Trạng Thái Lưỡng Lự Trong Văn Xuôi Tự Sự Của Phan Khôi


[205, tr 722]. Tiểu thuyết vô sản, kịch luận đề hay các tác phẩm không tưởng thuộc dạng này, như Thời gian khổ của Charles Dickens, Túp lều bác Tôm của Harriet Beecher Stowe, hay Chùm nho nổi giận của John Steinbeck...

Qua tổng hợp các ý kiến chúng tôi thống nhất với cách hiểu: “Tiểu thuyết luận đề là những tác phẩm được viết ra nhằm khẳng định một luận đề dường như có sẵn, một ý đồ tư tưởng về triết lý nhân sinh. Toàn bộ tác phẩm tập trung vào định hướng luận đề, từ cốt truyện, nhân vật cho đến các chi tiết” [29, tr 140].

Và như vậy có thể nhận thấy luận đề là một hình thức viết của cả hai truyền thống văn chương Đông Tây. Ngay từ thế kỷ XVI, văn học Việt Nam đã xuất hiện tác phẩm luận đề viết bằng chữ Hán như một số truyện trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Do tính chất tải đạo, nói chí nên luận đề được cài đặt trực tiếp trong phát ngôn nhân vật chính. Ở một số truyện như Câu chuyện ở đền Hùng Vương, Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na¸ Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà giang,... Nguyễn Dữ không quan tâm lắm đến nhiệm vụ ghi lại một cách trung thành các câu chuyện lịch sử mà chỉ muốn mượn lịch sử như một cái cớ để đề cập đến vấn đề thời sự đương thời. Đây là biểu hiện của tính luận đề. Ví như lời phê phán của người tiều phu núi Na (một danh sĩ ẩn dật ở núi Nưa, Thanh Hóa) phê phán Hán Thương trong Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na có đoạn: “Ta tuy chân không bước đến thị thành, mình không đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người như thế nào. Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai, hao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình ngục có của đút lót là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thương… Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết. Nay ta nương náu vết ở chốn


núi rừng, lo lảng tránh đi chẳng được, há lại còn xắn tay áo mà lỗi nữa ư? Ta không thể đem hòn ngọc Côn Sơn cho nó cùng cháy trong ngọn lửa Côn Sơn được”. Ở đây Nguyễn Dữ gắn câu chuyện vào một thời điểm lịch sử nhất định nhưng chẳng qua đó chỉ là cái cớ để nói bóng gió về vấn đề đương thời. Lời phê phán của người tiều phu núi Na muốn ám chỉ rằng: theo Hồ Quý Ly thì sẽ nguy khốn với họ Hồ. Nhưng lời nói trên không đơn giản chỉ để phê phán vương triều Mạc và hôn quân nhà Hồ mà còn được đề cập như là hình ảnh khái quát của giới cầm quyền hủ bại của xã hội phong kiến nói chung [29, tr 144 -145].

Đến đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu được xem là tác giả của tiểu thuyết luận đề với tác phẩm Trùng Quang tâm sử. Luận đề lúc này được lồng ghép trong lời kêu gọi đồng bào nổi dậy làm cách mạng của nhóm nghĩa quân trong tác phẩm, cũng như trong toàn bộ nội dung tư tưởng mà Trùng Quang tâm sử muốn hướng đến. Đây là kiểu luận đề mang tính truyền thống phương Đông.

Sang những năm 1930, luận đề được xem là một hình thức nổi trội của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Những vấn đề chống lễ giáo phong kiến, đấu tranh tự do hôn nhân, đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ... xuất hiện một cách hệ thống trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Luận đề xuất hiện trong các tác phẩm như Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Hai vẻ đẹp (Nhất Linh), Con đường sáng (Hoàng Đạo)... là hình thức luận đề theo lối viết phương Tây. Điểm phân biệt giữa hai lối viết luận đề này là Đạo, Lý, Tâm, Chí của truyền thống đã được thay thế bằng các vấn đề của xã hội hiện đại.

4.2.2. Luận đề trong tác phẩm tự sự của Phan Khôi

Với thực tế của tác phẩm luận đề như vậy thì các tự sự của Phan Khôi chính là sự kết hợp của cả truyền thống và hiện đại hay nói cách khác là cả Đông và Tây. Những vấn đề được Phan Khôi hết sức quan tâm và đã thể hiện rất rõ lập trường của mình trên nhiều bài báo có tính châm ngòi và tạo hiệu ứng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.


mạnh mẽ là: công kích, đả phá Nho giáo, ủng hộ tư tưởng bình đẳng giới, đấu tranh bền bỉ cho quyền của người dân, đặc biệt là quyền tự do, dân chủ tiếp tục được đề cập như là mạch nối về tư tưởng trong văn xuôi tự sự của ông.

Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 16

Hoạn hải ba đào, Mộng trung mộng là hai truyện ngắn đề cập đến những

câu chuyện quan lộ và khoa cử. Tính luận đề được thể hiện ngay từ tên tác phẩm, qua lời nhân vật, lời tác giả và bộc lộ ngay trong cách tổ chức cốt truyện.

Tiêu đề Mộng trung mộng đã đề cập thẳng đến giấc mộng khoa cử kéo lê dai dẳng chưa thể thoát ra được của người Việt. Giấc mộng không thành của người cha về con đường lợi danh khoa cử của đứa con là giấc mộng riêng trong giấc mộng chung của một thế hệ sĩ tử lúc Nho học suy tàn. Tương tự với Hoạn hải ba đào, bức tranh quan trường hỗn độn với hàng loạt những tệ nạn cùng cuộc đời chìm nổi sóng gió của quan lại phong kiến Việt Nam lúc bầy giờ cũng đã được bộc lộ ngay từ tên tác phẩm.

Chân dung nhân vật ở hai truyện ngắn này cũng thuộc dạng nhân vật luận đề. Nhân vật vị quan hưu (trong Hoạn hải ba đào) đại diện kiểu quan Nho thời biến loạn. Hai cha con (trong Mộng trung mộng) lại có dáng dấp của lớp sĩ tử thời Nho mạt.

Ngoài ra, tác giả còn mượn lời nhân vật để bộ lộ quan điểm và làm phát ngôn tư tưởng cho mình khi không đồng tình với chế độ khoa cử lạc hậu và mong muốn tố cáo, phơi bày sự trì đọng, bế tắc của tầng lớp quan lại dưới chế độ thực dân phong kiến. Điều này thể hiện rõ qua là lời người cha trong Mộng trung mộng tâm sự với con: “Cha nghe khoa cử nay đã là cái học vô dụng, Trong thi cử, chuyện lấy đỗ hay đánh hỏng đặc biệt thiếu công minh. Con mà thi hai khoa không đạt thì cha chẳng biết cái cán cân công lý nằm ở đâu. Học chữ Tây rất có ích. Phái tân học gọi là lấy chữ Tây làm con đườngmở mang tiến hóa” [68, tr 291]. Rõ ràng tác giả đã ngầm chỉ trích lối học cũ đã lỗi thời và cổ động cho phong trào tân học.


Đặc biệt với tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra tính luận đề thể hiện khá rõ nét từ chủ đề tư tưởng cho đến xây dựng hình tượng nhân vật. Thông qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Trần Thị Nghi (đại diện cho phát ngôn nữ quyền) và Cửu Thưởng (đại diện cho chế độ nam quyền), Phan Khôi muốn kêu gọi sự đấu tranh nhằm “chống lại những quan niệm lỗi thời đối với phụ nữ, chống lại những thói hư tật xấu của quan lại, chống lại thứ lệ làng hủ lậu...” [36, tr 509].

Gồm có 15 chương, Trở vỏ lửa ra xoay quanh cuộc đời cô nữ sinh

Trần Thị Nghi, con gái út của ông bà Bá Giám một gia đình cự phú đất Qui Nhơn. Vì không có con trai nên ông bà Giám đã lập tự cho đứa cháu nông dân vô học, tham lam trong họ là Trần Công Thưởng. Khi ông bà Giám qua đời, vì muốn chiếm toàn bộ gia tài, đồng thời với suy nghĩ cổ hủ, Cửu Thưởng đã không cho Nghi đi học và tìm mọi cách ép gả chồng cho Nghi càng sớm càng tốt để đỡ tốn kém tiền bạc. Với quyết tâm phải thực hiện bằng được mong muốn của mình cùng sự giúp sức âm thầm của nhiều người, Nghi tiếp tục được đi học ban tú tài. Khó khăn về tiền bạc và đối diện với những mưu mô của Cửu Thưởng, Nghi đã quá vất vả, uất ức mà qua đời để lại cái gia tài đang tranh chấp, trở thành món mồi béo bở cho bọn quan lại địa phương đục khoét. Có thể nhận thấy hai nhân vật chính là Trần Thị Nghi và Trần Cửu Thưởng tuy mang những đặc tính khá tiêu biểu cho những kiểu người trong xã hội nhưng lại gần như không được Phan Khôi dành cho việc miêu tả ngoại hình, tâm lý. Chân dung của họ thiếu hẳn sự sinh động của đời sống cá thể. Rõ ràng Phan Khôi đã dựng lên cuộc đời của Nghi trong Trở vỏ lửa ra với ý hướng cổ súy nữ quyền rất rõ. Ông đã lồng ghép, cài vào lời nói để nhân vật trong truyện làm phát ngôn cho quan điểm của mình. Cụ thể như lời của bà giáo khi nói với Nghi: “Chị phải biết chị là nạn nhân của xã hội An Nam hàng ngàn năm nay. Cái chế độ ấy đã không coi đàn bà con gái chúng ta ra gì, cho nên


chị mới phải ở vào cái tình cảnh đáng thương như thế này” [72, tr 26]. Bà còn cho rằng: “Người ta ai cũng có quyền tự do cầu trí thức, mà anh của chị toan cướp cái quyền ấy của chị thì chị phải dành lại chớ sao?” [72, tr 49]. Hay là đoạn Nghi bộc bạch quan điểm của mình với bà giáo: “Con thường đọc báo, thấy có tờ báo cổ động nữ quyền. Họ làm vậy là hữu tâm với phụ nữ chúng ta lắm. Nhưng đàn bà con gái không học, hay là học mà chỉ học đến ấu học tiểu học thì còn mong bình quyền với ai? Bởi vậy con muốn học lên nữa, sức theo được tới đâu thì theo tới đó” [72, tr 85]. Có thể thấy rõ, ý thức về nữ quyền luận chi phối mạnh mẽ tác phẩm. Hình tượng người phụ nữ tân thời với hệ tư tưởng mới mẻ chống lại lễ giáo phong kiến thủ cựu đã trở thành hình tượng trung tâm mang tính luận đề của Trở vỏ lửa ra.

Như vậy có thể khẳng định cuốn tiểu thuyết này là sự tiếp nối mạch nguồn tư tưởng từ trước đó đã được Phan Khôi thể hiện khá quyết liệt trên hàng loạt các báo, đặc biệt là Phụ nữ tân văn, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ như: “Lại nói về vấn đề văn học với nữ tánh”, “Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kỳ toàn thạnh”, “Chữ trinh: cái tiết với cái nết”, “Luận về phụ nữ tự sát”, “Đàn bà cũng làm nên quốc sự”, “Cái vấn đề nữ lưu giáo dục”... Nhìn lại “loạt bài viết này đã đi theo một sự nhất quán với tư tưởng tiến bộ. Phan Khôi đã xuất phát từ việc xác định phụ nữ như một đối tượng được thể hiện trong văn chương để đi đến việc khẳng định vai trò của họ với tư cách là chủ thể của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Đó là cách thức góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội và văn chương. Hiện đại hóa xã hội gắn với hiện đại hóa văn học trở thành ý thức thường trực nơi ngòi bút Phan Khôi. Với tư duy khái quát mang tính lí luận, Phan Khôi đã tạo tiền đề cho sự xác lập cơ sở lý thuyết nữ quyền trong văn học Việt Nam hiện đại” [137, tr 325]. Khi cuốn tiểu thuyết ra đời, Kiều Thanh Quế đã nhận ngay ra cái: “Mỹ ý đối với phụ nữ, ông Phan Khôi không phải chỉ mới có tiểu thuyết Trỏ vỏ lửa ra,


mà đã có trước kia trên mặt tờ Phụ nữ tân văn của ông Nguyễn Đức Nhuận, do ông chủ trương rồi. Hay nói khác: Trở vỏ lửa ra sở dĩ có, là nhớ cái mỹ ý trước kia còn sót lại”. Nghĩa là vấn đề đấu tranh nữ quyền trên báo chí giờ lại được cài đặt trong cuốn tiểu thuyết này [145, tr 35-36].

Tuy nhiên có lẽ do quá chú trọng đến tính luận đề (tập trung bênh vực phụ nữ, đả kích xã hội nam quyền, quan lại thối nát) Phan Khôi ít dụng công về mặt nghệ thuật khi viết Trở vỏ lửa ra. Ông kết hợp kể chuyện và miêu tả song lại sa vào tranh luận, rào đón, giảng giải hơn là sáng tạo văn chương. Ông dàn trải sự việc, vào vai hướng dẫn người đọc... Ông thường chen lời của mình vào từng tình huống và lạm dụng thuyết giáo, dường như sợ họ không hiểu nội dung mà mình truyền tải, kiểu như “người đọc nên thấy chỗ này trước nhất” [72, tr 103]; hoặc khi đăng bức thư cũng lo người đọc không hiểu nên Phan Khôi viết thêm vào “thư như thế này:” [72, tr 67]; khi nhân vật đối thoại, ông cũng xen cả lời mình vào lời nhân vật: “Thật, con đã nói, anh con chỉ biết có đồng tiền! Con lấy làm khổ tâm quá! Và thêm: Con lấy làm khổ tâm quá! Con một ý, anh con một ý, con không biết làm thế nào nói lọt tai anh con được” [72, tr 25]; thậm chí khi đã tạo được cao trào cho câu chuyện Phan Khôi cũng làm cho người đọc hẫng hụt bằng lời kết chủ quan từ phía người kể. Cụ thể là khi Cửu Thưởng có âm mưu bắt Nghi quay lại nhà, người đọc đang rất hồi hộp theo dõi xem tình tiết tiếp theo như thế nào thì Phan Khôi lập tức đưa ra kết luận: “Ai dè vỏ quýt dày có móng tay nhọn! Bà giáo, thầy của Nghi một người đàn bà túc trí đa mưu lắm. Nhờ có bà, Nghi mới gỡ mình ra khỏi mọi sự lúng túng khó khăn”[72, tr 45]. Những lúc như thế này, Phan Khôi đã tước bỏ hết của người đọc vai trò “đồng sáng tạo”, những tình tiết vừa mới mở ra ông đã thắt lại bằng kết luận của mình. Sẽ không còn sức hấp dẫn vẫy gọi người đọc khi mà ngay từ rất sớm ông đã báo cho người đọc về đoạn kết của câu chuyện: “...từ đây về sau, cái điều uất ức trong lòng Nghi


một ngày thêm một ngày, uất ức mà không làm gì tốt, rồi sanh ra bệnh tật để đến nỗi thiệt thòi cái đời xuân xanh” [72, tr 80] và kiểu dự báo cái kết này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần: “Cô Nghi đau bệnh bất trị, chỉ còn có cái chết, nay mai người ta sẽ đưa cô đến mộ địa Bạch Mai” [72, tr 130]; “yêu trước khi gần chết thì cũng như ăn uống trước khi gần chết chứ có lạ gì” [72, tr 133]; “Giá như Nghi cứ làm như một người thường, như hàng triệu cô thiếu nữ khác, nghe lời Cửu Thưởng mà thôi học đi, lấy chồng đi, thì có lẽ ngày nay chẳng những cô còn sống mà gia đình sầm uất, con cái sum sê, trở nên một bà nhà giàu sang trọng chứ có đâu đến nỗi công bất thành, danh bất toại, rút cục chỉ một mảnh hồn thơ phiêu bạt ở đất người?” [72, tr 103]. Kiểu chưa đọc đã biết này trong Trở vỏ lửa ra không còn làm cho người đọc cảm thấy hấp dẫn, thậm chí không có cơ hội tiếp nhận theo quan điểm của mình mà luôn bị tác giả dẫn dắt, thuyết giáo. Về khía cạnh này, Vũ Ngọc Phan đã đưa ra nhận định: “Tiểu thuyết Tàu – tôi nói tiểu thuyết cổ - tuy có cái đặc sắc của Á Đông trong cách bố trí và phô diễn tính tình, nhưng lại có những tật rất lớn là cứ thỉnh thoảng tác giả lại hướng về độc giả, dùng lời khôn khéo để dặn dò, hay dùng lời nghị luận để giảng giải. Đó là một sự thấp kém về nghệ thuật... Tôi nhận thấy Trở vỏ lửa ra có cái tật ấy” [112, tr 272]. Nhận xét mặc dù có hơi “nặng” song thật chính xác. Phan Khôi xuất thân từ Hán học và suốt chặng đường sáng tác ông luôn có ý thức duy tân, song dù cố gắng ông vẫn bị ảnh hưởng kiểu tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Kiểu tư duy ưa tranh biện, nặng về lí luận có thể mang lại sự thành công cho ông khi viết báo nhưng lại làm cho tiểu thuyết khô cứng, thiếu sinh động. Phan Khôi ngoài những đóng góp như là một phát ngôn tiếp nối chủ đề nữ quyền đã đề cập trên những trang chính luận thì có lẽ đã thất bại với cuốn tiểu thuyết đầu tay này.

Cùng thể hiện cái nhìn nhân đạo về người phụ nữ nhưng Tây phương mỹ nhơn của Huỳnh Thị Bảo Hòa đã thành công hơn Phan Khôi khi tinh tế


hơn khi đề cập vấn đề bình quyền, bình đẳng giải phóng phụ nữ khỏi những thành kiến xã hội đang tồn tại như bức tường thành ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ. Nàng Bạch Lan hiện ra trong tác phẩm này đầy đặn hơn Nghi với số phận và cá tính riêng. Tính luận đề cũng được cài đặt mềm mại hơn trong phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội.

4.3. Trạng thái lưỡng lự trong văn xuôi tự sự của Phan Khôi

“Lưỡng lự” là khái niệm xuất hiện trong tiểu luận của Milan Kundera khi ông bàn về sự lưỡng lự và hiền minh của tiểu thuyết [215]. Theo Kundera, do tiểu thuyết hút hết dưỡng chất của các thể loại khác và mở ra những biên giới khác cho nên nó không có một kết luận duy nhất mà tạo ra nhiều kết luận. Đây chính là sự hiền minh của tiểu thuyết đồng thời cũng là tính lưỡng lự của tiểu thuyết. Tuy nhiên, khái niệm lưỡng lự chúng tôi dùng trong luận án hoàn toàn khác với Milan Kundera khi ông nói về bản chất tiểu thuyết hiện đại. Lưỡng lự trong trường hợp được đề cập ở đây là một khái niệm thể hiện bản chất của giai đoạn giao thời của hệ hình văn chương Việt Nam đầu thế kỷ XX và cũng là khái niệm liên quan đến trạng thái của xã hội thực dân của Việt Nam lúc đó. Vốn là một khái niệm tâm lý học, lưỡng lự (hay “nước đôi”, “mập mờ”, “dùng dằng” - ambivalence) chỉ sự dao động giữa cái mong muốn hoặc yêu thích và cái không mong muốn/không yêu thích, khi được dùng cho diễn ngôn thời thuộc địa, khái niệm này được bổ sung những nét nghĩa đặc thù. Theo các nhà lý thuyết thực dân, thực dân luôn muốn tạo ra sự phục tùng, muốn thuộc địa tái hiện lại những các thói quen, giá trị thực dân nhưng đồng thời cũng không muốn có một bản sao chính xác của mình; trong khi đó, chủ thể thuộc địa vừa có thể chống đối để tồn tại (thích ứng) lại vừa có thể chuyển hóa các giá trị thực dân. Đây là những lý do khiến cho mọi diễn ngôn thuộc địa đều mang tính lưỡng lự.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022