Những Hạn Chế, Bất Cập Của Pháp Luật Và Thực Hiện Pháp Luật Về Xử Lý Rủi Ro Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại


Ngoài những biện pháp xử lý rủi ro như đã đề cập ở phần trên thì còn một số biện pháp xử lý rủi ro khác trong HĐCTD như khởi kiện khách hàng, yêu cầu phá sản khách hàng để thu hồi gốc và lãi cấp tín dụng. Về bản chất, quan hệ cấp tín dụng được biểu hiện thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng tín dụng giữa NHTM và khách hàng. Do vậy, khi có rủi ro và tổn thất xảy ra, NHTM sẽ thực hiện việc xử lý rủi ro theo các thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Hiện nay, BLDS 2015, Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản có liên quan có những quy định về quyền khởi kiện của một trong các bên trong quan hệ hợp đồng khi bên kia vi phạm, gây thiệt hại cho mình.

Bên cạnh đó, NHTM là chủ nợ của khách hàng có quyền yêu cần tòa án mở và giải quyết yêu cầu phá sản đối với khách hàng. Trên thực tế, các khoản nợ của các doanh nghiệp thuộc diện “chết rồi chưa được chôn” chiếm một phần đáng kể trong các khoản nợ xấu. Đối với các doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng mà không được thanh lý gây ra rất nhiều khó khăn cho các NH trong việc theo dõi, tận thu các khoản nợ này. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các NH209. Việc thu hồi

nợ thông qua yêu cầu phá sản NH được thực hiện thông qua pháp luật về phá sản.

Ngoài ra, các NHTM có thể xem xét tiếp tục cấp tín dụng. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD thì khi khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi được TCTD tiếp tục xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật. Quy định này cũng tương đồng với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg. Theo đó, TCTD chủ động xử lý nợ xấu thông qua việc tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi (Khoản 4, Điểm I, Phần B Đề án).

Tóm lại, pháp luật hiện hành ở Việt Nam điều chỉnh các quan hệ liên quan đến quá trình xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM. Đây là một bộ phận quan trọng cấu thành nên khung pháp lý về bảo đảm an toàn cho các NHTM trong HĐCTD.

3.2.2. Những hạn chế, bất cập của pháp luật và thực hiện pháp luật về xử lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại

3.2.2.1. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Trong các văn bản pháp luật hiện hành, cơ cấu lại thời hạn trả nợ được quy định chưa được thống nhất. Dễ dàng nhận thấy Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định 1096/2004/QĐ-NHNN quy định giao cho NHNN hướng dẫn về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, còn Thông tư 07/2015/TT-NHNN lại quy định việc gia hạn hiệu lực của bảo lãnh do các bên thoả thuận. Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về cơ cấu lại thời hạn


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.

209 Huỳnh Thế Du, Tlđd (số 30), tr 46.


Pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 17

trả nợ tại Điều 19, song chỉ áp dụng đối với hoạt động cho vay. Trong khi đó, các văn bản về chiết khấu (Thông tư 04/2013/TT-NHNN, Thông tư 21/2016/TT-NHNN) không quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về căn cứ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, số lần được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, những nội dung đó lại có vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn HĐCTD, bởi lẽ nếu bị lạm dụng quá mức, cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể trở thành “bức màn che giấu” thực chất nợ xấu210. Theo quan điểm của tác giả, cần thiết phải có sự điều chỉnh bằng pháp luật làm nền tảng hướng dẫn cho các NHTM thực hiện tốt việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng. Nội dung điều chỉnh của pháp luật

về cơ cấu lại thời hạn trả nợ gồm:

(i) Quy định về căn cứ và điều kiện của cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo đó, chỉ thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu khách hàng có khả năng trả nợ trong kỳ hạn (thời hạn) tiếp theo và khách hàng có cam kết thực hiện trả nợ trong thời hạn tiếp theo đó;

(ii) Quy định trách nhiệm của NHTM trong việc xây dựng quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng, báo cáo với NHNN để thực hiện thanh tra, giám sát việc cơ cấu thời hạn trả nợ.

Ngoài ra, thực tiễn áp dụng hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại các NHTM còn nhiều khó khăn. Theo Cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN, 93% các chi nhánh NH trong diện thanh tra có sai sót trong phân loại nợ và gia hạn nợ211. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do chưa có những hướng dẫn cụ thể để các NHTM thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngoài ra, hoạt động thanh tra và giám sát của NHNN còn chưa phát huy hiệu quả trên thực tế.

Tóm lại, cơ cấu thời hạn trả nợ là quy định nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ cho NHTM trong thời gian tiếp theo thời hạn đã thoả thuận. Nhằm bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM, cần thiết phải có những quy định của pháp luật làm cơ sở cho các NHTM thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong HĐCTD.

3.2.2.2. Về chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ

Như phần trên tác giả đã đề cập, khung pháp lý hiện hành đã thể hiện những ưu điểm nhất định trong việc điều chỉnh quan hệ chấm dứt cấp tín dụng và xử lý nợ trong HĐNH. Tuy vậy, hạn chế nổi bật của pháp luật hiện hành là việc xử lý rủi ro nói chung và xử lý nợ cấp tín dụng của các NHTM còn chưa khoa học, để khoản cấp tín dụng có rủi ro quá cao mới phát hiện và xử lý.


210 Hoàng Xuân Quế, Tlđd (số 196), tr 23.

211 Hoàng Xuân Quế, Tlđd (số 196), tr 24.


Trong HĐCTD, các NHTM cần phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro một cách chủ động và liên tục. Trong trường hợp rủi ro và hậu quả của nó xuất hiện thì cần phải xử lý ngay. Tuy vậy, thực tiễn HĐNH ở Việt Nam thời gian vừa qua cho chúng ta thấy, có những lúc rủi ro quá cao, nợ xấu xuất hiện rất lớn, chiếm đến gần 9% tổng dư nợ cấp tín dụng trong toàn hệ thống, thì lúc đó các NHTM cũng như nhà nước mới “giật mình” và xử lý. Thực vậy, Đề án xử lý nợ xấu ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong bối cảnh nợ xấu đã quá cao, hệ thống NHTM đặt trong tình trạng báo động đã minh chứng cho vấn đề này.

Việc xử lý nợ chưa khoa học như vậy sẽ gây ra những khó khăn cho việc bảo đảm an toàn hệ thống NHTM cũng như phải bỏ ra chi phí rất lớn không chỉ cho từng NH, mà còn cho cả nền kinh tế và xã hội. Vì vậy, quan điểm của tác giả là cần phải có cách tiếp cận và thực hiện xử lý nợ cấp tín dụng nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng một cách khoa học, kiên quyết, kịp thời.

Bên cạnh đó, các NHTM gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Những khó khăn và vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các NHTM bao gồm:

+ Khi NH xử lý tài sản bảo đảm, một số cơ quan chức năng như Công chứng, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản...không chấp nhận NH là người được uỷ quyền để bán, chuyển nhượng tài sản bảo đảm cho tổ chức, cá nhân khác vì các cơ quan này cho rằng, người được uỷ quyền để xử lý tài sản bảo đảm chỉ có thể là cá nhân, không thể là tổ chức212.

+ Những khó khăn của NHTM trong việc thu giữ tài sản để xử lý như hiện tượng chống đối, bất hợp tác với NH khi xử lý tài sản bảo đảm. Ngoài ra, việc NH xử lý tài sản bảo đảm thông qua khởi kiện tại toà án đôi khi cũng kéo dài và phát sinh nhiều chi phí cho NH. Thực tiễn ở một số địa phương, cơ quan thi hành án thu án phí và phí thi hành án từ số tiền bán tài sản cầm cố, thế chấp là không phù hợp và không bảo đảm quyền ưu tiên thanh toán của NH (bên nhận cầm cố, thế chấp tài sản) theo quy định của pháp luật213.

Mặc dù, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã có những quy định tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu (như thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm...) song đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Như vậy, những bất cập và vướng mắc nêu trên cần phải có giải pháp cụ thể về vấn đề này.

3.2.2.3. Về mua bán nợ



212 Nguyễn Văn Phương, “Khó khăn từ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu”, Tạp chí Ngân hàng, số 13, tháng 7/2013, tr 17.

213 Nguyễn Văn Phương, Tlđd (số 212), tr 21.


Mua bán nợ là việc NHTM (bên bán nợ) thoả thuận với bên mua nợ, theo đó NHTM chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ. Bên mua nợ phải thanh toán cho NHTM và tiến hành xử lý khoản nợ đã mua. Như vậy, khi bên bán nợ bán khoản nợ phải thu của mình cho bên mua nợ, họ sẽ chuyển giao toàn bộ các giấy tờ tài liệu có liên quan đến khoản nợ sang cho bên mua nợ và điều này cũng có nghĩa là các rủi ro từ khoản nợ đó cũng được chuyển giao cho bên mua nợ.

Bên cạnh những ưu điểm của pháp luật điều chỉnh hoạt động mua bán nợ thì thực tế ở Việt Nam hiện nay, thị trường mua bán nợ của các NHTM mới được hình thành, chưa phát triển thành một thị trường sôi động với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là chưa coi trọng việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua bán và xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc xử lý nợ nói chung và mua bán nợ của các NHTM nói riêng cần phải kết hợp nhiều nguồn lực tham gia, với việc phát triển và hoàn thiện thị trường mua bán nợ. Điều đó tạo tính thanh khoản cho nguồn vốn của các TCTD cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ của các NHTM.

Cùng với đó, thực tiễn hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam vẫn còn những khó khăn như việc thoả thuận giá mua bán giữa NHTM (bên bán nợ) và công ty quản lý tài sản (bên mua nợ), theo đó bên bán khoản nợ có tâm lý muốn bán khoản nợ với giá cao, trong khi bên mua khoản nợ lại muốn mua khoản nợ với giá thấp; các công ty quản lý tài sản thuộc các NHTM hoạt động với mục đích chủ yếu là “làm sạch bảng cân đối tài sản” của NH mẹ nên chưa hoạt động theo cơ chế thị trường, chưa chủ động trong việc xử lý nợ mà phải phụ thuộc vào NH mẹ.

Không những vậy, nguồn lực tài chính cho các công ty xử lý tài sản còn nhỏ bé, chưa tương xứng với nhiệm vụ quản lý, xử lý nợ của hệ thống NHTM tại Việt Nam. Hiện nay, vốn điều lệ của DATC là 2000 tỷ đồng, VAMC là 2000 tỷ đồng, vốn điều lệ của các công ty quản lý tài sản trực thuộc NHTM thì do các NHTM cấp. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản của các NHTM cũng như của các công ty quản lý tài sản còn gặp nhiều khó khăn như phần trên tác giả đã đề cập.

Bên cạnh đó, cơ chế xử lý, mua bán nợ thông qua việc “chứng khoán hoá” các khoản nợ chưa phát triển ở Việt Nam. Thực chất của cơ chế chứng khoán hoá các khoản nợ là các NHTM sở hữu các khoản nợ từ khách hàng vay sẽ bán khoản nợ đó cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc phát hành chứng khoán. Người sở hữu chứng khoán sẽ được hưởng lợi thông qua việc xử lý tài sản của khoản nợ đó hoặc có thể bán trên thị trường thứ cấp. Trên thực tế, Hoa Kỳ cũng thực hiện chứng khoán hoá các khoản cho vay dưới chuẩn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính giai đoạn 2007-2009 vừa qua. Nhưng việc chứng khoán hoá tại Hoa Kỳ bị thất bại do nguyên nhân chính là nhà nước không kiểm soát được hoạt động chứng khoán hoá đó, đồng thời


do việc chứng khoán hoá các khoản nợ dưới chuẩn, không có khả năng thu hồi do sự sụp đổ của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Ngoài ra, việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD là cần thiết và phù hợp. Nhưng các quy định của pháp luật về hoạt động của công ty này cho thấy, đây dường như là giải pháp mang tính tình thế hơn là một giải pháp căn cơ cho vấn đề mua bán và xử lý nợ của NHTM. Chính vì vậy, khung pháp lý về mua bán nợ hiện nay không phải là khung pháp lý hữu hiệu, dài hơi, mà nó chỉ “phụ hoạ” cho một chính sách nhất thời. Thực tế, khi thực hiện mua bán nợ, VAMC không thể chuyển giao tiền, mà thực hiện chuyển giao trái phiếu đặc biệt cho NHTM (do không có nguồn lực thực sự). Mặt khác, nếu VAMC không xử lý được trong thời hạn 5 năm, thì khoản nợ đó lại được trả lại cho NHTM để NH này tự xử lý. Chính vì vậy có quan điểm coi VAMC giống như “kho trữ nợ xấu” của NHTM.

Tóm lại, tuy đã có một số ưu điểm, nhưng thực trạng pháp luật về hoạt động mua bán nợ nhằm xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm an toàn trong hoạt động của các NHTM. Từ đó đặt ra cho việc nghiên cứu các giải pháp cho vấn đề này.

3.2.2.4. Về sử dụng dự phòng rủi ro

Một số hạn chế của thực trạng pháp luật về sử dụng dự phòng rủi ro bao gồm:

Thứ nhất, định nghĩa dự phòng rủi ro theo pháp luật hiện hành là chưa chính xác. Thật vậy, theo Khoản 2 Điều 2 Văn bản hợp nhất của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, “dự phòng rủi ro” là khoản tiền được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra do khách hàng của TCTD không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết. Định nghĩa trên có sự nhầm lẫn giữa việc thực hiện hành vi dự phòng rủi ro với kết quả của hành vi đó (khoản tiền dự phòng). Bởi lẽ về bản chất, dự phòng rủi ro là hành vi của NHTM nhằm thực hiện nghĩa vụ trích lập một khoản tiền dự phòng cho những tổn thất trong hoạt động của NH.

Thứ hai, pháp luật đã quy định nghĩa vụ của NHTM phải thành lập “Hội đồng xử lý rủi ro”. Hội đồng này do Chủ tịch Hội đồng quản trị làm Chủ tịch và các thành viên gồm Trưởng ban kiểm soát, phụ trách bộ phận kế toán, phụ trách bộ phận tín dụng, quản lý tín dụng và các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định. Đối với các TCTD không có Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, Hội đồng xử lý rủi ro bao gồm Tổng giám đốc (Giám đốc) làm Chủ tịch và các thành viên khác do Tổng giám đốc (Giám đốc) quyết định. Như vậy chúng ta thấy thành phần của Hội đồng xử lý rủi ro là những người kiêm nhiệm, không chuyên trách, gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu đòi hỏi phải xử lý thường xuyên, liên tục và có tính chuyên nghiệp.


Thứ ba, căn cứ sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro chưa chính xác. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Văn bản hợp nhất về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, thì sử dụng dự phòng khi khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; cá nhân bị chết hoặc mất tích. Tác giả nhận thấy khi doanh nghiệp bị giải thể thì doanh nghiệp đó vẫn phải bảo đảm thanh toán hết tất cả các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2, Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Như vậy việc sử dụng dự phòng rủi ro trong trường hợp này là không thật chính xác.

Thứ tư, về mối quan hệ giữa sử dụng dự phòng rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Văn bản hợp nhất về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro thì việc sử dụng dự phòng rủi ro theo trình tự: sử dụng dự phòng cụ thể để xử lý để xử lý rủi ro tín dụng đối với khoản nợ đó, sau đó phát mại tài sản để thu hồi nợ. Trường hợp phát mại tài sản không đủ bù đắp cho rủi ro tín dụng của khoản nợ thì được sử dụng dự phòng chung để xử lý đủ. Tác giả nhận thấy quy định như vậy là chưa phù hợp với bản chất của giao dịch bảo đảm và sử dụng dự phòng rủi ro. Bởi lẽ về nguyên tắc chung, chỉ sử dụng dự phòng rủi ro khi đã có rủi ro và tổn thất đối với khoản cấp tín dụng, sau khi áp dụng các biện pháp xử lý khác mà vẫn chưa thu hồi được nợ. Như vậy cần xử lý tài sản để thu hồi nợ theo thoả thuận trong hợp đồng trước, nếu không đủ thì mới sử dụng dự phòng cụ thể, sau đó sử dụng dự phòng chung để xử lý. Ngoài ra, thuật ngữ “phát mại tài sản” cũng không phù hợp với các văn bản pháp luật về giao dịch bảo đảm hiện nay, vốn dĩ sử dụng thuật ngữ thống nhất là “xử lý tài sản bảo đảm”.

Tóm lại, tương tự những nội dung khác của pháp luật về xử lý rủi ro trong HĐCTD của NHTM, thực trạng pháp luật về sử dụng dự phòng rủi ro cũng còn một số hạn chế nhất định, cần phải có các giải pháp cho vấn đề này.

3.3. Đánh giá chung về thực trạng pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam

Trong phần 3.1 và 3.2, tác giả đã phân tích thực trạng các quy định của pháp luật về phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam. Kết quả nghiên cứu trong hai phần trên đã cho chúng ta thấy những điểm còn hạn chế của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD của NHTM. Trong phần này, tác giả đưa ra những đánh giá chung về thực trạng pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM thông qua hai vấn đề cơ bản dưới đây.


3.3.1. Về mức độ hoàn thiện của pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại

Có thể nói rằng, tuy pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM đã được quan tâm xây dựng, nhưng còn chưa hoàn thiện vì ba nội dung cơ bản như sau:

Một là, pháp luật hiện hành chưa tạo ra hệ thống các giải pháp hiệu quả để bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Xét về các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM, pháp luật hiện hành ở Việt Nam đã định hình được hệ thống các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD như sau:

Về hệ thống các biện pháp phòng ngừa rủi ro gồm: những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn tín dụng; thẩm định hồ sơ tín dụng và kiểm tra sử dụng vốn; áp dụng các biện pháp bảo đảm tín dụng; các quy định về thông tin tín dụng; hoạt động thanh tra giám sát của NHNN; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ.

Về hệ thống các biện pháp xử lý rủi ro gồm: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; khoanh nợ, miễn giảm lãi suất và xoá nợ; chấm dứt cấp tín dụng và xử lý nợ; mua bán nợ; sử dụng dự phòng rủi ro và các biện pháp khác.

Tuy vậy, hệ thống các biện pháp nêu trên chưa bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM. Điều đó được thể hiện thông qua những nội dung sau đây:

- Các quy định của pháp luật vẫn còn tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM

Như tác giả đã phân tích ở phần trước, những quy định của pháp luật về phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của các NHTM có những hạn chế như chưa toàn diện và cụ thể, một số quy định còn mâu thuẫn với nhau; những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM chưa bảo đảm yêu cầu phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM cũng có những hạn chế mà điển hình là pháp luật về xử lý rủi ro chủ yếu mang tính tình thế chứ chưa tạo ra giải pháp hiệu quả trong việc bảo đảm an toàn cho các NH. Đặc biệt, trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, lợi dụng chức vụ là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, Phạm Công Danh đã cùng một số đối tượng có liên quan thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 03 tội danh: “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng của Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 2000 tỷ đồng. Trong vụ án này, Phạm Công Danh đã coi Ngân hàng VNCB như là một “công


cụ” để tài trợ vốn cho những hoạt động thiếu hiệu quả của tập đoàn Thiên Thanh. Phạm Công Danh đã thực hiện được hành vi vi phạm này nhờ vào việc đảm nhiệm đồng thời 2 chức vụ: vừa là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, vừa là Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, đặc biệt là các quy định về giám sát an toàn hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Như vậy, những điểm còn hạn chế của pháp luật sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam.

- Pháp luật hiện hành còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM

Nhìn chung, quy định về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM có thể được điều chỉnh ở nhiều dạng văn bản khác nhau, kể các các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các quy định nội bộ của các NH. Đối với những quy định về bảo đảm an toàn mang tính nguyên tắc, cơ bản, ổn định thì được điều chỉnh bằng văn bản luật. Những quy định về bảo đảm an toàn mang tính chi tiết hoặc có thể thay đổi cho phù hợp với từng thời điểm sẽ được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn. Đối với những quy định mang tính đặc thù hoặc liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các NH thì để cho các NH quy định trong quy chế nội bộ của mình.

Thực trạng pháp luật ở Việt Nam hiện nay cho thấy, có nhiều vấn đề về bảo đảm an toàn trong HĐNH nói chung và trong HĐCTD nói riêng chưa được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể như sau:

+ Hướng dẫn việc tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn (theo điểm d, Khoản 1, Điều 28 Luật Các tổ chức tín dụng 2010);

+ Hướng dẫn về thẩm quyền triệu tập Đại hội đồng cổ đông theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước khi xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (theo Điều 60 Luật Các TCTD 2010);

+ Hướng dẫn quy định về thẩm quyền xác định phí, lãi suất trong HĐNH của TCTD khi “hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường” (theo Khoản 3, Điều 91 Luật Các TCTD 2010); Hướng dẫn về “diễn biến không bình thường trong hoạt động nghiệp vụ có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của TCTD” (theo điểm a, Khoản 2, Điều 141 Luật Các tổ chức tín dụng 2010); Hướng dẫn “thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường” (tại Khoản 2, Điều 12 Luật NHNN 2010);

+ Hướng dẫn quy định về thẩm quyền của Thủ tướng quyết định mức cấp tín dụng tối đa vượt quá giới hạn theo quy định (theo Khoản 7, Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng 2010);

+ Hướng dẫn việc tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống TCTD; nguy cơ mất khả năng chi trả do các sự cố nghiêm trọng khác (theo Khoản 1, Điều 151 Luật Các TCTD 2010).

Xem tất cả 212 trang.

Ngày đăng: 14/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí