Xu Hướng Luận Đề Trong Văn Xuôi Tự Sự Của Phan Khôi


Thực tế, “tín, đạt nhã” hay “văn chương hữu dụng” không phải là những phạm trù mới mẻ, trái lại đó là những khái niệm Phan Khôi “mượn lại” từ quan niệm viết truyền thống. Tương tự, việc Phan Khôi khẳng định sự hài hòa giữa yếu tố nội dung và hình thức cũng mang bóng dáng của quan niệm “văn chất bân bân” do Khổng Tử khẳng định. Như vậy, đọc song song hai bài viết này của Phan Khôi sẽ thấy ông là người của hai thế giới Đông-Tây nhưng đã hướng về phương Tây hiện đại. Vì trong quan niệm về sự chân thật (tín), Phan Khôi không quy đòi hỏi về “tâm” như truyền thống mà coi trọng tiêu chí đời sống. Và một trong hai yêu cầu cho cái đẹp thì có “mới”, tức là khẳng định cần có những thay đổi, sáng tạo.

Phan Khôi còn có những bài viết khác, thể hiện rõ quan niệm này. Về lối văn tự sự, khi nhận xét với tư cách người dịch tác phẩm Trò miệng (của Lâm Thiết Nhai), ông cho rằng đó chỉ là chép lại “sự việc có sẵn rồi, không phải rút trong não mình ra như lối ngôn tình hay thuyết lý. Vậy mà khó, khó là chép làm sao cho y sự thiệt lại phải gọn gàng, sáng sủa, khiến cho người đọc cũng như chính mắt xem sự thiệt xảy ra. Văn tự sự như thế là lối văn hay lại là lối văn khó” [13, tr 771]. Chính vì thế, Phan Khôi đã dịch truyện này của Lâm Thiết Nhai và lấy luôn nó làm minh chứng cho những đặc điểm tự sự mà mình vừa kết luận. Trò miệng không có ý nghĩa giáo lý cao cả, mà là chuyện của đời sống thực. Như vậy, có thể nhận thấy Phan Khôi đã rất đề cao tính chân thực hay có thể diễn đạt khác đi là yếu tố tả thực trong hình thức tự sự.

Đặc điểm này không chỉ được Phan Khôi chú trọng phát hiện ở truyện ngắn mà cả ở tiểu thuyết. Trên báo Trung lập, số 6364/1931, khi giới thiệu tiểu thuyết Người vợ hiền (Nguyễn Thới Xuyên), ông đã cảm nhận:

“Trong gia đình mỗi người có một cảnh. Nhiều khi mình đọc sách, thấy có cảnh giống mường tượng như cảnh mình, hay là chỉ một chấm một nét giống mường tượng như cảnh mình, cũng đủ khiến cho mình cảm


động. Huống chi cái cảnh trong bổn tiểu thuyết này là cảnh người đời thường gặp, làm cho kẻ đọc phải cảm động là phải.

Như vậy nhờ tác giả khéo tả.

Thật, bổn tiểu thuyết nầy không cốt ở chuyện hay, mà cốt ở lời văn tả thấu được cái tâm sự của người trong truyện, cũng là cái tâm sự của người thế gian thường mang lấy” [8, tr 275].

Rõ ràng theo Phan Khôi, cái hay, cái cảm động của tiểu thuyết Người vợ hiền vì sử dụng chất liệu đời sống “cảnh người đời thường gặp” và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật “thấu được cái tâm sự của người trong truyện, cũng là tâm sự thế gian thường mang lấy” chứ không phải là ở cốt truyện. Bên cạnh đó ông cũng đánh giá cao tiểu thuyết hay ở những chỗ “không tả”, tả cái “làm thinh”, tức là chỉ tả những tâm sự nội tâm nhân vật. Và “làm thinh ấy là không tả, mà tả”. Như vậy, cái mà Phan Khôi chú trọng là sự khác lạ trong mô tả, phân tích tâm lí nhân vật, một biểu hiện của lối viết hiện đại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Trong một cảm nhận khác khi đọc tiểu tuyết Cay đắng mùi đời của Hồ

Biểu Chánh (đăng trên Phụ nữ tân văn, số 84/1931), Phan Khôi đã nhấn mạnh giá trị hiện thực mà tác phẩm đã có là: “Một bộ tiểu thuyết vẽ ra nhân tình thế cố, nhất là sự khốn nạn của kẻ nghèo, thật là có ý vị thâm trầm lắm...”[8, tr 61] Cái sự khốn nạn của kẻ nghèo mà Phan Khôi đề cập chính là biểu hiện hay nói khác đi có dấu hiệu tả chân trong một tác phẩm.

Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 15

Và trong một bài giới thiệu khác về tiểu thuyết Một cô lưu lạc đời này của Trần Thiện Thành đăng trên Trung lập (số 6468/1931), Phan Khôi lại nhận thấy sự ảnh hưởng của tiểu thuyết đối với xã hội. Giá trị nội dung mà nó truyền đạt có tác động rất lớn đến nhận thức và văn hóa của người đọc. Tác phẩm Một cô lưu lạc đời này được ông cho là hay bởi nó có sức phản ánh hiện thực và giúp đấu tranh với những bất ổn trong xã hội.


Tiếp cận với tiểu thuyết luân lý Người vợ hiền của Hồ Biểu Chánh, Phan Khôi không phủ nhận cách viết mang tính giáo huấn của tác phẩm này mà còn cho rằng nội dung giáo huấn ấy không quá nặng nề, có giá trị phổ quát “hiệp với nhơn tình”. Do vậy, ông nhận ra cái hay ở tác phẩm Người vợ hiền ở chỗ “giảng luân lý luôn mà không làm cho người ta khó chịu, cái luân lý nó hiệp với chơn tình” [8, tr 277].

Qua những ý kiến trên, Phan Khôi đã gián tiếp đặt vấn đề “tiểu thuyết như thế nào là hay?”. Tiểu thuyết hay phải là tiểu thuyết tả thực, đi theo đường hướng vị nhân sinh. Như vậy, theo Phan Khôi tả thực hay giá trị hiện thực là một vấn đề hết sức quan trọng của tiểu thuyết. Bên cạnh đó ông cũng coi trọng đến lối văn đẹp, ý tưởng mới và biết cách tả được thế giới tâm tư, tình cảm của con người.

Và xuất phát từ cơ sở lí luận này trên phương diện thực hành sáng tác Phan Khôi cũng đã hướng đến bám sát vấn đề tả thực. Qua hai truyện ngắn Hoạn hải ba đào (Sóng gió bể hoạn), Mộng trung mộng (Mộng trong giấc mộng) và cuốn tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra, Phan Khôi đã chú trọng đến một số nội dung xã hội để tái hiện khá chân thực vấn đề về nho học và sự lựa chọn hướng sống; phản ánh tình cảnh của lớp nho sĩ cuối mùa; chỉ ra những hủ tục cùng số phận bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng của người phụ nữ.

Truyện ngắn Hoạn hải ba đào Mộng trung mộng đăng trên Nam Phong tạp chí (số 15 và 18 năm 1918) với khoảng 5000 chữ. Mỗi câu chuyện là mỗi cảnh đời. Nếu Hoạn hải ba đào là dòng hồi ức, quá khứ, hiện tại đan cài như là nỗi suy tư về những gì đã và đang diễn ra với một nhà nho trong xã hội phong kiến suy tàn, thì Mộng trung mộng là giấc mơ quan lộ không thành, từ đầu là mơ cho tới lúc nhắm mắt cũng chỉ là mơ. Những gì trong mong muốn, trong mơ ước đầy kỳ vọng công danh của người cha đối với đứa con trai của mình đến cuối đời chỉ là mong muốn ước mơ. Việc chọn một tình


huống nổi cộm trong xã hội đương thời để miêu tả (nhằm mục đích phê phán) đã đem đến cho truyện ngắn của Phan Khôi chất hiện thực.

Một nét mới nữa của hai truyện ngắn này là đã phần nào thoát được lối trần thuật tuyến tính truyền thống. Hoạn hải ba đào được mở đầu bằng cuộc gặp gỡ vô tình của “khách” với một người – đó là vị quan không gặp thời thế, ở cùng quán trọ, sau đó họ cùng đi trên một chuyến xe vào Nam. Sử dụng lối trần thuật dịch chuyển ngôi của người kể chuyện, Hoạn hải ba đào tạo nên sự thay đổi cho điểm nhìn trần thuật. Sự thay đổi này làm cho người đọc có cảm giác nôn nao vì luôn thắc thỏm để tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn của mình. Và gần như toàn bộ câu chuyện chỉ là hồi ức được kể lại của vị quan chứ không phải là thuât sự việc xảy ra theo trật tự tuyến tính. Nghĩa là, tác giả không kể lại câu chuyện mà để nhân vật trần thuật tự kể lại con đường hoạn lộ thăng trầm. Chính cách trần thuật gián tiếp này góp phần làm cho trạng thái tâm lý của nhân vật được bộc lộ một cách kín đáo, hợp lý; đồng thời thể hiện được tính khách quan của câu chuyện. Trong văn học truyền thống, câu chuyện thường được kể theo kiểu gián cách, khách quan; người trần thuật vô hình nhưng tường tận mọi sự kiện, tình tiết. Kiểu trần thuật “thượng đế” hay “toàn tri” này đã không tồn tại trong truyện ngắn Phan Khôi. Người trần thuật trong truyện ngắn của Phan Khôi là nhân vật xưng tôi, can dự vào một phần câu chuyện nhưng không phải là nhân vật chính mà là người chứng kiến, người nghe câu chuyện từ nhân vật chính kể lại. Tức là Hoạn hải ba đào được viết theo hai tầng trần thuật, với nhân vật tôi (đồng thời đóng vai trò người dẫn chuyện) vì thế không biết gì hơn độc giả, mà thành một độc giả nên bị tước bỏ vai trò toàn năng. Cách viết này khá hiện đại, thể hiện sự thay đổi tư tưởng thẩm mĩ của Phan Khôi.

Tuy nhiên Phan Khôi vẫn để lời kể của nhân vật bị chen ngang bởi những dẫn dắt kiểu: “Người cha nói đây, hỏi là ai thì người kể chuyện chẳng


rõ...” [68, tr 290], “Bây giờ tôi kể thêm cho đủ...” [68, tr 290], “Độc giả chắc không đến nỗi nóng ruột muốn biết cái gia đình cuồng nhiệt này sẽ kết cục ra làm sao chứ gì? Số là phải căn cứ vào sự việc mà chép để đáp ứng nỗi mong mỏi của các vị, cho nên kể đến đây, tác giả bỗng nẩy ra một ý tưởng kỳ lạ không thể làm im được... [68, tr 299]. Đây chính là những rơi rớt của lối dẫn giải ở liệt truyện. Dư âm của lối viết truyền thống vẫn còn tồn tại ở Phan Khôi, Ngô Tất Tố đã tránh được mặc dù cả hai ông đều là nhà cựu học. Có thể so sánh với Lều chõng của Ngô Tất Tố với hai truyện ngắn trên của Phan Khôi để nhận thấy rằng: cùng đề cập đến vấn đề khoa cử phong kiến nhưng Ngô Tất Tố đã đi xa hơn, thành công hơn Phan Khôi khi đã lột tả đến tận cùng hiện thực xã hội và có những trang viết thật sinh động, đặc sắc bằng ngôi kể chuyện hoàn toàn thoát khỏi lối kể “toàn tri”.

Thêm nữa, có lẽ vì sở trường của Phan Khôi là viết báo nên khi chuyển sang viết truyện ông đã quá tỉ mỉ, chi tiết khi mô tả sự kiện và nhân vật. Đặc biệt chân dung nhân vật được ông khắc họa đơn điệu, kém sinh động. Thậm chí đôi khi trong Hoạn hải ba đào ông còn có những giải thích vụng về thừa thãi kiểu như: “Ngài ấy là ai? Khách không kể họ tên ngài mà để ẩn. Khách là người nào? Là tôi, người viết tiểu thuyết” [68, tr 326]. Những đoạn chuyển thoại còn cứng nhắc và vụng kiểu “Khách nói...”, “Ngài cười...”, “Ngài đáp...”. Đây lại là điểm không thành công của Phan Khôi.

Cùng thời điểm này trên Nam phong tạp chí cũng đã tổ chức cuộc thi sáng tác theo hướng học hỏi phương Tây. Hàng loạt đoản thiên tiểu thuyết như Chuyện ông lý Chắm, Chuyện một tối tân hôn (Nguyễn Bá Học), Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn), Một cánh hoa chìm (Nguyễn Văn Cơ), Ôi! Thiếu niên (Tam Lang Vũ Đình Chí), Tình xưa (Nguyễn Tiến Lãng), Truyện cô Phụng (Đoàn Ngọc Bích),... xuất hiện chủ yếu xoay quang chủ đề luân lí xã hội, hướng ý nghĩa phơi bày sự suy đồi của đạo đức phong hóa, các tệ


đoan, phi luân phi nghĩa. Qua lăng kính của các các tác giả này, xã hội đương thời với những vận động nghịch chiều trước sự tan vỡ của văn hóa truyền thống đã được phản ánh một cách sắc nét, trung thực. Đây là đóng góp và nét mới của tiểu thuyết Nam phong so với văn xuôi truyền thống. Dù vậy cũng “chưa tác giả nào có khả năng đi sâu... vào đời sống cùng khổ, bất hạnh của nhân dân lao động bấy giờ để phản ánh, và tố cáo những sự áp bức nặng nề” [160, tr 291]. Trong đối sánh này cho thấy Phan Khôi cũng như các cây bút trên Nam phong đều chưa thể đi đến tận cùng chiều sâu khi mô tả hiện thực nhưng tác phẩm của họ đã đặt mầm móng đầu tiên báo hiệu sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực. Đồng thời họ còn là những người có công xây dựng một thể loại văn học mới – đoản thiên tiểu thuyết, “xứng đáng là những cây bút có “chỗ đứng riêng” trong lịch trình sơ khởi của dòng văn học hiện thực nước nhà” [160, tr 285].

Tiếp theo, Trở vỏ lửa ra cũng được xem là sự cố gắng thực hiện quan niệm về tiểu thuyết của Phan Khôi và tiếp nối mạch chủ đề về nữ quyền đã từng được đề cập, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trên các báo Thần chung, Trung lập, đặc biệt là Phụ nữ tân văn nhưng năm 1929-1931.

Phan Khôi viết Trở vỏ lửa ra (1939) trong bối cảnh tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đã có một nền tảng khá vững chắc. Về tư tưởng, tác phẩm đã cho thấy cái nhìn mới mẻ về người phụ nữ trong xã hội hiện đại của một nhà nho cấp tiến. Ông quan tâm nhiều đến vấn đề học tập và quyền tự do sinh hoạt của phụ nữ và đề cao vai trò của họ trên bình diện xã hội. Ở khía cạnh này, tuy chưa thể hiện được sự vượt trội so với tiểu thuyết Tố Tâm của giai đoạn trước và các tác phẩm nở rộ đương thời của Tự lực văn đoàn như Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Bướm trắng... nhưng Trở vỏ lửa ra cũng có những đóng góp nhất định vào xu hướng đả phá thành trì phong kiến lạc hậu và phần nào thực hành hóa quan niệm của Phan Khôi rằng tiểu thuyết cần hướng đến sự chân


thực của cuộc sống, không tô vẽ và chuyển tải được câu chuyện về nhân tình thế thái.

Ngoài vấn đề quyền bình đẳng giới, đấu tranh cho nữ quyền, Trở vỏ

lửa ra còn phản ánh một hiện thực phổ biến của xã hội lúc bấy giờ đó là sự thối nát của hệ thống quan lại địa phương, nạn ăn hối lộ của quan tham An Nam. Những vấn đề này hiện ra khá sinh động, chân thực. Ông kết luận: “Làm quan, ăn nhờ chỉ có những vụ kiện chia gia tài, mà bảo xử mau thôi thì còn làm quan gì nữa” [72, tr 130]. Hình ảnh những người nông dân ngu muội, luôn tự ru ngủ mình bằng phép thắng lợi tinh thần cũng được phản ánh chân thực qua nhân vật cửu Thưởng. Trong tranh chấp tài sản với Nghi, cửu Thưởng có suy nghĩ rằng: “tao thà cho quan ăn chứ không thí cho con chó ấy một xu nhỏ” [72, tr 129]... Những nội dung được xem là thành công đáng ghi nhận này của Trở vỏ lửa ra cho thấy trên phương diện tư tưởng, Phan Khôi tỏ rõ lập trường đấu tranh kiên định của một nhà nho duy tân.

Ngoài ra, Trở vỏ lửa ra còn là cuốn tiểu thuyết xã hội giàu tính phong

tục. Phong tục này tồn tại ở miền Trung Việt Nam thời phong kiến. Nhà có đàn bà sinh nở, người ta buộc một que củi đun dở một đầu với lá ráy treo ngay ngõ ra vào trong vòng một tháng. Nếu sinh con trai thì đầu que củi đó được quay vào trong còn sinh con gái thì trở đầu que ra ngoài. Việc trở vỏ lửa ra ngoài hay hướng vào trong nhằm thông báo cho mọi người biết trong nhà có đàn bà đẻ nhằm tránh cữ cho trẻ, đặc biệt là những người có tang vận xung khắc không lui tới làm ảnh hưởng đến đứa trẻ. Nhưng, qua tục này cũng còn thể hiện rõ quan niệm phân biệt: nam nội tộc, nữ ngoại tộc.

Bên cạnh đó ngôn ngữ sử dụng trong cuốn tiểu thuyết giản dị, đậm chất khẩu ngữ và mang sắc thái đặc trưng vùng miền. Đây là một đóng góp đáng chú ý ở Phan Khôi. Vũ Ngọc Phan cũng đã nhận thấy: “Từ cái nhan đề Trở vỏ lửa ra cho đến những cách gọi: Phán Thục gái, Phán Thục trai, Cửu Thưởng


trai, Cửu Thưởng gái; rồi những chữ: chỗi dậy, bãi hãi, la lối, sử giặc, hai hàng lệ nhểu xuống, mắng xối bự mặt, đỏ chạch cặp con mắt, thêm trội, nóc chính, nóc phụ, giã lã, băng bộ sang thăm, thấy tắt hút nói cù cưa, bỏ trầm trây, sấn sướt, nói chằm bẵm, vân vân. Dùng những chữ như thế để thuật lại một chuyện xảy ra ở nam Trung kỳ, không những vừa thích hợp, lại còn làm giàu cho tiếng Việt Nam nữa” [112, tr 247].

Như vậy, nhìn lại chặng đường làm báo, viết văn của Phan Khôi cho thấy ông là một trong những cây bút góp phần đưa mô hình tự sự theo định hướng tả thực, dù chỉ thành công trên phương diện đề xuất lý thuyết.

4.2. Xu hướng luận đề trong văn xuôi tự sự của Phan Khôi

4.2.1. Khái niệm “tiểu thuyết luận đề” và thực tế văn xuôi Việt Nam

Về khái niệm tiểu thuyết luận đề (thesis novel) có rất nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. “Encryclopedia Britannica” không dùng khái niệm tiểu thuyết luận đề mà chỉ nhắc đến tiểu thuyết giáo huấn (didactic novel), tức tiểu thuyết tuyên truyền (propagandist novel); Doãn Quốc Sỹ thì xếp tiểu thuyết luận đề nằm trong loại tiểu thuyết giáo huấn; Còn giáo sư Susan Rubin Suleiman khẳng định có tiểu thuyết luận đề và phân biệt với tiểu thuyết chính trị, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết dấn thân” [29, tr 139]. Lại có ý kiến cho rằng không thể xác định được nội hàm của khái niệm tiểu thuyết luận đề bởi vì tác phẩm nào mà chẳng có luận đề [29, tr 140]... Nhất Linh qua tiểu luận Viết và đọc tiểu thuyết đã đưa ra định nghĩa: “Viết luận đề tiểu thuyết nghĩa là viết tiểu thuyết để nêu lên một lý thuyết, để tán dương tuyên truyền một cái gì mà tác giả cho là đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa” [29, tr 141]. Bên cạnh đó còn có cho quan niệm rằng tiểu thuyết luận đề “là loại tiểu thuyết luận bàn về một vấn đề xã hội, chính trị hay tôn giáo theo mục đích giáo huấn và có thể là cấp tiến. Dường như nó được sắp đặt để hướng sự quan tâm của mọi người vào những khiếm khuyết của một xã hội”

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022