trường tiền tệ; đồng thời, phát triển hệ thống NHTM Việt Nam đa dạng về sở hữu và loại hình tổ chức, áp dụng đầy đủ các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về quản trị NH. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các NHTM nhà nước. Nâng cao chất lượng tín dụng, khả năng sinh lời, xử lý nhanh nợ đọng, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức an toàn; tăng vốn tự có của các NHTM đạt chuẩn mực quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư và doanh nghiệp tiếp cận với các sản phẩm và tiện ích ngân hàng217.
Tiếp đến, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI cũng chỉ rõ: “...áp dụng các thông lệ và chuẩn mực mới phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển an toàn, bền vững của các ngân hàng trong nước”218. Có thể nói rằng những chủ trương quan trọng đó trong các Văn kiện Đại hội Đảng thể hiện tư tưởng xuyên suốt, có ý nghĩa làm tiền đề cho xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng ở Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định, vững mạnh của hệ thống ngân hàng thông qua việc khẳng định: “tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; thực hiện công khai, minh bạch và áp dụng chuẩn mới về quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế”.219
Từ những chủ trương đó, việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, cải cách hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc bảo đảm an toàn HĐCTD của NHTM.
Trong thời gian vừa qua, hệ thống NHTM ở Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và thách thức, trong đó nổi cộm là vấn đề nợ xấu, tình trạng tham nhũng cũng như hoạt động thiếu hiệu quả của không ít NH dẫn đến phải tái cơ cấu. Điều đó chứng tỏ khung pháp lý đã thiếu một cơ chế kiểm soát rủi ro có hiệu quả để buộc những người quản lý điều hành NHTM tuân thủ những chuẩn mực quản trị rủi ro tối thiểu nhằm đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống này. Bên cạnh đó, sự khác nhau về số liệu báo cáo về nợ xấu giữa các NHTM và Cơ quan Thanh tra giám sát NH cho chúng ta thấy hai vấn đề: một là báo cáo của các NHTM chưa chính xác do áp lực cạnh tranh mà các thông tin về nợ xấu của khách hàng có thể bị các NHTM bị làm cho lệch lạc; hai là sự giám sát của NHNN là có vấn đề, Cơ quan Thanh tra giám sát không thể phát hiện và cảnh báo sớm đối với các NHTM, chưa thực hiện tốt việc giám sát quản trị rủi ro đối với các định chế tài chính NH.
217 Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, tr 249. 218 Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, tr 212. 219 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia.
Có thể bạn quan tâm!
- Về Hệ Thống Kiểm Soát Nội Bộ Và Kiểm Toán Nội Bộ
- Những Hạn Chế, Bất Cập Của Pháp Luật Và Thực Hiện Pháp Luật Về Xử Lý Rủi Ro Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại
- Về Sự Thực Hiện Các Quy Định Của Pháp Luật Về Bảo Đảm An Toàn Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Các Ngân Hàng Thương Mại
- Những Giải Pháp Hoàn Thiện Pháp Luật Về Bảo Đảm An Toàn Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
- Kiến Nghị Hoàn Thiện Pháp Luật Và Thực Hiện Pháp Luật Về Xử Lý Rủi Ro Nhằm Bảo Đảm An Toàn Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương
- Về Kiến Nghị Bảo Đảm Thực Hiện Pháp Luật
Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.
Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần tập trung vào nội dung cơ bản là cải cách hệ thống thanh tra, giám sát NH trong việc bảo đảm an toàn HĐCTD của NHTM.
Tác giả cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý về thanh tra giám sát NH theo hướng kiểm soát thật tốt trạng thái rủi ro của các NHTM, cảnh báo sớm đối với các NH; xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, kể cả xử lý trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm trong bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM.
Hai là, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị ngân hàng và an toàn ngân hàng
Chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng là tăng cường hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực NH. Thực tiễn cũng cho thấy hội nhập quốc tế tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam. Sau gần 30 năm đổi mới (1986-2015), Việt Nam là số ít trong các nước chuyển đổi thành công trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, liên tục và ổn định. Mặc dù có những thời kỳ tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng nhìn tổng quát, tốc độ tăng bình quân/năm thời kỳ 1986- 2013 thuộc loại tương đối cao (6,25%/năm), trong đó thời kỳ 1991-2005 tăng
7,17%/năm. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá (tính theo giá so sánh), GDP bình quân đầu người năm 2013 cao gấp 3,75 lần so với năm 1985220. Trong lĩnh vực NH, chúng ta đã thu hút được đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 31/12/2016, ở Việt Nam có 8 NH 100% vốn nước ngoài (ANZVL, Standard Chartered, Hong Leong, HSBC, Shinhan Việt Nam, Public Bank Vietnam, CIMB Vietnam và Woori Vietnam); 2 NH liên doanh (Indovina Bank Limited, Ngân hàng Việt – Nga); 51 chi nhánh NH nước ngoài và 51 Văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài tại Việt Nam221. Các NH nước ngoài đầu tư tại Việt Nam sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các NH Việt Nam, áp dụng các kinh nghiệm quản trị NH tiên tiến trên thế giới, cung ứng dịch vụ NH với nhiều tiện ích cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về quản trị NH và an toàn NH, chúng ta cần thực hiện những nội dung cơ bản sau: (i) áp dụng các tiêu chuẩn an toàn của Basel, đặc biệt là ba trụ cột của Basel 2 (vốn tối thiểu, thanh tra giám sát an toàn NH và kỷ luật thị trường); (ii) áp dụng kỹ năng quản trị NH hiện đại (banking governance); (iii) tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, quản trị NH Việt Nam cũng như tham gia quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam.
220 Minh Ngọc, “30 năm đổi mới – động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, bài viết trong trang web của Báo Chính phủ điện tử, xem trong: [http://baodientu.chinhphu.vn/Kinh-te/30-nam-doi-moi-Dong-luc-cho-phat-trien- nhanh-ben-vung/206510.vgp], (truy cập 09:58, 19/08/2014).
221Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số liệu về hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam, xem trong trang web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
[http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/vilg/vilgpages_hethongtctd/Page5af2af9b_1455fb67e24 7fef?_adf.ctrl- state=i2yglib4p_4&_afrLoop=6218853305491000]. (Truy cập 31/7/2017).
Tóm lại, những chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam là yếu tố quan trọng có tính chất định hướng cho việc hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM nói riêng.
4.1.2. Khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại
Mặc dù pháp luật hiện hành đã thiết lập được nền tảng cơ bản cho việc phòng ngừa và xử lý rủi ro, bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM, song như tác giả đã phân tích ở phần trước, các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Những hạn chế và bất cập đó xuất phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Song không thể phủ nhận rằng, “Hệ thống pháp luật được hình thành và phát triển từng bước, xuất phát từ nhu cầu và tình hình cụ thể của mỗi thời kỳ. Nhu cầu và những điều kiện kinh tế - xã hội luôn biến động không ngừng, đòi hỏi pháp luật cũng phải có những thay đổi tương ứng. Một văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật ở thời điểm này có thể là phù hợp và có tác dụng tốt trong đời sống xã hội, nhưng sau một thời gian nó có thể trở nên lỗi thời, lạc hậu, không những không còn tác dụng mà còn gây ra sự thiếu đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn
với các văn bản văn bản, quy phạm khác”222.
Điều đó có thể thấy tương đối rõ ràng trong các văn bản pháp luật về NH ở Việt Nam hiện nay. Nhiều quy định về phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM còn chưa toàn diện, thiếu cụ thể, mâu thuẫn với nhau... Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn trong hoạt động ngân hàng nói chung cũng như HĐCTD nói riêng. Không những vậy, thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD tại các NHTM còn chưa nghiêm túc. Một số NH còn chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về các quy định về an toàn trong hoạt động của mình, đề cao lợi nhuận mà bỏ qua quy trình tín dụng. Mức độ nghiêm trọng hơn nữa là cố tình vi phạm quy định về an toàn vì vụ lợi thông qua các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực NH...
Điều đó đặt ra yêu cầu rất cần thiết là phải hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM thông qua việc khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành. Đồng thời cần tạo ra những giải pháp thực hiện pháp luật một cách có hiệu quả. Đây là nhiệm vụ có vai trò rất quan trọng. Ở góc độ vĩ mô, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, bảo đảm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ở góc độ vi mô, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM góp
222 Lê Minh Tâm (2003), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Công an nhân dân, tr 200.
phần xây dựng HTNH Việt Nam vững mạnh và hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh, bảo đảm an toàn cho mỗi NH, cho HTNH và toàn bộ nền kinh tế.
Chính vì vậy, việc khắc phục những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần tập trung thực hiện các nội dung như sau:
Thứ nhất, xem xét tiếp tục phát huy những ưu điểm của pháp luật hiện hành và thể chế hoá ở mức độ cao hơn;
Thứ hai, loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp của pháp luật. Đồng thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định bảo đảm cho HĐCTD được thực hiện an toàn và hiệu quả.
Để thực hiện nhiệm vụ này, giáo sư Lê Minh Tâm đã viết: “công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật bao gồm nhiều loại hoạt động, trong đó có ba hoạt động cơ bản là: ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, sửa đổi nội dung của các văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm tính phù hợp của các quy định; bổ sung thêm những nội dung mới vào những văn bản hiện hành nhưng còn thiếu những nội dung đó và huỷ bỏ những văn bản hay quy phạm không còn phù hợp”223.
Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều phương án có thể được nghiên cứu lựa chọn trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM. Trước hết là phương án xây dựng một đạo luật riêng quy định về vấn đề này, chẳng hạn Luật Bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Sự lựa chọn thứ hai là không xây dựng một đạo luật riêng điều chỉnh bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng mà vẫn giữ nguyên cơ cấu như hiện nay (điều chỉnh thông qua Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành), đồng thời bổ sung những quy định còn thiếu, sửa đổi những quy định không phù hợp và bãi bỏ những quy định không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo. Cần nghiên cứu để đánh giá về hai phương án này.
Đối với phương án thứ nhất là xây dựng một đạo luật riêng điều chỉnh bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM. Ưu điểm của nó là những quy định về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM được tập trung trong một văn bản, từ đó có thể điều chỉnh bao quát được những nội dung và biện pháp bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM, dễ tra cứu và áp dụng hơn. Song nhược điểm chủ yếu của nó là chi phí để xây dựng và thực hiện văn bản này sẽ gia tăng, cần có nhiều văn bản của NHNN để hướng dẫn đạo luật này…
Đối với phương án thứ hai, nhược điểm của nó là bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM được điều chỉnh trong nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau, gây tản mạn, khó tra cứu. Nhưng ưu điểm của nó là không cần phải tốn kém nhiều chi
223 Lê Minh Tâm, Tlđd (số 93), tr 173.
phí và công sức để xây dựng một đạo luật mà bản thân nội dung của nó có thể được quy định lồng ghép trong Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng nhà nước.
Chính vì vậy theo tác giả, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM nên theo phương án thứ hai, không cần phải xây dựng một đạo luật riêng về vấn đề này, mà cần sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật hiện hành, bãi bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo và không phù hợp.
4.1.3. Tiếp thu những kinh nghiệm, chuẩn mực và thông lệ quốc tế về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng
Áp dụng kinh nghiệm, chuẩn mực và thông lệ quốc tế về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng là yếu tố không thể thiếu và rất quan trọng trong hoàn thiện pháp luật NH ở Việt Nam hiện nay, bởi lẽ nói theo quan điểm về tiếp nhận pháp luật thì cải cách pháp luật thường gắn với tiếp nhận pháp luật224. Đồng thời pháp luật cũng phản ánh sự giao thoa của các truyền thống pháp lý khác nhau, sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau của các hệ thống pháp luật càng trở nên mạnh mẽ và và sự tiếp nhận, chuyển hoá và hài hoà hoá các yếu tố hợp lý của các hệ thống pháp luật khác nhau là một quá trình tất yếu225. Hơn nữa, nếu so sánh về kinh nghiệm hoạt động của HTNH ở nước ta so với các quốc gia phát triển thì HTNH Việt Nam mới chỉ có kinh nghiệm hoạt động hơn 65 năm (từ năm 1951 trở lại đây), trong khi một số quốc gia phát triển có kinh nghiệm hàng vài thế kỷ như Italia, Hà Lan, Pháp, Anh...
Kinh nghiệm hoạt động lâu năm của HTNH các quốc gia đó cho thấy khả năng áp dụng có hiệu quả các chuẩn mực an toàn hoạt động ngân hàng mà Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng. Thông lệ quốc tế về hoạt động ngân hàng được coi là những chuẩn mực chung có khả năng áp dụng khá thống nhất ở các quốc gia.
Hiện nay, những kinh nghiệm, chuẩn mực và thông lệ quốc tế chủ yếu bao gồm các hiệp ước vốn Basel (1,2 và 3), các tiêu chí lành mạnh tài chính (FSIs) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như những kinh nghiệm của các quốc gia về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Khi áp dụng kinh nghiệm, chuẩn mực và thông lệ quốc tế về an toàn hoạt động ngân hàng cần lưu ý một số vấn đề sau đây: (i) sự tương quan giữa những chuẩn mực, kinh nghiệm và thông lệ quốc tế với pháp luật quốc gia và (ii) khả năng áp dụng chuẩn mực, kinh nghiệm và thông lệ quốc tế vào thực tiễn HTNH Việt Nam.
Tác giả cho rằng Việt Nam có thể áp dụng những chuẩn mực, kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, bởi lẽ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng là thuộc lĩnh vực kinh doanh, có thể áp dụng tương đồng ở nhiều quốc gia. Tuy vậy, việc áp dụng những chuẩn mực này phải phù hợp chứ không phải là “sự
224 Nguyễn Đức Lam, Tlđd (số 215).
225 Lê Minh Tâm (2003), Tlđd (số 222), tr 172.
vay mượn máy móc”226, tức là cần thích nghi hoá những chuẩn mực về an toàn của quốc tế vào bối cảnh trong nước. Đi vào cụ thể, pháp luật hiện nay ở Việt Nam cũng có những quy định phù hợp với Basel 1, bắt đầu tiếp cận Basel 2 (trước đây thể hiện trong các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, Thông tư 19/2010/TT-NHNN, Thông tư 22/2011/TT-NHNN và Thông tư 33/2011/TT-NHNN, hiện nay là Thông tư 36/2014/TT-NHNN). Khi áp dụng Basel cần lưu ý là các quy định của nó được soạn thảo và áp dụng chủ yếu ở các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, việc triển khai Basel là một sự đầu tư lớn và dài hạn vì nội dung của nó rất rộng và phức tạp. Tác giả cho
rằng những nguyên lý bảo đảm an toàn của các hiệp ước Basel cần tuân thủ đầy đủ, còn những quy định về “quyền tuỳ chỉnh” của quốc gia (National discretion)227 sẽ được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam tuỳ theo sự lựa chọn và phù hợp với đặc thù của nền kinh tế tài chính và HTNH của Việt Nam. Việc áp dụng cụ thể các quy định của Basel, tác giả đề cập trong những nội dung cụ thể trong luận án. Nhưng đứng ở góc độ chung, chúng ta có thể áp dụng các quy định về vốn tối thiểu theo quy định của
Basel 1 và 2; áp dụng vốn đệm tài chính của Basel 3; áp dụng 3 trụ cột của Basel 2, nhất là quy định về trách nhiệm thanh tra, giám sát và kỷ luật thị trường, xếp hạng tín dụng nội bộ, thông tin tín dụng...
Việt Nam cũng hoàn toàn có thể áp dụng các tiêu chí lành mạnh tài chính (FSIs) của IMF, bởi lẽ đây là những chỉ số có thể áp dụng chung cho các hệ thống tài chính ở các quốc gia, nhằm phản ánh sự an toàn, lành lạnh của hệ thống tài chính. Việc áp dụng các chỉ số này có ý nghĩa đối với cả NHNN trong việc thực hiện thanh tra giám sát NH cũng như đối với các NH trong việc xem xét thực trạng về an toàn cũng như về tài chính của mình, từ đó có biện pháp khắc phục những yếu kém trong quản trị NH.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể áp dụng kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng như Bộ quy tắc CAMELS của Hoa Kỳ về thanh tra giám sát NH, các quy định về xử lý rủi ro của Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.
Tóm lại, kinh nghiệm, chuẩn mực và những thông lệ quốc tế về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng là một trong những cơ sở quan trọng nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam.
4.1.4. Dựa trên những lý thuyết về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại
Việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần phải dựa vào những vấn đề lý thuyết về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM,
226 Nguyễn Đức Lam, Tlđd (số 215).
227 Quyền tuỳ chỉnh của quốc gia bao gồm khoảng 61 yêu cầu phản ánh đặc thù từng nền kinh tế và hoạt động ngân hàng. Các yêu cầu này chủ yếu liên quan đến việc tính toán vốn, phân loại tài sản, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ…
bao gồm các nội dung như: cách tiếp cận kinh tế học pháp luật; lý thuyết về sự can thiệp của nhà nước trong đời sống kinh tế xã hội; lý thuyết về hiệu quả của pháp luật trong điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, trong chương 1 và chương 2, tác giả đã phân tích những vấn đề mang tính lý luận cho việc hoàn thiện pháp luật về phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM. Dựa vào đó, tác giả bước đầu đề xuất một số vấn đề sau đây làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam.
Thứ nhất, hài hoà lợi ích giữa các chủ thể trong việc bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại
Hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM trước hết cần giải quyết được vấn đề lợi ích của các chủ thể có liên quan và tham gia vào quan hệ xã hội trong HĐNH nói chung và HĐCTD nói riêng. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận rất quan trọng, làm cơ sở và tiền đề then chốt cho nhà làm luật, các NH, người sở hữu NH, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các chủ thể khác trong thực tiễn hoạt động của mình.
Có một thực tế rằng trong HĐNH cũng như trong HĐCTD của các NHTM, luôn luôn tồn tại một sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các chủ thể có liên quan và tham gia vào HĐNH. Sự mâu thuẫn này được biểu hiện một cách khái quát như sau. Các NHTM vì mục tiêu lợi nhuận của mình sẽ có xu hướng xem nhẹ hay bỏ qua những quy định về an toàn. Điều đó kéo theo sự gia tăng lợi nhuận của NH nhưng cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền và toàn xã hội. Nhưng nếu vì lợi ích của người gửi tiền và các chủ thể khác mà nhà nước quy định quá khắt khe về an toàn buộc các NHTM phải thực hiện, thì sẽ kéo theo hệ quả là gặp khó khăn trong kinh doanh NH. Như vậy sẽ không bảo đảm được hiệu quả, ổn định của HĐNH, không tốt cho sự an toàn, bền vững của HĐNH và vì vậy lợi ích toàn cục bị ảnh hưởng.
Như vậy câu hỏi được đặt ra là việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần căn cứ vào yếu tố nào để đảm bảo lợi ích giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội trong HĐNH mà cũng nhằm thực hiện kinh doanh NH an toàn và hiệu quả?
Theo tác giả, cần dựa vào hai yếu tố sau đây để giải quyết vấn đề này: (i) nguyên lý công bằng của pháp luật; (ii) cách tiếp cận kinh tế học pháp luật.
Trước hết, nguyên lý công bằng của pháp luật đòi hỏi việc xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật phải công bằng, không được thiên vị hay chỉ dựa vào lợi ích của một (hoặc một nhóm) chủ thể nào đó, mà phải dựa vào lợi ích toàn cục. Chính vì vậy, pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần được hoàn thiện theo hướng này. Điều đó có nghĩa là, pháp luật cần bảo đảm cho các NHTM phát huy tối đa khả năng, nguồn lực của mình để thực hiện HĐNH có hiệu quả và bền vững, mang lại lợi nhuận cho những người sở hữu NH. Mặt khác, pháp luật cần tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện HĐNH an toàn. Nếu các NH không thực hiện nghiêm túc các
quy định về an toàn thì phải phát hiện, cảnh báo và xử lý ngay và nghiêm, không bao che, dung túng. Bên cạnh đó, pháp luật cần bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, vì nếu không bảo vệ được người gửi tiền, thì không huy động được vốn nhàn rỗi từ dân chúng, không thể thực hiện hoạt động ngân hàng. Muốn vậy trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần có sự tham gia của nhiều chủ thể, công khai và minh bạch.
Bên cạnh đó, hoàn thiện pháp luật về NH cần dựa trên cách tiếp cận kinh tế học pháp luật. Thực vậy, pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần được xây dựng dựa trên yếu tố lợi ích về kinh tế. Thực hiện điều này sẽ đảm bảo phát huy tối đa tiềm năng, hiệu quả về kinh tế và bảo đảm tính hiệu quả của pháp luật. Đồng thời, áp dụng cách tiếp cận kinh tế học pháp luật cũng nhằm giải quyết yếu tố lợi ích: khi nào thì lợi ích của các NH phải “nhường bước” trước lợi ích của người gửi tiền và lợi ích toàn xã hội? Khi nào thì cần gia tăng lợi ích của các NH để bảo đảm chức năng rất quan trọng các NH là trung gian vốn trong nền kinh tế? Theo tác giả, tuỳ theo diễn biến của HĐNH và thực tế rủi ro của từng NH và HTNH mà NHNN sẽ quy định, điều tiết vấn đề này để hài hoà lợi ích. Muốn vậy, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng nhà nước cần quy định nền tảng cơ bản nhất về an toàn HĐNH. Những nội dung chi tiết giao cho NHNN hướng dẫn theo diễn biến thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc phải xây dựng NHNN thành NH trung ương hiện đại, hiệu quả.
Thứ hai, bảo đảm sự phù hợp trong việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại
Một trong những vấn đề pháp lý đặt ra là mức độ điều chỉnh của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM như thế nào là phù hợp? Đây cũng là nội dung mà lý thuyết về sự can thiệp của nhà nước trong đời sống kinh tế xã hội đề cập đến. Tác giả cho rằng có hai vấn đề cơ bản liên quan đến nội dung này: Một là, pháp luật cần thiết phải xác định ranh giới (giới hạn) mà các NH được thực hiện; Hai là, hình thức pháp lý của các quy định về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM phải phù hợp.
Về vấn đề thứ nhất, pháp luật cần xác định ranh giới mà các NH được thực hiện, vượt quá giới hạn đó là vi phạm và cần xử lý. Nói khác đi, pháp luật phải quy định thông qua những quy phạm cấm đoán, nêu rõ những nội dung nào NH không được thực hiện, những gì NH phải thực hiện để bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM.
Vấn đề thứ hai là hình thức pháp lý của các quy định về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần phải phù hợp. Theo tác giả, Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng, mang tính ổn định về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM. Những vấn đề đó là:
+ Quy định nghĩa vụ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng nói chung và HĐCTD nói riêng;