năng, là một nhu cầu sinh lý nhưng cũng là một mặt của tình yêu đôi lứa, đời sống vợ chồng. Nó phải được xuất phát trên cơ sở của tình yêu chân chính, bình đẳng tôn trọng giữa con người với con người. Khi đó, nó mới thực sự mang lại niềm hạnh phúc cho con người và mới thực sự thấm nhuần chất văn hoá.
Cái nhìn sắc sảo đã hướng Ma Văn Kháng vào từng ngõ ngách của đời sống hiện thực để soi rọi, phân tích lẽ đời, thói đời với tất cả các cung bậc của tình cảm và các mối quan hệ ở mọi góc cạnh, mọi phương diện, nhất là thế giới nội tâm trong mỗi con người. Tiếp cận hiện thực, nghiên cứu khám phá hiện thực và con người nhiều tầng, ngòi bút của Ma Văn Kháng đã phát hiện ra vẻ đẹp của những giá trị đạo đức truyền thống. Ở trong tiểu thuyếtCôi cút giữa cảnh đờivà Chuyện của Lýcủa Ma Văn Kháng còn có những tấm lòng nhân ái, những người tốt, những công dân lương thiện luôn quan tâm đến mọi người, sẵn sàng sẻ chia và cứu giúp nhau trong những lúc khó khăn như bà nội Duy, cô Quyên, cô Đại Bàng, cụ Hồn Nhiên và các cụ tổ hưu trí …(Côi cút giữa cảnh đời). Cuộc đời của hai đứa trẻ côi cút tưởng chừng sẽ chìm vào vực sâu của sự thất vọng nếu không có bàn tay, không có tấm lòng che chở của người bà cũng như sự cưu mang giúp đỡ của cô giáo Quyên, của cô Đại Bàng và những người dân chân chính của phường Ngọc Sinh. Họ đã dang tay ra cứu giúp số phận côi cút của Duy và Thảm, trong khi chính cuộc sống của họ cũng có lúc khốn khó tưởng chừng không qua nổi. Ma Văn Kháng đã xây dựng thành công một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, mà phép mầu nhiệm lại được xuất phát từ tấm lòng nhân ái của những con người chân chính ấy. Họ như là những vị tiên giáng trần dang cánh tay của mình cứu giúp linh hồn ngây thơ của những đứa trẻ như bé Duy, bé Thảm. Còn ở trong tiểu thuyết Chuyện của Lý, Lý cũng là đứa trẻ không được gặp may, nhưng Lý cũng giống như Duy và Thảm lại được cưu mang, chỉa sẻ của những tấm lòng nhân ái. Đó là ông Thòn, bà Pham - người Dao hiền lành, chất phác, tiêu biểu cho một nền văn hóa nhân văn cao quý. Đó là Chu Văn Dương, một người bạn của bố Khánh, một con người có cá tính mạnh mẽ và giàu lòng tình yêu thương, luôn động viên, an ủi Lý để Lý vượt qua hoàn cảnh sống tốt, học tốt.
Có thể nói rằng, những nỗ lực vì người khác xuất phát từ lòng tốt luôn đáng được người đời tôn vinh, kính trọng. Đồng thời đây cũng chính là nơi mà Ma Văn
Kháng muốn ấp ủ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong hành trình trở về cội nguồn, Ma Văn Kháng đã thấu tỏ nhiều tấm lòng cao đẹp tiêu biểu cho truyền thống ân nghĩa thuỷ chung của dân tộc.
1.2. Hệ thống nhân vật trong hai tiểu thuyết viết về thiếu nhiCôi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng
1.2.1. Khái niệm về hệ thống nhân vật
Hệ thống nhân vật “là toàn bộ mối quan hệ qua lại của các nhân vật. Chúng ta đã phân biệt nhân vật chính, phụ, nhân vật chính diện, phản diện chủ yếu trên bình diện thể hiện đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng” [46, tr. 161].
Khi nói đến hệ thống nhân vật là nói đến sự tổ chức các quan hệ nhân vật cụ thể của tác phẩm. Các mối quan hệ thường thấy của các nhân vật là đối lập, đối chiếu, tương phản, bổ sung. Sự phản ánh hiện thực trong các mâu thuẫn xung đột và sự vận động dẫn đến việc tổ chức các nhân vật đối lập.
Như vậy, hệ thống nhân vật là sự tổ hợp nhân vật làm cho chúng phản ánh nhau, tác động nhau, soi sáng nhau, để cùng phản ánh đời sống. Điều này được thể hiện rõ nhất qua hai tiểu thuyết viết về thiếu nhi Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng.
1.2.2. Hệ thống nhân vật trong hai tiểu thuyết
Có thể bạn quan tâm!
- Nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng - 2
- Đề Tài Về Đời Sống Thiếu Nhi Trong Nền Văn Xuôi Việt Nam Hiện Đại
- Đời Sống Thiếu Nhi Trong Học Đường Nhà Trường
- Đặc Sắc Bức Tranh Đời Sống Xã Hội Trong Hai Tiểu Thuyết Viết Về Thiếu Nhi
- Nghệ Thuật Miêu Tả Nhân Vật Thiếu Nhi Trong Hai Tiểu Thuyết Côi Cút Giữa Cảnh Đời Và Chuyện Của Lý Của Ma Văn Kháng
- Nghệ Thuật Khắc Họa Đời Sống Nội Tâm Nhân Vật
Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.
Như chúng ta biết, hệ thống nhân vật ở trong các sáng của Ma Văn Kháng rất phong phú và đa dạng. Điều này đã được PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Các nhận vật thuộc đủ các hạng người trong xã hội: Lãnh đạo cao cấp, Thủ trưởng và nhân viên cơ quan nghiệp vụ văn hóa, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, thầy thuốc, quản giáo, cảnh sát...” [55, tr. 352]. Vậy, đi sâu vào tìm hiểu hai tiểu thuyết viết về thiếu nhi Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
Hệ thống nhân vật trong hai tiểu thuyết viết về thiếu nhi Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng không chỉ có trẻ em mà còn có cả người lớn. Nhưng rõ ràng tần số xuất hiện của nhân vật người lớn ở đây không nhiều như nhân vật trẻ em. Nhân vật người lớn không phải là đối tượng trực tiếp để nhà văn khám phá và thể hiện trong tác phẩm. Nhân vật người lớn chỉ xuất hiện khi nhà văn phản
ánh những mối quan hệ của trẻ em và người lớn hoặc khi cần thể hiện tính cách của trẻ em trong môi trường rộng lớn.
1.2.2.1. Hệ thống nhân vật trẻ em
Trong hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng nổi lên hai loại trẻ em, hoàn toàn đối lập nhau. Duy, Thảm (Côi cút giữa cảnh đời) và Lý (Chuyện của Lý)…Mỗi em một cá tính, một hoàn cảnh, một ao ước, một nghĩ suy riêng nhưng nhìn chung đều gặp nhau ở một tuổi thơ nhiều khó khăn, vất vả thậm chí thiếu thốn cả về tình cảm nhưng tất cả các em đều nỗ lực vươn lên hoàn cảnh để sống tốt, học tốt với khát vọng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Duy là một cậu bé mới năm tuổi đã bị mẹ bỏ rơi, ra đi theo người đàn ông lái xe tải, nhiều tiền. Bố Duy làm bộ đội lái xe lại không có một dòng tin tức về với gia đình. Duy chỉ sống trong tình thương và sự bao bọc của bà nội. Đời sống của hai bà cháu trông cậy hết vào đồng lương hưu công nhân ít ỏi của bà.
Duy còn là đứa trẻ chịu khó, chịu khổ, có ý thức và có tinh thần trách nhiệm rất sớm, ngoài thời gian đi học, Duy biết giúp bà làm những công việc gia đình và đỡ đần bà trông em Thảm. Duy đã thật sự trưởng thành hơn lứa tuổi khi phải cùng bà chắt chiu, tằn tiện nuôi nấng em Thảm qua những quãng ngày khó khăn, gian khổ. Vì em Thảm không được cấp giấy khai sinh, không được hưởng một chế độ nào như những công dân bình thường. Tất cả bà cháu Duy phải chăm lo từng ngày, lo từng bữa gạo, lo từng giọt sữa cho em. Phải nói, Duy là cậu bé có đời sống nội tâm phong phú, giàu tình cảm và rất dễ bị tổn thương. Cậu bé sớm biết yêu thương, sớm biết hi sinh vì người khác, sớm hiểu được vị trí và lòng tự trọng của một người con trai trước những biến động bất thường của cuộc sống. Duy sống lặng lẽ, trầm tư, thiên về suy nghĩ nội tâm hơn những biểu hiện trực tiếp bên ngoài. Cậu lặng lẽ yêu thương bà; lặng lẽ chăm sóc em; lặng lẽ nhớ mẹ qua những dòng hồi tưởng; lặng lẽ chờ đợi ngày trở về của người cha với niềm tin bất diệt là cha còn sống. Cùng với những lo toan cho em Thảm và va vấp trong đời sống hàng ngày nên càng ngày Duy càng tỏ ra là một chàng trai có bản lĩnh, cứng cỏi. Duy thật sự xứng đáng với những gì người bà đáng kính yêu của cậu mong chờ.
Số phận bất hạnh và éo le hơn Duy là bé Thảm. Thảm sinh ra trong hoàn cảnh
khó khăn, thiếu thốn, hơn nữa lại sống xa mẹ, không được xã hội công nhận làm người. Nhưng trong những giờ phút khó khăn, căng thẳng và nguy kịch đó, Thảm luôn có bà và anh Duy bên cạnh chở che, giúp đỡ, giành giật lại sự sống cho em.
Bước sang tuổi thứ ba của cuộc đời, Thảm lớn nhanh, dễ nuôi và không chịu khuất phục trước một sức mạnh nào. Thảm sống giàu lòng yêu thương và gắn bó với bà sâu nặng. Thảm là đứa trẻ sáng dạ, biết tự lập và tự tin. Em sớm biết ý thức cái trách nhiệm của kẻ thấy mình phải cưu mang người khác nên khi bà ốm, Thảm và anh Duy chăm sóc bà cẩn thận và chu tất mọi việc trong gia đình.
Thảm cũng giống như anh Duy là đứa trẻ tội nghiệp, côi cút. Cuộc đời của Thảm đã được bà ngoại che chở, cưu mang. Bà chính là nữ thần hộ mệnh, là phật bà lòng đầy ân ưu, bênh vực, phù trợ tới cùng sự sống cho đứa cháu không may rơi vào cảnh hẩm hiu, khốn cùng.
Cũng có một tuổi thơ cay cực, dữ dội tương tự như Duy và Thảm là Lý trong tác phẩm Chuyện của Lý. Lý sinh ra trong hoàn cảnh không được xã hội công nhận làm người, vì bố mẹ Lý không có giấy giá thú nên Lý không được hưởng một chế độ gì cả, Lý chỉ có một cái tên là Lý, cái tên do mẹ Nhu đặt sau khi mới sinh Lý. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Lý lại là đứa trẻ rất ngoan ngoãn. Lý không giống những đứa trẻ cùng lứa tẹo nào. Lý xông xáo, gan dạ và có ý thức tự lập sớm. Lý biết giúp đỡ mẹ, bà Pham làm những công việc nhỏ ở gia đình. Trong trận ốm kéo dài của mẹ, Lý còn lên Rừng già lấy củi về bán để thêm tiền thuốc thang cho mẹ. Lý không bao giờ nản chí trước mọi tình huống nào. Nếu như Lý được vào học lớp Một là dựa vào sự trợ giúp của bà Pham, thì sau đó, suốt những năm học về sau, bằng năng lực của chính mình, Lý đã tự khẳng định được mình. Lý đã vượt qua định kiến về thân phận trong học hành và quan hệ cô trò.
Nhưng khác với Duy, Thảm ở trong tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời được bà cưu mang, chăm sóc, thì Lý lại được săn sóc và tiếp nhận từ tình yêu thương của mẹ. Mẹ Lý là một người phụ nữ lý tưởng, giàu lòng tình yêu thương, có ý chí và nghị lực, trong đó có cả sức sống của sắc dục. Ái tình nhục thể với chị giống như một sinh thú vô biên, là ân thưởng vĩ đại của tự nhiên. Với chị, cuộc yêu đương mang màu sắc thật sự chân tình và suồng sã thì mới đem lại hạnh phúc cho con người, và đấy mới
chính là tình yêu đích thực, dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Đối với mẹ Lý tiền tài, địa vị mà Bí thư Văn Quyền đưa ra để dọa dẫm, mua chuộc cũng không bao giờ có kết quả. Điều này cũng là một bài học để mẹ Nhu dạy Lý cách giữ gìn bản thân và có tình yêu chân thành với thầy Long. Không những thế, Lý còn được hưởng thụ nhân cách cao đẹp từ hai người bố (bố Khánh, bố dượng Dương). Họ là những người sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì đất nước, vì mọi người, vì mẹ con Lý. Cho nên, khác với tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời, hình ảnh trung tâm là bà nội với hai đứa trẻ côi cút, còn ở trong Chuyện của Lý, trọng tâm là hình tượng Lý, cả hai mươi sáu chương, chương nào cũng có hình bóng của Lý trong đó. Có nghĩa là, Lý là đứa trẻ chủ động, tích cực tiếp nhận kiến thức bằng sức lực, khả năng riêng của mình. Lý được tiếp nhận cả từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương (ngôn ngữ Dao với ông Thòn, bà Pham) và từ ngữ của các nước Ấn - Âu từ các câu chuyện như Cô bé bán diêm, Cậu bé Lu La hay các câu châm ngôn, các tác phẩm cổ điển văn học thế giới của hai người bố lưu trữ và để lại cho Lý.
Có thể nói, Lý là đứa trẻ được ảnh hưởng và trang bị chất lí tưởng, nhân cách kĩ càng từ mẹ Nhu, bố Khánh, bố dượng Dương; khác với Duy, Thảm được nhận bài học đạo đức quả cảm từ bà. Giờ đây, Lý đã thành một nhân cách, nhân cách này là sản phẩm của cuộc sống bản địa và hội nhập. Lý trở thành một thiếu nữ phát triển toàn diện cả về sức khỏe, trí tuệ và sở thích. Lý có đủ bản lĩnh để bước vào cuộc đời đầy thử thách gian nan. Lý trở thành một nhân tài, trở thành những “Công nhân ưu tú, có ích cho gia đình và xã hội”.
Đối lập với Duy, Thảm, Lý là những đứa trẻ con nhà giàu, sống thờ ơ, lạnh nhạt với con người như Vàng Anh, Vành Khuyên, Kim Phú, Văn Giang (Côi cút giữa cảnh đời) và Đào Lê Anh (Chuyện của Lý)...
Văn Giang là đứa trẻ con nhà giàu, nhiều tiền nhưng lại lười học, có tính tham vặt. Nó toàn lấy trộm kim băng của Duy. Nó có tính vừa ăn cắp vừa la làng, thích vu cáo, đổ tội, làm nhục người khác. Còn Kim Phú cũng là con nhà giàu, lắm tiền nhiều của, học hành thì dốt nát nhưng lại luôn được mẹ và cô giáo bênh vực, bao che. Kim Phú là đứa trẻ có tính gian dối và hai mặt, ẩn chứa tính thô bạo, cậy quyền cậy thế, bóc lột người khác ngay từ khi còn nhỏ. Cũng là con nhà
giàu như Kim Phú, Văn Giang nhưng hai chị em Vàng Anh và Vành Khuyên còn có cuộc sống sung sướng, đầy đủ hơn, thậm chí dư thừa cái ăn cái mặc nhưng họ lại có thái độ dửng dưng, thờ ơ, lạnh nhạt, vô cảm trước nỗi đau của con người, đặc biệt là bé Thảm.
Như vậy, với hai loại nhân vật trẻ em và hai lối sống khác nhau, Ma Văn Kháng phải chăng muốn lưu ý: Trong giai đoạn đầu tiên cuộc đời của đứa trẻ, khi tuổi còn nhỏ, sự từng trải chưa nhiều, hiểu biết còn non kém, chưa có đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh để xác định đối tượng, mục đích, cách sống cũng như cách thức học tập thì sự hướng dẫn của cha mẹ, của thầy cô, của người lớn nói chung là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với các em. Những lỗi của các em như Văn Giang, Kim Phú, Vàng Anh, Vành Khuyên... đã mắc phải ở trên đây cũng chỉ mới là manh nha, cần kịp thời uốn nắn các em. Phê bình kịp thời các em với những thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, giả dối, tham lam, tàn bạo, không biết chia sẻ, quan tâm đến người khác. Đó là một lối sống không đẹp nhằm cảnh tỉnh các em đang có lối sống sai lạc đó; giúp các em thay đổi, điều chỉnh dần để hướng các em đến một cách sống đúng đắn, đẹp đẽ hơn như biết sống nhân ái, đoàn kết với mọi người.... Đồng thời, chúng ta cũng biểu dương phẩm chất tốt của các nhân vật như Duy, Thảm, Lý... là những em có tấm lòng vị tha, biết đoàn kết, biết vươn lên hoàn cảnh để sống và học tập tốt. Đây là lối sống đẹp, lối sống đúng đắn cần được tiếp tục thể hiện và phát huy trong mọi mối quan hệ giao tiếp. Mặt khác cũng góp phần làm cho các bạn trẻ khác có thể học tập, phấn đấu noi theo. Như thế sẽ làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn, góp phần tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh, nhân ái, hòa hợp.
1.2.2.2. Hệ thống nhân vật người lớn
Trong mối quan hệ đa chiều với thế giới xung quanh thì quan hệ giữa trẻ em và người lớn là mối quan hệ phức tạp và tinh vi nhất. Mối quan hệ này đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc hình thành cá tính và nhân cách trẻ. Tuy cuộc sống có liên quan chặt chẽ với người lớn, nhưng trẻ em vẫn là một thế giới muôn màu sắc chứ không phải là những phiên bản của người thu hẹp. Với trẻ em, người lớn có những bí ẩn riêng mà trẻ thơ không thể hiểu nổi. Còn với người lớn, cuộc sống trẻ thơ vẫn
là một vùng bí ẩn chưa được soi tỏ mọi ngõ hẻm kiệt cùng. Ma Văn Kháng trong hai cuốn tiểu thuyết viết về thiếu nhi Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý đã nhìn nhận đúng bản chất của sự tác động hai chiều trong mối quan hệ trẻ em với người lớn. Trong hai cuốn tiểu thuyết này, Ma Văn Kháng đã xây dựng một số nhân vật người lớn để một phần phản ánh mối quan hệ hai chiều, một phần thể hiện tính cách của trẻ em trong môi trường rộng lớn.
Hệ thống nhân vật người lớn cũng có hai đối tượng, hoàn toàn đối lập nhau. Đối tượng thương yêu, hiểu tâm lí trẻ thơ và một đối tượng có bản chất không tốt, không hiểu gì về tâm lí trẻ thơ, luôn nghĩ chúng là những đứa trẻ chưa biết gì, không cần để ý, không đáng bận tâm nên có thể vô tình xúc phạm tới chúng.
* Loại đối tượng thương yêu, hiểu tâm lí trẻ thơ
Tiêu biểu nhất cho đối tượng người lớn là bà nội Duy trong tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời. Đúng như lời ông thầy bói xem quẻ nói rằng bà chính là cô tiên đã dìu dắt Thảm và Duy đi qua những năm tháng hỗn độn, lọc lừa, phản trắc, bất công để đến bên bờ của sự an bình. Có mẹ, có cha mà hóa ra côi cút, bao oan khổ, đắng cay, thiệt thòi của các cháu đều được bà san lấp, đền bù, an ủi.
Đối với Duy, bà đã theo sát, đã nâng đỡ, đã đền bù cho những thiếu thốn tinh thần của đứa cháu nội. Bà có mặt kịp thời trong mọi tình huống khó khăn, đau khổ của Duy trước dòng đời. Những ngày đi học đầu tiên đầy nước mắt của Duy nếu không có bà chắc cậu không thể vượt qua mặc cảm, tự ti về thân phận. Rồi sau này bị mẹ Kim Phú thốc tháo, tuôn xả những lời nguyền rủa, mạt sát nặng nề, bị thái độ ơ hờ ghẻ lạnh của cô giáo phù thịnh đồng lõa với kẻ có quyền hành, giàu có quen tác oai tác quái trong mọi việc, lúc Duy đang ở trong trạng thái cô đơn, tủi hờn nhất bà cũng đã hiện ra kịp thời với sự dẫn đường của Việt như bụt hiện lên cứu nạn cứu khổ kẻ yếu hèn. Bà chính là tấm gương về nghị lực sống, về lòng bao dung, nhân hậu để Duy nhìn vào đó mà học tập để vững vàng và sống tốt hơn. Bà cũng chính là điểm tựa tinh thần, là nơi nuôi dưỡng niềm tin để Duy luôn có một hi vọng và luôn mong chờ sự trở về của bố, sự thức tỉnh của mẹ và ngày tái ngộ của gia đình trong tương lai.
Khổ đau chồng chất, tai họa liên miên, nạn này chưa qua nạn khác lại rình rập.
Bà đã chia sẻ với người chồng bao nỗi oan ức đắng cay, đã chống chọi với bao gian hiểm, bây giờ trên lưng lại chất thêm bao lỗi lầm của con cái. Một mình nuôi cháu nội thay con dâu con trai, đến khi cô Quỳnh lầm lỡ bế con về tìm nguồn an ủi nâng đỡ, bà lại thay con gái nuôi cháu ngoại. Bà chịu mọi gánh nặng, cơ cực cho con. Bà xóa sạch một đoạn đời u ám để hé mở một đoạn đời mới tươi sáng hơn cho đứa trẻ người non dạ. Bà đã chìa đôi bàn tay đón đứa nhỏ với sự tự nguyện lĩnh nhận cái gánh nặng trách nhiệm là cứu vớt đứa nhỏ và mẹ nó đang trong tình trạng vô cùng bi thảm.
Bà đã thức bao đêm trắng trong tiếng khóc thảm thiết như không muốn có hồi kết của Thảm. Bà đã thu nhặt mọi thứ có thể bán được trong gia đình để có thể nuôi em trong những ngày khó khăn, đói kém, bệnh tật liên miên. Bà đã sống những giây phút vô cùng căng thẳng, với cảm giác quyết liệt sinh tử, đã tận dụng kiệt cùng sức lực để giành giật lại sự sống cho cái sinh linh bé nhỏ lúc nào cũng như đang chênh vênh bên bờ vực thẳm. Thảm đã chiến thắng bệnh tật và lớn lên từng ngày nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc chu đáo của bà. Bà nhẹ nhàng nâng đỡ những bước đi đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ của Thảm, bà hồi hộp chờ mong những tiếng gọi đầu tiên của cháu, bà lo lắng chờ đợi những buổi học đầu tiên nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn của đứa cháu sinh ra trong từng chặng đường nhỏ của đoạn đời thơ dại thiếu sự bảo ban của cha mẹ. Nếu như mẹ sinh ra Thảm thì bà ngoại là người tái sinh lại cuộc đời của cô bé. Cô bé mang trong mình đậm nét dấu ấn tính tình, phần nội tâm của bà và dành cho bà niềm kính yêu đặc biệt.
Có thể nói rằng, với hai đứa cháu cả nội cả ngoại, bà vừa là bố, vừa là mẹ, vừa là bạn, vừa là bà tiên giáng trần để cứu vớt và che chở cho cuộc đời nhiều bất hạnh, éo le của các cháu. Nhờ có bà, Thảm và Duy đã bước qua mặc cảm, tủi hổ, đến với hi vọng và tin yêu. Bà đã truyền cho Duy và Thảm niềm tin, sức mạnh, ý chí, nghị lực, tấm lòng bao dung nhân hậu để các em có thể vững vàng bước đi trên cuộc đời lắm ngặt nghèo khi không có bố mẹ và cả những đoạn đường sau này khi các em đã trưởng thành. Không chỉ có thế, bà còn gắn bó các cháu với huyết mạch cội nguồn để các cháu biết thấu hiểu, biết yêu thương, biết tự hào về những người thân, về gốc rễ của mình. Bà giúp Thảm và Duy ý thức được rằng người thân của các em là trùng