Các Bất Cập Và Kiến Nghị Hoàn Thiện Pháp Luật Về Hoạt Động Sử Dụng Vốn Của Ngân Hàng Thương Mại Để Cấp Tín Dụng

không quá 15% vốn điều lệ của ABBank. Yếu tố lỗi ở đây là cố ý vi phạm. Tuy nhiên, tháng 9 năm 2015, EVN đã thoái hết vốn tại ABBank, thoái số cổ phiếu do EVN Hà Nội đang giữ là 4.731.972 cổ phiếu (chiếm 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của ABBAnk) thông qua đấu giá269.

* Trong vụ án liên quan đến bị cáo Phạm Công Danh, trước đây Phạm Công Danh là chủ tịch HĐQT của VNCB đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh. Căn cứ quy định tại Điều 126 Luật các TCTD năm 2010, Phạm Công Danh không thể vay vốn tại NH Xây dựng Việt Nam. Do đó, bằng nhiều cách thức Phạm Công Danh đã né tránh các quy định trên: thông qua 6 công ty của mình vay tiền của một NH khác, dùng tài sản bảo đảm là khoản tiền của VNCB tại NH này. Chính vì vậy, ngày 09-09-2016, TAND TP.HCM tuyên án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó GĐ phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang), Nguyễn Quốc Viễn (trưởng Ban Kiểm soát VNCB), Phan Minh Tùng (Phụ trách kế toán Tập đoàn Thiên Thanh) và Bạch Quốc Hào (nguyên Phó GĐ Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản VNCB (Trust Asset) phạm các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”270. Do đây không phải là hoạt động đầu tư đan xen, chéo lẫn nhau mà là vi phạm quy định về hoạt động cấp tín dụng như đã phân tích ở mục 4.1.

* Trong vụ án liên quan bị cáo Nguyễn Đức Kiên, ngày 5-11-2009, Thường trực HĐQT của NH ACB ra Thông báo số 4478/CV-TH.09 về kết luận tại cuộc họp ngày 2- 11-2009 với nội dung đồng ý cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao và giao ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch Hội đồng Đầu tư, chỉ đạo trực tiếp vụ việc đầu tư này. Sau đó, để lách quy định hiện hành không cho phép công ty ACBS (là công ty chứng khoán do NH ACB sở hữu 100% vốn điều lệ) và quy định tại Điều 29 Quyết định 27/2007/ QĐ-BTC mua cổ phiếu của chính ACB, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo công ty ACBS ký hợp tác với Công ty cổ phần Á Châu (công ty ACI và công ty ACI-HN) để đầu tư mua cổ phiếu. Để công ty ACBS mua cổ phiếu, ACB đã cho Kien Long Bank và Vietbank vay liên NH. Sau đó, Kien Long Bank và Vietbank cho ACBS vay lại thông qua hình thức mua trái phiếu của công ty ACBS. Sau đó, công ty ACBS chuyển số tiền và vốn tự có để 2 công ty ACI và ACI- HN trên mua cổ phiếu của ACB. Mặc dù sau đó công ty ACI và ACI-HN đã trả lại số


269 Tập đoàn điện lực Việt Nam, (2015), tlđd 268, tr.25

270 Bản án hình sự sơ thẩm số 332/2016/HSST, tlđd 2, tr.206

tiền đầu tư cổ phiếu ACB cho công ty ACBS nhưng hành vi này cũng đã gây thiệt hại cho NH ACB khoảng 687 tỷ đồng271.

* Về trường hợp của VCB, theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 29-12-2017 về việc chấp hành chính sách pháp luật, Vietcombank đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động tín dụng như: hồ sơ tín dụng không đầy đủ, pháp lý dự án không đầy đủ, thẩm định hồ sơ vay vốn, năng lực tài chính thiếu chính xác, báo cáo thẩm định chưa phân tích, đánh giá khả năng trả nợ, nguồn trả nợ, hiệu quả dự án, phương án vay vốn; thẩm định xác định hạn mức tín dụng, vòng quay vốn, thời hạn cho vay, nguồn vốn tự có, vốn huy động khác chưa đủ cơ sở, thiếu chính xác272; một số hồ sơ tín dụng giải ngân khi chưa đủ điều kiện theo phê duyệt, giải ngân cho vay mới trả khoản vay cũ hoặc trả lãi khoản vay; có trường hợp giải ngân không kiểm tra, kiểm soát các hóa đơn, chứng từ dẫn đến khách hàng giả mạo, sửa chữa nâng giá trị hóa đơn lên nhiều lần để rút vốn NH273; một số hồ sơ tín dụng nhận thế chấp tài sản bảo đảm không đủ điều kiện theo đúng quy định; tài sản bảo đảm không đủ tỉ lệ cam kết trong hợp đồng tín dụng; không ký lại hợp đồng thế chấp khi hợp đồng thế chấp hết hiệu lực274.

Về mặt hành vi, VCB đã vi phạm các quy định sau đây: Điều 96 Luật các TCTD năm 2010 về lưu giữ hồ sơ tín dụng275, Điều 29 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về lưu giữ hồ sơ cho vay; khoản 5 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về những nhu cầu vốn không được cho vay: để trả nợ khoản nợ vay tại chính TCTD cho vay.

Tóm lại, những vi phạm của các NHTM về hoạt động sử dụng vốn của NHTM tập trung chủ yếu ở nội dung cấm cấp tín dụng cho một số đối tượng; vi phạm tỉ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động. Những quy định cấm trong hoạt động sử dụng vốn của NHTM để cấp tín dụng đã được trình bày ở mục 4.2. Những quy định về giới hạn tỉ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động đã được phân tích ở mục 4.3 nêu trên.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.

Xuất phát từ thực tiễn các QPPL và vi phạm pháp luật về cấp tín dụng như trên, các quy định của các BLHS về vi phạm liên quan đến hoạt động cấp tín dụng đã có sự thay đổi lớn:

Bộ luật hình sự năm 2015 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) và Bộ luật hình sự sửa đổi (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2017) đã bỏ đi tội danh “Cố ý làm trái các quy

Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam - 18



271 Viện kiểm sát nhân dân tối cao (2013), tlđd 180, tr.19, 20, 21

272 Thanh tra Chính phủ (2017), “Thông báo số 3216/TB-TTCP kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam”, ngày 29-12-2017, tr.1

273 Thanh tra Chính phủ (2017), tlđd 272, tr.2

274 Thanh tra Chính phủ (2017), tlđd 272, tr.2

275 Điều 96. Lưu giữ hồ sơ tín dụng. TCTD phải lưu giữ hồ sơ tín dụng, bao gồm:

a) Hợp đồng cấp tín dụng và tài liệu ghi rõ mục đích sử dụng vốn; hồ sơ về biện pháp bảo đảm;

b) Báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng;

c) Quyết định cấp tín dụng có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;

d) Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến hợp đồng cấp tín dụng.

định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội danh tại Điều 179 “Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” của BLHS năm 1999. Trước đây Điều 179 BLHS năm 1999 chỉ xử lý đối với 2 hành vi cụ thể là: cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật; cho vay quá giới hạn quy định. Sau đó, BLHS năm 2015 bổ sung tội danh mới tại Điều 206 là “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Nay, BLHS 2017 sửa lại thành “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

BLHS năm 2017 hiện hành đã liệt kê thêm nhiều hành vi bị xem là vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến việc cấp tín dụng của NHTM. Sửa đổi quan trọng nhất trong BLHS 2015 và BLHS 2017 là dùng từ “cấp tín dụng” thay cho từ “cho vay” trong BLHS 1999. Điều này xuất phát từ chỗ Luật các TCTD năm 2010 đã phân biệt rất rõ hoạt động nào là cho vay nói riêng và hoạt động nào là cấp tín dụng nói chung.

Cấu thành của tội này như sau:

Về mặt khách quan, so với BLHS 1999, Điều 206 BLHS 2017 đã liệt kê hàng loạt các hành vi gây thiệt hại về tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng; cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng không được cấp tín dụng; vi phạm các hạn chế để bảo đảm an toàn cho hoạt động tín dụng; cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm; vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ tín dụng đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng; cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, về mặt hậu quả, theo khoản 1 Điều 206 BLHS 2017, các chủ thể có các các hành vi nêu trên gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng (VND) đến 300 triệu VND. Như vậy, mức thiệt hại 100 triệu là mức thiệt hại tối thiểu để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mặt khách thể: các hành vi vi phạm đã xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về hoạt động cấp tín dụng

Chủ thể: theo quy định hiện hành, các chủ thể phạm tội trong lĩnh vực NH chỉ có thể là cá nhân. Bởi vì Điều 76 BLHS năm 2015 không quy định pháp nhân là NHTM phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội liên quan đến hoạt động của NHTM.

Thông qua các vụ án lớn trong lĩnh vực NH như vừa phân tích ở phần trên, chủ thể của những tội danh liên quan đến hoạt động sử dụng vốn của các NHTM là những chủ thể có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ như Chủ tịch HĐQT VNCB, TGĐ VNCB, thành viên HĐQT, nguyên Phó GĐ phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang; Trưởng Ban kiểm soát, Phụ trách kế toán Tập đoàn Thiên Thanh

và nguyên Phó Giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản VNCB (Trust Asset). Dù BLHS 2015, BLHS sửa đổi năm 2017 không liệt kê các tội liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của TCTD vào nhóm tội phạm có liên quan đến chức vụ nhưng thực tiễn của các vụ đại án trong lĩnh vực NH cho thấy phải là những chủ thể có quyền hạn nhất định trong việc phê duyệt, đệ trình việc chấp nhận các khoản cấp tín dụng đó mới là chủ thể của cấu thành tội phạm về hoạt động sử dụng vốn của các NHTM.

Chủ quan: Chủ thể thực hiện những hành vi trên có lỗi cố ý hoặc vô ý.

Riêng về mặt chế tài, chủ thể có hành vi vi phạm hình sự ở tội này sẽ bị xử lý với hình phạt tương ứng với mức gây thiệt hại.

Khoản 1: gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng: bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Khoản 2: gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng: bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Khoản 3: gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng: bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Khoản 4: gây thiệt hại từ 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Nếu so sánh với tội quy định ở Điều 179 của BLHS năm 1999, chế tài ở Điều 206 BLHS năm 2015 và năm 2017 đã có sự khác biệt đáng kể. Tại Điều 179 BLHS năm 1999, hình phạt ở khung 1 chỉ là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt tù từ 1 năm đến 7 năm; hình phạt ở khung 2 là cho hành vi phạm gội gây hậu quả rất nghiêm trọng là từ 5 năm đến 12 năm; hình phạt ở khung 3 là cho hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là từ 10 năm đến 20 năm. BLHS năm 2017 quy định mức thiệt hại cụ thể tương ứng với từng khung hình phạt trong khi BLHS năm 1999 chỉ quy định loại tội phạm tương ứng với từng khung hình phạt.

Về hình phạt bổ sung, các BLHS đều quy định người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Nhưng BLHS năm 1999 quy định rõ hơn là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng. Trong khi BLHS năm 2015 và năm 2017 lại quy định chung chung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

4.5. Các bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại để cấp tín dụng

Xuất phát từ các nguyên tắc đã được phân tích ở chương 2 và đặc thù của pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM để cấp tín dụng, việc hoàn thiện pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của NHTM thông qua việc đầu tư phải theo các định hướng sau: Phải giúp giảm thiểu rủi ro đồng vốn của NHTM; Phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền

vững của nền kinh tế; Phải phù hợp với chính sách của Đảng và nhà nước; Phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh, giao kết HĐ trong khuôn khổ pháp luật; Phải giúp giảm thiểu thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ

4.5.1. Bất cập và kiến nghị liên quan đến tín dụng cho lĩnh vực bất động sản

Pháp luật Việt Nam hiện chưa có sự phân định trong việc can thiệp vào hoạt động sử dụng vốn của NHTM theo từng mảng là tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho kinh doanh BĐS. Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam cần chia việc cấp tín dụng liên quan BĐS thành 2 nhóm và có các quy định riêng cho mỗi nhóm: nhóm tín dụng phục vụ cho nhu cầu đầu tư và nhóm tín dụng BĐS phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân. Đối với tín dụng BĐS cho nhu cầu để ở của người dân thuộc mảng tín dụng tiêu dùng. Đối với tín dụng BĐS phục vụ cho nhu cầu đầu tư, rủi ro cho nguồn vốn của NH rất cao vì hiện nay lượng cung tăng, BĐS vẫn còn đóng băng, giá bị thổi phồng nhiều so với giá thực.

Việc quy định như hiện nay ở Việt Nam là chưa làm rõ sự khác biệt giữa tín dụng dành cho BĐS và tín dụng cho tiêu dùng và đầu tư trong khi độ rủi ro cho 2 loại hoạt động cấp tín dụng này rõ ràng là không như nhau. Sau khi đã phận định sự khác nhau giữa 2 loại tín dụng này, chúng ta cần áp dụng hệ số rủi ro khác nhau khi cấp tín dụng. Nghiên cứu sinh đồng ý với tác giả Đoàn Thanh Hà276 về việc chúng ta nên tiến hành các cách sau:

- NHNN cần xác định riêng lẻ tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS cho từng loại tín dụng dành cho BĐS. Việc này được tiến hành dựa trên nền tảng nguồn để trả nợ vay và các yếu tố về nhân thân của chủ thể đi vay.

- Chính phủ cần đưa ra các quy định để điều chỉnh hoạt động cho vay BĐS theo diễn biến thị trường. Cụ thể, khi giá BĐS đang tăng tốc độ vay cao thì NHNN xác lập hệ số rủi ro cho vay BĐS ở mức thấp và ngược lại. Chúng ta nên duy trì một tỉ lệ cấp tín dụng cao theo diễn biến thi trường, tức là khi hệ số rủi ro cho vay BĐS ở mức thấp và ngược lại. Tuy nhiên, trong kiến nghị của mình, tác giả Đoàn Thanh Hà chỉ bàn đến giải pháp điều tiết dòng vốn tín dụng NH vào thị trường BĐS tại TP.HCM. Nghiên cứu sinh cho rằng các giải pháp trên vẫn có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi ở TP.HCM.

Trước đây, hai tác giả Lý Hoàng Ánh và Hoàng Thị Thanh Hằng cũng đã đề nghị quy định một giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS trên tổng dư nợ cho vay. Việc quy định giới hạn tỉ lệ này là cần thiết nhưng chỉ áp dụng trong điều kiện thị trường đang phát


276 Đoàn Thanh Hà (2014), Một số giải pháp điều tiết dòng vốn tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản trên địa bàn TP.HCM, Tạp chí ngân hàng số 1+2, tr. 118-119

triển quá nóng. Khi thị trường BĐS phát triển ổn định hoặc đóng băng thì nên bãi bỏ quy định này277.

Ngoài ra, chúng ta nên nghĩ đến các cách thức gián tiếp để phân định giữa tín dụng cho kinh doanh BĐS và tín dụng tiêu dùng. Thông qua đó, nhà nước sẽ giới hạn được việc cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS. Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia như sau:

Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tín dụng cho bất động sản từ năm 2010 bằng cách thắt chặt các điều kiện mua nhà (HPR: Home Purchase Restrictions) và hạn chế tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Từ ngày 1/3/2013, mức thuế thu nhập sẽ tăng lên mức 20% trên mức lợi nhuận từ việc bán nhà (trước đó, mức thuế thu nhập được áp dụng chỉ bằng 1-2% giá bán). Chi nhánh NH trung ương tại các tỉnh, thành cũng phải đưa ra các chính sách hạn chế tín dụng cho BĐS phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng vùng (tăng lượng tiền trả trước khi mua nhà, tăng lãi suất thế chấp) nhằm ngăn chặn đầu cơ và giúp giảm giá nhà ở. Gần đây, chính quyền thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh đã đưa ra quy định cấm các NHTM cấp tín dụng cho những người bản địa mua nhà thứ 3 trở lên, đồng thời lượng tiền trả trước để mua căn nhà thứ 2 cũng tăng lên mức 70% giá trị căn nhà. Đặc biệt, chính quyền Bắc Kinh còn ra quy định cấm những người có hộ khẩu thường trú tại Bắc Kinh mua căn hộ thứ 2278.

Tại HongKong, thuế trước bạ đặc biệt (Special Stamp Duty) được áp dụng vào lĩnh vực nhà ở nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ từ 20/11/2010. Theo đó, bất kể cá nhân hay tổ chức, khi mua nhà và bán lại trong vòng 24 tháng phải chịu thuế trước bạ với cách thức là thời gian nắm giữ càng ngắn thì mức thuế càng cao. Cụ thể như nếu bán lại căn nhà trong vòng 6 tháng sẽ phải chịu mức thuế 20%, bán lại trong vòng 6-12 tháng sẽ chịu mức thuế 15%, từ 12-36 tháng chịu mức thuế 10%279.

Như vậy, bằng các cách thức trên, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã giám sát cho vay tiêu dùng, tách cho vay BĐS đang ẩn nấp trong cho vay tiêu dùng, giúp cho việc siết chặt tín dụng vào BĐS. Kế thừa kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Tuyến (2003), nghiên cứu sinh nhận thấy thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách điều hành lãi suất tín dụng (tăng lãi suất cho vay), chính sách thuế khóa (tăng



277 Lý Hoàng Ánh, Hoàng Thị Thanh Hằng (2014), Giải pháp tín dụng ngân hàng cho sự phát triển bền vững thị trường bất động sản, Tạp chí ngân hàng số 10, tháng 5/2014, tr.35

278 Trần Ngọc Lan, Nguyễn Đình Trung (2013), Kinh nghiệm kiểm soát tín dụng vay tiêu dùng tại một số nước Châu Á, [https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/hdkhcn/htnc/htnc_chitiet?leftWidth=20%25&s howFooter=false&showHeader=false&dDocName=CNTHWEBAP01162520955&rightWidth=0%25&centerWi dth=80%25&_afrLoop=191370739480000#%40%3F_afrLoop%3D191370739480000%26centerWidth%3D80

%2525%26dDocName%3DCNTHWEBAP01162520955%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%25

25%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3D31f2prvn7_9], đăng ngày 19-7- 2013, truy cập ngày 30-12-2018, tr.2.

279 Trần Ngọc Lan, Nguyễn Đình Trung (2013), tlđd 278, tr.4, 5.

mức thuế thu nhập, thuế trước bạ đặc biệt), chính sách nhà ở, chính sách đối với BĐS (không khuyến khích hoặc cấm việc mua căn nhà thứ 2, 3) và từ kinh nghiệm của các quốc gia nêu trên, nhà nước Việt Nam nên nghiên cứu để vận dụng cho Việt Nam để giảm tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Chẳng hạn, NH giảm tỷ lệ vốn vay trên giá trị BĐS đối với BĐS thứ hai trở lên, giới hạn thời gian chuyển nhượng BĐS đế tránh hiện tượng đầu cơ BĐS.

4.5.2. Bất cập và kiến nghị liên quan quy định cụ thể về hoạt động cấp tín dụng đáp ứng yêu cầu về môi trường

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra yêu cầu phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững. Trong việc phát triển bền vững, hệ thống NHTM có vai trò quan trọng vì NH là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế. NHTM phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường khi xét duyệt các khoản vay có lợi cho môi trường và từ chối các khoản vay gây hại cho môi trường. Trên cơ sở chiến lược này, các văn bản sau đã được ban hành: Chỉ thị số 03/CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/2015/QĐ-NHNN ban hành kế hoạch hành động của ngành NH thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 yêu cầu phải rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về NH và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh. Cụ thể là rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng- NH xanh vào Chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2020, xây dựng đề án phát triển NH xanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các quy định về ưu đãi tín dụng, hỗ trợ về vốn, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường đã được ban hành như Theo Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10-2-2010 về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020, các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn, ưu đãi về tín dụng ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết số 100/NQ-CP, ban hành ngày 18-11-2016, quy định chương trình hành động phủ nhiệm kỳ 2016-2021 quy định những nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành là xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với cơ chế thị trường làm cơ sở cho việc định hướng và phân bổ nguồn lực vốn để phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả”. Tiếp đến, Điều 4 Thông tư 39/2017/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường. Xuất phát từ các quy định trên và thực tiễn hiện nay về cấp tín dụng cho các dự án đáp ứng các yêu cầu về môi trường, nghiên cứu sinh có một vài kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết việc cấp tín dụng cho các dự án đáp ứng yêu cầu về môi trường.

Theo đánh giá từ Tổ chức Hợp tác phát triển GIZ (Đức), các NH Việt Nam còn gặp khó khăn về các khoản tín dụng cho năng lượng mới bởi các NHTM chưa có nhiều kinh nghiệm trong đánh giá rủi ro các dự án này280. Hiện nay, NHNN Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng như: nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng; năng lượng; chế biến thực phẩm; dệt may; dầu khí; xử lý chất thải; khai thác mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại. Việc này sẽ giúp Việt Nam rút ngắn được thời gian triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam. Trung Quốc đã mất gần 5 năm kể từ khi ban hành chính sách cho đến khi xây dựng được hướng dẫn chi tiết để thực hiện chính sách và việc thực thi chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do thiếu hệ thống đánh giá tin cậy về ô nhiễm môi trường để giúp các NH phân loại dự án cấp vốn281.

Thứ hai, quy định cụ thể về việc cấp tín dụng cho những dự án đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường cần bao gồm 3 nội dung:

- Đặt ra yêu cầu tối thiểu mức vốn mà các NHTM phải sử dụng để cấp tín dụng cho những dự án đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường như dự án về trồng rừng, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, tái tạo năng lượng, v.v…Lý do ở đây sẽ được phân tích trong mục 4.5.4

- Có các chỉ tiêu cụ thể về môi trường để giúp các NHTM nhận biết được các dự án nào đáp ứng được yêu cầu về mội trường.

- Chế tài cụ thể nếu vi phạm yêu cầu nêu trên

Đối với câu hỏi nghiên cứu “Các NHTM có cần phải kiểm tra và đảm bảo dự án mà mình tài trợ có đáp ứng hay không các điều kiện mà pháp luật quy định khi các dự án thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện?”, nghiên cứu sinh cho rằng các NHTM không phải là những cơ quan quản lý và cũng không phải là những chủ thể am hiểu về vấn đề môi trường, các điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện như các cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên, các NHTM chỉ có thể dựa trên kết quả công bố của các cơ quan quản lý về môi trường, cơ quan quản lý doanh nghiệp để làm cơ sở đánh giá trước khi cấp tín dụng.



280 Lê Thị Thùy Vân (2016), Tài chính xanh-ngân hàng xanh trong hợp tác APEC và thực tiễn ở Việt Nam, Tạp chí ngân hàng số 12, tr.20

281 Xem Trần Thị Thanh Tú, Trần Thị Hoàng Yến (2016), tlđd 95, tr.8.

Xem tất cả 176 trang.

Ngày đăng: 29/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí