Vưu Vật Khuynh Quốc Với Kết Cục Tiết Liệt Ngoài Dự Kiến Của Nhà Nho: Trường Hợp Đặng Thị Huệ Trong "hoàng Lê Nhất Thống Chí"


“nuông chiều” quá. Có lẽ bắt nguồn chính từ quan niệm nhân bản về con người mà ông đã tiếp thu một số chi tiết, dù khá nhẹ nhàng, của nguyên truyện để miêu tả tình yêu Kim - Kiều, một tình yêu đã có sự đan cài của yếu tố thân xác, một điều luôn khiến giáo điều Nho giáo cảm thấy bị trêu ngươi, hơn thế dù miêu tả Kiều ở một số giai đoạn có dáng dấp liệt nữ nhưng ông lại rất hiện đại khi “cấp hạn ngạch” tưởng chừng không giới hạn cho Kiều trong tình yêu mà không có cảm giác phải “lách luật”. Phan Ngọc cho rằng: “Nguyễn Du chứng minh người ta có thể cùng trong một lúc có nhiều mối tình khác nhau về tính chất. Kiều yêu Từ Hải, nhưng vẫn có thiện cảm với Thúc Sinh, và vẫn nhớ Kim Trọng” [121, tr.168]. Không phải ngẫu nhiên mà trong Kĩ nữ sử của Từ Quân và Dương Hải do Thượng Hải văn nghệ xuất bản xã (Trung Quốc) xuất bản năm 1995 có rất nhiều đoạn được trích dẫn từ Kim

Vân Kiều truyện47. Kiều muốn trong sạch nhưng lại rơi vào nơi bị coi là dơ bẩn nhất

trong xã hội. Kiều muốn quyên sinh để bảo toàn danh tiết nhưng lại tin vào định mệnh rằng mình chưa thể chết vì còn “nặng nợ má đào”. Những mâu thuẫn đó khiến hình tượng Thúy Kiều cả trong nguyên truyện và trong Truyện Kiều của Nguyễn Du trở thành đa diện hơn, hấp dẫn hơn. Việc xây dựng Thúy Kiều theo mô hình liệt nữ với hai phẩm chất nổi bật là trinh - hiếu đã thể hiện phần nào quan điểm thiên nhân tương cảm của các tác giả, hỗ trợ cho kết thúc có hậu của câu chuyện. Tuy nhiên, để tạo cơ sở cho việc Thúy Kiều phải chịu mười lăm năm lưu lạc thì việc để nàng “mang lấy một chữ tình, khư khư mình buộc lấy mình vào trong” là một “điều kiện đủ” bổ sung vào “điều kiện cần” là gia biến. Không gian gia đình, không gian quê hương lúc này không chỉ là điều kiện đảm bảo cho sự an toàn về mặt thân phận của Kiều mà còn đảm bảo cho Kiều có điều kiện bảo vệ danh tiết của mình so với không gian lưu lạc. Việc yếu tố Võ hậu trong đời Thúy Kiều của Nguyễn Du có vẻ mờ nhạt hơn so với nguyên truyện cũng thể hiện phần nào quan



47 Xem thêm: Từ Quân - Dương Hải (2001), Lịch sử kĩ nữ, Cao Tự Thanh dịch, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.


niệm thẩm mĩ của Nguyễn Du48. Dù vậy những phản ứng của giới bạn đọc tinh hoa đã nói lên tính hai mặt của công chúng văn học giai đoạn này. Có thể hùa theo Minh Mạng, Tự Đức hoặc ra vẻ ngông nghênh, khác người nhưng về cơ bản họ đều tin vào điều mình nói.

3.3.2. Vưu vật khuynh quốc với kết cục tiết liệt ngoài dự kiến của nhà nho: Trường hợp Đặng Thị Huệ trong "Hoàng Lê nhất thống chí"

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

Nhìn lại việc đánh giá nữ hạnh của nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta dễ liên tưởng đến nhân vật Đặng Thị Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí. Nếu coi đây là một tác phẩm được viết bởi các thế hệ khác nhau trong Ngô gia văn phái từ quãng 1787 đến 1861, có thể đoán định phần viết về Đặng Thị Huệ được hoàn thành trong khoảng cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX, sát ngay với những biến cố liên quan tới nhân vật. Với một thái độ miêu tả “khách quan, không vồ vập một ai mà ngụ ý khen chê rất rõ” [168, tr.366], tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã bắt đầu bằng sự kiện “Đặng Tuyên phi được yêu dấu đứng đầu hậu cung” để mở ra những xung đột chính trị cung đình và biến động của xã hội Việt Nam thời đó.

Dưới ngòi bút của Ngô gia văn phái, Đặng Thị Huệ xuất hiện trong hoàn cảnh ít tạo được thiện cảm với người đọc đương thời, nếu không muốn nói là ác cảm, bởi chính nhan sắc và con đường thăng tiến của mình. Trong một xã hội coi mĩ nhân là của cấm, là điềm gở, hẳn Đặng Thị Huệ không được các nhà đạo đức (giả hiệu và chính hiệu) hoan nghênh bởi ngoại hình của Thị Huệ không phải một thứ dung nghi đoan chính mà là kiểu ngoại hình dễ gợi lên cảm xúc giới tính của người khác phái, ở đây là Tĩnh vương Trịnh Sâm: “Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng,

Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại - 14

bèn tư thông với ả” [123, tr.12]49. Phạm Tú Châu từng cho rằng: “Miêu tả sinh động


48 Nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du, dù có được “hoán cốt đoạt thai” ra sao đi nữa thì vẫn rất gần với nhân vật Thúy Kiều trong nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Quan trọng là Nguyễn Du có hứng thú và đã tiếp nhận sự “lưỡng phiến” đó.

49 Dịch Trung Thiên đã tổng kết rằng trong xã hội truyền thống Trung Quốc, những người phụ nữ xuất hiện với đầy đủ đặc trưng của nữ giới (mà ta hay gọi là “nữ tính”) thường bị coi là “dâm phụ”


vẻ kiều mị dễ đắm người của nàng [Đặng Thị Huệ] và, tuy ngoài mặt chê bai nó, lên án nó nhưng vẫn phải thừa nhận thế lực vô song của nó đối với người khác giới là nét đặc sắc mới mẻ về khắc họa tính cách nhân vật của tác giả Hoàng Lê nhất thống chí, đồng thời cũng là nét thay đổi trong nhận thức tình cảm của tác giả nhà nho thời đó” [20, tr.120]. Thị Huệ gần như được định hướng là nguồn gốc của mọi xung đột quyền lực phe nhóm trong phủ chúa và nhan sắc của bà là một thứ “quyền lực mềm” được tận dụng tối đa. Thị Huệ là người biết phát huy lợi thế và không phải lợi thế đó không có tác dụng. Việc tác giả miêu tả Thị Huệ giận dỗi Trịnh Sâm sau khi được cho xem viên ngọc dạ quang Trịnh Sâm mang từ Quảng Nam về rồi quyết định “cấm vận” Trịnh Sâm, ra ở cung khác không chịu gặp chắc chắn khiến nhiều nhà nho “nóng mắt” nhưng thực ra đó là một cách “dầu lòng nũng nịu nguyệt kia

hoa này” rất nữ tính và hấp dẫn trong mắt nam giới (bên cạnh sự hấp dẫn đã được xác lập từ trước nhờ hình thể, nhan sắc)50. Những chuyện lùm xùm trong quan hệ giữa Thị Huệ và Quận Huy không rõ có thực hay không nhưng những đàm tiếu của người đời qua câu ca dao “Trăm quan có mắt như mờ - Để cho Huy quận vào sờ chính cung” là một minh chứng cho thái độ của xã hội cũng như các nhân vật khác

trong Hoàng Lê nhất thống chí đối với nhân vật này. Trong thực tế, ngay việc Đặng Thị Huệ là một “gà mái gáy báo sáng”, cùng Quận Huy nhiếp chính, cũng mang lại cho bà ít nhiều ác cảm trong cái nhìn của đàn ông. Đúng như nhận xét của hai nhà nghiên cứu người Trung Quốc (Từ Kiệt Vũ và Lục Lăng Tiêu): “Tác giả [Hoàng Lê nhất thống chí] không dùng thủ pháp điển hình hóa để xây dựng nhân vật mà dùng phương pháp ngụ bao biếm (ngụ ý khen chê) rất thông dụng của các sử gia Trung Quốc, chú trọng miêu thuật ngữ ngôn và hoạt động của nhân vật, rất ít miêu tả ngoại hình và tâm lí nhân vật. Do đó hình tượng nhân vật trong sách này người đọc không thể nắm bắt ngay được mà chỉ đến khi kết thúc mới có thể luận định” [Dẫn theo: 187, tr.287]. Đến khi Tĩnh vương Trịnh Sâm lâm chung (tháng 9 năm 1782), Thị



với ba đặc điểm chung là “mĩ”, “dâm” và “độc”, phù hợp với quan niệm “Vạn ác dâm vi thủ” và “Tối độc phụ nhân tâm” [241, tr.64].

50 Nếu cho rằng đây là sáng tạo của tác giả thì chứng tỏ Thị Huệ đã được “chăm sóc” khá kĩ bởi không phải nhân vật nào trong Hoàng Lê nhất thống chí cũng được miêu tả sinh động như thế.


Huệ đã khóc lóc một mực đòi chết theo. Ở đây, không phải nhân vật “lột xác” hay “biến hình” mà là nhân vật đang sống với đầy đủ những khía cạnh của con người họ. Việc làm của Thị Huệ lúc đó có thể là sản phẩm của hoàn cảnh (tang sự bối rối), của sự cộng hưởng tâm lí đám đông giữa phụ nữ với nhau (mẹ Trịnh Sâm cũng “nức nở, sụt sịt” dù rằng người đọc không rõ bà thương xót con ruột hơn hay lo lắng cho tương lai ngôi chúa của Trịnh Tông hơn) khiến Trịnh Sâm cũng phải mủi lòng nhắn nhủ với Thùy trung hầu: “Sau khi ta qua đời, các ngươi phải khuyên giải chính cung cho khéo, chớ để nàng liều mình. Vạn nhất nếu không ngăn cản nổi ý chí của nàng, thì cứ để nàng chung thuyền với ta mà đưa đi, cho nàng được hầu hạ ta ở nơi lăng tẩm” [123, tr.36 - 37]. Ở phát ngôn này, Hoàng Lê nhất thống chí đã ghi lại được (hoặc sáng tạo ra) một chi tiết rất đắt. Cùng ghi lại sự kiện này nhưng Lịch triều tạp kỉ của Ngô Cao Lãng chỉ viết: “Sau khi ta chết, các ngươi nên khéo yên ủi cho chánh cung Đặng thị được nguôi lòng, đừng để [chánh cung] liều thân hoại thể. Ví bằng [chánh cung] cứ quyết chí, không ngăn được thì nên sắp sanh chở cùng một thuyền đem về táng bên mộ ta” [92, tr.495]. Như vậy, điểm khác của Hoàng Lê nhất thống chí là ghi lại lời của Trịnh Sâm chấp nhận nguyện vọng của Đặng Thị Huệ, ở tình huống không thể can ngăn được, sang thế giới bên kia tiếp tục nghĩa vụ “hầu hạ (…) ở nơi lăng tẩm”, nhưng điểm giống là cả Trịnh Sâm và các quan đại thần, quan trọng hơn là chính bản thân Trịnh Sâm cũng không muốn tìm một phương án can ngăn Thị Huệ tới cùng mà coi việc bà nguyện chết theo là chuyện đương nhiên. Thêm nữa, có thể trong cuộc sống thường ngày Thị Huệ đã có những biểu hiện “trung, trinh” nhất định trong tính cách, hành vi, khiến Trịnh Sâm đưa ra quyết định này.

Sau những sóng gió của cuộc đời, của những biến động trong cung đình cũng như ngoài xã hội, Thị Huệ bị mẹ con Trịnh Tông trả thù bằng đòn roi và phỉ nhổ. Trong ngày giỗ đại tường của Trịnh Sâm, bà đã tìm đến cái chết bằng thuốc độc. Khi nghe chuyện này, Nguyễn Hữu Chỉnh đã nói: “Chết được đấy! Ta tưởng Tuyên


phi chỉ có nhan sắc, không ngờ lại có tiết liệt như vậy” [123, tr.97]51. Lời nói của Hữu Chỉnh thể hiện ba thông điệp: Thứ nhất, Nguyễn Hữu Chỉnh tán thành hành vi tìm đến cái chết của Đặng Thị Huệ; Thứ hai, đem đối lập (gần như là thế) giữa nhan sắc và tiết liệt hoặc ít nhất là giữ quan niệm “đã là người có nhan sắc thì khó (hoặc không) giữ được tiết liệt”; Thứ ba, định vị hành vi của Đặng Thị Huệ là “tiết liệt”, “giữ tiết”. Nhìn lại hoàn cảnh của Đặng Thị Huệ khi đó, có nhiều lí do để khiến người đàn bà này nghĩ quẩn: chồng chết, con chết, bản thân bị trù dập và sỉ nhục, tương lai mù mịt. Như vậy cái chết của Thị Huệ có thể là do một quan niệm về tiết liệt nhưng cũng có thể là do tâm lí phẫn uất mà ra. Có lẽ tác giả Hoàng Lê nhất thống chí không hoàn toàn mất thiện cảm với nhân vật này nên khi có dịp là ra tay để “cứu vãn hình ảnh” cho Đặng Thị Huệ. Do đó, cái chết của Đặng Thị Huệ vừa gợi nên sự xót xa, thương cảm vừa gợi lên sự kính trọng và nể phục đối với đương thời dù nó không có tính hệ thống. Đối với Đặng Thị Huệ, cũng như đối với nhiều nhân vật khác trong tác phẩm này, thái độ của tác giả không hẳn mang tính tiên niệm mà được biểu hiện cụ thể qua từng giai đoạn, qua từng sự kiện mà nhân vật đó tham gia. Đến Người đàn bà trinh tiết ở Thạch Thán, Vũ Trinh ghi được cả lời nói của bà (Chết không phải là việc khó. Nhưng nếu ta chết thì cha mẹ già đôi bên sớm tối biết dựa vào đâu!), ghi lại năm bà được biểu dương (1766) và năm tác giả đến thăm bà theo lối thực mục sở thị (1782). Dẫu tán đồng hành vi thủ tiết nhưng phần Lời bình của Vũ Trinh (có ý nhắc đến chuyện thân xác, chuyện kinh tế, chuyện quy luật tâm sinh lí của con người) chứng tỏ tác giả đã khá cận nhân tình.

Nhìn từ mạch vận động của loại hình nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại, Thúy Kiều là một liệt nữ có nhan sắc, có cả tài cầm kì thi họa, còn Đặng Thị Huệ chỉ đơn thuần là một người có nhan sắc, một thứ nhan sắc thuần túy, và “cứu rỗi” nhan sắc bằng hành vi (được coi là) tiết liệt. Rõ ràng, đến giai đoạn này, “người ta vẫn tiếp tục ghi chép về các nhân vật liệt nữ, song cái mới không thể bỏ qua là sự xuất hiện những kiểu phụ nữ thiết tha với quyền sống thân xác” [187,


51 Lịch triều tạp kỉ cũng chép lời của Hữu Chỉnh: “Chết thế là được lắm, ta tưởng Thị Huệ chỉ là một gái có nhan sắc, chứ không ngờ lại biết giữ tiết như vậy!” [92, tr.544].


tr.102] và trong đó đại diện tiêu biểu là Nguyễn Du đã “vượt qua chủ nghĩa dân bản và nêu những vấn đề nhân bản một cách sâu sắc” [187, tr.549]. Ở đây có sự thỏa hiệp giữa hai phạm trù Thân và Tâm, có sự giảng hòa giữa lí trí và bản năng trong mỗi nhân vật. Việc đánh giá Thúy Kiều của Nguyễn Du là Vũ nương hay Võ hậu xuất phát từ bản thân cách nhìn của nhà nho về mô hình người phụ nữ. Theo Phan Ngọc, việc mô tả tình yêu trong Truyện Kiều đã “sinh chuyện” một phần vì “luôn luôn gắn liền với yếu tố thể xác” [121, tr.162]. Nếu theo định nghĩa về “chủ nghĩa

nhân đạo” của Viện sĩ Vônghin52, Truyện Kiều là một bước tiến của văn chương

trong việc hướng tới những giá trị nhân đạo vì con người để rồi tiếp tục một bước lùi dài vô tận trong giai đoạn sau với Liệt nữ truyện trong Đại Nam liệt truyện. Có thể tìm thấy sự đồng vọng với Thúy Kiều trong cả những nhân vật vừa tiết nghĩa vừa tài tình lại gặp nhiều trắc trở như người ca kĩ họ Nguyễn trong Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh (1759 - 1828). Việc đánh giá Thúy Kiều nhằm vào phương diện quan trọng nhất trong tu dưỡng đạo đức theo quan điểm Nho gia là kiểm soát bản năng, đặc biệt là bản năng tình dục, một trong những bản năng gốc có nguy cơ trở thành bất trị lớn nhất của con người nếu không được kìm cương. Những truyện Nôm tương tự Truyện Kiều bị cấm đoán ở nửa sau thế kỉ XVIII do tội “dễ khiến người say”, “hại thay thói thuần” trong con mắt của một Trịnh phủ (phần nào vẫn mang căn tính võ biền, và lại không hề “chính thống”) thì sang thế kỉ XIX trong mắt các ông vua nhà Nguyễn (chữ nghĩa đầy mình, Nho phong thấm đẫm, vô cùng chính thống) dường như trở thành vô hại mà điển hình là Kiều và Truyện Kiều lại được đề cao. Ngay cách nhìn của người đương thời, cụ thể là của hai chính thể, đã vô cùng trái ngược, và trong chính vua tôi nhà Nguyễn lại có sự bất đồng. Câu trả lời là không thể nhất phiến, không thể lưỡng phân khi đánh giá Thúy Kiều của Nguyễn Du bởi bản chất “lửng lơ” của nhân vật này. Kiều vừa là thế này, vừa là thế kia, không là thế này cũng không là thế kia. Kiều chỉ có thể là chính mình, vì đó là sự tái tạo một câu chuyện có nguồn gốc Trung Hoa dưới bàn tay của Nguyễn Du, một tài


52 “Chủ nghĩa nhân đạo là một học thuyết đạo đức và chính trị, coi việc giải phóng những năng lực và thỏa mãn những nhu cầu lành mạnh của con người ở ngay trên trần thế chứ không phải trong một thế giới hoang tưởng nào đó, làm mục đích cuối cùng của mình” [Dẫn theo: 224, tr.121 - 122].


năng cơ hồ đi trước thời đại của mình quá xa mà người đương thời chê là chưa hiểu ông đã đành nhưng người khen cũng chưa chắc đã hiểu đúng ông và thế giới nghệ thuật mà ông dụng công xây dựng.

Tiểu kết Chương 3: Sau khoảng hai trăm năm, kể từ khi Truyền kì mạn lục ra đời và đi vào thể hiện người liệt nữ là nạn nhân của bất bình đẳng giới, của loạn li, khẳng định sự thắng thế nửa vời của Nho giáo, nhân vật liệt nữ chỉ xuất hiện thoáng qua đây đó trong thơ đề vịnh và một số tác phẩm diễn ca lịch sử như Thiên Nam minh giám, Thiên Nam ngữ lục để rồi xuất hiện trở lại trong Truyền kì tân phả. Ở tác phẩm được coi là Tục truyền kì này, nhân vật liệt nữ là một liệt nữ thời bình, không phải là nạn nhân của loạn li, cũng không phải là nạn nhân trực tiếp của bất bình đẳng giới, liệt nữ An Ấp được thể hiện trong một mô hình liệt truyện mở rộng dưới vỏ bọc truyền kì, được tái tạo và sáng tạo dưới một bàn tay nữ giới thể hiện sự chuyển đổi từ Trung sang Trinh, từ Tình sang Tính, đồng thời cũng góp phần mở đường, báo hiệu cho sự xuất hiện của mẫu người tài tử - giai nhân trong văn học Việt Nam trung đại.

Nối tiếp sự vận động đó, nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều (Nguyễn Du) và Đặng Thị Huệ trong Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái) đã làm “mềm” hình tượng liệt nữ bằng những chi tiết đời thường, bằng nhan sắc “hoa ghen, liễu hờn”, khuynh đảo triều chính của bản thân mình thậm chí họ đã từng bị lên án là dâm phụ. Tính đa diện trong nhân cách, ứng xử của họ đã bổ sung cho mô hình liệt nữ truyền thống và nằm trong dòng văn học nhân đạo chủ nghĩa cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX lúc bấy giờ. Nếu như Thúy Kiều còn là một nhân vật văn học vay mượn thì Đặng Thị Huệ đã là một nhân vật lịch sử Việt Nam đi vào ghi chép lịch sử và sáng tạo văn chương. Điều đó thể hiện sự phong phú trong bản thân mỗi con người của thời đại đó để trên cơ sở ấy sản sinh ra những nguyên mẫu cho những nhân vật văn học dao động giữa Đạo lí và Bản năng, giữa Trinh liệt và Tà dâm, giữa con người của công thức và con người thực với những khát vọng đầy tính nhân bản mang hơi thở của thời đại.


Chương 4: NHÂN VẬT LIỆT NỮ

TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG ĐẠI THẾ KỈ XIX

4.1. Sự lên ngôi của nhân vật liệt nữ chính thống trong nỗ lực phục hưng Nho giáo thế kỉ XIX: Trường hợp nhân vật liệt nữ trong Đại Nam liệt truyện và Truyện Nôm

4.1.1. Sự quy phạm hóa một mô hình nhân cách trong thời kì phục hưng Nho giáo dưới triều Nguyễn qua “Đại Nam liệt truyện”

Trong lịch sử Việt Nam trung đại, cho đến cuối thế kỉ XVIII, do không có sự ủng hộ kịch liệt và định hướng mang tính cưỡng bức của các chính thể chuyên chế, việc thực hành các quy chuẩn của đạo đức Nho giáo chưa bao giờ diễn ra một cách đồng nhất giữa các vùng miền và hiếm có những biểu hiện đạt tới cực đoan. Sự ra đời của triều Nguyễn (1802) đã “bổ khuyết” rất nhiều cho lịch sử thực hành Nho giáo tại Việt Nam. Chính từ đây đã xuất hiện những mẩu chuyện viết về trinh nữ, tiết phụ, liệt nữ xuất hiện dày đặc trong sử sách của triều đại này, đặc biệt là trong Đại Nam liệt truyện, tạo nên một lịch sử dở dang nhưng đậm nét của mảng “liệt nữ truyện” trong văn học sử Việt Nam trung đại như là nỗ lực quy phạm hóa một mô hình nhân cách qua con đường tạo dựng và truyền bá văn học chức năng.

Khi viết sử, các nhà nho tự đặt mình trong một “trường” tinh thần mà ở đó yếu tố hư cấu bị nén xuống, nhưng vì là sử dưới dạng liệt truyện nên có mở lối cho những sáng tạo, dù là trong khung khổ. Đại Nam liệt truyện là công trình tập thể của Quốc sử quán triều Nguyễn, được chia làm hai phần Tiền biên và Chính biên.53 Tuy có quá trình biên soạn kéo dài nhưng mô hình nhân cách của các tiết phụ, liệt nữ được đề cập trong đó có một sự tương đồng khá mạnh. Điều đầu tiên gây ấn tượng

cho người đọc là hầu hết các liệt nữ đều xuất hiện như những biểu tượng hơn là những hình tượng cụ thể, những con người bằng xương bằng thịt như các nhân vật

53 Sở dĩ đến giai đoạn này chúng tôi mới khảo sát một cách hệ thống bộ phận liệt truyện trong chính sử vì đến đây bộ phận liệt truyện (cụ thể là Liệt nữ truyện 列女傳) mới có quy mô đủ lớn để trở

thành một đối tượng nghiên cứu chuyên biệt.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2022