- Tổ chức hệ thống kế toán quản trị kết hợp với kế toán tài chính trong cùng một bộ máy: Theo mô hình này, các nhân viên kế toán vừa tổ chức kế toán tài chính và kế toán quản trị kết hợp theo từng phần hành kế toán. Để thu nhận thông tin, kế toán quản trị sử dụng hệ thống tài khoản của kế toán tài chính và được mở chi tiết theo yêu cầu cung cấp thông tin, đồng thời xác định nội dung, phương pháp ghi chép trên các tài khoản chi tiết phù hợp với việc thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin cụ thể. Sổ kế toán phục vụ cho kế toán quản trị là hệ thống sổ chi tiết của kế toán tài chính, ngoài ra để đáp ứng yêu cầu quản lý mà kế toán quản trị có thể thiết kế các sổ chi tiết mang tính đặc thù.
Để thực hiện mô hình này đòi hỏi nhà quản lý phải hiểu được trình độ, năng lực cụ thể của từng nhân viên kế toán, phải phân định rò công việc của kế toán tài chính và kế toán quản trị trong từng phần hành nhằm phục vụ cho việc lập các báo cáo kế toán tài chính và báo cáo kế toán quản trị.
Mô hình này thường được vận dụng ở doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, số lượng nghiệp vụ phát sinh với tần suất ít. Mô hình này có ưu điểm kết hợp chặt chẽ thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị, thu nhận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm được chi phí. Song có hạn chế là gặp khó khăn trong việc thực hiện chuyên môn hoá hai loại kế toán theo công nghệ hiện đại.
- Tổ chức hệ thống kế toán quản trị độc lập với kế toán tài chính: Theo mô hình này, bộ phận thực hiện kế toán quản trị độc lập với bộ phận thực hiện kế toán tài chính. Cùng dựa trên hệ thống chứng từ ban đầu, kế toán quản trị sử dụng hệ thống tài khoản và hệ thống sổ kế toán riêng biệt với kế toán tài chính. Các tài khoản sử dụng trong kế toán quản trị có thể sử dụng tài khoản nhiều cấp và được phân loại, quy định phương pháp ghi chép phù hợp với nội dung cơ bản của kế toán quản trị nhằm tạo ra sự phối hợp cung cấp thông tin phục vụ quản lý. Kế toán quản trị lập dự toán từng loại công việc cho từng bộ phận để lập báo cáo quản trị.
Mô hình này thường được vận dụng ở doanh nghiệp có quy mô lớn, số lượng các nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhiều, kinh doanh đa ngành, đa nghề. Mô hình này có
ưu điểm là tách biệt thông tin kế toán quản trị với thông tin kế toán tài chính, thuận tiện cho việc chuyên môn hoá, hiện đại hoá. Song có hạn chế là chưa khái quát được thông tin của hai phân hệ với nhau, tốn kém thời gian và chi phí so với mô hình kết hợp kế toán tài chính và kế toán quản trị vì phải tăng thêm khâu luân chuyển, xử lý thông tin và phải chi phí cho bộ phận kế toán quản trị.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Phương Pháp Xác Định Chi Phí Sản Xuất Sản Phẩm, Dịch Vụ
- Trình Tự Tập Hợp Chi Phí Theo Quá Trình Sản Xuất
- Phân Tích Mối Quan Hệ Giữa Chi Phí - Khối Lượng - Lợi Nhuận
- Đặc Điểm Tổ Chức Quản Lý Và Hoạt Động Sản Xuất Kinh Doanh
- Sơ Đồ Tổ Chức Bộ Máy Kế Toán Của Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Giao Thông I Thái Nguyên
- Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại Công ty cổ phần xây dựng giao thông I Thái Nguyên - 9
Xem toàn bộ 159 trang tài liệu này.
- Hình thức hỗn hợp (kết hợp hai hình thức trên): Tổ chức bộ phận kế toán quản trị chi phí giá thành riêng, nội dung khác theo hình thức kết hợp.
Như vậy, mỗi mô hình tổ chức kế toán quản trị đều có nội dung, ưu nhược điểm nhất định cho nên việc lựa chọn mô hình tổ chức kế toán quản trị nào cần căn cứ vào các yếu tố như: Loại hình kế toán áp dụng, loại hình kinh doanh, quy mô và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh, quy trình công nghệ và yêu cầu, trình độ quản lý của doanh nghiệp…
1.3. Kinh nghiệm tổ chức kế toán quản trị của một số nước phát triển trên thế giới và bài học kinh nghiệm vận dụng vào các doanh nghiệp Việt Nam
1.3.1. Kinh nghiệm tổ chức kế toán quản trị của một số nước phát triển trên thế giới
Các thông tin do kế toán quản trị cung cấp là một trong những nguồn thông tin quan trọng giúp các nhà quản trị điều hành, hoạch định và ra các quyết định kinh doanh. Để có được nguồn thông tin này, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tổ chức kế toán quản trị theo mô hình thích hợp. Kế toán quản trị đã hình thành, phát triển vô cùng nhanh chóng cả về lý luận và thực tiễn trên thế giới, quá trình đó vừa tạo nên những điểm chung và khuynh hướng riêng ở từng nước. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới có 2 mô hình tổ chức kế toán quản trị mà các doanh nghiệp có thể xem xét, nghiên cứu và vận dụng:
1.3.1.1. Mô hình tổ chức kế toán quản trị ở Mỹ
Mỹ là một nước có nền kinh tế thị trường phát triển, tiềm lực kinh tế và phong cách quản lý tài chính theo thị trường mở. Kế toán quản trị ở Mỹ là nền kế toán quản
trị tiên phong trên thế giới với khuynh hướng cung cấp thông tin hữu ích, thiết lập các quyết định quản lý bằng những mô hình, kỹ thuật định lượng thông tin.
Hệ thống kế toán quản trị ở Mỹ được tổ chức kết hợp với hệ thống kế toán tài chính trong cùng một bộ máy kế toán. Bộ máy kế toán không phân chia thành bộ phận kế toán quản trị và bộ phận kế toán tài chính mà được chia thành các bộ phận kế toán thực hiện các phần hành công việc kế toán theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. Các bộ phận này vừa làm công việc của kế toán tài chính, vừa làm công việc của kế toán quản trị nhằm thoả mãn, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cả đối tượng bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Kế toán tài chính sử dụng hệ thống tài khoản tổng hợp, báo cáo tổng hợp, còn kế toán quản trị sử dụng các tài khoản chi tiết, báo cáo bộ phận để thu nhận và xử lý thông tin.
Trước đây kế toán Mỹ chỉ tập chung nhiều cho lĩnh vực kế toán tài chính, tuy nhiên ngày nay khi mà việc hạch toán và phân tích chi phí đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp bộ phận quản trị ra các quyết định thì kế toán quản trị chiếm một vị trí quan trọng.
Kế toán quản trị Mỹ cũng coi trọng việc phân loại chi phí, đặc biệt là phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí nhằm phân tích mối quan hệ Chi phí - Khối lượng
- Lợi nhuận để trả lời các câu hỏi như: Lợi nhuận sẽ như thế nào ở các mức tiêu thụ khác nhau? Mức tiêu thụ là bao nhiêu để đạt mức lợi nhuận cá biệt đó?
Để hạch toán chi phí sản xuất, kế toán sử dụng hai phương pháp cơ bản là hạch toán chi phí theo công việc và hạch toán chi phí theo quá trình sản xuất.
Việc kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện trong kế toán quản trị Mỹ đặt trọng tâm vào quá trình ra các quyết định kinh doanh ngắn hạn, dài hạn và phân tích các báo cáo tài chính.
Kế toán quản trị Mỹ xem quá trình lập dự toán có ý nghĩa quan trọng trong việc nắm bắt và phản ánh các kết quả của các quyết định lập kế hoạch, từ các quyết định về giá, cơ cấu sản phẩm và cơ cấu chi phí đến các quyết định về cổ tức và các khoản đầu tư mới.
Như vậy, kế toán quản trị Mỹ chú trọng đến công tác lập dự toán, xây dựng các mục tiêu cụ thể trong thời kỳ ngắn hạn thông qua việc sử dụng một hệ thống phương pháp đa dạng, trong đó có sử dụng nhiều phương pháp của các môn khoa học khác để lượng hoá thông tin, phân tích, diễn giải và lựa chọn các dự án đầu tư, các phương án sản xuất kinh doanh. Những năm gần đây, kế toán quản trị trong doanh nghiệp ở Mỹ đã xuất hiện một vài thay đổi về cấu trúc thông tin, nâng cao tính định tính của thông tin, tính kiểm soát để bổ sung cho những thiếu sót, lạc hậu, không hữu hiệu so với thế giới. Do đó, thông tin của kế toán quản trị Mỹ có tính thuyết phục và đáp ứng nhu cầu quản trị cao.
1.3.1.2. Mô hình tổ chức kế toán quản trị ở Pháp
Cộng hoà Pháp là một nước Tây Âu có nền kinh tế phát triển lâu đời, công tác quản lý kinh tế nói chung và kế toán nói riêng ở trình độ cao.
Hệ thống kế toán Pháp bao gồm hai bộ phận kế toán tài chính (kế toán tổng quát) và kế toán quản trị (kế toán phân tích). Kế toán quản trị ở Pháp có đặc trưng là kế toán "tĩnh" ở kế toán tài chính, kế toán động ở kế toán quản trị. Hệ thống kế toán quản trị được tổ chức thành bộ máy riêng (phòng kế toán quản trị hay bộ phận kế toán quản trị) sử dụng hệ thống tài khoản, sổ kế toán, báo cáo kế toán nội bộ tách rời, độc lập tương đối với kế toán tài chính.
Kế toán quản trị Pháp đặc biệt coi trọng vào việc xác định và kiểm soát chi phí bằng cách chia doanh nghiệp thành nhiều trung tâm trách nhiệm, phân tích, đánh giá và tìm ra các nguyên nhân làm sai lệch chi phí và cuối cùng là điều hoà kế toán tài chính và kế toán quản trị.
Mục tiêu của kế toán quản trị Pháp là tính được chi phí của từng trung tâm, giá thành của từng sản phẩm, dịch vụ, thiết lập được các khoản dự toán chi phí và kết quả, kiểm soát việc thực hiện và giải thích được các nguyên nhân chênh lệch giữa chi phí dự toán và chi phí thực tế. Công tác phân tích kết quả kinh doanh, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh được tiến hành rất thận trọng. Thông tin kế toán quản trị được thu thập, xử lý thông qua các phương tiện kỹ thuật cao thông qua các
phương pháp tính toán khoa học nên đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho nhà quản trị ra các quyết định kinh doanh đúng đắn.
1.3.2. Bài học kinh nghiệm vận dụng vào các doanh nghiệp Việt Nam
Nghiên cứu mô hình tổ chức kế toán quản trị ở một số nước có nền kinh tế phát triển sẽ giúp chúng ta học hỏi, tiếp thu được những kinh nghiệm quí báu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất nói riêng. Những bài học kinh nghiệm đó là:
- Nên tổ chức bộ máy kế toán quản trị theo mô hình của Mỹ, nghĩa là kết hợp giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị trong cùng bộ máy kế toán nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, phù hợp với trình độ của cán bộ kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đồng thời đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước.
- Kế toán quản trị nên sử dụng các tài khoản của kế toán tài chính nhưng mở chi tiết theo yêu cầu quản lý và các báo cáo bộ phận để thu thập, xử lý và cung cấp thông tin một cách kịp thời phục vụ cho quá trình ra các quyết định kinh doanh.
- Mỗi phần hành kế toán nên phân công, phân nhiệm rò ràng, cụ thể để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc của mỗi cá nhân, đồng thời tránh chồng chéo trong quá trình thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cho các nhà quản trị doanh nghiệp.
- Chi phí sản xuất cần phải được phân loại một cách rò ràng, đầy đủ, theo nhiều tiêu thức khác nhau để phản ánh và nắm rò được đầy đủ tất cả các khoản chi phí phát sinh trong doanh nghiệp, nhận biết được các khoản chi phí phát sinh từ đó giúp cho các nhà quản trị quản lý chi phí một cách chặt chẽ.
- Nghiên cứu ứng dụng phân tích mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận để đưa ra các quyết định số lượng sản phẩm cần sản xuất và tiêu thụ, cơ cấu sản phẩm tiêu thụ trong các điều kiện khả năng sẵn có của doanh nghiệp để đạt được mức
lợi nhuận thuần như dự kiến. Từ đó có căn cứ định giá bán cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường và khai thác tối đa tiềm năng của doanh nghiệp.
- Chú trọng đến việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và dự toán quá trình sản xuất kinh doanh một cách khoa học, hợp lý. Đặc biệt chú trọng đến phân tích kết quả hoạt động trong mối quan hệ với chi phí bỏ ra, tìm ra nguyên nhân của mọi sai lệch, chỉ ra bộ phận chịu trách nhiệm để có giải pháp điều chỉnh hợp lý, kịp thời.
Tiếp thu những kinh nghiệm quí báu của các nước có nền kinh tế phát triển sẽ giúp chúng ta xây dựng, củng cố và hoàn thiện công tác kế toán quản trị, đặc biệt là công tác kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất nói riêng một cách khoa học, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết luận chương 1: Chương 1 đã tập trung nghiên cứu, hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản về kế toán quản trị chi phí. Trước hết chương này đi trình bày phân tích khái niệm bản chất kế toán quản trị nói chung, từ đó rút ra khái niệm, bản chất kế toán quản trị chi phí. Từ đó tập trung vào nghiên cứu làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản của kế toán quản trị chi phí về phân loại chi phí; Các phương pháp xác định chi phí sản xuất sản phẩm dịch vụ; Dự toán chi phí trong doanh nghiệp; Hệ thống báo cáo kế toán quản trị chi phí; Phân tích mối quan hệ giữa chi phí, khối lượng và lợi nhuận; Các mô hình tổ chức kế toán quản trị chi phí trong doanh nghiệp. Trên cơ sở lý luận cơ bản chương này đi nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức kế toán quản trị chi phí ở một số nước phát triển trên thế giới để rút ra những bài học kinh nghiệm vận dụng vào các doanh nghiệp ở Việt Nam một cách phù hợp và linh hoạt nhằm đạt được mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Những vần đề nghiên cứu ở chương 1 là cơ sở, tiền đề, kim chỉ nam để nghiên cứu, đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí tại công ty CPXD giao thông I Thái Nguyên nhằm đưa ra giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tại Công ty.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CHI PHÍ TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG GIAO THÔNG I THÁI NGUYÊN
2.1. Tổng quan về Công ty CPXD giao thông I Thái Nguyên
2.1.1. Quá trình hình thành và phát triển của Công ty CPXD giao thông I Thái Nguyên
Công ty cổ phần xây dựng giao thông I - Thái nguyên tiền thân là Công Ty công trình giao thông I- Thái Nguyên, đây là một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Sở giao thông vận tải Thái Nguyên, thành lập ngày 01 tháng 01 năm 1976 với tên là “Công ty kiến thiết đường Bắc Thái” theo quyết định số 256/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái.
Nhưng để phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh thì ngày 02/02/1982 công ty được đổi tên thành “Xí nghiệp xây dựng đường Bắc Thái” theo quyết định số 13/QĐ- UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái. Căn cứ vào tiêu chuẩn xếp loại năm 1986, xí nghiệp được tỉnh Bắc Thái xếp vào loại Xí nghiệp hạng 2 theo Quyết định số 125/QĐ- UB ngày 13/9/1986 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái. Tại thời điểm đó, nhiệm vụ hàng năm của Xí nghiệp là: Xây dựng mới, nâng cấp nền mặt đường các loại (kể cả hệ thống thoát nước ngang, dọc và các cầu bản gỗ khẩu độ nhỏ) thuộc các tuyến đường trong phạm vi tỉnh Bắc Thái.
Để phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ trương vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời xuất phát từ tình hình và điều kiện thực tế của Xí nghiệp và của tỉnh Bắc Thái, đến ngày 28/11/1992 theo quyết định số 607/UB-QĐ của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) thành lập và đổi tên "Xí nghiệp xây dựng đường Bắc Thái" thành "Công ty công trình giao thông I Thái Nguyên". Đây là một doanh nghiệp Nhà nước, một pháp nhân đầy đủ, có trụ sở chính đặt tại tổ 15 Phường Tân Thịnh - Thành phố Thái nguyên - Tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện chủ trương đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước của Chính Phủ, Công ty Công trình Giao thông I Thái Nguyên được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt phương án cổ phần hóa theo Quyết định số 3317/QĐ-UB ngày 17/12/2003 và được đổi tên thành Công ty cổ phần xây dựng giao thông I Thái nguyên. Công ty cổ phần xây dựng giao thông I Thái Nguyên bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2004. Giấy phép đăng ký kinh doanh số: 17030000072 do Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp ngày 01/01/2004; đăng ký thay đổi lần đầu ngày 02/01/2004, đăng ký thay đổi lần 2 ngày 05/08/2008.
Công ty cổ phần xây dựng giao thông I Thái Nguyên được thành lập từ việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo hình thức bán một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phát hành thêm vốn nhằm mục đích mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tự nguyện cùng góp vốn của các cổ đông gồm toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty và các cổ đông khác ngoài công ty. Tổng vốn điều lệ của công ty là 5 tỷ VND, trong đó vốn cổ phần của nhà nước chiếm 30% và vốn điều lệ được chia thành 50.000 cổ phần.
Ngành nghề kinh doanh của công ty như sau:
- Xây dựng các công trình: Giao thông, dân dụng, công nghiệp, thuỷ lợi, san lấp mặt bằng.
- Khai thác, chế biến và mua bán vật liệu xây dựng các công trình ngành giao thông và xây dựng.
- Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn.
- Mua bán vật tư thiết bị ngành giao thông.
- Xây dựng điện dân dụng và công nghiệp.
- Tư vấn khảo sát thiết kế các công trình giao thông.
- Kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Việc mở rộng, thu hẹp hoặc thay đổi nội dung ngành nghề, phạm vi hoạt động sản xuất kinh doanh do đại hội đồng cổ đông quyết định.