Những Giải Pháp Hoàn Thiện Pháp Luật Về Bảo Đảm An Toàn Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam


+ Quy định những hoạt động NHTM không được thực hiện để bảo đảm an toàn trong hoạt động của mình;

+ Quy định những hoạt động NHTM phải thực hiện để bảo đảm an toàn trong hoạt động của mình.

Còn những nội dung điều chỉnh chi tiết về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM nên để cho NHNN hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba, bảo đảm tính bền vững của pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại

Hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần phải trên cơ sở đảm bảo tính bền vững của nó. Theo GS Lê Minh Tâm, mục tiêu xây dựng và hoàn thiện pháp luật không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế mà còn để bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội, bảo đảm cho hệ thống pháp luật có đủ cơ sở pháp lý để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường228. Đối với bảo đảm an toàn trong

hoạt động ngân hàng, tính bền vững của pháp luật được thể hiện thông qua kết quả điều chỉnh của nó: bảo đảm tăng trưởng trong kinh doanh NH, gia tăng hiệu quả trong hoạt động, kiểm soát, hạn chế những rủi ro trong quá trình cung ứng dịch vụ NH đem lại.

Tương tự như vậy, theo Roland Benediker, NH cần được xây dựng theo hướng tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, minh bạch và bền vững229. Cách tiếp cận này khá thú vị và có thể được xem xét áp dụng để bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam dưới các góc độ như sau:

+ Pháp luật cần quy định để bảo đảm các NH có trách nhiệm với cộng đồng. Thực vậy, NHTM là tổ chức kinh doanh tiền tệ và dịch vụ NH với mục tiêu lợi nhuận là chủ yếu. Song bên cạnh đó, NH cần có trách nhiệm với cộng đồng bởi nếu xét về khía cạnh nguồn vốn, bên cạnh vốn điều lệ (cấu thành nên vốn tự có) thì vốn NH chủ yếu từ huy động trong dân chúng. Vì vậy, NH cần có trách nhiệm với các cổ đông (hoặc thành viên góp vốn) của mình và người gửi tiền. Xét ở góc độ của một tổ chức cung ứng dịch vụ, NH cần đáp ứng nhu cầu về vốn trong nền kinh tế. Đây cũng chính là một trong những chức năng của NHTM. Ở cả hai khía cạnh này, NH cần bảo đảm an toàn trong hoạt động của mình mới phát huy tốt trách nhiệm với cộng đồng.

+ Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định theo hướng minh bạch hoá trong hoạt động của các NH. Thực vậy, minh bạch hoá nhằm mục tiêu tăng cường sự giám sát để bảo đảm an toàn trong hoạt động của NH. Theo TS Lê Thị Huyền Diệu, HTNH Việt Nam cần áp dụng mô hình kiểm soát rủi ro kép thông qua bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ của NH; giám sát của NHNN; giám sát của cơ quan giám sát bên ngoài;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.



Pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 20

228 Lê Minh Tâm (2003), Tlđd (số 222), tr 172.

229 Roland Benediker (2011), Tlđd (số 14).


kiểm soát của thị trường, cổ đông230. Thực hiện cơ chế kiểm soát kép như vậy sẽ đảm bảo nâng cao sự an toàn trong HĐCTD của các NHTM.

+ Ngoài ra, pháp luật cũng cần quy định nhằm đảm bảo cho các NH phát triển bền vững. Đây chính là quan điểm cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, chấm dứt sự lũng đoạn hệ thống ngân hàng

Như tác giả đã phân tích trong các phần trước, một trong những nguyên nhân của việc thực hiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM chưa nghiêm túc, ảnh hưởng xấu đến sự an toàn của các NHTM là tình trạng thao túng, lũng đoạn HTNH ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ khi bị thao túng, lũng đoạn thì các NH có thể bỏ qua các quy định và quy trình cần thiết nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động nói chung và HĐCTD nói riêng; thực hiện hoạt động theo “chỉ thị”, yêu cầu của những đối tượng nhất định vì vụ lợi.

Chính vì vậy, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM cần trên quan điểm chấm dứt tình trạng thao túng, lũng đoạn HTNH. Để thực hiện yêu cầu này, pháp luật cần quy định các biện pháp giám sát chặt chẽ tỷ lệ sở hữu cổ phần; biện pháp xử lý khi cá nhân và tổ chức sở hữu vượt quá tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt mức tối đa theo quy định của pháp luật; giám sát tỷ lệ sở hữu cổ phần của những người có liên quan. Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cũng phải rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy của các NHTM, đặc biệt là kiểm tra việc một số NH thành lập một số hội đồng như Hội đồng sáng lập, Hội đồng đầu tư...Trong trường hợp việc thành lập những Hội đồng này mà nhiệm vụ quyền hạn của nó trái quy định, thì cần giải thể ngay những Hội đồng này.

Thứ năm, kiểm soát tốt hoạt động ngân hàng cũng như trạng thái rủi ro của ngân hàng thương mại

Thực tế nhiều NH ở Việt Nam hiện nay đã “đặt cược” việc trả nợ của bên được cấp tín dụng vào tài sản bảo đảm. Thậm chí vì tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận kỳ vọng, một số NH còn bỏ qua những điều kiện cấp tín dụng cũng như kỷ luật tài chính. Việc theo đuổi chính sách tín dụng “liều lĩnh” như vậy đã tạo ra những khoản nợ tiềm tàng được tích tụ qua một thời gian dài. Đến một thời điểm nào đó khi đã vượt quá khả năng chịu đựng của các NH, thì các NH phải đối mặt với muôn vàn thách thức như nợ xấu quá cao, thanh khoản kém, thậm chí phá sản.

Điều đó cho chúng ta thấy đã thiếu một cơ chế kiểm soát hoạt động ngân hàng cũng như kiểm soát trạng thái rủi ro của các NH. Vì vậy, pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng kiểm soát tốt hoạt động ngân hàng cũng như trạng thái rủi ro của các NHTM. Theo tác giả, có ba vấn đề cần thực hiện đồng thời: hoàn thiện các quy định về


230 Lê Thị Huyền Diệu (2010), Tlđd (số 18), tr 144.


kiểm soát nội bộ tại các NH, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro kép như phần trên đã đến cập và hoàn thiện, thực hiện tốt pháp luật về thanh tra giám sát của NHNN Việt Nam.

Tóm lại, việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM phải trên những nguyên tắc và yêu cầu nhất định, đó chính là: phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam; phải khắc phục được những vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành; tiếp thu những kinh nghiệm, chuẩn mực và thông lệ quốc tế về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; đồng thời phải dựa vào những lý thuyết về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM.

4.2. Những giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam

Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

4.2.1. Quy định nghĩa vụ của ngân hàng thương mại về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng

Như phần trên tác giả đã đề cập, xác định bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM là quyền hay là nghĩa vụ của NHTM là vấn đề pháp lý được đặt ra. Theo cách tiếp cận pháp lý truyền thống, quyền chủ thể là khả năng xử sự của những người tham gia quan hệ được quy phạm pháp luật quy định trước và được bảo vệ bởi sự cưỡng chế của nhà nước231. Như vậy, quyền chủ thể có ba đặc điểm là: (i) khả năng hành động trong khuôn khổ do quy phạm pháp luật xác định trước; (ii) Khả năng yêu cầu bên kia

(chủ thể cùng tham gia quan hệ pháp luật) thực hiện nghĩa vụ của họ (sự thực hiện có thể là bằng hành động hoặc không hành động); (iii) khả năng yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết đối với bên kia để họ thực hiện nghĩa vụ, trong trường hợp quyền chủ thể bị bên kia vi phạm.

Nghĩa vụ pháp lý là cách xử sự bắt buộc được quy phạm pháp luật xác định trước mà một bên phải tiến hành nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền chủ thể của bên kia232. Nghĩa vụ pháp lý có ba đặc điểm sau đây: (i) Sự bắt buộc phải có những xử sự nhất định do quy phạm pháp luật xác định trước; (ii) Cách xử sự này nhằm thực hiện quyền chủ thể của bên kia; (iii) Trong trường hợp cần thiết, nghĩa vụ pháp lý sẽ được bảo đảm bằng sự cưỡng chế của nhà nước.

Từ cách tiếp cận đó tác giả cho rằng, quy định việc bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM là nghĩa vụ của NHTM và những người quản lý, điều hành NHTM sẽ phù hợp hơn là quyền của NHTM, bởi lẽ tiếp cận là quyền của NHTM sẽ


231 Nguyễn Cửu Việt (2001), Tlđd (số 96), tr 402.

232 Nguyễn Cửu Việt (2001), Tlđd (số 96), tr 403.


tạo khả năng cho NHTM được xử sự hoặc không xử sự, như vậy không có lợi cho việc thực hiện bảo đảm an toàn. Tuy vậy, nếu quy định là nghĩa vụ của NHTM và người quản lý, điều hành NH thì nội dung của nó như thế nào? Làm sao để việc quy định nghĩa vụ bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM trở thành một quy tắc trong kinh doanh và được thực thi nghiêm túc và có hiệu quả?

Trước hết, từ thực trạng của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM ở Việt Nam, tác giả đề xuất cần quy định nghĩa vụ bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM và những người quản lý, điều hành NH bởi các lý do sau đây:

Một là, pháp luật hiện hành đã quy định quyền tự chủ kinh doanh trong hoạt động ngân hàng (Điều 7 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010). Vì vậy, NHTM có quyền tự chủ kinh doanh và cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của chính mình, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm an toàn. Không những vậy, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản có liên quan cũng quy định các quyền của người quản lý, điều hành doanh nghiệp nói chung và NH nói riêng. Các quyền này cần đi đôi với nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm an toàn trong HĐNH.

Hai là, bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM là vấn đề không chỉ thuộc về bản thân từng NH, mà còn là vấn đề của cả HTNH và toàn bộ nền kinh tế xã hội, bởi lẽ bất kỳ sự rủi ro và tổn thất của một NH cũng ảnh hưởng đến cả hệ thống. Thực tiễn xử lý rủi ro của HTNH Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như trong hiện tại cho thấy rõ vấn đề này: khi từng NH tăng trưởng tín dụng nóng và không giám sát chặt chẽ HĐCTD dẫn đến nợ xấu cao thì không chỉ NH đó, mà cả nhà nước và toàn xã hội phải xử lý rủi ro. Vì vậy, việc kinh doanh là việc của bản thân mỗi NH, nhưng bảo đảm an toàn là nghĩa vụ của từng NH đó.

Ba là, quy định về nghĩa vụ bảo đảm an toàn trong hoat động cấp tín dụng của NHTM và người quản lý, điều hành NH sẽ cho thấy rõ ràng nghĩa vụ của từng NH, tránh hiện tượng lúng túng, không rõ ràng đâu là quyền, đâu là nghĩa vụ của NH như hiện nay.

Bốn là, quy định nghĩa vụ của NHTM trong việc bảo đảm an toàn trong HĐCTD sẽ tạo một cơ chế pháp lý cần thiết nhằm phát huy trách nhiệm của NHTM trong bảo đảm an toàn cho chính NH đó, từ đó sẽ có lợi cho hệ thống các TCTD ở Việt Nam.

Theo tác giả, nghĩa vụ của NHTM bảo đảm an toàn trong HĐCTD có những nét khác so với nghĩa vụ pháp lý theo cách tiếp cận truyền thống nêu trên. Điểm khác cơ bản là nếu nghĩa vụ pháp lý theo cách tiếp cận truyền thống nhằm thực hiện quyền chủ thể khác thì nghĩa vụ bảo đảm an toàn của NHTM nhằm bảo đảm an toàn cho chính NH đó, cho hệ thống các NHTM và an toàn chung cho toàn bộ nền kinh tế. Quy định như vậy sẽ có tác động tích cực như sau: (i) phù hợp với những đặc thù của hoạt động ngân hàng đó là hoạt động kinh doanh tiền tệ, có tính rủi ro cao, tác động


dây chuyền và chịu sự quản lý rất chặt chẽ của nhà nước; (ii) có lợi cho bảo đảm an toàn của từng NH cũng như hệ thống NHTM ở nước ta; (iii) tạo thuận lợi cho việc thanh tra, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN.

Tuy vậy, việc quy định nghĩa vụ của NHTM trong bảo đảm an toàn HĐCTD có thể có những “tác dụng phụ” như chi phí cho việc thực hiện nghĩa vụ đó sẽ tăng lên trong khoảng thời gian nhất định; bước đầu thực hiện nghĩa vụ này có thể gặp những khó khăn, trở ngại nhất định. Song, với việc thực hiện nghiêm túc quy định này trong các văn bản pháp luật về tiền tệ ngân hàng, cộng với việc giám sát an toàn hoạt động ngân hàng có hiệu quả thì hoạt động ngân hàng sẽ nhanh chóng trở lại guồng máy an toàn và hiệu quả hơn.

4.2.2. Giám sát chặt chẽ trạng thái an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại

Tác giả đề xuất giám sát chặt chẽ trạng thái an toàn trong HĐCTD của NHTM xuất phát từ những lý do như sau:

Một là, xuất phát từ thực trạng giám sát an toàn hiện nay trong hệ thống pháp luật và thực tiễn triển khai công việc này tại các NHTM còn yếu. Thực vậy, cơ chế giám sát an toàn trong nội bộ các NHTM chưa phát huy được hiệu quả. Thực tiễn xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm cho thấy điều này: các NHTM chưa phát hiện, ngăn ngừa được rủi ro do chính cán bộ và nhân viên NH gây ra; cơ chế giám sát của NHNN đối với các NHTM còn yếu; cơ chế giám sát của thị trường đối với NHTM chưa có hiệu quả, cơ chế giám sát của cổ đông với với NHTM còn yếu. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014 cho thấy, mức độ trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị có số điểm là 1/10; mức độ dễ dàng của cổ đông khiếu kiện là 2/10 điểm; chỉ số mức độ bảo vệ nhà đầu tư là 3,3/10 điểm. Năm 2015,

những điểm số trên có cao hơn so với năm 2014 nhưng nhìn chung vẫn còn thấp233.

Hai là, NHTM là một tổ chức kinh doanh quan trọng, phức tạp và rủi ro rất cao. Vì vậy, bằng cơ chế giám sát chặt chẽ, mọi hoạt động của NHTM đều được nhận biết rủi ro, đánh giá rủi ro, từ đó bảo đảm cho công tác phòng ngừa và xử lý rủi ro phù hợp. Đồng thời chỉ có giám sát chặt chẽ trạng thái rủi ro thì NHTM mới có những chiến lược quản trị rủi ro phù hợp, giám sát mọi hoạt động của cán bộ cũng như nhân viên của NH mình, tránh những hành vi tiêu cực như đã xảy ra tại một số NHTM thời gian vừa qua. Ngoài ra, giám sát chặt chẽ trạng thái rủi ro cũng đảm bảo cho NHNN có những biện pháp xử lý thích hợp đối với các NHTM vi phạm các quy định về an toàn.


233 Xem thêm: http://www.worldbank.org/content/dam/Worldbank/document/EAP/Vietnam/VNscorecard%20DB14_VIE.pdf (truy cập ngày 9/5/2015) và website doingbusiness.org (truy cập ngày 9/5/2015).


Về nội dung của việc giám sát chặt chẽ trạng thái rủi ro đối với các NHTM, thực chất là việc áp dụng cơ chế kiểm soát rủi ro kép mà tác giả đã đề cập ở phần trước đây. Theo cơ chế này, việc giám sát chặt chẽ HĐCTD của NHTM thông qua: (i) giám sát từ bản thân NHTM theo các quy định của hệ thống KSNB và KTNB; (ii) giám sát từ NHNN; (iii) giám sát từ thị trường và (iv) giám sát từ cổ đông.

Đối với giám sát từ bản thân NHTM thông qua hệ thống KSNB và KTNB: theo tác giả, NHNN cần hướng dẫn các NHTM xây dựng quy trình, quy chế chặt chẽ và cụ thể, đồng thời phân cấp nhiệm vụ rất rõ ràng cho từng nhiệm vụ tại NHTM. Sở dĩ tác giả có đề xuất này bởi lẽ: (i) NHTM là là tổ chức kinh doanh có vai trò rất quan trọng đến nền kinh tế, mang tính chuyên nghiệp, được người dân tin tưởng trong quá trình giao dịch. Chính vì vậy, NHTM phải có quy trình, quy chế kiểm soát vấn đề này; (ii) NHTM giao dịch thông qua đại diện theo uỷ quyền (hoặc đại diện có thẩm quyền kí kết). Thực tiễn hiện nay, khách hàng đến giao dịch tại NHTM không thể (hoặc rất khó) giao dịch với người đại diện theo pháp luật (Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc), mà thường giao dịch với nhân viên giao dịch tại NH. Vì vậy, NH phải chịu trách nhiệm với những giao dịch này của nhân viên NH; (iii) thực tiễn cơ chế giám sát hoạt động của các NHTM hiện nay còn hết sức lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân quan trọng cho hành vi các hành vi vi phạm pháp luật nói chung cũng như phạm tội của cán bộ, nhân viên NH.

Đối với giám sát của NHNN: NHNN cần có sự kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình, quy định của các NHTM. Thực hiện được những vấn đề đã nêu sẽ làm giảm rủi ro hoạt động (rủi ro vận hành), bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM.

Đối với giám sát của cổ đông: cần hoàn thiện pháp luật theo hướng tăng cường sự giám sát của cổ đông đối với hoạt động của NHTM, đặc biệt là vấn đề giám sát của cổ đông đối với an toàn hoạt động của NHTM. Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã có những quy định tăng cường sự giám sát của cổ đông, tăng việc bảo vệ cổ đông nhỏ (cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện...Nhưng cần thiết có những quy định về vấn đề này trong Luật Các tổ chức tín dụng; minh bạch hoá về tổ chức và hoạt động của NHTM.

Đối với giám sát của thị trường: cần hoàn thiện pháp luật về thị trường chứng khoán theo hướng tăng cường kỷ luật và minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán, xử phạt các hành vi vi phạm về công bố thông tin trên thị trường.

Áp dụng việc giám sát chặt chẽ trạng thái an toàn trong HĐCTD của NHTM sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của các NHTM. Thông qua việc giám sát rủi ro, các NHTM sẽ tăng cường năng lực phòng ngừa và xử lý rủi ro. Nâng cao trách nhiệm của NHNN cũng như các cổ đông của NHTM và sự giám sát của xã hội đối với bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM. Điểm tác động không mong muốn của việc áp


dụng giám sát trạng thái rủi ro đối với các NHTM ở chỗ: khó khăn khi tiếp cận các thông tin về trạng thái an toàn trong hoạt động của NHTM; cơ chế phối hợp giữa các thiết chế giám sát có thể gặp những khó khăn; vấn đề minh bạch về thông tin.

4.2.3. Quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại

Nguyên lý của pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM là quy định những giới hạn (ranh giới) được thực hiện nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Khi các NH thực hiện vượt quá ranh giới đó thì sẽ bị coi là vi phạm và bị chế tài. Vì vậy, pháp luật cần được hoàn thiện theo hướng này. Hiện nay, pháp luật đã thiết lập được những cơ sở cho việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tuy vậy, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng để bảo đảm an toàn cho các NH còn hạn chế. Cụ thể, một số vi phạm về an toàn vẫn chưa được điều chỉnh cụ thể như vi phạm về quy trình tín dụng, vi phạm về kiểm tra sử dụng vốn vay. Đồng thời, mức xử phạt vi phạm hành chính về bảo đảm an toàn trong HĐCTD còn thấp, chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Điều đó được thể hiện trong Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo Nghị định này, mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm các quy định về an toàn trong HĐCTD là 450 triệu đồng (vi phạm về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu), còn các vi phạm khác mức xử phạt từ 10 triệu đồng đến 300 triệu đồng, trong khi mức xử phạt tối đa theo quy định trong Nghị định này là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Tác giả cho rằng cần nâng mức xử phạt vi phạm về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa những hành vi vi phạm vốn dĩ để lại hậu quả vô cùng lớn cho bản thân từng NH, HTNH và toàn xã hội.

4.2.4. Các giải pháp khác

Bên cạnh những giải pháp cơ bản vừa nêu, cần có những giải pháp khác mang tính bổ trợ như: giải pháp về nhân sự, giải pháp công nghệ

Về giải pháp nhân sự

Giải pháp về nhân sự được coi là một trong những giải pháp bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM thông qua việc tác động đến yếu tố con người trong phòng ngừa và xử lý rủi ro, vì “con người là trung tâm của sự phát triển”. Thực tiễn HĐCTD của NHTM đã chứng minh rằng, khi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ tín dụng còn bất cập so với yêu cầu công việc, thiếu kỹ năng nắm bắt, phân tích thông tin thị trường, thiếu khả năng dự báo, tư cách đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp yếu


kém... là những nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng của chính các NH234. Chính vì vậy, giải pháp về nhân sự cần chú trọng đến các nội dung như: (i) Tách bạch, phân công rõ chức năng các bộ phận và tuân thủ các khâu trong quá trình giải quyết các khoản vay235; (ii) Coi trọng việc tuyển dụng nhân sự đáp ứng các điều kiện về chuyên môn, đạo đức, liêm khiết, cần cù; (iii) Công tác quản lý cán bộ cần được lãnh đạo NH quan tâm đúng mức; (iv) Tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng lực cho cán bộ NH; (v) xây dựng bộ quy tắc đạo đức NH...

Về giải pháp về công nghệ

Giải pháp về công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong HĐNH. Nó được coi là chìa khóa để nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh và hạn chế rủi ro236. Hiện nay, việc xây dựng các quy trình quản trị rủi ro với các chuẩn mực quốc tế chỉ thực hiện một cách tốt nhất trên nền tảng công nghệ hiện đại237. Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ không đồng bộ và vận hành không tốt cũng có thể là một loại rủi ro - rủi ro công nghệ. Đây là một khía cạnh của rủi ro hoạt động238. Chính vì vậy, thực tiễn hoạt động của NHTM cần áp dụng có hiệu quả các biện pháp công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, tính chất và loại hình cung cấp dịch vụ của NHTM nhằm phòng ngừa rủi ro.

Tóm lại, có một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM Việt Nam. Trong đó những giải pháp cơ bản là: Quy định nghĩa vụ của NH về bảo đảm an toàn trong HĐCTD; Giám sát chặt chẽ trạng thái an toàn trong HĐCTD của NH; Quy định mạnh mẽ hơn về chế tài đối với các hành vi vi phạm an toàn trong HĐCTD của các NH. Ngoài ra, giải pháp về nhân sự và công nghệ được coi là giải pháp bổ trợ nhằm bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM.

4.3. Những kiến nghị hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam

4.3.1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật và thực hiện pháp luật về phòng ngừa rủi ro nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại Việt Nam

4.3.1.1. Về kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng



234 Nguyễn Trọng Tài, “Phòng ngừa và xử lý rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại – kinh nghiệm và vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 361, tháng 6/2008, tr 13.

235 Trịnh Bá Tửu, “Phòng chống rủi ro tín dụng – kinh nghiệm của các ngân hàng Thái Lan”, Tạp chí Ngân hàng, Số Chuyên đề năm 2005, tr 55.

236 Lê Thị Huyền Diệu, “Rủi ro tỷ giá của các ngân hàng thương mại Việt Nam – một số giải pháp và kinh nghiệm phòng ngừa”, Tạp chí Ngân hàng, Số chuyên đề năm 2005, tr 68.

237 Trần Ngọc Minh, “Giải pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro từ thực tiễn hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Ngân hàng, Số chuyên đề năm 2005, tr 51.

238 Hà Thị Kim Nga, “Các loại rủi ro và quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng”, Tạp chí Ngân hàng, số chuyên đề năm 2005, tr 20.

Xem tất cả 212 trang.

Ngày đăng: 14/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí