Về Hệ Thống Kiểm Soát Nội Bộ Và Kiểm Toán Nội Bộ


Thông tư 49/2014/TT-NHNN). Còn tính tỷ lệ an toàn vốn của Basel là theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Hiện nay, hai chuẩn mực kế toán này không đồng nhất với nhau198.

Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới giai đoạn 2007-2010, Ủy ban Basel đã ban hành Hiệp ước Basel 3 nhằm bảo đảm nguồn vốn và ngăn chặn biến động của chu kỳ kinh tế, trong đó có quy định “vốn đệm” (Conservation buffer và Countercyclical buffer). Những quy định này là hoàn toàn mới đối với pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Như vậy, khi xảy ra những rủi ro và khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ thì khả năng chống đỡ của hệ thống NHTM Việt Nam là một vấn đề đáng quan tâm.

Ngoài ra, thực tiễn áp dụng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của hệ thống NHTM Việt Nam còn thấp, chưa bảo đảm an toàn. Thật vậy, theo đánh giá hệ thống NHTM Việt Nam qua Chỉ số lành mạnh tài chính (Financial Soundness Indicators – FSIs)199, chỉ số an toàn vốn trung bình của nhóm 34 NHTM Việt Nam được khảo sát là 7,21%. Đáng chú ý là chỉ số của toàn bộ 4 NH có vốn điều lệ và tổng tài sản lớn nhất Việt Nam là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), NH cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) và NH

cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đều nhỏ hơn mức trung bình nhóm (Xem phụ lục 4), trong đó chỉ số này của Indonesia và Philippine lần lượt là 10,66% và 10,23%200. Kết quả đánh giá như vậy cho chúng ta thấy điểm hạn chế trong tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM Việt Nam.

Dưới áp lực của việc bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, một số NH đã tăng vốn bằng mọi giá và không bằng chính thực lực của mình, theo tác giả Lê Thị Lợi, một số NH thực hiện luân chuyển vốn lòng vòng để có thể tăng được vốn và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn về tài chính của các NH cũng như việc thâu tóm của một số NH201. Điều đó không những không giải quyết được tận gốc vấn đề vốn của các NHTM, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động thanh tra giám sát của cơ quan có thẩm quyền cũng như khả năng cạnh tranh của các NHTM trong nước với NH nước ngoài.

Tóm lại, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là một trong những nội dung quan trọng trong phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn trọng HĐCTD của NHTM. Tuy vậy, thực trạng pháp luật về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc, đòi hỏi phải có những sửa đổi nhằm nâng cao khả năng bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM.


198 Phạm Thanh Chung (2005), Tlđd (số 4), tr 57,58.

199 Chỉ số lành mạnh tài chính do WB và IMF xây dựng thông qua Chương trình đánh giá khu vực tài chính nhằm hỗ trợ các quốc gia trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính. Đối với khu vực ngân

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.

hàng, Bộ chỉ số của IMF gồm 40 chỉ số tài chính, trong đó có 25 chỉ số phản ánh tình hình tài chính của khu vực nhận tiền gửi (Trong đó có 12 chỉ số cốt lõi và 13 chỉ số khuyến khích).

200 Nguyễn Thị Minh Huệ, “Đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam qua một số chỉ số lành mạnh tài chính”, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh 28 (2012), 158-166, tr 160.

Pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 16

201 Lê Thị Lợi, “Vốn chủ sở hữu trong các ngân hàng tại Việt Nam, các vấn đề về quản trị vốn”, Tạp chí Ngân hàng, số 2&3/2013, tr 91.


3.1.2.8. Về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ

Quy định của pháp luật về HTKSNB và KTNB nhằm mục đích tăng cường việc quản lý, kiểm soát nội bộ đáp ứng cho việc bảo đảm an toàn trong kinh doanh tiền tệ NH. Tuy có những thành tựu nhất định nhưng pháp luật về HTKSNB và KTNB còn có những hạn chế như sau:

Một là, HTKSNB và KTNB chưa phát huy hết vai trò của mình và có dấu hiệu bị “vô hiệu hóa”. Trước hết, HTKSNB chưa phát huy vai trò trong việc ngăn ngừa những sai phạm trong hoạt động của các NHTM trong thời gian vừa qua. Không những vậy, sự chi phối của các “nhóm lợi ích” trong hệ thống NH và sở hữu chéo của các NH dẫn đến các quy định của pháp luật, đặc biệt là HTKSNB, KTNB đều bị “vô hiệu hóa”. Sự khác biệt giữa tỷ lệ nợ xấu do các NHTM báo cáo so với số liệu công bố của cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc NHNN trong thời gian vừa qua cho chúng ta thấy phần nào sự kém hiệu quả của HTKSNB, KTNB của các NHTM.

Hai là, mặc dù pháp luật đã quy định về phương pháp kiểm toán nội bộ theo “định hướng rủi ro” nhưng phương pháp này vẫn còn tương đối mới mẻ với các NHTM Việt Nam, vì thực tiễn các NHTM vẫn tập trung kiểm toán nội bộ theo phương pháp “truyền thống” hơn là kiểm toán theo mức độ rủi ro202, chưa đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ xảy ra rủi ro theo đúng vai trò của bộ phận KTNB hiện đại ngày nay. Thực tiễn xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm cho chúng ta thấy rõ ràng trong

khoảng thời gian khá dài (từ cuối năm 2010 đến gần cuối năm 2011), Huỳnh thị Huyền Như đã nhân danh cán bộ của Ngân hàng Vietinbank để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều tổ chức và cá nhân, trong đó có cả ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Quốc tế (VIB)...với số tiền gần 4000 tỷ đồng. Điều đáng quan ngại là trong những việc như vậy, HTKSNB và KTNB không (hoặc chưa, hoặc không thể) phát hiện ra những rủi ro đó. Những vấn đề HTKSNB và KTNB phải xem xét đó là số tiền mà Vietinbank huy động từ các tổ chức, cá nhân được thực hiện như thế nào?, dùng số tiền này đầu tư vào đâu?, liệu có cán bộ hoặc nhân viên NH nhân danh NH để thực hiện hành vi trái pháp luật hay không?...Những hành vi vi phạm pháp luật của Huỳnh Thị Huyền như đã thực hiện trót lọt, có thể nói là có phần rất dễ dàng. Như vậy HTSKNB và

KTNB không phát huy được hiệu quả trong việc phát hiện những sai phạm này203.

Ba là, công tác kiểm soát, KTNB chủ yếu là thực hiện kiểm tra sau, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành, chưa phòng ngừa được các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực NH. Sự hạn chế của công tác kiểm soát, kiểm toán trong thời gian vừa qua, cùng với kiểm tra, giám sát của NHNN, vấn đề đạo đức cán bộ và cơ chế quản lý là những


202 Vũ Thùy Linh, “Kiểm toán nội bộ theo mức độ rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số 16, tháng 8/2013, tr 37.

203 Toà án nhân dân TP. Hồ chí Minh (2014), Tlđd (số 187).


nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai phạm HĐNH trong thời gian vừa qua như lời phát biểu của Thống đốc NHNN tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 13204.

Bốn là, mặc dù Thông tư 44/2011/TT-NHNN đã quy định nhiều biện pháp hỗ trợ cho công tác kiểm soát, KTNB có hiệu quả như công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, con người... nhưng tại các NHTM ở Việt Nam hiện nay, hệ thống công nghệ, năng lực quản trị rủi ro và trình độ cán bộ NH còn bất cập. Cụ thể, tại nhiều NH, nền tảng công nghệ thông tin còn lạc hậu, nhiều NH chưa xây dựng được hệ thống thông tin tập trung và trực tuyến, cơ sở dữ liệu còn thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng205. Về con người, có rất nhiều kiểm soát viên còn khá non kém (hoặc rất mơ hồ) về các sản phẩm mới của thị trường như “chứng khoán hóa”, “công cụ phái sinh”, “nghiệp vụ ký quỹ”...206.

Tóm lại, pháp luật và thực hiện pháp luật về HTKSNB và KTNB tại các NHTM Việt Nam hiện nay cũng gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến sự an toàn trong HĐCTD của các NHTM. Cần có những giải pháp hoàn thiện pháp luật về hệ thống KSNB và KTNB cũng như thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về HTKSNB và KTNB đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn HĐNH nói chung và HĐCTD nói riêng.

3.2. Thực trạng pháp luật về xử lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam

Trong pháp luật Việt Nam hiện nay, xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM được quy định trong nhiều văn bản khác nhau (xem phụ lục 5) đã thiết lập thành một hệ thống văn bản pháp luật bao gồm các đạo luật, nghị định, thông tư, quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.2.1. Những ưu điểm chủ yếu của pháp luật và thực hiện pháp luật về xử lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại

Có thể thấy, các văn bản pháp luật hiện hành đã điều chỉnh các khía cạnh liên quan đến xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM, cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã tạo điều kiện cho các NH xử lý rủi ro trong một số trường hợp nhất định. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ bao gồm điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc TCTD chấp nhận thay đổi kỳ hạn trả nợ gốc hoặc trả nợ lãi vốn vay (hoặc cả hai) trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng, mà kỳ hạn trả nợ cuối cùng không thay đổi. Gia hạn nợ vay là việc TCTD chấp thuận kéo dài thêm một


204 Nguyễn Hiền, “Thống đốc: 6 nguyên nhân tham nhũng trong ngành ngân hàng”, xem trong trang web: [http://dantri.com.vn/kinh-doanh/thong-doc-6-nguyen-nhan-tham-nhung-trong-nganh-ngan-hang-802197.htm]. Truy cập ngày 22/11/2013.

205 Lê Thị Huyền Diệu (2010), Tlđd (số 18), tr 121, 122.

206 Đào Minh Phúc và Lê Văn Hinh, “Hệ thống kiểm soát nội bộ gắn với quản lý rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Ngân hàng, số 24, tháng 12/2012, tr 24.


khoảng thời gian trả nợ gốc hoặc lãi vốn vay (hoặc cả hai), vượt quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng tín dụng. Như vậy, bản chất của điều chỉnh kỳ hạn trả nợ không kéo dài thời hạn vay như gia hạn nợ, nhưng cả hai biện pháp đó đều có thể giúp bên vay đủ khả năng trả nợ phù hợp với những thay đổi của hoạt động sử dụng vốn vay, qua đó, TCTD có thể thu hồi vốn an toàn.

Pháp luật hiện hành đã tạo cơ sở cho NHTM thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ như: các NHTM tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, trên cơ sở khả năng tài chính của mình và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay. Đồng thời NHNN có những hướng dẫn khái quát về trường hợp điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ, chế độ báo cáo, chế độ phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ được cơ cấu lại. Pháp luật hiện hành không có những giới hạn nào về thời gian gia hạn nợ, cũng như số lần gia hạn nợ. Tuy nhiên, các bên cần căn cứ vào tình hình thực tế để thỏa thuận thời gian gia hạn nợ phù hợp.

Thứ hai, việc khoanh nợ, miễn giảm lãi suất, xoá nợ đã được quy định theo hướng trao cho TCTD quyền quyết định miễn, giảm lãi suất, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của TCTD. Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng quy định trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về cho vay, tổ chức tín dụng gửi quy định nội bộ đó cho Ngân hàng Nhà nước. Khác với Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN (và các văn bản sửa đổi), Thông tư 39/2016/TT-NHNN không quy định chi tiết hướng dẫn về khoanh nợ, miễn giảm lãi suất, xóa nợ. Quy định như vậy là phù hợp, bởi vì đây là vấn đề nội bộ của NHTM, liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh NH, nên để cho các NH xây dựng và triển khai thực hiện.

Thứ ba, quy định về việc chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ đã tạo cơ sở pháp lý cho các NH bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình khi rủi ro trong HĐCTD xảy ra. Thực vậy, dưới góc độ pháp luật dân sự, chấm dứt cấp tín dụng là việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo Điều 428 BLDS năm 2015. Theo đó, NHTM có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Khi thực hiện quyền này, NHTM phải thông báo ngay cho khách hàng biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm khách hàng nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp này, khi NHTM đã thực hiện việc giải ngân cho khách hàng thì có quyền yêu cầu khách hàng thanh toán gốc và lãi khoản cấp tín dụng theo thoả thuận trong hợp đồng.

Dưới góc độ pháp luật thương mại, chấm dứt cấp tín dụng là việc đình chỉ thực hiện hợp đồng theo Điều 310 Luật Thương mại năm 2005. Theo đó, NHTM có quyền


đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với khách hàng khi khách hàng để xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc khách hàng vi phạm cơ bản nghĩa vụ của hợp đồng cấp tín dụng.

Khi thực hiện quyền chấm dứt cấp tín dụng như vậy, NHTM sẽ thực hiện việc xử lý nợ. Vì vậy, xử lý nợ được coi là bước kế tiếp, phát sinh từ việc thực hiện chấm dứt cấp tín dụng với khách hàng. Trường hợp khi cấp tín dụng có thoả thuận áp dụng biện pháp bảo đảm tín dụng thì việc xử lý nợ được tiến hành cùng với việc xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp khi cấp tín dụng mà không thoả thuận áp dụng biện pháp bảo đảm tín dụng thì việc xử lý nợ do các bên thoả thuận trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong các văn bản pháp luật về tín dụng NH, chấm dứt cấp tín dụng, xử lý nợ là một quyền của NHTM khi khách hàng vi phạm hợp đồng, gây mất an toàn trong HĐCTD của NHTM. Thật vậy, Khoản 1, Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng”.

Đồng thời Khoản 2, Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 còn dự liệu khả năng NHTM có quyền xử lý theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng, xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay theo thoả thuận trong hợp đồng.

Thông tư 39/2016/TT-NHNN hướng dẫn thêm: Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.

Quy định tương tự cũng có trong Thông tư 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của NHNN về bảo lãnh NH (Điều 27, Điều 28 và Điều 29); Thông tư 04/2013/TT- NHNN về chiết khấu giấy tờ có giá (Điểm d, Khoản 1, Điều 16). Bên cạnh đó, còn một số văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề xử lý nợ của NHTM như Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm; Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2006/NĐ-CP; Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam; Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 53/2013/NĐ-CP; Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam; Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT- NHNN ngày 06/6/2014 về hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm.


Những văn bản pháp luật nêu trên đã thiết lập một cơ chế pháp lý tương đối đồng bộ trong việc bảo vệ quyền lợi của NHTM trong việc thực hiện quyền chấm dứt cấp tín dụng và xử lý nợ nhằm bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM. Cụ thể là:

- NHTM có thể thực hiện quyền chấm dứt cấp tín dụng và xử lý nợ thông qua những cách thức, biện pháp khác nhau và áp dụng đối với những trường hợp rủi ro khác nhau của khách hàng. Khi khách hàng vi phạm, trước hết, NHTM có quyền chấm dứt cấp tín dụng và thu hồi nợ. Việc thu hồi nợ được thực hiện thông qua sự thoả thuận của các bên. Trong trường hợp này, khách hàng phải thanh toán tiền gốc, tiền phí và lãi khoản cấp tín dụng cho NHTM. Trường hợp khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán theo thoả thuận thì NH có thể thực hiện các biện pháp như xử lý tài sản và biện pháp bảo đảm theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN. Nếu khách hàng có khoản nợ xấu thì NH có quyền xử lý theo Đề án xử lý nợ xấu ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Việc chấm dứt cấp tín dụng và xử lý nợ nhận được sự quan tâm không chỉ của riêng NHTM, mà còn của Nhà nước. Thực vậy, bên cạnh việc các NHTM chủ động xử lý rủi ro, nhà nước còn có các quy định mang tính chất hỗ trợ việc xử lý rủi ro này. Đề án xử lý nợ xấu đã khẳng định huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Đồng thời, Nhà nước chỉ can thiệp xử lý nợ xấu bằng nguồn vốn ngân sách trong trường hợp cần thiết phải bảo đảm sự an toàn của hệ thống NH và sự ổn định của nền kinh tế. Nhà nước hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD chủ yếu thông qua ban hành các cơ chế, chính sách và tổ chức, quản lý có hiệu quả thị trường mua bán nợ.

- Trong thời gian vừa qua, hệ thống NHTM đã xử lý tốt nợ xấu. Nếu nợ xấu trong năm 2012 là 8,82% tổng mức tín dụng của nền kinh tế, tương đương khoảng

250.000 tỷ đồng (Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ dẫn số liệu từ NHNN trong phiên trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội ngày 14/11/2012), thì đến cuối tháng 8/2017, nợ xấu của hệ thống NH là 2,46% tổng dư nợ, tương đương gần 149 nghìn tỷ đồng207. Có được kết quả như vậy là sự cố gắng của các NHTM cũng như nỗ lực của nhà nước trong việc xử lý rủi ro của hệ thống NHTM.

- Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã tạo những thuận lợi cơ bản cho các TCTD nói chung và NHTM nói riêng trong việc xử lý nợ xấu. Nghị quyết này đã quy định một số nội dung quan trọng về xử lý nợ xấu. Tác giả rất tán đồng với nhà lập pháp khi quy định các nguyên tắc xử lý nợ xấu tại Điều 3 của Nghị quyết. Trong đó, nguyên tắc công khai,



207 Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14 (ngày 23/10/2017).


minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã được ghi nhận. Cùng với đó, nguyên tắc xử lý nợ xấu phải phù hợp với cơ chế thị trường, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật là rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

- Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM, kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg và thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam là những giải pháp phù hợp cho việc xử lý rủi ro của hệ thống NHTM Việt Nam. Đề án xử lý nợ xấu đã giao trách nhiệm cụ thể cho NHNN cũng như các Bộ, cơ quan liên quan và địa phương trong việc thực hiện các giải pháp liên quan đến xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể cho việc xử lý nợ xấu của NHTM. Nếu có nợ xấu, NHTM sẽ bán cho Công ty quản lý tài sản để lấy trái phiếu đặc biệt, dùng trái phiếu đặc biệt này để vay tái cấp vốn tại NHNN. Nợ xấu sau khi bán cho Công ty quản lý tài sản sẽ được Công ty này xử lý thông qua việc bán tài sản, bán đấu giá hoặc nhận chính tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy vậy, thời gian mà Công ty quản lý tài sản nắm giữ tài sản để xử lý là 5 năm. Trong 5 năm đó, các NHTM phải dự phòng rủi ro để có thể mua lại tài sản chưa xử lý được khi hết hạn và tiếp tục xử lý.

Nhìn chung, thực trạng pháp luật như đã nêu ở trên đã thể hiện những ưu điểm nhất định, đặc biệt là sự quan tâm của nhà làm luật trong việc điều chỉnh quan hệ chấm dứt cấp tín dụng và xử lý nợ trong HĐNH.

Thứ tư, hoạt động mua bán nợ của các NHTM, đặc biệt là mua bán nợ xấu, đã nhận được sự quan tâm của các NHTM cũng như nhà nước. Cho đến nay, có khá nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến xử lý nợ xấu đã được ban hành như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (Khoản 2, Điều 95); Quyết định 150/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc NHTM; Quyết định 109/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp; Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 về Phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam; Thông tư 19/2013/TT-NHNN về việc mua bán và xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam; Thông tư số 14/2015/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua bán nợ của TCTD; Quyết định 1389/2001/QĐ-NHNN về việc thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc NHTM. Trên thực tế, các NHTM đã xây dựng Quy chế mua bán nợ khá đầy


đủ, rõ ràng cụ thể hoá được những nội dung liên quan đến hoạt động mua bán nợ, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hoạt động này.

Bên cạnh đó, thực tiễn hoạt động mua bán nợ hiện nay ở Việt Nam cho thấy, có khá nhiều công ty quản lý tài sản. Nếu tính cả Công ty mua bán nợ và tài sản tồn động của doanh nghiệp (DATC) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), cũng như các công ty xử lý nợ của các NHTM thì trên cả nước đã có 30 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (xem Phụ lục 6). Việc các công ty này có chức năng mua bán nợ doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng đã tạo điều kiện cho việc thiết lập thị trường mua bán nợ hiện nay ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc thành lập các công ty quản lý tài sản như đã nêu ở trên cho thấy, mô hình xử lý nợ và mua bán nợ của Việt Nam khá tương đồng so với các quốc gia trên thế giới, thậm chí còn kết hợp nhiều mô hình ở các nước. Theo tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Các quốc gia xử lý nợ theo mô hình tập trung như Hoa Kỳ (thành lập Công ty xử lý tài sản quốc gia - The Resolution Trust Company); Hàn Quốc (thành lập Công ty quản lý tài sản Hàn Quốc – KAMCO); Thái Lan (thành lập Công ty quản lý tài sản Thái Lan – TAMC), Indonesia (thành lập Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng – IBRA). Khác với các nước trên, Thuỵ Điển áp dụng mô hình xử lý nợ phi tập trung thông qua việc thành lập các công ty quản lý tài sản trực thuộc NHTM. Trung Quốc áp

dụng mô hình kết hợp thông qua việc thành lập 4 công ty xử lý nợ là Cinda, Huarong, Great Wall và Orient208.

Thứ năm, quy định về sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM đã được thể hiện trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, các quy định của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro là hoạt động của NHTM nhằm phòng ngừa rủi ro. Khi rủi ro và hậu quả của rủi ro xảy ra thì NHTM được sử dụng khoản dự phòng đó để xử lý, bù đắp cho những rủi ro và hậu quả của nó. Chính vì vậy, sử dụng dự phòng rủi ro được coi là một trong những biện pháp xử lý rủi ro trong HĐCTD của các NHTM.

Các văn bản pháp luật nêu trên đã có những quy định làm cơ sở cho NHTM sử dụng dự phòng rủi ro trong HĐCTD. Cụ thể là việc quy định về những trường hợp được sử dụng dự phòng rủi ro như sau: (i) Khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; cá nhân bị chết hoặc mất tích; (ii) Các khoản nợ thuộc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). (iii) Đối với các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý, TCTD được sử dụng dự phòng (nếu có) để xử lý rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, pháp luật cũng có những quy định về thời gian sử dụng dự phòng rủi ro là một quý một lần; quy định những nguyên tắc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro...



208 Nguyễn Thị Quỳnh Hương, “Mô hình xử lý nợ xấu trên thế giới – thực tiễn ở Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số 13, tháng 7/2012, tr 55, 58.

Xem tất cả 212 trang.

Ngày đăng: 14/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí