều CTCK trong bối cảnh lãi suất ngày càng giảm, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư của người dân ngày càng tăng.

Nghiên cứu các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về chủ thể của thị trường giao dịch TPDN, nghiên cứu sinh thấy rằng pháp luật hiện hành đã đạt được những thành công sau:

Thứ nhất, quy định pháp luật về tính chất sở hữu và hình thức tồn tại của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hiện nay là hợp lý. Sở giao dịch chứng khoán nên tổ chức theo hình thức sở hữu cổ phần mà không để Nhà nước nắm giữ 100% vốn để tiến tới đại chúng hóa. Ở Mỹ - quốc gia có TTCK phát triển nhất thế giới, SGDCK là một công ty cổ phần và SGDCK cũng có chứng khoán niêm yết trên chính sàn của mình. Tuy nhiên, do TTCK Việt Nam chưa phải là một thị trường phát triển nên dù cổ phần hóa thì Nhà nước cũng cần phải nắm giữ vốn góp chi phối. Thị trường chứng khoán hiện nay cần sự năng động, độc lập để phát triển linh hoạt nhưng vẫn cần sự kiểm soát nhất định của nhà nước để tránh sự phát triển quá nóng, mất kiểm soát của TTCK.

Thứ hai, việc sáp nhập hai SGDCK Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập SGDCK Việt Nam và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con

152

như quy định pháp luật hiện hành là phù hợp với TTCK Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ngoài những lý do nhiều tác giả đã phân tích thì theo nghiên cứu sinh việc tồn tại hai Sở với hai tiêu chí khác nhau là không được mà cần phải thống nhất tiêu chí giữa hai Sở. Hơn nữa, trên thế giới, việc cơ cấu lại SGDCK không phải là điều xa lạ. Ví dụ ở Nhật Bản trước đây có Sở giao dịch Tokyo (lớn nhất Nhật Bản), thành lập năm 1818 giao dịch các cổ phiếu lớn trên thị trường Nhật Bản và Sở Giao dịch Osaka (lớn thứ hai Nhật Bản) tập trung vào sản phẩm phái sinh. Năm 2013, SGDCK Tokyo và Osaka đã hợp nhất và thành lập Tập đoàn Giao dịch chứng khoán Nhật Bản (JPX) theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó Sở Giao dịch Tokyo và Osaka vẫn là các đơn vị độc lập và quản lý các mảng thị trường tách biệt.

Thứ ba, pháp luật chứng khoán mà trước hết là Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định khá chi tiết về CTCK, có sự tương thích và liên thông nhất định với pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Luật Đầu tư năm 2020 quy định về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có ngành nghề kinh doanh chứng khoán. Trên cơ sở của Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán đã quy định cụ thể về Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTCK. Công ty chứng khoán chỉ được tiến hành hoạt động kinh doanh tương ứng với nghiệp vụ được cấp giấy phép. Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, CTCK phải tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Quy định này là quy định hợp lý và cần thiết, thể hiện tính khoa học trong công tác lập pháp, tránh việc lặp lại, trùng lặp giữa các VBQPPL. Công ty chứng khoán cũng là một loại hình doanh nghiệp nên thủ tục thành lập, hoạt động, giải thể, tổ chức lại, bộ máy quản lý điều hành,… về cơ bản phải tuân theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Công ty chứng khoán khác các doanh nghiệp khác ở nghiệp vụ kinh doanh nên cũng có sự quản lý đặc thù của nhà nước. Những quy định đặc thù về CTCK được thể hiện trong Luật Chứng khoán như: quy định về vai trò của UBCKNN trong việc cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; quy định về an toàn tài chính;.v.v…

Thứ tư, pháp luật hiện hành quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán khá chi tiết và chặt chẽ, bảo đảm bước đầu cho chất lượng trong quá trình hoạt động kinh doanh của CTCK. Trước đây, Luật Chứng khoán năm 2006 chỉ quy định 03 điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán gồm: có trụ sở chính và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán; có đủ vốn pháp định theo quy định; giám đốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải có chứng chỉ hành

153

nghề chứng khoán. Hiện nay, Luật Chứng khoán năm 2019 bổ sung các điều kiện về cổ đông/thành viên góp vốn, điều kiện về cơ cấu cổ đông/thành viên góp vốn theo hướng đề cao vai trò của cổ đông/thành viên góp vốn là các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức tài chính lớn (doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại). Quy định này nhằm hướng tới bảo đảm sự an toàn cho các nhà đầu tư.

Thứ năm, pháp luật hiện hành quy định về nghiệp vụ kinh doanh của CTCK khá rộng rãi. Một CTCK có thể thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (04 nghiệp vụ). Quy định này rộng rãi, linh hoạt nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra những xung đột lợi ích giữa công ty và nhà đầu tư. Để giảm thiểu xung đột lợi ích có thể xảy ra, pháp luật chứng khoán đã chú trọng hơn trong việc xây dựng cơ chế hướng tới loại trừ xung đột. Điều này thể hiện sự toàn diện, thống nhất trong các quy định của pháp luật chứng khoán.

Bên cạnh những thành công đó, pháp luật hiện hành về chủ thể của TTGD trái phiếu doanh nghiệp cùng như quá trình thực thi vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện. Cụ thể như sau:

Một là, quy định về nghiệp vụ kinh doanh của CTCK một số chỗ còn chưa hợp lý. Cụ thể quy định tại Điều 72 Khoản 2 Luật Chứng khoán năm 2019: “Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán”. Mặc dù như đã giải thích ở trên về lý do của quy định này nhưng nghiên cứu sinh thấy rằng hoạt động môi giới chứng khoán và hoạt động tự doanh chứng khoán không nhất thiết luôn phải đi liền với nhau và hỗ trợ nhau. Quy định tại Điều 72 Khoản 3 Luật Chứng khoán năm 2019 cũng theo logic tương tự: “Công ty chứng khoán chỉ được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán khi được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán”. Mặc dù quy định này xuất phát từ tính chất của phương thức bảo lãnh phát hành chứng khoán như đã giải thích ở trên nhưng trong các phương thức bảo lãnh phát hành chứng khoán, có những phương thức mà CTCK không bị ràng buộc bởi cam kết mua lại một phần hoặc toàn bộ lượng chứng khoán của tổ chức phát hành theo cam kết bảo lãnh phát hành trước đó. Chẳng hạn như phương thức bảo lãnh với cố gắng cao nhất. Ở phương thức này, CTCK không cam kết bán toàn bộ số chứng khoán mà cam kết sẽ cố gắng hết sức để bán trái phiếu ra thị trường, nhưng nếu không phân phối hết sẽ trả lại cho doanh nghiệp phát hành phần còn lại. Hoặc bảo lãnh theo phương thức bán tất cả hoặc không. Ở phương thức này, doanh nghiệp phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh bán một số lượng trái phiếu nhất định, nếu không phân phối được hết sẽ hủy toàn bộ đợt phát hành. Vì vậy, quy định tại Điều 72 Khoản 3 Luật Chứng khoán năm 2019 rò ràng là chưa triệt để.

154

Hai là, mặc dù trên thực tế sự phát triển của hệ thống CTCK rất lớn mạnh cả về số lượng, quy mô và nghiệp vụ kinh doanh nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong hoạt động của các CTCK trên thị trường. Chẳng hạn, pháp luật quy định công ty chứng khoán khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng không được thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ168. Trên thực tế có tồn tại hiện tượng một số môi giới chứng khoán thỏa thuận miệng với khách hàng về việc ăn chia lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán của khách hàng. Điều này dẫn đến những vụ việc kiện tụng của khách hàng đối với người môi giới và CTCK. Hoặc trong hoạt động quản lý tiền và chứng khoán của nhà đầu tư, một số trường hợp nhân viên CTCK câu kết với nhau để thao túng tiền và chứng khoán của nhà đầu tư. Ví dụ trường hợp Chu Trường Giang, nhân viên môi giới Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Ngân hàng Đông Á đã dùng 43 tài khoản để liên tục mua, bán tạo cung cầu giả thao túng giá cổ phiếu169. Thậm chí lãnh đạo CTCK cũng bất chấp quy định pháp luật về đạo đức hành nghề mà thao túng giá chứng khoán như trường hợp của Nguyễn Vân Giang – nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán ngân hàng Đông Á bị truy tố về tội “Thao túng giá chứng khoán”. Theo cáo trạng, Nguyễn Vân Giang có hành vi lập 70 tài khoản nhằm nâng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế và phát triển đô thị170. Theo quy định pháp luật, CTCK được phép cho nhà đầu tư vay tiền để mua chứng khoán. Cụ thể, pháp luật quy định tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của một công ty chứng khoán đối với một khách hàng không vượt quá 3% vốn chủ sở hữu. Quy định này giúp cho nhà đầu tư có cơ hội sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư chứng khoán, đồng thời giúp CTCK đa dạng hóa nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, các chứng khoán đăng ký giao dịch trên UPCoM chưa được phép margin, dù vốn hoá lớn, chất lượng tài sản tốt và thanh khoản cao như mã BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP, mã ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP, mã DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, mã VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel,.v.v…, khiến sàn UPCoM giảm sức hấp dẫn và cản trở khả năng cho vay của công ty chứng khoán.

2.2.3. Thực trạng quy định pháp luật về hình thức tổ chức giao dịch và trình tự, thủ tục giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

2.2.3.1. Đối với trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán


168Xem Điều 4 khoản 6 điểm b Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.

169https://cafef.vn/thao-tung-gia-co-phieu-nguyen-nhan-vien-dong-a-securities-bi-thu-chung-chi-hanh-nghe-

phat-600-trieu-dong-20190510190718961.chn, truy cập 22h20 ngày 29/4/2021.

170https://cafef.vn/nu-giam-doc-chung-khoan-thao-tung-gia-co-phieu-lua-dao-khach-hang-

20200821160034028.chn, truy cập 22h26 ngày 29/4/2021.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/07/2022