Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 16


những ghi chép kiểu “Năm Minh Mạng thứ 8 được ban biển ngạch nêu khen” [142, tr.518] (Nguyễn Thị Ý), “Thiệu Trị năm thứ 6 (1846) được nêu khen” [144, tr.464 - 465] (Lê Thị Nhuận),… nhưng cũng không hiếm những lời bình cụ thể nhân danh số đông, nhân danh xã hội dành cho nhân vật (tất nhiên vẫn nằm ở cuối truyện và thường được đặt trước phần tinh biểu của triều đình) như “làng xóm đều khen là tiết hạnh” (Nguyễn Thị Ý), “người đều khen là tiết tháo” (Phan Thị Đốc), “người ta cho là nghiêm mẫu” [144, tr.473] (Nguyễn Thị Thuần)… Rất hiếm trường hợp như Vũ thị (Thanh Hóa) phần lời bình “Ai nghe cũng thương” [144, tr.470]) được để ở cuối

truyện, vô tình hay cố ý bỏ qua chi tiết nêu khen của triều đình57 khiến truyện có vẻ

“đời” hơn, câu chuyện về nhân vật được kéo về gần với ý vị nhân sinh, phần nào giữ khoảng cách với mục tiêu đạo lí ban đầu của người kể chuyện. Sự thương cảm mà những người xung quanh dành cho Vũ thị, rất có thể, đã mang màu sắc cảm thương cho một số phận, một thân phận và đậm màu nhân tính. Tuy nhiên, trường hợp truyện về Vũ thị chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với “người người, lớp lớp” còn lại trong Đại Nam liệt truyện. Ngay trong những truyện có đôi chút phá cách về hình thức như truyện về Đỗ tiết phụ thì cảm hứng khen ngợi, chia sẻ và tán đồng vẫn là chủ yếu. Trong truyện này, sau khi kể về Đỗ tiết phụ, các sử gia lại kể ngược về bà nội của chồng và mẹ chồng Đỗ tiết phụ đã từng hai đời kiên trinh thủ tiết như một minh chứng cho truyền thống gia đình đã có tác động mạnh mẽ lên bà như thế nào. Cách kể này có đôi chút đột phá so với cách kể theo tuyến thời gian của sử truyện truyền thống và thêm vào đó tác giả không đợi đến khi kết thúc câu chuyện mới đưa ra bình luận về nhân vật mà ngay từ những hành động nhỏ lẻ của nhân vật tác giả đã đưa ra nhận xét của mình. Khi kể chuyện bà kiên quyết cự tuyệt kẻ loạn dâm, sử thần đã bình luôn rằng: “Cứng rắn tiết liệt đại loại như thế” mà không đợi đến khi kết truyện mới bình. Những lời bình đó tuy không dài, cũng không phải là một thứ trữ tình ngoại đề đáng để lưu tâm nếu như so với những thành tựu của văn học hiện đại, nhưng nhìn từ sự vận động của văn xuôi trung đại thì nó có một ý nghĩa nhất


57 Những phụ nữ được nêu khen trong lịch sử nhà Nguyễn lên tới 310 người, sử sách có ghi rõ năm được nêu khen, trong khi đó, số được tinh tuyển trong Đại Nam liệt truyện chỉ có 59 người, đương nhiên họ thuộc diện được nêu khen, có điều Đại Nam liệt truyện đã bỏ qua chi tiết ấy.


định, đánh dấu sự xuất hiện của người kể truyện. Thêm nữa, ngoài việc đánh dấu “gương mặt kẻ khác”, những lời bình này sẽ mang lại vinh quang cho nhân vật, những nhân vật nằm trên đường biên của sử học và văn học nhưng vẫn nghiêng về phía sử học nhiều hơn. Điều những lời bình này hướng tới là vai trò xã hội của nhân vật, khen họ là “trinh tiết”, “tiết tháo”, “hiền”, “nghiêm mẫu”, “hiền phụ”… đã bỏ qua con người cá nhân, con người riêng tư trong bản thân họ, chỉ khai thác khía cạnh chức năng, phận vị, coi họ là con người của đạo lí luân thường.

Như một lực lượng tiên phong của văn học chức năng, văn chương giáo huấn,

Liệt nữ truyện 列女傳 (Đại Nam liệt truyện) đã mở đường cho những làn sóng đương thời và kế tiếp trong mạch nguồn những sáng tác về liệt nữ. Cho đến năm 1897, triều đình còn có cơ hội ban thưởng cho 38 tiết phụ của chỉ riêng một huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và ban thưởng cho Phạm Đình Toái (1817 - 1901) vì “Đình Toái ngày thường thích làm việc phúc đức, khắc in sách dạy làm điều thiện, diễn dịch ca từ để tiện cho người mới học (như các sách Hiếu kinh, Luận ngữ chính văn tiểu đối, Đại Nam quốc sử diễn ca Giác thế kinh, Phản tính đồ), lại biên tập truyện tiết phụ ở một huyện, tuy là hiếu sự nhưng cũng có quan hệ với phong hóa (…)” [157, tr.301 - 302]. Nếu như không đề ra tiêu chuẩn quá cao, ở Việt Nam cũng có hẳn một hệ thống truyện về liệt nữ trong suốt sáu thế kỉ, trong đó, tự thế kỉ XIX đã tạo nên tính hệ thống của nó từ Đại Nam thực lục sang Đại Nam nhất thống chí Đại Nam liệt truyện rồi đến một loạt các truyện nhỏ lẻ, phân tán đương thời. Mạch liệt nữ truyện này được mở ra và nối dài trong các truyện Nôm, cả truyện Nôm tài tử giai nhân và truyện Nôm bình dân, trong đó rất nhiều truyện đều xuất hiện một nhân vật nữ mang dáng dấp liệt nữ hoặc dám hi sinh tính mạng để bảo toàn tiết nghĩa, hi sinh một cách dứt khoát, quyết liệt đến bạo liệt, chứ không băn khoăn, suy tính như Thuý Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong Nhị độ mai, tác phẩm “ra đời vào nửa đầu thế kỉ XIX sau Truyện Kiều và trước truyện Lục Vân Tiên” [47, tr.5], nhân vật Hạnh Nguyên cũng vì chữ Trinh mà đã gác chữ Trung (xơ cứng không kém) sang một bên. Sau này, đến Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu), Kiều Nguyệt Nga (người có số phận khá giống với Hạnh Nguyên trong Nhị

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.


độ mai) cũng là một mẫu hình đi từ trinh nữ đến tiết phụ rồi liệt nữ khá chuẩn mực, đủ để cho tác giả gửi gắm mệnh đề “Trai thời trung hiếu làm đầu, - Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” [46, tr.31 - 32]. Khi bị cướp, nàng ứng xử như một trinh nữ, không lo sợ cho tính mạng mà lo sợ việc “Lâm nguy chẳng gặp giải nguy, - Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi” [46, tr.48]. Khi nghe tin Vân Tiên chết, nàng ứng xử như một tiết phụ (Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi) và khi bị ép đi cống Phiên vương, nàng ứng xử như một liệt nữ. Hành vi tiết liệt của Kiều Nguyệt Nga là sản phẩm của sự giáo dục, của lịch sử, của kí ức cộng đồng bởi trước khi đi đến quyết

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 16

định đó nàng đã nghĩ đến cả Vương Chiêu Quân và Hạnh Nguyên. Đoạn thơ “kinh điển” trong Lục Vân Tiên miêu tả cảnh Kiều Nguyệt Nga nhảy xuống sông tự tử58 đã gây ấn tượng mạnh cho độc giả dẫu sau này Nguyệt Nga biết rằng làm vậy là trái mệnh vua, phải nhờ Vân Tiên về “tạ tội” trước rồi nàng mới dám trở về. Sự quyết liệt của Nguyệt Nga khiến một số nhà nghiên cứu không ngần ngại xếp Nguyệt Nga vào hàng “liệt nữ” nhưng vẫn cho rằng Nguyễn Đình Chiểu “đã cho con thuyền nghệ thuật của mình chở có phần quá tải những nguyên lí đạo đức. Một số nhân vật

đã nhân danh đạo đức, có khi đến đức độ cực đoan” [223, tr.382]. Có lẽ Kiều Nguyệt Nga là một sự phản ứng của Nguyễn Đình Chiểu đối với những nhân vật như Thúy Kiều xuất hiện trước đó. Sự quyết đoán của Nguyệt Nga cũng là sự quyết đoán của các liệt nữ trong Đại Nam liệt truyện, là hành động đi cùng niềm tin như một thứ bản năng không cần biện giải. Chính vì thế nên trong Lục Vân Tiên các nhân vật nam (về cơ bản) cũng chia làm hai nhóm: Một nhóm phản diện có Bùi Kiệm “máu dê”, Đặng Sinh con quan huyện “thấy con gái đẹp cưỡng gian không nghì”, Võ Công định làm mối Thể Loan cho Tử Trực… và một bên là Vân Tiên “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái, ta là phận trai” [46, tr.46], là Hớn Minh vật Đặng sinh xuống đất “bẻ đi một giò”, là Tử Trực sẵn sàng từ chối Thể

Loan và mắng Võ Công bội bạc59… Cũng phải nói thêm rằng, Nguyễn Đình Chiểu


58 “Vân Tiên anh hỡi có hay, - Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng. - Than rồi lấy tượng vai mang, - Nhắm dòng nước chảy vội vàng chảy ngay” [46, tr.156].

59 Ý kiến của Đặng Thai Mai cho rằng “thời đại Nguyễn Đình Chiểu là thời đại suy đồi của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, thời đại đạo đức lễ giáo bị khinh rẻ” [112, tr.77] chưa hoàn toàn đúng.


và các tác giả khác của truyện Nôm phải mượn các môtip dân gian, phải dùng đến phép màu siêu nhiên để cứu sống liệt nữ của mình. Kết thúc có hậu của truyện Nôm dù sao vẫn không phải là bản chất của kiểu liệt truyện về liệt nữ, kiểu truyện muốn đẩy nhân vật của mình đến tận cùng những giới hạn của thử thách về tiết hạnh. Nhân vật được thần, Phật cứu sống nên khó thấy được tính bi kịch của hành vi tuẫn tiết, hay tác giả không thích kết thúc bi kịch? So với truyện Nôm, Truyền kì mạn lục thực hơn, tiến bộ hơn, cảm xúc mạnh hơn. Đó là điểm khác nhau giữa văn học bác học và văn học chịu ảnh hưởng dân gian, dù đó cũng là cái dân gian vay mượn cảm hứng đô thị từ tiểu thuyết Minh - Thanh.

Trong mạch truyện Nôm có xuất hiện kiểu nhân vật liệt nữ, tiết phụ nối tiếp mạch nguồn của liệt nữ truyện trong Đại Nam liệt truyện, có lẽ Trinh thử là truyện đặc biệt nhất. Đặc biệt vì đây là truyện Nôm không quá dài, chỉ có bốn nhân vật, thêm nữa lại có rất nhiều đối thoại và vấn đề Trinh được nêu lên ngay trong tiêu đề của truyện. Khi khảo sát, Trần Văn Giáp đã xếp tác phẩm vào nửa sau thế kỉ XIX và coi nó là bản dịch Nôm của Đông Thành trinh thử truyện. Lấy bối cảnh năm Long Khánh đời Trần, cả truyện có 850 câu thì từ câu 39 đến câu 542 (hơn 500 câu) miêu tả cuộc đấu lí giữa Chuột Đực và Chuột Bạch, một tỉ lệ vô cùng cao cho các đối thoại trong một truyện Nôm hơn nữa chỉ là đối thoại của hai nhân vật. Trước kia, có nhà nghiên cứu cho rằng truyện viết ra nhằm “lên án thói gian tà của bọn giàu sang quyền quý trong xã hội phong kiến, và đề cao nhân nghĩa đạo đức, đề cao những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ” [205, tr.681] nhưng nhìn từ góc độ khác thì đó lại là một tiếng nói của bản năng, của dục vọng, của đời sống vật chất, đời sống thân xác đòi đối thoại với đạo lí Nho giáo, dù rằng ở cuối cuộc tranh luận nó vẫn thua tâm phục khẩu phục. Những lí lẽ của Chuột Đực đưa ra không phải là hoàn toàn vô lí. Việc Chuột Bạch tuyên ngôn “Chữ rằng: “Tòng nhất nhi chung” - Gái hiền thờ chỉ một chồng chẳng hai” và xác định “Phận đành cho ả họ Tào, Mong sân hòe được thanh tao là mừng” [205, tr.686 - 687] chứng tỏ Chuột Bạch đã quyết theo gương tiết liệt của Tào thị thời Tam quốc (Trung Quốc). Chuột Đực nhắc đến những “xuân bất tái lai”, “kinh quyền”, “xử biến”, “ấm no”, “ngọt bùi”… còn Chuột Bạch


lại nói tới “tòng nhất”, “đạo cả lẽ hằng”, “tạo đoan”, “phong hóa”, “tiết nghì”, Lân kinh, Mao giản, “sử xanh”, “bia miệng”, “cương thường”, “giới sắc”, “đá vàng”, “danh tiếng”… Điều đặc biệt nữa trong Trinh thử là tác giả khai thác những khía cạnh rất đời thường như chuyện ghen tuông, lòng tin vào luật nhân quả báo ứng...

Không những thế, qua lời Chuột Cái, truyện còn khai thác câu chuyện sinh lí, bệnh lí và pháp lí, dẫu cho đó là một thứ pháp lí ở cấp độ lệ làng60. Truyện đã đặt ra vấn đề tòng quyền về trinh tiết hay tòng quyền về chính trị nhưng việc xuất hiện kèm những bài thơ Đường luật chứng tỏ nhu cầu ngôn chí của tác giả rất mạnh. Lập luận của Chuột Đực dựa vào kinh nghiệm dân gian, trải nghiệm cá nhân và một chút kiến

thức lịch sử (Lã hậu - Tự Cơ) nhưng không mạnh mẽ và ồ ạt bằng lí luận dựa vào kinh điển của Chuột Bạch. Tuy nhiên, theo quan niệm cũ, Chuột Đực không phải là nhân vật phản diện hoàn toàn. Trên một số phương diện, Chuột Đực vẫn được người xưa bênh vực.

Trong mạch truyện Nôm có sự tham gia của kiểu nhân vật tiết phụ liệt nữ, có thể kể đến Phạm Tải - Ngọc Hoa61 Tống Trân - Cúc Hoa. Bị Trang vương bức ép, Ngọc Hoa đã thể hiện sự tiết liệt của mình một cách mạnh mẽ, nhất quán dẫu nàng vẫn trân trọng những cơ hội sống. Người đọc khó có thể tưởng tượng ra rằng một người con gái “cởi mở” đến mức “Thoắt nằm thì thoắt chiêm bao, - Như chàng hiền sĩ đã vào phòng hương” [205, tr.96] lại là người có những hành vi tiết liệt đến thế sau này. Việc Ngọc Hoa hủy hoại nhan sắc của mình (Tóc mai rủ rối, mực bôi má

đào. - Trút hài chân để gói vào, - Áo thì xộc xệch giọt cao giọt dài. - Trút vòng tay, bỏ hoa tai, (…) - Cầm dao rạch mặt máu dòng chảy ngay) [205, tr.104]) hay việc nàng tuyên ngôn “Lấy uy mà ở hiếp lòng, - Thời tôi tự vẫn cam lòng cho phu” [205, tr.114] mang dư âm rất lớn của Đại Nam liệt truyện. Hành động “Ngày ngày ngồi ở bên ngoài, - Đêm thời mở nắp quan tài vào trong. - Đá vàng khăn khắn một lòng, - Cổ tay lại gối đầu chồng như xưa. - Chẳng tanh, chẳng thối, chẳng dơ, - Hãy còn


60 “Chiếu chăn nào có hững hờ, - Mà như voi đói mà vơ dông dài. - Quen mùi bận khác ăn chơi, - Có ngày cũng được như ai ghẻ tàu. - Bấy giờ khốn đổ cho nhau, - Miệng kềnh gọi chó, tay mau đuổi ruồi. - Ví dù lầm phải vợ ai, - Dòng sông bè chuối mới hay cho đời” [205, tr.711].

61 Bản in sớm nhất hiện còn của Phạm Tải - Ngọc Hoa còn có tên là Ngọc Hoa cổ tích truyện, Tự Đức nhị thập tứ niên (1870), Thịnh Văn đường tàng bản, TV.KHXH. AB.60.


vẻn vẹn như xưa chẳng dời” [205, tr.115 - 116] cùng với việc “Khăng khăng nàng quyết một lòng, - Cầm dao lá trúc xuyên thông ngang hầu” là sản phẩm của một tư duy duy ý chí và vượt khỏi ngưỡng tâm lí của người đọc thông thường, mang màu sắc tỏ chí rất rõ. Kết thúc truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa (Trang vương bị bỏ vạc dầu, Phạm Tải và Ngọc Hoa được cải tử hoàn sinh, Phạm Tải lên làm vua Chu quốc) mang dấu ấn cổ tích rất rõ, không chỉ là phần thưởng cho nhân vật trong truyện mà còn là phần thưởng cho người nghe. Cùng với Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân -

Cúc Hoa62 cũng mang màu sắc cổ tích, khác hẳn với những ghi chép tín sử của Đại

Nam liệt truyện dù truyện lấy bối cảnh làng An Cầu, huyện Phù Hoa (nay là xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Điểm đặc biệt là nhân vật Cúc Hoa mới “mười ba tuổi còn thơ” [205, tr.137] mà suy nghĩ giống như một người trưởng thành. Khi chồng đi sứ mãi không về, Cúc Hoa bị cha ép gả cho một người có thế lực trong làng, nàng đã ứng xử khiến vua Tần phải khen “Trẻ thơ biết đạo tam tòng xưa nay” [205, tr.162]. Cũng trong Tống Trân - Cúc Hoa, việc biện thuyết về vấn đề thủ tiết cũng khá đậm (Cắm sào mà đợi nước sâu, - Hoa tàn nhị rữa còn đâu má hồng). Việc Cúc Hoa nhất quyết “Nhược bằng có thác ta nay theo chồng” [205, tr.175] hay “Để thiếp thác xuống tuyền đài, - Nuôi chàng đi học thi tài âm cung” [205, tr.175] và “Nàng dâu gửi lạy mẹ già, - Để xin thác xuống làm ma theo chồng” [205, tr.176] chứng tỏ nàng đã thuộc về một truyền thống bền vững và lâu dài. Sự xuất hiện của những liệt nữ trong truyện Nôm này chứng tỏ sự chia sẻ của tầng lớp nho sĩ bình dân và người đọc bình dân với đám nho sĩ hiển đạt và đám công chúng tinh hoa trong triều đình. Vấn đề danh phận, thân phận được quy định khá rõ ràng như năm 1866, triều đình quy định nếu như có cùng một sự trạng tiết liệt như nhau thì vợ thứ, vợ lẽ phải hạ xuống một bậc (ưu xuống bình, bình xuống thứ, thứ xuống thưởng 6 lạng bạc và không được xếp hạng). Việc hi sinh nhân cách của đám bình dân cho “danh tiết” của quý tộc không phải là không có. Ngay trong Lục Vân Tiên, nhân vật Sở vương khi biết tình đầu câu chuyện Nguyệt Nga đi cống Phiên đã trách


62 Bản in chữ Nôm Tống Trân - Cúc Hoa sớm nhất hiện còn là năm Duy Tân thứ 8 (1914) có tên

Tống Trân tân truyện nhưng trên thực tế có thể có những bản in xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX.


“Thái sư trước chẳng lo lừa, - Thiếu chi dân thứ phải đưa tới nàng” [46, tr.186]. Năm 1804, khi nêu khen Nguyễn Thị Kim, Đặng Đức Siêu cho rằng “Nguyễn Thị Kim tuy không ví như dân thường nhà quê, mà hay giữ vẹn được mình, tiết nghĩa khá khen, xin cho biển ngạch để nêu khen” [146, tr.615]. Danh hiệu tiết liệt quý giá đến mức năm 1891 Miên Trinh dâng tập tâu xin thưởng biển ngạch và bài đeo các hạng cho các công chúa hiếu nghĩa (công chúa An Thường), có văn học (công chúa Quy Đức, công chúa Lại Đức), lại xin giao cho Sử quán sao lục truyện của các công chúa để tỏ rõ việc khuyến khích phong tục. Khi bàn, “Nội các duyệt nghĩ quốc triều bàn lệ ban thưởng người trinh tiết hiếu thảo đều là cho những người nhà nghèo mà gắng sức giữ được tiết tháo nên vâng lệnh biểu dương để khuyến khích phong tục, còn như phong hóa của hoàng gia chưa thể lấy lệ của bình dân mà bàn” [157,

tr.139]63.

Từ góc nhìn của nữ quyền, có thể thấy sự tồn tại của mẫu hình nhân cách liệt nữ chứng tỏ sự ích kỉ của đàn ông trong xã hội Việt Nam thời Nguyễn đã đạt đến đỉnh điểm. Từ chỗ có vai trò quan trọng như vậy, liệt nữ đã là một đề tài lớn không chỉ cho văn xuôi mà của cả thơ ca giai đoạn này, trở thành một nguồn cảm hứng sáng tác. Nguyễn Thị Kim có rất nhiều thơ ca, đối trướng phúng viếng còn được ghi trong Quốc sử di biên. Còn tiết phụ Nguyễn Thị Hai ở Hà Nội thì được truy nêu năm 1879 vì “chồng chết, liều bỏ đời sống, hoàn toàn tiết nghĩa, người trong hạt bỏ tiền lập đền thờ; các thân hào làm thơ ca phúng viếng, khen là trinh tiết, từng đã 10

năm” [153, tr.383]64. Thực tế, cũng có lúc triều đình và các nhà nho có một số

“phản tư” về vấn đề này và một số vấn đề có liên quan chưa kể những sáng tác mang đậm màu sắc hài hước của Hồ Xuân Hương như Bỡn bà lang khóc chồng, Dỗ người đàn bà chồng chết… “chống lại tập quán tính dục ích kỉ của người đàn ông” [194, tr.164]. Triều đình không phải không biết rằng sự nêu khen và ban thưởng sẽ

63 Không gian sinh tồn và không gian hoạt động của các liệt nữ trong lịch sử và trong văn học chủ yếu là ở nông thôn. Nông thôn là thành trì bền vững của mọi thứ lề lối, luật lệ xưa cũ so với thành thị là nơi dễ tiếp thu những cái mới, phi truyền thống.

64 Có tất cả 12 cơ sở thờ tự các liệt nữ, tiết phụ mang tính đại diện được ghi lại trong: Ngô Đức Thọ

(Chủ biên) (1993), Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, NXB Khoa học xã hội - NXB Mũi Cà Mau, Hà Nội - Cà Mau). Ở đây, việc thờ cúng là phần thưởng cho vong hồn người tiết liệt, góp phần chứng minh cho thuyết nhân quả, báo ứng.


sinh ra đua tranh để đạt được sự khen thưởng đó như Minh Mạng đã từng thừa nhận vào năm 182865. Sự va chạm với phương Tây trong đó có sự xuất hiện của Thiên Chúa giáo khiến nhà Nguyễn phải nhìn lại một số giá trị dù rằng trên thực tế họ hoàn toàn chưa hiểu kĩ về đối phương. Montesquieu (1689 - 1755) cho rằng đạo Thiên Chúa hầu như không thể nào có chỗ đứng ở Trung Hoa bởi “những buổi lễ cầu nguyện, đưa phụ nữ vào nhà thờ liên hệ với cha cố, thú tội thầm thì, xức dầu thánh, truyền bá tục một vợ một chồng v.v… tất cả đều đảo lộn phong tục tập quán

của nhân dân và đảo lộn cả tôn giáo cũng như pháp luật của Trung Hoa” [115, tr.151] và ông lí giải chế độ nam tôn nữ ti của Trung Hoa như sau: “Đế quốc Trung Hoa được kiến tạo trên tư tưởng cai trị gia đình. Nếu giảm bớt quyền uy người cha trong gia đình thì sự kính trọng đối với quan cai trị cũng giảm sút vì quan là “cha mẹ của dân” [115, tr.152]. Có thể thấy, trong xã hội đó, triều đình sử dụng làng xã để kiểm soát các cá nhân. Trong bài văn tế Nguyễn Thị Kim, tác giả có nói về việc “Tiếng thơm vang tới triều đình, Nêu khen vẻ vang làng cũ” [209, tr.80] vậy trong cộng đồng còn ai muốn can ngăn người phụ nữ tự tử nữa khi mà sự tuẫn tiết của họ mang lại vinh dự cho xóm làng? Cho đến cuối thế kỉ XIX, trong Đề Vũ điện từ Vũ thị liệt nữ thần miếu thi, Nguyễn Khuyến đã viết: “Lập từ tinh tiết hồn nhàn sự - Thùy vị giai nhân tả bất bình?” (Dựng đền thờ, biểu dương tiết hạnh đều là những việc làm vớ vẩn - Ai vì người đẹp mà viết nên nỗi bất bình)” [Dẫn theo: 126, tr.45 - 46] có lẽ cũng là một cách để phản tư trước phong trào sùng bái trinh tiết và nêu khen liệt nữ của triều đình khi đó. Trong quá trình biến những nhân vật có thực thành những nhân vật của sử học rồi thành những nhân vật của thời đại, triều

Nguyễn không phải không có lúc mỏi gối chùng chân66.



65 “(…) Phàm cái người trên thích là chính đáng mà người ta còn hi vọng hùa theo (…) cho nên người làm vua ham thích không nên thiên (…)” [147, tr.786 - 787].

66 Năm 1864 triều đình nêu thưởng người con gái hiếu ở Quảng Bình là Đoàn Thị Triệu không lấy chồng, ở nhà nuôi bố mẹ biển ngạch 1 tấm, trong khắc 4 chữ “Trinh hiếu khả phong” thì rõ ràng việc để nêu khen là “hiếu” nhưng điều được đưa lên trước trong biển nêu khen lại là “trinh”. Năm

1897 nhân việc ban biển ngạch cho Nguyễn Thị Viên (Hưng Hóa), triều đình bắt đầu đẩy gánh nặng kinh tế về phía các tiết phụ, ai không đủ sức thì quan tỉnh mới giúp đỡ và Dương Thị Thực là người đầu tiên được áp dụng quy chế này vào năm 1902.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022