ra rất thành công khi sử dụng hàng loạt ngôn từ đậm chất địa phương, giúp độc giả có thêm những hiểu biết thú vị về văn hóa miền Nam Trung Bộ, cụ thể là vùng đất Quảng Nam, như: “Rồi đây taokhông thí cho một đồngnhỏ nào hết thì có ăn ngữ cứt người ta” [72, tr 32]; “Muốn làm thẳng tớicho lạigan” [72, tr 41]; “Nótrám miệnghọ rồi, bây giờ họtính mần ngơđi” [72, tr 124].... Như vậy, từ việc sử dụng chữ Hán để viết truyện ngắn chuyển sang sử dụng chữ quốc ngữ để viết tiểu thuyết, Phan Khôi đã khẳng định được sự trưởng thành về ngôn ngữ của mình trong lĩnh vực sáng tác. Trở vỏ lửa ra mặc dù chưa thật sự thành công, thậm chí có thể nói là cuốn tiểu thuyết thất bại của Phan Khôi song sự độc đáo, hiện đại trong cách sử dụng ngôn ngữ trần thuật là điều không thể phủ nhận.
Ngoài ra, chúng ta có thể quan sát ý thức rèn tập ngôn ngữ và những nỗ lực thực hành cùng sự trưởng thành trong cách viết chữ quốc ngữ của Phan Khôi qua công việc dịch thuật. Hàng loạt tác phẩm của Lỗ Tấn đã được Phan Khôi công phu chuyển dịch sang quốc ngữ. Hơn nữa, ngoài vốn Hán văn căn bản, Phan Khôi còn tự bổ sung thêm Pháp văn. Sự phối hợp hai thứ tiếng này trong lĩnh vực dịch thuật đã làm nên thành công khi ông nhận dịch cuốn Kinh thánh cho Hội Tin Lành vào những năm (từ 1920-1925). Vu Gia cho rằng “khi dịch Kinh thánh, Phan Khôi dịch thẳng từ bản chữ Pháp và có tham khảo thêm từ bản chữ Hán, chứ không phải ngược lại” [72, tr 381]. Điều đáng lưu ý là khi khảo sát hàng loạt những câu kinh đã được dịch từ Phan Khôi, Vu Gia đã đi đến nhận định: “ngay từ khi ra đời đến ngày nay, ai đã đọc qua đều thừa nhận, bản dịch của những chương, những đoạn được dịch như...thơ” [72, tr 384].
Qua những phân tích trên cho thấy, Phan Khôi đã đạt được những thành công nhất định trong việc sử dụng văn tự ở những hình thức tự sự. Điều khác biệt ở Phan Khôi nằm ngay ở vấn đề ông luôn ý thức rõ tính mục đích khi sử dụng ngôn ngữ.
4.3.2. Văn xuôi tự sự của Phan Khôi trong sự lưỡng lự giữa tả thực và luận đề
Trong thể loại văn xuôi tự sự, thành công đáng kể nhất ở Phan Khôi là phản ánh khá chân xác hiện thực. Thậm chí hai truyện ngắn viết bằng chữ Hán Hoạn hải ba đào và Mộng trung mộng tính luận đề thể hiện ngay trên nhan đề và xét về mặt văn tự không có đóng góp đáng kể cho việc hiện đại hóa văn xuôi như đã phân tích song nó mang lại ý nghĩa thời sự cao trong thời điểm bấy giờ.
Hoạn hải ba đào viết về những chìm nổi có cả chút gì đó cay đắng, nhục nhã của một ông quan Nho ở buổi Hán học thoái trào, ở một đất nước bị mất chủ quyền. Qua Hoạn hải ba đào, hiện thực được phơi bày một cách rất chân thực. Nó giúp người đọc hiểu thêm về thân phần người dân, kể cả những bậc quan lại, “cha mẹ dân” của đất nước mất chủ quyền. Phơi bày bộ mặt thật xã hội thực dân phong kiến nước ta lúc bấy giờ là: Dù là quan, dù làm việc như thế nào nhưng quan công sứ đánh giá tốt là tốt, xấu là xấu; làm quan mà liêm chính không vơ vét, cưỡng bức dân đen thì không thể giàu; làm quan mà không cuốn lùi, bợ đỡ, quà cáp biếu xén quan trên thì khó lòng tại vị lâu dài; làm quan mà hết lòng vì dân mà không biết lo cho quan trên thì thân bại danh liệt... Đó là những hiện thực mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị đã được Phan Khôi khắc họa khá thành công trong thiên truyện này.
Cấu trúc cốt truyện tuy đơn giản, dễ đoán song được kể lại chủ yếu trong dòng hồi ức của nhân vật chính nên ít nhiều thoát được kiểu kết cấu tuyến tính truyền thống. Số phận đầy thăng trầm của một ông quan bất đắc chí được khắc họa khá rõ nét như cuốn phim quay ngược qua những bộc bạch, tâm sự của chính ông với vị khách tình cờ đi cùng nhau trên chuyến xe về Kinh. Kiểu cấu trúc này làm cho câu chuyện được phản ánh chân thực và tự nhiên hơn. Tuy nhiên tính luận đề không chỉ thể hiện ở nhan đề như đã nêu
Có thể bạn quan tâm!
- Xu Hướng Luận Đề Trong Văn Xuôi Tự Sự Của Phan Khôi
- Trạng Thái Lưỡng Lự Trong Văn Xuôi Tự Sự Của Phan Khôi
- Văn Xuôi Tự Sự Phan Khôi Trong Bước Chuyển Từ Chữ Hán Sang Chữ Quốc Ngữ
- Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 19
- Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 20
- Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 21
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
mà còn đan cài vào phát ngôn của nhân vật nên làm cho câu chuyện nhiều lúc thiếu hẳn sự uyển chuyển, mang hơi hướng văn chính luận: “Có ông nọ trong Kinh muốn tôi ở lại trong nhà dạy cậu con học chữ Hán. Trong lòng tôi nghĩ rằng đời bấy giờ các nhà đại gia đều đua nhau theo Tây học, chẳng khác người khát đến nơi có nước. Sinh mệnh của chữ Hán cơ hồ không còn dài” [68, tr 311]; hoặc đoạn này: “Quan Tây nói, tôi nghe như vịt nghe sấm. Nhớ lại hồi đỗ cử nhân, có người khuyên học tiếng Pháp, rốt cuộc tôi không thuận. Hồi ấy do áp lực chung quanh. Nay nghĩ lại mới biết sai lầm thì đã muộn” [68, tr 318]. Qua lời nhân vật, tác giả muốn truyền tải thông điệp mang tính hiện thực về sự lỗi thời của nền cựu học. Đồng thời ngầm cổ súy cho tư tưởng cần học hỏi tiếp thu cái mới, cái văn minh. Rõ ràng mô hình tự sự này có sự dùng dằng giữa lối tả thực và luận đề.
Tương tự, truyện ngắn Mộng trung mộng cũng đã rất thành công trong việc phản ánh thực trạng giáo dục và tâm lý khoa cử của người học ở xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Truyện kể về một ước mơ cháy bỏng của người cha trọc phú mong con mình được học hành đàng hoàng, thoát cảnh dốt nát hiển vinh đỗ đạt. Người cha này tâm niệm đời người phú - quý luôn phải đi kèm nhau thì mới trọn vẹn. Đời ông mới chỉ có phú mà chưa có quý cho nên ông đã đặt hết kỳ vọng vào cậu con trai út, mong muốn nó học hành để đỗ đạt làm quan mở mày, mở mặt dòng dõi. Ông đã rước thầy về dạy riêng cho cậu trai út và cung phụng thầy đủ điều. Song năm lần bảy lượt thay thầy, cầu cạnh đủ cách mà cậu con trai cũng không chút tiến bộ vẫn hết lần này đến lần khác chẳng qua nỗi kỳ thi Hương. Tuy vậy, lòng tin của ông đối với cậu út vẫn chưa giảm. Khi nghe con xin vào học trường Pháp – Việt ông tuy băn khoăn cũng chiều theo ý con. Có điều thay vì đến trường, cậu út của ông chỉ biết ăn chơi đàng điếm nên cậu cũng chẳng thể khá hơn. Và cho đến lúc chết, ông cũng không biết rằng con ông chỉ giỏi món ăn chơi, không hề giỏi chữ. Đau
lòng hơn là ông cũng không hề biết những thầy giáo mà ông cho là tài giỏi chỉ lừa để moi tiền ông. Những bài văn đều do họ làm chứ thực lực cậu út không hề có chút tiến triển. Cuối đời, ông bán đất, bán ruộng để lo cho cậu út hàm cửu phẩm văn giai nhưng rồi mộng cũng không thành. Cậu út dân đen vẫn hoàn dân đen và giấc mộng của ông từ thuở ban đầu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay về với tổ tiên cũng chỉ là giấc mộng.
Như vậy trong Hoạn hải ba đào và Mộng trung mộng Phan Khôi đã đan cài tính luận đề vào quá trình chuyển tải hiện thực. Nếu Hoạn hải ba đào đặt ra vấn đề thân phận hèn mọn người dân, đặc biệt là quan lại trong xã hội thuộc địa thì Mộng trung mộng lại xoáy vào vấn đề đả phá Nho giáo ở sự cản trở sự tiến bộ xã hội, đặc biệt là phương diện giáo dục. Chúng ta cũng nhận ra tính luận đề của hai truyện ngắn này với những quan điểm mà Phan Khôi đã từng bộc lộ trong những bài nghị luận sắc sảo kéo theo nhiều cuộc tranh luận nảy lửa trên báo giới về Quốc học, về Nho giáo.
Bên cạnh hai truyện ngắn này, sự lưỡng lự giữa tả thực và luận đề của Phan Khôi cũng thể hiện rõ qua tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra. Vào những năm đầu thế kỷ XX khi mà tiểu thuyết Việt Nam nằm trong bước trung chuyển sang một thời kỳ mới và nhiều nỗ lực hướng đến cách tân phù hợp với tâm thức con người hiện đại, Phan Khôi cũng đã có những đóng góp nhất định từ thực tiễn sáng tác cũng như quan niệm mang tính lý thuyết. Với quan điểm tiểu thuyết là phải diễn tả được cái thực của cuộc sống Trở vỏ lửa ra của Phan Khôi đã thành công khi khắc họa cuộc đời bị chèn ép cho đến chết của một thân phận phụ nữ dưới xã hội nam quyền, cường quyền cổ lậu. Số phận của Nghi có sức ám ảnh và mang giá trị tố cáo xã hội sâu sắc.
Nhan đề Trở vỏ lửa ra mang dấu ấn của tiểu thuyết phong tục, gợi nhắc đến một tập tục lạc hậu của miền Nam Trung bộ: trọng nam khinh nữ. Phan Khôi đã từng dẫn cho một câu trong bài khảo luận về ca dao, tục ngữ trên Phụ
nữ Tân văn, năm 1929 như sau: “Đẻ ra mà thấy là con gái một cái, là khinh đứt đi rồi, cho nên: Con gái trở vỏ lửa ra/ Nữ sanh ngoại hướng”. Tuy vậy toàn bộ nội dung của cuốn tiểu thuyết lại không chú trọng vào khảo cứu phong tục, văn hóa như những tác phẩm viết về phong tục mà trực diện đấu tranh cho nữ quyền. Điều này cho thấy sự lưỡng lự giữa tả thực và luận đề của cuốn tiểu thuyết này đã xảy ra ở sự khác biệt giữa nhan đề Trở vỏ lửa ra (mang tính hiện thực) với nội dung đấu tranh nữ quyền (mang tính luận đề).
Cấu trúc cốt truyện và ngôi kể trong Trở vỏ lửa ra cũng vẫn đi theo trật
tự tuyến tính truyền thống. Với mục đích muốn miêu tả thật chân xác hiện thực song tác giả lại rơi vào tình trạng liệt kê tỉ mỉ quá mức cần thiết. Cụ thể như đoạn này thay vì để cảm xúc tự bộc lộ thì tác giả sa đà kể lể: “Những tin tức ấy làm cho Nghi sinh ra trăm mối ưu – phiền. Cô thương cha nhớ mẹ, tủi thân phận mình mồ - côi, lại thương - hại cho chị dâu vì mình mà chịu khổ. Một đôi khi nghĩ tới gia – tình, Nghi cũng có sinh lòng chán nản; nhưng nhờ trời phó cho cái tính đằm và có nghị lực nên rồi lại mần ngơ đi được cả chuyên tâm học tập” [72, tr 78-79]; hoặc “Nghi năm nay mười sáu mười bảy tuổi rồi, không phải còn con nít như xưa; lại thêm học thức cũng trổi lên, có lẽ nào chịu được sự áp chế vô lý của một người anh vốn không phải là anh mà không chống chế lại? Cũng vì đó mà từ đây về sau, cái điều uất ức trong lòng Nghi một ngày thêm một ngày; uất ức mà không làm gì tốt, rồi sanh ra bện tật để đến nỗi thiệt thòi cái đời xuân xanh” [72, tr 80]. Đặc biệt, do quá chú trọng phân tích, sa đà vào tranh biện kiểu báo chí, thậm chí cốt làm nổi bật luận đề về đấu tranh bình đẳng giới mà Phan Khôi đã làm cho Trở vỏ lửa ra mất đi sự đa thanh của thể loại tiểu thuyết. Có thể thấy rõ nhược điểm này ở nhiều tình huống Phan Khôi đan xen vào tiểu thuyết những đoạn nghị luận, mặc dù khá khúc chiết, sắc sảo xong lại không phù hợp như khi bàn về thân phận của Nghi như: “Sinh trưởng trong một gia đình chuyên chế, trong một xã hội đầy
những chế độ bất bình và tàn khốc, duy có kẻ nào lành như con cừu, không thích tự do như con lợn thì mới sống được yên thân; còn ai biết đau đớn mà nhúc nhích, thấy ngột ngạt mà vùng vẫy, là người ấy sẽ thiệt thân, sẽ chết, chết dưới sức phản động của cái chế độ ấy” [72, tr 80].
Nhân vật luận đề Nghi vừa đại diện phát ngôn cho tư tưởng nữ quyền của Phan Khôi: phụ nữ phải được quyền tự do học tập, phải được quyền tự do hôn nhân, vừa có sức khái quát hiện thực sâu sắc. Nghi đã vùng vẫy đến tuyệt vọng đấu tranh cho quyền lợi ấy nhưng rồi nhận kết thúc bi thảm. Cái chết của Nghi có sức tố cáo mạnh mẽ xã hội “trọng nam khinh nữ”. Tuy vậy, Nghi vẫn có một cái gì đó thiếu sức ám ảnh bởi chưa được khai thác một cách tận cùng tính cách. Phan Khôi đã xuất hiện để chú thích một cách thừa thãi ngay cả khi nhân vật đang đối thoại làm cho người đọc có cảm giác bị hẫng và làm cho nhân vật như kiểu chỉ là hình nộm đang chờ tác giả giật giây.
Chính vì thế, xét ở phương diện đóng góp cho sự hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam Phan Khôi không thể sánh được với một số nhà văn cựu học cùng thời. Có thể lấy Ngô Tất Tố như là đối sánh để phân tích nhằm đánh giá khách quan hơn những nỗ lực và đóng góp của Phan Khôi cho nền văn học nước nhà. Cũng là con đẻ của chế độ Nho giáo, Ngô Tất Tố đỗ đầu khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh và cũng dấn thân vào con đường viết văn, làm báo và đã để lại những thành công đáng ghi nhận, đặc biệt ở địa hạt văn xuôi. Trên lĩnh vực báo chí, mặc dù Vũ Trọng Phụng đã nhận định rằng Ngô Tất Tố là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho” song nếu xét đến yếu tố tạo sức hút mạnh mẽ, giàu tính tranh biện và khả năng châm ngòi thì Phan Khôi có khả năng hơn hẳn. Tất nhiên trong các cuộc tranh luận đình đám trên báo giới những năm đầu thế kỷ XX như tranh luận về luân lý Truyện Kiều, về Quốc học, về Nho giáo, về duy tâm và duy vật, về chế độ phong kiến Việt Nam, về thơ cũ và thơ mới... đều có ít nhiều dính dáng đến cả hai ông. Tuy nhiên, Phan
Khôi đã thể hiện bản lĩnh của một ngôn luận bậc thầy bởi trong các cuộc tranh luận nhiều vấn đề rất mới mẻ đã được ông nêu ra và giải quyết khá triệt để. Song ở thể loại tự sự Phan Khôi lại không đạt được những thành công và đóng góp đáng kể cho quá trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam như Ngô Tất Tố. Trở vỏ lửa ra của Phan Khôi được in trên Phổ thông nguyệt san năm 1939 trong khi năm 1937 Tắt đèn của Ngô Tất Tố cũng được báo Việt nữ in toàn truyện. Như vậy xét về mặt thời gian Tắt đèn ra đời sớm hơn cả Trở vỏ lửa ra nhưng đã đạt đến sự thành công trên nhiều phương diện. Tắt đèn nhận được rất nhiều lời khen ngợi vì nội dung có tính khái quát về hiện thực sâu sắc và nghệ thuật đạt đến trình độ điêu luyện của một tiểu thuyết gia, không còn những biện giải khô khan của luân lý. Khả năng xây dựng tình huống, phân tích tâm lý và nhân dựng nhân vật điển hình... đã làm cho Tắt đèn được xếp vào hàng những tác phẩm xuất sắc nhất trong dòng văn hiện thực phê phán nước ta giai đoạn 1930-1945.
Như vậy khi chọn Ngô Tất Tố như là một đối sánh với Phan Khôi sẽ nhận ra sự khác nhau cơ bản của cây bút Nho học vốn đều xuất chúng và mẫn cảm với thời cuộc. Vai trò của họ trong quá trình hiện đại hóa văn học nước ta rất khác nhau. Nếu Ngô Tất Tố ở phương diện sáng tác văn học đã để lại thành công khẳng định sự hiện đại ngay trong tác phẩm của mình thì Phan Khôi lại đóng góp trên phương diện tác động về mặt ngôn luận trên báo chí. Không thành công nhiều với những sáng tác từ thơ đến tự sự nhưng Phan Khôi đã tác động một cách gián tiếp đến quá trình hiện đại hóa văn học. Những bài tranh luận của Phan Khôi đã tạo cú hích lớn, dọn đường cho sự ra đời những tác phẩm văn học xuất sắc những năm đầu thế kỷ XX. Điều này càng cho thấy rõ sự canh tân về tư tưởng và thành công trong nghệ thuật đôi khi không đồng hành cùng nhau. Phan Khôi cũng đã tự nhận thấy giới hạn
của mình rằng: “Tôi không phải là người viết được tiểu thuyết, nhưng tôi hay đọc tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết đương thời đây” [8].
4.3.3. Tự sự của Phan Khôi trong bước chuyển từ kết cấu chương
hồi sang kết cấu tâm lý
Chúng ta đã quá quen thuộc với kết cấu chương hồi trong văn học truyền thống. “Đặc điểm dễ nhận thấy của kiểu kết cấu này là cốt truyện theo trình tự phát triển tự nhiên của thời gian, sự việc xảy ra tuần tự từ đầu đến cuối và không bị đứt quãng; đặc biệt, cốt truyện thường được chia làm nhiều chương (hồi), mỗi chương (hồi) gắn với một giai đoạn phát triển trọn vẹn nào đó của cốt truyện, đồng thời đầu mỗi chương (hồi) bao giờ cũng có mấy câu mang tính chất đề dẫn để tóm tắt nội dung của chương đó” [35, tr 145]. Ví như trong Tam quốc diễn nghĩa (của La Quán Trung) ở hồi 28 có câu tóm tắt: “Chém Sái Dương anh em giải nghi, Hội Cổ thành vua tôi tụ nghĩa ”. Và thường thì khi kể đến tính tiết gay cấn hấp dẫn nhất thì dừng lại với một câu đưa đẩy mời mọc: “Muốn biết sự thể... ra sao, xin đợi hồi sau phân giải”. Một sự khác biệt đáng lưu ý là nếu ở một tác phẩm có kết cấu chương hồi tính cách nhân vật được khắc họa qua hành động, thì tác phẩm có kết cấu tâm lí thường lấy quá trình vận động bên trong của nhân vật, những phản ứng tâm lí của nhân vật đối với sự kiện và diễn biến tâm trạng nhân vật trong mỗi qua hệ với các nhân vật khác làm cơ sở để tổ chức tác phẩm. Phạm Quỳnh trong tiểu luận Bàn về tiểu thuyết đã chỉ ra những đặc điểm khác nhau về kết cấu tác phẩm trong văn chương Tây phương với văn chương Trung Hoa, Việt Nam: “Văn Tàu và văn ta là lối chép sử, việc gì cũng chép lần lượt từ đầu đến cuối, cứ theo thứ tự trước sau, không gián đoạn một khúc nào, không đào ngược một phần nào, như nói về một người thời phải kể hết lai lịch người ấy từ đời ông đến đời cha, từ thuở nhỏ đến tuổi lớn, lần lượt như chép gia phả vậy. Lối văn ấy là văn đường thẳng, cứ tuần tự mà lên, lần lần mà đến, không có li kỳ