Liệt Nữ Tà Dâm Và Vưu Vật Trinh Liệt Hay Là Sự Phân Hóa Lí Tưởng Nho Gia Cuối Thế Kỉ Xviii: Trường Hợp Thúy Kiều (Truyện Kiều) Và Đặng Thị Huệ


đẩy vào đường cùng của sự lựa chọn mà vẫn ung dung chọn cho mình cái chết. Dẫu cho tầm ảnh hưởng xã hội của nhân vật không quá lớn36, nhưng đặt nhân vật lịch sử (và cũng là nhân vật văn học) này trong bối cảnh xã hội khi đó ta thấy có lẽ hành động của bà sẽ tìm được tiếng vọng trong nửa sau thế kỉ XVIII với những Lí Trần Quán, Trần Danh Án hay quan niệm hà khắc về chữ Hiếu, chữ Trung trong Xuân Thu quản kiến của Ngô Thì Nhậm.

Nhìn trong tương quan so với Truyền kì mạn lục, Truyền kì tân phả có một điểm khác biệt khá lớn. Trong Truyền kì tân phả, An Ấp liệt nữ lục không có đối trọng như trong Truyền kì mạn lục. Ngoài việc miêu tả chút phá cách của Thánh mẫu Liễu Hạnh trong Vân Cát thần nữ lục37, Truyền kì tân phả không có những nhân vật phản liệt nữ như Đào thị, Thị Nghi, Đào, Liễu… trong Truyền kì mạn lục. Các truyện của Truyền kì tân phả hầu hết viết về phụ nữ nhưng khá nhất phiến, chủ

yếu theo hướng “tích cực” trung trinh, nhân vật không đa dạng như Truyền kì mạn lục. Nếu như có một chút đối trọng nào đó thì đó chính là một kiểu “đối trọng tự thân”, một sự phân mảnh của mỗi nhân vật, dù rằng chuyện này rất mờ nhạt. Câu chuyện Lê Thị Ta vợ Phạm Mưu tự tử vì chồng chết khi đi sứ nước Nguyên (1295) có lẽ cũng có nội dung tương tự nhưng không đủ sức hấp dẫn đối với các văn sĩ đương thời mà chỉ đi vào chính sử. Trong An Ấp liệt nữ lục, trước khi vào nội dung chính của truyện, văn bản có bài Tổng bình theo điệu khúc Tạo la bào:

(Ai bảo đàn bà khó dạy? Than thế gian,

Kẻ bạc hạnh nhiều thế a?

Mặc Trai nếu chẳng giỏi tề gia,

Phu nhân đâu chịu quyên sinh mà!... [57, tr.154 - 155].

Bài Tổng bình, trước tiên nhằm cải chính quan niệm “phụ nhân nan hóa” tồn tại dai dẳng trong đầu óc nhà nho thời trung đại đồng thời nêu ra một vấn đề có tính


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

36 Sau khi bà mất chỉ mấy năm, Hà sinh là người cùng tỉnh đi qua đền thờ, đọc bia xong mới biết đầu đuôi câu chuyện. Có lẽ một phần do bản chất khép kín và tự trị của làng xã Việt Nam xưa.

37 Các nhân vật nữ được thiêng hóa trong văn học dân gian và văn học trung đại như Âu Cơ, Tiên Dung, Liễu Hạnh có một điểm chung là khá “phá cách”. Do vậy, có cơ sở để cho rằng có một độ

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 12

chênh nhất định trong những quy phạm dành cho phụ nữ ở những thang bậc xã hội khác nhau.


thời sự đó là xã hội khi đó xuất hiện vô số “kẻ bạc hạnh”. Cái chết của Phan Thị Viên - Nguyễn thị chính là hành vi trả một món nợ ân nghĩa đối với người chồng xấu số và góp phần khẳng định hành vi đó là sản phẩm của việc “thiện tề gia” mà tác giả là Mặc Trai Đinh Nho Hoàn, và “thiện tề gia” ở đây cũng đồng nghĩa với “hóa” trong câu “phụ nhân nan hóa”. Có thể nói, Đoàn Thị Điểm bị giằng co từ hai phía, một đằng bà muốn khẳng định tính chất “kiền thành”, “thuần khiết” của nhân vật này nhưng mặt khác, qua những miêu tả của mình, bà đã làm “sụt giảm trông thấy” các yếu tố liệt nữ của nhân vật Nguyễn thị mà yếu tố đầu tiên là chi tiết

Nguyễn thị tự tận ngay khi vừa mang thi hài của chồng về quê đã bị Hồng Hà nữ sĩ “hoãn” lại đến giỗ đầu38. Nếu như cái chết của các nhân vật như Mị Ê, Nhị Khanh, Lệ nương, Vũ nương gây lên ở người đọc lòng thương cảm nhiều hơn thì ở cái chết của Nguyễn thị vợ Ngô Miễn và cái chết của Phan Thị Viên - Nguyễn thị gợi lên sự thán phục, ngưỡng mộ là chủ đạo.

Về mặt tâm lí sáng tạo, người phụ nữ (nhất là phụ nữ đẹp) tìm đến cái chết dễ gây xúc động một phần do sự mỏng manh của thể chất và thân phận họ, khiến hình tượng này có nhiều sức gợi, tiềm tàng khả năng gây xúc động về mặt thân phận hơn là về mặt đạo lí. Từ trong bản chất, việc những người phụ nữ tự (hoặc phải) tìm đến cái chết đã mang trong đó mầm mống của câu chuyện “giai nhân nan tái đắc”. Trong An Ấp liệt nữ lục, cái chết của Nguyễn thị cũng là một trường hợp như vậy. Không phải Đoàn Thị Điểm là người đặt ra vấn đề này đầu tiên. Trong Truyền kì mạn lục, đây đó Nguyễn Dữ cũng đã đề cập, tuy nhiên, ở thế kỉ XVIII, vấn đề đó không phải chuyện dự báo, đi trước hay mở đường nữa mà là vấn đề có tính thời đại. Chính Ngô Thì Ức (1709 - 1736) đã đề vịnh miếu Vũ nương theo cảm hứng này:

Đăng khiêu ngộ xúc nhân gian trái, Hoa lạc thùy thu thủy quốc hương. (Đèn khêu trần thế xui vương nợ,


38 Cũng có thể có điều đó vì sự thiếu hụt thông tin của nhà văn đối với sự kiện lịch sử, bởi chính tên họ của nhân vật cũng bị viết sai (Phan Thị Viên - Nguyễn thị) và viết thiếu (Đinh Nho Hoàn - Đinh Hoàn).


Hoa rụng, lòng sông khó vớt hương) [Dẫn theo: 171, tr.493].


Có một điểm đặc biệt trong An Ấp liệt nữ lục tuy không nói rõ nhưng Đoàn Thị Điểm giúp người đọc cảm nhận rất rõ, đó là thân phận lẽ mọn của người liệt nữ này. Vợ cả của Đinh Nho Hoàn không tự tử theo chồng. Bà có 3 người con gái và sống thọ đến 76 tuổi39. Đoàn Thị Điểm mô tả tình cảm vợ chồng thuần túy giữa Đinh Hoàn với Nguyễn thị như một câu chuyện mang màu sắc tài tử giai nhân mà trong đó người vợ cả, lúc đó đã có tuổi, không còn hấp dẫn về mặt nhan sắc (đã kịp sinh ba mặt con) và có lẽ cũng khá “quê mùa”, không chia sẻ gì với ông về việc thơ

từ xướng họa cũng như đàm luận về trung thần, liệt nữ. Ở đây, vợ lẽ có sự hấp dẫn về mặt giới tính và tài năng văn chương nên đã trở thành nhân vật chính của câu chuyện và việc bà tự tận mang màu sắc “Nữ vị duyệt kỉ giả dung, sĩ vị tri kỉ giả tử” của người xưa. Vấn đề dung nhan của bà cũng được nhìn nhận khác với nghi dung của vợ Lương Hồng và vợ Khổng Minh đời Hán (Trung Quốc) chứng tỏ sự tri kỉ về mặt văn chương (dẫu có và là một yếu tố quan trọng trong quan hệ mang dáng dấp tài tử giai nhân này) phần nào cũng là bình phong cho sự hấp dẫn về mặt giới tính tạo nên một thứ hấp dẫn giới tính công khai và chính thống. Ngôn ngữ và thơ ca của Đinh Hoàn và Nguyễn thị trong truyện cũng dùng các biểu tượng, sự vật gắn liền với đời sống thân xác lứa đôi, lo lắng cho tuổi xuân mau qua: “Vắng vẻ cô phòng, chăn sương gối tuyết”, “Thanh xuân dị trịch cách phân âm (Quang âm thấm thoắt tuổi xuân qua)”, “Duy hữu mộng hồn đắc tương ngộ (Duy có mộng hồn thường gặp gỡ)”. “Phiên bản” đầu tiên bài thơ của Hà sinh nói “Trung hồn lạc đắc phối giai nhân” (Hồn trung được thờ cùng với giai nhân) dẫu có là một cách nói ước lệ cũng thể hiện phần nào tinh thần đó. Đây là một bước tiến của văn học giai đoạn này bởi theo thống kê của các nhà nghiên cứu: “Trong Hồng Đức quốc âm thi tập (…) không một bài tiếc thương người đẹp (...). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có một bài Khuê tình nói tới tình li biệt. Chỉ có Nguyễn Trãi có 10 bài thơ tiếc cảnh nói đến thương người, tiếc hoa, nhưng cũng là thương tiếc bóng gió chung chung, thường



39 Trong sự kiện liên quan đến Mị Ê, vợ cả của Sạ Đẩu không tự tử theo chồng.


tình, “xuân bất tái lai”, chưa thấy gắn với cuộc đời, con người, số phận cụ thể” [168, tr.218 - 219]. Như vậy, trong giai đoạn trước về cơ bản không có cảm hứng thương tiếc mĩ nhân mà chỉ có ca ngợi đạo lí chung chung còn đến Truyền kì tân phả vấn đề Đạo lí và vấn đề Thân phận đã được đặt ra cùng một lúc dù không thể lạc quan cho rằng nó đã được cân bằng. Nhân vật liệt nữ đất An Ấp trong Truyền kì tân phả là một tín hiệu góp thêm vào nguồn mạch để mở ra dòng chảy của kiểu nhân vật tài nữ trong dáng dấp giai nhân trong văn học Việt Nam trung đại thế kỉ XVIII - nửa trước thế kỉ XIX. Sứ trình của Đinh Hoàn đi qua rất nhiều địa danh của Trung Quốc nhưng chỉ được Đoàn Thị Điểm nhắc đến di tích mộ Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài chứng tỏ Đoàn Thị Điểm chia sẻ số phận của hai nhân vật trong giai thoại với câu chuyện mình đang kể như một sự “vận vào” dù Đinh Hoàn và cả Nguyễn thị đều chưa phải là những tài tử, giai nhân đích thực.


Sử dụng một cốt truyện lịch sử, về một nhân vật có yếu tố tài nữ phù hợp với định hướng của mình, Đoàn Thị Điểm đã có cơ hội sáng tác thơ ca để gán cho nhân vật, khắc họa ở liệt nữ này một cạnh đời thường, giúp nhân vật có vẻ “mềm” hơn. Chính vì thế nên Hoàng Hữu Yên đã khẳng định “người liệt nữ An Ấp trong Truyền kì tân phả của Hồng Hà nữ sĩ chính là tài nữ Phan Thị Viên” [231, tr.65]. Ở đây, vấn đề nguyên mẫu không còn quá quan trọng mà quan trọng là có một sự kiện đã từng xảy ra như thế để tác giả “treo” vào đó tất cả những sáng tạo (có cả nhầm lẫn?) và thơ phú của mình. Nằm trong một xã hội truyền thống mà quan niệm “Nữ tử vô

tài tiện thị đức”40 đã là một định luận thì việc tài nữ Nguyễn thị - Phan Thị Viên

được miêu tả song hành hai phương diện tài hoa và đoan chính là một bước tiến khá lớn, bởi sáng tác văn chương khiến người phụ nữ có đời sống nội tâm phong phú, dễ trở nên “bất trị” hơn. Có thể nói, nếu như việc sáng tác văn chương của các liệt nữ trong Truyền kì mạn lục chủ yếu là để thông tỏ tin tức (Lệ nương) và có số lượng rất ít ỏi (Nhị Khanh), dù trong thực tế Nguyễn Dữ không phải là không có khả năng

40 Trong bài “Văn học của phụ nữ nước Tàu về thời kì toàn thạnh”, Phan Khôi viết: “Ngay như nước Tàu và nước ta đã có một câu ở cửa miệng từ đời xưa rằng: “Nữ tử vô tài tiện thị đức”. Nghĩa là: “Con gái không tài tức là đức đó”. Chữ tài đó là chỉ về cái tài văn học: đọc nhiều sách, hay chữ, biết làm thơ làm phú” [86, tr.111].


“làm giúp” họ nhiều thơ từ hơn nữa, thì việc sáng tác thơ văn của liệt nữ Nguyễn thị

- Phan Thị Viên đất An Ấp đã được cố định thuần túy vào chức năng tỏ bày tâm trạng, một bước tiến của văn xuôi Việt Nam thời trung đại trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Việc đề tài này được chính một tác giả nữ khai thác cũng là một điểm nhấn của truyện. Nếu như trong các tác phẩm thuộc những giai đoạn trước, và cả sau này, trong văn học Việt Nam trung đại, nhân vật liệt nữ thường là sản phẩm của một bàn tay nam giới thì ở đây liệt nữ Nguyễn thị - Phan Thị Viên lại được “phục dựng” qua một bàn tay nữ giới, đúng như P.Bourdieu nói: “Những kẻ bị trị áp dụng những phạm trù được kiến tạo theo quan điểm của kẻ thống trị vào quan hệ thống trị, do đó làm cho những quan hệ này có vẻ như tự nhiên” [15, tr.48]. Không rõ đằng sau những trang văn này có sự đồng cảm riêng rẽ của tác giả đối với nhân vật theo lối “cùng hội cùng thuyền” mang màu sắc giới tính hay không nhưng rõ ràng việc “chúng tôi nói về chúng tôi” đem lại cho người đọc một trải nghiệm khác, thậm chí rất khác, mà ở đó bên cạnh việc thưởng thức tác phẩm văn chương thuần túy ta còn có dịp cảm nhận nỗ lực vãn hồi đạo đức Nho giáo của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XVIII, xoay quanh thời điểm tự tận của Nguyễn thị - Phan Thị Viên và thời điểm sáng tác của Truyền kì tân phả. Người phụ nữ ở đây, cả nhân vật văn học và tác giả văn học, đã phát ngôn cho tư tưởng nam quyền một cách lưu loát, không có biểu hiện nào của tinh thần phản biện, họ thừa nhận những trật tự do nam giới tạo ra và tiếp tục mạch ca ngợi những vật hiến sinh cho trật tự đó, dù rằng trong truyện không phải không có những tiếng nói khuyên can việc Nguyễn thị - Phan Thị Viên tìm đến cái chết, đúng như Frazer - nhà dân tộc học hiện đại Scôtlen - từng nói: “Đàn ông làm ra thần thánh, đàn bà thờ phụng các thần thánh ấy” [11, tr.104]. Sự kiện này chứng tỏ ảnh hưởng của khuynh hướng thực học, phục cổ và sự thấm nhuần giáo lí ở tầng sâu, như ý kiến của Nguyễn Kim Sơn: “Vấn đề lớn nhất đặt ra cho giới nho sĩ đầu thế kỉ XVIII là phải chấn hưng nho học, tái thiết lập uy quyền của đạo thống bằng mọi cách, ngăn chặn sự khủng hoảng tư tưởng chính thống Nho giáo” [165, tr.37]. Những tiếng nói can ngăn ấy, về bản chất, không đủ tính như một thái độ sống đối trọng với mô hình liệt nữ, mà chỉ có tính chất đòn bẩy giúp tôn lên sự “cao


cả” trong hành vi xả thân thủ nghĩa của nhân vật nữ chính, không đủ để làm nên một mạch nguồn để mở đường cho những dòng chảy tự sự duy lí về sau.


Sáng tác An Ấp liệt nữ lục, dẫu không chủ trương treo gương tiết liệt cho muôn đời làm chính nhưng mục đích "Làm thẹn chết những kẻ bạc hạnh đương thời" (Quý sát đương thời bạc hạnh nhân) vẫn là một phần tất yếu của kiểu truyện này. Dẫu có khoảng cách hai thế kỉ so với Truyền kì mạn lục, dẫu yếu tố kì quái hoang đường có giảm bớt nhiều, nhưng yếu tố Kì do hành vi tiết liệt tạo ra vẫn là một phần trong tâm lí sáng tạo và tâm lí tiếp nhận mà tác giả định hướng người đọc vào trong đó, bên cạnh việc miêu tả những giấc mộng đầy huyễn ảo. Việc đề cao tiết nghĩa trong thời bình, việc tác giả là một phụ nữ cùng với việc miêu tả nhân vật chính là tài nữ và cũng là liệt nữ đã làm rõ quá trình chuyển biến của nhân vật từ Tính sang Tình rồi từ Tình lại trở về Tính. So với những vận động trong thơ ca giai đoạn này, rõ ràng sự vận động của truyện hướng tới những chủ đề mang tính nhân văn dường như có bước tiến nhanh hơn dẫu còn không ít những vấp váp, ngập ngừng mà An Ấp liệt nữ lục là một ví dụ tiêu biểu. Chính tác phẩm này đã đánh dấu sự chuẩn hóa và chuyển hóa trong việc thể hiện cũng như nội hàm của nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại.

3.3. Liệt nữ tà dâm và vưu vật trinh liệt hay là sự phân hóa lí tưởng Nho gia cuối thế kỉ XVIII: Trường hợp Thúy Kiều (Truyện Kiều) và Đặng Thị Huệ (Hoàng Lê nhất thống chí)

3.3.1. Nhân vật liệt nữ giữa hai nẻo Trinh liệt và Tà dâm: Trường hợp Thúy Kiều trong "Truyện Kiều"

Trong hai thế kỉ qua, Truyện Kiều của Nguyễn Du trải qua bao nhiêu thăng trầm, khen chê thì cũng là bấy nhiêu lần nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm này bị bảy nổi ba chìm với những đánh giá gần như trái ngược nhau hoàn toàn về nội dung cũng như về thái độ. Tuy nhiên, một trong những cuộc tranh luận dai dẳng nhất, được nhiều người tham gia nhất, và vì thế cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều nhất lại liên quan đến “nữ hạnh” của Kiều. Có ý kiến xếp Kiều vào hàng liệt nữ,

nhưng có không ít người coi Kiều là một biểu tượng của tà dâm. Từ độ lùi thời gian


của ngày hôm nay, người đọc có thể phần nào giải đáp câu hỏi ám ảnh suốt lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều trong hai trăm năm qua: “Thúy Kiều của Nguyễn Du: Nẻo đến Vũ nương hay đường về Võ hậu?”41.

Truyện Kiều của Nguyễn Du được viết dựa trên Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và lấy bối cảnh là xã hội Trung Quốc những năm Gia Tĩnh triều Minh. Tuy rằng đến lúc đó tầng lớp thị dân ở Trung Quốc khá phát triển nhưng tình hình xã hội nói chung vẫn đóng khung trong những khuôn khổ xưa cũ mà điều luật “Phàm đào kép diễn tạp kịch (…) đóng thần, tiên, đạo và nghĩa phu, tiết phụ, con hiền, cháu thảo, khuyên người làm việc thiện thì không cấm” [162, tr.374] trong Luật Đại Minh là một ví dụ tiêu biểu. Có lẽ vì thế mà trong Kim Vân Kiều truyện, Thúy Kiều được xây dựng thành một hình mẫu “tiệm cận” liệt nữ để chứng minh cho thuyết “ngọc hễ không mài thì không thấy chất rắn” [139, tr.50] và được đánh giá là “lả lơi mà vẫn biết giữ gìn, trong khi biến không sai điều ngay thẳng, phải chăng là người ở trong cảnh dâm mà biết giữ điều trinh? (…) Kịp đến khi cha mắc nạn thì khẳng khái bán mình, không hề kiêng nể. Dù cho quyến luyến người tình cũng chẳng qua mượn mận thay đào, chứ tuyệt nhiên không vì tình mà làm loạn tính” [139, tr.45 - 46]. Có lẽ cũng vì muốn chứng minh cho luận đề đó nên Thanh Tâm tài nhân đã để Kiều phát ngôn một cách rất bài bản ở đầu truyện với Thúy Vân và Kim Trọng bằng một giọng điệu gần như là “lên lớp”. Trước Thúy Vân, nàng lấy tư cách làm chị mà răn đe nhưng cũng “chặn lối” để ngăn em nghĩ đến Kim Trọng. Khi gặp gỡ Kim Trọng thì nàng lại canh cánh việc làm sao “không dẫm vào các vết nhơ của kẻ gian phu dâm phụ, để nêu tấm gương danh giáo cho muôn đời” [139, tr.92] và tự “chấm điểm hạnh kiểm” mình “về phần thanh khiết như băng như ngọc, thì không chịu kém [Hằng Nga] đó thôi” [139, tr.94]. Trước những xúc cảm giới tính dâng trào của Kim Trọng, nàng thừa nhận mình ngăn ngừa cũng là vì “đạo nghĩa bắt buộc” [139, tr.98] chứ không phải “cố tình làm ra kiểu cách” [139, tr.103]. Thú vị hơn, chính Kim Trọng lại dụ dỗ Kiều bằng những lời lẽ khá lạ lùng: “Nàng ôi, việc này ta thấy liệt nữ đời xưa cũng làm nhan nhản ra đó, nhẽ đâu chỉ riêng có


41 Vũ nương : Vũ Thị Thiết; Võ hậu: Võ Tắc Thiên đời Đường (Trung Quốc).


nàng lại bảo không nên?” [139, tr.104] khiến Kiều phải mất mấy lần biện bạch. Điều này chứng tỏ các “quân tử” thích rao giảng đạo đức nhưng khi cần có lợi cho mình lại ra sức bác bỏ chính thứ đạo đức do mình rao giảng. Sau mười lăm năm lưu lạc, Kiều trở về với gia đình, chính Kim Trọng đã làm “luật sư tinh thần” cho Kiều, giúp Kiều thanh thản với quá khứ trong niềm tin rằng “có khi không giữ được mình mà vẫn cho là trinh tiết, có khi tấm thân bị nhục mà vẫn cho là tiết trinh” [139, tr.440] và mối tình của nàng dành cho chàng Kim là “mối tình trinh liệt” để rồi vui cảnh lứa đôi mà lại “cứ việc vong tình” [139, tr.449] sống nốt phần đời còn lại. Nếu nhìn từ hệ quy chiếu “thánh nhân vong tình” thì lúc ấy Kiều không chỉ là một liệt nữ đơn thuần mà đã là một thánh nữ.

Cho đến nửa sau thế kỉ XVIII, Nho giáo đã có một lịch sử thâm nhập khá lâu dài ở Việt Nam. Đến lúc này, Nho giáo vẫn được các tầng lớp, tập đoàn chính trị dùng để duy trì ổn định xã hội và củng cố địa vị của mình. Cho đến nay, vẫn chưa xác định được rõ ràng thời điểm ra đời của Truyện Kiều, nếu chỉ xét trong bản thân tác phẩm và sự vận động nội tại của nhân vật thì Thúy Kiều của Nguyễn Du, vốn thoát thai từ Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm tài nhân, cũng là một nhân vật có biểu hiện hướng tới những giá trị đạo đức của Nho giáo kể từ phần mở đầu của tác phẩm, đặc biệt là những giá trị đạo lí liên quan đến nữ hạnh. Cách nói năng, thưa thốt của Kiều, do đặc trưng trữ tình của truyện Nôm nên cũng phần nào bớt “lên gân” so với Thúy Kiều trong nguyên truyện, tuy nhiên nội dung thông điệp thì gần như không hề thay đổi:

“Dù khi lá thắm chỉ hồng,

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha”42.

Thúy Kiều dè dặt, e lệ và khá bị động trong tình yêu, đó cũng là một biểu hiện phục tùng các chuẩn mực của xã hội nam quyền43. Nếu như Vương Thúy Kiều của


42 Dẫn chứng thơ Nguyễn Du trong luận án dẫn theo: Nguyễn Thạch Giang - Trương Chính (Biên khảo và chú giải) (2001), Nguyễn Du - Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

43 Quẻ Trạch Sơn Hàm trong Kinh Dịch được giảng rằng: “Đoái là thiếu nữ ở trên, Cấn là thiếu

nam ở dưới. Cảm nhau thân thiết không gì bằng thiếu nam, thiếu nữ. Cảm nhau thì tất hanh thông. (…) Thiếu nữ ở trên, thiếu nam phải hạ mình xuống cầu cạnh thiếu nữ; hồi mới gặp nhau thì phải vậy; chứ nếu thiếu nữ cầu cạnh thiếu nam thì là bất chính, không tốt” [98, tr.311].

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 18/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí