Văn Xuôi Tự Sự Phan Khôi Trong Bước Chuyển Từ Chữ Hán Sang Chữ Quốc Ngữ


Lưỡng lự cũng là biểu hiện của trạng thái “lực bất tòng tâm”, mà trường hợp Phan Khôi là sự níu kéo của truyền thống giáo dục, truyền thống văn chương và trải nghiệm cá nhân. Nghĩa là sự lưỡng lự ở Phan Khôi có thể hình dung như nỗ lực vượt qua lực kéo của cái cũ để hướng theo cái mới, song nỗ lực ấy không phải lúc nào cũng thành công.

Như vậy, sự lưỡng lự ở đây có ba phạm vi thể hiện chính, là:lưỡng lựtâm lý(giữa thích và không thích),lưỡng lự hoàn cảnh xã hội(cụ thể ở đây là bối cảnh thực dân của Việt Nam đầu thế kỷ XX), vàlưỡng lự của cá nhân

người cầm bút(lực bất tòng tâm). Ở ba phạm vi này hoàn cảnh có sự chi phối rất quan trọng thể hiện ở hai vấn đề: di sản văn xuôi truyền thống (quan niệm văn tự, mô hình tự sự) và bối cảnh thực dân hóa (văn chương phương Tây được nhu nhập như thế nào, người viết chủ động cổ súy lối viết nào, giá trị văn hóa mà thực dân Pháp muốn áp đặt là gì, trí thức Việt đối diện và vượt qua tình trạng đó ra sao. Họ đưa ra các phương án xây dựng nền văn hóa dân tộc như thế nào).

Khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết (văn xuôi tự sự) Phan Khôi vấp phải một thực tế Việt Nam là một đất nước không mạnh về truyền thống tự sự, đặc biệt là tự sự bằng ngôn ngữ dân tộc, mà chỉ có truyền thống thơ ca. Chính vì vậy, những mở đường của truyện ngắn, tiểu thuyết bao giờ cũng gặp nhiều lực cản hơn từ phía truyền thống mà Phan Khôi không nằm ngoài qui luật này. Ngoài ra, ở giai đoạn văn học đầu thế kỷ XX, các nước châu Á, bao gồm cả Việt Nam, đều diễn ra quá trình chuyển đổi mô hình viết, từ cũ sang cái mới, trong đó tả thực là một vấn đề quan trọng.

Ở trường hợp Phan Khôi còn một lưu ý khác hơn ở sự lưỡng lự giữa Phan Khôi với tư cách một nhà lý luận và Phan Khôi với tư cách một nhà sáng tác. Một bên là ưu thế vượt trội của tư duy logic, một bên là ưu thế vượt trội của tư duy hư cấu. Nhiều lúc tư duy logic lấn át tư duy hư cấu nên mặc dù


có tư tưởng tiến bộ nhưng Phan Khôi chưa có được sự bay bổng, tinh tế như một nhà văn khác. Hơn nữa với tư duy thiên về logic mà trải nghiệm viết chủ yếu ở báo (từ 1918 đến 1939) – tức là từ khi viết truyện ngắn đến tiểu thuyết Phan Khôi không có bất cứ thử nghiệm nào khác về văn xuôi tự sự mà mọi tinh lực ông đều dành cho kiểu viết báo nên sự không thành công của Trở vỏ lửa ra là vấn đề rất dễ lí giải. Mặc dù tư tưởng rất mới nhưng khả năng chuyển tải tư tưởng ấy vào thực tế thực hành sáng tác văn chương Phan Khôi đã gần như thất bại. Trong trường hợp này Phan Khôi có chỗ tương đồng với Nguyễn Bá Học. Nhà văn đầu thế kỷ XX ở miền Bắc này cũng có tư tưởng rất mới nhưng ở thực tế sáng tác của ông thì vẫn thiên về kiểu cũ. Tương tự, ở miền Nam Hồ Biểu Chánh được xem là người tiên phong trong lĩnh vực tiểu thuyết nhưng tác phẩm của ông đã không vượt qua được kiểu tải đạo, nói chí truyền thống.

Ngoài ra còn nhận thấy, sự lưỡng lự, nhập nhằng trong văn học Việt Nam giai đoạn này bởi có sự chuyển giao thế hệ giữa trí thức cũ và mới. Hệ quả tất yếu là hai thế hệ này với vốn tri thức đặc thù của mình sẽ có những chuyển động về phía hiện đại khác nhau, và sẽ bao gồm cả việc bộc lộ những hạn chế của vốn tri thức ấy. Với ý thức xây dựng nền “quốc văn” – tức tinh thần dân tộc trong văn hóa, văn chương bị giới hạn trong sự kiểm duyệt của thực dân. Cụ thể đó là chính sách giáo dục, xuất bản của thực dân luôn muốn cắt đứt Việt Nam với truyền thống, cộng với tuyên truyền văn minh phương Tây đã tạo nên tâm lý phản kháng cho những người cầm bút mang tính dân tộc mà một trong những biểu hiện này là quay trở lại với di sản truyền thống. Bên cạnh đó, sự kiểm duyệt thực dân cũng buộc người cầm bút phải mượn những ẩn dụ hoặc né tránh khi đề cập đến những vấn đề xã hội, lịch sử. Tất cả những vấn đề này dẫn đến tình trạng lưỡng lự trong văn học giai đoạn này. Trần Đình Hượu đã mô tả rất chính xác trạng thái này như sau:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

“Vấn đề cứu nước, vấn đề duy tân đều được đặt ra từ thế kỷ trước nhưng đến nay phải nhìn nhận lại trong hoàn cảnh mới. Không những kinh nghiệm thất bại vừa qua cho phép rút ra nhiều bài học mà những điều tai nghe mắt thấy ở thời này cũng cung cấp cho người ta những điều kiện để thấy vấn đề thiết thân hơn. Phải có dân đứng lên mới cứu nước được, phải giàu mạnh mới đánh Pháp được, phải duy tân mới độc lập được. Nhưng với vốn trí thức và cách suy nghĩ của nhà Nho, lúc đó chưa ai có điều kiện để hiểu cái mới – mà mỗi người nhìn một cách – thật sâu xa. Theo cái mới là theo con đường của của kẻ thù (...). Duy tân là cả một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, giữa cái dân tộc và phản dân tộc. Ở hai thái độ cực đoan đó là những quan niệm mơ hồ yêu nước và duy tân ở những phạm vi khác nhau, ở mức độ khác nhau. Kết hợp yêu nước và duy tân trong thực tế không phải là chuyện dễ dàng và xác định cái mới nào là cái cần cho dân tộc cũng không phải một lúc là làm ngay được. Nhưng cái mới vẫn cứ thâm nhập bất chấp mọi sự lựa chọn. Nó chi phối suy nghĩ, tác động đến tâm lý, xã hội” [61, tr 15-16].

Phân tích như vậy để nhận thấy rằng tình trạng lưỡng lự trong các tác phẩm tự sự của Phan Khôi là một hiện tượng không nằm ngoài quy luật hiện đại hóa của văn học dân tộc. Can dự vào quá trình hiện đại hóa văn học chủ yếu với tư cách là một nhà lý luận, nghiên cứu, khảo cứu, phê bình văn học, phương tiện quan trọng để ông bày tỏ, thể hiện quan điểm của mình là báo chí và ông rất thành công khi làm sôi động không khí học thuật nước ta những năm đầu thế kỷ XX một cách tích cực nhất. Trong lĩnh vực sáng tác văn chương, đặc biệt là thể loại tự sự Phan Khôi không thành công khi chưa thật sự hiện đại được sáng tác của mình. Tư tưởng tiến bộ của ông đã thể hiện khá rõ từ tôn chỉ đến cách tiếp cận và nhìn nhận mọi vấn đề song vốn xuất thân là một nhà cựu học nên Phan Khôi không thể đi xa hơn trong sáng tác văn học,

Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - 17


đặc biệt ở hình thức tự sự. Sự dùng dằng hay nói chính xác hơn là tình trạng lưỡng lự này ở Phan Khôi cũng là câu chuyện của tự sự Việt Nam trong khoảng ba mươi năm đầu thế kỷ XX, với ba vấn đề chính: văn tự (sử dụng chữ Hán, Nôm hay Quốc ngữ), diễn đạt bằng thơ hay văn xuôi và lối viết (đề cao luân lý, nêu gương hay là hướng đến tả chân, tả thực). Chúng tôi sẽ tuần tự lý giải những vấn đề này dưới đây.

4.3.1. Văn xuôi tự sự Phan Khôi trong bước chuyển từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ

Như chúng ta đã biết, sự biến chuyển sâu sắc trên mọi phương diện theo hướng hiện đại hóa của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX một mặt là sản phẩm của quá trình thực dân hóa, nhưng mặt khác cũng bắt nguồn từ phong trào duy tân được dấy lên bởi các nhà nho yêu nước, cấp tiến. Cánh cửa nối Việt Nam với thế giới bên ngoài được khai mở sau một thời kỳ tồn tại trong tình trạng đóng kín, biệt lập. Từ những kênh giao lưu văn hóa khác nhau, tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ văn học Trung Quốc qua con đường tân thư, thông qua nền giáo dục Pháp – Việt, đặc biệt là sự lụi tàn của những thiết chế giáo dục – khoa cử Hán học vào khoảng 1915-1919, chữ Quốc ngữ đã dần thay thế chữ Hán và Nôm trở thành văn tự phổ biến trong phạm vi toàn xã hội. Thông qua con đường Tân thư, các học giả Việt Nam đã sớm tiếp cận quan điểm từ các học giả Trung Hoa. Trong tám điểm mà từ năm 1916 Hồ Thích đưa ra để cách mạng văn học, có hai điểm trực tiếp liên quan đến vấn đề ngôn ngữ là: không dùng đối ngẫu, không ngại dùng tiếng thông tục [89, tr 107]. Lương Khải Siêu cũng đã đề xướng “ngữ văn hợp nhất” [109, tr 198]. Như vậy, tự sự Việt Nam muốn hướng đến hiện đại cũng cần phải giải quyết sự bất nhất này. Một thực tế không thể phủ nhận trong truyền thống tự sự của văn học Việt là luôn tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ sinh hoạt đời thường. Truyện ngắn và tiểu thuyết trung đại Việt


đều viết bằng hình thức văn ngôn chữ Hán. Một số truyện thơ tuy viết bằng chữ Nôm nhưng hình thức thơ đã không thuận lợi cho việc sử dụng khẩu ngữ và thuật kể những chi tiết của đời sống thường ngày. Chỉ từ khi chữ quốc ngữ được chọn dùng và với ảnh hưởng của văn học phương Tây, tự sự Việt mới có những chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, cũng chính vì những tiền đề văn hóa xã hội như đã nêu trên, quá trình hiện đại hóa văn học ở nước ta đã diễn ra khá đặc biệt. Mất chủ quyền dân tộc nên người Việt luôn trong tâm thế phản kháng, chống đỡ lại nguy cơ bị đồng hóa. Thời gian đầu tình trạng đồng hiện các văn tự: Hán, Nôm, Quốc ngữ, Pháp là đặc điểm nổi bật của văn tự tại Việt Nam. Đặc biệt văn học Hán Nôm lúc bấy giờ vẫn tồn tại, phát triển bởi các nhà chí sĩ yêu nước. “Đồng thời, diễn ra một quá trình tổng duyệt lại những giá trị cũ, đưa các thể loại văn học truyền thống ra thử thách trước những vấn đề lớn của thời đại mới. Sau những cuộc tổng duyệt đó, một bộ phận thể loại và kinh nghiệm sáng tác văn học sẽ được chuyển dịch vào trung tâm nền văn học mới bằng Quốc ngữ. Từ một phía khác có thể hình thành một nền văn học hiện đại, đặt ra một vấn đề xây dựng một mô hình thể loại văn học mới, vượt thoát khỏi “văn thơ phú lục” truyền thống mà phương án tối ưu là “mô phỏng văn học phương Tây”... Ngoài ra, quá trình chuyển từ sáng tác bằng chữ Hán sang chữ Quốc ngữ bắt buộc tất cả những nhóm nhà văn, dù tân học hay cựu học đều phải trải qua một quá trình tập làm văn bằng tiếng mẹ đẻ hay nói cách khác, đặt nền móng xây dựng một thứ ngôn ngữ văn học mới bằng tiếng Việt” [88, tr 150]. Và trong trào lưu này đã hiện diện mọi thế hệ cựu học như Nguyễn Văn Ngọc, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Khôi.

Xét về văn tự, hai truyện ngắn Hoạn hải ba đào Mộng trung mộng được in trên Nam Phong tạp chí vào năm 1918 viết bằng chữ Hán. Trước đó tại miền Nam, truyện ngắn Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản ra


mắt vào năm 1887, rồi năm 1907 – quãng hơn 10 năm trước khi Phan Khôi viết hai đoản thiên tiểu thuyết chữ Hán trên – cũng lại xuất hiện những tác phẩm tự sự viết bằng chữ quốc ngữ trên Nông cổ mín đàm như Thất kim ngư của Trần Chánh Chiếu (bút danh Lâm Mai Các), hoặc tiểu thuyết phóng tác Tiền căn báo hậu của Trần Chánh Chiếu (bút danh Kỳ Lân) trên Lục tỉnh tân văn. Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao cả hai truyện ngắn này đều được Phan Khôi viết bằng chữ Hán? Như đã biết, mặc dù là một nhà cựu học, thông thạo chữ Hán nhưng Phan Khôi đã rất nhạy bén với cái mới. Từ rất sớm Phan Khôi đã chú trọng đến vấn đề dùng chữ quốc ngữ trong đời sống và cả trong sáng tác (bởi tính giản tiện, sinh động của thứ chữ này) và cổ súy cho vấn đề sử dụng chữ quốc ngữ trong đời sống lẫn trong sáng tác. Như vậy, việc Phan Khôi chọn chữ Hán - loại văn tự đã mất dần vai trò trong đời sống xã hội lúc bấy giờ - hẳn đã nằm trong chủ ý của ông.

Tại thời điểm mới ra đời Nam Phong tạp chí dành riêng một mảng cho chữ Hán (phần chữ nho) bởi vì thực tế xã hội vẫn còn tồn tại một bộ phận trí thức cựu học đang loay hoay với hai vấn đề chọn con đường sống và ứng xử. Theo “Nguồn văn bản chữ Hán trên Nam Phong tạp chí”, Phạm Văn Khoái đã đưa ra thông tin Nam Phong tạp chí (1917-1934), gồm có ba phần: Phần quốc ngữ - Phần chữ nho – Phụ trương pháp ngữ. Phần chữ nho này cùng với phần quốc ngữ phấn đấu cho mục đích “gây lấy một nền học mới để thay vào cái nho học cũ”, “tổ thuật học vấn Thái tây mà không quên cái quốc túy trong nước”[69, tr 4].

Rõ ràng phần chữ nho này vì vậy chắc chắn “dành cho giới thượng lưu trí thức, trong đó chủ yếu là trí thức đã biết chữ nho, hy vọng qua chữ nho mà thâu thái văn minh hiện đại” [69, tr 5]. Khả năng Phan Khôi đã rất nhạy bén khi tận dụng mục báo chữ nho này để đăng tải hai truyện ngắn viết về chủ đề quan lộ thi cử (vấn đề mang tính thời sự) nhắm thẳng vào bộ phận cựu học để


thức tỉnh họ. Ông muốn dùng chính chữ viết của các nhà nho thủ cựu để công kích trực tiếp vào họ, buộc họ phải nhìn nhận thực tế, buộc họ phải thức tỉnh.

Ngoài lí do chủ yếu này, một nghi vấn khác cũng khá hợp lý giải thích việc Phan Khôi dùng chữ Hán để viết hai truyện ngắn trên là bởi ông tự ý thức về sự hạn chế của mình trong năng lực ngôn ngữ khi sáng tác văn xuôi. Thời điểm này chữ quốc ngữ đã được sử dụng và ngày càng đi vào sâu rộng ở mọi phương diện đời sống xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực hành chính, sự vụ và báo chí. Phan Khôi đã rất ý thức và cổ súy cho việc dùng thứ chữ giản tiện này. Tuy nhiên, trong giai đoạn chập chững của chữ quốc ngữ, sử dụng để sáng tạo văn chương là một việc làm không hề dễ dàng với Phan Khôi. Báo chí với bản chất thông tin đời sống thường ngày nên việc sử dụng chữ quốc ngữ để viết có thể thuận lợi hơn trong địa hạt văn chương (một thể loại đòi hỏi ngôn ngữ phải đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện và không có kinh nghiệm truyền thống ở Việt Nam). Phan Khôi rõ ràng không vượt qua hạn chế của bản thân trong việc sử dụng loại chữ viết còn khá mới này để sáng tác, đặc biệt ở thể loại văn xuôi. Khảo sát kỹ giai đoạn này cho thấy ở lĩnh vực báo chí Phan Khôi cũng vẫn còn dùng chữ Hán đề viết bài luận là “Luận Nam quốc bách niên lai học thuật chi biến thiên cập hiện thời chi cải lương phương phá”" (Bàn về các biến thiên của học thuật nước nhà trong một trăm năm nay và phương pháp cải lương hiện thời), tất thảy 7 chương, đăng liền hai số 5, 6 trên Nam phong (tháng 11 và 12 năm 1917). Thông tin này do Phan Nam Sinh, con trai thứ của Phan Khôi cung cấp. Ông đã công bố trên trang cá nhân của mình toàn bộ bài báo viết bằng chữ Hán của Phan Khôi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Phan Nam Sinh đang ấp ủ dịch toàn bộ bài luận này ra chữ quốc ngữ song do dự vì sợ không chuyển tải được hết ý tứ của cha mình. Rõ ràng qua dữ liệu này cho thấy thời điểm lúc bấy giờ, chữ Hán là chữ viết Phan Khôi còn thuận tay. Như vậy, xét về phương diện văn tự dùng để sáng


tác truyện ngắn, Phan Khôi không có đóng góp đáng kể trong tiến hình hiện đại hóa văn học nhưng không thể phủ nhận sự tác động về mặt xã hội của Hoạn hải ba đào Mộng trung mộng cũng như giá trị minh chứng cho tinh thần canh tân của Phan Khôi. Đánh giá vị trí của hai truyện ngắn này trong bối cảnh văn học lúc bấy giờ, Vu Gia cho rằng: “Nếu là một sự so sánh nhỏ (dĩ nhiên không chính xác lắm), hai truyện ngắn của Phan Khôi đăng trên Nam Phong, và những truyện ngắn được viết bằng chữ quốc ngữ của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Văn Cơ, Hoàng Ngọc Phách, Đoàn Ngọc Bích, Mân Châu, v..v.. thì về nhiều mặt, truyện của Phan Khôi không thua sút, thậm chí còn lấn lướt nhiều” [36, tr 376]. Để nhận định của mình thêm phần thuyết phục, Vu Gia còn trưng ra bằng chứng khi đưa ra khảo sát rằng: 210 số báo trong 17 năm tồn tại, Nam Phong đăng tải 34 truyện ngắn bằng chữ quốc ngữ. Truyện ngắn đầu tiên là Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn – Nam Phong số 18, tháng 12-1918, cùng số với truyện ngắn thứ hai viết bằng chữ Hán của Phan Khôi: Mộng trung mộng.

Mặt khác, qua câu chuyện về văn tự này cũng cho thấy Phan Khôi đã bộc lộ sự lưỡng lự trong bước chuyển từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ để sáng tác văn xuôi tự sự. Sự lưỡng lự này được nhìn nhận ở cả hai khả năng: (1) chủ động (dùng chữ Hán để trực tiếp tác động đến bộ phận cựu học) hoặc (2) bị động (vì chưa có khả năng sáng tác văn xuôi tự sự bằng chữ quố c ngữ) của Phan Khôi, và cũng có thể là nhiều người cầm bút cựu học lúc bấy giờ.

Nhận định trên càng có cơ sở để khẳng định hơn khi Phan Khôi cho in tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra viết bằng chữ quốc ngữ ở Phổ thông bán nguyệt san, năm 1939. Từ năm 1918 (khi viết hai truyện ngắn bằng chữ Hán) đến 1939 (khi viết tiểu thuyết) là một bước chuyển dài của một trí thức duy tân Phan Khôi trong việc hoàn thiện và nâng cao kỹ năng sử dụng chữ quốc ngữ để sáng tác văn xuôi tự sự. Chính vì vậy, nhìn từ góc độ ngôn ngữ, Trở vỏ lửa

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022