thói quen sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn tập trung đi vào sản xuất lớn.
Trong thời gian tới cần chú trọng mô hình kinh tế tư nhân bao gồm doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn. Đây là mô hình sản xuất được nhà nước khuyến khích phát triển. Mô hình sản xuất này có thể phát huy được ưu thế về vốn, tính năng động, kinh nghiệm quản lý của mình, tập trung sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao để mở rộng ra thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Mô hình sản xuất theo hộ gia đình là loại hình sản xuất chủ yếu trong sản xuất ở nông thôn. Hiện nay, theo xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ, hộ kinh tế gia đình có thể đầu tư công nghệ, phát triển hình thức gia công sản phẩm hoặc cơ sở sản xuất vệ tinh cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp lớn. Các hộ sản xuất ở quy mô gia đình cần liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với kinh tế hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân để ổn định và phát triển sản xuất.
Mô hình hợp tác xã kiểu mới trong các làng nghề đang là xu thế tất yếu hiện nay. Mô hình hợp tác xã có nhiều ưu điểm so với hộ gia đình, đây là mô hình thích hợp làm đầu mối hỗ trợ việc sản xuất của các hộ, hợp tác xã làm dịch vụ cung ứng nguyên liệu, thiết bị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... đảm bảo cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ xã viên được ổn định.
Các hợp tác xã trong công nghiệp nông thôn được thành lập theo Luật hợp tác xã, đảm bảo tính tự nguyện và quản lý dân chủ, là nhu cầu nguyện vọng thực tế của các hộ gia đình muốn liên kết với nhau để tạo thêm sức mạnh trong sản xuất kinh doanh của chính họ, tránh hiện tượng thành lập các hợp tác xã tràn lan, mang tính hình thức, không có hiệu quả thiết thực.
Sự phát triển của các mô hình trên luôn đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Giữa các mô hình tổ chức sản xuất này, cần tạo lập và khuyến khích các liên kết kinh tế giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp trong phạm vi vùng
và trong cả nước, tạo ra mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho sản phẩm công nghiệp nông thôn. Công nghiệp lớn sẽ hỗ trợ trực tiếp tiểu thủ công nghiệp loại bỏ khâu trung gian, giảm chi phí, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, một số cơ sở công nghiệp nông thôn sẽ tự nâng cao năng lực cạnh tranh với công nghiệp lớn và tự nó cũng không còn thuộc phạm vi của công nghiệp nông thôn.
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Cấu Vốn Của Các Cơ Sở Sản Xuất Công Nghiệp Nông Thôn Thừa Thiên Huế
- Một Số Khó Khăn Của Các Cơ Sở Sản Xuất Công Nghiệp Nông Thôn Thừa Thiên Huế
- Những Quan Điểm Và Phương Hướng Cơ Bản Nhằm Phát Triển Công Nghiệp Nông Thôn Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế - 11
- Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế - 12
Xem toàn bộ 99 trang tài liệu này.
3.3.3. Phát triển thị trường cho công nghiệp nông thôn
Thị trường là một trong những yếu tố có quan hệ mật thiết với sản xuất. Thị trường phát triển sẽ thúc đẩy cho sản xuất phát triển, ngược lại sản xuất phát triển cũng tác động mạnh mẽ đến việc mở rộng thị trường. Thị trường của công nghiệp nông thôn ở đây bao gồm thị trường các yếu tố đầu vào và thị trường sản phẩm.
Thị trường các yếu tố đầu vào bao gồm thị trường nguyên liệu, thị trường khoa học công nghệ, thị trường vốn là các yếu tố cần thiết cho sự phát triển của công nghiệp nông thôn.
Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Phát triển thị trường nguyên liệu liên quan đến công tác quy hoạch vùng nguyên liệu tại chỗ và mua nguyên liệu từ bên ngoài.
Theo số liệu thống kê, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 39.000 tấn, trong đó khai thác biển chiếm 60%, vùng sông đầm khoảng 8-9%, nuôi trồng khoảng 15-23%. Đây là nguyên liệu cần thiết cho nhóm ngành chế biến thủy sản, trong thời gian đến cần gia tăng đầu tư khai thác, nuôi trồng khoảng 10%/năm để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến.
Vùng nguyên liệu cây công nghiệp hàng năm như lạc, vừng, sắn cần tập trung trồng ở các huyện đồng bằng và trung du như Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, riêng sắn có thể trồng ở A Lưới.
Vùng nguyên liệu cây công nghiệp lâu năm như cau su, cà phê, hồ tiêu tập trung trồng ở các huyện Nam Đông, A lưới, Hương Trà, Phong Điền.
Nguyên liệu gỗ hàng năm khai thác được từ 50.000 - 55.000m3, trong đó chủ yếu khai thác từ rừng nguyên liệu, 250.000 tấn song mây, 2.500 tấn nhựa thông. Tuy nhiên chất lượng gỗ không đáp ứng yêu cầu chất lượng của sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nên cần phải nhập thêm từ bên ngoài. Chính vì vậy, trong thời gian tới phải tập trung phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp nông thôn.
Hiện nay, đất chưa sử dụng ở tỉnh Thừa Thiên Huế còn khá nhiều, khoảng 112.854 ha ở vùng núi, gò đồi, cần tận dụng diện tích này, cải tạo phát triển thành vùng trồng cây công nghiệp dài ngày cung cấp cho nhu cầu sản xuất.
Đối với nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng như sản xuất gạch nung, ngói, đá chẻ cần được tỉnh quy hoạch vùng đất, mỏ đất sét, mỏ đá để ổn định sản xuất của nhóm nghề này.
Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất ngoài việc tự cung cấp trong tỉnh các cơ sơ sản xuất cần liên kết tìm nguồn cung cấp nguyên liệu từ bên ngoài, để làm điều này cần sự liên kết chặt chẽ từ các cơ sở sản xuất.
* Thị trường sản phẩm
Thị trường sản phẩm luôn là gót chân asin của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định sẽ thúc đẩy các cơ sở sản xuất chủ động trong việc đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất.
Thị trường sản phẩm công nghiệp nông thôn Thừa Thiên Huế hiện nay hầu như chỉ bó hẹp trong tỉnh. Do đó trước hết các cơ sở sản xuất phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã để đáp ứng thị hiếu
người tiêu dùng, đồng thời cần mở rộng ra thị trường bên ngoài bằng các sản phẩm chủ lực, có uy tín đã đứng vững ở thị trường trong nước như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm gỗ mỹ nghệ, đồng đúc, hàng dệt, hàng thêu, áo dài, nón lá; một số thực phẩm nổi tiếng như tôm chua, mè xững, bún khô. Đi kèm với các sản phẩm này là một số sản phẩm thủ công khác được chọn lọc kỹ về mẫu mã, chất lượng tốt như mây, tre đan, tranh giấy… để giới thiệu người tiêu dùng làm quen với sản phẩm mang thương hiệu Huế.
Phát huy hệ thống các chợ đầu mối ven quốc lộ và tỉnh lộ như chợ Phong Thu, chợ Sịa, chợ An Lỗ,… và các chợ nhỏ trong việc phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng ở nông thôn.
Một điều thuận lợi cho công nghiệp nông thôn Thừa Thiên Huế là Festival nghề truyền thống được tổ chức định kỳ hai năm một lần vào các năm lẻ, đây là cơ hội để các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng cường việc trưng bày giới thiệu sản phẩm với du khách và tìm đối tác đầu tư. Ngoài ra các cơ sở sản xuất này cũng cần chú trọng giới thiệu sản phẩm trong các festival làng nghề truyền thống ở các địa phương khác trên cả nước để quảng bá sản phẩm của mình.
* Thị trường vốn
Vốn là nguồn lực quan trọng để thực hiện sản xuất cũng như tái sản xuất mở rộng. Vốn trong các cơ sở công nghiệp nông thôn thường nhỏ, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn vì sự thẩm định các dự án vay vốn của các tổ chức tín dụng rất chặt chẽ, các cơ sở công nghiệp nông thôn thường không đáp ứng được các quy định của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay, nhà nước cần cải tiến các thủ tục cho vay, bảo lãnh cho việc vay vốn của các cơ sở sản xuất giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất.
Nhà nước, cơ quan chuyên môn, cán bộ tín dụng cần thẩm định các dự án vay vốn sản xuất, ưu tiên cho các dự án khai thác nguồn lực tại chỗ, tạo nhiều việc làm và đảm bảo vấn đề môi trường.
Nhà nước cần sử dụng những nguồn tín dụng ưu đãi cho công nghiệp nông thôn như quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh của tỉnh, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ tín dụng nhân dân, các nguồn tài trợ của chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ,… để tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời đổi mới cơ chế quản lý tốt vốn vay để các cơ sở này sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả tránh lãng phí, thất thoát.
Theo khảo sát của trung tâm tư vấn và phát triển công nghiệp Thừa Thiên Huế, mỗi năm công nghiệp nông thôn cần đầu tư thêm khoảng 30 tỷ, trong đó, nhà nước hỗ trợ khoảng 30%, phần còn lại các có sở sản xuất tự huy động từ các nguồn khác.
Huy động vốn là một vấn đề khó khăn, do đó các cơ sở sản xuất cần tích cực tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng tích lũy vốn để tiếp tục tái sản xuất mở rộng.
3.3.4. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho nông thôn
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn là nội dung của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, là điều kiện vật chất để phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng. Kết cấu hạ tầng nông thôn có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của công nghiệp nông thôn. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn là tiền đề cần thiết để phát triển sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hoá giữa các vùng, địa phương trong cả nước, giải quyết tốt vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã đáp ứng cơ bản những yêu cầu của sản xuất và đời sống. Song, so với yêu cầu phát triển nông thôn, thì hệ thống hạ tầng đó vẫn trong tình trạng thấp kém, còn thiếu đồng bộ nên cần một số giải pháp mang tính tổng thể và đồng bộ.
Kết cấu hạ tầng phục vụ trực tiếp cho công nghiệp nông thôn bao gồm hệ thống giao thông, mặt bằng để xây dựng nhà xưởng sản xuất, hệ thống cung cấp điện, nước cho sản xuất, các công trình xử lý chất thải, cây xanh làm vùng đệm, hệ thống thông tin khoa học kỹ thuật, các trung tâm khuyến công, khuyến nông, trung tâm tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh.
Để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất kinh doanh trong công nghiệp nông thôn cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề cơ bản sau:
Xây dựng, hoàn thiện các cụm công nghiệp, làng nghề đã quy hoạch để nhanh chóng đưa vào sử dụng. Ngoài 10 cụm công nghiệp, làng nghề đã đi vào hoạt động phải tiến hành xây dựng các cụm công nghiệp còn lại đúng tiến độ, giải quyết nhanh vấn đề mặt bằng cho các cơ sở sản xuất vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Phát triển hệ thống cung cấp điện, nước sạch cho sản xuất, đưa điện nước đến từng cơ sở sản xuất an toàn, giá ưu đãi, tránh thất thoát để giảm chi phí cho các cơ sở sản xuất.
Tăng cường các hoạt động của các trung tâm khuyến nông, khuyến công giúp nhân dân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất. Thông tin kịp thời các chủ trương chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn. Yêu cầu cán bộ cầm tay chỉ việc, giải thích nhưng không làm thay mà để các cơ sở sản xuất tự làm để tiếp thu kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho công nghiệp nông thôn chỉ có ý nghĩa khi có sự tích cực từ hai phía: Nhà nước với tư cách là chủ đầu tư và các cơ sở sản xuất với tư cách là người sử dụng mới đảm bảo hiệu quả thiết thực kinh tế xã hội trong phát triển công nghiệp nông thôn.
3.3.5. Đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho công nghiệp nông thôn
Lao động luôn là vấn đề cơ bản của mọi quá trình sản xuất. Là yếu tố quyết định đến tốc độ và chất lượng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển công nghiệp nông thôn cần phải có nguồn lao động dồi dào, có kỹ thuật và có kỷ luật.
Lao động trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn ở Thừa Thiên Huế hiện nay đang còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng. Lực lượng lao động trẻ hiện nay ít gắn bó với việc làm ở nông thôn, họ thường di chuyển đến các thành phố lớn, nơi có nhiều khu công nghiệp để làm việc với thu nhập cao hơn điều đó tạo nên sự thiếu hụt lao động trong công nghiệp nông thôn. Để đảm bảo lực lượng lao động cho công nghiệp nông thôn trong thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Thu hút, vận động, tạo điều kiện việc làm và thu nhập để lao động đã đi làm xa về làm việc tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh nhằm tận dụng tay nghề của họ.
Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vì trên thực tế số lao động chỉ được đào tạo nghề qua kinh nghiệm. Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với trung tâm khuyến công tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn nhưng số lượng tham gia rất hạn chế, chỉ đáp ứng cho các khu công nghiệp, số làm việc trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn không đáng kể.
Việc nâng cao tay nghề cho lao động cần có sự phối hợp từ nhiều phía: các cơ sở sử dụng lao động phải tham gia để được sử dụng lao động có tay nghề, phía người lao động phải tích cực để nâng cao tay nghề mới có việc làm và thu nhập, phía nhà nước, các tổ chức hiệp hội ngành nghề phải hỗ trợ để tạo sự đồng thuận trong môi trường đào tạo, nhân cấy nghề cho lao động, đảm
bảo sự đồng bộ, hiệu quả sử dụng, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của cho xã hội.
Kinh nghiệm một số tỉnh cho thấy, trong quá trình đào tạo nghề có thể mời các nghệ nhân, những người có tay nghề cao trong và ngoài tỉnh tham gia truyền nghề, nhân cấy nghề cho công nghiệp nông thôn. Hằng năm, cần tổ chức hội thi nghề và sản phẩm thủ công sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề thủ công nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung.
Năm 2009, nhân dịp Festival làng nghề truyền thống tại Huế, Cục chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thi Sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ IV, nhằm tôn vinh nghệ nhân, thợ thủ công đã thu hút 166 sản phẩm của 70 tác giả thuộc 5 nhóm ngành gồm gốm sứ; mây tre đan; gỗ, sơn mài; thêu ren, dệt thổ cẩm, lụa; bạc, đồng đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách, qua đó giới thiệu sản phẩm thủ công Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đến cộng đồng quốc tế. Đây là một biện pháp nhằm phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ cũng như thu hút lao động vào lĩnh vực công nghiệp nông thôn.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển các ngành nghề, đánh giá nhu cầu lao động và tay nghề tương ứng để đào tạo, tránh tình trạng đã được đào tạo nghề nhưng không sử dụng được.
Nhu cầu đào tạo nghề cho các ngành nghề nông thôn ở Thừa Thiên Huế khoảng 4.000 lao động/năm với kinh phí dự kiến khoảng 4,5 tỉ/năm. Nguồn kinh phí này cần xã hội hóa theo kiểu nhà nước hỗ trợ 50% còn lại là sự đóng góp của các cơ sở sản xuất và người lao động.
Có thể nói, vấn đề lao động là một trong những vấn bức bách hiện nay của công nghiệp nông thôn Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Việc đào tạo nghề và làm cho người lao động gắn bó với nghề là mấu chốt để giải quyết vấn đề lao động cho công nghiệp nông thôn.