Dịch chiết Đinh lăng còn được thử tác dụng với ATPase màng tế bào, thấy K+ Na+ ATPase điều được kích thích bởi dịch chiết thân, rễ và lá của cây. Đối với ATPase dạng hòa tan, kết quả tương tự như ATPase của màng tế bào. Sự kích thích hoạt tính men của dịch chiết Đinh lăng có khả năng đề kháng sự kìm hãm K+ Na+ ATPase của aminazin. Đinh lăng có tác dụng kích thích sinh dục ở động vật già và kích thích tăng sinh lực ở động vật gây mệt mỏi, tác dụng kéo dài và bền vững.
Đinh lăng ít độc hơn cả Nhân sâm và khác với Nhân sâm, nó không làm tăng huyết áp.
Nước sắc rễ Đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể. Đinh lăng làm cho nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi chạy dai sức làm cơ thể chịu được nóng. Người bệnh bị suy mòn uống Đinh lăng chóng phục hồi cơ thể, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân. Falcarinol và heptadeca thể hiện hoạt tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn Gram dương mạnh và vi khuẩn gây bệnh nấm da, cho thấy hoạt tính kháng nấm. Hoạt tính kháng khuẩn của falcarinol được tìm thấy mạnh hơn 15 - 35 lần so với erythromycin, chloramphenicol và oxytetracycline (Đỗ Huy Bích, 2006; Vò Văn Chi, 2012; Đỗ Tất Lợi, 2004; Nguyễn Thị Thu Hương và cs, 2003).
Năm 1961, các khoa dược lý, dược liệu và giải phẫu bệnh lý Viện y học quân sự Việt Nam nghiên cứu tác dụng của Đinh lăng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể và một số tác dụng khác đã đi đến kết luận sau:
- Nước sắc rễ Đinh lăng có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể trên thí nghiệm cấp tính tương tự như Sâm.
- Với liều 0,1 ml cao lỏng Đinh lăng cho 20 g thể trọng sống làm giảm hoạt động của chuột trắng.
- Đinh lăng có tác dụng trực tiếp trên cơ tim ếch với liều nhất định làm giảm trương lực cơ tim, làm tim co bóp yếu và thưa, tiến tới tim ngừng đập.
- Dùng dịch nước 0,2 đến 1 % rễ Đinh lăng gây co mạch tai thỏ.
- Với liều 0,5 ml dung dịch cao Đinh lăng 100 – 200 % trên 1 kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai làm tăng cường hô hấp về biên độ và tần số: Huyết áp nhất thời hạ xuống.
- Trên tử cung tại chỗ, với liều 1 ml dung dịch cao Đinh lăng 100 % cho 1 kg thể trọng tiêm tĩnh mạch vành tai làm tăng co bóp tử cung nhẹ.
- Đinh lăng có tác dụng tăng tiết niệu trên 5 lần so với bình thường với liều uống 2 ml dung dịch Đinh lăng 100 % cho 100 g thể trọng (thí nghiệm trên chuột bạch Trung Quốc).
- Liều độc: Đinh lăng ít độc hơn so với Nhân sâm và Ngũ gia bì. Cho chuột uống với liều 50 g/kg thể trọng chuột vẫn sống bình thường.
- Làm tăng sức đề kháng của chuột đối với tác hại của bức xạ siêu tần.
- GS Ngô Ứng Long và Xavaev (Liên Xô cũ) đã cùng nhận thấy Đinh lăng có tác dụng tốt đối với các nhà du hành vũ trụ khi luyện tập ở tư thế tĩnh, đầu dốc ngược.
- Thực nghiệm trên người, viên bột rễ Đinh lăng làm tăng khả năng chịu đựng của bộ đội, vận động viên thể dục, thể thao trong các nghiệm pháp gắng sức cũng như luyện tập (Đỗ Tất Lợi, 2004; Ngô Ứng Long và cs, 1993; Nguyễn Thị Thu Hương và cs, 2003).
2.1.10. Công dụng và liều dùng
2.1.10.1. Công dụng
Theo y học hiện đại, cây Đinh lăng có một số tác dụng chính như: Tác dụng bổ chung, ăn ngon, dễ ngủ và tăng cân, tăng lực, tăng khả năng lao động nặng và phục hồi sức khỏe tốt, hoạt hóa các tế bào thần kinh, tăng cường trí nhớ (Quách Tuấn Vinh, 2005; Nguyễn Thượng Dong và cs 2007).
Theo Đông y: Đinh lăng có tác dụng giải độc, ban chẩn, thương hàn nhập lý, thông tiểu tiện, mát phổi, ho ra máu, kiết lỵ, phong thấp, nhức mỏi chân tay (Quách Tuấn Vinh, 2005).
Rễ Đinh lăng được dùng làm thuốc bổ tăng lực, chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau khi sinh ít sữa. Có nơi còn dùng chữa ho, đau tử cung, thuốc lợi tiểu, chống độc và co rút tử cung (Phạm Hoàng Hộ, 2003; DĐVN IV, 2009).
Lá chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương (giã đắp). Thân và cành chữa thấp khớp, đau lưng.
Ở Ấn Độ, Đinh lăng được dùng làm thuốc làm săn da và trị sốt rét. Rễ và lá sắc uống có tác dụng lợi tiểu chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, chứng khó tiểu tiện. Bột lá được giã với muối và đắp trị vết thương (DĐVN IV, 2009; Đỗ Tất Lợi, 2004).
2.1.10.2. Liều dùng
Ngày dùng từ 1 g đến 6 g, dạng thuốc sắc hoặc 2 g trở lên với thuốc tán bột (Dược Điển Việt Nam IV, 2009).
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dược lý, Viện y học quân sự Việt Nam năm 1964 cho thí nghiệm dùng trên người với liều 0,23 g đến 0,50 g bột Đinh lăng trong một ngày dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu nhẹ độ (khoảng 30o) thì có kết quả tăng sức dẻo dai của cơ thể như khi nghiên cứu trong qui mô phòng thí nghiệm (Đỗ Tất Lợi, 2004).
Một số bài thuốc
Chữa mỏi mệt mỏi, biếng hoạt động
Rễ Đinh lăng phơi khô thái mỏng 5 g. Thêm 100 ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, ho, đau, tức ngực, nước tiểu vàng
Đinh lăng rễ tươi (rễ, cành) 30 g, lá hoặc vỏ Chanh 10 g, vỏ Quýt 10 g, Sài hồ (rể, lá, cành) 20 g, lá Tre tươi 20 g, Cam thảo dây hoặc Cam thảo đất 30 g, Rau má tươi 30 g, Me đất 20 g. Các vị cắt nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250 ml, chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa sưng vú
Cành lá Đinh lăng 30 – 40 g. Thêm 300 ml, sắc còn 200 ml, uống nóng. Ngày uống 1 – 2 lần.
Thuốc lợi sữa
Lá Đinh lăng tươi 50 – 100 g, Bong bóng lợn 1 cái. Băm nhỏ, trộn với gạo nếp, nấu cháo ăn.
Chữa đau tử cung
Cành lá Đinh lăng rửa sạch sao vàng, sắc uống thay nước. Đây là kinh nghiệm của Hải Thượng Lãn Ông.
Chữa mẩn ngứa do dị ứng
Lá Đinh lăng 80 g, sao vàng, sắc uống. Dùng trong 2 - 3 tháng.
Chữa thiếu máu
Rễ Đinh lăng, Hà thủ ô, Thục địa, Hoàng tinh, mỗi vị 100 g, Tam thất 20 g. Tán bột, sắc uống ngày 100 g.
Chữa viêm gan mạn tính
Rễ Đinh lăng 12 g, Nhân trần 20 g, Ý dĩ 16 g; Chi tử, Hoài sơn, Biển đậu, rễ Cỏ tranh, Xạ tiền tử, Ngũ gia bì, mỗi vị 12 g; Uất kim, Nghệ, Ngưu tất, mỗi vị 8 g. Sắc uống, ngày một thang.
Chữa liệt dương
Rễ Đinh lăng, Hoài sơn, Ý dĩ, Hoàng tinh, Hà thủ ô, Kỳ tử, Long nhãn, Cám nếp, mỗi vị 12 g; Trâu cổ, Cao ban long, mỗi vị 8 g; Sa nhân 6 g. Sắc uống, ngày một thang.
Chữa sốt rét
Rễ Đinh lăng, Sài hồ, mỗi vị 20 g; Rau má 16 g; lá Tre, Cam thảo nam, mỗi vị 12 g; Bán hạ sao vàng 8 g, Gừng 6 g. Sắc uống.
Chữa phong tê thấp, đau xương khớp, đau lưng
Đinh lăng 100 g, thái khúc, sao vàng, sắc uống hằng ngày thay nước.
Phòng tác dụng của thuốc điều trị lao
Lá Đinh lăng sao vàng 20 g - 25 g, hãm uống nước dùng hằng ngày.
Phòng co giật ở trẻ em
Lấy lá Đinh lăng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ em nằm. (Đỗ Huy Bích, 2006; Quách Tuấn Vinh, 2005; chuthapdo.org.vn; ydvn.net).
2.1.11. Sản phẩm Đinh lăng có mặt trên thị trường
Rượu Đinh lăng
Thành phần
- Rễ Đinh lăng khô khoảng 100 g - 150 g.
- 1 lít rượu ngon có độ cồn khoảng 35 - 40o.
Công dụng
- Khí huyết lưu thông, ăn ngon, ngủ yên, tăng cường sinh lực.
- Trị đau xương khớp.
Đinh lăng trà TRC
Thành phần
- Đinh lăng......................................1,5 g
- Lá Vằng........................................0,2 g
- Lá Sen...........................................0,2 g
- Cỏ ngọt..........................................0,1 g
Công dụng
- Tăng tuần hoàn não, giảm hội chứng tiền đình, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
- Tăng khả năng tập trung, giảm tình trạng căng thẳng thần kinh, mất trí nhớ, run chân tay.
Cách dùng
- Nhúng túi trà vào trong nước sôi, chờ 3 - 5 phút.
- Ngày dùng từ 4 - 6 túi (lasen.com.vn).
Trà Đinh lăng
Thành phần
- Đinh lăng
- Cỏ ngọt
Công dụng
- Tăng tuần hoàn não, giảm hội chứng tiền đình: Đau đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, mất thăng bằng.
- Tăng khả năng tập trung, giảm tình trạng căng thẳng thần kinh, mất trí nhớ, run chân tay.
Cách dùng
- Dùng cho mọi lứa tuổi.
- Những túi trà vào ấm nước sôi 150 ml - 200 ml, chờ 2 - 3 phút. Có thể thêm đá theo ý thích (quagac.com).
Hoạt huyết dưỡng não HBN
Thành phần
- Cao mềm Đinh lăng 150 mg
- Cao lá Bạch quả 10 mg
- Tá dược vừa đủ 1 viên
Công dụng
- Phòng và điều trị chứng suy giảm trí nhớ, thiếu tuần hoàn não.
- Thích hợp cho người làm việc trí óc căng thẳng bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi.
Cách dùng
- Người lớn: 1 - 2 viên/lần, ngày uống 2 - 3 lần.
- Trẻ em trên 6 tuổi: 1 viên/lần, ngày uống 2 lần.
Gối lá Đinh lăng
Thành phần
- Lá Đinh lăng.
- Vỏ gối.
Công dụng
Gối lá Đinh lăng được làm đúng quy cách tiêu chuẩn sẽ cho bé giấc ngủ ngon, chống mồ hôi trộm, hết tật giật mình, tránh được muỗi và côn trùng.
Cách dùng
Đối với trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi nên sử dụng gối size 26 cm x 40 cm. Trẻ trên 24 tháng tuổi nên sử dụng gối size 30 cm x 46 cm (goianhviet.com).
Rượu Đinh lăng | |
Đinh lăng trà - TRC | Trà Đinh lăng |
Hoạt huyết dưỡng não HBN | Gối Đinh lăng - Anh Việt |
Có thể bạn quan tâm!
- Phân tích sơ bộ thành phần hóa học và chiết phân đoạn của rễ cây Đinh lăng Polyscias fruticosa L. Harms trồng tại An Giang - 2
- Phân tích sơ bộ thành phần hóa học và chiết phân đoạn của rễ cây Đinh lăng Polyscias fruticosa L. Harms trồng tại An Giang - 3
- Phân tích sơ bộ thành phần hóa học và chiết phân đoạn của rễ cây Đinh lăng Polyscias fruticosa L. Harms trồng tại An Giang - 4
- Phân tích sơ bộ thành phần hóa học và chiết phân đoạn của rễ cây Đinh lăng Polyscias fruticosa L. Harms trồng tại An Giang - 6
- Định Tính Sơ Bộ Các Nhóm Chính Trong Thân Và Rễ Đinh Lăng
- Thăm Dò Hệ Sắc Ký Các Cao Phân Đoạn Sắc Ký Lớp Mỏng Cao Diethyl Ether
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Hình 2.10. Sản phẩm Đinh lăng
2.2. TỔNG QUAN VỀ THÀNH PHẦN HÓA THỰC VẬT
Để khảo sát thành phần hóa thực vật của một loài cây thì các nhà nghiên cứu đã đưa ra quyết định và làm việc trên một loài cây mà tùy vào mục đích lựa chọn trước. Việc lựa chọn này phụ thuộc rất nhiều tài liệu tham khảo và các phương tiện sẵn có hoặc liên kết được của phòng thí nghiệm đó. Các tài liệu tham khảo đó có thể là dữ liệu tin học NAPRALERT cho biết các thông tin về hóa - thực vật, đặc điểm thực vật, hoạt tính sinh học của hợp chất cụ thể, hoặc tất cả các thông tin về vùng địa phương, từng quốc gia (Nguyễn Kim Phi Phụng, 2007).
Trong nghiên cứu và sản xuất dược liệu và các chế phẩm từ Dược liệu, để chiết xuất và tinh chế các cao chiết Dược liệu; kiểm soát và đảm bảo chất lượng dược liệu và các chế phẩm từ dược liệu hay phân lập các chất tinh khiết người ta cần phải biết thành phần (ở mức độ cao hơn là cấu trúc hóa học) của các chất trong dược liệu đó. Trong sử dụng Dược liệu, có nhiều trường hợp dược liệu được sử dụng nhiều và có hiệu quả trong điều trị nhưng thành phần hóa học của chúng lại không được biết đầy đủ hay đôi khi hoàn toàn chưa được nghiên cứu sâu. Ngày nay việc hiểu biết về thành phần hóa thực vật của các dược liệu càng trở nên quan trọng hơn khi mà tiêu chuẩn hóa Dược liệu, kiểm soát chất lượng dược liệu và các dạng chế phẩm từ dược liệu có xu hướng là những yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của sản phẩm cho người sử dụng.
Thành phần hóa học của một dược liệu rất phức tạp và thường không thể được biết tường tận. Vì thế, thông thường ở mức độ đơn giản nhất, việc nghiên cứu thành phần hóa học của dược liệu thường được bắt đầu bằng việc xác định các nhóm hợp chất thường gặp trong thực vật bằng các phản ứng hóa học. Việc xác định này được gọi là “Phân tích thành phần hóa thực vật”.
Trong phân tích thành phần hóa thực vật, người ta thường sử dụng các phản ứng hóa học đặc trưng cho một nhóm hợp chất để xác định sự có mặt của nhóm hợp chất này trong nguyên liệu thực vật. Việc phân tích này được tiến hành theo 2 bước:
Phân tích sơ bộ: Các chất trong nguyên liệu thực vật được phân thành một vài phân đoạn đơn giản bằng cách sử dụng các quy trình chiết đơn giản, trong những điều kiện nhất định (dung môi, pH môi trường v.v…). Định tính nhanh các hợp chất trong các phân đoạn bằng một số thuốc thử chung.
Định tính xác định: Dùng các quy trình chiết đặc hiệu hơn, nhiều phản ứng đặc hiệu hơn để xác nhận sự có mặt của nhóm hợp chất.
Không phải tất cả các nhóm hợp chất trong dược liệu đều có thể được định tính. Phân tích thành phần hóa thực vật chỉ có thể xác định một số nhóm hợp chất phổ biến trong thực vật.
Ở mức độ cao hơn, việc định tính các nhóm hợp chất bằng các phương pháp khác nhau như: Các phương pháp sắc ký kết hợp với định tính hóa học, kết hợp với phân tích quang phổ cũng có thể được sử dụng (ĐH Y Dược TPHCM, 2014).
Quy trình dùng để xác định nhanh một số nhóm hợp chất thường gặp trong nguyên liệu thực vật bằng các phản ứng hóa học (thường được gọi là phân tích sơ bộ thành phần hóa thực vật) dựa trên nguyên tắc:
Phân tách hỗn hợp các chất trong nguyên liệu thành những phân đoạn đơn giản.
Dùng các phản ứng hóa học đặc trưng (thường là các phản ứng kết tủa, phản ứng màu) để phát hiện các nhóm hợp chất có trong dịch chiết.
Kết quả của các phản ứng đặc trưng, đặc biệt là các phản ứng màu, phụ thuộc nhiều vào mức độ “tinh khiết” của nhóm chất đó trong môi trường phản ứng. Phản ứng của một hợp chất hay một nhóm hợp chất “tinh khiết” có thể khác biệt nhiều hay ít, đôi khi khác biệt hoàn toàn với phản ứng của nó trong một hỗn hợp. Trong hỗn hợp, các nhóm hợp chất ảnh hưởng đến kết quả phản ứng của một nhóm hợp chất khác thường được xem là các “tạp chất”. Các “tạp chất” này có thể ảnh hưởng đến kết quả định tính theo hai hướng:
- Cản trở phản ứng, làm cho phản ứng khó xảy ra hay không thể xảy ra.
- Cản trở việc nhận định kết quả phản ứng do bản thân chúng che lắp kết quả phản ứng hay chúng cũng phản ứng với thuốc thử và tạo ra sản phẩm che lắp kết quả.
Vì thế, việc tách các chất có trong nguyên liệu thực vật thành các phân đoạn có các thành phần đơn giản trước khi tiến hành định tính là cần thiết để có thể thu được một kết quả tốt. Trong phân tích sơ bộ thành phần hóa thực vât, tách các phân đoạn đơn giản chủ yếu dựa vào tính tan của các nhóm hợp chất trong các môi trường (dung môi, pH) khác nhau.
Các chất trong nguyên liệu thực vật được phân thành các nhóm theo độ phân cực của chúng. Thông thường chúng được phân thành 3 nhóm:
- Nhóm các chất không hoặc kém phân cực.
- Nhóm các chất có độ phân cực trung bình.
- Nhóm các chất có độ phân cực mạnh.
Trong một số trường hợp, sự thay đổi mức độ ion hóa của phân tử (dẫn tới thay đổi tính tan) của một nhóm chất trong môi trường acid hay base cũng được dùng để tách các phân nhóm.
Yêu cầu chung của các phản ứng hay các thuốc thử sử dụng trong định tính một hợp chất là chúng phải đặc hiệu, nhạy và dễ phát hiện. Chúng cũng phải không hay ít bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của các nhóm hợp chất khác có trong môi trường phản ứng. Có một số quy trình khác nhau để định tính các nhóm hợp chất thường gặp trong thực vật. Các quy trình khác nhau chủ yếu ở việc sử dụng dung môi để chiết tách hỗn hợp và số lượng các nhóm hợp chất được định tính.
Một số quy trình phân tích được sử dụng trong sàng lọc các chất vô cơ và hữu cơ đã được sử dụng từ lâu trong các phòng thí nghiệm là quy trình phân tích của Stas - Otto.