Sự Thể Hiện Huyền Thoại Trong Văn Học Việt Nam


tưởng tượng của dân gian chế biến đi một cách nghệ thuật và vô ý thức” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2011, tr.299).

Trong công trình Thi pháp của huyền thoại, nhà nghiên cứu E.M.Meletinsky đã dành phần II để phân tích Những hình thức cổ điển của huyền thoại và sự thể hiện chúng trong truyện kể dân gian. Trong đó, bên cạnh việc đề cập tư duy huyền thoại, ông đề cập đến cốt truyện huyền thoại (huyền thoại cổ về sự sáng tạo, ngữ nghĩa của hệ thống và cốt truyện huyền thoại…), nhân vật huyền thoại (bậc tiên tổ, đấng sáng tạo, anh hùng văn hóa…), mô típ huyền thoại (suy nguyên luận về thực thể xã hội, truyền thuyết về những anh hùng và những nghi lễ chuyển tiếp…), thời gian huyền thoại (thời gian huyền thoại và những “biến thái” của nó, huyền thoại về lịch biểu…), không gian huyền thoại (mô hình vũ trụ, hỗn mang và vũ trụ…). Theo nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, “ngoài những hình tượng kì vĩ và mĩ lệ, chúng ta có thể tìm thấy trong thần thoại những tình tiết dí dỏm, biểu hiện nhận xét tinh vi của nhân dân” (Đinh Gia Khánh chủ biên, 2001, tr.293). Trong thần thoại, tính lãng mạn kết hợp với tính hiện thực. Theo nhà nghiên cứu này, trong thần thoại Việt Nam, một số yếu tố đã được cận đại hóa như lời văn, kết cấu… nhưng nhiều yếu tố khác như những nhân vật, sự kiện… vẫn giữ được đặc trưng của thể loại. Như vậy, với vai trò là một thể loại, huyền thoại đã có sự biểu hiện độc đáo về nghệ thuật ở nhiều phương diện. Ở đây, chúng tôi điểm qua những phương diện tiêu biểu nhất của nghệ thuật huyền thoại.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của huyền thoại là các nhân vật. Thông thường, các nhân vật huyền thoại được xác định bao gồm bậc tiên tổ, đấng sáng tạo, anh hùng văn hóa “các anh hùng sống và hành động trong thời gian huyền thoại phù hợp với các sự kiện sáng tạo nguyên thủy trong huyền thoại cổ xưa và có thể gọi họ là các bậc tiên tổ, đấng sáng tạo, những anh hùng văn hóa” (Meletinsky, 2004, tr.232). Sự phân chia các loại nhân vật huyền thoại như bậc tiên tổ, đấng sáng tạo, anh hùng văn hóa nhiều lúc không rạch ròi bởi vì mỗi nhân vật này có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, “nguồn gốc cơ sở là bậc tiên tổ của thị tộc, bộ lạc. Bậc tiên tổ của bộ lạc đôi khi có thể được coi là của chung cả loài người vì biên giới các bộ lạc trong ý thức các thành viên công xã nguyên thủy trùng với biên giới toàn


nhân loại” (Meletinsky, 2004, tr.232). Những bậc tiên tổ có thể là người hoặc những sinh vật lưỡng tính, tạo lập ra con người và có thể là những loài động vật cụ thể. Đấng sáng tạo chủ yếu là các thần có thể tạo nên các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Anh hùng văn hóa thường là “kẻ canh giữ các vật thể tự nhiên và văn hóa, lấy trộm những vật này từ ngọn nguồn và mang chúng về cho con người” (Meletinsky, 2004, tr.259) hoặc diệt trừ quái vật, yêu ma; dạy nghề và nghệ thuật cho con người; tạo ra các nghi lễ, phong tục… Nhìn chung, hành động tiêu biểu nhất của bậc tiên tổ, đấng sáng tạo, anh hùng văn hóa là sự sáng tạo. Các tổ tiên tô tem của Australia đã tự biến thành đá, đồi, cây cối và các loài động vật… Trong thần thoại Trung Hoa, thần Bàn Cổ sau khi tách rời trời và đất đã hóa thân thành sông núi, cỏ cây… Trong thần thoại và sử thi của người Mường ở Việt Nam, cây si là cây tổ tiên của họ. Trong thần thoại Việt, Lạc Long Quân và Âu Cơ - thuộc dòng dòi tiên, rồng – là tổ tiên của người Việt. Lạc Long Quân còn diệt trừ yêu quái, dạy dân làm nhà… Công trình Thi pháp của huyền thoại nhận định trên thế giới có 7 kiểu sáng tạo tiêu biểu được mô tả trong thần thoại. Thứ nhất: đồ vật được thần đặt tên chữ (thần định danh). Thứ hai: sinh vật và đồ vật do thần tạo ra. Thứ ba: những vật thể được lấy ra từ chính cơ thể của các thần. Thứ tư: các vật thể bị giấu được tìm ra bởi các anh hùng văn hóa và các thần. Thứ năm: đấng sáng tạo đã nặn con người từ đất sét, rèn các thiên thể trong lò rèn. Thứ sáu: sự vật là kết quả của hiện tượng biến đổi tự sinh hoặc bí ẩn của một số đồ vật hoặc sinh vật nào đó. Thứ bảy: biến chuyển các vật thể từ chỗ này sang chỗ khác. Các nhân vật huyền thoại chủ yếu là các thần hoặc bán thần, có những khả năng vượt quá khả năng của con người, tạo ra những cái trước kia chưa từng có, có thể điều chỉnh môi trường tự nhiên và xã hội.

Để xây dựng các câu chuyện mang tính chất khởi đầu, huyền thoại sử dụng nhiều sự kiện mang tính chất biến hỗn mang thành vũ trụ. Mô típ là một yếu tố thuộc câu chuyện và “yếu tố đó phải có cái gì đó làm cho người ta nhớ và lặp đi lặp lại nó, nó phải khác với cái chung chung” (Nguyễn Tấn Đắc, 2001, tr.28). Các mô típ thường gặp trong truyện kể dân gian bao gồm “có thể đó là những tạo vật khác thường, như thần tiên, phù thủy, rồng, yêu tinh, người mẹ ghẻ ác nghiệt, con vật biết nói… có thể đó là những thế giới kì diệu, hoặc ở những nơi mà ở đó ma thuật luôn luôn có hiệu


lực, là tất cả các loại vật thiêng có phép và những hiện tượng tự nhiên khác thường” (Nguyễn Tấn Đắc, 2001, tr.27). Các mô típ của thần thoại dung chứa các mô típ tiêu biểu của truyện kể dân gian kể trên. Tuy nhiên, những mô típ tiêu biểu nhất của thần thoại là những mô típ thể hiện quá trình tạo dựng tự nhiên, con người và văn hóa. Đó là những mô típ gắn liền với các vị thần như các mô típ tạo lập thế giới (mô típ hiển linh, mô típ biến hình, mô típ chặt cây vũ trụ, mô típ đại hồng thủy, mô típ lấy trộm lửa, mô típ chế tạo công cụ lao động…). Trong thần thoại Việt Nam, truyện Thần trụ trời mô tả thần trụ trời hiển linh, xây cột chống trời và phá vỡ cây cột này để tạo lập tự nhiên. Bên cạnh đó, thần thoại còn xuất hiện các mô típ liên quan đến sự sống và cái chết như mô típ chinh phục cái chết, mô típ linh hồn, mô típ đầu thai… Xuất hiện nhiều nhất trong thần thoại ở Việt Nam là mô típ chinh phục cái chết với những câu chuyện về những lá cây thần kì cứu sống con người, về việc được thần ban tuổi thọ. Thần thoại luôn xuất hiện các mô típ về nghi lễ hiến tế và nghi lễ chuyển tiếp. Trong khi các nghi lễ hiến tế chủ yếu để phục vụ cho cộng đồng thì nghi lễ chuyển tiếp gắn liền với cuộc đời mỗi cá nhân con người. Các nghi lễ chuyển tiếp đánh dấu những cột mốc trong cuộc đời con người như nghi lễ trưởng thành, nghi lễ kết hôn, nghi lễ kéo dài tuổi thọ… Trong thần thoại Mường, nghi lễ kéo si để mong cho người già khỏe mạnh được miêu tả như một hoạt động thường xuyên của cộng đồng.

Nội dung chủ yếu của huyền thoại là biến hỗn mang thành vũ trụ “hoạt động điều chỉnh của các vị thần được nhận thức đầy đủ và rò ràng hơn với tư cách là biến đổi hỗn mang, nghĩa là tình trạng không có trật tự, thành vũ trụ có tổ chức, điều này về nguyên tắc đã tạo nên ý nghĩa nội tại chủ yếu của bất kì một hệ thống huyền thoại nào” (Meletinsky, 2004, tr.271). Quá trình này được cụ thể hóa “Thời kì hỗn mang được cụ thể hóa như là cảnh tăm tối và bóng đêm, sự hư không hoặc vực thẳm… Sự biến đổi hỗn mang thành vũ trụ là sự quá độ từ bóng tối sang ánh sáng, từ nước sang đất, từ sự hư không sang vật chất, từ vô hình sang hữu hình, từ hủy diệt sang xây dựng” (Meletinsky, 2004, tr.272). Để góp phần biến hỗn mang thành vũ trụ, nhiều thần thoại miêu tả quá trình trận đại hồng thủy tách đất ra khỏi nước, các vị thần tách đất ra khỏi trời. Từ đó, trái đất là trung gian đối lập với thế giới nước ở dưới và bầu trời ở trên. Nhà nghiên cứu C.L.Strauss khẳng định tư duy thần thoại tuân theo logic

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 271 trang tài liệu này.


nhị phân – nghĩa là người nguyên thủy nhận thức vạn vật theo các mặt đối lập và họ thể hiện nguyện vọng muốn hòa giải các mặt đối lập này. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định việc phân chia vũ trụ theo nguyên tắc nhị phân, cùng những yếu tố trung gian hòa giải đã tạo nên những yếu tố để phân biệt bản chất vũ trụ theo chiều dọc. Mô hình thế giới tam phân bao gồm thế giới trên cao, thế giới trên mặt đất và thế giới dưới thấp (âm ti, địa phủ và thế giới thủy cung). Khảo sát thần thoại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy có sự đồng hiện không gian đa thế giới - sự đồng hiện không gian các còi. Trong truyện Ông trời, Cóc kiện trời, bên cạnh không gian còi địa giới là không gian thiên giới. Trong truyện Thần biển, Thần nước, Truyện ông dài, ông cụt, Truyện Lý Vỹ đốt nhà bộ hạ thần nước, Cường bạo đại vương, Thần biển, bên cạnh không gian địa giới là không gian thủy phủ. Truyện Diêm Vương có sự đồng hiện địa giới và âm giới. Trong thần thoại Trung Hoa, nhiều truyện thể hiện không gian đa thế giới, đặc biệt là sự đồng hiện địa giới, thủy giới và thiên giới. Theo chiều ngang, mô hình vũ trụ chia thành 4 góc, trong đó trái đất nổi lên từ đại dương. Bề mặt trái đất không có sự đồng đẳng bởi vì luôn có sự phân chia thiêng / phàm. Thần thoại thường có những ngọn núi, cây khổng lồ… có khả năng tương thông giữa đất với trời. Con người tìm đến những núi thiêng, cây thiêng… này để có thể tiếp xúc với lực lượng siêu nhiên, chinh phục bầu trời. Thần thoại thường có sự đồng hiện các loại không gian để các nhân vật có thể hoạt động không bị cản trở, để có thể kể lại quá trình biến hỗn mang thành vũ trụ. Trong thần thoại Việt Nam, sự đồng hiện của trung tâm thần thiêng và ngoại vi thế tục thể hiện trong truyện Cực lạc, Nữ thần Vàng với những ngọn núi kết nối hạ giới và thiên giới… Trong thần thoại Trung Hoa, núi Côn Luân, núi Đăng Bao, núi Triệu Sơn… là những trung tâm thần thiêng – nơi con người có thể đi đến chỗ ở của thần linh; núi Bất Chu trở thành cây trụ để chống trời.

Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam: Truyền kì Việt Nam thời trung đại từ góc nhìn huyền thoại (đối chiếu với truyền kì Trung Hoa thời trung đại) - 9

Trong thần thoại, thời gian thường có sự đồng hiện. Thứ nhất là sự đồng hiện thời gian theo chiều lịch đại: thời gian khởi nguyên và thời gian kinh nghiệm chủ nghĩa cùng tồn tại. Thứ hai là đồng hiện thời gian theo chiều đồng đại: thời gian thiêng liêng và thời gian phàm tục. Với sự đồng hiện thời gian đồng đại này, con người vừa sống với thời gian nghi lễ để duy trì mối tương thông với lực lượng siêu nhiên; vừa sống với thời gian vật lí. Thời gian huyền thoại còn được phân chia kiểu


khác như: thời gian trong huyền thoại về lịch biểu (đề cập đến những nghi lễ tái tạo lại một cách hình tượng các chu kì của tự nhiên), thời gian trong huyền thoại mạt thế (quá trình biến vũ trụ thành hỗn mang và sự tái tạo sau đó). Thần thoại Việt Nam và Trung Hoa chứa đựng thời gian lịch đại khi kể về lịch sử của việc biến hỗn mang thành vũ trụ và cuộc sống của những con người đầu tiên. Bên cạnh đó, thần thoại Trung Hoa còn chứa đựng sự đồng hiện thời gian lịch đại. Thời gian nghi lễ cũng được ghi nhận trong các thần thoại kể về thần lúa (Việt Nam), thần Nữ Oa (Trung Hoa)… Thời gian trong huyền thoại mạt thế được thể hiện rò trong Truyện quả bầu trong thần thoại Việt Nam với trận lụt lớn khiến cho rất ít người sống sót. Sau đó, con người đã phải tái tạo loài người, sinh ra các dân tộc. Trong bài viết Từ truyện “Quả bầu Lào” đến huyền thoại lụt Đông Nam Á thuộc công trình Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc nhận định huyền thoại lụt trở thành type truyện chung của khu vực Đông Nam Á.

2.4. Sự thể hiện huyền thoại trong văn học Việt Nam

Huyền thoại và văn học không chỉ có mối quan hệ cội nguồn mà còn có nhiều đặc điểm tương đồng. Vì thế, sự thể hiện của huyền thoại trong văn học diễn ra rất phong phú và đa dạng. Nhà nghiên cứu Đào Ngọc Chương nhận định bên cạnh sự thâm nhập của huyền thoại vào văn học bằng ý thức thì còn có:

“hiện tượng chuyển hóa của huyền thoại trong văn học vào con đường vô thức tập thể với những cổ mẫu nhân cách hóa, những cổ mẫu dịch biến của C.Jung hoặc bằng con đường thâm nhập một cách vô thức của nguyên tắc nhận thức, nguyên tắc cấu trúc… đặc biệt những qui ước của huyền thoại đối với văn học” (Đào Ngọc Chương, 2008, tr.110).

Ở mỗi giai đoạn văn học, các tác phẩm văn học kế thừa huyền thoại theo một cách khác nhau. Thậm chí, mỗi tác giả có những cách học hỏi, sử dụng các yếu tố huyền thoại theo cách khác nhau trong tác phẩm của mình. Ở đây, chúng tôi đề cập đến những đặc điểm chính trong hành trình kế thừa huyền thoại đối với các tác phẩm trong văn học Việt Nam và Trung Hoa.


2.4.1. Văn học dân gian

Nhiều nhà nghiên cứu như Eleazar Moiseevich Meletinsky, Susana Langer, Géra Róheim, Philippe Sellier… cho rằng huyền thoại (myth, mythe) tồn tại chủ yếu trong thần thoại – thể loại văn học đầu tiên của nhân loại. Hai nhà nghiên cứu Monneyron, Thomas cũng khẳng định rằng huyền thoại tham gia diễn ngôn khởi xướng của nhân loại:

Trong thực tế, diễn ngôn huyền thoại tham gia một hình thức diễn ngôn khởi xướng: nó dựa trên ý tưởng về một mối quan hệ và một sự biến đổi, trong một thế giới bị chia cắt trong chế độ lưỡng cực lớn. Công việc của huyền thoại sẽ là đan xen giữa chúng, và qua hành trình, mối liên kết từ đó sẽ xuất hiện, giữa nam và nữ, trật tự và rối loạn, cao và thấp, ánh sáng và bóng tối (Monneyron và Thomas, 2002, tr.27).

Nhà nghiên cứu E.B.Tylor cũng cho rằng huyền thoại là những câu chuyện về sự sáng tạo nên vũ trụ. Theo ông, nguyên nhân của các hiện tượng lặp lại trong huyền thoại, luôn luôn là một, đó là từ quyết định của các vị thần. Chẳng hạn, bất cứ khi nào mặt trời mọc và lặn là vì thần mặt trời đã quy định cho nó mọc và lặn. Nguyên nhân từ thần không bao giờ thay đổi. Như vậy, đối với E.B.Tylor, nguyên nhân của tất cả các hiện tượng trong thế giới vật chất là những quyết định của thần, “huyền thoại có thể tập hợp, thậm chí được coi như sự cung cấp một giải thích khuôn mẫu của tất cả các hiện tượng” (Vickery, 1966, tr.9). Tuy đơn giản hóa nguyên nhân trong huyền thoại sáng tạo, nhà nghiên cứu này rất coi trọng tính chất quy luật của huyền thoại. Chẳng hạn, ông cho rằng huyền thoại về thần mặt trời không phải nhấn mạnh nguồn gốc của ánh sáng mặt trời mà là nhấn mạnh việc nó mọc và lặn mỗi ngày.

Huyền thoại thường được gọi là myth (tiếng Anh), mythe (tiếng Pháp), myf (tiếng Nga). Một số nhà nghiên cứu của Việt Nam khi dịch khái niệm myth, mythe, myf sang tiếng Việt đã chọn khái niệm thần thoại như nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị (trong công trình Văn học Việt Nam: Văn học dân gian – những công trình nghiên cứu)… Chúng tôi dựa trên quan điểm của các nhà nghiên cứu đi trước, cho rằng sự tập trung thể hiện huyền thoại là trong các tác phẩm thần thoại.


Theo nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới, huyền thoại đã có cuộc tái sinh trong văn học. D.D.Rongemont viết “Khi huyền thoại mất đi tính bí truyền và chức năng thiêng liêng của chúng, chúng được giải quyết trong văn học” (Monneyron và Thomas, 2002, tr.25). J.B.Vickery nhận định “Đối với những nhà nghi lễ - huyền thoại, huyền thoại trở thành văn học khi nó được tách ra từ nghi lễ. Huyền thoại bị trói buộc với nghi lễ là văn học tôn giáo, huyền thoại tách khỏi nghi lễ là văn học thế tục” (Vickery, 1966, tr.44), “phần lớn các ứng dụng đáng chú ý của lí thuyết huyền thoại – nghi lễ ngoài tôn giáo là vào văn học” (Vickery, 1966, tr.44). Nhà nghiên cứu Harrison nhấn mạnh nghệ thuật xuất phát từ nghi lễ. Nhà nghiên cứu Monneyron, Thomas khẳng định “Nhà thơ và nghệ sĩ tạo ra một diễn ngôn tái tạo diễn ngôn huyền thoại, tham gia vào cùng một quá trình tổ chức hình ảnh” (Monneyron và Thomas, 2002, tr.51). Nhiều nhà nghiên cứu khác như Murray, Conford, Barber, Weisinger… nghiên cứu sử thi Hi Lạp, kịch của Shakepeare từ lí thuyết nghi lễ - huyền thoại. Hyman, Frye thì nghiên cứu huyền thoại, nghi lễ trong văn chương nói chung. Như vậy, các nhà nghiên cứu đồng tình rằng văn học chứa đựng những mảnh vỡ của huyền thoại. Nói cách khác, huyền thoại sau khi trải qua thời kì hoàng kim của mình, đã di chuyển/ sáp nhập vào các tác phẩm văn học.

Ở Việt Nam, các yếu tố của thần thoại nói riêng, huyền thoại nói chung đã có cuộc tái sinh trong các tác phẩm dân gian và trong các tác phẩm văn học viết. Cuộc tái sinh này đã phá vỡ cấu trúc của thần thoại. Đối với văn học dân gian, huyền thoại đã được kế thừa nhiều nhất trong các thể loại tự sự, tiêu biểu nhất là truyền thuyết, sử thi và cổ tích. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định truyền thuyết là “một nhóm những sáng tác dân gian mà đặc điểm chung là trong đó có các yếu tố kì diệu, huyễn tưởng, nhưng lại được cảm nhận là xác thực, diễn ra ở ranh giới giữa thời gian lịch sử và thời gian thần thoại, hoặc diễn ra ở thời gian lịch sử” (Lại Nguyên Ân, 1999, tr.343). Sử thi anh hùng là “những thiên tự sự kể về quá khứ anh hùng, hàm chứa những bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân và về những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới sử thi nào đó, thống nhất, hài hòa” (Lại Nguyên Ân, 1999, tr.291). Theo công trình Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập 1, truyền thuyết Việt Nam bao gồm truyền thuyết về sự hình thành dân tộc, truyền thuyết về


các vị anh hùng trong chiến đấu, truyền thuyết về những vị anh hùng trong lao động và sáng tạo văn hóa, truyền thuyết về địa danh và đền chùa. Truyền thuyết, sử thi anh hùng mang nhiều yếu tố kì ảo, hoang đường như thần thoại. Các thể loại này thể hiện quan điểm vạn vật hữu linh, tín ngưỡng vật tổ của con người nguyên thủy. Truyền thuyết Mộc tinh, Ngư tinh, Cửu vĩ hồ tinh… kể về cây, cá, cáo thành tinh quấy nhiễu cuộc sống người dân; Lạc Long Quân đã tiêu diệt chúng. Truyền thuyết Sự tích một trăm trứng, Lạc Long Quân cũng ghi nhận Lạc Long Quân và Âu Cơ là thủy tổ của dân tộc, con trai trưởng của họ là vua Hùng Vương thứ nhất. Lạc Long Quân là con trai của thần Long Nữ, vốn thuộc dòng rồng. Bên cạnh đó, nhân vật trong truyền thuyết, sử thi anh hùng là nhân vật lịch sử nhưng số phận nhân vật thường gắn liền với số phận toàn dân tộc. Nhân vật thường hóa thân vào hồn thiêng sông núi. Trong truyền thuyết Thánh Gióng, sau khi đánh thắng giặc Ân, Gióng tiến đến chân núi Sóc Sơn, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời. Để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng thiên vương. Khả năng phi thường, vai trò vĩ đại của nhân vật có nhiều sự tương đồng với các vị thần đã từng biến hỗn mang thành vũ trụ trong thần thoại. Truyền thuyết, sử thi mang lại cho người nghe niềm tin vào cái thiêng. Truyền thuyết, sử thi thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng; cũng thường có kết cấu mở như thần thoại. Điều này có nghĩa là truyền thuyết, sử thi thường không có một kết cấu cố định, kết quả việc làm của các vị anh hùng sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc như kết quả công cuộc sáng tạo của các vị thần trong thần thoại.

Bên cạnh truyền thuyết, sử thi; truyện cổ tích cũng là một thể loại gần gũi với thần thoại, chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo. Ở thần thoại, sự sáng tạo luôn có ý nghĩa tập thể và ý nghĩa vũ trụ, chủ yếu là tạo lập vũ trụ. Ở truyện cổ tích, các mục đích đạt được là phúc lợi cá nhân của các nhân vật, các sáng tạo của nó mang tính gia tộc, tính chất xã hội. Tuy nhiên, truyện cổ tích vẫn là một mảnh vỡ của huyền thoại, vì “nhiều truyện cổ tích phản ánh các quan hệ xã hội nguyên thủy và các biểu tượng, tín ngưỡng vật tổ (totémisme), tín ngưỡng vạn vật hữu linh (anamisme)” (Lại Nguyên Ân, 1999, tr.350). Đặc biệt, truyện cổ tích về loài vật thể hiện cái nhìn về động vật bằng sự nhân cách hóa. Bên cạnh đó, truyện cổ tích còn mang tính bất định

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 10/06/2022