Nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng - 2

nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013 cho tiểu thuyếtChuyện của Lý. Cũng trong năm 2013, nhà văn còn đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn Phút giây huyền diệu, tập tiểu luận và bút kí về nghề văn 320 trang.

Nhưng dù thành công ở thể loại nào thì các tác phẩm của Ma Văn Kháng cũng đều tập trung vào ba đề tài lớn: Miền núi; Thiếu nhi; Đô thị và tri thức. Nói về các tác phẩm của Ma Văn Kháng, thầy giáo ngoại ngữ Thanh Thông trong bài viết: “Vài cảm nghĩ khiêm tốn sau khi đọc tác phẩm Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng” đã bộc lộ sự ngưỡng mộ và khâm phục về tài năng văn chương của nhà văn như sau: “Tác phẩm nào anh viết cũng tường tận, chi li, đằm thắm và giầu tình tiết, anh hoàn toàn được gọi là nhà tâm lí học, giáo dục học, dân tộc học, nhân chủng học, khoa học hình sự, một lương y có tay nghề…”. Cùng với lời nhận xét đó và những thành tựu kể trên, Ma Văn Kháng đã tự khẳng định được tài năng và vị thế của mình trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

1.2. Lâu nay, đã có nhiều bài viết, các công trình nghiên cứu về Ma Văn Kháng và các tác phẩm của ông. Nhưng hầu hết là các đánh giá, nhận định chung về từng tác phẩm cụ thể, về hình tượng nghệ thuật. Các công trình nghiên cứu công phu như các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ tuy đã hướng vào những khía cạnh chuyên biệt. Ví dụ như: Kiểu nhân vật, đặc trưng thể loại, cảm hứng nghệ thuật, phân tích đặc sắc nghệ thuật tự sự của truyện ngắn, tiểu thuyết trên các loại đề tài: đề tài người tri thức, hình ảnh người phụ nữ, hình tượng người kể chuyện trong tiểu thuyết…

Tuy nhiên, đứng về góc độ nghiên cứu, Ma Văn Kháng là nhà văn có không ít tác phẩm viết thành công về đề tài thiếu nhi nhưng còn ít được đề cập đến. Côi cút giữa cảnh đờilà một trong ba cuốn tiểu thuyết nằm trong cụm tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012 và Chuyện của Lý đoạt Giải thưởng đặc biệt của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số năm 2013 đều viết về đề tài thiếu nhi rất sâu sắc nhưng vẫn chưa được tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá. Với lí do đó, chúng tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học: Nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng. Luận văn này là một công trình nghiên cứu quy mô nhỏ để lấp vào khoảng trống đó.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi sâu vào khảo sát, nghiên cứu nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết xuất bản cách nhau 24 năm, cho thấy sự tiến triển trong cái nhìn nghệ thuật, bút pháp cũng như phong cách tiểu thuyết của Ma Văn Kháng trên cùng một đề tài.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Hơn 50 năm trong nghề cầm bút viết văn, Ma Văn Kháng là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho văn xuôi Việt Nam hiện đại thời kỳ đổi mới. Các tác phẩm của nhà văn, đặc biệt là những tác phẩm viết về thiếu nhi đã thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học.

2.1. Những công trình nghiên cứu về tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng

Ngay từ khi ra đời, tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời (xuất bản lần đầu 1989) đã được dư luận quan tâm và chú ý đến. Có rất nhiều bài viết, ý kiến về thiên truyện đặc sắc này nhưng đáng chú ý là: Bài viết của Văn Hồng dưới dạng thư viết cho các bạn đọc nhỏ tuổi, in ở đầu sách:“Gửi em, người bạn đọc sắp bước vào đời!”. Văn Hồng đánh giá cao tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của tác phẩm có cái vị đắng cay và ngọt bùi, nhận ra tấm lòng đau đớn và lời nhắn gửi của tác giả: “Đồng tiền, quyền lực cũng như tất cả tài sản vật chất khác chung quy chỉ là phương tiện. Người nào coi đồng tiền, quyền lực là mục đích, người đó sẽ trở thành kẻ ác, giẫm đạp lên người khác và tự phá hoại cuộc sống của chính mình! Mục đích của chúng ta cao đẹp biết bao nhiêu, một cuộc sống có nghĩa, có tình, giàu về vật chất và tinh thần, giàu cho tất cả mọi người, hòa bình và hữu nghị cho tất cả các dân tộc!” [24, tr. 9].

Giáo sư Phong Lê trong cuốn Vẫn chuyện Văn và Người đã nhận xét: “Côi cút giữa cảnh đời - viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Cuốn sách chất đầy những đau khổ, oan khiên lên thân phận ba bà cháu còm cõi, bơ vơ. Nếu chỉ là đau khổ và oan khiên thì chỉ làm nẩy ở người đọc sự uất ức, phẫn nộ. Người ta mím môi nghiến răng. Nhưng để làm rơi được giọt nước mắt thì phải có một cái gì khác, hoặc cao hơn sự căm giận, sự phẫn nộ. Cái đó chỉ có thể khơi gợi được ở cái thiện, cái đẹp và tình người. Chưa thể nói ở đây cái thiện, tình người đã thắng, đã vượt lên được cái ác, đã đè bẹp được những tâm địa tối tăm. Nhưng nó đã có

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

thể tồn tại mà không bị vùi dập. Và tôi nghĩ đó là chiến thắng của tác giả... Cuốn sách của Ma Văn Kháng đã vục vào cái sự thật tối tăm oan khổ đó như nhiều cuốn sách khác. Nhưng thật lạ, anh lại đưa con người vào quỹ đạo những tình cảm nhân hậu, tốt lành. Có thể nói đó là một hiệu quả thanh lọc, tẩy rửa. Cái hiệu quả thanh lọc này vốn giành cho nghệ thuật; và dường như cũng chỉ có một nghệ thuật đích thực, nghệ thuật cao hơn cuộc đời mới làm nổi... Cuốn sách mạnh mẽ đẩy ta vào giữa giòng sống hôm nay với cảm hứng lớn là cảm hứng sự thật, và khát vọng bao trùm là khát vọng dân chủ; cũng đồng thời cho ta một sự gắn nối với văn mạch truyền thống là chủ nghĩa nhân văn và tình thương yêu con người”. Còn về nhân vật thiếu nhi trong truyện, Giáo sư Phong Lê cũng nhận định: “Nhân vật bé Duy cho ta một hình ảnh một sự chống chọi để vượt lên bao đau khổ, đau khổ mà không quá tầm thường với của lứa tuổi lên mười, mà không cường điệu, giả tạo” [31, tr. 193 - 198 ].

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện trong bài viết: “Tiểu thuyết về đề tài dân tộc và miền núi của Ma Văn Kháng” cho rằng: “Trong thể tài truyện vừa của văn học thiếu nhi, Ma Văn Kháng đã góp vào đó bốn truyện hay. Tác phẩm tâm huyết về chủ đề này của ông là tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, được tái hiện trên cơ sở thu hút nhiều yếu tố tự truyện, đã được tổ chức SIDA (Thụy Điển) trao giải thưởng, bởi tác phẩm là tiếng nói xác tín và truyền cảm bảo hộ quyền sống và nhân cách con người ngay từ khi nó vẫn còn là một đứa trẻ non nớt và vụng dại” [25, tr. 231].

Nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời và Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng - 2

PGS.TS.Vân Thanh - Tác giả cuốn sách Phác thảo Văn học thiếu nhi Việt Nam cũng đã trích dẫn một số ý kiến của một số nhà phê bình về cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời. Tác phẩm thu hút ngay người đọc ở sự thể hiện cuộc sống thực đầy cay đắng và cũng không thiếu chất thơ diễn ra quanh ta. “Cuốn sách thể hiện cuộc sống như một sự toàn vẹn” “không một cuộc phiêu lưu, không một pha đuổi bắt, như bất cứ văn học đích thực nào. Ở đây cái hấp dẫn là do tính cách và số phận những con người” (Văn Hồng). “Đọc Côi cút giữa cảnh đời, có trang rơi nước mắt, có đoạn muốn gào lên” (Quần Phương) [50, tr. 388].

Văn Trọng, trên báo Tiền Phong số 26, ngày 30/6/2002 cho rằng: “Tôi rất thích truyện Côi cút giữa cảnh đời của nhà văn Ma Văn Kháng bởi tác phẩm đó giúp thiếu

nhi giáp mặt với thực tế xã hội người lớn, trang bị cho các em một cái nhìn đúng về cuộc đời, giúp các em biết phân biệt người và quỷ” [50, tr. 388].

Ma Văn Kháng - tác giả cuốn sách cũng đã tự bộc lộ cảm xúc của mình và đưa ra những lời nhận xét như sau: “Tác phẩm tôi yêu thích nhất là cuốn Côi cút giữa cảnh đời, in năm 1989. Vì “cuốn sách đặt con người vào dòng đời đương đại trong một hiện thực gay gắt và không ít buồn phiền đau đớn ... Côi cút giữa cảnh đời triển khai một cấu trúc gồm một loạt những gian truân cùng cực của ba bà cháu trong cuộc vật lộn với thiếu thốn vật chất, mất mát tình cảm và những ức chế tinh thần. Tôi nghĩ, văn học ta đã xây dựng khá sắc sảo hình tượng người vợ, người mẹ đại diện cho người phụ nữ Việt Nam trong những cơn thăng trầm của lịch sử. Bây giờ tôi muốn có hình ảnh của một người bà độ lượng, khoan dung thương yêu hết mực, hi sinh hết thảy vì con, cháu và bền bỉ, ngoan cường, dũng cảm đối mặt với cái xấu, cái ác; là hiện thân cho lẽ phải, lòng tin và sự can đảm. Trong Côi cút giữa cảnh đời có hình bóng người mẹ kính yêu của tôi, người bà nội, bà ngoại của các con cháu tôi”... [29, tr. 247 - 248].

Như vậy, qua ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà văn Ma Văn Kháng và ý kiến của các độc giả về cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, chúng ta nhận thấy, điều mẫu chốt làm nên thành công tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời - tác phẩm nghệ thuật đích thực là ở sự xúc động và chinh phục được lòng người. Đó cũng chính là sự trải nghiệm mọi cung bậc cuộc đời của Ma Văn Kháng.

2.2. Những công trình nghiên cứu về tác phẩm Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng

Tiểu thuyết Chuyện của Lý vừa mới được xuất bản năm 2013, nhưng tại buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết đã có rất nhiều ý kiến phát biểu và lí giải về sự thành công của cuốn sách này. Tuy nhiên, Ma Văn Kháng là người đầu tiên đã tâm sự: “Số phận con người trong chiến tranh cùng với những gian nan trong cuộc sống bất toàn mà nó phải chịu. Đó là câu chuyện của hàng trăm cuốn tiểu thuyết ở xứ ta rồi. Thế còn số phận của những đứa trẻ thì sao? Về đề tài này tôi đã viết cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, trong đó trung tâm là hình ảnh một người bà của hai đứa trẻ côi cút thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn về Chuyện của Lý thì rõ ràng đứa trẻ

mang tên Lý phải là nhân vật chủ yếu của cuốn sách. Lý là đứa trẻ được tác giả theo dõi và miêu tả từ lúc là một ấu nhi, một sinh thể sống đơn thuần, tới khi hình thành trọn vẹn nhân cách con người”... [30]. Với việc theo dõi và miêu tả bé Lý như vậy, Ma Văn Kháng muốn ngầm nhắc nhở những ông bố bà mẹ là phải phát huy hết khả năng của mình trong việc nuôi dạy con cái. Cho nên, việc theo dõi và miêu tả bé Lý ở trong cuốn sách Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng hoàn toàn trùng hợp với cách giáo dục con cái của ông bố CarlWeter. Lý tưởng giáo dục của ông là bồi dưỡng con trai trở thành một người phát triển toàn diện. Thực ra, đây có lẽ cũng là lý tưởng của mọi ông bố bà mẹ yêu con trên thế giới này. Chính vì thế, cuốn sách mới xuất bản mà đã thu hút được cảm tình của độc giả. Điều này đúng như nhà Lí luận phê bình Bùi Việt Thắng trong bài viết “Sự sống chẳng bao giờ chán nản” đã nhận định: Chuyện của Lý là “một cái kết có hậu nhưng không ai không đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu cả. Khi Lý tròn mười bảy tuổi (tại sao lại không là mười tám nhỉ?), đẹp rạng rỡ như trăng rằm, ấy là khi câu chuyện kết lại “Biết bao thời gian đã qua đi và đọng lại cho hôm nay. Em là đứa bé được mẹ ấp ủ, được cha đẻ và bố dượng soi đường, hoàn thiện nhân cách, được bà ngoại, bà Pham, ông Thòn thương yêu nuôi dưỡng, dạy bảo. Bất chấp những đổi thay của thời cuộc, thể chế và thời gian, với em đó sẽ mãi mãi là những con người đẹp nhất, hoàn thiện nhất của mọi cuộc đời. Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống của Phong Sa với đủ các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây” (Ý kiến phát biểu trong buổi giới thiệu tiểu thuyết Chuyện của Lý do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức - Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2013).

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Văn học Việt Nam, một người em, người bạn lâu năm của Ma Văn Kháng. Tại buổi lễ ra mắt cuốn sách Chuyện của Lý, nhà thơ Hữu Thỉnh đã ghi nhận: “Nhà văn Ma Văn Kháng là một trong những người đạt được nhiều thành tựu lớn trong văn xuôi. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện rất thật về đời thường, đồng thời là những chiêm nghiệm về cuộc sống của nhà văn đầy tinh thần trách nhiệm, giàu nhiệt huyết, hăng say lao động. Đọc tác phẩm của ông, ta thấy một vốn sống khổng lồ được chuyển hóa nhuần nhuyễn thành những câu từ hết

sức gần gũi”... (Ý kiến phát biểu trong buổi giới thiệu tiểu thuyết Chuyện của Lý do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức - Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2013).

Có thể nói, qua các ý kiến, các nhận định và lời tâm sự của nhà văn. Chúng ta thấy, Chuyện của Lý cũng giống như tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời của Ma Văn Kháng. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đích thực, giàu tính chiến đấu và tràn đầy tính nhân văn, làm cho người đọc xao xuyến, suy tư như đang thưởng thức một món ăn đặc sản tinh thần cao quý và thật sự cảm thấy bổ ích cho tâm hồn.

Tóm lại, với các bài viết, ý kiến, nhận định, các công trình nghiên cứu và bản tâm sự của nhà văn... về hai cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng, chúng tôi đã có được những gợi ý tham khảo, những tư liệu quý báu và cần thiết trong quá trình nghiên cứu đề tài: Nhân vật thiếu nhi qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng. Đây là hai cuốn tiểu thuyết tiêu biểu xuất bản cách nhau 24 năm nhưng đều có chung một đề tài là viết về thiếu nhi. Điều này đã được PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Chuyện của Lý (2013) - cuốn tiểu thuyết thứ 16 của đời văn Ma Văn Kháng, đã cùng với Côi cút giữa cảnh đời (1989) hợp thành bộ đôi tiểu thuyết gia đình. Ở đây, nổi lên số phận những đứa con côi cút từ trong bụng mẹ, gặp nhiều bất hạnh, nhưng lại là những mầm sống khỏe khoắn, cứng cỏi vươn lên, trụ vững trước bao thử thách, bầm dập, bất công. Với bút pháp hiện thực tỉnh táo mà bất ngờ đến tận chi tiết; giọng điệu trữ tình thương cảm đằm thắm, nhà văn đã gợi mở những thức nhận tường minh, nhân bản, hướng thiện vào miền hiện thực mới: đời sống tâm linh bí ẩn, nhục cảm…” (Ý kiến phát biểu trong buổi giới thiệu tiểu thuyết Chuyện của Lý do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức - Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2013).

Cùng với lời nhận xét đó, hầu như những trang viết nào ở trong hai cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng, ta cũng bắt gặp cách dùng từ ngữ phong phú, mới mẻ, có lối hành văn thật tự nhiên, biến hóa, phức tạp một cách thú vị. Phải là một nhà văn bậc thầy, với một kho tàng kiến thức sâu rộng thì mới viết được những trang đẹp đẽ dường ấy!

Nhìn chung với hơn 50 năm trong nghề cầm bút viết văn, Ma Văn Kháng vẫn luôn là người cùng thời với bao thế hệ người viết, và cùng đồng hành với bạn đọc từ

những năm giữa thế kỷ trước cho đến những ngày hôm nay.

3. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận văn này là tìm hiểu nghệ thuật tự sự qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý viết về thiếu nhi của Ma Văn Kháng. Đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật thiếu nhi trong mối quan hệ với gia đình và xã hội, qua đó khẳng định loại tiểu thuyết hướng về đời tư của con người gắn bó với các thế hệ trong gia đình và đặt trong bối cảnh xã hội nước ta mà nó tồn tại và có khả năng đặt ra được nhiều vấn đề có ý nghĩa đạo đức nhân sinh sâu sắc.

Việc tác giả chọn hai tác phẩm cách nhau 24 năm nhưng lại cùng đề tài viết về thiếu nhi là để ghi nhận sự tiến triển trong bút pháp tự sự cũng như phong cách nghệ thuật của loại tiểu thuyết gia đình của Ma Văn Kháng.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

Khảo sát hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý trên cơ sở so sánh với các tiểu thuyết khác cùng viết về đề tài thiếu nhi. Qua đó để thấy được những nét chung, nét riêng của các nhà văn cũng như nét độc đáo của Ma Văn Kháng khi viết về nhân vật thiếu nhi.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

5.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn tập trung vào hai cuốn tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý. Sau đó có thể mở rộng so sánh với các tiểu thuyết khác cùng viết về đề tài thiếu nhi để làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu.

5.2 Phạm vi nghiên cứu

Luận văn đi sâu tìm hiểu một số vấn đề chính: Bức tranh đời sống xã hội; Nghệ thuật miêu tả nhân vật thiếu nhi; Đặc sắc trong ngôn ngữ, giọng điệu qua hai tiểu thuyết viết về thiếu nhi của Ma Văn Kháng. Hi vọng luận văn này sẽ đóng góp một cái nhìn toàn diện về những cống hiến của Ma Văn Kháng đối với một khu vực đề tài của dòng văn xuôi Việt Nam hiện đại.

6. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu mà đề tài đặt ra, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng các phương pháp:

- Phương pháp hệ thống

- Phương pháp phân tích, tổng hợp

- Phương pháp so sánh, đối chiếu

7. Đóng góp của luận văn

Thông qua đề tài, luận văn muốn góp thêm tiếng nói mới về phương diện nghệ thuật tự sự, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật thiếu nhi của Ma Văn Kháng, cũng như có cái nhìn toàn diện về quá trình vận động tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

Khẳng định những thành tựu và đóng góp của Ma Văn Kháng trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

8. Cấu trúc của luận văn


Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phần thư mục tài liệu tham khảo, thì cấu trúc của luận văn được triển khai thành 3 chương:

Chương 1: Bức tranh đời sống xã hội trong hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng

Chương 2: Nghệ thuật miêu tả nhân vật thiếu nhi trong hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng

Chương 3: Đặc sắc trong ngôn ngữ, giọng điệu qua hai tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Chuyện của Lý của Ma Văn Kháng

Xem tất cả 115 trang.

Ngày đăng: 18/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí