Sự Mô Hình Hóa Một Kiểu Tự Sự Về Liệt Nữ Trong “Đại Nam Liệt Truyện” Và Làn Sóng Kế Tiếp Của Nó Trong Truyện Nôm


văn học đơn thuần. Trong số 55 tiết phụ, liệt nữ được nhắc đến trong Đại Nam liệt truyện, chỉ có 15 người được nhắc qua về dung mạo bằng những ấn tượng chung chung chứ không được miêu tả kĩ càng. Điều gây ngạc nhiên, và cũng là đương nhiên: họ hầu hết đều là người có nhan sắc54. Ở đây, nhan sắc - một thế mạnh giới tính - lại trở thành trở ngại lớn nhất đối với họ trên con đường thủ tiết, đồng thời cũng là “cơ hội” lớn nhất để họ bị đẩy đến hành vi tiết liệt. Đối với người phụ nữ muốn bảo vệ trinh tiết, nhan sắc rõ ràng đã được các sử gia nhìn nhận như một

duyên cớ gây ra bao phiền toái đến từ bên ngoài, nhưng cũng vì những phiền toái đó mà họ có dịp thể hiện bản lĩnh của mình. Nếu như có được miêu tả ngoại hình, các liệt nữ cũng chỉ được nhắc đến trong những câu chữ ngắn ngủi như hành vi “chính sắc”, “nghiêm nét mặt”. Nhân vật đã thực sự là “khô mộc, tử hôi”, hi sinh những thái độ sống để giữ tâm bình lặng cho phần đời còn lại. Có thể nói, việc họ ẩn mình đi trong mọi quan hệ xã hội hay thái độ của họ đối với nhan sắc đã được các sử gia nho thần ghi nhận khá trung thực. Liệt nữ Phan Thị Trang “khi đưa ma mặc áo gai để trở trong ba năm không ra đến hàng chợ” [142, tr.517], Đỗ tiết phụ (Thanh Hóa) sau khi chồng chết “đến 60 tuổi người ta vẫn ít khi trông thấy mặt” [144, tr.470 - 471]… Không chỉ tuyệt giao với cuộc sống bên ngoài, với những quan hệ xã hội tối giản và cần thiết, họ còn tuyệt giao với chính con người “bản lai diện mục” của mình. Phổ biến trong Đại Nam liệt truyện là minh chứng về việc các liệt nữ, tiết phụ bằng cách này hay cách khác hủy hoại mạng sống hoặc hủy hoại một phần thân thể, nhan sắc của bản thân mình: Trương Thị Vân “lấy dao rạch mặt”, Nguyễn Thị Thủy “bôi nhọ nồi hủy hoại nhan sắc” [142, tr.519], Nguyễn Thị Quyên (Hà Tĩnh) “cắt tóc trốn làm sư ni” [144, tr.462], Lê Thị Nhuận dầu dãi “mưa gió tóc mây rối bù” [144, tr.464], Đoàn Thị Lựu “lấy móng tay hủy hoại con mắt” [144, tr.465],… Có thể thấy, trong hành vi của họ, ngoài việc thể hiện chí khí, tiết liệt, còn ẩn chứa một sự phẫn uất dành cho nhan sắc thiên phú. Chính vì nhan sắc đó mà họ phải chịu sự khổ sở, lưu lạc, trốn tránh những kẻ “bạo nam”, “cường hào”, “thổ phỉ” hay đơn


54 Trần Thị Tuần “có nhan sắc” [142, tr.518], Thái Thị Oanh có “sắc đẹp” [142, tr.519], Hoàng Thị Trúc “có sắc đẹp” [144, tr.460], Vi Thị Phí “có vẻ đẹp” [144, tr.462],…


thuần chỉ là những người bình thường vì yêu mến sắc đẹp (và cả sự kiên trinh) đến quấy rầy cuộc sống bình lặng của họ. Mẫu số chung đằng sau hành vi hủy hoại nhan sắc của các tiết phụ, liệt nữ trong Đại Nam liệt truyện là thái độ phủ nhận cay nghiệt của họ đối với nhan sắc, với thân xác. Việc các liệt nữ không ngần ngại hủy hoại gương mặt cũng như hủy hoại cái “góc con người” chứng tỏ họ đã sẵn sàng cho một đời sống mới, một diện mạo mới mà ở đó nữ tính bị chối bỏ, thân xác bị phủ nhận, tuổi xuân bị vùi dập. Đương nhiên, họ không hề chia sẻ quan điểm “Thịt da ai cũng là người” của Nguyễn Du trong giai đoạn trước. Nếu chiếu theo nghĩa hẹp của câu nói “Thân thể phát phu thụ vu phụ mẫu bất cảm hủy thương” (Thân thể, tóc da do cha mẹ ban cho, không dám làm thương tổn) mà nhà nho vẫn nêu cao suốt bao nhiêu thế kỉ thì những tiết phụ, liệt nữ này đã hi sinh chữ Hiếu cho chữ Trinh một cách quyết liệt. Nhìn lại hệ lụy mà những phụ nữ xinh đẹp gặp phải ta sẽ hiểu vì sao người xưa dè chừng nhan sắc, nghi kị nhan sắc và sợ hãi trước nhan sắc đến thế. Nhan sắc phụ nữ, trong mắt nhà nho, không chỉ là rào cản đối với việc thực hành đạo lí của nam giới, mà cũng chính là rào cản đối với việc tuân thủ đạo lí Nho giáo của nữ giới. Trong một xã hội động loạn, giặc giã hoặc một xã hội mà kẻ có tiền (giàu có), có quyền (cường hào) sẵn sàng dùng tiền bạc hoặc thế lực để thỏa mãn nhu cầu tình dục thì nhan sắc lại càng là một nguy cơ. Dù sao đi nữa, các sử gia đã quan tâm đến một vấn đề cốt tử của các liệt nữ, tiết phụ: Họ hầu hết đều là người có sức hấp dẫn, chủ yếu là về mặt giới tính. So với tiểu thuyết chương hồi hay truyện thơ Nôm tài tử giai nhân, việc miêu tả ngoại hình của kiểu nhân vật liệt nữ trong Đại Nam liệt truyện có thể là một bước lùi nhưng so với chính kiểu truyện này trong truyền thống sử truyện của văn học Việt Nam trung đại thì đây là một sự vận động trên cơ sở tuân thủ những khuôn mẫu.

Trong mạch truyện về các nhân vật liệt nữ, tiết phụ của sử gia nho thần triều Nguyễn, so với Đại Nam thực lục Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện (về cơ bản) có dung lượng lớn hơn cả. Chính do lợi thế đó nên nhân vật có “đất diễn” rộng hơn và việc phát ngôn của nhân vật cũng được quan tâm nhiều hơn. Ngôn ngữ nhân vật của kiểu nhân vật liệt nữ trong Đại Nam liệt truyện đã được chắt


lọc đến mức tối giản bởi không phải nhân vật nào cũng có quyền nói và không phải nhân vật nào cũng được nói một cách trực tiếp và ngôn ngữ này đã được “lọc” qua mấy lần chuyển tải: Người thân của nhân vật, Quan lại địa phương, Sử quan của triều đình. Có khá nhiều phát ngôn được dẫn ở dạng gián tiếp như trường hợp Nguyễn Thị Ngữ (“thề không đổi tiết” [142, tr.516]), Trương Thị Vân (“thề không tái giá” [142, tr.519]), Nguyễn Thị Tín (“một mực cự tuyệt” [144, tr.467]),… Số nhân vật được phát ngôn trực tiếp không nhiều nhưng cũng giúp độc giả hiểu thêm mối quan tâm của họ trong mỗi lần ngôn chí và, trong mắt sử gia nho thần, họ không hề có ngôn ngữ đời thường. Ngôn ngữ đời thường nhất được phản ánh trong đó cũng là thứ ngôn ngữ mang đầy tinh thần trách nhiệm: “Các con chăm học ta có khổ tiết cũng cam” [144, tr.473]; còn lại, họ chỉ có quyền phát ngôn về nghĩa vụ của con người trong các quan hệ luân thường cơ bản. Ở các nhân vật này, khía cạnh Trung không còn được quan tâm hay đúng hơn bối cảnh xã hội lúc đó hướng tất cả sự tập trung của họ vào vấn đề Trinh tiết. Họ phát ngôn đúng như đang “phát ngôn” cho một lí tưởng sống, cho một trật tự đạo đức, luôn đưa ra một mệnh đề đạo đức mang tính quy chuẩn của xã hội Nho giáo đương thời rồi mới áp dụng vào trường hợp của cá nhân mình như Trần Thị Tuần (“Người đàn bà theo nghĩa chỉ một đời chồng cho đến lúc chết, còn có thể nào đi cửa khác nữa ư?” [142, tr.518]), Phạm Thị Uyển (“Người liệt nữ không lấy hai đời chồng, huống con chồng cũng như con mình, xin cho toàn đạo vợ, thề không có chí khác” [144, tr.462])… Trong mỗi phát ngôn, ngoài sức nặng của sự phục tùng đạo lí còn có sự ràng buộc của một niềm tin mang tính chất tôn giáo. Việc các liệt nữ khấn trước bàn thờ chồng, hay “thề không có chí khác” là việc tự tạo cho mình những rào cản tâm linh, phát ngôn như có quỷ thần chứng giám, và cũng là một cách tự ràng buộc mình vào chữ Tín, kiềm tỏa những lung lay có thể phát sinh trong chí hướng về sau. Điều đặc biệt là trong ghi chép của các sử thần, những người vốn có khả năng “lọc” thông tin tương đối mạnh, vốn chỉ chấp nhận những dẫn chứng phù hợp với kết luận sẵn có của mình, lại "lọt lưới" một vài khoảng trống dành cho những phút băn khoăn rất con người của kiểu nhân vật này. Phạm tiết phụ lúc chồng mất đã thương khóc nói rằng: “Nếu có con ra

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.


thời phận đã yên. Nay thời không thế, biết ra sao?” [144, tr.469”] còn Phan Thị Đốc thì nói “Chồng chết, con còn bé, mẹ chồng già hãy còn sống, lẽ nào đổi tiết” [142, tr.520]. Trong lời nói của Phạm tiết phụ, có sự phân vân hay đúng hơn là sự khó xử của người quả phụ khi chồng mất mà bản thân mình không có đứa con làm chỗ dựa về mặt tinh thần. Việc Phạm tiết phụ tuẫn tiết có thể không phải là biểu hiện của một ý chí mạnh mẽ mà là sự thừa nhận của một người không dám chắc mình sẽ kiên trinh trước sóng gió sau này. Phát ngôn của Phan Thị Đốc cũng cho phép người nghe đặt giả thiết về khả năng bà có thể sẽ tái giá nếu những điều kiện đưa ra trong phát ngôn ngược lại với hiện thực. Phan Thị Đốc đã lí giải nguyên nhân thủ tiết bằng ba việc mà trong đó việc “chồng chết” chỉ là một phần, cái quan trọng hơn là nghĩa vụ của bà, của người quả phụ, trong vai trò làm mẹ, làm dâu. Kiểu phát ngôn này khiến nhân vật có vẻ gần gũi hơn trong mắt người đọc, giúp nhân vật phần nào thoát khỏi cái vỏ cứng nhắc được nhà nho đúc ra từ trước khi viết truyện. Như vậy, trong Đại Nam liệt truyện, ngôn ngữ nhân vật về cơ bản là độc thoại, nhân vật chính chỉ cần nói ra ý nguyện, chí hướng của mình mà không cần đối thoại với bất kì ai. Có một trường hợp khá đặc biệt là truyện về Đỗ tiết phụ người Đông Sơn (Thanh Hóa). Đặc biệt vì nhân vật này là người triều Nguyễn, thời gian chưa xa nhưng sử thần không rõ tên thật để ghi lại. Thêm nữa, bà cũng không được ghi trong Đại Nam nhất thống chí như một “điển hình” của xứ Thanh. Trong Đại Nam thực lục không nhắc đến bà nhưng trong Đại Nam liệt truyện thì truyện viết về bà lại có dung lượng lớn hơn nhiều truyện khác đồng thời nhân vật được “nói” rất nhiều, thậm chí còn có những đối thoại. Khi mẹ chồng thương về chí hướng, bảo rằng: “Con còn trẻ chịu yên phận nghèo với ta thời tùy ý, trái lại không chịu được cũng cho tùy ý. Ta già phải chết chớ quyến luyến ta nữa” thì bà cau mày và nói: “Nếu con đi thời lão mẫu trông cậy ai, nhà ta trinh bạch đã 2 đời nay, nếu để thẹn cho đạo làm vợ thời nhất đán làm ô nhục đó! Con đâu nỡ thế ư! Xin thay chồng nuôi mẹ cho chí lúc tận số”. Đoạn đối thoại tuy ngắn ngủi nhưng khá hiếm hoi này trong Liệt nữ truyện của Đại Nam liệt truyện cho phép nhân vật có cơ hội biện bác, lập luận với những đối thoại cụ thể nhưng dù sao vẫn là phát ngôn với một

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 15


tinh thần nghĩa vụ bất khả tư nghị. Không thấy sử sách cũng như Đại Nam liệt truyện ghi chép về việc nêu khen Đỗ tiết phụ mà cuối truyện chỉ đưa ra một lí do “làm truyện để ghi nhớ” [144, tr.471], chứng tỏ việc bà “giữ lửa truyền thống” tiếp nối đến 3 đời thủ tiết trong một gia đình đã gây ấn tượng mạnh với sử quan, dù việc thủ tiết của bà không có “sự trạng đi kèm” nào đặc biệt.

Trong các truyện viết về tiết phụ, liệt nữ của Đại Nam liệt truyện, ngoại hình của nhân vật không được chú trọng, ngôn ngữ của nhân vật không được quan tâm, lí lịch của nhân vật cũng không được để ý55, điều khiến họ đi vào sử truyện chính là hành vi tiết liệt. Có thể nói, trong kiểu truyện này, hành động của nhân vật đã lấn át đời sống tâm lí của chính họ. Sống trong những hoàn cảnh có khá nhiều giằng co, tranh đấu nội tâm (chồng chết, con chết, thổ phỉ bức hiếp, cường hào ép buộc…)

nếu theo lẽ thường họ phải là những người có diễn biến nội tâm phức tạp nhưng trong thực tế, và cả trong ghi chép của sử gia, họ sống như những cỗ máy. Liệt nữ Nguyễn Thị Kim khi đến đón quan tài của Lê Chiêu Thống được đưa từ Trung Quốc về đã “thương khóc, bảo người nhà rằng việc của tôi đã xong rồi, bèn uống thuốc độc chết” [142, tr.516] mà không có một biểu hiện nào về việc suy tính trước khi tìm đến cái chết. Theo Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực (1808 - 1852), sau khi viếng tang Lê Chiêu Thống, Nguyễn Thị Kim đã “khóc với Doãn Hựu hỏi về thân thế mình nên thế nào. Hựu bảo: “Chết theo tiên quân, là thượng kế; về lăng tẩm để giữ đèn hương thờ vua, là kế thứ hai”. Hậu bèn uống thuốc độc chết. Bấy giờ mới 40 tuổi” [209, tr.74]. Có thể nói, Quốc sử di biên đã miêu tả một Nguyễn Thị Kim ít nhiều còn băn khoăn trong việc chọn đường cho những tháng ngày còn lại chứ không quả quyết tuẫn tiết như ghi chép của sử sách chính thống nhà Nguyễn. Việc họ tử tiết là một sự thực, việc họ “giả cách điên cuồng” cũng là một sự thực và việc sử gia lựa chọn các chi tiết ấy để đưa vào liệt truyện cũng là một sự thực. Thú vị nhất là trường hợp Đào Thị Hiển, một người con gái 16 tuổi, mới hứa gả chồng, đưa sính lễ, chưa kịp cưới xin, và đương nhiên cũng chưa có chuyện “đã khi chung


55 Có người không rõ họ, có người không rõ tên, có người không rõ tên của chồng, điều này khiến họ tồn tại như những biểu tượng của nhân cách chứ không còn là những con người cụ thể được đặt trong quan hệ với nhân quần.


chạ lại khi đứng ngồi” nhưng được sử thần “quyết” ngay cho một câu rằng “chưa kịp về nhà chồng nhưng tình đã in sâu” [144, tr.474]. Đây là phán xét của một người đã nắm rõ được kết cục của câu chuyện (Đào Thị Hiển treo cổ không thành sau khóc đến thổ huyết mà chết) nên đánh giá và suy đoán nương theo kết cục của truyện. Thực tế, việc làm và suy nghĩ của các liệt nữ nói chung cũng như Đào Thị Hiển nói riêng giống với việc thực hành một tín điều tôn giáo, chỉ có niềm tin chồng lên niềm tin, không chấp nhận đối thoại và cũng không cần tranh biện. Họ định nghĩa mình bằng hành động, lưu danh bằng hành động. Trong số họ, mỗi người một vẻ, người thì “uống thuốc độc chết” [142, tr.516] như Nguyễn Thị Kim; người thì “bí mật vào trong phòng thắt cổ chết” [144, tr. 464] như Nguyễn Thị Bình, “đêm khuya lẻn ra ngoài vườn gieo mình xuống giếng chết” [144, tr.467] như Ngô Thị Khách… ngoài ra là những người vì chống cự kẻ cưỡng hiếp hay cường bạo mà bị hại đến chết như Hoàng Thị Trúc, Nguyễn Thị Nương,… Trong thực tế, có nhiều người có thể chỉ dừng lại ở mô hình tiết phụ ở vậy thủ tiết nhưng hoàn cảnh đã buộc họ trở thành liệt nữ như Đoàn Thị Quang “năm 17 tuổi lấy chồng, được 1 năm chồng chết không có con, cha mẹ thương muốn ép cải giá, thị tự tử chết” [144, tr.465] hay Lê thị (Thanh Hóa) “có người tỏ ý kiến dỗ đi cải giá, thị chống cự dữ, nhân đốt đồ mã xong, tới mộ khóc lóc 3 hôm, trở về tự vẫn ở trong buồng” [144, tr.470]... Nếu những người xung quanh không “ép cải giá” hay “dỗ đi cải giá”… thì chưa chắc đã dồn họ đến chỗ phải chứng minh sự trinh liệt của mình một cách cực đoan như vậy và biết đâu đã có thể giúp họ duy trì mạng sống, dẫu cho họ sống

cũng như những chiếc bóng câm lặng56. Hành vi của họ tập trung trong Đại Nam

liệt truyện dễ tạo ra một cảm giác nhàm chán vì lặp lại với tần suất cao nhưng ở từng trường hợp cụ thể nó lại khiến người đương thời phải kinh sợ như hành vi của Lê thị (Thanh Hóa) khiến “nhà chồng kinh sợ thở than” [144, tr.470], Phạm tiết phụ (Nam Định) khiến “cả nhà sợ hãi than thở” [144, tr.469] hay đơn giản chỉ là “người không dám phạm, tuổi già được trọn tiết” [144, tr.464 - 465] như Lê Thị Nhuận…


56 Có người phải “đem mẹ chồng và ẵm con đi ở làng khác” [142, tr.519] như Thái Thị Oanh, hay mượn cửa chùa để bảo toàn trinh tiết như Nguyễn Thị Thanh “gọt tóc mặc áo sư nữ giả cách điên cuồng” [142, tr.519]...


Thái độ của họ đối với thân xác cũng là thái độ của sử gia đối với thân xác, đúng hơn là thái độ của sử gia đối với vấn đề thân xác người phụ nữ. Họ sẵn sàng nêu khen người đàn bà thủ tiết nhưng về cơ bản không tỏ thái độ gì đối với những người đàn ông đua nhau đến nạp thái xin hỏi cưới người quả phụ.

Có thể nói, tìm đến cái chết một cách nhanh nhất hoặc kiên quyết thủ tiết đến già kèm theo những “sự trạng đáng khen” là một hành động bình thường đối với mỗi tiết phụ, liệt nữ. Hành động ấy là sản phẩm của một tâm lí đơn tuyến và nhất phiến. Nhà nho không quan tâm đến diễn biến tâm lí thúc đẩy hành vi của nhân vật mà chỉ chăm chú tìm kiếm ý nghĩa đạo lí, đúng hơn là nhận định xem hành vi của nhân vật có hợp với chuẩn mực đạo đức Nho giáo hay không. Nếu nói rằng văn học nhà nho đề cao sự trung hậu, ôn nhu, “vừa phải, có mức độ, không để cho tình cảm bộc lộ quá cuồng nhiệt, quá say đắm” [77, tr.23] thì hành vi tự tận của nhiều liệt nữ đã vi phạm nguyên tắc “ai nhi bất thương” đó. Cũng phải nói thêm rằng, trong nhận thức của các nhân vật liệt nữ cũng như trong quan niệm của người viết sử, việc tuẫn tiết và thủ tiết là những hành vi mang lại những dư cảm không hề dễ chịu, nhất là với những tiết phụ duy trì cuộc đời tàn héo của mình trong cô độc. Không phải ngẫu nhiên mà Đại Nam liệt truyện có ghi kèm những dòng nho nhỏ vào phần đời thủ tiết của các tiết phụ như Thái Thị Oanh “mẹ chồng thì già yếu, nhà rất nghèo” [142, tr.519], Nguyễn Thị Tín “khổ tiết giữ mình” [144, tr.467]… thậm chí chính họ cũng thừa nhận điều này như tiết phụ Nguyễn Thị Thuần ở góa nuôi con thường răn các con rằng: “Các con chăm học ta có khổ tiết cũng cam” [144, tr.473]. Có thể nói, “khổ tiết” ở đây thể hiện trên cả phương diện vật chất và tinh thần. Số tiết phụ “nhà tương đối khá” như Vũ thị (Thanh Hóa) hay “con gái nhà giàu” như Nguyễn Thị Thuần chiếm tỉ lệ cực thấp. Có lẽ việc các liệt nữ, tiết phụ khuôn mình trong cuộc sống thiếu thốn về kinh tế, sống tự cấp tự túc cũng là một cách tự phòng ngừa bản thân, tránh xa cuộc sống “no cơm ấm cật” theo quan niệm dân gian. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, “cố giữ khổ tiết” cũng phản ánh cả những giằng co, thôi thúc của đời sống thân xác, đời sống tinh thần trong khi bên ngoài người ta “tranh nhau muốn lấy” (Nguyễn Thị Ngữ), “người tới nạp thái ra vào đầy cửa” (Vi Thị Phí),…


Từ một góc nhìn khác, có thể thấy việc kham khổ trong đời sống cơm áo cũng là một bước đệm trong việc vượt qua những cám dỗ nhục cảm. Việc cách li với bên ngoài, với nhân quần theo lối “nghiêm tuyệt người qua lại” (Nguyễn Thị Thuần) hoặc “đến năm 60 tuổi người ta vẫn ít khi trông thấy mặt” (Đỗ tiết phụ),… cũng là ngăn ngừa con người bản năng trong mình theo một cách tiêu cực. Họ cô độc vì thực hiện hành vi thủ tiết và tự cô lập mình trong đời sống cộng đồng nhưng càng tự cô lập họ càng nhận được sự kính trọng từ xung quanh, chính vì thế, tuy cô độc nhưng họ lại kiêu hãnh với sự cô độc đó và có thêm sức mạnh tinh thần để duy trì hành vi tiết liệt. Các hành vi tiết liệt này không nằm ngoài truyền thống ngôn chí tỏ lòng của nhà nho dù cho những phụ nữ này chỉ là sản phẩm thứ cấp của nền giáo dục Nho giáo. Họ không chỉ “giữ chí càng vững” (Trương Thị Vân), “quyết chí ở góa” (Nguyễn Thị Thông), “giữ chí tòng nhất” (Nguyễn Thị Viên)… mà còn có những hành vi mang đậm màu sắc tỏ lòng đúng như nhận xét của Trần Đình Sử về văn học trung đại Việt Nam. Hành vi “gieo mình xuống sông định tự tử” của Nguyễn Thị Ý, “lấy dao rạch mặt” của Trương Thị Vân, “tự thích vào mặt” của Nguyễn Thị Phán, “khóc lóc ra máu” của Nguyễn Thị Bình, “ngày đêm thương khóc, ăn uống đều bỏ (…) móc cổ họng chết” của Nguyễn thị (Hà Tĩnh), “qua thăm mộ chồng rạp mình xuống đất kêu khóc, đưa về nhà mẹ đến đêm thổ huyết chết” của Đào Thị Hiển… là những minh chứng sống động cho nhận xét đó.

4.1.2. Sự mô hình hóa một kiểu tự sự về liệt nữ trong “Đại Nam liệt truyện” và làn sóng kế tiếp của nó trong Truyện Nôm

Trong việc tự nhận thức của sử gia, Đại Nam liệt truyện có yếu tố truyện mạnh hơn so với Đại Nam thực lục Đại Nam nhất thống chí dù cho bản chất của liệt truyện vẫn nặng về tính chất hành chính quan phương và tính chất “người thực việc thực”. Chính vì xuất phát điểm mang đậm màu sắc sử học như vậy nên Đại Nam liệt truyện còn bảo lưu mô hình “búa rìu Xuân Thu” của sử học thông qua phần Lời bình ngắn gọn thường xuất hiện ở cuối truyện dù không phải ở truyện nào mô hình này cũng được tuân thủ nghiêm ngặt, ở đó Sử và Truyện không khác nhau nhiều. Phần lớn “lời bình” này được chuyển hóa hay đúng hơn là giản hóa dưới dạng

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí